Trần Thị NgH [bút danh khác là Thọ Diên] tên thật là Trần Thị Nguyệt
Hồng, sinh 18/4/1949 tại An Xuyên, Cà Mau. Năm mười tuổi bắt đầu đọc
thơ. Bắt đầu viết văn từ năm 1968.
“Chủ nhật” là truyện ngắn đầu tiên đăng trên Vấn đề năm 1970. Sau đó, lần lượt các truyện ngắn xuất hiện trên nhiều tạp chí khác nhau, như: “Nhà có cửa khóa trái” (Văn, 1972; được đăng lại trong Tuyển tập Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta – hai mươi năm văn học miền Nam 1954 – 1973, [gồm 45 nhà văn], Sóng xuất bản, 1974), “Những ngày rất thong thả” (Văn, 1972), “Hè tiếp tục” (Văn, số xuân năm 1973), “Khoan điệu” (Thời tập, số 15, 1974)… Sau 1975, truyện ngắn của chị tiếp tục xuất hiện trên các tạp chí Thư quán, Da màu, Người Việt, Ăn mày văn chương… Các sách đã xuất bản của chị gồm có: Những ngày rất thong thả (Trí Đăng xuất bản,SàiGòn,1975;Truyện ngắn Trần Thị NgH (Nxb.Văn nghệ, California, Mỹ, 1999); Nhà có cửa khóa trái (Nxb. Văn nghệ, Mỹ, 1999); Lạc đạn và mười truyện ngắn (Nxb. Thời Mới, Toronto, Canada, 2000), Nhăn rúm (Thi văn Hồng Lĩnh xuất bản, Pháp, 2012), và ba tập truyện Nhăn rúm, Nhà có cửa khóa trái, Lạc đạn (Phương Nam liên kết Nxb. Hội Nhà văn, Sài Gòn, 2013).
Lạc Đạn là một truyện vừa, được nhà văn Trần Thị NgH viết cách đây hơn 40 năm, nhưng mãi tới năm 2000 mới xuất hiện đầu tiên trong tập sách Lạc đạn và mười truyện ngắn, Nxb. Thời Mới, Toronto, Canada, 2000 và hội ngộ cùng độc giả ở Sài Gòn với lần in thứ hai do Phương Nam sách (2013). Truyện được viết từ năm 1968. Đặc biệt, sau 1968, dân chúng Sài Gòn bắt đầu chứng kiến cảnh chiến tranh ngay chính trong thành phố, máy bay lượn trên đầu khắp mọi quận huyện và lệnh tổng động viên bắt đàn ông phải đi lính. Hầu hết gia đình nào cũng có người đi lính. Các bà mẹ ủng hộ việc con trốn lính bằng cách giấu dưới hầm hoặc nuôi trong lu, hoặc ủng hộ việc con hủy hoại thân thể (cắt ngón tay cái hoặc hai đốt ngón trỏ của tay phải…) để khỏi bị đi lính. Và sau rốt, người dân cảm thấy cuộc chiến kéo dài vô tận và không trông mong điều gì được. Một người viết trẻ mới đôi mươi, không khỏi rúng động và suy tư về sự tang thương ấy. Có lẽ, đây phần nào là lý do khiến Trần Thị NgH bắt tay vào viết truyện vừa này. Vì vậy, “nó gần như tự truyện”.(1)
<!>
Ở đây, Lạc đạn là biểu tượng cho súng ống, cho chiến tranh. Mỗi
cuộc chiến nổ ra, mọi gánh nặng đau thương lại đè nặng lên những người
phụ nữ bé nhỏ. Và mãi vẫn là một đối cực như thế: người con trai giết
người, người con gái làm tình, sinh con. Rồi chính những người đàn bà ấy
lại trở thành những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng và những
đứa con mất cha. Sau mỗi cuộc chiến, tàn dư của nó để lại rất nặng nề,
và người chịu thua thiệt nhất và hậu quả nặng nề nhất vẫn là những người
phụ nữ. Họ tuy không phải là những người cầm súng nhưng lại bị lạc đạn,
bị trúng miểng và những vết thương vào tận xương cốt ấy sẽ đi theo suốt
cả cuộc đời, thậm chí còn kéo dài qua nhiều thế hệ.
Lạc đạn còn gợi ta tới mũi tên hòn đạn, và hòn đạn lại tượng
trưng cho dương vật của đàn ông hay sự thống trị của nam giới nói chung.
Chính cái xã hội lúc đó, nơi đàn ông ngự trị, tự cho phép mình cai trị
phụ nữ và xem họ như một món hàng thân xác. Ở trong cái xã hội ấy, người
phụ nữ bị rẻ rúng từ lúc ấu thơ cho tới khi trưởng thành. Có thể thấy,
nhân vật chính trong truyện là Nguyệt được khắc họa rất đậm nét với tính
cách mạnh mẽ, can đảm, độc lập, đương đầu với mọi tình huống ngay cả
khi bị “lạc đạn”. Chính lẽ đó, cô rất cô đơn, và bị cô lập với đời sống
thực tại xung quanh. Qua ngòi bút tài hoa, sắc nét của Trần Thị NgH các
nhân vật nam hiện lên tương phản với nhân vật chính với đầy đủ những
tính xấu: từ yếu đuối, say xỉn, bủn xỉn, ngạo mạn, ích kỷ…; chính họ là
những người đã phần nào tạo nên đời sống đầy bi kịch của Nguyệt, của mẹ
Nguyệt, hay đúng hơn của những người phụ nữ Việt nói chung.
Truyện gồm 7 chương ngắn, trải dài đời sống của nhân vật Nguyệt. Nguyệt
là trăng. Nguyệt cũng là ½ tên tác giả. Như một người bị lạc đạn và
trúng miểng, Nguyệt sống trong sự nhức nhối, quằn quại và cô đơn từ lúc
ấu thơ cho tới khi trưởng thành. Và rồi số phận cô cũng chẳng thay đổi
gì khi tất cả những người đàn ông đều đi qua trong đời cô và để lại
những vết thương ung mủ. Trên tất cả, sự ám ảnh về cái chết vẫn thường
trực mọi lúc, mọi nơi và cũng như một trò chơi của số phận mà tự thân
Nguyệt đã muốn thêu dệt lên. Với cấu trúc 7 chương, phải chăng tác giả
muốn nói tới sự tuần hoàn của đời sống với chu ky tuần bảy ngày hay
người chết sau 7 tuần để có sự đầu thai mới. Mặt khác, số 7 này cũng gắn
liền với sự hình thành và phát triển của nhân sanh quan và thế giới
quan trong vũ trụ quan; 7 còn đọc là thất, tức sự mất mát… Qua tất cả ý
nghĩa đó để phần nào nói lên số phận của Nguyệt.
Sinh ra trong một gia đình nhiều biến cố và tận mắt chứng kiến những điều ấy, đứa nhỏ Nguyệt cô độc, ốm yếu, vặt vẹo, và hay khóc vì thiếu vắng hạnh phúc. Một người cha luôn say xỉn, thường la hét “ba chết tiệt trong những cơn say nghiêng ngửa không hay biết” và hành hạ vợ con mỗi ngày, một bà mẹ đau khổ, gào khóc và “căn nhà quạnh vắng buồn hiu”. Càng lớn, đứa bé càng cảm thấy lạc lõng giữa đời và chỉ biết bám víu người chị cận kề, chị Tàm, một người thân duy nhất, để có thể sống. “Hai chị em lủi thủi hục hặc sống phía sau cái phòng nhỏ. Anh hai ít khi ngó tới… nó suy nghĩ thấy hai chị em đều khốn khổ, đều đậu bạc, nhỏ nhít và thiếu thốn.” Tuổi thơ gần như định đoạt cả đời của mỗi con người, đặc biệt hoàn cảnh gia đình có tác động rất lớn tới nhân sanh quan và sự hình thành tâm lý trẻ. Chính cái tuổi thơ bất hạnh đã khiến cô bé Nguyệt luôn dằn vặt, đau khổ, và bị nhấn chìm bởi những ám ảnh thường trực. “Em không có tuổi thơ tuổi trẻ.” Cô chỉ biết kêu gào lên như sự oán trách số mệnh, oán trách người cha vô tâm đã để lại một bi kịch kéo dài nhiều thế hệ: “Ba chưa bao giờ biết ba đã làm tiêu tùng tuổi thơ của tôi, tôi lớn lên đau yếu oặt oại vì rượu di truyền, tôi chết ngộp trong hũ hèm bưng bít… Ba cô đơn. Xin lỗi, nhà này ai cũng cô đơn kịch liệt”. Nhưng càng thù ghét người cha bao nhiêu, Nguyệt càng đớn đau hơn khi nhận ra rằng mình lại là bản sao của con người ấy. Càng chạy trốn, thì số phận lại trêu đùa. Chính điều này có lẽ lại càng khiến Nguyệt căm ghét bản thân và lao vào sống một cách buông thả: “Tôi có đủ hết các tính xấu của ba tôi, cả cách hư hỏng, nhưng tôi thù ghét ba tôi hạng nhất, tôi xa lạ nhất.” Nguyệt hoảng hốt nhận ra ai kia là mình lại không phải là mình. Cô muốn chối bỏ bản thân nhưng càng chối bỏ lại càng nhận thức về mình quá rõ, và càng mệt mỏi khi phải đối diện với tất cả điều đó.
Mặt khác, càng hận ba bao nhiêu Nguyệt lại càng thương ông bấy nhiêu.
Bởi lẽ, hơn ai hết Nguyệt biết rõ nguyên nhân khiến ba mình trở nên như
vậy. Một mặt, người cha thiên theo kháng chiến nhưng không đi theo và
luôn dằn vặt mâu thuẫn. Người mẹ bao dung hơn nhưng cũng không thể làm
gì để giúp xoa dịu nỗi khốn khổ, mâu thuẫn của người chồng và đành nín
nhịn, chịu đựng mọi thứ trong im lặng. Trường hợp của gia đình Nguyệt
cũng giống như của biết bao nhiêu gia đình Việt Nam khác. Điều này khiến
gợi nhớ tới gia đình Trần Thị NgH, một trong những gia đình Việt sống
trong giai đoạn ấy: gia đình có 11 người con sống ở Cà Mau, vì hoàn cảnh
chiến tranh gia đình phân tán, một nửa tập kết. Và tới sau 75, một số ở
trong nước và một số ở nước ngoài. Mẹ chị còn giữ nguyên cuống rún của
11 đứa con và mong muốn duy nhất của bà là có ngày đoàn tụ nhưng điều
này cũng không thể thực hiện được.
Để tìm ra hướng giải quyết nỗi cô đơn của mình, Nguyệt đi theo hai cách:
cô cố gắng tìm kiếm một người đàn ông để phần nào đó bù đắp tuổi thơ
thiếu thốn tình phụ tử của mình và viết nhật ký. Nhưng, đời quả không
như cô mong muốn. Cô thương yêu Trường – làm giáo sư trường công lập, và
viết thơ – nhưng anh lại có gia đình, hèn yếu và bạc nhược. Anh không
dám với tiếng gọi tình yêu mà chỉ dám coi cô như người em gái bé bỏng,
vuốt ve an ủi và đứng nhìn lặng lẽ. “Chàng trễ tràng, trật nhịp, chàng sai khớp”, hay đúng hơn sự hèn yếu đó cũng chỉ bởi “Trường làm bộ nhớ tới tôi nhưng chàng không chịu quên mình đi một chút, chàng ích kỷ quá.”
Mối tình đầu đời trở thành một mối tình đơn phương, dằng dặc, ngột ngạt
và tủi nhục. Có lẽ, chính bởi điều này càng khiến Nguyệt thêm buồn bản
thân và buông thả mình hơn. Để rồi, cô lao vào với Dự – sĩ quan thủy
quân lục chiến với “đôi mắt sâu, giàu tình cảm”, và hơn nữa là có tài ăn
nói – như một sự chạy trốn và thách thức đời. Và kết quả, để chính bản
thân cô lại lao vội ra với người đầy thương tích khi trao thân cho một
người mình không yêu thương và có lẽ Dự cũng chẳng yêu thương gì cô. “Đêm
ngoài tầm hiểu biết… Má ngủ chưa má. Má biết con đang ở đâu với ai
không… Con nằm đây làm gì với ai, con trinh bạch không tội lỗi, con
nguyên vẹn của má, con đau xé nổ tung đầm đìa, con đỏ lòm oan uổng.”
Nguyệt tự khóc với chính mình và nói với mẹ trong tâm tưởng. Vốn là đứa
con út gần gũi với mẹ nhất, phần nào Nguyệt đã tự đồng hóa mình như một
phần thân thể của người mẹ. Vậy mà, giờ đây cô để một người đàn ông
thâm nhập vào thân thể và phá vỡ sự nguyên vẹn. Điều này là sự đau đớn
tột cùng, không chỉ về mặt thân thể mà trên hết là sự tổn thương trong
tâm hồn. Tiếng kêu tâm tưởng đầy hốt hoảng như lời giã biệt của đứa con
với người mẹ thân yêu máu mủ ruột thịt. Cô nhận ra mình đã trở thành một
cá thể độc lập và tách rời khỏi người mẹ.
Vốn dĩ, Nguyệt sinh ra và lớn lên trong một gia đình miền Nam, những người đi khai phá vùng đất mới, luôn yêu quý con gái hơn, đặc biệt là con gái út. Bởi, đứa con gái út sẽ ở với gia đình lâu nhất và lo việc phụng dưỡng cha mẹ, điều này cũng đồng nghĩa với việc được hưởng gia tài nhiều hơn. Khác hẳn với miền Bắc, vùng đất ngàn năm văn hiến, vốn “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Cô chị cả sẽ lớn nhất và đảm nhận những công việc nhà, trông em, phụ giúp cha mẹ… Điều này cũng thể hiện tinh thần mẫu hệ của miền Nam rất cao với sự ảnh hưởng của văn hóa Champa và Khmer. Cô gái trẻ, với cuộc ân ái đầu đời, với hình ảnh người mẹ hiện về. Nó như một sự hoài thai lộn ngược. Một tương quan kết nối, gắn bó mật thiết giữa tình yêu, tình người và tình mẫu tử.
