tranh nguyễn trung
Từ ngày bà Tư qua đời, Quân, đứa con trai duy nhất lấy vợ sinh cháu nội đích tôn, ông Tư cảm thấy rất hạnh phúc, quây quần với con cháu, an vui với tuổi già.
Mỗi năm ông tham gia bốn ngày lễ lớn: chào cờ đầu năm, ngày lễ quân lực Việt Nam Cộng Hòa 19/6, ngày họp mặt binh chủng Biệt Động Quân và ngày họp mặt đồng hương mừng năm mới.
Mỗi ngày ông tập thể dục, chăm lo vườn rau và cây ăn trái phía sau nhà, check mail của bạn bè và đọc sách. Còn bao nhiêu thời giờ ông chơi với cháu nôi.
Ông Tư trước năm 1975 là người lính tác chiến suốt sáu năm trong binh chủng Biệt Động Quân. Trên bốn vùng chiến thuật đều có bước chân ông và đồng đội, tham gia những trận đánh ác liệt với Cộng quân. Năm 1975 miền Nam sụp đổ, ông đi ở tù. Sáu năm ở tù trở về ông không giám về Trung, quê hương ông. Ông ở lại Sài Gòn đạp xich lô sống qua ngày.
<!>
Duyên nợ đẩy đưa, ông gặp lại Liên Hoa, người con gái cùng quê đi dạy học. Sau năm 1975 mất dạy vì gia đình tham gia trong quân đội miền Nam, cha đi ở tù. Gia đình bỏ chạy vào Sài gòn. Liên Hoa sang một sạp hàng nho nhỏ ở chợ Bà Chiểu buôn bán qua ngày, nuôi mẹ và hai đứa em nhỏ. Tình cờ gặp Liên Hoa đón xe ông và ông gặp Liên Hoa. Hai người cảm thông hoàn cảnh của nhau và thành vợ chồng…
Sau hai năm thành hôn, Liên Hoa sinh được đứa con trai đầu lòng. Dù rất cực khổ nhưng hai vợ chồng cố gắng nuôi con đầy đủ. Đến ngày ông được định cư ở Mỹ theo diện HO.
Qua Mỹ đổi đời, hai người lo đi làm nuôi con và lo cho con ăn học thành tài, để nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng.
***
Mỗi chiều đi làm về, cho xe vào gara là Quân chạy tới nựng cu Tý đang nằm chơi, hôn lên mái tóc bới cao của Tịnh Quyên đang làm bếp và uống ly cam tươi mà vợ pha để sẳn trên bàn. Nhưng hôm nay không thấy cu Tý nằm trong nôi mà nghe tiếng hát ru của Ông nôị:
À ơi! Bồng em đi dạo vườn cà. Trái non chấm mắm trái già làm dưa.
À ơi! Ai về nhắn với nậu nguồn. Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.
Quân nhìn ra sau vườn, ông già đang bồng cu Tý dạo quanh vườn và hát ru cháu. Tự nhiên Quân cảm thấy thật vui và hạnh phúc. Những ước mơ của Mẹ, của Ba và của Quân đã thành sự thật.
Ông Tư định cư ở Mỹ cũng trên 20 năm mà ông chưa về thăm quê một lần. Hồi mẹ Quân còn sống rủ ông về chơi thăm bà con nội ngoại, xóm làng quê kiểng, ông từ chối và nói:
- Chừng nào hết cộng sản ông mới về. Về mà nhìn thấy mấy thằng công an áo vàng là ông muốn đập ở tù rục xương.
Từ ngày mẹ Quân qua đời, ông lại càng không bao giờ nghĩ tới về Việt Nam. Bạn bè ông cũng lựa những người tri kỷ, cùng một lý tưởng để kết bạn thân. Ông vui với cây kiểng và sách vở. Ông lục tìm mua những quyển sách lịch sử, văn học có giá trị thành lập một tủ sách gia đình.
Nhưng khi Quân ra trường có việc làm ổn định ông lại khuyên Quân về thăm quê nội thay ông. Vì ở quê còn căn nhà tự đường, còn mả mồ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Quân nghe lời Ba xin phép hai tuần lễ về thăm quê hương.
Quân về quê 10 ngày thăm bà con, tu sửa mả mồ ông bà, tổ tiên, cúng tạ tự đường, luôn tiện mời bà con làng xóm một bữa tiệc để tạ ơn. Vô lại Sài Gòn chơi thêm 4 ngày để xem Sài Gòn và mua một ít sách cũ theo lời Ba dặn và qua lại Mỹ. Nhưng không ngờ lại gặp Tịnh Quyên. Chắc số trời đã định.
***
Tịnh Quyên đang loay hoay tìm những quyển sách cũ trong tiệm sách trên đường Quang Trung. Quân đến bên hỏi:
- Xin lỗi, cô tìm quyển gì mà tìm kỷ thế?
- Em đang tìm quyển Khung Cửa Hẹp của Andre Gide nhà thơ Bùi Giáng dich, Tịnh Quyên trả lời.
Quân đưa quyển sách đang cầm trên tay và hỏi:
- Có phải quyển sách nầy không? Chỉ còn một quyển duy nhất, đừng tìm nữa mất công. Tôi nhường lại cho cô với giá gấp đôi và tôi mời cô một chầu càfé.
- Được thôi anh. Cảm ơn anh. Tịnh Quyên trả lời.
Và hai người hẹn nhau đến tiệm cafê Mộc Miên trên đường Quang Trung quận Gò Vấp.
Hai người chọn một bàn ngoài hiên trên lầu một nhìn ra đường Quang Trung. Quân kéo ghế mời Tịnh Quyên ngồi. Người tiếp viên nữ đến lễ phép hỏi:
- Thưa anh chị uống gì?
- Cho một ly cà phê đá và hỏi Tịnh Quyên:
- Cô muốn uống gì?
- Cho xin ly cam tươi.
Cử chỉ lịch sự và thân mật của Quân ai nhìn cũng cảm nhận là đôi tình nhân yêu nhau đã lâu, nhưng thực sự mới gặp nhau trong tiệm sách cũ. Quân giới thiệu:
- Tôi tên là Quân. Xin lỗi cô cho biết tên.
- Em tên là Tịnh Quyên quê ở Cần Thơ lên Sài Gòn học đaị học. Quyên trả lời thành thật.
- Tịnh Quyên học khoa gì, năm thứ mấy? Quân hỏi.
- Quyên học khoa nhân văn năm thứ ba, thuê nhà trọ và đi dạy thêm để trả tiền cơm tháng và tiền phòng. Còn anh sao hôm nay thứ năm không đi làm mà đi tìm sách để mua. Quyên hỏi Quân:
- Anh ấy à. Quân trả lời có vẻ bông lơn. Anh thất nghiệp một tháng về thăm quê nội ở Quảng Nam. Vào Sài Gòn hai ngày rồi mà không ai đưa đi chơi cho biết Sài Gòn nên buồn quá đi mua sách về đọc.
- Anh nói thật? Anh chưa đến Sài Gon lần nào sao? Quyên hỏi laị.
- Từ sáu tuổi đến nay Quân chưa đến lần nào. Quân nhà quê lắm.
Tịnh Quyên nghi ngờ những lời nói của người bạn trai mới quen vì trông Quân vừa cười vừa nói. Quyên dứt khoát:
- Trông dáng dấp anh như vậy mà nhà quê không ai tin đâu. Còn hơn là thành phố nữa. Anh nói thật Quyên sẽ tình nguyện chở anh đi không lấy tiền nhưng anh bao ăn uống và trả tiền xăng vì Quyên là sinh viên nghèo.
- Được thôi, chuyện nhỏ, nếu Quyên tình nguyện chở đi xem những nơi mà Quân cần xem.
- Nhưng Quyên không tin anh là người nhà quê. Anh không nói thật, nên sự thân thiện bị hạn chế.
Vừa nói Tịnh Quyên nhìn thẳng vào mặt Quân làm anh chàng bối rối, vội bào chửa và lãng sang câu chuyện:
- Ngày mai Tịnh Quyên chở đi rồi sẽ biết. Đừng bắt khai lý lịch mà tội nghiệp Quân.
***
Đúng bảy giờ ba mươi phút sáng, Tịnh Quyên đã đến khách sạn Tân Uyên trên đường Quang Trung mở điện thoại gọi Quân:
- Anh Quân đã dậy chưa? Quyên đợi dưới khách sạn nè.
- Quân đã dậy lâu lắm rồi, sẽ xuống ngay.
Vừa bước xuống phòng lễ tân trông thấy Tịnh Quyên đã ngồi đợi ở phòng tiếp khách. Quân quá đổi ngạc nhiên khi nhìn thấy Tịnh Quyên hôm nay thật khác với ngày hôm qua. Dáng vẻ khỏe mạnh thể thao trong bộ quần jean xanh, áo pull màu trắng, mái tóc bới cao, khuôn mặt rạng rỡ thông minh. Với phong cách tự nhiên Quân cất tiếng chào:
- Good morning Tịnh Quyên. Today you very beautiful.
Tịnh Quyên không kém phần lanh lợi và nhã nhặn:
- Thank you anh Quân. Mình có thể đi được chưa?
Đi được rồi, nhưng Quân đề nghị mình đến một nơi nào ăn sáng uống café rồi đi cũng không muộn vì hôm nay trời thương tụi mình mát dịu, vã lại Quân chỉ cần thăm viếng vài ba nơi thôi.
- Mình có thể đi lại tiệm Mộc Miên vì nơi đó cafe ngon và có những món ăn điểm tâm ngon và sạch sẽ. Tịnh Quyên đề nghị, Quân nói OK.
Hai người bước vào café Mộc Miên. Khách buổi sáng rất đông nhưng cũng may còn bàn mà hôm qua đã ngồi. Hôm nay Tịnh Quyên rất lanh lơị đề nghị để Quyên gọi món ăn. Quyên gọi hai tô hủ tiếu Mỹ Tho và hai ly café sữa đá. Khi đợi món ăn. Tịnh Quyên nhìn Quân và hỏi:
- Anh Quân, Quyên nghĩ, anh không phải là người sống ở Việt Nam, anh là người nước ngoài mà anh dấu Quyên.
Nghe Tịnh Quyên hỏi những lời ngọt ngào và chân thành, không dấu được nên Quân trả lời thành thật:
- Quân ở Mỹ về thăm quê nội ở Quảng Nam theo lời dặn của Ba, vào ở lại Sài Gòn chơi vài ngày, mua một số sách cho ba và thăm những nơi mà Ba và Mẹ hằng ghi nhớ là những kỷ niệm sâu lắng của ông bà, rồi trở lại Mỹ. Không ngờ gặp Tịnh Quyên và nỗi vui đến với Quân từ ngày hôm qua.
Tịnh Quyên lại hỏi thêm:
- Vậy sáng nay anh Quân muốn đến những nơi nào để Quyên đưa đến.
- Quân cần đến những nơi mà ba mẹẹ thường nhắc trong những năm tháng xa quê hương.
Ngươi tiếp viên mang thức ăn lên, Quân tiếp Tịnh Quyên rất chu đáo. Đó là cử chỉ lịch sự của những người đàn ông ở xứ văn minh nhất là ở Mỹ.
Đối với Quân lần đầu tiên trong đời được ngồi với một người con gái đẹp, khả ái, thông minh. Hồi mẹ Quân còn sinh tiền mẹ thích sau nầy Quân lấy vợ là người con gái Việt Nam hiền dịu, nết na, biết lo cho gia đình, chồng con. Những năm tháng sống ở Mỹ, Quân chỉ biết cố gắng học hành, đổ đạt và tìm một việc làm ổn định cho cha mẹ vừa lòng. Chưa bao giờ đi chơi riêng hoặc đi ăn uống với một người con gái, nói chi đến chuyện yêu đương hẹn hò. Sáng nay cùng ngồi ăn với Tinh Quyên, chuyện trò thân mật, Quân rất vui và tự hỏi: có phải người con gái nầy tương lai là vợ mình không nhỉ? Quân nhìn Tịnh Quyên và nói cũng như nói với lòng mình:
- Cám ơn Tịnh Quyên thật nhiều, không ngờ gặp được Tinh Quyên và có lẽ sáng hôm nay bắt đầu những ngày vui. Bây giờ Quân cần đến bốn nơi: chùa Vĩnh Nghiêm để Quân thắp hương lạy Phât, Dinh Độc Lập để Quân nhìn thấy sự tồn tại của chế độ miền Nam trên hai mươi năm có chiến tranh nhưng có tự do, công bằng và bác ái mà ba Quân đã gắn bó. Bệnh viện Từ Dủ là nơi Quân chào đời và Thảo Cầm Viên là nơi Ba Mẹ ngày xưa hẹn hò cuối tuần.
- Những nơi đó Quyên biết sẽ chở anh đến.
Quân ngồi phía sau xe, Quyên chở đi thật chậm. Chưa bao giờ Quân đi xe gắn máy hơn nửa thành phố Sài Gòn quá là đông người, xe cộ loạn xà ngầu không tuân thủ luật lệ, sợ té và sợ xe khác tông nên ôm thật chặt hai bên hông làm Quyên nhột quá trời. Quyên cố chịu nhột, Quyên chạy xe đến chùa Vĩnh Nghiêm. Quyên gởi xe và đưa Quân vào chính điện. Quân đi thẳng vào gian giữa thắp hương lạy Phật rất cung kính, bước qua bên phải và trái thắp hương lạy. Tịnh Quyên cũng thắp hương lạy Phật như Quân. Ra khỏi chùa Tịnh Quyên hỏi Quân:
- Ở Mỹ từ nhỏ mà sao anh Quân rành lạy Phật thế?
- Lúc còn nhỏ mẹ thường dẫn đi chùa, Quân rất tin Phật và tin vào duyên nợ.
- Quyên cũng rất tin vào duyên phận và định mệnh.
Tịnh Quyên chở Quân theo đường Nguyễn Văn Trổi (Công Lý) xuống Dinh Độc Lập.
Lần nầy Quân đã quen dần ngồi xe gắn máy, không ôm chặc hai bên hông của Tịnh Quyên. Đến Dinh Độc Lập, Quân chỉ đứng ngoài sân và nhờ Tịnh Quyên chụp vài tấm hình để về trao lại cho ba xem. Tịnh Quyên hỏi Quân:
- Sao Anh Quân không vào xem cho biết?
Quân không trả lời mà đọc hai câu thơ:
Con sông nào chảy xa nguồn
Thì con sông ấy hãy buồn với ta*.
- Anh Quân đọc thơ của thi sĩ Hoài Khanh phải không?
- Vâng, đúng rồi, sao Tịnh Quyên biết nhà thơ Hoài Khanh?
- Nhà thơ Hoài Khanh đã qua đời rồi. Thơ lục bát rất hay nhưng buồn buồn làm sao ấy. Mỗi lần Quyên đọc thơ Hoài Khanh, Quyên buồn chảy nước mắt.
- Ba Quân rất thích thơ Hoài Khanh. Ông già có mấy tập thơ của Hoài Khanh nên Quân đọc và thuộc nhiều bài. Mỗi lần đọc Quân cũng buồn như Tịnh Quyên.
Không biết từ sự thân thiện lúc nào, Quân cầm tay Tinh Quyên đưa đến nơi gởi xe. Tịnh Quyên chở Quân đến bệnh viện Từ Dủ, hai người không nói một lời. Đến cổng bệnh viện Quân nói với Tịnh Quyên:
- Tịnh Quyên đứng đây với Quân để nhìn lại nơi mà Quân đã chào đời.
Quân nhìn những người đàn bà đang mang bầu gần sinh được người nhà dẫn vào bệnh viện và những người đàn bà đã sinh rồi cũng được người nhà hoặc chồng bồng em bé mới sinh đưa ra cổng. Quân chợt nhớ đến Mẹ. Những ngày cơ cực ở Sài Gòn đã sinh Quân. Nhớ thương mẹ biết bao, nhưng mẹ bỏ Quân mà đi quá sớm. Nhìn khuôn mặt buồn bã của Quân, Tịnh Quyên hỏi:
- Sao Anh Quân buồn vậy? Trông anh muốn khóc hả?
Quân không trả lời mà đề nghị với Tịnh Quyên:
- Bây giờ là một giờ chiều rồi, Quân mời Tịnh Quyên đi ăn trưa, Tịnh Quyên có thích ăn chay chúng mình đi ăn cơm chay.
- Sao anh Quân cũng cùng ý muốn với Quyên thế, Quyên tính mời Anh Quân đi ăn cơm chay cho nhẹ bụng.
Tịnh Quyên chở Quân đến tiệm cơm chay trên đường Trần Quốc Toản. Tiệm cơm chay của mấy ni sư mở ra để kiếm lời nuôi các em nhỏ mồ côi. Vào bàn, Quân để cho Tịnh Quyên chủ động kêu thức ăn. Khi thức ăn đem lên Quân rất nhạc nhiên, những món ăn sao giống mẹ nấu trong những ngày mồng một, ngày rằm cho cả gia đình. Quân nói với Tịnh Quyên:
- Tịnh Quyên giống mẹ Quân, lo lắng và biết được ý thích của Quân. Hồi còn sống mẹ hay nấu những món ăn giống như những món ăn nầy cho cả gia đình, Quân ăn hoài đâm ra thích ăn chay.
- Anh Quân thích ăn chay lắm hở? Quyên hỏi lại.
- Quân rất thích ăn chay, nhưng từ ngày mẹ mất không ai nấu chay nên thỉnh thoảng Quân và Ba ra tiệm chay để ăn trong những ngày rằm, mồng một.
- Quyên cũng thích ăn chay, những ngày rằm, mồng một là Quyên nấu cơm chay để ăn. Quyên nấu cơm chay cũng khá ngon, khi nào có dịp Quyên sẽ nấu cơm chay cho Anh Quân ăn nhé.
- Có thể nấu suốt đời được không? Quân hỏi nhưng Quyên không trả lời. Quyên lặng lẽ tiếp những món ăn chay cho Quân, nhìn Quân ăn rất ngon miệng và cảm nhận Quân như một người anh trai hiền lành và chân thật.
Cuối bữa ăn Tịnh Quyên đề nghị:
- Lần đầu biết anh Quân và cùng anh đi chơi. Cho phép Quyên trả tiền bữa ăn chay này nghe.
- Quân đã hứa bao hết cho Quyên rồi mà. Sai hợp đồng sao được.
- Quyên xin trả một lần thôi. Vì là ăn chay. Khi nào ăn mặn anh Quân trả hết.
- Như vậy Quân sẽ ăn chay suốt đời.
Quyên cười nhìn Quân và gọi tiếp viên đến tính tiền. Quân bỏ tiền típ rất nhiều vì Quân nghĩ như một sự giúp đỡ cho các sư nuôi trẻ mồ côi.
Tịnh Quyên chở Quân đến Thảo Cầm Viên. Quyên dẫn Quân đi xem những khu nhót cọp, sư tử, khỉ, gấu, những loài chim và khu trồng hoa. Nắng Sài Gòn gay ghét, Quân rất mệt nhưng rất vui vì tìm lại được nơi mà ba mẹ hẹn hò khi mới yêu nhau. Những lối đi, những ghế đá ba mẹ đã từng đi qua, từng ngồi tâm sự. Quân đề nghị với Tịnh Quyên:
- Mình tìm một ghế đá ngồi nghỉ mệt nghe Tịnh Quyên.
- Quyên cũng mỏi chân quá rồi, mình đến ghế đá gần nhà bảo tàng ngồi đi anh Quân.
Khi ngồi xuống ghế đá bên Tịnh Quyên, Quân cảm thấy xao xuyến, hồi họp. Có lẽ tình yêu đã đến với Quân. Nhìn qua Tịnh Quyên, đôi mắt nhìn xa xăm có nét vui lẫn buồn. Để phá tan không khí im lặng Quân hỏi Tịnh Quyên:
- Quyên đã đọc hết Khung Cửa Hẹp của Andre Gide chưa?
- Quyên thức suốt một đêm đọc hết quyển truyện. Quyên thương cho Alissa quá đổi. Sao người con gái hiền từ, đạo đức, nhân ái mà chết sớm quá hả Anh Quân. Đáng lẽ Alissa phải sống, phải hưởng được hạnh phúc bên Jérôme suốt đời. Ông Trời thật bất công.
- Tại Ông Trời hay tại Andre Gide. Vì Gide đưa Allisa vào khung cửa hẹp, cũng như Nguyễn Du đã đưa Kiều vào lầu xanh. Quân nói với Tịnh Quyên.
- “Chứ không phải định mệnh? Hoàn cảnh xã hội, tư tưởng tôn giáo hay ý thức quyết tìm tự do của con người hay tâm thức của thiên tài sáng tác?” Như Bùi Giáng đã nói hay sao. Tịnh Quyên nói một hơi để hỏi lại Quân.
- Quân nghĩ Bùi Giáng nói đúng, nhưng cái muốn quan trọng là do Andre Gide phải không? Do Nguyễn Du phải không?
- Quyên nghĩ là do định mệnh an bài. Quân đã từng nói với Quyên tất cả đều do định mệnh mà.
- Như hôm nay chúng mình ngồi tại đây là do gì? Định mệnh và duyên số? Quân hỏi Tịnh Quyên.
- Do gì thì chưa biết, nhưng Quyên gặp anh Quân, Quyên cảm thấy rất vui.
- Quân nghĩ gia đình Tịnh Quyên có giòng giõi văn học nên Tịnh Quyên chọn môn văn và say mê đọc sách?
- Quyên là một người con gái con nhà nghèo. Ông nội Quyên là sĩ quan chế độ Sài Gòn giải nguũ trước năm 1975, Ba Mẹ Quyên làm nghề dạy học, dạy môn văn nên Quyên cũng hấp thụ được văn chương chữ nghĩa. Quyên cố gắng học để vương lên. Quyên rất mê đọc sách, đọc để tìm hiểu, để biết phải trái trong cuộc đời nầy. Đọc mới biết được đời sống của miền Nam trải dài suốt hai mươi năm. Biết được cái hay, cái dở của một chế độ. Quyên nói một hơi như nói với lòng mình.
- Quân thì xa đất nước nầy từ nhỏ, nhưng cũng biết được ít nhiều về miền nam trước năm 1975 do Ba Mẹ kể lại. Ba cũng rất thích đọc sách, say mê văn học nên Quân cũng mê theo. Quyên à! Quân thấy Alissa quá yếu đuối cứ chạy trốn tình yêu. Tình yêu đã đến gần mà sao không nắm bắt để bay đi mất. Khó đến lần thứ hai phải không Tịnh Quyên?
- Quyên nghĩ là tại Jésôme không hiểu được Alissa muốn gì.
- Nếu định mệnh đã an bài, ông tơ bà nguyệt đã xe chặt thì dù ở xa vạn dặm cũng đến với nhau. Nhưng có một điều là Quân và Tịnh Quyên đều thích đọc sách và thích Khung Cửa Hẹp của Andre Gide. Quân nói thật chậm và rõ để cho Quyên nghe. Tịnh Quyên nhìn Quân với đôi mắt trìu mến và chân thật.
***
Trời về chiều, nắng Sài Gòn đã dịu mát. Trong Thảo Cầm Viên cũng đã thưa người, Quân cảm thấy buồn vì sáng mai tám giờ là xa Sài Gòn, Quân chợt nhớ một câu thơ của nhà thơ Thanh Tâm Tuyên: “ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới”. Và nghĩ tình yêu chỉ đến một lần, không nắm giữ sẽ vụt mất khó tìm lại. Quân mạnh dạn nói với Tịnh Quyên:
- Quyên có nhớ trong Khung Cửa Hẹp của Andre Gide. Ông mục sư đọc trọn cả một đoạn thánh kinh: “con hãy gắng tiến vào, qua khung cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang dẫn đến nơi tai họa, đến chổ trầm luân, có biết bao kẻ đã đi qua rồi, nhưng nhỏ hẹp mới là khung cửa là con đường dẫn tới đời sống và rất ít kẻ tìm ra.” Đó là một câu trong kinh thánh mà Gide khuyên Alissa cố gắng bước qua khỏi khung cửa hẹp để tìm đến hạnh phúc. Giờ Quân muốn đưa Tịnh Quyên bước qua một khung cửa hẹp có thực trên cõi đời nầy, và đến một nơi có đầy đủ tự do, công bình và bát ái. Quyên nghĩ thế nào?
- Bằng cách nào mà anh Quân đưa Quyên bước qua khỏi khung cửa hẹp có thực trên cõi đời nầy. Ai cũng muốn đến một nơi có đầy đủ tự do, công bằng và bác ái. Tịnh Quyên hỏi Quân.
- Bằng cách nào thì Quân chưa tính nhưng hứa sẽ đưa Tịnh Quyên ra khỏi đất nước nầy, để có một đời sống tươi đẹp, tương lai huy hoàng hơn. Đã hứa là Quân sẽ thực hiện.
- Quyên cám ơn Anh Quân rất nhiều, nhưng tất cả đều do định mệnh, mình muốn nhưng định mệnh không an bài thì có muốn cũng không được hả anh Quân. Quyên trả lời Quân và ánh mắt hiện lên một nỗi vui.
Quân triều mến cầm tay Tịnh Quyên đứng lên dắt ra chổ gởi xe, và mời Tịnh Quyên ăn một bữa cơm tối để chia tay. Hai người đến nhà hàng Tri Kỷ ở Phú Nhuận vì ở đây có nhiều món ăn của miền Nam như cá kho tộ, lẩu cá lóc…theo lời đề nghị của Tịnh Quyên.
Trong bữa ăn tối, Tịnh Quyên và Quân cảm thấy hạnh phúc. Tịnh Quyên nói líu lo, nào là chuyện học hành, chuyện bạn bè, chuyện gia đình… Quân cũng kể những nổi nhọc nhằng của Mẹ khi miền Nam mất và của Ba đi ở tù và những ngày cơ cực ở Sài Gòn khi sinh ra Quân. Đến Mỹ, Ba Mẹ cố gắng làm việc để nuôi Quân ăn học. Tốt nghiệp đại học thì Mẹ bị bịnh hiểm nghèo qua đời. Ba đã về hưu và hai cha con sống côi cút buồn thiu. Ba thì ngày đêm mong Quân cưới vợ nhưng làm sao cưới vợ khi chưa yêu ai. Trang trải hết nổi niểm tâm sự, Quân cảm thấy lòng nhẹ nhàng. Tịnh Quyên lắng nghe lòng tràn đầy xúc cảm. Quyên thì mãi lo học hành để vương lên nên cũng chưa quen với một người con trai nào. Vã lại con trai bây giờ sống theo ảo tưởng không hợp Tịnh Quyên, Quyên sống theo nội tâm nhiều hơn. Nhiều lúc Quyên cảm thấy cô đơn nằm khóc một mình. Suốt một ngày đi chơi với Quân, Tịnh Quyên cảm thấy rất vui, con tim xao xuyến. Thôi thì cứ mong cho ông tơ bà nguyệt xe duyên, nhiều lúc hy vọng quá rồi trở thành thất vọng.
Mười giờ tối Quyên đưa Quân về lại khách sạn. Trên đường về hai người im lặng, có lẽ đang nghĩ đến sự chia tay. Đến sân khách sạn, Quân xuống xe vòng tay ôm đôi vai hửng hờ và hôn nhẹ lên đôi má thắm ngọt ngào của Tịnh Quyên. Quyên không phản đối và ngất ngây nhận nụ hôn đầu đời mật ngọt. Tim Quân đập nhanh vì lần đầu tiên liều lĩnh hôn một người con gái mà mình cảm thấy thương yêu. Với giọng đứt quảng, Quân nói với Tịnh Quyên:
- Mai tám giờ Quân ra phi trường, cảm ơn Quyên đã giành cho Quân một ngày vui và hạnh phúc. Tình yêu đã đến với Quân. Hứa những gi, Quân sẽ thực hiện để mình sớm gặp nhau. Quyên giữ gìn sức khỏe, hy vọng những gì mình ước mơ sẽ thành sự thật.
Tịnh Quyện quá cảm động không nói nên lời, nhìn thật sâu vào đôi mắt Quân, đọc 4 câu thơ của thi sĩ Nguyên Sa: Người về lòng tôi buồn hay lòng tôi vui. Áo không có màu nên áo chưa phai. Tôi muốn hỏi thầm người rất nhẹ. Tôi đưa người hay tôi đưa tôi. Vòng xe chạy chậm ra khỏi sân khách sạn trong nỗi buồn vui nhẹ nhàng. Quân bước từng bước lên tam cấp khách sạn trong lòng tràn đầy hân hoan và yêu đời.
***
Về lại Mỹ, Quân kể hết những buồn vui khi về thăm quê, nhưng gì Ba dặn Quân đã thực hiện đầy đủ và gặp Tịnh Quyện ở Sài Gòn. Mặc dù mới quen nhưng Quân cảm nhận Tịnh Quyên có đủ đức tính của người con gái Á Đông mà mẹ thích. Quân thưa với ba là sẽ làm giấy bảo lãnh cho Tịnh Quyên sang Mỹ du học và ba thấy được thì Quân sẽ làm giấy tờ kết hôn để cho Quyên ở lại.
Nghe Quân kể chuyện chuyến đi về quê thăm bà con làng xóm, cúng tạ ông bà và gặp Tịnh Quyên ông rất vui. Ông cười thầm trong bụng vì sự sắp xếp của ông cũng gần thành công. Ông biết tính Quân rất chân thật nhưng rụt rè nhút nhát, ở Mỹ cũng khó gặp người con gái Việt Nam theo ý của mẹ. Ông cũng mừng thầm cho con đã gặp được người con gái Việt Nam. Đời ông cũng gian nan, cực khổ nhiều rồi, chỉ có một đứa con trai mong cho Quân có vợ để có cháu nội hủ hỉ tuổi già. Ông nói với Quân:
- Con đã lớn rồi, công việc làm ăn đã ổn định, chuyện lấy vợ thì tùy con quyết định. Nếu duyên nợ con gặp được người con gái Việt Nam thùy mỵ, đoan trang, biết lo gia đình thì mẹ con ở dưới suối vàng cũng mản nguyện.
***
Quân nhờ dịch vụ lo giấy tờ bảo lãnh cho Tịnh Quyên đi du học. Chưa đầy sáu tháng Tịnh Quyên đã được gọi phỏng vấn và đậu dể dàng vì Tịnh Quyên cũng rất khá Anh ngữ. Nghe tin Tịnh Quyên được phái đoàn Mỹ chấp nhận cho đi du học, Quân rất vui vì giấc mơ đã gần thành sự thật. Quân xin nghỉ phép một tuần ở nhà trang trí lại phòng khách, phòng ngủ, mua mấy chậu hoa để trước hiên nhà. Những vạt cỏ trước nhà và sau vườn Quân cắt tỉa thật công phu và đẹp mắt. Trông Quân lăng xăng, nao nức đợi chờ, ông già cũng cảm thấy vui lây với niềm vui và hạnh phúc của con.
Trước khi Tịnh Quyên đến Mỹ một ngày, Quân mua thức ăn, nước uống chất đầy tủ lạnh, nhà cửa clean sạch sẽ tươm tất, như ngày đám cưới rước dâu. Ngày Tịnh Quyên đến Mỹ, Quân dậy thật sớm, sửa soạn, ăn mặc tươm tất như một chú rể trong ngày tân hôn. Mười giờ sáng chuyến bay Eva từ Việt Nam đến phi trường SeaTac Wasthington. Từ nhà đến phi trường khoảng mười lăm phút, mới chín giờ mà Quân đã ra xe đến phi trường. Quân không quên ghé tiệm mua một bó hoa thật đẹp để tặng Tịnh Quyên.
Đúng mười một giờ, từ trong gate của hãng máy bay Eva Tịnh Quyên xuất hiện, cách ăn mặc in như lúc đi chơi với Quân lần đầu. Có lẽ Tịnh Quyên ăn mặc như vậy để đi đường xa và để Quân dễ nhận diện. Đặc biệt mái tóc Tịnh Quyên thật dài, đen mượt, xỏa ngang lưng, dịu dàng tha thướt. Trông Tịnh Quyên nổi bật trong những người con gái đi cùng chuyến bay. Vừa trông thấy Tịnh Quyên, Quân mừng quá đổi chạy ù tới dang hai tay ôm Tịnh Quyên làm Tịnh Quyên hốt hoảng nhưng quá là vui mừng, giấc mơ đã thành sự thật. Quân trao bó hoa cho Tịnh Quyên và một tay giành lấy vali kéo, một tay ôm vai Tịnh Quyên đưa ra nơi gởi xe. Gần hai mươi giờ ngồi trên máy bay với những giấc ngủ chập chờn, nhưng gặp được Quân, Tịnh Quyên quá là hạnh phúc, quên mất mệt mỏi. Trên đường về nhà Quân không ngừng hỏi đủ thứ chuyện làm Quyên không trả lời kịp.
Xe vào parking, ông già đã đứng trước cửa đợi chờ. Quân kéo vali vào nhà và giới thiệu ba với Tịnh Quyên. Quyên cuối đầu chào rất cung kính. Trông dáng dấp và cử chỉ bạn gái của Quân, ông già rất bằng lòng và mừng thầm trong bụng. Khi vào trong nhà Tịnh Quyên và Quân rất ngạc nhiên vì trên bàn ăn đã sẳn sàng một mâm cơm với đầy đủ món ăn của miền Trung. Từ ngày mẹ Quân qua đời, hôm nay có lẽ là một bữa ăn mà có những tiếng cười và hỏi hang nhau rộn ràng. Người mà vui nhất là ông già Quân, ông uống được hai chai bia và hỏi Tịnh Quyên những chuyện ở Việt Nam mà từ ngày đến Mỹ ông chưa trở về. Sau bữa cơm ông già nói với Quân và Tịnh Quyên:
- Thôi hai con lo sắp xếp đồ đạt và đi nghỉ cho khỏe vì đi đường xa, ở Mỹ đàn ông nấu cơm rửa chén và dọn dẹp nhà cửa, đi chợ là chuyện thường tình, mai mốt bác sẽ giao hết cho con lo.
Quyên nghe ba Quân nói những lời chân thật quá cảm động dạ thật nhỏ và cùng Quân vào phòng sắp xếp những tiện nghi ban đầu.
Sáu tháng đầu Quân giúp Tịnh Quyên lo hết những thủ tục cần thiết, xin thi vào trường học Anh Văn, thi bằng lái xe…Buổi sáng đi học Anh văn, buổi chiều đi phụ giúp cho một nhà hàng ăn của Mỹ để có tiền gởi về Ba Mẹ ở quê nhà. Những ngày cuối tuần, Quân đưa đi khắp thành phố để Quyên biết và đi lại nếu cần. Tịnh Quyên thông minh và lanh lợi nên mau hòa nhập vào cuộc sống ở Mỹ. Buổi chiều đi làm về, Quyên vào bếp nấu những món ăn miền Trung mà ba Quân rất thích nhất là những ngày rằm, mồng một Tịnh Quyên nấu món chay thật tuyệt vời không thua gì những món ăn mà mẹ Quân đã nấu lúc bà còn sống.
Ba Quân là người cỡi mở nhưng rất lễ giáo, ông luôn áp dụng câu mà ông bà xưa thường nói:“dạy con dạy thuở còn thơ, dạy vợ dạy thuở bơ vơ mới về”. Ông giúp Quân chỉ vẻ cho Tinh Quyên. Mặc dầu sống ở Mỹ nhưng ông luôn luôn giữ nếp sống ở Việt Nam đi thưa về trình, kính trên nhường dưới…Dù bận rộn thế nào, buổi sáng buổi trưa ăn uống ở sở làm, nhưng buổi tối phải ngồi chung với nhau ăn bữa cơm tối. Cốt ý của ông là có dịp nói những lễ giáo, gia phong, phong tục tập quán của người Việt Nam cho Tịnh Quyên và Quân nghe…Tịnh Quyên là người con gái ham học hỏi và thích đọc sách. Tịnh Quyên sinh và lớn lên sau năm 1975, nhưng ít bị ảnh hưởng về nên giáo dục một chiều, nhồi sọ của chế độ Cộng sản, vì Tịnh Quyên hấp thụ lễ giáo gia đình, tìm hiểu trên sách vở và tìm hiểu những cái hay, dở của một nền văn hóa. Sống trong một gia đình lễ giáo ở Việt Nam, Tịnh Quyên thấu hiểu được sự dạy dỗ của Ba Mẹ nên Tịnh Quyên hiểu hết nhưng gì mà Ba Quân dạy dỗ trong bữa ăn.
Đúng một năm, Quân nhờ dịch vụ làm giấy kết hôn theo lời đề nghị của ông già. Ba Quân tổ chức một bửa tiếc đạm bạc mời bà con, bạn bè thân thiết giới thiệu con dâu.
Từ ngày có Tịnh Quyên, căn nhà rộn ràng tiếng nói tiếng cười. Những ngày cuối tuần, Tịnh Quyên nấu những món nhậu miền Trung để ba Quân mời mấy ông bạn già văn nghệ đến lai rai vài chai bia nói chuyện xưa, chuyện nay, chuyện những ngày trong quân ngũ, chuyện tù Cộng sản thiếu thốn trăm bề, bàn luận về những quyển sách hay, những nhà văn nổi tiếng. Bây giờ ở Mỹ không thiếu thứ gì chỉ tình thương yêu mỗi ngày một vơi dần. Uống vài chai bia cùng bạn già đồng hội đồng thuyền, ông thường khoe con dâu tình cảm, lễ phép, hiền lành, nấu ăn ngon, biết lo gia đình…
Một điều mơ ước nhất của đời ông là có một đứa cháu nội trai để nối giỏi tông đường và hủ hỉ với cháu để bớt lẻ loi. Ướt mơ thành sự thật. Tịnh Quyên sinh con trai đầu. Hai vợ chồng Quân đặt tên Mỹ là David nhưng vẫn cứ gọi là cu Tý và tên Việt Nam là Trần Hoài Việt. Ý ông là Việt Nam vẫn là quê hương, không bao giờ quên được.
Từ ngày có cu tý, Tịnh Quyên nghỉ làm và ở nhà chăm con. Nhưng ông săn sóc cháu còn hơn vợ chồng Quân. Chiều chiều ông bồng cháu dạo quanh vườn, mặc dù cháu chưa biết nói nhưng ông vẫn nói chuyện với cháu như đã lớn khôn. Ông kể chuyện bà nội còn thì cưng cu Tý biết bao nhiêu, chuyện tuổi trẻ, chuyện bạn bè, gia đình. Rồi ông hát ru những câu ca dao, tục ngữ…
Vợ chồng Quân thấy niềm vui tuổi già của Ba bên cháu nội cũng vui lây và tràn đầy hạnh phúc.
***
Quân miên mang ngồi nhớ lại chuyện xưa, chuyện nay, chợt nhìn thấy trên bàn ăn Quyên đã dọn sẳn một bữa nhậu. Đặc biết có một lẩu cá lóc mà Ba và Quân rất thích giống như cái lẩu mà Quân và Quyên đã ăn ở nhà hàng Tri Kỷ năm nào.
Trước khi mời Ba uống ly bia, Tịnh Quyên vòng tay thưa với ba chồng:
- Thưa Ba! Sở dỉ có bữa tiệc hôm nay là để kỷ niệm ngày con và anh Quân gặp nhau trong tiệm sách cũ ở Sài Gòn. Con cảm ơn Ba đã sai Anh Quân đi mua sách củ mới gặp con và có cu Tý để ba hủ hỉ tuổi già.
Ba cha con uống cạn ly bia và Quân nói với Tịnh Quyên:
- Jésôme đã hiểu Alissa từ khi mới gặp chứ không phải đến bây giờ đâu, bà xã yêu thương của anh.
Ông già không hiểu câu nói của Quân nhưng cũng cười theo hai con và uống cạn ly bia chia sẻ hạnh phúc của các con và hạnh phúc của ông.
Trần Thế Phong
(Tác giả gởi)
*
Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:
Xin click vào link sau:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét