Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Ngã Ba Lòng - Trần Yên Hòa

 CHIM VỀ NÚI NHẠN: GIÁO ĐƯỜNG KỶ NIỆM (HỒNG LĨNH)


tranh đinh trường chinh
 

Cuốc xích lô chở người đàn bà từ chợ Gò Vấp đến chợ Cầu Muối thật bở hơi tai, người đàn bà to mập kèm theo cái giỏ cần xé chất đầy rau cải đặt chễm chệ phía trước làm Ngự ngồi phía sau nhiều khi phải nhướn người lên quan sát, để khỏi phải bị va quệt những người chạy xe bên cạnh. Thành phố Sài Gòn đông nghịt người, xe cộ chạy như một dòng thác ùn ùn bất tận. Khi thả người đàn bà xuống vựa rau xong, Ngự cảm thấy như thoát nợ, người đâu mà keo kiệt, cuốc xe vừa xa, vừa nặng mà trả chỉ mười ngàn đồng, từ khi ra xe buổi tối đến giờ, đây là cuốc xe đầu tiên nên anh chạy đại, thà "bói rẻ hơn ngồi không", nghề xích lô càng ngày càng ế, không tranh dành nổi với xe ôm hoặc taxi.

Ngự đạp xe từ từ về hướng Sài Gòn, đêm gió mát dịu, anh thuê chiếc xích lô nầy luôn cả đêm. Từ ngày đi tù về, gia đình tứ tán, Ngự chỉ còn một thân một mình, buổi tối chạy xe rồi leo lên lên xe ngủ luôn, anh cư trú tại thành phố không ai giám chứa chấp anh, công an khu vực, công an đường phố luôn luôn dòm ngó mỗi nhà dân hằng đêm, với hoàn cảnh của anh, muốn sống ở Sài Gòn được chỉ có việc là sống lang thang, không ổn định, mới qua mặt được công an, anh theo kế sách đó chứ biết làm sao, khi trong tay chẳng có được một tấm giấy tờ nào, chỉ có mỗi một tấm giấy ra trại, mà tấm giấy nầy cũng là một sự bất an.

Ngự cho xe chạy về hướng chợ Bến Thành, anh ngó mông vô cửa chợ, nơi nầy buổi sáng khách đi mua hàng ra vào đông đúc, hàng đoàn xe xích lô đứng dọc hai bên lề đường đợi khách, mắt anh xích lô nào cũng láo liên, có khách kêu xe thì cả hàng chục chiếc xe ào tới, cho nên khách thường trả với giá rẻ mạt, mắt các phu xích lô còn láo liên dòm ngó công an, mỗi khi công an xuất hiện thì họ nhãy lên xe chạy như một đàn vịt, chứ mà để công an bắt được sẽ bị giam xe hay phạt tiền, không gì lo bằng bị lấy mất cái cần câu cơm. Buổi tối khu chợ đã đóng cửa nên bên ngoài trống vắng làm sao, anh thấy không có khách nào lai vãng nên anh chạy thẳng về hướng Thị Nghè, anh nghĩ, nếu ế quá thì anh sẽ ra bến xe miền Đông neo xe ngủ.

<!>
Đạp xe qua đường Thống Nhất, xuống sở Thú, anh biết khu nầy là nơi hoạt động của đám chị em ta, các chi em ta ra đứng đường đón khách, khu đường Hồng Thập Tự trước vườn Tao Đàn buổi tối rộn ràng với đám gái, đám ma cô, đám cò mồi rươc khách, khu Ngô Thời Nhiệm, Đoàn Thị Điểm, Lê Ngô Cát, trong bóng tối rậm rịt thiếu đèn đường, nhiều cô gái đứng đợi một mình. Từ ngày nhà nước có chiến dịch cấm mãi dâm, nhiều động mãi dâm bị bể nên các cô tràn ra đường làm ăn, các cô dùng lối rước khách dã chiến để đối phó lại với công an. Khi Ngự chạy xe đến đoạn ngã tư Thống Nhất - Hai Bà Trưng thì bỗng nghe nhiều tiếng tu huýt nổi lên từ phía sở thú, xe công an chạy rồn rập trên đường, anh biết hôm nay có chiến dịch hốt gái của chính quyền, khi tảo thanh một khu vực nào thì công an sẽ ào đến hốt sạch, thấy cô nào đứng bên lề đường khả nghi là bắt, kèm theo bắt luôn các người buôn bán lòng lề đường nữa, nên ai thấy xe công an cũng sợ, lo chạy đi kẻo bị bắt oan vô tội vạ, còn các cô gái bị bắt thì sẽ bị đứa đi các trường gọi là phục hồi nhân phẩm. Ngự đang suy nghĩ miên man thì từ bên trong lề đường một người con gái chạy ra ngán trước xe, kêu: Xích lô! Anh chưa kịp dừng lại thì cô ta đã nhãy phóc lên và nói mau:

- Công an bố ráp, anh chạy mau cho tôi chút.

Thì ra đây là một cô gái đứng đường thấy công an nên bỏ chạy, anh hỏi lại:

-Cô về đâu vậy?

-Anh quẹo theo ngã Hai Bà Trưng và cho tôi xuống chỗ công viên Lê Văn Tám.

Ngự nói theo:

- Tới đó tiếp tục làm ăn hả?

Cô gái đáp có vẻ hằn học;

- Công an mở chiến dịch mà làm ăn cái gì cha nội, tôi ở chỗ đó mà.

- Đó là công viên mà ở cái nổi gì?

- Ở đại, không có nhà thì ở, có chết con ma nào đâu?

Rồi người con gái sang qua gạ gẩm Ngự:

- Hôm nay ế quá, em mới ra là thấy công an nên chẳng làm ăn gì được cả, rầu thúi ruột đây, anh có đi em không, em lấy rẻ.

Ngự cảm thấy thương hại cô gái, nhưng anh từ chối:

- Tôi đạp xích lô mà có tiền đâu, với lại...

Anh chưa nói hết câu thì người con gái nói lớn:

- Thôi anh dừng lại cho em xuống đây, hôm khác trả tiền hôm nay không có...

Vừa nói người con gái vừa nhãy xuống xe rồi biến vào đám đông trước cổng công viên Lê Văn Tám.

Ngự hậm hực nhưng không nói đưọc lời nào, một cuốc xe công cốc.

° ° °

Hai tháng sau Ngự mới gặp lại cô gái, sau khi bỏ khách ở bến xe miền Đông, anh cảm thấy mệt mỏi, anh bèn chạy xe ra phía khoảng đất trống ngoài bến xe một chút và leo lên xe ngủ, đang thiu thiu ngủ thì bỗng nhiên anh nghe có tiếng đập ở cánh tay:

- Dậy chạy xe đi chớ, ngủ chi sớm vậy, mới mười hai giờ đêm mà.

Anh lồm cồm ngồi dậy thì nhận ra cô gái, anh từ chối liền:

- Cô tháng trước tôi đã chở cô rồi mà cô không trả tiền, nay tôi không chở nữa.

Cô gái cũng ngạc nhiên nhưng như chợt nhớ ra:

- Á, anh chở tôi hôm tháng trước đó hả, lúc đó em không có một đồng trong túi mà đang bị công an rượt nữa, thôi hôm nay chở, em trả tiền luôn cho.

Anh như thấy dịu lòng lại:

- Bây giờ cô về đâu?

- Công viên Lê Văn Tám.

Ngự xuống xe nhường chỗ cho cô gái rồi ra phía sau leo lên yên, kiếp cu li chó má nầy không biết kéo đến bao giờ, cả nước đang đói, biết bao nghề, bao mánh mung, bao lọc lừa của con người đã xãy ra, mà anh cố dằn lòng, cố sống trong niềm hạnh phúc riêng tư của mình là đem mồ hôi ra để đổi lấy bát cơm. Ngự đang suy nghĩ mông lung thì người con gái ngồi phía trước quay người lại hỏi anh:

- Sao anh không về nhà ngủ mà ngủ trên xích lô vậy?

Ngự thật thà trả lời.

- Tôi đâu có nhà. đi cải tạo về không còn ai là thân nhân, tôi trốn vào đây kiếm sống, thuê xích lô đạp kiếm tiền và tôí ngủ luôn trên xe.

- Thế anh cũng đi tù về hả, bị tội gì vậy?

- Sĩ quan chế độ cũ.

- Ba em cũng lính nguỵ đó, ổng cũng bị tù gần ba năm.

- Hồi trước ổng làm việc ở đâu?

- Nghe như ở ngoài Trung, lúc đó em còn nhỏ em không biết, nghe ba em nói như đâu là sư đoàn 2.

- Thì tôi cũng là lính sư đoàn 2 đây, trung đoàn 6, mà ba cô làm gì?

- Thượng sĩ an ninh.

Tự nhiên Ngự thấy vui lên, bất kỳ lúc nào khi nói chuyện với ai nhắc về đơn vị cũ của anh, hình như những lúc đó anh thường được sống trong những hào hùng cũ, của một người trai thời loạn, sự gợi lậi, nhắc lại, làm anh quên đi thân phận của một người đạp xích lô, của một người vô gia cư, tứ cố vô thân như anh hiện tại. Anh vồ vập:

-Vậy ông già bây giờ ở đâu?

- Thì ở với em ở công viên chứ đâu, ba em đi tù, má em ở nhà bỏ đi đâu không biết, em phải sống lang thang, nhà cửa không còn, ba em về tìm em, hai cha con sống lẩn quất, lúc đầu ở dưới mái hiên nhà người ta, bây giờ công viên mới thành lập nên vô đây ở tạm, lấy bạt che ở đó anh, buổi sáng em bán vé số, ba cũng đi bán nhưng ổng bán ế lắm, còn lại em phải bao, nhiều khi bị lổ.

Người con gái nói một hơi, rồi bỗng nghĩ thế nào người con gái giọng chùng xuống:

- Đói quá, mà em thấy thương ba em quá nên em phải đi làm nghề nầy, ba em đâu có biết, anh đừng nói cho ba em biết nghe.

- Tôi đâu biết ba cô mà nói.

- Thì ba em sống ở công viên đó, khi nào anh ghé chơi, ổng gặp những người lính cũ ổng vui lắm.

Xe quẹo đến khúc ngã tư Hiền Vương - Hai Bà Trưng, đứa con gái giơ tay ra hiệu cho anh ngừng lại:

- Anh cho em xuống đây, em trả cho anh 10.000, kể luôn cuốc xe hôm trước.

Tự nhiên anh buộc miệng:

- Thôi, tôi chở giùm cô đó, cô đem tiền nầy về mua cho ông già bao thuốc thơm và ít trà, nói của tôi biếu, hôm nào tôi ghé thăm, biết đâu quen, à mà ông già tên gì vậy?.

- Ba em tên Mẫn.

- Tôi tên Ngự, trung uý Ngự ở trung đoàn 6 bộ binh, đại đội trưởng, cô về hỏi ba cô có biết tôi không?

Người con gái cầm lại tiền rồi chạy biến vào trong bóng tối, trưóc khi đi cô còn quay lại dặn Ngự:

- Anh có gặp ba em thì đừng nói gì với ba em nghe.

° ° °

Cũng gần hai tuần sau, vào một buổi sáng nghỉ chạy xe, Ngự đi xe đạp đến công viên đi tìm gặp ông Mẫn, hình như trong lòng Ngự luôn luôn có những hoài niệm về những ngày tháng cũ, những ngày tháng ở một vùng chiến địa mù mịt khói lửa đạn bom, những vùng đất anh đã từng đi qua, từng dẫn "những thằng con" đi lùng giặc, nơi mà địch quân luôn luôn núp lén bắn sè, nơi mà dưới đất đã được chôn những quả mìn, những chồi cây trơ trụi vì bom đạn của hai bên, anh đã sống chết với "õnhững thằng con"õ suốt mấy năm trời, từ trung đội trưởng, rồi đại đội phó đến đại đội trưởng, anh đã vuốt mặt cho biết bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống, làm sao anh quên được những ngừơi bạn chiến đấu đã một thời đồng cam cộng khổ cùng anh, anh đến tìm thượng sĩ Mẫn hôm nay như một sự tìm về những ngày tháng cũ ấy.

Công viên Lê Văn Tám nguyên trước là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, những ngôi mộ đã được bốc còn loang lỗ với những công trình đang xây dựng, anh bước vào công viên và đưa mắt tìm nơi cư ngụ của ông Mẫn, dân bụi đời vô gia cư sống trong những bụi cây rậm, họ treo võng trên những cây chưa bị đốn ngã, áo quần vứt tứ tung, bừa bãi. Ngự dáo dát tìm để nhìn xem có một khuôn mặt quen thuộc nào không, hay tìm ra khuôn mặt đứa con gái mà trong hai lần anh đã chở cô về, khuôn mặt của đứa con gái cũng nhạt đi trong trí nhớ Ngự. Anh đang loay hoay muốn tìm người để hỏi thì trong tàng cây rậm có tiếng kêu:

- Ông thầy!

Anh quay mặt lại nơi có tiếng kêu thì người đàn ông nằm trên vỗng cũng vụt dậy chạy đến bên anh vồn vả:

- Ông thầy không nhớ tôi sao, tôi là trung sĩ Mẫn của đại đội ông thầy ngày xưa nè!

Anh vui mừng quá, ôm chầm lấy ông Mẫn:

- Anh Mẫn, tôi đang đi kiếm anh đây, tôi nghe nói anh ở đây hôm nay mới đến được, khoẻ không, đời sống sao rồi?

Ngự hỏi liên tiếp vì vui mừng tột độ, không ngờ, chuyện không ngờ lại đến, chính ông Mẫn là người lính cũ của anh, anh nhìn Mẫn và thấy Mẫn nay đã quá già và quá tiều tuỵ, ngày trước, dù là lính của anh nhưng ông Mẫn lớn hơn anh cả chục tuổi, hồi đó anh đã cho ông làm thường vụ đại đội, nên đám lính trẻ thường gọi ông là bố già, ông Mẫn nay đã hom hem quá, còn anh không biết anh thế nào?.

Ông Mẫn lại nói:

- Ông thầy vô đây, đây là nơi công cộng, không nhà không cửa cho nên tôi phải sống ngoài trời, tuần trước nghe con Thắm, con tôi về kể lại có anh nào ở chung đơn vị với ba, tôi cũng ngờ ngợ, may quá mà gặp lại được ông thầy, ông thầy ngồi đây tôi ra kiếm mấy xị đế với chút đồ nhấm về thầy trò mình lai rai chút đỉnh hàn huyên tâm sự...

Ông Mẫn bương bả đi ra ngoài, khoảng 20 phút sau ông trở về với lít rượu dế và một bịch lòng heo, lòng bò, đủ loại. Kê tấm bạt trên cỏ, hai người ngồi nhâm nhi, rượu vào, lời ra, thấm tận trái tim đau đớn rỉ máu của những người thua trận, ông Mẫn kể:

- Tổ cha nó chớ, trước ba mươi tháng tư, tôi chạy từ Quảng Ngãi về đây, nó kêu đi học tập, tôi hạ sĩ quan có dính chút an ninh nên tôi phải đi trình diện, mình thua trận rồi mà trung uý, thế là nó nhốt tôi gần 3 năm đó ông thầy, tôi trở về con mụ vợ của tôi bỏ đi theo trai, bán hết nhà cửa, để con Thắm đi bụi đời, tôi về, tìm được con Thắm đang đi moi bọc nilong kiếm ăn, tôi kéo nó về đây, cha con nương tựa nhau, tôi già rồi đâu có làm ra tiền, bây giờ một mình tay nó gánh vác, tôị nghiệp, con Thắm được cái là có hiếu lắm, nay nhà cửa mất hết phải sống lê lếch như thế này, tôi thương con Thắm quá, không biết làm sao mà nó lấy được chồng được đây.

Ngự nghe ông Mẫn kể, nhìn trong khoé mắt ông thấy có những giọt nước mắt long lanh, người trung sĩ của anh, lúc đó ông còn trung sĩ, ngày xưa gan dạ bao nhiêu, nay nhìn thấy thiểu não bấy nhiêu, anh thấy lòng mình chao động thật sự.
Anh an ủi ông Mẫn:

- Chuyện đời vật đổi sao dời mà, tôi đây cũng vậy, như cái mền rách chứ khác gì ông đâu,. thôi bỏ qua đi, mình gặp lại nhau là vui rồi, dô, dô, trăm phần trăm.

° ° °

Ngự khuyên con Thắm nên bỏ cái nghề đó đi, đi đêm có ngày gặp ma, không công an hốt đi trại Bố Lá thì cũng mang bệnh sida, căn bệnh thế kỷ không thuốc nào chữa khỏi, Thắm nghe lời, nay nó chỉ còn đi bán vé số dạo, còn Ngự hàng ngày đạp xe xích lô, bỏ ống để dành khoản vài ba ngàn để sắm cho con Thắm một xe bán thuốc lá dạo như con Thắm ao ước. Đứa con gái vui hẳn lên, nó không còn nói năng trâng tráo như ngày cũ nữa, Ngự vui mừng là đã làm một việc tốt, vừa giúp cho một người lính cũ của mình, vừa giúp cho một người con gái thoát khỏi con đường nhơ nhớp. Nhìn thấy con Thắm suốt ngày ngồi bên xe thuốc lá, vừa bán thuốc lá, vừa bán vé số, Ngự thấy vui trong lòng. Mỗi khi đạp xe qua chỗ con Thắm bán thuốc, lúc không có khách, anh thường tạt vào thăm chơi, con Thắm hớn hở nói:

-Hôm nay em tính lời gần ba chục ngàn rồi đó anh.

Ngự nhìn Thắm cười vui:

-Khá quá há, vậy là em hơn anh rồi, từ chiều đến giờ anh chỉ chạy được hai cuốc xe, chưa tới mười ngàn.

Thắm nhìn anh, đôi mắt như có lưỡi dao bén ngót:

- Em định làm ở đây một thời gian, khá khá vốn lên một tí thì anh đừng đi đạp xích lô nữa, đạp xích lô mất sức lắm, anh về phụ với em đi chạy hàng, anh lên Chợ Lớn lấy hàng về cho em bán, chứ em lấy hàng ở đây người ta bỏ mối đắc lắm, em sẽ chia lời cho anh, em thấy anh đạp xe em chịu không nổi.

Ngự cảm thấy lòng mình chao đi khi nghe lời tâm sự của Thắm, từ ngày tìm gặp lại ông Mẫn, anh mừng như gặp được người anh em, anh còn ai đâu nên hai người kết nghĩa anh em và hứa cùng lo cho Thắm, anh tự coi như mình là người chú của Thắm, lo cho Thắm được chuyện gì anh cũng không từ nan, có lần anh nói:

- Thắm từ rày về sau kêu tôi là chú nghe chưa, tôi là em kết nghĩa của ông già đó.

Thắm liếng thoắn:

- Không được đâu, em kêu bằng anh quen miệng rồi, với lại kêu bằng chú nghe nó lạ làm sao á.

- Thì cứ kêu đại đi, kêu riết rồi quen chứ gì.

- Anh nói thế thì để em tập, thôi thì khi có mặt ba em, em kêu bằng chú, còn riêng anh với em, em kêu anh bằng anh nghen.

Anh biết Thắm thương mình, tình thương có thể đến bằng tấm lòng từ ái, những lo lắng, những an ủi vổ về, những sẽ chia bất hạnh cho nhau, anh cũng thấy lòng mình rung động với đôi mắt sắc lẽm kia, với giọng nói nũng nịu kia và cả với tấm lòng nữa, nhưng anh vẫn muốn giữ một khoảng cách, để anh tỉnh táo thực hiện ý định của anh, là ra đi, là thoát khỏi đất nước nầy, điều nầy, tự thâm tâm anh biết thôi, anh không tâm sự cùng ai, có thể tất cả những bày tỏ với bất cứ ai lúc nầy là một sự trở ngại, sẽ làm anh chuồn bước.

Cho nên lúc nầy, chính lúc nầy đây, nghe Thắm nói những dự tính tương lai, những dự tính bình thường của một người con gái với một hạnh phúc nhỏ nhoi, tự nhiên anh lo sợ, ngại ngần, Ngự nhìn vào đôi mắt Thăm khi nói ra câu đó, như có một niềm tin thầm kín mãnh liệt về một gia đình êm ấm, một cặp vợ chồng yêu thương nhau, cùng ra sức xây dựng tổ ấm, gánh vác gia đình, Thắm săn sóc anh như một người vợ hơn là một đứa em hay là đứa cháu, anh nghe lòng mình cũng rung lên những cảm giác oà vở, từ lâu lắm rồi, anh đã quên hẳn tình yêu, anh không muốn ràng buộc với ai, tất cả mọi ràng buộc chỉ làm nhụt đi ý chí của anh.
Ngự không nói ra ý nghĩ đó sợ làm Thắm buồn, nhưng trong thâm tâm thì anh đã tự dặn lòng, hãy tìm mọi cách để thực hiện ý định.

° ° °

Và cơ hội may mắn tình cờ đã đến với anh. Môt buổi tối cũng đón khách ở bến xe miền Đông, anh gặp Ngạc, thằng bạn tù cũ, hai đứa mừng hết lớn, hai người rủ nhau vào một quán nhậu bên đường, khi uống đến ly thứ ba thì thằng Ngạc kề tai Ngự nói nhỏ:

- Tau về đây là để ngày mai xuống Bà Rịa đợi chuyến đi, ba tau ở Đà Lạt đã móc nối với người chú dưới đó, mầy muốn đi, đi với tau, anh em mình sống chết cùng nhau.

Vậy là hai người đàn ông ra đi, và Ngự không một lời giả từ ông Mẫn và Thắm, chuyện nầy Ngự coi là dịp may ngàn năm một thuở nên anh không thể bỏ qua, anh bỏ chiếc xích lô lại giữa bến xe miền Đông, cùng Ngạc leo lên xe đò xuống Bà Rịa, một ngày sau hai người lên tàu ra khơi, đứng trên tàu nhìn về phương trời cũ, anh thấy lòng mình nhói đau, lòng anh đang đứng ở ngã ba, ngã ba lòng nào đây và nay anh ra đi là anh đã chọn. Vĩnh biệt ngã ba lòng.

Ngự biệt tin tức ông Mẫn và con Thắm từ ngày đó.

 

Trần Yên Hòa

(từ: vietmessenger)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...