Hẳn bất cứ người phụ nữ nào cũng vậy, sự ái ân ở lần đầu tiên trong đời
là một bước ngoặt cực kỳ lớn, sẽ ảnh hưởng tới sinh lý và vấn đề tính
dục trong phần đời còn lại. Nếu có một sự khởi đầu tốt đẹp, thì về sau
người phụ nữ mới tìm được sự khoái lạc trong sự giao hoan với bạn tình.
Còn lại, nếu người bạn tình không hiểu được tâm lý và khiến người phụ nữ
đớn đau, họ dễ bị dẫn tới lãnh cảm và sợ hãi. Nguyệt đã để mình rời vào
trạng thái thứ hai. Cô nhận ra mình “co ro người như con tép thụt sát góc giường ngó trân trân người đàn ông lạ mặt nằm ngủ”. Cái ngày định mệnh mãi mãi khắc sâu và trở thành một cái bớt thẫm xấu xí trong đời Nguyệt. “Kỷ niệm 3 giờ sáng, 4 giờ sáng, kỷ niệm ngày 22 tháng 11 năm 1969. Đêm ngoài tầm hiểu biết.”
Những mốc thời gian, những con số ngày tháng, số phòng… được trình ra
một cách rõ ràng, chuẩn xác, cụ thể. Điều này thể hiện tính chính xác
gần như khoa học của nhà văn NgH, và hoàn toàn không mơ hồ như văn
chương thời chiến trước đó.
Vậy là Nguyệt đã để đời mình bước sang một trang mới, vứt bỏ đi thời con gái trinh nguyên để “thành đàn bà”. “Tôi
đây, tôi đàn bà. Nhìn tôi coi mọi người. Tôi vừa bước ra khỏi khách sạn
phòng số 14 tầng hai. Người này người kia và người đó nữa, ngó coi, tôi
đàn bà”. Cô bước ra đời với sự thách thức dư luận, có chút gì đó
tưởng như ngạo mạn khinh đời. Nguyệt khẳng định “cái tôi” của mình là
một thực thể rất độc lập, có quyền quyết định thân thể mình và hoàn toàn
chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Nhưng từ thâm sâu, Nguyệt vẫn
là một cô gái bé bỏng, nhỏ nhắn và quằn quại khi hiến dâng sự trinh
nguyên của mình cho một người đàn ông mà cô không yêu. “Con nguyên
vẹn trong sạch của má, con trinh tiết… Tôi nằm sấp khép chặt hai háng.
Tôi nói thầm, xin lỗi má, con xin lỗi má… Em đã thành đàn bà, em lớn
khằn, chín héo.” Quá phẫn uất, đau thương, và ngỡ ngàng và không thể
tìm được sự chia sẻ cùng ai, Nguyệt chỉ biết lùi quay trở lại với cái
nhau, cuống rún của mình trong những tiếng kêu thảng thốt gọi mẹ vọng về
với những mặc cảm đầy tội lỗi. Trong văn học Việt Nam, chưa thấy nhà
văn nào có thể diễn tả sâu sắc được tâm cảnh này như Trần Thị NgH. Đây
có thể xem như một sự nhập đồng vào chính nhân vật của mình.
Sau mọi việc, Nguyệt lại càng ám ảnh việc mang thai. Lại một nỗi lo
lắng, một mặc cảm tội lỗi, nhơ nhớp thường trực bám chặt lấy cô gái bé
bỏng “ngóng chờ ngày đường kinh hàng tháng với cái bào thai tưởng
tượng trong bụng… tìm cách che giấu cái cửa mình đã tanh hôi, trinh tiết
đã bị xé rách chảy máu, che giấu những run rẩy tưởng tượng (tưởng tượng
như lớp da chỗ ấy ngứa rát, tưởng tượng những sợi lông tự dưng cựa
quậy, tưởng tượng đó là nơi sinh sống biệt lập của hàng triệu vi khuẩn),
sợ hãi như có con dòi đang đẻ trứng, đang ngọ nguậy…”. Nguyệt đã
mạnh mẽ trong tình huống này để vượt qua mọi việc, sống độc lập và đầy
bản lãnh, nhưng chính vì vậy cô lại càng trở nên cô đơn hơn. Một sự cô
đơn tiếp nối của các thế hệ bà – mẹ – con, và cô không muốn mình tạo ra
thế hệ cháu tiếp theo lạc lõng trong cùng sự cô đơn ấy nữa.
Cho đến tận ngày nay [2013] trong văn học cũng ít tác giả nào dám viết
bạo như vậy. Thật khó tưởng tượng được, những câu văn tỉnh táo và sự mổ
xẻ sinh lý, tính dục của người phụ nữ lại được phô ra một cách thẳng
thừng, trực diện lại xuất hiện trong trang văn Trần Thị NgH ở những năm
của thập niên 1970 tại Việt Nam. Người phụ nữ như bị lột sạch, đứng trần
trụi trước gương và soi rọi mình từng chi tiết chi li nhất. Phải chăng
“Trần Thị NgH đi trước thời đại quá xa, hay sinh hoạt văn học của chúng
ta đã cũ đã phải thở ra hít vào trong một không gian quá cũ kỹ trong đó
thời gian đi rất chậm đến chừng không chuyển dịch?”(2) Một phần, tác giả
học trường Pháp, giỏi sinh ngữ Pháp, Anh, Ý nên tiếp cận với văn học
thế giới sớm; bên cạnh đó chị cũng dành rất nhiều thời gian cho sự trau
dồi, luyện tập tiếng Việt của mình. Chính những yếu tố đó khiến cho văn
Trần Thị NgH khai phá được những cái mới, linh động mà vẫn không bị lai
căng. Vốn là người con của vùng đất Cà Mau, nhưng phải xa quê từ sớm nên
trong văn chị chỉ còn sót lại “một dúm” ngôn ngữ của miền Tây Nam bộ,
chứ không được đậm nét và đa dạng như Nguyễn Ngọc Tư (một nhà văn sinh
ra, và hiện vẫn gắn bó với vùng đất ấy). Đây cũng là một điều dễ hiểu.
Nguyệt dù có là một cô gái thông minh, khôn ngoan và suy tư cách mấy rồi
cuối cùng cũng bị rơi vào những cái bẫy tình ái do những người đàn ông
từng trải đặt ra. Hoặc bằng tiền tài, hoặc bằng vũ lực, hoặc bằng những
thứ được nhân danh gọi tên là tình yêu. Với tuổi đời chưa nhiều, cộng
thêm sự thiếu thốn chia sẻ kinh nghiệm, Nguyệt hoang mang rơi vào chính
cái bẫy mà tuồng bản thân cô cũng đoán được đôi điều. Với Dự, anh ta nắm
bắt được tính kiêu hãnh, hiếu thắng và liều lĩnh của cô để thẳng thắn
thách thức: “Má dạy em ngồi khép hai chân đài các kín mít như thế
nhưng rồi có lúc em phải mở nó ra em ạ… Dự gác tay lên thành cửa ngó
trái qua phía tôi châm chọc. Em muốn đổi ý vẫn còn kịp.” Và hẳn, với chiêu bài thành thục, Dự đã đạt được điều anh muốn “anh dạy cho em làm vợ chồng”.
Sau lần ân ái với Dự, Nguyệt vội vàng lao về nhà mong tìm được vòng tay
vỗ về, xoa dịu và sự tha thứ của người mẹ. Nhưng cô lại càng cảm thấy
hụt hẫng hơn khi “má coi em như ghẻ lở hôi hám, tưởng em hân hoan sau
những khám phá mới về thân xác, má đay nghiến độc địa tàn nhẫn, tha thứ
em tiếc rẻ, dung túng em dè dặt đề phòng… em mới lớn đã như con đĩ thập
thành.” Càng tìm về nơi những người cùng giới tính và thân thiết
với mình, Nguyệt lại càng không tìm được sự đồng điệu. Chính cái xã hội
định kiến và do nam giới thống trị đã khiến ngay cả người mẹ cũng có cái
nhìn đầy khắc nghiệt với cô con gái bị trượt ngã đầu đời. Bà mẹ đã tự
“nhập nội” trong cái xã hội phụ quyền. Bà cảm thấy có lỗi, đau đớn, buồn
khổ cho cả đời đứa con mình sẽ bị một dấu vết không xóa nhòa. Có lẽ,
đây chính là vấn đề lớn nhất vẫn tồn tại trong ý thức hệ Việt Nam cho
tới hiện nay. Phần đông phụ nữ Việt tự áp cho mình những bổn phận, những
ràng buộc, những nghĩa vụ mà theo họ đó mới là đức hạnh. Người phụ nữ
đã tự ép chặt vào những định kiến, không tự cởi trói và cởi mở với những
người cùng phái tính mình để có cái nhìn đồng điệu, bao dung và nhân
ái.
Vụt chạy để rứt miếng miểng này ra khỏi thân thể đau đớn, thì Nguyệt lại bị dính vào một miếng miểng khác: “Nhưng
Tấn thông minh. Tôi là cái chuông Tấn biết cách rung. Anh nói đành rằng
tình ái là điều lầm lẫn buồn thảm nhất, nhưng cũng không còn một lầm
lẫn nào đáng phạm hơn. Tấn không yêu tôi đâu.” Lại thêm một kẻ sành
sỏi ái tình và tâm lý phụ nữ. Tấn đến ngay khi Nguyệt trúng một vết
thương tinh thần lớn và giúp xoa dịu tâm hồn cô nhưng không bởi sự yêu
thương mà nhằm vụ lợi trên thân xác người đàn bà: “Tấn chẳng coi tôi ra gì cả… Tấn tưởng khi thành đàn bà rồi người ta muốn thành ra cái gì cũng được.”
Sau một lần vấp váp té nhào, Nguyệt dũng cảm đứng dậy và bước tiếp. Cô
đã không để mình rơi vào những lời xu nịnh của những kẻ đàn ông đến sau
để dễ dàng buông bỏ thân xác mình và rồi “sau rốt Tấn cũng ngao ngán trốn biệt”, chỉ còn lại Nguyệt “chơi vọc một mình ê hề với cái trinh tiết đã rách bươm tơi tả”.
Cô nhận ra rằng mọi người đàn ông chỉ cố tìm ở cô một thứ gì đó, và nếu
không tìm được, họ sẵn sàng ra đi không một chút đắn đo, ngoái nhìn.
Chính điều này khiến tâm hồn Nguyệt càng bị đóng băng và co cụm mình lại
trong ốc đảo riêng.
Chẳng còn ai để lấy làm chỗ dựa tinh thần, Nguyệt đã viết nhật ký, tạo
ra một người bạn tinh thần cùng trò chuyện để vơi đi nỗi cô đơn trong
cuộc đời này: “Tôi viết như tự cởi trói đồng thời sợ cuộc đào tẩu bị bắt quả tang.”
Hẳn đây là một biện pháp hữu hiệu và tựa như một tuyên ngôn của Nguyệt
hay đúng hơn của nhà văn NgH: dù xã hội có đàn áp và bịt miệng người phụ
nữ đến đâu thì họ vẫn viết, vẫn cất tiếng nói riêng của mình. Và mỗi
nhà văn, dù ở bất cứ hoàn cảnh xã hội nào, vẫn phải để cho ngòi bút của
mình sống, không gọng kềm nào có thể bẻ gãy. Viết nhật ký, viết trong
tâm tưởng và suy tư về đời sống để xã hội hiểu rằng bạn vẫn sống, vẫn
tồn tại và ý thức rất rõ về mọi điều. Viết chính là cách duy nhất để NgH
không thấy mình cô đơn: “Văn chương, đó là người bạn đường của tôi.
Người bạn đường. Một người bạn theo tôi khắp cùng, những nơi tôi đã đi,
những đoạn đời tôi đã sống. Tôi có thể đi tới hoặc đi lui. Nhưng trước
hết tôi phải có một người bạn đường. Tôi không thể đi một mình.”(3)
Trải qua nhiều biến cố, nỗi ám ảnh về cái chết lại quay về trong tâm trí Nguyệt “Tôi muốn tự tử”.
Có lẽ Nguyệt đã chết thực sự, chết từ lúc ấu thơ với những “vặn vẹo,
méo mó” khi nhìn về đời sống xung quanh. Vậy ai đang nói chuyện về đời
mình ở đây, là Nguyệt chăng? Hay là một hồn ma? Hay nhà văn NgH tình cờ
bắt gặp cuốn nhật ký của cô Nguyệt nào đó và kể lại cho bạn đọc? Hay là
một Nguyệt nào khác, một Nguyệt phân thân ư!!! Tất cả vẫn còn là một sự
bỏ ngỏ. Nhìn lại chính bản thân mình, vào mẹ, vào chị, vào cha – những
người thân yêu nhất, và nhìn vào những người đàn ông đi qua đời mình: từ
Trường, Dự, tới Tấn, Nguyệt nhận ra rằng tất cả họ, cũng chẳng khác gì
cô, đều là những người bị lạc đạn, bị trúng miểng. Mọi người, suy cho
cùng, dù ở cương vị, độ tuổi và giới tính nào, cũng đều là nạn nhân của
những cuộc chiến chết chóc, đau thương và tàn khốc.
Chương 7 khép lại câu chuyện với một cái kết có phần vụng về. Nguyệt ra Huế dạy học, vẫn sống “chẳng có người bạn hay người tình nào” và vứt bỏ quá khứ với “mối tình trật nhịp với Trường, và cú trời sập với Dự, tình bạn khẩn trương với Tấn”
chỉ còn lại là những dư âm mặn chát đọng lại trên môi. Và tại đây,
Nguyệt tìm thấy những cảm xúc mà chưa bao giờ cô có được với một người
đồng giới là Thắm: “Khuya hai người ôm nhau như một đôi tình nhân.
Thắm rà đôi môi nhỏ trong cổ tôi, đôi vú non căng nở phập phồng, hốt
hoảng. Tôi kinh hãi và xúc động dầm dề. Tôi muốn la lớn trong cơn khoái
cảm mộng mị và kì cục”. Song chính Nguyệt lại sợ hãi và chạy trốn
khỏi mối quan hệ này. Vấn đề đồng tính luyến ái này chỉ được nhà văn
lướt qua như một trải nghiệm cá nhân nhất thời, ngắn ngủi của nhân vật
nữ, tự đánh lừa mình rằng “làm chuyện bậy bạ” nhưng cũng chính cô lại thú nhận “tôi làm bộ hất hủi Thắm ban đầu nhưng sau đó vớt vát lại liền không sao cầm giữ nổi.” Truyện Lạc đạn được
viết trong những năm 1969 – 1971, ở giai đoạn đầu của phong trào Nữ
quyền đang diễn ra trên thế giới và ít nhiều có tác động tới Việt Nam.
Song cũng có lẽ, trước những con mắt đầy định kiến của nam giới, của dư
luận trong nước nên ít nhiều NgH đã khựng lại trong việc đào sâu một địa
phận còn bị xem là “cấm kỵ nhất” trong văn chương cũng như xã hội Việt
lúc bấy giờ. Chính điều này làm hạn chế nhà văn qua việc hàm ý phê phán
gượng gạo mối quan hệ của nhân vật chính. Đây cũng là một điều đáng tiếc
bởi chính xã hội đã kiểm duyệt, hay chính nhà văn đã “tự kiểm duyệt” đi
một vùng đất mới để có cái nhìn cởi mở và toàn diện.
Và sau rốt, không tự giải thoát được mình, Nguyệt lại ôm lấy sự cô đơn,
như một người bạn và cũng là lạc khoái duy nhất của đời mình. “Tôi
khóc như một đứa trẻ. Một đứa trẻ côi cút. Phải chi tôi có nhà cửa, cha
mẹ anh chị, phải chi tôi có bạn bè, tình tẹo. Phải chi tôi được nói. Mùa
hè rồi ra với quyển nhật kí mới lật giở trang đầu nắn nót đề ngày
tháng. Tôi viết mê hoảng, thêu dệt. Tôi dựng đứng những cảnh ngộ.”
Cho tới cuối truyện, Nguyệt vẫn quay lại với sự khởi đầu là viết. Nó tựa
như một điệp khúc được dạo từ đầu bản nhạc và tới cuối bản nhạc, lại
được bật lên một cách ngân vang và mạnh mẽ hơn. “Riêng bản thân tôi
không thể nào không viết, vì khi đã vận vào người trò chơi chữ nghĩa thì
khó có thể ly dị với nó được.”(4) Và sau rốt, với lối kết truyện đầy
tình tự của Trần Thị NgH với Lạc đạn khiến độc giả không ít hoang
mang, vậy tác phẩm có bao nhiêu phần trăm là tự truyện, bao nhiêu phần
trăm là hư cấu? Và đâu là ranh giới giữa hư cấu như thật và thật như hư
cấu? “Người ta có thể rung động thật trong kinh nghiệm giả và rung động
giả trong kinh nghiệm thật. Như thế này: đời sống khi nhân đôi lên hay
chia đôi ra đều có thể biến thành tiểu thuyết và ngược lại.”(5) Văn
phong của truyện rất chân thực, mang tính trào lộng châm biếm, dắt người
đọc dần dà đi theo câu chuyện một cách chậm rãi, đều đặn tựa như lật
đọc từng trang của một cuốn nhật ký còn dang dở.
Trần Thị NgH đã đẩy những hình ảnh về vấn đề tính dục trong Lạc đạn
thành những biểu tượng đặc trưng và xây dựng như đề tài chuyên biệt mà
ít nhiều còn gặp lại trong nhiều tác phẩm khác của chị: vấn đề tự tử,
vấn đề thân xác, vấn đề tội ác, vấn đề nghệ sĩ và tác phẩm (văn chương
cũng như hội họa)… Đọc Lạc đạn, ta vô tình bắt gặp Nguyệt với
điếu Marlboro phì phèo, lang thang một mình trong quán cà phê đèn màu
hát nhạc Trịnh Công Sơn tràn lan ở những năm 1960 – 1970, một Nguyệt nổi
loạn thế hệ hippy, triết học hiện sinh và Buồn ơi chào mi của Françoise Sagan với những dòng tư tưởng chủ hòa phản chiến, yêu cuồng sống vội. Cũng qua Lạc đạn,
với những chủ đề về tình mẹ con, bình đẳng giới, đồng tính nữ, tiếng
nói đối kháng đòi nữ quyền… và thủ pháp văn chương điêu luyện, ít nhiều
gợi nhớ tới hai nhà thơ, nhà văn nổi tiếng thế giới cùng thời Trần Thị
NgH là Andrienne Rich với Do đàn bà sinh ra (Of Woman Born), Ý chí để thay đổi (Will To Change) hay Sylvia Plath cùng Three Women: A Monologue for Three Voices và những ám ảnh về cái chết thường trực.
Từ sự manh nha và phát triển mạnh mẽ của phong trào nữ quyền vào đầu
thập niên 1960 cho đến nay, “tiếng nói đối kháng đòi nữ quyền khắp nơi
trên thế giới đã có nhiều tiếng vang và đem lại nhiều thay đổi tích cực
cho đời sống vẫn còn nhiều khuyết lầm của nhân loại. Riêng trong văn học
Việt Nam, những tiếng nói như thế vẫn còn lẻ loi nhưng đã có những khởi
đầu”(6). Đến với những trang văn của Trần Thị NgH, chúng ta bắt gặp
những trang viết bằng tiếng Việt đầy ắp tinh thần nữ quyền đề cập tới
những vấn đề quan trọng bức thiết của con người xưa nay vẫn còn bị tránh
né, “từ thân xác đến những sự thật trong gia đình, xã hội, với một giá
trị văn chương đúng mức.”(7) Và đến với Lạc đạn, người đọc sẽ
thực sự bước vào một thế giới nơi “những xác người đang cố sống nốt một
đoạn thời gian chờ giờ khâm liệm” qua bút pháp rắn rỏi gân guốc, lạnh và
ác, đầy sự bạo động và những cái nhìn trực diện của “một trong những
nhà văn có tư chất độc đáo,”(8) hoàn toàn khác hẳn con người thực hiền
hòa của Trần Thị NgH.
Ở Trần Thị NgH, cái đặc sắc nhất không phải là bút pháp trực diện, lối
viết cá tính, táo bạo, đầy suy tư, và giọng văn lạnh, sắc; mà là sự đi
vào trong cảm nghiệm xã hội, cảm nghiệm con người bằng chính bản thân
mình. Đó là sự tự phẫu thuật, mổ xẻ mang hơi hướm Frida Kahlo. Trần Thị
NgH ôm lấy thân phận phụ nữ và có những cảm nhận sâu xa, đồng điệu. Chị
ngó vào bên trong, đặt mình là chính trong khi các nhà văn nữ khác vẫn
còn đứng ở ngoài nhìn vào, đặt tương quan ở giữa và bị đứng lại ở một số
giới hạn nào đó. Hình ảnh người phụ nữ xuyên suốt trong hầu hết các tác
phẩm của chị. Và cái đồng cảm của Trần Thị NgH là sự đồng cảm theo dòng
nữ.
Trên diễn đàn văn học miền Nam những năm cuối thập niên 1970, có khá
nhiều nhà văn nữ đã thành danh và có chỗ đứng trong nền văn học, có thể
kể đến Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Túy
Hồng, Thụy Vũ, Nhã Ca,… Tuy nhiên, dù trình diện làng văn chương trễ hơn
so với những cây bút ấy và với tuổi đời còn trẻ, nhưng ngay khi vừa
xuất hiện, những đứa con tinh thần của chị vẫn được giới phê bình đánh
giá cao và độc giả đón nhận một cách nồng nhiệt. Điều này hẳn bởi sự
chọn lựa lối đi riêng và tạo được cho mình một phong cách rất lạ, rất
Trần Thị NgH. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, chị vẫn tiếp tục cầm
bút, tuy viết không nhiều nhưng đều đặn, và mỗi tác phẩm lại là một sự
chín muồi, sâu sắc và từng trải hơn. Sự trở lại của chị với độc giả
trong nước với Lạc đạn, Nhà có cửa khóa trái, Nhăn rúm
là một sự “quay về mái nhà xưa”, đưa chị tới gần với độc giả trẻ trong
nước vốn ít nhiều chưa được biết tới Trần Thị NgH và những tác phẩm của
chị. Đây cũng là một dấu hiệu khởi sắc cho nền văn học miền Nam vốn chịu
nhiều thất lạc và thiệt thòi.
Sài Gòn vẫn nhộn nhịp, xa hoa như vốn nó. Trần Thị NgH vẫn sống lặng lẽ,
âm thầm. Chị chọn cho mình cái nghiệp dạy học để sinh kế, từ dạy ngoại
ngữ, dạy đàn và sắp xếp thời khóa biểu một cách tỉ mỉ để có thời gian
chơi, chơi những trò do chính chị tạo ra: vẽ, viết. Bởi những nét tài
hoa này, mà trong văn NgH đậm chất nhạc và giàu màu sắc. Ngoài truyện
vừa, truyện ngắn mà người đọc may mắn được tiếp cận, chị còn viết thơ từ
lúc chừng 14, 15 tuổi nhưng chỉ để cất giấu trong một góc riêng cho
chính mình. Và đôi lúc chị còn viết kịch bản, viết nhạc nhưng cũng ít
người được đọc hay thưởng thức, trừ những bạn bè thân thiết mà chị muốn
chia sẻ.
Hồ Liễu
(từ: tạp chí Sông Hương 296)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét