Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI CỐ TRUNG TƯỚNG NGÔ QUANG TRƯỞNG - Dương Viết Điền

 

Ngô Quang Trưởng – Wikipedia tiếng Việt

 trung tướng ngô quang trưởng

 

Vào khoảng năm 1970, tôi dẫn toán Tâm lý chiến và Dân sự vụ ra công tác tại tỉnh Quảng Trị. Trên đoạn đường ra quận Cam Lộ khi qua một khúc quanh, một chiếc xe chở đạn dược thật dài  do một anh tài xế Mỹ lái đã đâm đầu vào chiếc xe Dodge tôi khiến cửa kính xe Dodge bị vỡ toang làm những mảnh kính vụn văng vào trán, vào đầu tôi và anh tài xế làm máu chảy ra lai láng. Tôi bị nặng hơn anh tài xế nên anh em trong toán chận xe dọc đường để nhờ chở tôi vào bệnh viện Quảng Trị cấp cứu. Sau khi được vá vết thương rồi băng bó lại và nằm điều trị một ngày tại bệnh viện Quảng Trị, tôi liền được đưa vào quân y viện Nguyễn Tri Phương ở Huế để điều trị tiếp vì đơn vị tôi là đại đội 101/CTCT thuộc Tiểu đoàn 10 Chiến Tranh Chính Trị.

<!>

Tôi nhớ hôm đó khoảng 7, 8 giờ tối, một sĩ quan trực thông báo rằng Thiếu tướng Ngô Quang Trưởng sau khi thị sát mặt trận về sẽ vào quận y viện Nguyễn Tri Phương thăm thương bệnh binh. Sau đó đúng như vị sĩ quan trực thông báo, sau khi thăm phòng bên cạnh xong Tướng Trưởng liền bước vào phòng chúng tôi. Tuy nhiên lúc nhận được tin Tướng Trưởng sẽ vào thăm quân y viện tôi đâm ra lo lắng. Không phải tôi lo cho tôi mà tôi lo cho người bạn nằm bên cạnh tôi. Số là chiều hôm ấy người bạn nằm bên cạnh tôi rủ tôi chuồn ra phố chơi. Vì vết thương trên trán tôi còn nhức nên tôi từ chối không thể đi với anh ta được. Thế là anh ta lặng lẽ đi một mình vì nằm trong bệnh viện buồn quá. Hình như anh ta xuất thân khoá 22 hay 23 gì đó trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Vì vậy khi nghe tin Tướng Trưởng sắp vào thăm, tôi nằm trên giường mà lòng cứ lo lắng mãi, mắt nhìn đăm đăm qua cửa sổ xem anh bạn bên cạnh sắp về chưa mặc dầu bên ngoài trời tối đen như mực! Không biết vì nhờ thần giao cách cảm”, vì tình cờ, hay vì đoán trước được giờ Tướng Trưởng vào thăm mà khi Tướng Trưởng vừa chuẩn bị vào phòng chúng tôi, tôi liền thấy có bóng dáng của một người vừa xuất hiện ngoài cửa sổ rồi nhanh như chớp, bóng người đó nhảy qua cửa sổ, bay ngay tới giường sát cạnh tôi, để nguyên giày như vậy không cởi ra, lấy mền phủ hết khắp cả người rồi nằm im phăng phắc không cựa quậy như người đã chết! Thấy vậy tôi biết ngay đó là anh bạn nằm bên cạnh chính hiệu con nai vàng” đã trở về!

Lúc bấy giờ tôi định cười oà lên vì cử chỉ nhanh như con sóc trên rừng của anh ta nhưng may sao tôi chế ngự được tiếng cười rồi chỉ mở miệng nói mấy lời:

- May mà toi” về kịp!

Vừa nói xong tôi liền nghe tiếng cười khúc khích nho nhỏ trong mền rồi im bặt!

