Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

NHỮNG MÙA XUÂN THEO NHAU - Cung Tích Biền


DSCF2851

 

Tựu là bạn thân thiết với tôi trót mấy mươi năm. Đời gai nhọn biết bao điều đáng kinh hãi. Đôi khi tôi hỏi Tựu, Ông sợ gì nhất. Lần nào cũng vậy, Sợ cái lưỡi.

Tựu có một cái lưỡi rất đẹp. Màu đỏ tươi, người ấy là sức khỏe tốt. Lưỡi rất dài, có thể là người giàu lý luận. Có thể thôi. Hữu dụng của lý lẽ, chắc ăn là từ não. Trái tim có thể giúp đỡ thêm cho não giàu cái chân, thiện – để giảm thiếu cái ăn nói trơn tru, giảo hoạt để hại/ lừa người. Lưỡi của Tựu mỏng, đầu lưỡi rất nhọn, người có lưỡi ấy thường phát âm ngoại ngữ rất chuẩn.

Cách xử thế của Tựu cũng khá đặc biệt. “Bằng mọi giá, luôn tách ngoài, sống cách biệt cái hiện tại mình bắt buộc phải có mặt”.

Hành trình của chúng tôi từ lúc, tạm là đủ lớn khôn, thời thế đã dàn dựng sẵn một vở trường kịch. Chúng tôi bị bắt buộc luôn phải có mặt trên sân khấu, nhưng luôn là những vai phụ không đáng kể. Đôi khi làm thay những vật dụng. May mắn là đồ trang trí, bọn lính hầu. Một thằng áo đỏ, như cái hình nộm, đứng ở góc sân khấu, bất động, một hình tượng máu. Một gã ôm một tấm bảng hiệu đứng đó, thay vì một cây cột được đóng đinh để treo. Bất động, không tiếng nói, vì mày-là-bối-cảnh. Chung chung, chúng tôi là vô danh; nhưng diễn biến, chúng tôi là thành phần.

<!>

**

Về dòng tộc, họ hàng Tựu, có nhiều vị xuất thân khoa bảng, thời Nho học. Thân phụ làm quan tri huyện, tuổi “cụ” bấy giờ hãy còn trẻ, thời chính phủ Trần Trọng Kim, 1945. Ngồi huyện đường chưa tới sáu tháng, quan đã tự bỏ phủ đường, về vườn. Việc từ quan khi triều đình vua quan nhà Nguyễn hãy còn đó, quân đội Nhựt Bổn thay quân Pháp “Làm cha xứ này” hãy còn oai phong có mặt khắp nơi, là một câu hỏi lớn trong dân chúng. Chỉ một đôi vị quan lại cùng tâm trạng mới hiểu nỗi khó khăn của nhau, “Quân du kích đã ồn ào lắm rồi, cuộc vận động bạo lực vũ trang đã bắt đầu trong quần chúng”. Nghĩa là cuộc thanh trừng đã bắt đầu, một xã hội máu đã lộ diện. Tình yêu nam nữ, nghĩa đồng bào đã bị tổn thương. Mặt trận Việt Minh đã có mặt.

**

Cuộc kháng chiến chống Pháp, 1946, bùng ra, mọi người bận rộn chuyện sống với Bên-này hoặc Bên-kia. Trong cái lò cừ nóng bỏng, mọi người treo sinh mệnh của mình trước mỗi thái độ – tham dự hay đoạn tuyệt – Tựu rời bỏ tất cả, khoác áo nhà tu.

Đi tu vào thời ấy không phải dễ dàng. Toàn quốc đang nằm dưới sự cai trị của Việt Minh. Họ đang là một danh nghĩa, một đại diện cho Toàn quốc kháng chiến chống lại sự “Trở lại Đông Dương để tiếp tực nền đô hộ của thực dân Pháp”.

Thuở ban đầu, với một tình yêu nước nồng nàn, trai tráng phải lên đường nhập ngũ. Mới là Mùa-Xuân-đầu-tiên của nền Độc lập. Quân đội Việt Nam thời sơ khai, trang bị thiếu thốn súng đạn. Lính tráng tập trận bằng súng gỗ; kiếm sắt, mô phỏng theo loại kiếm của binh lính Nhật, từ các lò rèn thủ công lạc hậu nơi các vùng nông thôn. Nhiều chỉ huy trưởng phải mang thị uy bên mình khẩu súng lục bằng gỗ, lựu đạn gỗ sơn màu đen.

Lúc ấy quân đội Pháp đã có xe thiết giáp, súng đại liên, đại pháo, có máy bay oanh tạc. Nếu so sánh lực lượng giữa hai bên thì quá khập khiễng. Một bên, quân lực được chia bài bản từng quân binh chủng, Không quân, Hải quân, Lục quân, Pháo binh, Thiết giáp, Nhảy dù… Một bên thì dân quân còn cầm gậy tầm vông, áo vải thô, đi chân trần. Đường nông thôn, dân chúng phải đào hầm chông, mong quân Pháp đi sụp lỗ chông nhọn, như ông già bà cả không may sụp lỗ cống. Khắp nơi trong vùng Việt Minh kiểm soát đã răm rắp tuân theo lệnh “tiêu thổ kháng chiến”. Cách giải quyết tình thế theo thế yếu về quân lực của mình. Nghĩa là, luôn luôn phải nghĩa là, ai nấy tự chất rơm rạ, có thể phải đốt cái nhà của mình trước khi bỏ của chạy lấy người. Đào đường ngang dọc trên quan lộ Bắc-Nam, phá cầu cống hầu ngăn chặn phần nào sức tiến chiếm của quân Pháp. Nhà thờ, chùa chiền phần lớn bị đập phá. Cả trường học cũng hoang phế. Bọn trai trẻ mạnh khỏe đã ra chiến trường, bọn sứt mẻ còn lại phải sớm tối tăng gia sản xuất; xa dần sách vở.

Tư bản là kẻ thù của vô sản. Kẻ vô học thì thù ghét chữ nghĩa. Một thời, “giai cấp tiên phong của Kách mệnh 1945” vừa nhú ra, những sắc phong của triều đình, những sách vở chữ Hán, văn hóa thánh hiền đã thực sự lâm nạn. Chữ nghĩa quốc ngữ của các nhà văn, nhà học giả tân văn, cũng bị đốt hủy ráo. Những Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác bị giết. Những Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng bị triệt để săn đuổi, loại trừ.

Chính quyền ấy, kể từ Mùa Xuân năm 1946, đã áp đặt một nền chính trị mới, một chế độ lạ hoắc, tính từ nhiều nghìn năm qua, trong hệ thống hành chánh, chính trị tổ tiên đã có. Đối với ngoài, là “Đả thực dân”, bên trong là “Bài phong kiến”. Trên cái chiêu bài ấy nhân rộng, là chống cả tấm lòng thờ phụng ông bà, bài trừ tôn giáo. Có năm bão tố hạn hán, lúa mùa mất sạch, dân chúng lại thấy xuất hiện nhiều băng-rôn khẩu hiệu, những cái “Chống” lạ đời, “Chống thằng giặc trời phá hại mùa màng”. Nói chung là bài trừ, triệt phá cái gốc gác, cái nền móng, cái văn hóa đạo lý đã vững chải đã trải qua nghìn năm.

Thành phần quan lại cũ, hào phú, là cần phải bị đánh phá, triệt tiêu. Vì chúng nằm trong tầm nghi ngờ là Việt gian bán nước, là bọn luôn mong ngóng ngày thực dân Pháp trở lại, ngày phong kiến sống dậy. Lũy tre làng vẫn xanh như thưở. Trái cà quả cam cũng là sự thật. Nhưng lạ lùng lắm. Người khoác áo tu hành, đường Chúa, lối Phật, rặt được cho là bọn phi lao động, sống bám vào áo cơm của dân lành. Người không may bị bệnh tâm thần, thật sự là kẻ điên, thay vì dành cho họ một tình thương chia sẻ, lại quy/ xem là tên gián điệp cho bọn Pháp, chỉ giả ngây để che mắt mọi người.

Trong cái xóm làng vừa thân thiết tình đồng bào vừa bị bao vây bởi hòn bom trái đạn, lại không khí chính trị bao la những oai bức như vậy, sự xuất hiện của một Tựu-Nhà-sư là cả một hình bóng lẻ loi, và xa lạ. Một kẻ bị quy tội hoang tưởng, rất bị nghi ngờ là một kẻ phản động.

Sống nơi đây, là triệt để gia nhập. Không đứng ngoài để hoài mơ một đời khác. Thực tế là một trần trụi. Chẳng sương khói nào hão huyền, trang trí cho một hy vọng.

**

Bấy giờ, lúc “Vừng hồng Kách mệnh đã tưới máu ngay đỉnh đầu”, bà con Tựu đã hiểu ra cái lẽ tồn vong. Mong được mở một cánh cửa khác cho đời là cần thiết. Giấc mơ tách thoát, giấc mộng lìa bầy đàn, là thường trực trong tâm dạ mỗi con người, sống trong vùng Kháng chiến.

Sẽ có một cuộc đời, nếu qua được bên kia sông.

Mặt trời đã lên Bên-Kia.

Đêm đêm dân chúng hậu phương bên này chiến tuyến, thấy bên kia sông, nơi cho là “Vùng địch chiếm”, phố thị những vùng ánh điện mơ màng hắt lên trời đêm. Sông thì rộng. Vì an ninh chỗ giới tuyến, không một chiếc đò ngang. Trăng khuya lơ lửng. Cây cầu bắt ngang sông chia cắt Vùng-ta và vùng-địch-chiếm, đã ăn mìn tiêu thổ kháng chiến, chỉ là một cái xác sụp gãy, buồn bã dòng nước trôi.

Vào một thời, mỗi vùng mỗi tỉnh của Việt Nam là “đất da beo”. Quân Pháp và quân đội Quốc gia ở vùng các đô thị, thị trấn. Việt Minh kiểm soát vùng thôn quê và rừng núi. Việt Minh gọi Vùng Quốc gia là Vùng địch đóng, Vùng bị tạm chiếm.

Bên này cây cầu giới tuyến, có kẻ, trong tiếng thở dài khuya khoắt, lén nhìn vừng sáng bên kia sông. “Tôi ở bên này sông, bên kia vùng địch đóng” Bên ấy, có thể là nơi có hơi thở dễ dàng hơn; người lớn có niềm tin, trẻ em có trường học; ông già bà cả kẻ bệnh đau, có được cái bệnh viện đàng hoàng, thuốc men, sự chăm sóc y tế đầy đủ.

Thế là có cái ước mơ thoát ly.

Thế là mong trở lại đầu nguồn Tự do.

Con suối sẽ trong.

Con sông sẽ rộng những bến bãi bình yên.

**

Tựu “về thành”. Gọi là “dinh tê”. Trở lại vùng Quốc gia. Tựu vào trường, khi tuổi đã lớn. Đỗ cử nhơn, ra làm giáo sư. Thuở ấy, bằng cấp còn it ỏi. Một vị cử nhân văn chương, là ở cao tầng lắm.

Nhưng, lúc đời sống ổn định, “bình minh đã sáng ngời”, thì tâm thần Tựu lại mất ổn định. Cuộc nội chiến Bắc Nam, thực sự khởi chiến là năm 1960, cũng là mùa Xuân, với Tựu trong hiện tình là một điều khó giải mã. Chắc chắn phải tìm ra một chân lý, nhưng tương tàn giữa anh em ruột thịt là một đọa đày phi nghĩa.

Trong thân thể Việt Nam có những bàn tay dâng hương mong cuộc hòa bình, lại có những đầu não mong muốn mỗi con người bàn tay phải đẫm máu trong danh xưng anh hùng.

Tựu từng là một sinh viên xuất sắc, một thầy giáo uyên bác, nhờ một đời sống từng trải, đọc rất nhiều sách triết học, kinh sách các tôn giáo. Cái thuận chiều, là Tựu phải đóng góp rất nhiều cho văn học, nghiên cứu, hoặc dịch thuật, anh lại chọn một thái độ sống khá lạ lẫm. Chọn một Cái Bơ vơ. Làm một Kẻ Lạ. Chênh vênh và lạnh lùng. Một nửa, của tiên ông phiêu lãng; nửa kia là một phù thủy. Lung linh. Mơ hoặc. Tựu bạn lữ với cây cỏ trời mây khi ngao du đó đây. Sau, tìm tới thú vật. Muốn biến chim chóc khỉ vượn chia sẻ bớt tâm tư của con người. Nghĩa là chúng phải biết nói tiếng người. Nói thay cho người. Lại giả dụ ngựa biết bay. Con trâu con ngựa cũng mong đào thoát. Huyền thoại đã từng nói ngựa bay bổng lên trời, Tựu tin điều có thật. Phải có một cái thế gian huyền hoặc nhẹ nhõm, chẳng phải cái trần tục chém giết, bụi bặm, bận rộn nhỏ nhen này.

Tựu có pháp thuật dạy chim biết nói.

Bọn chim cũng cơ khổ lắm vì kỹ thuật luyện/ dạy cam go của Tựu. Có con chim đau đớn rên rỉ, vì cái lưỡi bị tu sửa, bào cho mỏng, vót cho nhọn đầu lưỡi. Nhiều đêm Tựu tâm sự, an ủi con két con nhồng, “Gắng mà sống. Bọn bây đau, chỉ đau cái thể xác mà thôi”.

Đến nhà Tựu chơi, thật là vui. Một hôm tôi tới thăm Tựu. Tựu biết xưa nay thay vì rót trà mời khách, thì phải rót tôi ly rượu hay khui chai bia. Nhà trong thành phố, dù vậy, Tựu trồng mấy bụi trúc, khoảng sân rộng, trước nhà. Trúc vàng, và nắng rất vàng. Ngần ấy bóng với lá thôi nhưng ta cứ tưởng mình đang ở trong rừng, vì, bọn nhồng, két trò chuyện với nhau. Như chúng đang diễn một vở kịch.

– Khách tới nhà sao không chào.

– Ông ấy quen lắm chào chi.

– Quen cũng phải chào chứ

– Đù má mày chào đi, tao đéo chào.

– Vì sao đéo chào?

– Vì là điều tao muốn.

Tiếng nói người từ cổ chim. Nó lơ lớ, cứng, rất vụng về. Nhưng nghe ra, ta khó thể cười cợt. Lại rất ngậm ngùi. Rất xót xa những những cái lưỡi loài vật biết nói. Tựu đoan quyết, “Chim chóc nói tiếng người, lương thiện hơn con người nói”. Đấy là ta tin vào cái tính thật, của tự nhiên; cái phong thái thanh cao của thiên nhiên; và sợi dây thiêng, đã nối kết thế giới Vật và Người.

**

Nhưng không hợp thời rồi Tựu ơi. Khi lũ chim nhà Tựu đối đáp sành sỏi, thảo luận với nhau nghĩa lý như một bọn nhà văn trong quán rượu; thì thời thế đã đổi thay. Mây xám từ nay đã hoài hoài trên bầu trời. Khí độc đã từng giờ trong gió. Và cái di hại sẽ đời đời trong mọi kiếp người. Đúng cái khắc giây chín mùi của sự nhục nhã, vị Đại tướng Tổng thống thân yêu của chúng ta đã ban lịnh toàn quân, toàn dân phải buông súng đầu hàng… “những chàng du kích”.

Những nhạc sĩ không còn da đầu, chỉ những xương lòi máu, đã kịch liệt ca ngợi mùa xuân ấy, “Mùa Xuân đẹp nhất tên Người”

Tiếng hát của bọn thiếu niên vỗ đều theo tiếng trống, trong phố thị.

Tiếng biển Đông về khuya khoắt im vắng, giúp người ra khơi.

Tiếng sóng rất êm đềm Lời truy điệu.

Và, tiếng hát cũng rất ngây thơ, trong lành tiễn đưa những Tương lai niên thiếu vào huyệt mộ.

**

Rồi cái sử lịch ấy, cái nước non ấy, đất tổ của chúng tôi trở nên một Cõi man dã. Một đất nước lạ lẫm, hiu hắt và lẻ loi trong nhân loại. Nơi ấy, nơi Đất tổ của chúng tôi, một đế chế mới được thiết lập. Con người được nhìn ngắm, quản lý, như gỗ rừng và súc vật.

Đây đúng là thời kỳ, Tựu nhận ra, là con người không tự do nói những gì là nguyện vọng chính đáng của mình. Câm lặng, giam mình trong bóng tối của số phận là việc chẳng nên. Tựu ra sức dạy bọn chim chóc nhồng két nói nhiều hơn. Và biết lắng nghe nhiều hơn, để nói những gì.

Một đêm, cảnh sát khu vực tới nhà Tựu kiểm tra hộ khẩu – tờ khai gia đình. Đêm khuya tịch mịch, con thằn lằn cũng im lặng lắng nghe, bao nhiêu người trong gia đình anh phải trình diện trước viên cảnh sát. Số người có mặt phải trùng khớp trong tờ kê khai, có đóng con dấu đỏ xác nhận của chính quyền. Thiếu một cũng không được. Thừa một có thể đi tù.

Bất ngờ lúc gia đình đang bị kiểm tra, con nhồng chỗ hàng hiên la toáng lên, Giọng của chim khàn đục, như cổ họng bị nghẹn. “Ai muốn ở đâu thì ở chứ”. Viên cảnh sát sửng sốt nhìn chim. Một con đứng trên bàn. Một chỗ thành ghế. Một con bay vòng vòng trần nhà. Vài con đang ngoài vườn bay vào. Chúng như muốn nổi loạn. Viên cảnh sát hỏi Tựu:

– Chim không nhốt trong lồng ư?

Tựu nghiêm chỉnh nói:

– Bọn chim nhà tôi không muốn bị nhốt trong lồng.

– Chúng không bay mất ư?

– Khi có tự do, chim cũng như người, bay đi đâu.

Thấy con nhồng đứng yên trên bàn, viên cảnh sát chộp ngay. Hắn ta bóp mạnh con vật. Con vật van vái, “Thả tôi ra. Tôi cần tự do. Thả tôi ra…”. Viên cảnh sát ném mạnh con vật nhỏ xuống sàn nhà. Trong óc phọt ra câu chửi thề nhất định phải phọt ra, “Đù mẹ, tự do cái mả bà mày”.

Lúc ra về, viên cảnh sát nói với Tựu:

– Lũ chim nhà này có vấn đề. Bọn thù địch, bọn diễn biến dạy nó nói.

Tựu cứ nuôi chim. Chừng một phần đời có ý nghĩa của Tựu đã trở lại. Kẻ mong đứng bên lề đã làm một việc từ trung tâm.

Lũ chim nhà Tựu chừng “phấn khởi”. “Nói đi rồi chết. Chửi đi rồi tật nguyền cũng cam”.

Tựu chơi trò mới. Bắt dàn máy phóng thanh. Liền tù tì sáng trưa chiều tối trong ba bốn ngày liền, lũ chim chóc trong vườn, ngoài vườn bay nhảy, trò chuyện, thảo luận đủ mọi việc. Giọng của chúng vang khắp một khu phố. Người phố thị quá vui. Rất nhiều người thu âm, hòng đưa lên phây- bốc, chát mạng gì đó. Bản tin thiệt hay. Nhiều người thấy quá đã, hàng xóm tâm sự cùng nhau, “Lũ chim nhà Tựu chửi ngọng nghịu mà cũng …vấn đề lắm”.”Tội nghiệp mấy cái số phận”.Nói, để được chết mà!”.

Nhưng,

Ông Tựu không chết.

Người ta không tuyên án tù, không giết ông Tựu.

Người ta không cắt nước uống từ một nhà nào cả. Việc đó là hạ sách.

Người ta chỉ cắt tiệt đi, ngay chỗ đầu nguồn cung cấp nước.

Một đêm Tựu được âm thầm mời đi. Hai tháng sau Tựu được thả về.

Tuy ốm o nhưng Tựu vẫn là một con người bình thường đủ tay chân tai mắt mũi. Chỉ cái lưỡi bị cắt mất tiêu.

Lũ chim mất nguồn.

 

Cung Tích Biền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...