Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

Vườn Thơ Dại - Trần Yên Hòa

Nơi Nhận: Trường Nữ T.H Bùi Thị Xuân - Đặc San - Hội Cựu Học Sinh Bùi Thị  Xuân & Trần Hưng Đạo Dalat - Bui Thi Xuan & Tran Hung Dao Alumni Association


Ô Mai đi học với áo dài trắng, ôm cặp da đen đựng sách vở với đầy nhóc ô mai chua ở ngăn đựng bút mực, con Ngọc Hân nói: ’’Ô Mai đúng là ô mai chua, không bao giờ tau thấy trong cặp vở của mi vắng bóng ô mai.’’ Cô bé bảo: ’’Nếu thiếu ô mai tau đâu còn là Ô Mai nữa’’.  Mà thật sự, Ô Mai thích món ăn chua chua nầy của mấy chú ba Tàu lạ lùng, vào lớp, lúc cô giáo đang giảng bài, Ô Mai sè sẹ bỏ tay vào trong cặp da, lần ra một viên ô mai trong hộp đựng viết, nhẹ nhàng bỏ vào miệng, ơi chao, chất chua nghe sao hấp dẫn quá, Ô Mai nheo mắt nhìn nhỏ Ngọc Hân, nhỏ Quỳnh Uyển ngồi hai bên, chép chép miệng khiến hai cô bé nầy thèm chảy nước miếng đầy miệng.

Lớp đệ tứ C của trường Nữ trung học Bùi Thị Xuân có bốn mươi tám học sinh. Những cô bé tuổi chừng mười lăm, mười tám nầy là chúa phá phách, thật đúng là đứng hàng thứ ba sau quỷ và ma. Quỷ và ma đâu không thấy, chỉ thấy các cô học trò chòng ghẹo nhau cũng đủ mệt. Cô hiệu trưởng hay bảo, bộ Giáo dục chia trường toàn là nữ sinh cũng có chỗ thất lợi, trường học chung cùng nam sinh các cô không giám quậy phá nhiều, vì còn phải đóng vai ’’tiểu thư con gái nhà ai?’’ nữa chứ, còn trường toàn là nữ sinh thì các cô đâu có thua ai, ăn quà vặt, chọc ghẹo thầy cô (sau lưng), chanh chua (dễ thương) thì chẳng ai bằng.

Ô Mai ngồi bàn thứ nhì, cô bé có đôi mắt đẹp như mơ, đôi mắt chỉ giống mẹ một nửa, còn một nửa giống ai đâu đó. Ba thường nói với mẹ như vậy, mẹ cũng đùa theo, ‘’chắc giống ông hàng xóm’’. Đôi mắt to đen với hàng lông mi cong mượt là niềm hãnh diện của cô bé và ba mẹ. Cô bé biết mình đẹp, nàng thường soi gương và nhấp nháy đôi mi, mười lăm tuổi cười một mình với bóng và say mê nhìn đôi mắt dễ thương của mình. 

<!>

Ba là sĩ quan quân đội, làm việc ở ngành báo chí, là sĩ quan phóng viên chiến trường cho một tờ báo quân đội tại Sài Gòn. Nói thế chứ ba đâu có ở Sài Gòn được, ba đi theo các đơn vị hành quân để viết phóng sự, đi khắp từ chiến trường nầy đến chiến trường khác, nghe ba thường nói với mẹ, ’’Anh đi dọc suốt đất nước mình, từ Trị Thiên anh dũng, KonTum kiêu hùng, đến Tây Ninh nắng cháy da người, rồi Đồng Tháp Mười, Kiến Tường, Kiến Phong, đến Huế thương đau, Hải Lăng, Ba Lòng, Quảng Trị, đâu đâu cũng có mặt anh ở đó’’. Mẹ chỉ biết đi dạy rồi về nhà chấm bài, cùng vui với các con .

Hồi sinh hai đứa đầu, hai đứa con gái, chị NaNa và Xíu Muội, ba nói với mẹ nửa đùa nửa thật, ’’lần sau em sinh cho anh đứa con trai nghe’’.  Mẹ cười nhẹ nhàng không nói gì, nhưng ba biết mẹ không vui, đàn ông sao thích con trai vậy nhỉ, trong lúc hai cô bé Na Na và Xíu Muội cũng xinh đẹp vô cùng. Đến khi mẹ mang bầu lần thứ ba, gần ngày sinh thì ba hết phép, mẹ chuyển bụng dữ  dội mà mấy ngày vẫn chưa sinh. Hết phép nên ba phải đi, ba nói với mẹ, "em yên tâm ở nhà sinh nghe, mẹ tròn con vuông, mọi chuyện anh đã nhờ bà nội, hồi nầy tình hình nghiêm trọng quá, mới ký hiệp định hòa bình mà địch đã vi phạm rồi, quân đội mà em, em đừng buồn anh, em sinh xong nhớ điện báo tin liền cho anh mừng’’, ba định nói, ‘’em sinh con trai cho anh’’ nhưng sợ mẹ buồn nên ba không nói hết ý. Buổi trưa ba đi thì khuya hôm đó mẹ sinh, chỉ có bà nội cận kề mẹ thôi. Khi cô y tá bế đứa nhỏ và la lên, ’’A, con gái’’ mẹ buồn xịu đi và nước mắt tự nhiên chảy quanh tròng, ’’em không khóc mà nước mắt em cứ chảy ra, em thương anh, em muốn sinh được cho anh đứa con trai mà em không làm vừa ý anh được’’, mẹ nghĩ đến đó thì ngủ thiếp đi vì thuốc an thần đã ngấm.

Ba về thăm mẹ với chiếc xe jeep đầy bụi đường ba tuần sau đó, ba bước vào nhà rồn rập như nhịp tim hồi hộp của ba, ba không được điện tín hay điện thoại gì của mẹ cả, ba biết là không được ‘’con trai‘’ rồi, nhưng ba vẫn hy vọng, biết đâu mẹ giữ tin mừng đến phút chót, ba chạy ào vào phòng mẹ. Mẹ nằm trên nệm trắng, nước da trắng xanh trông buồn thảm, mẹ đang cho cô bé bú, ba ngồi xuống bên giường và nhìn cô bé tí hon, đúng là con gái, một nhi đồng đẹp như thiên thần, ba cười và ôm mẹ. ’’Em đừng buồn nghe, anh vui lắm, em đừng suy nghĩ gì hết, mình có ba đứa con gái là ‘’tam cô nương’’.

Mẹ nghĩ ba trấn an và nói cho mẹ vui thôi, nhưng thật ra thì ba vui thiệt, nhìn cô bé tí hon nằm trong nôi ba thấy thương cô bé quá, con bé rất đẹp, nhất là đôi mắt, ba rất bằng lòng và hạnh phúc.

Ngày đặt tên con, ba bảo,’’Nhà mình có hai món ăn chua cho nữ sinh rồi là cà na và xíu muội, bây giờ anh thêm ô mai cho đủ bộ ba’’, mẹ cười cười, ‘’anh đặt tên con gì lạ thế’’, ba vẫn thản nhiên, ’’có gì đâu mà kỳ, cho đủ hàng để bác Sáu phu trường bán cho nữ sinh chứ’’. Thế là ba chị em, NaNa, Xíu Muội, Ô Mai, những món quà vặt mà nữ sinh trong giờ ra chơi rất thích nhâm nhi trong miệng.

*

Đà lạt đẹp như một bức tranh thuỷ  mạc, những ngày trời nắng với đám hoa quỳ nở vàng một quãng đường đi học.  Mẹ là cô giáo dạy tại trường nhưng mẹ thường đi sớm với chiếc Honda dame, còn Ô Mai thích lội bộ từ nhà đến trường với bọn nhỏ Hân, nhỏ Quỳnh Uyển. Ô Mai đi học lập ra đám ‘’tam cô nương’’ thay cho đám ‘’tam cô nương’’ ở nhà. Ngọc Hân người Huế, theo cha mẹ lên lập nghiệp ở xứ cao nguyên nầy, nghe giọng nói ‘’mô tê răng rứa’’ mỏng như tơ lụa của Ngọc Hân ai cũng phát mê, ‘’bài tập quốc văn ni làm ra răng Ô Mai,’’ ‘’giọng nói mỏng’’, con Quỳnh Uyển thường bảo thế, ba đứa ngồi chung bàn lại hợp tính nhau, tự nhiên ba đứa thân nhau như cá với nước vậy.

Đà lạt trên đường đi đến trường, Ô Mai thường hay đi dọc theo bờ Hồ Xuân Hương rồi theo đường Võ Tánh đến trường, đi qua những khu biệt thự kín cổng cao tường trồng đầy các loài hoa, tigôn, cúc đại đóa, uất kim hương, thược dược, nhưng Ô Mai không thích các loài hoa nầy, nó có một cái gì tách biệt, cách xa với Đà lạt, đối với Ô Mai, nói đến Đà Lạt phải nói đến thành phố hoa quỳ và mimosa. ‘’Hoa quỳ vàng’’ cô bé vẫn thường thích gọi tên nầy hơn là hoa hướng dương. Hoa Quỳ, một cái tên như có chất thơ trong đó, rất nhẹ nhàng thánh thót, còn hướng dương, nó như có một ý đồ chính trị, cô bé ghét bài hát, ’’nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương’’, vì ba nói, ’’bài hát đó là của địch lồng vào’’. Cái gì ba nói cũng đúng hết, ba ghét thì Ô Mai cũng ghét thôi.

Ba là nhà báo mà cũng là nhà thơ nữa, những bài thơ ba viết về Đà lạt từ ngày Ô Mai chưa có trên đời, đến bây giờ Ô Mai mới đọc đến và thấy hay làm sao. Tình yêu là một cái gì còn quá xa lạ, là thế giới của người lớn, đang còn ở xa tít mù khơi, nhưng chợt nghĩ đến cô bé vẫn thấy hồi hộp bồn chồn.

Ô Mai thường hỏi mẹ, ’’thơ ba có hay không mẹ?’’. Mẹ nói ởm ờ ’’mấy ông nhà thơ hay nói nhăng nói cuội lắm’’. Nhưng Ô Mai nhìn trong mắt mẹ thì biết mẹ rất cảm động, trong đôi mắt đó có một bầu trời xanh tình yêu của những ngày tháng cũ, một tình yêu khơi dậy, một hạnh phúc ươm mầm, những bài thơ ba làm cho mẹ từ thuở hai người còn đi học.

*

 Đàn bướm trắng sân trường, gần đến mùa hè nên các nữ sinh bỏ chiếc áo len màu xanh đậm, với bộ quần áo dài trắng trông các cô thanh thoát nhẹ nhàng và đẹp hơn lên. Đôi má hồng nhìn rõ những đường gân máu nhỏ li ti ẩn hiện.

Buổi sáng khi chuông báo vào lớp học, tất cả nữ sinh ra đứng sắp hàng trước khi vào lớp học, nên lúc nào các cô bé cũng nhìn sang phía bên kia đồi thông, có ngôi trường đại học đối diện, ngôi trường có những người con trai học làm lính, học làm sĩ quan.

Từ ngày Đà Lạt có bóng dáng những những người con trai khắp bốn phương về đây tụ hội, những nữ sinh cảm thấy vui hơn và yêu đời hơn, không biết chuyện tương phùng có sự sắp đặt nào không, nhưng thấy càng ngày ở câu lạc bộ sinh viên sĩ quan tiếp đón nhiều nữ sinh vào thăm.

Buổi sáng thật sớm, khi tiếng kèn báo thức vang lên thì ngôi trường đại học lại rập rồn tiếng nói cười của đám con trai, sau đó, từng tốp sinh viên sĩ quan quần áo nghiêm chỉnh, áo quần kaki vàng, bê rê xanh đậm, tay ôm sơ mi đều bước tới đại giảng đường, một toán khác ngay hàng thẳng lối, tay bồng súng đi ra sân cờ làm lễ chào quốc kỳ, sau khi đã buộc Quốc kỳ vào dây kéo, và sau tiếng hô thượng kỳ của sinh viên sĩ quan chỉ huy, là tiếng kèn quân nhạc cất lên, lá cờ tổ quốc được kéo lên tung bay trong gió, đám nữ sinh chứng kiến hằng ngày cảnh đó nên nhiều cô rất cảm động.

*

 Buổi sáng trong lòng đầy hoa quỳ và mimosa, Ô Mai cùng Ngọc Hân và Quỳnh Uyển đến trường sớm. Hôm nay là ngày trực nhật của ‘’tam cơ nương’’, bổn phận trực nhật là phải vệ sinh phòng ốc: Ngọc Hân quét phòng, Quỳnh Uyển lau bảng đen và bàn cô giáo, còn Ô Mai thì vệ sinh tổng quát. Ba cô đã đồng ý như vậy, Ô Mai phải tìm có đứa nào viết bậy lên tường hay lên bàn học không?.

Ô Mai nhón một viên ô mai vào miệng rồi chọc thèm Ngọc Hân:

- Ê nầy nhỏ, ô mai chua líu lưỡi luơn, ô chà chà, ngon quá.

 Ngọc Hân nói:

- Cho tau cục coi.

- Cục gì, cục c. hả? đây nè.

Ô Mai vỗ vỗ vào mông khiến Ngọc Hân tức cành hông luôn, nó chạy lại lục trong cặp Ô Mai lấy một viên ô mai bỏ vào miệng rồi cười thật tươi:

- Ô mai ngon thật hen, Ô Mai.

Chợt có tiếng Quỳnh Uyển vang lên từ bàn thứ ba, nó đang lui cui quét mấy tờ giấy rác đứa nào vứt dưới chân bàn, thì nó thấy trong hộc bàn có một phong thư, nó ngạc nhiên cầm lên đọc, ’’Gởi cô bé học trò chưa quen biết’’.

Ô, sự kiện lạ đây, nó vội kêu lên với Ô Mai và Ngọc Hân:

- Có chuyện lạ tụi bay ơi, có thư tình nè.

Ô Mai và Ngọc Hân bỏ công chuyện chạy lại.

- Đâu, đâu? thư tình của ai gởi cho ai vậy?

Quỳnh Uyển cầm phong bì trên tay rồi đọc chậm rãi:

- Người gởi nè, ’’sinh viên sĩ quan trường đại học chiến tranh chính trị nè, còn người nhận, cô học trò chưa quen biết’’. Nhìn phong bì cũng lịch sự và trang nhã lắm, ba cô tò mò.

Ngọc Hân:

- Thì Quỳnh Uyển mở ra thử coi.

Quỳnh Uyển dẫy nẫy:

- Đâu phải thư gởi cho tau mà tau mở.

  Ô Mai góp ý:

- Thì thư có gởi cho ai đâu, gởi chung chung thì ai mở ra đọc chẳng được.

Nói vậy chứ ba đứa chả đứa nào chịu mở phong thư, cuối cùng đưa đến quyết định là “oẳn tù tì”, đứa nào thua thì đứa đó phải mở thư, oẳn tù tì ra cái gì ra cái nầy, phải ba bốn lần như vậy mới có kết quả là Ô Mai thua.

Ô Mai phải bóc thư ra, dù mạnh dạn đến đâu thì tay cô bé cũng run run và trái tim đập lộn nhịp chút xíu. Thư là một tờ giấy vơluya mỏng được xếp gọn ghẽ, thư viết ngắn, Ô Mai đọc thế nầy:

KBC 4648... ngày...

Thưa quý nương!

Tụi tôi là ‘’ba chàng ngự lâm pháo thủ’’, đang lên núi tu luyện công phu, hiện học tại trường ĐH/CTCT, đối diện với trường quý nương, gồm có: Ninh ‘’gồ ghề’’ Hiển ‘’cận’’ và Đức’’trống’’. Cứ mỗi sáng ra sân cờ để làm lễ chào quốc kỳ là thấy các cô sắp hàng vào lớp với áo trắng nữ sinh đẹp quá, khiến lòng tụi tôi cảm động vô cùng. Buổi tối tụi tôi thường qua gát ở trường các cô đang học, vậy nên vì tình cảm ấy, là hai trường đối diện nhau, một bên là trường kẹp tóc, một bên là trường húi cua, tại sao chúng mình không kết nghĩa “huynh muội” với nhau. Các cô đừng lo sợ, tụi tôi tuy là lính nhưng mà hiền khô hà, từ bốn phương trời tụ hội về đây nên còn bỡ ngỡ và cô đơn lắm. Xin quý nương chấp nhận và hồi âm, thư cũng để tại bàn học nầy. Ký tên."

Ô Mai đọc xong cười ré lên:

- Xời ơi, lâm ly bi đát quá, giống y hệt như truyện kiếm hiệp không bằng.

Ba đứa, mỗi đứa bình một câu, toàn là lời không hảo ý với nội dung bức thư, nhưng thật ra, mỗi cô bé đều có một tâm trạng riêng. Mười lăm, mười sáu tuổi, chưa có đứa nào có tình yêu và chưa hình dung được nó ra sao, nhưng tự nhiên, ba cô vẫn thấy trong lòng mình gờn gợn lên một chút gì đó, rất mong manh như sương khói, về những chàng trai trẻ đang học ở trường phía bên kia.

Ba đứa thống nhất, dấu kín bức thư và im lặng không trả lời, để dò xét tình hình xem sao?.

*

Suốt những ngày sau đó, tình hình êm ả, ‘’mặt trận miền tây vẫn yên tỉnh’’. Bộ ba đã sắp xếp cho Ô Mai ngày nào cũng tới trường sớm, để vào phòng học, đến bàn thứ  3 coi thử ‘’phe bên kia’’ có tiếp tục viết thư tìm bạn nữa không?.

Ô Mai nói với mẹ:

- Hồi chiều con đánh kiện với nhỏ Hân chạy trặc chân đau quá, mai mẹ chở con đi học với nghe.

Mẹ vô tình nên gật đầu, mẹ có thói quen đi dạy sớm lắm, đến trường trong lúc chỉ có bác Sáu phu trường lo quét dọn văn phòng, mẹ vào văn phòng đem bài của học trò ra coi lại, đọc lại bài soạn sẽ giảng cho học trò hôm nay, mẹ là cô giáo dạy quốc văn nổi tiếng.

Ô Mai được mẹ chở đến trường, mẹ bảo khi cô bé bước xuống xe ’’con vào lớp chi sớm, vào văn phòng chơi với mẹ’’ Ô Mai nói ’’con vào lớp coi lại bài học chút’’, nói xong là Ô Mai đi liền. Vào phòng học, đến bàn thứ ba, hộc bàn trống trơ trấc, một mảnh giấy nháp của đứa nào còn sót lại. Ô Mai tự dưng buồn lạ lùng, cô bé thầm nghĩ, ’’chưng hửng chưa, tự dưng đi đến lớp một mình như thế nầy’’. Khi tiếng chuông báo đến giờ vào lớp thì Ngọc Hân và Quỳnh Uyển cũng tới nơi, gặp mặt Ô Mai tụi nó hỏi ngay, ’’Có chi không?’’ Ô Mai nói ’’không có’’. Làm ra mặt tỉnh, nhưng trong thâm tâm đứa nào cũng không vui.

Gần hết một tuần, Ô Mai không chịu đi sớm nữa thì Quỳnh Uyển lên tiếng quân sư, ’’Phải kiên nhẫn mai phục, ít nhất phải một tuần nữa, chứ để tụi ngồi bàn thứ ba, tuị ‘’ngũ long công chúa’’ hay tụi ‘’chim sẻ’’ được thư thì hỏng bét‘’. Ô Mai nghe cũng lọt tai nên cô bé kiên nhẫn, với lại hôm qua mẹ hỏi “chân con hết đau chưa?’’. Nàng làm bộ nhăn nhó, ’’còn đau me ơi’’. Còn đau thì làm sao đi bộ liền được, Ô Mai nói nhõng nhẻo ‘’Mẹ chở con đi học một tuần nữa nghe.’’

Sáng thứ hai đi sớm vào lớp học, cô bé đi lại bàn số 3 thì thấy ngay lù lù một phong thư trong hộc bàn, cũng như lần trước, bì thư xanh, hàng chữ xanh in đậm chỗ người gởi, bì dán kín. Ô Mai cầm phong thư lên mà hồi hộp quá chừng, cô bé muốn gỡ thư ra coi ngay mà sợ hai nhỏ kia, vì cuộc chơi nầy là của ba đứa mà, nên nàng bỏ phong thư vào cặp rồi mà cô bé còn lấy ra đọc lại, rồi lại bỏ vào, lòng cơ bé bồn chồn quá.

Hôm nay thứ hai có chào cờ nên nhỏ Hân, Quỳnh Uyển cũng đến rất sớm. Ba đứa dắt nhau ra tuốt tận bải cỏ đàng xa, sau khi Ô Mai đưa mắt ra dấu có tịch thu được ‘’chiến lợi phẩm’’. Ô Mai đưa phong thư cho Quỳnh Uyển và nói ’’Bây giờ đến phần mi nè, mi mở ra đọc đi’’. Quỳnh Uyển cầm phong thư mà tay cô bé run thiệt tình, hôm nay ngoài tờ giấy vơ luya còn có một đóa “pensé” ép nữa chứ.

Một bức thư ngỏ ý muốn làm quen, vẫn lời lẽ ’’thiệt thà như đếm’’ vậy, bức thư ngắn có mấy dòng, chứng tỏ các chàng trai không hoa hoè hoa sói gì nhiều.

Ngọc Hân chợt nhiên cho ý kiến.

- Mình có nên viết lại trả lời không?

Ô Mai giật thót người như đìa phải vôi:

- Không được đâu, mẹ tau biết được la chết.

Ngọc Hân mạnh bạo bào chữa:

- Mình viết trả lời mà có đề tên ai đâu mà biết, chữ tau viết cho.

Quỳnh Uyển cũng tán thành vì nàng nghĩ chẳng có chuyện gì nên tội, như một trò chơi trốn tìm thuở nhỏ vậy mà. Cuối cùng của cuộc luận bàn là, trước khi  tam cô nương đồng ý kết nghĩa huynh muội thì xin ‘’phía bên kia’’ nói rõ hơn về lý lịch của mình, tại sao gọi là ‘’Ninh gồ ghề’’ tại sao gọi là ‘’Đức trống’’ và ký tên chung là ‘’tam cô nương’’.

Ba cô chờ đợi một tuần, tuần sau thì có thư rằng: ’’Ninh gồ ghề chỉ rất đơn giản thôi, là người con trai nầy ‘’đô con’’ trông rất gồ ghề ’’ vả lại, chàng là người Bắc kỳ di cư hay luôn miệng nói ‘’gồ ghề quá ta’’ với chuyện gì chàng đắc ý. Còn Đức trống là tay trống cừ khôi của ban nhạc liên đoàn SVSQ, để phân biệt với nhiều Đức khác, như “Đức rổ” hay “Đức cống” chẳng hạn.

*

Chuyện thư từ qua lại thế mà cũng gần ba tháng, cứ mỗi tuần, hai phe, phe nào cũng nhận “đều chi” một bức thư. Càng lúc thư càng dài ra và các cô cậu cũng biết bao nhiêu chuyện để kể cho nhau nghe, chuyện trời mây sông nước, chuyện sách vở, cũng như mọi ‘’chuyện đời thường’’.

Đến sang tháng thứ tư thì phe bên kia viết thư ‘’xin gặp mặt’’.  Sự việc đâu ngẫu nhiên cũng trùng hợp lạ lùng là, mỗi phe đều chỉ có ba người, chứ không biết khác đi thì thế nào nhỉ?

Bộ “tam cô nương” lại khẩn cấp có một cuộc họp, mở đầu là nhỏ Hân nêu ra vấn đề, ‘’có nên gặp mặt không, nếu gặp mặt sẽ xãy ra sự kiện gì tốt, xấu ??. Bàn đi bàn lại, nghĩ cho cùng thì chẳng có gì gọi là xấu, một cuộc gặp gỡ xảy ra, một cuộc gặp gỡ giửa ban ngày ban mặt, mà đi cả ba cô chứ có lén lút gì đâu.

Chỉ Ô Mai là thụ động, trong lòng cô bé có một tình cảm thế nào không định nghĩa được, cô đang ở lưng chừng trời, trong những thư từ qua lại, tuy nhân danh là tập thể ba đứa, nhưng hai phe tự dưng như chia một ranh giới rạch ròi, Ninh được ghép với Ngọc Hân, con nhỏ nầy bạo mồm bạo miệng nên cho với Ninh gồ ghề là đúng, Quỳnh Uyển mê nhạc nên ghép với Đức trống, còn Ô Mai ưa mơ mộng, thích văn học thi ca nên ghép với ‘’Hiển cận’’, không biết cái “mắt kiếng” của cậu nầy có dày quá không đây. 

*

Mùa hè đã đến, Đà Lạt không nhìn thấy một cành phượng vỹ nào, học sinh các trường trung học đã bắt đầu nghỉ, trên các đường phố sớm mai không còn thấy những tà áo trắng nữ sinh thướt tha nữa, thị xã như im lìm hoang vắng đi, chỉ ngoại trừ những ngày thứ bảy, chủ nhật xôn xao bóng dáng các chàng sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Quốc gia với Alfa đỏ và sinh viên sĩ quan Đại Học Chiến Tranh Chính Trị với Alfa đen, đi phép làm đẹp phố phường.

Buổi chiều mẹ nhận được thư ba từ Sài Gòn: “Anh báo cho em một tin mừng, anh được Tổng cục  thuyên chuyển về làm chủ bút tờ nguyệt san Chiến Hữu, anh không đi mặt trận nữa, anh đã về làm cố định tại Sài Gòn, nên anh mong em thu xếp về với anh, vợ chồng mình ở với nhau hơn hai mươi năm mà có lúc nào mình sống với nhau được tròn tháng. Nghĩ lại anh thương em quá, anh đã chạy đến chỗ anh Thuỵ làm ở Phòng nhân viên bộ Giáo dục xin thuyên chuyển em về dạy trường Nữ Trung học Trưng Vương, ảnh nói sẽ giúp đỡ, với lại em đã dạy Đà Lạt những mười mấy năm rồi. Em thu xếp về gấp nghe, định ngày rồi báo cho anh biết để anh cho xe về đón em và các con’’.

Mẹ được thư buổi chiều thì buổi tối mẹ nói chuyện với Ô Mai:

-  Con thu xếp độ một tuần nữa là ba cho xe về đón, chuyện học hành của con cũng chuyển về Trưng Vương luôn, mẹ sẽ trình bày với cô Hiệu Trưởng’’.

Ô Mai nghe tin nầy, cô bé thấy lòng mình như hụt hẫng đi, dù sao đi nữa, Đà Lạt đối với Ô Mai cũng là nơi nàng đã sống một quãng đời thơ ấu bình yên, Đà Lạt với những đồi thông xanh, đêm ngủ nghe tiếng thông reo vi vu như tiếng ru của một con suối mơ nào đó, tiếng ru đã đã ôm choàng lấy cô bé trong những giấc ngủ trẻ thơ, rồi những nhỏ bạn như nhỏ Hân, nhỏ Quỳnh Uyển, đến đám con trai “sinh viên sĩ quan” mới quen nhau mấy tháng.

Ô Mai nhớ lại buổi đầu tiên hẹn gặp, sau khi bộ ba chấp nhận một cuộc gặp mặt, thì nhỏ Hân liền thảo một ‘’văn thư’’ gởi cho ‘’phía bên kia’’. Đám "tam cô nương" đồng ý gặp mặt nhưng tại địa điểm nào, phía  bên kia đáp lễ và cho những điểm hẹn, cà phê Mê Kông, cà phê Tình Nhớ, Quán Trúc hay Kem Thủy Tạ ... Đám tam cô nương lại luận bàn, không thể ở những quán cà phê khi mới gặp lần đầu, gặp nhau phải ở chỗ trong sáng, ‘’Kem Thuỷ Tạ đi’’, Quỳnh Uyển nói, cô bé thích kem lắm,  mà Ô Mai cũng vậy, ngồi trên Thuỷ Tạ trong cái se se lạnh của Đà Lạt mà nhâm nhi ly kem dâu thì thật là tuyệt vời’’. Đồng ý gặp tại kem Thủy Tạ’’. Ba chàng thì chỉ có bộ quần áo dạo phố mùa hè là bộ worsted, đầu húi cua, caskette cùng màu với worsted. Ninh ngồi đầu, tướng to con dễ nhận diện, chừa một ghế, (mấy chàng nầy ga lăng và cũng âm mưu quá ta!) đến ghế Đức trống, chừa một ghế, đến Hiển cận, rồi đến ghế trống của Ô Mai. Ba cô gái bận áo dài trắng đi phất phơ như những cô học trò khác đi ăn kem, thế thôi, nhưng ba nàng thì khác, run thật là run, quả tim như muốn nhãy ra ngoài.

*

 Hôm đó Hiển đã nói với Ô Mai những gì cô bé không nhớ hết, hình như nói về một miền quê Hiển đã lớn lên, miền quê bên giòng sông Đồng Nai hiền hòa, tuổi thơ Hiển ở đó, như một truyện ngắn của Duyên Anh, truyện ‘’Con Thuý’’. Giòng sông Đồng Nai êm đềm biết bao nhiêu. Rồi hình như Hiển đã nói về một quyển sách khác, quyển ‘’Giờ Ra Chơi‘’ của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, trong đó nhân vật, cô bé Thục, cũng là nữ sinh Đà Lạt, với một tâm hồn như tâm hồn Ô Mai vậy.

Bây giờ Ô Mai phải xa lìa chốn nầy, nơi chốn đã cho cô bé bao nhiêu kỷ niệm êm đềm. Mẹ nói: ’’Con hãy noi gương theo hai chị con, chị NaNa đã vào Đại Học Y khoa, chị Xíu Muội  vào trường Dược, con còn ba năm nữa, ba mẹ hy vọng con cũng vào được một trong hai trường đó, con còn nhỏ, nên lo học hành, đừng mơ mộng viễn vông.’’

Chuyến xe chở mẹ và Ô Mai rời Đà Lạt buổi sáng thứ sáu, ngày chủ nhật, đám Hiển ra phép, chỉ có nhỏ Hân và Quỳnh Uyển đợi ba người con trai tại kem Thuỷ Tạ.

Ngọc Hân báo tin:

- Ô Mai cùng gia đình về Sài Gòn rồi, về học luôn dưới đó, không lên nữa.

Qua đôi kiếng cận, trông gương mặt Hiển mờ ra, khu vườn thơ dại đã đi qua, mất hút.

 

TRẦN YÊN HÒA

(Anaheim, CA, USA) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét