ANAHEIM, California (NV) – Một lần, tôi “vớ” được tập thơ “Xem Đêm” của Phùng Cung, trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, hầu như bài nào cũng lạ. Nhất là “lạ” về ngôn ngữ và hình ảnh.
Bài thơ “Xem Đêm” được làm chủ đề cho cả tập thơ, chỉ có chín câu như sau:
“Trở giấc xem đêm
Cuối trời trăng – mỏi
Trái gấc chín – ngập ngừng
Tóc rụng trạt lối đi
Trở giấc xem đêm
Thiên hà ngọc vụn
Gió thổi một mình
Mặt đất tròng trành
Ma hoa nhảy múa.”
Đọc kỹ những bài thơ của Phùng Cung, ta mới thấy lời thơ là những phê phán chế độ bằng một ngôn ngữ tinh vi, sâu hiểm. Như bài thơ chủ đề “Xem Đêm,” hai câu cuối là:
“Mặt đất tròng trành
Ma hoa nhảy múa”
Chúng ta cũng tự hiểu được một ý nghĩa là trong bóng đêm đen của dân tộc, chỉ có bọn chính quyền là ma mới nhảy múa được thôi.
Ngôn ngữ thơ của Phùng Cung dùng rất lạ.
Ta hãy đọc những câu thơ vô cùng xuất sắc của Phùng Cung khi tả về một bến quê:
“Tiếng gọi đò căng chỉ ngang sông”
Hay về thân phận một cánh bèo:
“Lênh đênh muôn dặm nước non
Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh”
Hay về một góc vườn:
“Cuối trời trăng mỏi
Trái gấc chín ngập ngừng”
Thơ Phùng Cung có những từ dùng về màu sắc. Có tới hàng trăm từ chỉ màu sắc, mà mỗi màu đều cho ta một sắc thái riêng.
Ví dụ như màu nắng có: “Nắng phơi rơm,” “nắng ngả tương,” “nắng bổ cau,” “nắng hẩy gió lên” và cả “nắng Âu Cơ” nữa.
Như màu trời: “Xanh châu chấu,” hay “xanh rau khúc.”
Nghệ thuật dùng chữ của Phùng Cung, trong “Xem Đêm” rất hay, rất kín, sâu, ngắn gọn, ấy là sự chắt lọc câu chữ, ý tứ hàm súc…
Nhà thơ Nguyễn Chu Nhạc viết trong bài “Đọc lại ‘Xem Đêm’ của Phung Cung” trên báo Vanvn.vn như sau: “Tôi muốn đi sâu tìm hiểu sự ám ảnh, hàm ý về một thân phận bị dập vùi mà vẫn gắng gỏi ngoi lên, loe lói sáng như muốn chứng ninh cho sự trong sạch của bản thân… và không thể không nói đến một điểm mạnh, ấy là nghệ thuật ngôn từ và tạo dựng không gian thơ của Phùng Cung.”
Ngôn ngữ thơ của Phùng Cung trong bài “Chiều Soi Bãi” viết:
“Mặt trời hạ-thổ
Núi-giội-chàm
Đò chuyến cuối
Nhìn nhau nhọ mặt
Sữa con so ướt yếm
Thơm-mùi-khoai-luộc
Dốc bến tối gà
Đom đóm rối guồng-tơ-lửa
Nghe đêm trung giang thả-gió-gọi diều.”
Trong bài “Khói Cuối Năm”:
“Sương chiều nghe-lạnh bước chân
Khách áo cũ
Tìm về bạn cũ
Ai đốt rác lá tre bên ngõ
Lối đi dầy mùi khói-cuối-năm.”
Trong bài “Đêm Cuối Thu”:
“Chó sủa dông dài
Giò chuyển canh
Trái thị cuối thu
Thơm mùi trăng-úa
Ao khuya nước thở thì thầm.”
Và không ai còn ngây thơ cho rằng ngôn từ chỉ nằm trong lĩnh vực hình thức nghệ thuật. Phải nói rằng “Phùng Cung đã đẻ ra nó bằng quặn thắt một tấm lòng, hơn thế nữa, bằng ngót một đời người chìm nổi” (theo Xuân Huy, giới thiệu tập thơ).
Ông Nguyễn Hữu Viện, bác sĩ, một nhà nghiên cứu văn học, từ Pháp về làm việc với chính quyền Việt Nam, khi Phùng Cung chết, ông đã có những lời thương tiếc như sau: “Kính hương hồn anh Phùng Cung… Nhà thơ như anh quả là lương tâm của một giai đoạn lịch sử. Anh cùng đoàn tụ, đoàn viên với những Tâm Hồn Thời Đại như Phùng Quán, Trần Dần. Văn học sử Việt Nam sẽ ghi ơn mãi mãi những tấm gương trung liệt đã cầm bút viết lên Sự Thật.”
Hiện nay, Trung Tâm “Dân Chủ Cho Việt Nam” ở Canada đã ấn hành một tập sách về Phùng Cung gồm “Những Truyện Ngắn” của Phùng Cung, tập thơ “Xem Đêm” và tập thơ “Trăng Ngục.” Tất cả được in trong cùng một tuyển tập.
Xin đọc bài thơ “Vay Nóng” của Phùng Cung:
“Đất nước tôi
Triền miên bất hạnh
Tụi mặt dày – tay bẩn
Tim rắn – lời cừu
Văn hóa lớp hai
Điều hành cuộc sống
Tránh làm sao
Khỏi nát ngọc nhân quyền
Nhân danh một nạn nhân
Đứng giữa mênh mông
Cùm lim – rào kẽm
Khản cổ – chìa tay
Khấn xin những quốc gia
Văn minh – từ thiện
Cho dân Việt Nam tôi
Vay nóng chút nhân quyền.”
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn từng nhận xét về Phung Cung, đăng trong nhật báo Người Việt, như sau: “Những người đã từng bị ở tù Cộng Sản rồi, ở tù mà không biết vì sao, không xét cử, không án lệnh, không biết bao giờ được tha, sẽ hiểu rằng sau một năm, hai năm, và càng lâu hơn, người ta càng không còn để ý hay biết đến ngày tháng nữa. Người ta tồn tại chứ không còn sống nữa. Và tồn tại trong những điều kiện gần như không một con vật nào chịu đựng nổi, chẳng hạn chỉ làm chứ không được ăn, đừng nói đến những cái khác.
Dấu hiệu duy nhất để con người biết mình còn sống trong những ngày địa ngục ấy là người ta còn suy nghĩ được.
Thơ Phùng Cung là những điều ông suy nghĩ trong những ngày như thế.”
Trần Yên Hòa [qd]
(từ: nguoi-viet.com)
‘Xem Đêm,’ một tập thơ lạ của Phùng Cung
Nhà văn, nhà thơ Phùng Cung sinh ngày 18 Tháng Bảy, 1928, tại Kim Lân, Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 17 tuổi (1945) thoát ly lên chiến khu Việt Bắc, mãi đến năm 1954 mới cùng với cơ quan là Hội Văn Nghệ trở về Hà Nội.
Năm 1956, ông viết bài cho báo Nhân Văn của ông Phan Khôi và Nguyễn Hữu Đang. Truyện “Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh” đăng trong Nhân Văn Giai Phẩm số 4, Tháng Mười, 1956, đã đánh dấu một khúc quành của cuộc đời Phùng Cung, từ đó về sau, ông bị tù không bản án.
Mặc dầu không “được” đem ra xử như Nguyễn Hữu Đang, Thụy An và Trần Thiếu Bảo, nhưng ông đã bị đày hơn 12 năm trong các trại tù nổi tiếng tàn độc Việt Nam như Hỏa Lò (Hà Nội), Bất Bạt (Sơn Tây), Yên Bình (Yên Bái), Phong Quang (Lào Cai).
Từ ngày nhận ra chân tướng của đảng Cộng Sản Việt Nam và bản chất của chế độ, Phùng Cung đã ly khai hẳn với chế độ, thà cất giấu những tác phẩm của mình chứ không bẻ cong ngòi bút mà viết lên những điều trái với sự thật, trái với lương tâm.
Vì thế, Phùng Cung đã để lại 12 truyện ngắn chưa được xuất bản. Tập thơ “Xem Đêm” được xuất bản trong nước vào năm 1995 gồm 200 bài thơ. Còn tập “Trăng Ngục” được Phùng Cung sáng tác trong tù (1960-1972) chưa được công khai ra mắt độc giả.
Khi Phùng Cung qua đời năm 1997, những cơ quan truyền thông, báo chí ở Mỹ cũng rầm rộ nhắc tới sự nghiệp văn chương của ông, nhất là vì một truyện ngắn “Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh” đăng trên báo Nhân Văn mà ông phải bị tù đày hơn 12 năm (không bản án xét xử).
Các báo Văn, Khởi Hành, Talawas, Đàn Chim Việt đều có những bài tưởng niệm Phùng Cung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét