Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

Vót chông và vót… quốc thể - Nguyễn Hoàng Văn

 Cô Gái Vót Chông - NSND Tường Vy [Official MV] - YouTube


Cảnh “vót chông” của thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Đỗ Thị Hà làm tôi nghĩ đến cảnh “vót quốc thể” của những ông quan bệ vệ, cũng trong những dự án mệnh danh là “đối ngoại văn hóa”. Nhà thơ Huy Cận, trong vai trò Thứ trưởng Bộ Văn hóa, cũng từng “vót” thế, chăm chỉ tận tình, đến mức “ộc máu mũi”!

Chuyện xảy ra vào tháng 11 năm 1974 khi đoàn “Đoàn văn công giải phóng” do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và danh cầm Mười Đờn (Đinh Trọng Dĩnh) dẫn đầu từ chiến khu ở Nam Bộ ra Hà Nội để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn tại các nước xã hội chủ nghĩa anh em. “Làm việc” với đoàn suốt mấy tuần liền, cả ngày lẫn đêm, tối nào cũng họp “để bàn bạc tỉ mỉ từng tiết mục”, Nhà thơ – Thứ trưởng đụng độ rất căng với những nhà lãnh đạo nghệ thuật của đoàn và, đúng vào buổi chiều cuối cùng, lâm cảnh “máu chảy ộc ra ở mũi”. Thế nhưng nhà thơ cũng không buông bỏ và, ngay sáng hôm sau, lại tìm đến đoàn hát nhằm “tu chỉnh, nâng cao các tiết mục trước khi lên đường” để rồi “ộc máu” lần nữa, phải đưa vào bệnh viện Việt Xô cấp cứu. Làm việc căng thẳng quá nên huyết áp lên cao, gây đứt mạnh máu mũi và đó là lần đầu tiên nhà thơ sợ chết, dẫu rằng trong kháng chiến đã nhiều lần giáp mặt thần chết. [1]

<!>

Nhưng không một ông Thứ trưởng Văn hóa có tầm nào lại có thể phung phí đến mấy tuần lễ, cả ngày lẫn đêm, để biên tập chương trình biểu diễn cho một gánh hát cả. Có thể là Nhà thơ – Thứ trưởng xem đây là thể diện quốc gia nên cố công “vót” đến từng tiết mục nhưng, có lẽ, cái lối làm việc “micro-management” này là một trong những yếu tố khiến ông ta không thể đi xa trên trường chính trị, phải chết già như một ông Thứ trưởng Văn hóa bất kể là, từ đầu, vào năm 1945 khi chính quyền mới ra mắt, ông ta đã có chân trong nội các, nắm giữ Bộ Canh nông, một bộ quan trọng vì kinh tế đất nước lúc đó chủ yếu là nông nghiệp, sau đó, là Bộ Nội vụ, rồi nắm cả nội các trong vai trò “tổng thư ký chính phủ”.

Hăng hái thế, không rõ trước chuyến lưu diễn nói trên, năm 1959, khi đã bị tụt hạng xuống cấp Thứ trưởng, nhà thơ này có xía vào những quyết định cực kỳ phi lý, nếu không nói là ngốc nghếch, khi cử đoàn điện ảnh Việt Nam sang Nga tham dự Đại hội điện ảnh Moscow?

Năm đó nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đến đại hội điện ảnh này với hai phim, Chung một dòng sông, phim truyện, và Nước về Bắc Hưng Hải, phim tài liệu. Tin chắc rằng phim truyện đầu tay của một nước xã hội chủ nghĩa non trẻ như mỉnh sẽ chiếm cảm tình của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, thể nào cũng sẽ đoạt giải, những quan chức chính trị – văn hóa lại lo xa rằng các nghệ sĩ Việt Nam sẽ “kiêu căng, tự mãn” và, do đó, sẽ ảnh hưởng xấu đến “thể diện quốc gia”.

Cách hay nhất để khỏi bộc lộ sự kiêu căng ấy là không cho họ chường mặt ra và thế là, tất cả, toàn bộ ê kíp làm phim phải ở nhà, từ đạo diễn đến diễn viên. “Phái đoàn điện ảnh”, do đó, chỉ vỏn vẹn ba người với trưởng đoàn Bùi Đức Hinh – người, có lẽ, chỉ là một cán bộ chính trị –, chuyên viên quay phim Nguyễn Đắc và thông dịch viên Đặng Nhật Minh: lệnh trên là phải đến đây bằng sự khiêm tốn của mình, không được “tuyên truyền” ầm ĩ. Mà, thậm chí, cả nhà quay phim, như là người trực tiếp dính líu đến việc làm phim, cũng phải giấu kín thân phận, không được ra mặt, dẫn đến cảnh trớ trêu là không được cấp phiếu ăn và nơi ngủ, phải san sẻ hai suất ăn cho ba cái bao tử, hai cái giường cho ba tấm thân!

Nhưng, trớ trêu hơn, những ông quan văn hóa ở Hà Nội lo xa cho thể diện quốc gia này lại hoàn toàn mù tịt với hoạt động của một đại hội điện ảnh quy tụ hàng trăm phim. Giữa một rừng phim như thế thì nếu muốn khán giả chú ý đến phim mình thì phải quảng bá hết mình, khai thác truyền thông, khai thác mọi cơ hội có được và, dĩ nhiên, khai thác cả nét duyên dáng và sắc đẹp của đội ngũ nữ diễn viên của mình để quảng bá. Nhận ra mình bị hớ, “phái đoàn điện ảnh” Việt mới lật đật xin phép Hà Nội thông qua Tòa đại sứ, rồi mới lật đật “tuyên truyền” theo sự cho phép từ trên nhưng vừa muộn, vừa quá thiếu nhân sự, buổi chiếu phim truyện trên chẳng có mấy ma nào xem, chủ yếu là sinh viên Việt đang du học tại Moscow.

Chung một dòng sông trật giải trong sự thất vọng cùng cực nhưng bù lại, và hoàn toàn bất ngờ, Nước về Bắc Hưng Hải, bộ phim bị xem là con rơi với cảnh làm thủy lợi bằng sức người, lại nên gây sự chú ý đặc biệt, được cả giải vàng và, đến đây, cái sự “khiêm tốn” kể trên đã lộ mặt là trò… dại chợ. Ngay sau khi nhận tin được giải, những chức sắc có trách nhiệm đã rất “khôn nhà”, muốn… tuyên truyền ngay trong nước như là… thể diện của chế độ ta: trưởng đoàn và chuyên viên quay phim phải mang giải về nước ngay lập tức, bằng đường hàng không, còn anh thông dịch viên họ Đặng thì không cần, hãy từ từ về sau, bằng đường xe lửa.

Không biết khi phải bỏ ra hàng tuần trên chuyến xe lửa ì ạch băng qua nước Nga rộng lớn, rồi ì ạch băng qua Trung Quốc rộng lớn mới đặt chân đến Hữu Nghị Quan, cái “chủ nghĩa cá nhân” của ông thông dịch viên này nặng lên hay nhẹ ra? Chẳng là lời bình “Chiến sĩ thi đua X đã lập thành tích gánh được 80 kg đất vì đã vứt bỏ được 50 kg chủ nghĩa cá nhân” trong Nước về Bắc Hưng Hải có được dịch miệng tại chỗ sang tiếng Nga nhưng nhiều khán giả nước ngoài ngơ ngác, không hiểu, cuối buổi chiếu xúm lại thắc mắc với thông dịch viên rằng có phải đã dịch sai. Cho dù anh thông dịch viên cố giải thích rằng do “chủ nghĩa cá nhân” đè nặng nên làm việc không ra gì, chiến sĩ X nhờ vứt bỏ cái “chủ nghĩa” ấy nên năng suất mới cao hẳn lên, họ vẫn lắc đầu, chẳng thể nào hiểu được cái “gánh cá nhân chủ nghĩa” nặng tới nửa tạ! [2]

Cũng là xã hội chủ nghĩa với nhau mà “đối ngoại văn hóa” còn lệch pha thế, còn khiến ông nhà thơ Thứ trưởng ộc máu mũi những hai lần, huống hồ là “đối ngoại văn hóa” với tư bản chủ nghĩa?

Hai mươi tám năm sau đó, thông dịch viên Đặng Nhật Minh đã trở thành một đạo diễn. Vượt trội hơn so với thế hệ đạo diễn của mình nên được giới điện ảnh và nghiên cứu văn hóa nước ngoài chú ý, năm 1987 được Trung tâm Đông Tây tại Honolulu (Hawaii) mời sang làm việc trong vòng hai tháng. Trước lời mời cũng là “đối ngoại văn hóa” chưa từng có này, tính vào thời điểm đó, nguyên Bộ trưởng Văn hóa Trần Văn Phác tuyên bố như đinh đóng cột rằng không phải người ta “mời đi bao lâu thì mình đi bấy lâu” và, thậm chí, còn đi một nước cờ rất cao rằng: “Họ mời hai tháng thì mình đi một tháng thôi, để giữ cái thế chủ động của mình.”

Nếu Thứ trưởng Cù Huy Cận thì bỏ ra mấy tuần lễ để “vót” từng tiết mục thì Bộ trưởng Trần Văn Phác chỉ nhẹ nhàng khoát tay để “vót” hai tháng thành một tháng, theo cái quan niệm cực kỳ khác thường về “thể diện quốc gia”, cái thể diện của con ếch ngồi trong đáy giếng. Hậm hực trước cái lối giữ thể diện nghe như chuyện tiếu lâm này, nhà đạo diễn phải nhờ cậy người này người kia trình bày với nguyên Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người chủ trương cởi mở với Mỹ để chống lại sức ép của Trung Quốc và, nhờ thế, mới vượt qua cái lối suy nghĩ trẻ con kia! [3]

Tôi nhớ lại những câu chuyện trên, chỉ từ hai cuốn hồi ký đã đọc vì câu chuyện vót chông, cái cây chông diệt Mỹ, ngay trên một lãnh thổ thuộc Mỹ, và ngay sau khi giới lãnh đạo Việt Nam cất lời cảm tạ nước Mỹ. Nếu cái khờ dại hay ngu xuẩn này là chuyện đáng nói thì, đáng nói hơn, là việc xem các cuộc thi hoa hậu lên như là một vấn đề quốc gia.

Với những quốc gia Tây phương đi đầu hay đi trước trong chuyện hoa hậu như Mỹ hay Úc thì cái trò hơn thua nhan sắc cộng thêm những tài lẻ này chỉ là một hoạt động giải trí – thương mại thuần túy, chúng chỉ màu mè, chỉ hào nhoáng ở bề nổi, có thể thu hút sự chú ý rộng rãi trên toàn quốc nhưng không bao giờ được xem là một vấn đề văn hóa hay một dự phóng cho tương lai quốc gia.

Tại Úc, năm 2004 cô Jennifer Hawkins tự động đến Mỹ ghi danh tham dự cuộc thi Miss Universe và đoạt vương miện, cô được truyền thông chú ý, ai cũng mừng cho cô, mang lại cơ hội cho cô nhưng cũng chẳng ai xem đó là “niềm tự hào quốc gia”, cũng chẳng có ai bắt bẻ tại sao cô “tự tiện” dự thi. Nó hoàn toàn khác với nước Việt Nam chúng ta khi đó là “thể diện” phải quản lý thật chặt, như một hoạt động “đối ngoại văn hóa” mà, thậm chí, còn là “niềm tự hào” và một dự phóng cho tổ quốc như một “cường quốc sắc đẹp”. [3]

Khi một đội thể thao hay một đoàn nghệ thuật tạo nên được một một thành tích, một tiếng vang quốc tế nào đó thì, từ rất ít đến rất nhiều, nó sẽ có cơ may góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước so với trước bởi giới trẻ sẽ cảm hứng, sẽ tiếp thêm động lực với môn thể thao hay môn nghệ thuật đó hơn và, như thế, sẽ góp phần làm cho đất nước sống khỏe và sống đẹp hơn. Nhưng còn cái vương miện hoa hậu? Hãy tưởng tượng cảnh hàng chục triệu thiếu nữ “mơ làm hoa hậu”, làm “hotgirl” với ám ảnh về khẩu phần giữ eo, tối ngày õng ẹo trước bàn trang điểm để trau chuốt nhan sắc và dáng đi?

Những cuộc thi hoa hậu chỉ đơn thuần là sinh hoạt giải trí, hãy để cho thị trường giải trí định đoạt theo quy luật thị trường, dĩ nhiên là trong khuôn khổ pháp lý cho những ngành nghề thuộc kỹ nghệ giải trí. Nếu một cô gái có tài, có sắc, đoạt được vương miện, chuyện cũng tốt thôi và hãy mừng cho cô. Còn nếu cô ta ngu dại, chỉ đến đó để làm trò cười thì cũng được thôi, đó là chuyện của cô ta, có sức chơi ắt phải gồng mình mà chịu đựng lời giàm pha, miệt thị. Không nên gán cho một sinh hoạt của kỹ nghệ giải trí những ý nghĩa thiêng liêng như “thể diện” hay “niềm tự hào” của tổ quốc để các cơ quan và các nhà lãnh đạo văn hóa quốc gia phải xắn tay áo xía vào.

Điều mà giới này cần quan tâm là những vấn đề khác, rất nhỏ, rất bình thường nhưng rất trọng đại, tỷ như tại sao người Việt hay chen lấn, tại người Việt hay xả rác, khạc nhổ nơi công cộng; và, nhất là, hay… hiểm ác với nhau quá, v.v. Và như, liên quan đến những cô gái vót chông ngày xưa, thuộc các sắc tộc thiểu số ở miền Trung, tại sao hậu duệ của họ lại mê phim Hàn, mê đến độ đặt tên con cái theo các tài tử nước Hàn? [5]

Đó, giải quyết những vấn đề như thế, mới đúng với là cái “tầm” của cơ quan văn hóa quốc gia. “Tầm” của một cơ quan quốc gia không hề nằm ở cặp giò hay vòng mông, ở bộ áo tắm, cái áo ngực hay cái quần lót của mấy người đẹp điệu đàng!

 

Nguyễn Hoàng Văn

Tham khảo

  1. Huy Cận (2003), Hồi ký song đôi, NXB Hội nhà văn, trang 223.
  2. Đặng Nhật Minh (2005), Hồi ký điện ảnh, NXB Văn Nghệ, trang 174-176.
  1. Đặng Nhật Minh, sđd, trang 181.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét