Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

Xóm Cù Là - Sơn Nam

 

Sơn Nam– Một góc nhìn văn hóa | nguvandhag 

sơn nam


Xin tạm giải thích cái địa danh ấy. Dân trong xóm sống vui vẻ tập trung tại Ngã Tư, nơi gặp gỡ tự nhiên của hai con rạch cong queo và dùng đến ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Miên, tiếng Triều Châu.

Các vị bô lão cho biết: xưa kia, vài người mộ đạo đã cất ngôi chùa tại Ngã Tư. Một vị tướng nhà Nguyễn có tá túc tại chùa, dâng cho chùa một tượng Phật nhỏ mà ông đã thỉnh tại xứ Cù Là, lúc bôn ba hải ngoại. Các vị bô lão còn nói rõ: gọi là Cồ Là mới đúng sách vở, Cồ Là tức là xứ Miến Ðiện giáp ranh Xiêm La.

Nhân vật nổi danh nhứt ở xóm Xù Là tên là Trần Hanh. Ông ta là chức cai tổng, có ruộng đất khá nhiều. Ðiền đất được giao cho người khác bao thầu, với số lúa phỏng định là mười ngàn giạ. Do đó, ông không tiếp xúc trực tiếp với đám tá điền. Vợ lớn của ông chết sớm để lại cậu Hai và cô Ba. Ông cai tổng Hanh ít khi có mặt tại xóm Cù Là. Dường như ông thăm viếng luân phiên ba bốn nàng hầu thiếp ở những vùng xa cách xóm Cù Là hàng ba bốn chục cây số.

Về mặt khai phát đất hoang, giúp đỡ dân chúng thì ông cai tổng Trần Hanh đã ghi thêm vài nét hơi đậm trên bản đồ xóm Cù Là. Ông mướn người đào kinh, xẻ ngang thửa ruộng, giúp tá điền chở lúa dễ dàng từ đồng rượng đến lẫm lúa: đó là"kinh Thầy Cai Hanh" . Lại còn con lộ gọi nôm na là"lộ Thầy Cai Hanh" . Só là vào năm 1936, thầy Cai mua được chiếc xe hơi du lịch hiệuÐờlahay . Ðiều ấy làm hãnh diện cho toàn thể dân chúng trong vùng. Trong lúc thầy cai còn do dự, chưa biết làm cách nào đem xe đến tận nhà tại ngã tư Cù Là, dân chúng thúc hối:

- Thầy cứ mua. Tụi tôi sẵn sàng ra sức đắp con lộ từ đường xe của nhà nước vô tới nhà thầy.

<!>
Chỉ trong vòng bốn hôm, con lộ bề ngang hai thước, bề dài hơn tám thước được hoàn thành, cao nghệu như bờ đê. Chiếc xeÐờlahay trông oai vệ làm sao! Nó giống hệt chiếc xe bò, với bốn bánh có từng cây căm tua tủa. Thùng xe hình vuông trước mũi có chưng hình đầu con đầm mọc cánh, màu bạc, khi đổ xăng là vặn con đầm ra. Ngày nay, xe hơi biến hoá tiến đến những hình dáng huê dạng hơn, giống như con rùa, con chim, con cá nược. Các bạn dưới hai mươi tuổi cứ tra các quyển tự điển là gặp kiểu xe cổ lỗ"vang bóng một thời" ấy.

Chiếc xe ấy bị hư, trước khi thầy Cai Hanh chết. Và thầy cai Hanh chết tại xóm Cù Là, trước khi việc tống táng người chết được nâng lên hàng tiểu công nghệ với những cửa hiệu chuyện nghề bao thầu quan tài, tẩn liệm. XeÐờlahay hư máy, nằm tại nhà, không được ai mua theo kiểu"ve chai" . Và việc tống táng thầy cai Hanh - lúc bấy giờ - trở nên rắc rối. Nếu hồi còn sống thầy cai đào kinh, đắp lộ điểm tô nét nhỏ trong bức địa đồ xóm Cù Là thì lúc chết - sau khi tắt thở - được vài phút, thầy cai bắt đầu đóng vai trò lịch sử trong xóm nhỏ, với cái xác nặng hơnbảy mươi ký lô (chi tiết này rất quan trọng). Muốn mô tả lại, không gì tốt hơn là dùng phương pháp..."chép sử" ngày qua ngày mà các phóng viên mặt trận hồi Ðệ Nhị Thế Chiến thường áp dụng.

Ngày thứ nhứt: Vào khoảng bốn giờ chiêù, cai tổng Trần Hanh tắt thở. Già thì chết, con người ai cũng chết một lần. Ông mang bệnh nan y - bệnh đau ruột - từ lâu, ông hy vọng được kéo dài thời gian sống, nhờ kỹ thuật điều trị của các bác sĩ Tây và ta ở Sài Gòn. Ðến giờ chót, cái chết ấy quá đột ngột, một sự đột ngột nho nhỏ nằm trong cái phạm vi bình thường to lớn.

Ông nhắm mắt, sau khi làm"xung" chừng ba phút. Chẳng ai khám nghiệm thi hài ông, nhưng cậu Hai (con trưởng nam) quả quyết:

- Ổng bị đứt ruột. Năm ngoái, ông bị cắt khúc ruột, bác sĩ Tây ở Sài Gòn nối hai khúc bằng một ống cao su. Vì mệt mỏi và quên thay ống nên cái ống ấy tuột ra, hai khúc ruột không nối liền được. Trễ rồi!

Cậu Hai leo lên cái giường nệm, sờ vào ngực cha. Ngực đã lạnh ngắt. Cậu đánh diêm quẹt và đốt ngọn đèn sáp giữa ban ngày.

Cô Ba cằn nhằn:

- Làm gì vậy? Chưa tẩm liệm tại sao anh đốt đèn cúng vái? Nên giữ đúng tục lệ ông bà, kẻo xảy ra...

Cậu Hai nói gằn:

- Mầy đừng làm bộ. Lát nữa mầy biết. Mầy là em tao, chưa khôn hơn tao đâu.

Cô Ba gạt nước mắt:

- Anh đừng nói vậy! Anh đuổi tôi hả?

Nói xong, cô Ba bước ra khỏi phòng, khóc thật to, khóc quá to. Bọn gia nhân an ủi cô với những câu thường lệ. Cô vào phòng riêng lấy xâu chiềa khoá mở tủ, lục lạo rồi khoá tủ. Ðâu đó xong xuôi, cô ra khỏi cổng, hơi bí mật.

Bên giường nệm của cha, cậu Hai đi tới đi lui, tay cầm ngọn đèn sáp. Cậu đốt vào đầu ngón tay, vào lòng bàn chân của cha. Hỡi ơi! Da thịt người chết... đã chết thật. Nó không phồng lên, giộp da, chứa đựng nước giữa da và thịt. Bàn chân người chết không cựa quậy, mất tất cả cảm giác khi ngọn lửa châm vào.

Cậu Hai tắt ngọn đèn sáp. Ông đại hương cả đến, gương mặt thiểu não. Lẽ dĩ nhiên, ông đại hương cả sẵn lòng giúp đỡ cậu Hai trong việc tẩn liệm và tống táng. Trong một phút xúc động, cậu Hai ngỏ ý rót rượu dâng cho ông hương cả và lạy tạ, cám ơn ông trước khi ông ban ơn. Ông đại hương cả nói:

- Cậu Hai nên lo"giàn ngoài" . Lúc bình sinh, ông cai tổng giao thiệp rộng, quen biết nhiều người, có ơn nghĩa qua lại. Ðây là đám tang của người làm"chức việc" . Tất cả hương chức hội tề mười làng trong tổng sẽ tới bái điếu, quan chủ quận, quan chánh tham biện chủ tỉnh nữa.

- Cháu hứa... báo hiếu tận tình.

Nói cong, cậu Hai trao cho ông đại hương cả một số tiền để mua sắm các dụng cụ cần thiết. Cậu ra khỏi cổng, trong khi cô Ba từ ngoài cổng bước vào sân nhà. Hai anh em lườm nhau, không nói.

Tư Tề là người chuyên lo tống táng ở xóm Cù Là. Năm ấy, Tư Tề gần năm mươi tuổi. Tư Tề lo tống táng, không lấy tiền thù lao. Dưới quyền ông ta, có gần hai mươi cậu thanh niên lực lưỡng, bọn này được tập dượt kỹ lưỡng về kỹ thuật khiêng quan tài ra khỏi nhà, đưa quan tài lên nhà vàng rồi hạ huyệt... một cách êm thắm.

Tư Tề mừng rỡ, đến nhà bọn đệ tử, thúc hối:

- Tụi bay chiều nay tới nhà tao để tập dượt. Ông cai tổng Hanh là người quá mập. Tụi bây dư hiểu: khi chết rồi, vài ba ngày sau, cái xác con người nặng thêm gấp đôi, gấp ba. Lại còn cái quan tài bằng cây trai Phú Quốc. Nặng lắm phải đủ mười sáu đứa mới mong khiêng nổi. Nếu làm xong phận sự, bọn mình được thưởng và được tiếng... thơm lây. Quan chủ quận, quan chánh tham biện và hương chức hội tề của mười làng trong tổng này tới chứgn kiến đó. Cô Ba tới gặp mặt tao, nhờ tao lo dùm. Chôn thật gấp. Chắc là ngày mai, ngày mốt.

Bọn đệ tử của Tư tề chưa phải làđô tuỳ (đạo tỳ) chuyên nghiệp. Tư Tề muốn bắt chúng nó tập dượt suốt đêm. Trước khi thực hiện kế hoạch, ông ta vào quán mua năm lít rượu đế, đưa ra tấm giấy bạc"con công" - năm đồng - số tiền to tát thời bấy giờ. Bỗng nhiên, cậu Hai bước vào quán, nói to:

- Tư Tề! Tiền đâu nhiều dữ vậy?

Tư Tề hơi sửng sốt. Mọi khi, cậu Hai tỏ ra rộng lưỡng đối với kẻ dưới.

Tư Tề đáp, thật thà:

- Dạ, của cô Ba gởi cho tôi. Tôi mua rượu để anh em đạo tỳ tập dượt gấp.

Cậu Hai bỉu môi, cười dòn:

- Cô Ba ngu dại quá, xài tiền không nhằm chỗ.

Người trong quán ngồìm. Tại sao cậu Hai tỏ ra keo kiệt lúc tang gia bối rối? Số tiền năm đồng bạc này chưa phải là nhiều, chưa xứng đáng với công lao của Tư Tề. Cậu Hai nói tiếp, không nhìn vào mặt Tư Tề:

- Cho nó uống rượu, ăn vài miếng thịt vụn là nó khiêng dùm. Tụi dưng quan, tụi đô tùy ưa rượu thịt. Hễ thấy có đám ma là mừng như kiến, như ruồi thấy mật mỡ. Không mời, tụi nó cũng năn nỉ mà bò tới...

Bị chạm tự ái. Tư Tề nói bâng quơ:

- Vậy thì tụi nầy nằm nhà ngủ chơi...

Cậu Hai bước ra khỏi quán.

Chờ khi cậu Hai khuất dạng. Tư Tề lắc đầu nói ba hoa với cử toạ:

- Ðể cho xác cai tổng Hanh hôi thúi tại nhà... mới hả giận tôi. Bà con nghĩ coi. Cô Ba tử tế bao nhiêu thì cậu Hai phách lối bấy nhiêu.

Lão chủ quán mỉm cười:

- Rắc rối lắm. Cậu Hai có tâm sự riêng. Thôi, ông về đi. Chừng nào họ cần tới mình thì mình tới.

Ngày thứ nhì: Xác cai tổng Trần Hanh còn nằm trên giường trong khi ông đại hương cả đi ra đi vào, thúc hối:

- Cậu Hai đừng làm vậy! Ông cai nhắm mắt rồi, con cháu nên sống thuận thảo. Không khéo, ông cai trở mình dưới mộ. Ổng trở mình, cậu ơi!

Cậu Hai đáp:

- Tức mình lắm, bác ơi. Trước khi nhắm mắt, ba tôi còn giấu hai mươi lưỡng vàng trong tủ, do con Ba giữ chìa khoá. Hồi khuya này, con Ba cho biết: trong cái hộp vàng không còn... lưỡng nào cả. Tôi hỏi tại sao? Con ba gẫy gỗ với tôi...

Cô Ba chạy vào:

- Anh đừng nói bậy. Anh là con trưởng nam. Ba để tất cả của cải cho anh. Em là gái, nào biết chuyện gì?

- Mầy không đưa vàng ra thì tao không đồng ý tẩn liệm.

Cuộc trang chấp kéo dài cho đến hừng sáng. Cậu Hai đành nhượng bộ. Mãi xế chiều, bao nhiêu nguyên liệu tẩn liệm đã chuẩn bị đầy đủ. Cái quan tài bằng cây trai đã nằm giữa nhà, nơi phòng khách. Ông đại hương cả thở dài:

- Khổ quá. Chờ đợi quá lâu, bác e rằng nó bay mùi.

Cậu Hai thấy ngoài sân, nơi che rạp, đã xuất hiện quá nhiều thân hào. Họ chờ đợi để phúng điếu bằng... tiền bạc. Số tiền nầ, nhứt định cậu nắm giữ. Cậu nói:

- Xin bác điều khiển tẩn liệm.

Ông đại hương cả nói:

- Phải tẩn liệm cẩn thận. Bác coi rồi... Ðiệu này khó xong.

Bên cạnh quan tài, một số gia nhân lo quết một mớ ổ muối, quết thành bột mĩn, đem trộn với cháo nếp. Họ dùng thứ"xi măng" ấy trét vào đáy quan tài, nơi mấy tấm ván ráp với nhau. Trong đáy hòm, còn đổ thêm một lớptòng chỉ (nhựa thông). Hằng trăm cái kèn đã cuốn sẵn chất đống. Kèn là những gói giấy bên trong chứa gòn. Gòn là chất rút nước, thứ nước từ xác chết xảy ra khi bị biến chất...

Ông đại hương cả lật quyển lịch để xem ngày, xem giờ. Ðã từng sống nhiều năm, ông đại hương cả dư biết sự tranh chấp giữa hai đứa con ông cai tổng Trần Hanh. Cô Ba muốn làm lễ tống táng thật sớm để rồi sau đó, cô ra chợ Rạch Giá, với số vốn hai chục lượng vàng và khá nhiều bạc mặt do ông Cai tổng để lại. Cậu Hai muốn kéo dài thời gian, để quàn cái quan tài lại nhà hòng làm áp lực với cô Ba. Ðồng thời, vì phương tiện giao thông và phương tiện báo tin khó khăn, cậu Hai tin chắc: "nếu quàn suốt nửa tháng thì vẫn còn vô số thân bằng quyến hữu đến điếu. Tổng cộng số tiền ấy... tính đổ đồng mỗi người năm đồng..."

Theo phe nào bây giờ? Ông đại hương cả nói, lưỡng lự:

- Ngày nào cũng tốt, ngày nào cũng xấu. Khi nào cậu Hai và cô Ba đồng ý thì tôi xem giờ để chôn cất. Bởi vì trong ngày tốt có giờ xấu, ngày xấu nhưng nếu động quan nhằm giờ tốt thì mọi sự bằng an.

Xác ông cai tổng đã buộc lại, tấn ém kỹ lưỡng. Số kèn bông gòn dường như dư dùng vì xác ông cai choán gần trọn cái lòng quan tài. Bọn gia nhân trèo lên nắp quan tài, nhún nhảy để ém xuống, trước khi đóng bốn cái khoá sắt: nó giống như bản lề cửa. Nắp quan tài trở thành cái cửa không bao giờ mở ra được vì có đóng bản lề ở hai bên. Ðinh đóng thật chắc, được kiểm soát cẩn thận. Rồi thì nhang đèn cháy không dứt. Dưới quan tài ngay đầu và chân ông cai tổng, bọn gia nhân thay phiên nhau ngồi, đốt liên miên nào vàng bạc, nào bạch đàn, huỳnh đàn. Trước quan tài, đỉnh lư trầm toả khói, bức ảnh ông cải tổng được chưng trên bàn thờ. Qua làn khói người ta thấy dường như bức ảnh biết cười, biết nhăn nhó... mờ mờ nhân ảnh.

Ngày thứ ba: Cô Ba rót rượu mời ông đại hương cả ngõ ý thúc hối:

- Ðể như vầy, cháu đau khổ quá. Thấy cái quan tài, cháu cầm lòng không đậu... Anh Hai của cháu muốn quàn cái quan tài chờ khi nào cháu đem mấy chục lượng vàng ra chia với ảnh, chừng đó ảnh mới cho động quan. Làm sao có đủ vàng? Ba cháu đâu thương con gái bằng con trai...

Ông đại hương cả gật gù:

- Cháu đừng lo. Chôn sớm mà!

Cô Ba chắp tay, cảm tạ tấm lòng ông đại hương cả. Ðến trưa, ông đại hương cả ngủ lim dim chợt nghe tiếng gọi. Ông mở mắt nhìn. Đó là thầy hương quản làng Giục Tượng. Thầy ta đến làm lễ điếu, mặc áo dài, đội khăn đen trông thật chỉnh tề nhưng gương mặt tái mét:

- Ông đại hương cả! Mệt quá. Tôi nín thở mà lạy. Nó... có mùi rồi.

- Thôi đừng nói, thầy có thể qua nhà khác mà ở tạm cho khoẻ khoắn, chờ ngày dudua đám...

- Chừng nào lận?

- Ðừng lo. Cũng gần ngày rồi.

Ðột nhiên, bọn gia nhân nói lên một lượt rồi rời bỏ phòng khách.

- Ðứt néo!

Cậu Hai lắc đầu, đến cầu cứu với ông đại hương cả:

- Bác... giúp cháu. Ðứt néo là làm sao! Tụi gia nhân này... chó chết quá.

Vừa lúc ấy, cậu Hai bắt gặp một thứ mùi khó chịu. Ông đại hương cả lấy khăn che mũi:

- Ðứt néo là cái quan tài xì hơi.

Cậu Hai cằn nhằn:

- Tại trét không cẩn thận.

- Cháu đừng nói bậy mà anh em chòm xóm họ giận. Xưa nay hễ lúc quàn quan tài trong nhà mà anh em xích mích gây gỗ để chia của thì người chết trở mình trong quan tài, sanh ra chuyện đứt néo. mấy cái bản lề còn nguyên nhưng nó xì hơi ở dưới đáy quan tài, nó xì hơi và nó xì ra... nước!

Cậu Hai bước tới nghiêng mình lên bên quan tài. Nước nhểu nhểu từ đáy quan tài xuống nền gạch, thứ nước xanh lè và sôi bọt.

- Trời! Làm sao bây giờ bác? Tất cả mười làng, hai ngày rày, mới có năm làng tới điếu. Còn năm làng nữa, ở xa xôi. Nhứt là mấ người bà con ở ngoài Hòn Tre, sóng gió bất thường, làm sao họ vô trong đất liền được? Ðứa em gái tôi thì ngỗ nghịch. Hổm rày tốn hao khá nhiều. Tiền mua quan tài, tiền rượu thịt... Nếu không gom góp tiền bà con đi điếu thì khó bề xoay xở...

- Cậu đừng lo. Người ta chạy tứ tán hết rồi. Ở đây thanh vắng. Cậu lại gần quan tài kiếm cái nùi giẻ, chùi cho khéo léo. Cậu nhớ nghiêng mình, lom khom... cho thiên hạ tin lời của tôi.

Ðám khách khứa ăn uống đã kéo nhau đến gần mé sông để đổi gió. Ông đại hương cả gọi:

- Bà con ơi! Hế rồi! cứ vào đây cho ấm cứng. Bà con dư biết: hễ xảy ra chuyện đứt néo thì con cái le lưỡi mà liếm để chịu tội với người trong quan tài. Cậu Hai là đứa con chí hiếu dám làm chuyện ấy.

Các quan khác vào trong. Họ thấy cậu Hai và cô Ba đang quỳ lạy, xin lỗi cha. Theo lệnh ông đại hương cả, bọn gia nhân đem thêm bạch đàn, huỳnh đàn, cây tóc... quăng vào lư đồng. Khói bay cuồn cuộn, trở thành bức trường thành ngăn cản luồng ám khí từ quan tài bốc ra. Tuy màn khói khá dày, khá thơm nhưng thỉnh thoảng vài người"thính hơi" đã nín thở. Dường như luồng ám khí tuôn ra từng đợt.

Ðêm ấy, quan khách chạy tán loạn, đâu vào khoảng canh tư. Ông đại hương cả giải thích với cậu Hai:

- Hễ đứt néo một lần thì nó đứt hoài, độ ba giờ đứt một chập. Ðốt trầm hương là chuyện tạm thời, có lỡi gần nhưng có hại xa. Mùi trầm hương đánh tan, che khuất làn hơi ô uế, đã đành. Ngặt nó nóng quá, làm cho người trong quan tài mau"trở mình" . Cháu lo liệu là vừa. Ngày mai này, nếu đốt trầm hương tới xế trưa thì hơi lửa, hơi nắng dồn lại, ắt không chịu nổi.

Ngày thứ tư: Tư Tề nằm trằn trọc, đau khổ như kẻ có tài nhưng chưa được dịp thi thố. Ông ta uống rưọu khan, một mình. Nếu cậu Hai đừng ăn nói hỗn hào thì ông ta đã tình nguyện biểu diễn, là lễ động quan. Ông ta nhớ những giờ phút oai hùng đã qua: đám đô tùy cắm cây nhang trong miệng quỳ xuống lậy như con ếch, theo hiệu lịnh. Rồi ông ta xung phong phá quàn. Cái quan tài quàn trong nhà lâu ngày thì luôn luôn có ma quỉ kéo níu. Ông ta làm phận sự"dưng quan," tức là giành giựt cái quan tài, chống bọn ma quỉ, để đem quan tài ra khỏi nhà. Trên nắp quan tài ông ta yêu cầu chủ nhà đặt một miếng vàng bạc, trên miếng vàng bạch, có chén rượu tràn đầy. Dưới sự điều khiển âm thầm của ông ta, bọn đô tùy khiêng quan tài , khiêng ngay ngắn, không lắc qua lắc lại. Chén rượu không bao giờ nghiêng, rượu nằm im trong chén, miếng giấy bạc vẫn khô ran. Khó nhưng mà dễ! Cứ rót rượu đầy chén vì chén đầy thì ít lúc lắc. Và lúc cầm ngọn đèn sáp để múa men đánh với bọn ma quỉ, ông ta đã khéo léo cho nhểu một giọt sáp vào chén. Giọt sáp ấy đóng vai trò những nhánh cây mà ngưòi gánh nước giếng thường bỏ vào thùng, để nước ít xao động.

Phèn la và trống nổi lên inh ỏi!

Tư Tề thức dậy, tức giận:

- Úy! Mình tẩy chay đám ma này rồi! Ai dám lãnh công việc động quan...

Vài người đi rộn rịp trước nhà Tư Tề. Họ bàn tán:

- Hay lắm. Bà con lối xóm dám liều mạng, bất chấp bịnh tât, tới nhà ông cai tổng lo dùm cậu Hai. Ðể lâu ngày, hơi độc bay ra, cả xóm phải mắc dịch. Ở đầu xóm, cách xa năm bảy trăm thước mà ... mùi bay nhức đầu. Cái hòm bị đứt néo liên miên, chảy nước vàng nước xanh... linh láng.

Tư Tề chạy ra sau hè đi xem "người ta không mời mình tới làm gì." Trên con đường lộ xe, tức là con lộ mang tên thầy Cai, hàng chục thanh niên xỏ đòn ngang, đòn dọc để khiêng quan tài. Mỗi cây đòn dài chừng năm sáu thước, xỏ qua xỏ lại trên vòng dây. Cái quan tài trở thành cái bánh xe, mỗi cây đòn là một cây căm tua tủa. Gió thổi mạnh. Bọn người khiêng quan tài và bọn người đưa đám đều tỏ ra khôn ngoan, hiểu tình thế.

Cái quan tài di chuyển theo hướng gió xuôi, vì vậy, mùi ô uế luôn luôn bay về phía trước. Ðôi khi gió trở ngọn, bọn đô tùy dừng chân, xoay tròn một chỗ. Ðám quan khách cũng xoay tròn để tránh hơi ô uế. Hễ đi được vài chục bước, bọn dod6 tùy như bịn rịn, để quan tài xuống đất. Quan tài bằng cây trai, chứa đựng một người to xác đâu phải là nhẹ. Khi quan tài vừa dudụng mặt đất là bọn đô tuỳ và quan khách chạy dang xa. Cái quan tài nằm cô độc như cục đá, thiếu bóng cây tùng, con cò còn hạc. Lát sau, bọn đô tùy xáp vô, khiêng quan tài lên. Gió lại thổi. Bọn đô tùy xoay trở theo hướng gió. Họ di chuyển theo đường gãy đường con để tránh các hiểm hoạ mất vệ sinh. Lúc thì đầu quan tài đi trước, lúc thì chân quan tài đi trước.

Sau rốt, gần tới huyệt. Cái quan tài được di chuyển theo bề ngang, như con cua bò. Một tràng pháo nổ đì đẹt, vài tiếng súng nổ, ấy là mấy người lính mã tà do làng sở tại phái đến làmlễ hạ gộng .

Từ Tề lủi thủi đến nhà ông cai tổng Trần Hanh, không vui, không hối hận. Gian nhà vắng vẻ quá. Tại gian nhà để xe hơi, Tư Tề nghe tiếng lụp cụp. Năm sáu đứa bé xúm nhau trèo vào xe, cầm tay lái, lúc lắc. Chúng nó bắt chước ông cai tổng hồi thời nào: đạpga xăng , bóp kèn nhưngga xăng không rồ, kèn thì kêu te te. Tư Tề quát to:

- Tụi bây không sợ ổng bắt hả?

Khi lũ trẻ chạy tán loạn. Tư Tề đến nhà xe, nhìn trước nhìn sau rồi vặn cái nắp đậy bình xăng, cái nắp có gắn hình đầu con đầm mọc cánh. Tư Tề nhủ thầm:

- Xe hư rồi, để cái hình này cũng vô ích. Mình đem về để dành, lén lén coi chơi. Vài chục năm nữa, mình gắn nó lên hòn non bộ, coi cũng sướng.

 

Sơn Nam

(từ: vietmessenger)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...