Anh bạn nằm bên cạnh tôi vừa ngưng tiếng cười khúc khích thì Tướng Trưởng cũng vừa bước ngay vào phòng. Trong phòng bệnh nếu ai đau nặng lắm thì vẫn nằm y như vậy, còn ai cảm thấy ngồi được thì ngồi dậy để chào Tướng Trưởng. Lúc bấy giờ tôi thấy trong người cũng đã khoẻ, chỉ còn nhức sơ trên trán thôi nên tôi cũng ngồi dậy để chào Tướng Trưởng. Sau khi thăm hỏi một vài bệnh nhân nằm dãy đối diện, Tướng Trưởng liền quay qua các bệnh nhân nằm phía dãy bên tôi rồi ân cần hỏi thăm một bệnh nhân nằm cách tôi 2 giường. Sau đó Tướng Trưởng thấy tôi đang ngồi có vẻ khoẻ mạnh hơn các bệnh nhân khác đang nằm nên đến trước mặt tôi rồi hỏi:

- Sao, anh bị thương trong trường hợp nào mà vào đây?                                                            

- Dạ thưa Thiếu tướng, tôi đi công tác ở ngoài tỉnh Quảng Trị rồi bị xe Mỹ chở đạn tông vào xe tôi làm cho kính xe vỡ toang ra, mảnh kính bay vào trán và đầu làm máu chảy ra quá nhiều nên phải vào đây để điều trị.                                                                                                                      

- Anh thuộc đơn vị nào?

- Thưa Thiếu tướng, tôi thuộc ngành Chiến Tranh Chính Trị.

Thấy trên giường tôi có mấy cuốn sách, Tướng Trưởng vừa cười vừa nói tiếp:

- Chiến Tranh Chính Trị mà có sách trên giường là yên chí rồi .

Tôi trả lời ngay:

- Dạ cám ơn Thiếu tướng.

Nói xong Tướng Trưởng liền bước ra khỏi phòng để sang phòng bên cạnh.

Thế là anh bạn bên cạnh tôi khỏi được thăm hỏi” vì nằm liệt giường liệt chiếu!

Sự thật thì lúc bấy giờ thương bệnh binh trong Quân y viện Nguyễn Tri Phương rất nhiều nên Tướng Trưởng cũng chỉ đi thăm hỏi tượng trưng một số thôi, chứ thì giờ đâu mà hỏi thăm tất cả sau khi đã đi thị sát mặt trận suốt ngày mới về. Đó là lần đầu tiên tôi được diện kiến Tướng Ngô Quang Trưởng lúc ông ta làm tư lệnh sư đoàn I Bộ binh.

Năm 1972 trong mùa hè đỏ lửa tại vùng giới tuyến ở Quảng Trị, sau khi dẫn đại đội 102/CTCT di tản chiến thuật rút lui từ căn cứ Ái Tử vượt qua Đại lộ kinh hoàng vào tới quận Phong Điền, tiểu đoàn trưởng tôi lúc bấy giờ là Thiếu Tá Nguyễn Văn Bá thấy tôi mặt mày có vẻ bơ phờ, hốc hác liền cho tôi lên Đà Lạt học khóa Chiến Tranh Chính Trị Trung Cấp. Mãn khoá học tôi về trình diện Bộ chỉ huy tiểu đoàn và được đổi sang đại đội 104/CTCT. Khoảng cuối năm 1973, đầu năm 1974, tôi được biệt phái sang phòng chính huấn thuộc khối Chiến Tranh Chính Trị Quân đoàn I và Quân khu I để thâu nhận đơn của các thí sinh thi nhập học vào Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị tại Đà lạt. Sau đó vì nhu cầu công vụ, tôi nhận được chỉ thị của Tham mưu phó Chiến Tranh Chính Trị Quân đoàn là Đại Tá Phan Phiên biệt phái qua phòng báo chí Quân đoàn, phụ tá cho Đại Úy Nguyễn Phi Hường, trưởng phòng. Tôi nhớ có một lần lúc Đại Úy Nguyễn Phi Hường nghỉ phép thường niên, tôi tạm thời xử lý thường vụ chức vụ trưởng phòng báo chí Quân đoàn theo chỉ thị của Trung Tá Trịnh Thiên Khoa, trưởng phòng Tâm lý chiến Quân đoàn I và Quân khu I.

Vào một buổi chiều lúc đang làm việc, bỗng chuông điện thoại reo lên. Nhấc điện thoại lên và sau khi xưng tên tuổi, cấp bậc, chức vụ của mình, tôi liền hỏi:

- Xin lỗi giới chức nào ở đầu dây và cho tôi xin được biết quý danh.

Có tiếng trả lời ở đầu dây điện thoại:

- Tôi là Trung Tá Lê Trung Hiền đây anh.

Nghe đầu dây là Trung Tá Lê Trung Hiền, tôi biết đây là phát ngôn viên chính thức của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tôi liền trả lời ngay:

- Dạ kính chào Trung Tá.

Trung Tá Lê Trung Hiền nói ngay:

- Nhờ anh hỏi Trung Tướng Ngô Quang Trưởng xem Trung tướng có tuyên bố câu “Thà mất lòng quân còn hơn mất lòng dân” không, để tôi trả lời trong này vì phóng viên và các nhà báo, ký giả đang chất vấn tôi vấn đề nầy anh ạ.

Tôi liền trả lời:

- Dạ kính Trung Tá, tôi sẽ trình vấn đề nầy lên Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và sẽ trả lời cho Trung Tá sau khi nhận được sự trả lời của Trung Tướng.

Sau đó tôi trình vấn đề nầy ngay với Đại Tá Phan Phiên, Tham mưu phó Chiến Tranh Chính Trị Quân đoàn I và Quân khu I. Đại Tá Phan Phiên bảo tôi viết gấp một phiếu trình về vấn đề nầy rồi đem lên cho ông ta ngay để ông ta ký trình lên Tướng Trưởng. Thế là tôi thảo ngay một phiếu trình rồi trao cho Đại Tá Phan Phiên. Sau đó Đại Tá Phiên chỉ thị cho sĩ quan trực nhật mang lên trình văn phòng Trung Tướng Trưởng ngay.

Ngày hôm sau, khi vừa vào phòng báo chí làm việc, tôi liền nhận lại được phiếu trình mà hôm qua tôi đã viết trình lên cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Đọc vội phiếu trình, tôi cảm thấy là lạ, vui vui, hay hay qua bút phê rất gọn gàng, một bút phê mà chưa bao giờ tôi thấy trong các phiếu trình tôi đã đọc. Bút phê đó Trung Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ viết có một chữ duy nhất: THÔI.

Chỉ có một chữ THÔI duy nhất làm sao tôi trả lời cho Trung Tá Lê Trung Hiền đây? Tôi bắt đầu nặn óc suy nghĩ. THÔI có nghĩa là Tướng Trưởng đã có tuyên bố câu trên nhưng bây giờ Tướng Trưởng muốn chấm dứt vụ việc này cho rồi, coi như thông qua, khỏi cần nêu lên làm gì nữa. Chấm dứt là vừa. Nhưng nếu tôi trình bày với Trung Tá Lê Trung Hiền theo sự suy nghĩ của tôi về chữ THÔI như vậy, thì rủi có chuyện gì xảy ra trong tương lai khi phóng viên, ký giả làm to chuyện lên nữa thì làm sao. Cuối cùng tôi quyết định chỉ trả lời cho Trung Tá Lê Trung Hiền theo bút phê của Tướng Trưởng thôi, không thêm không bớt.

Thế rồi nhấc điện thoại lên, quay số điện thoại của Trung Tá Lê Trung Hiền. Sau khi nhận ra giọng Trung Tá Lê Trung Hiền đầu dây, tôi nói ngay:

- Thưa Trung Tá, tôi là Trung Úy Dương Viết Điền ở phòng báo chí Quân đoàn I và Quân khu I đây Trung Tá.

Có tiếng trả lời ở đầu dây:

- Anh Điền há? Sao đó anh? Trung Tướng trả lời như thế nào?

Tôi trả lời ngay:

- Dạ trình Trung Tá, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ trả lời có một chữ duy nhất, đó là chữ THÔI. Vậy tôi xin trình để Trung Tá biết ngõ hầu Trung Tá tùy cơ ứng biến mà trả lởi cho các ký giả ở Sàigòn.

Tôi nghe đầu dây điện thoại trả lời:

- Thôi được rồi. Cám ơn anh Điền nhé.

Không biết sau đó Trung Tá Lê Trung Hiền đã trả lời cho các ký giả như thế nào mà không nghe ông ta gọi điện thoại ra hỏi lại nữa.

Trong thời gian làm việc tại phòng báo chí Quân đoàn I và Quân khu I, có nhiều lần phóng viên ngoại quốc vào xin tôi cho họ được gặp Tướng Ngô Quang Trưởng, nhưng tôi lấy cớ nầy cớ nọ để từ chối vì tôi đã nhận được lệnh của Đại Tá Phan Phiên là Tướng Trưởng không muốn gặp phóng viên hay ký giả nào hết.

Lắm lúc tôi lấy cớ Tướng Trưởng đang bay thị sát ngoài mặt trận thì anh phóng viên bảo chiếc trực thăng 3 sao đang còn đậu ở ngoài bãi, đâu có bay. Khi tôi lấy cớ là Tướng Trưởng đi xe hơi thì chàng ta bảo xe hơi Trung Tướng gắn 3 sao còn nằm ngay trước phòng làm việc của Trung Tướng đâu có đi. Đến khi tôi bảo Trung Tướng Trưởng đang bận đi bộ để thanh tra từng phòng trong khuôn viên của Quân đoàn thì mấy anh chàng này đành rút lui thôi. Mà đúng như thế. Có lần Trung Tá Trịnh Thiên Khoa điện thoại xuống cho tôi hãy chuẩn bị phòng ốc lại cho ngăn nắp thứ tự vì Tướng Trưởng sắp đi bộ để thanh tra từng phòng, chưa biết vào phòng nào. Sau khi chuẩn bị phòng ốc xong, thấy Thượng Sĩ Ba bận áo quần rằn ri, anh Ba là phóng viên và là nhiếp ảnh gia của phòng báo chí, tôi liền nói anh Ba nên lái xe tới góc thành phía đằng kia ẩn núp đi, nếu không Tướng Trưởng thấy bận đồ rằn ri thì coi như bỏ mạng.  Thế là Thượng Sĩ Ba leo lên xe vespa rú ga rồi bay nhanh đến góc thành ở hướng Đò Xu để núp bóng. Nhưng rồi mấy mươi giây sau tôi thấy Thượng Sĩ Ba lái xe chạy lui lại về phòng báo chí miệng la lớn:

- Trung Úy ơi! Trung Tướng và phái đoàn đang đi bộ về phía đó mà, làm sao tôi tới núp góc thành ấy được.

Thấy tình thế quá khẩn cấp tôi nói ngay:

- Anh lái xe chạy tới phía đằng kia rồi bay ra khỏi cổng luôn, ở ngoài đó khoảng nửa giờ rồi vào, nhanh lên.

Thế là Thượng Sĩ Ba lại leo lên xe vespa rú ga cho xe chạy như bay tới phía đằng kia rồi vọt ra khỏi cổng nhanh như chớp. Phòng báo chí lúc đó tất cả gồm có 5 người: tôi, xử lý thường vụ trưởng phòng, Thượng Sĩ Ba, phóng viên chiến trường, Hạ Sĩ Anh, nhiếp ảnh gia, Hạ Sĩ Phùng, nhiếp ảnh gia và Trung Sĩ Trợ, thư ký. Nếu Tướng Trưởng chỉ vào thanh tra phòng ốc thì khỏi lo. Nhưng nếu sau khi thanh tra phòng ốc rồi hỏi thêm số quân nhân hiện diện ngày hôm đó nữa coi như tôi sẽ bị ngọng, vì không biết làm sao để trả lời sự vắng mặt của Thượng Sĩ Ba đã lái xe đi núp vì mang áo quần rằn ri. Khoảng mười phút sau trên văn phòng Trung Tá Trịnh Thiên Khoa điện thoại xuống cho hay, cuộc thanh tra của Trung Tướng đã chấm dứt. Và cũng cho biết luôn là Trung Tướng đã vào thanh tra phòng xã hội của Thiếu Tá Cao Mỵ Nhân. Thế là chúng tôi thở phào ra nhẹ nhỏm!

Sau đó tôi có hỏi chị Cao Mỵ Nhân Tướng Trưởng vào thanh tra phòng ốc có bị phạt gì không, chị Cao Mỵ Nhân nói không bị gì cả. Tướng Trưởng chỉ kéo mấy học bàn ra thấy đồ đạc để ngăn nắp thứ tự thì thôi. Chị bảo ông ta có đưa ngón tay ra quẹt mấy cái ở cửa kính nữa nhưng kông hề hấn gì vì cửa kính cũng đã được lau sạch rồi. Nhân đây tôi cũng xin kể một câu chuyện nho nhỏ mà chị Cao Mỵ Nhân kể cho tôi nghe. Số là có một lần chị Cao Mỵ Nhân dẫn phái đoàn của phòng xã hội Quân đoàn I lên tiền đồn để phát quà và uỷ lạo binh sĩ. Giữa chốn rừng xanh, giữa chốn ba quân, chỉ lạc loài một vài cành hoa của phòng xã hội nên chị Cao Mỵ Nhân lấy lon Thiếu Tá bỏ vào túi áo. Bỗng đâu Tướng Trưởng đáp trực thăng xuống thăm tiền đồn nầy. Khi Tướng Trưởng cùng một vài sĩ quan đến gần, chị Cao Mỵ Nhân hơi lo lắng vì chị đã lấy cặp lon Thiếu Tá bỏ vào túi nên trên cổ áo không có gì cả. Nhưng rồi Đại Tá Khánh, tư lệnh Sư đoàn I không quân đi bên cạnh Tướng Trưởng đã cất tiếng nói ngay khi thấy chị Cao Mỵ Nhân:

- Chị Cao Mỵ Nhân lon trên cổ áo đâu không thấy? Đúng là văn nghệ sĩ có khác!

Có thể nhờ câu nói đó mà Tướng Trưởng lơ đi không để ý chứ theo chị Cao Mỵ Nhân, Tướng Trưởng không phân biệt nam hay nữ quân nhân, vi phạm kỷ luật là bị phạt thôi.

Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 cũng như tất cả các sĩ quan khác, tôi cũng bị đưa vào trại tù và 10 năm sau mới được trả tự do.

Sau khi sang Mỹ theo diện HO, tôi có viết cuốn Hồi ký “Trại Ái Tử và Bình Điền” để ghi lại những kỷ niệm trong chốn ngục tù cũng như ca ngợi những sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và một số cán bộ, công chức, cảnh sát đã tỏ ra bất khuất và oai hùng khi họ đã vùng dậy chống Cộng sản ngay trong ngục tù.

Vào một đêm nọ lúc tham dự tiệc cưới con của một người bạn, tôi có gặp lại Đại Tá Lê Quang Thị, Tham mưu phó Chiến Tranh Chính Trị Quân đoàn I và Quân khu I, sau này Đại Tá Thị thay thế Đại Tá Phan Phiên vì Đại Tá Phiên đã về hưu. Khi gặp lại Đại Tá Thị tôi nói với Đại Tá Thị là tôi có viết một cuốn hồi ký kể lại chuyện trong tù. Vậy nếu Đại Tá muốn đọc để ôn lại những kỷ niệm trong tù tôi sẽ gởi tặng Đại Tá một cuốn. Nghe tôi nói vậy, Đại Tá Thị liền nói ngay:

- Đọc chứ! trại trong Nam tôi ở rồi, trại ngoài Bắc tôi ở rồi, trại miền Trung tôi chưa ở. Bây giờ đọc hồi ký của anh tôi sẽ biết đầy đủ trại tù cả ba miền càng tốt thôi. Gởi cho tôi một cuối đi nghe.

Thế rồi tôi xin địa chỉ của Đại Tá Thị để gởi sách tặng. Trong lúc Đại Tá Thị đang viết địa chỉ cho tôi, tôi hỏi Đại Tá Thị:

- Đại tá à, có nên gởi cho Tướng Trưởng đọc cho biết không Đại Tá?

Đại Tá Thị trả lời ngay:

- Nên chứ! gởi cho ông một cuốn ông đọc để ông biết nỗi khổ đau của anh em mình.

Thế rồi Đại Tá Thị liền ghi địa chỉ, số điện thoại của Tướng Trưởng và trao cho tôi.

Sau đó tôi liền gởi tặng Tướng Trưởng cuốn hồi ký “Trại Ái Tử và Bình  Điền” và kèm theo một bức thư. Nội dung bức thư tôi có đề cập đến tên tuổi, chức vụ của tôi trước ngày 30 tháng 04 năm 1975 và nói tại sao tôi lại biết được địa chỉ và số điện thoại của Tướng Trưởng. Khoảng mười ngày sau, tôi gọi điện thoại đến nhà Tướng Trưởng để xem cuốn sách tôi gởi tặng đã đến chưa hay đã bị thất lạc.

Sau khi nghe tiếng “A lô” xuất hiện ở đầu dây điện thoại, tôi liền nói ngay:

- Tôi là Dương Viết Điền ở bên tiểu bang California đây. Xin lỗi cho tôi được tiếp chuyện với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được không ạ?

Có tiếng trả lời ở đầu dây:

- Tôi, Ngô Quang Trưởng đây, chào anh Điền.

Tôi liền trả lời:

- Kính chào Trung Tướng. Tôi gọi điện thoại trước là để chúc sức khoẻ Trung Tướng sau để hỏi xem Trung Tướng đã nhận được tác phẩm Trại Ái tử và Bình điền tôi gởi tặng chưa ạ?

Tướng Trưởng trả lời:

- Tôi đã nhận được rồi. Cám ơn anh Điền đã gởi sách tặng.

Tôi định nói “dạ không có gì” thì Tướng Trưởng nói tiếp:

- Anh Điền à, những nhân vật anh viết trong tác phẩm nầy tôi đều biết hết.

Tôi trả lời:

- Dạ tất cả những nhân vật trong tác phẩm nầy có ai xa lạ đâu thưa Trung Tướng.

Họ là những quân nhân thuộc cấp của Trung Tướng lúc Trung Tướng còn là tư lệnh Sư đoàn I bộ binh và sau này Trung Tướng làm tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu I.

Nói đến đây, trong trí tôi bắt đầu xuất hiện những nhân vật tôi đã đề cập trong cuốn hồi ký vì những nhân vật nầy ở chung một phòng, một khối hay một trại với tôi trong tù như Trung Tá Hồ Văn Thống, Trưởng phòng An ninh Quân đoàn, Trung Tá Võ Trọng Hầu, bạn cùng khoá với Tướng Trưởng, Trung Tá Nguyễn Khiêm, nghị viên thành phố Huế, cựu quận trưởng quận Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên, Trung Tá Nguyễn Tri Tấn, trung đoàn phó trung đoàn 2 bộ binh, Trung Tá Phạm văn Đính, cựu trung đoàn trưởng trung đoàn 56 của sư đoàn 3 bộ binh, Thiếu Tá Phạm Cang, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 7 Thuỷ quân lục chiến (TQLC), Thiếu Tá Lê Quang Liễn, tiểu đoàn phó TQLC, Thiếu Tá Vũ Ngọc Tụng, quân trấn Đà Lạt (trước đó cũng ở Sư đoàn I bộ binh), ông Nguyễn Hữu Thứ, chánh án toà Thượng thẩm ở Huế, vv… Tất cả những nhân vật trên đều ở Sư đoàn I bộ binh và Quân đoàn I và Quân khu I cả. Ngoại trừ những sĩ quan thuộc binh chủng TQLC bị kẹt lại tại bờ biển Thuận An nên bị đưa vào trại Bình Điền luôn.

Tôi đang suy nghĩ những nhân vật mà Tướng Trưởng nói đều biết cả thì nghe đầu dây Tướng Trưởng hỏi tiếp:

- Anh Điền à, ông Phạm Văn Đính mà anh đề cập trong tác phẩm Trại Ái Tử và Bình Điền của anh có phải là Trung Tá Đính kéo cờ trắng đầu hàng ở Quảng trị năm 1972 không?

Tôi trả lời ngay:

- Dạ đúng thưa Trung Tướng. Lúc ở trong tù, chúng tôi đã nghe ông Phạm Văn Đính nầy, lúc đó đã là cán bộ Việt cộng, thuyết trình một đề tài và lúc thuyết trình ông Đính có kể chuyện một con trâu nằm giữa đường chận phái đoàn lại không cho đi. Nhưng khi có người ghé vào tai nó nói nếu không cho phái đoàn đi sẽ đem nhốt nó vào Ấp chiến lược của Ông Ngô Đình Nhu, nên con trâu sợ quá phải đứng dậy để cho phái đoàn đi như Trung Tướng đã đọc đoạn nầy trong hồi ký của tôi đó. Ông Đính nầy nói xấu Ấp chiến lược của miền Nam trước đây đó mà, Trung Tướng.

Sở dĩ Tướng Trưởng nhớ Trung Tá Phạm Văn Đính rất rõ vì lúc Tướng Trưởng làm tư lệnh sư đoàn I bộ binh, khi bắt đầu đẩy lui cộng quân ra khỏi thành phố Huế trong dịp Tết Mậu thân 1968, Tướng Trưởng đã ra lệnh cho Trung Tá Phạm Văn Đính, lúc bấy giờ là Thiếu Tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2, trung đoàn 3 thuộc sư đoàn I bộ binh, chiếm lại kỳ đài Phú Văn Lâu rồi kéo cờ Việt Nam Cộng Hoà lên. 

Sau vài phút điện đàm ngắn ngủi, tôi có kể lại chuyện làm phiếu trình lên cho Tướng Trưởng vụ ông ta tuyên bố “Thà mất lòng quân còn hơn mất lòng dân” như đã đề cập ở trên cho Tướng Trưởng nghe rồi tôi hỏi Tướng Trưởng:

- Trung tướng có còn nhớ vụ đó không thưa Trung Tướng?

Tôi lắng tai chờ nghe Tướng Trưởng trả lời nhưng chỉ nghe tiếng hơi thở nho nhỏ rất nhẹ ở đầu dây giống như tiếng cười nho nhỏ mà miệng vẫn đang ngậm lại nên không khí phải bay ra ở đằng mũi.

Bỗng Tướng Trưởng nói:

- Khi nào rảnh rỗi mời anh Điền và phu nhân qua nhà tôi chơi nhé.

Tôi trả lời:

- Dạ cám ơn Trung tướng. Vì mới ở Việt Nam qua chưa được bao lâu nên công ăn việc làm chưa được ổn định. Khi nào an cư lạc nghiệp xong xuôi chúng tôi sẽ qua thăm Trung Tướng một bữa.

Thấy Tướng Trưởng muốn mời tôi qua thăm mà không trả lời câu hỏi trên của tôi, tôi nghĩ rằng chắc Tướng Trưởng không muốn nói nhiều nữa; và vốn đã biết Tướng Trưởng là người ít nói nên tôi cũng xin phép tạm biệt Tướng Trưởng rồi cúp điện thoại.

Nói sẽ qua thăm Tướng Trưởng nhưng rồi vì công ăn việc làm, vì đường sá xa xôi, vì cơ thể ốm đau bất thường nên mãi cho đến bây giờ tôi vẫn chưa qua thăm được thì nghe tin Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã vĩnh biệt cõi đời!

Xin được chia buồn cùng bà quả phụ Ngô Quang Trưởng và tang quyến. Xin nguyện cầu hương linh Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được sớm vào cõi vĩnh hằng. Xin vĩnh biệt Trung Tướng!

                                                                               

Dương Viết Điền

(Khóa 1, ĐH/CTCT/ĐL)

(Tác giả gởi)

 

*


Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:


Xin click vào link sau:


https://issuu.com/dreamteam1005/stacks/fd347a6e1e9f428ebf88885eb4d6b2be

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét