Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

Những cái condom trong cõi ẩn hình - Nguyễn Hoàng Văn

HS Đinh Cường | HỌA SĨ VIỆT NAM HẢi NGOẠI 

tranh đinh cường


Tôi vừa mới trải qua hai tuần cấm cố để kháng cự cái con virus đang làm nhân loại khốn đốn sau khi đứa con trai bảy tuổi bị nhiễm từ trường. May mắn cháu bé chỉ bị sốt nhẹ trong hai ngày đầu còn đứa em bốn tuổi, cũng chưa hề chích ngừa, hoàn toàn miễn nhiễm. Nhìn lại, đó là hai tuần đau đớn khi phải ngăn không cho hai anh em xáp lại gần nhau lúc chơi đùa trong nhà hay ngoài vườn, mà phải ngăn cản cả những khi con sà vào lòng bởi, bằng mọi giá, phải áp dụng những biện pháp ngăn chặn cao nhất để có ít nhất một người lớn vô sự làm trụ cột trong những ngày khủng hoảng.

Khi phải áp dụng những biện pháp như thế thì, từ những tin tức liên quan, cũ rích và nóng hổi, tôi lại hướng đến một ý nghĩa khác, chẳng mấy tốt đẹp, về một “khí cụ ngăn chặn”, cái condom.

Giống virus trên khai sinh từ Vũ Hán nhưng Trung Quốc nhất định không chấp nhận giấy khai sinh này, nằng nặc rằng tấm giấy đó phải thực hiện trên đất Mỹ, rằng chính người Mỹ đã “trây” ra trong cuộc hội thao quân sự tại thành Vũ Hán. Nó quả quyết như thể đang nắm bằng chứng trong tay nhưng lại ấp úng như là những nghi phạm đang cố che giấu nhiều điều. Nó sợ quốc tế điều tra. Nó điên cuồng trả thù những ai kêu gọi điều tra. Và nó làm tôi nhớ đến một giai thoại về lịch sử của cái condom, đọc mấy chục năm trước, trong một cuốn sách về y – sinh lý của một bác sĩ, xuất bản tại Sài Gòn trước 1975. Lẽ đời, những phát minh có nguồn gốc tù mù nào cũng bị nước này nước kia giành giật bản quyền nhưng cái condom, trong giai thoại trên, lại bị đùn đẩy cho nhau: người Pháp đổ cho người Anh, người Anh đổ cho người Pháp, chưa kể chuyện một ông “Bác sĩ Condom” nào đó buộc phải bỏ xứ và đổi tên vì xấu hổ quá. [1] 

<!>

Trung Quốc lấy làm xấu hổ vì sự khai sinh của con virus trên nên cố đùn đẩy cho Mỹ, như thể là cuộc giằng co Anh-Pháp quanh cái condom. Nhưng xa hơn, để làm như thế, Trung Quốc lại sử dụng một thứ condom khác mang tên The Global Times trong những trò bẩn ngoại giao, chính trị. Danh chính ngôn thuận, đây không phải là tiếng nói chính thức của nó, mà là phụ trương cho một thứ “tiếng nói” như thế, tờ Nhân dân nhật báo. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì phụ trương này đã mở hết công suất với những thuyết âm mưu để gây nhiễu, để tung hỏa mù về tấm khai sinh trên với những giọng điệu đấu tố đầy quy chụp và dọa nạt, cực kỳ hách dịch, cực kỳ bá quyền. Không là tiếng nói chính thức, tờ báo có thể thoải mái cất lên những giọng điệu mà, sâu trong thâm tâm, chính quyền của nó rất muốn nhắn gởi nhưng chưa tiện nói ra, một cách chính thức.

The Global Times như thế, là một thứ condom để giúp chính quyền của nó miễn nhiễm với những trò bẩn ngoại giao. Và đó, thực chất, lại là giọng cũ trong bộ loa rất mới. Là sự hiện đại hóa cũng như quốc tế hóa những luận điệu quy kết thô bạo trong “cách mạng thổ cải” hay “cách mạng văn hóa”, những trận đấu tố nổi bật với vai trò của những tên cò mồi, những đấu tố viên được sử dụng như một thứ condom ngăn bẩn. Từ việc bẩn lớn đến việc bẩn nhỏ, trên đất nước này, luôn có những tên lưu manh chính trị lớn nhỏ tương ứng để đóng vai trò cái condom bao bọc, tránh sự dính tay vào việc bẩn trong những cuộc “cách mạng” quái dị và cực kỳ thất đức. Nếu Tứ nhân bang làm việc bẩn ở cấp chính sách cho Mao thì dưới họ là hàng hàng lớp lớp những cái condom theo thứ bậc lớn nhỏ tương ứng khác nhau và, cuối cùng, nhỏ nhất, là những cái condom mới ráo máu đầu mang tên Hồng vệ binh, lên đến hàng triệu cái. Bây giờ, nếu The Global Times là một cái condom to tướng thì nó, thể chế đó, còn có hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu cái condom nhỏ bé mang tên “Ngũ mao đảng”, tức đảng năm hào, những “dư luận viên” chuyên làm trò bẩn để bóp méo công luận.

Thể chế đó vận hành dựa vào những trò bẩn với hàng hàng lớp lớp ngừa bẩn như thế. Và cả những thể chế mô phỏng theo nó cũng thế, cũng là những trò dơ sau những cái condom, xuyên suốt lịch sử của mình.

Năm 2005 người Việt trong và ngoài nước sững sờ chứng kiến trận đấu khẩu nảy lửa giữa hai hội viên Hội Nhà văn, nhà thơ Trần Mạnh Hảo và nhà văn – đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, trong đó cả cả hai đồng sỉ nhau là cái condom của đảng. Trong tham luận đọc tại Đại hội Nhà văn vào hạ tuần tháng Năm, Đỗ Minh Tuấn gọi Trần Mạnh Hảo cái “ca-pốt rách của Đảng, giữ vệ sinh cho Đảng trong quá trình giao lưu văn hoá làm bạn với tất cả thế gian…” rồi, ngay sau đó, Trần Mạnh Hảo đáp lễ, gọi Đỗ Minh Tuần là “chiếc ca-pốt lành của Đảng”. [2] Cuộc tranh luận kéo dài trên trang mạng talawas cho đến khi ban chủ trương tuyên bố kết thúc, không muốn kéo dài cuộc đấu ngày càng gay gắt, ngày càng không hay và, ở đây, chúng ta sẽ không đi sâu vào chuyện giữa hai bên. Vấn đề là, khi những văn nghệ sĩ tự tố giác nhau là cái condom của đảng thì, trên thực tế, họ đã bị sử dụng như là cái condom cho những trò dơ bẩn, trong lĩnh vực văn nghệ.

Đó, có lẽ, cũng chính là lý do để Chế Lan Viên đau đớn khóc thầm, bởi đã sống như một con người bốn mặt, theo chính nhà thơ:

Anh là tháp Bay-on bốn mặt

Giấu đi ba, còn lại đấy là anh

Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc

Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình

(“Tháp Bay-on bốn mặt”)

Bốn khuôn mặt, chỉ mỗi một khuôn mà cả nghìn trò cười khóc thì, để sống như thế, cần phải miệng lưỡi và tráo trở như thế nào? Trong “Tưởng niệm về Phan Khôi”, Họa sĩ Trần Duy kể:

“Một buổi chiều tôi đến 51 Trần Hưng Đạo thì gặp cảnh: Một quan chức có quyền lực quát đuổi vợ chồng ông ra khỏi số nhà 51 Trần Hưng Đạo.

Người này quát lớn:

"Tống cổ thằng già khốn nạn này ra khỏi đây!"

Vợ ông, − bà Huệ ôm chăn màn, sách vở; ông Phan Khôi lảo đảo theo sau. Ra cổng gặp tôi, ông chào và nói:

"Thôi, anh về đi… Buồn không cần thiết!"

Đến buồn mà cũng không cần thiết, kể cả khi hắt bát nước đi vẫn biết là không hớt lại được.

Hôm sau tôi gặp lại vị quan chức hôm qua, nguyên là bạn học cùng tôi thời tiểu học ở Quy Nhơn, Bình Định, tôi hỏi:

"Ăn ở đối xử với nhau như vậy có quá lắm không? Nhất là tầm tuổi ông Phan cũng ngang hàng cha chú chúng mình?"

Ông bạn tôi cười nói:

"Cậu có biết chuyện lên đồng không? Người lên đồng nói những điều không do họ chịu trách nhiệm, họ nói những điều đến từ thế giới khác."

Và cũng nhân câu nói ấy, tôi nhớ có một nhà viết kịch nói với tôi giai thoại về ông này. Nhà ông này có một cái tủ lạnh, lúc vắng ông có người mở tủ lạnh ra thi thấy trong tủ toàn là lưỡi. Có thể vì thế mà ông ta nói được bằng nhiều thứ lưỡi!” [3]

Quan chức này, phải chăng, là nhà thơ “bốn mặt”? Nhà thơ sinh năm 1920, cùng tuổi Trần Duy, cùng trải qua thời thơ ấu trong một trường tiểu học tại Quy Nhơn và năm 1958, khi Phan Khôi bị “rút phép thông công”, đã là một quan chức văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn trung ương. Nhà thơ ghi rõ là bài thơ viết trong “Mùa bệnh 1988”, đến năm sau thì qua đời và tâm sự trên, có lẽ, là những sám hối về những trò bẩn đã trót nhúng tay để tồn tại và để tiến thân trong cái thể chế vận hành dựa vào những việc bẩn. Trước đó 11 năm thì Nguyễn Công Hoan lìa đời và, ngày nay, đọc lại những lời vô cùng bẩn thỉu mà ông ta viết về Phan Khôi, như bài thơ:

Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi

Thọ mi mi chúc chớ hòng ai

Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc

Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài

Lô-gích, trước cam làm kiếp chó

Nhân văn, nay lại hít gì voi

Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục

Thêm nhục cơm trời chẳng biết gai.

(Thơ họa của Nguyễn Công Hoan – 1957)

chúng ta cũng có thể tự hỏi là, trong buổi hoàng hôn của cuộc đời hay, ít ra, là trong những giờ phút hấp hối, nhà văn trên có sám hối, có vật vã đau đớn vì đã làm dơ chữ nghĩa, làm dơ cái tên Nguyễn Công Hoan từng rạng rỡ một thời? [4]

Với nhà văn họ Nguyễn chúng ta không hề biết được nhưng, với học giả Nguyễn Đổng Chi, qua lời kể của con trai, học giả Nguyễn Huệ Chi, chúng ta tin là không phải chờ đến cuối đời mà, ngay cả trước khi hạ bút để đấu tố Phan Khôi, ông đã ray rứt tự cắn xé, như thể khóc thầm. [5] Và qua lời kể của Trần Chiến, con trai Trần Huy Liệu, trong Cõi người, chúng ta còn hiểu thêm cái thể chế ở đó những nhà điều hành nắm giữ trách nhiệm luôn có những con dê tế thần nào đó để làm thay trò bẩn cho mình: Nguyễn Đổng Chi, trong trường hợp đấu tố Phan Khôi, chính là con dê tế đảng của Trần Huy Liệu. [6]

Trong đỉnh cao của phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm, thể chế muốn hạ đổ cái đầu tàu Phan Khôi vốn nổi danh về học thuật nên, do đó, Viện Sử học phải có phần đóng góp về mặt học thuật. Sâu trong “cõi ẩn hình” ông Viện trưởng Sử học Trần Huy Liệu không đồng ý với việc hạ nhục một người khả kính như Phan Khôi nên phải tìm ra ai đó để khỏi bị dơ tay và, chọn lựa giản tiện nhất, là Nguyễn Đổng Chi, một con người có uy tín về học thuật, lại từng mang ơn mình. Chẳng là trước đó ba năm Trần Huy Liệu đã bảo lãnh Nguyễn Đổng Chi về Hà Nội để khai thác năng lực học thuật của ông, ngay giữa lúc học giả này đang bị chính quyền Hà Tỉnh tống giam vì tội… địa chủ, trong cao trào cải cách ruộng đất kinh hoàng năm 1955. Nhưng ban ơn cho một người để rồi đẩy họ vào tình thế không thể không trả ân là một sự đầu cơ mà, thậm chí, tệ hơn, là trò nuôi giữ con tin. Chắc chắn còn có nhiều cây bút tham gia vụ hạ nhục Phan Khôi đã hành động trong những tình thế và tâm thế éo le như thế và điều này lại nói lên sự “éo le” của một thiết chế tồn tại dựa trên những trò bẩn cùng trò nuôi giữ và dồn ép con tin.

Trong một thiết chế đầy rẫy những người bẩn và trò bẩn như như thế, đang còn bao nhiêu cái condom đang trơn tru hoạt động trong cõi ẩn hình? Và để bảo vệ một thiết chế như thế, còn có bao nhiêu cái condom mang tên “dư luận viên”, cái lực lượng mô phỏng đội “Ngũ mao quân” bên Tàu, sẵn sàng chửi rủa và đấu tố bất cứ ai hướng tới sự thật?

Khi con người bị dồn ép vào thế của con tin, phải hành động trái với lương tâm của mình, phải khóc thầm để nhúng tay vào việc “quốc sự”, và khi việc khi việc trị nước chỉ là tròng vào và tháo ra cái condom ngăn bẩn thì, cuối cùng, đất nước sẽ đi về đâu?

 

Nguyễn Hoàng Văn

Chú thích:

[1] Tôi nhấn mạnh: đây chỉ là giai thoại vui. Lịch sử của cái condom phức tạp hơn nhiều.

[2] talawas | Trần Mạnh Hảo – “Chiếc ca-pốt rách của Đảng” thưa chuyện cùng “chiếc ca-pốt lành của Đảng”

[3] http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13448&rb=0302

[4] Về “công trạng” của Nguyễn Công Hoan trong chiến dịch đấu tố Phan Khôi, có thể đọc thêm bài này:

talawas | Nguyễn Công Hoan – Hành động và tư tưởng phản động của Phan Khôi cho đến thời kỳ toàn quốc kháng chiến

[5] Sự khả kính của bậc thức giả | hoangvandzu (wordpress.com)

[6] Trần Chiến (2016), Cõi người, Nhà xuất bản Trẻ, TPHCM, trang 288-289 và 293-295.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét