Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

PHẢI CHĂNG MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH THỜI REMARQUE - Lê Văn Trung

Nhớ Nhớ Nhớ Nhớ Nhớ | Trần Thị Nguyệt Mai

 tranh nguyễn trung

 

1- Giữa những năm 1968 – 1969, do một cơ duyên nào đó, chúng tôi đã gặp nhau tại một thành phố nhỏ duyên hải miền Trung: thành phố Qui Nhơn. Rồi cũng không hiểu từ một nguồn mạch nào, chúng tôi lại gắn kết với nhau như anh em. Dù chẳng ai nói với ai một lời, mà sao những tấm lòng, những tâm hồn, những suy nghĩ đều cùng một dòng chảy giữa một quê hương chiến tranh tàn phá những ngày từng giờ. Kẻ mặc áo nhà binh. Người còn đang khoác áo thư sinh. Kẻ đào ngũ. Người trốn lính. Đứa theo Việt Cộng. Đứa phía Quốc Gia…Hoàn cảnh đời sống khác nhau, môi trường xã hội khác nhau. Ấy vậy mà gắn kết nhau. Không thể tách rời.

Cứ thế, một căn nhà ma, với một lũ người ma, đi đi, về về, chào hỏi dăm câu, chửi thề vài tiếng. Rồi café trầm ngâm suy tưởng. Rồi chén rượu cồn cào. Súng vẫn nổ. Pháo kích. Gài mìn. Chúng tôi vẫn sống. Không người yêu. Không lý tưởng. Không định kiến. Không hận thù. Một lũ cô hồn sống vất vưởng mà trái tim luôn rực hồng. Văn chương chữ nghĩa là giấy lộn. Thế mà viết. Thế mà mực vẫn chảy từ đầu ngọn bút như máu chảy từ trong tim. Viết cho mình. Viết cho quê hương điêu tàn. Viết vì bom đạn. Và viết vì một bóng giai nhân mịt mù trong ảo ảnh.

<!>

Đấy!

Chúng tôi!

Phạm Văn Nhàn

Trần Hoài Thư

Phạm Cao Hoàng

Lê Văn Trung

Và vân vân…

Chưa hẳn là một khuôn mặt đại diện cho một thế hệ - THẾ HỆ TUỔI TRẺ THỜI CHIẾN – nhưng có lẽ những con người đang thoi thóp sống này, đang điên cuồng sống này, đang cô đơn và vô cùng tuyệt vọng này, hiện hữu giữa cái thành phố nhỏ ngập tràn quán bar, ngập tràn lính Mỹ, ngập tràn màu da, ngập tràn cave, ngập tràn wisky. Và. Ngập tràn hoang man, lo sợ, liều lĩnh, phẫn nộ.

Trần Hoài Thư là một hiện tượng.

Phạm Văn Nhàn là một tiêu biểu.

Phạm Cao Hoàng là một cõi thầm lặng.

Đấy. Những con người trong tận cùng tuyệt vọng. Vẫn sống. Và vẫn viết.

Viết là hơi thở.

Viết là hy vọng.

Viết là ảo tưởng.

Viết là muốn tự giải thoát.

Tự bức phá.

Và tự hủy diệt.

Viết trên chiếu ngủ.

Viết trong toilet.

Viết lúc ăn.

Viết khi hành quân nằm bụi nằm bờ.

Viết trong tiếng súng.

Viết với vết thương máu chảy.

Viết giữa giấc chiêm bao.

Trong cơn ác mộng.

Viết bằng nước mắt.

Bằng máu.

Viết để mơ màng huyễn hoặc về một tình yêu, về một hạnh phúc, về một nhan sắc, về những rạo rực đớn đau, về những ái ân cháy bỏng thèm khát. Chán nản và buồn nôn.

Viết về một mặt trời chợt tắt. Viết về một trái đất tan rã. Về những BI THƯƠNG TÌNH YÊU MỘT THỜI REMARQUE.
 

2- Giờ đây, trong tận cùng của đêm đen, trong tận cùng của tuyệt vọng, tôi lại nhớ về một thời đã qua, nhớ từng khuôn mặt bạn bè. Vô vàn kỷ niệm. Nhớ mãi không cùng.

Và sau đây, là một câu chuyện buồn vui trong những chuyện buồn vui.

Hồi đó, tôi vừa học vừa kiếm cơm bằng những giờ dạy tại trường tư thục. (Mong rằng sau này tôi sẽ có cơ hội viết lại quảng thời gian này để nhớ về các em, những học trò của trường Trung học tư thục Tây Sơn, Qui Nhơn). Phạm Văn Nhàn, Trần Hoài Thư, sau những ngày mịt mù trong khói súng, bòn vét dăm ba giờ dưỡng quân, lại vội vàng ngồi xe lam về phố. Có tôi và Phạm Cao Hoàng đón đợi. Rồi café, Rồi rượu. No. Đói. Đi. Về. Rồi hẹn…

Phạm Văn Nhàn là sĩ quan huấn luyện bộ binh. Anh chàng cao lêu khêu như một cây sậy tong teo. Liều lĩnh. Chịu chơi.

 

3- Một hôm, tôi đang còn giữa giờ dạy, Phạm Văn Nhàn lù lù xuất hiện ở văn phòng và báo cần gặp tôi. Tôi vừa rời lớp thì thấy anh bước đến:

- Đi Phan Thiết. Về quê tôi chơi.

- Trời! Đào ngũ hả Cha?

- Bậy! Phép mấy ngày.

Tôi đang dạy. Làm sao đây? Lại chưa có lương. Nhưng nghe nói đi là tôi náo nức. Không kìm được. Tôi gặp kế toán xin ứng lương. Gửi lớp nhờ anh bạn dạy giùm. Vậy là. Alez! Đi.

Náo nức là thế! Rạo rực là thế! Nhưng khi ngồi xe đò chạy qua những vùng quê hẻo lánh mới bắt đầu lo sợ. Xe bò từ từ theo sau toán lính đang rà mìn. Xe chạy rồng rắn tránh những chỗ toán rà mìn đánh dấu. Tài xế sơ ý là: Ầm! Văng xác! Chưa kể những tay bắn tỉa núp trong những bụi rậm xa xa. Ai có gan cùng mình cũng lạnh gáy khi nhìn hai bên đường xác những chiếc xe đò, xe nhà binh, nằm chóng chơ cháy sạm. Và lẩn quất bao nhiêu oan hồn.

Vào tới Phan Rang thì không thể đi tiếp. Đang có giao tranh. Đường bị tắt. 

Dừng lại ở Phan Rang. Tôi và Phạm Văn Nhàn vào tòa hành chánh tỉnh, xuất trình thẻ nhà báo và xin hổ trợ phương tiện máy bay đi Phan Thiết. Tùy viên Tỉnh Trưởng thông báo phải cả tuần nữa mới có chuyến C123 hay trực thăng gì đó. Vậy là thua!

Chúng tôi được bố trí qua đêm tại tư thất của viên trưởng ty cảnh sát.

May mắn tôi gặp người bạn đồng hương Quảng Nam, nhà thơ Nguyễn Tịnh Đông, anh đang theo đoàn công tác Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, đang đóng trại ở biển Ninh Chữ. Anh đưa tôi và Phạm Văn Nhàn về Ninh Chữ chơi. Và cũng như các bạn trong đoàn, chúng tôi mì tôm qua bữa.

Đêm đó, tôi và Phạm Văn Nhàn lang thang phố xá Phan Rang vắng vẻ tìm café. Và đây, café Diễm, có cô Diễm ngồi nơi quầy thâu tiền đẹp tuyệt trần, không bao giờ cười. (Không bao giờ cười là một bí mật của vẻ đẹp cô).

Ở lại Phan Rang được vài hôm. Cạn tiền. Tiền café thì có mà tiền cơm thì không. Còn phải trở về Qui Nhơn nữa chứ.

Thế đấy.

Rồi bỗng nhiên thiên thần hộ mệnh xuất hiện.

Một đêm lang thang từ quán café Diễm về nơi nghỉ trên đường Thống Nhất (không biết bây giờ đổi tên là đường gì), bỗng nghe tiếng một phụ nữ gọi thảng thốt:

- Anh Nhàn! Anh Nhàn!

Tôi mơ hồ như nghe tiếng vọng của một thiên thần cứu rỗi.

Trời! Giữa cái thành phố thời chiến xa lạ này lại có người quen thân sao!

Tôi và Phạm Văn Nhàn dừng lại. Một phụ nữ đang bế con đứng bên đường trước nhà. Trong ánh sáng vàng vọt của đèn đường, tôi thoáng nhìn chị, chị còn rất trẻ và xinh đẹp.

Sau phút ngỡ ngàng, Nhàn kêu lên:

- Trời ơi! KV!

Trong đầu tôi thì kêu lên: Trời ơi thần hộ mệnh!

Thế là họ gặp nhau. Tôi không rõ quan hệ giữa họ với nhau thế nào? Bạn cũ? Tình nhân? Thôi kệ.

Nàng mời chúng tôi vào nhà. Sau vài phút trao đổi, biết nàng có chồng có con. Chồng nàng pilot. Đêm nay đang thực hiện một chuyến bay đêm. Hình như L19.

Tôi lịch sự không để ý đến câu chuyện của hai người. Xin phép ra trước hiên đốt thuốc. Tôi mỉm cười. Biết đâu hai người đã là tình nhân của nhau. Đẹp thật. Mà đau thật. Gặp lại chi giữa buổi chiến chinh này.

Thành phố đã tới giờ giới nghiêm. Chúng tôi chia tay.

Trên đường về, Phạm Văn Nhàn chỉ buông một câu nghe não nuột:

- Thì ra nàng đã lấy chồng.

Tôi mơ hồ về một mối tình nào đó, đã trôi xa, trong chiến tranh quên lãng. Bây giờ trời lại bắt họ gặp nhau. Để làm gì! Không biết!

 

4- Sáng hôm sau tôi và bạn tôi đến bến xe Phan Rang để về lại Qui Nhơn. Và một ngạc nhiên rất xúc động. KV đang ở đó co ro trong chiếc áo choàng vì cái lạnh buổi sớm sương. Nàng đòi tiễn chúng tôi về tận Nha Trang. Nhưng chúng tôi rất ái ngại cho nàng. Nàng đưa hai tấm vé xe cho Nhàn và một phong thư.

Chúng tôi đứng đó. Lặng im. Buồn não lòng. Tôi biết bạn tôi còn buồn gấp vạn lần.

Xe khởi hành. Chúng tôi chia tay. Nàng đứng ủ rũ trong cái lạnh sắt se trên bến xe. Lòng tôi thì nao nao trăm ngàn nỗi. Không biết bạn tôi đang nghĩ gì. Không biết KV đang thế nào. Im lặng. Trầm buồn.

 

5- Mà chao ôi! Sao tôi lại kể câu chuyện này ra đây!

Một câu chuyện tôi chẳng biết quá khứ.

Không rõ hiện tại.

Và tương lai thì mịt mù.

Không! Cho dù là một câu chuyện có thật trăm phần trăm, tôi vẫn mơ hồ nghe đâu đó trong muôn ngàn câu CHUYỆN TÌNH YÊU THỜI CHIẾN của Remarque.

 

Lê Văn Trung

(Viên Hướng gởi từ Australia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét