Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2022

KỂ CHUYỆN CHIẾN TRANH - Trần Yên Hòa

  Tổn thất trong chiến tranh - Nhật Báo Calitoday

                                                                                     

    Hội đồng xã Kỳ Mỹ gồm một Đại diện và ba Ủy viên. Đại diện là ông Nguyễn Nho Lễ, gốc nông dân. Ông đã làm Ủy viên Thư ký  suốt mấy năm cho ông Đại diện cũ. Người xốc vác,  nói năng lưu loát, làm việc nhiệt tình, nên khi ông Đại diện cũ mãn nhiệm, ông Lễ  được bầu  lên thay.  Uỷ viên Hộ tịch  là ông  Nguyễn Đình Thơ, nguyên là cựu giáo viên, ngạch hương sư phụ khuyết, đã già nên về hưu, ông ra làm hội đồng cho vui, cho có công việc để đi ra đi vào, ông chuyên coi việc sổ sách, khai sinh, khai tử, giá thú, cho đồng bào trong xã. Là người hiền lành, mực thước, chữ viết  nắn nót như khi còn dạy học trò. Ủy viên tài chánh là ông Nguyễn Hữu, lo việc thuế má, ngân sách, lương bỗng, cho dân vay tiền nông tín. Uỷ viên cảnh sát, ông Trịnh Lộc, lo việc an ninh, trị an trong xã, sau nầy cảnh sát tách riêng ra, ông lên làm Cuộc trưởng cuộc cảnh sát xã. 

<!>

    Xã Kỳ Mỹ là một xã xôi đậu, hồi đảo chính ông Diệm, địch lợi dụng thời cơ, phá ấp chiến lược, cho lực lượng vũ trang đánh chiếm xã một thời gian, sau đó phe quốc gia cho quân đội mở cuộc hành quân bình định. Xe tăng chạy cày ủi ruộng vườn, nhà cửa, những trận đánh kinh hồn xảy ra, quân quốc gia thắng thế nhờ vũ lực mạnh, có pháo binh, máy bay yểm trợ, nên địch quân phải rút về vùng cao hơn. Tuy nhiên địch cũng lợi dụng đêm tối, thường mon men về khủng bố, ám sát cán bộ. Dân chúng một số tản cư xuống quận lỵ, một số chạy lên núi. Nói chung, ở vùng xôi đậu không bên nào kiểm soát được hoàn toàn đất và dân, mỗi khi địch chiếm đóng, dân chúng tứ tán, đến khi có  cuộc hành quân giải toả, dân lại theo chân quân đội trở về, thăm lại mảnh vườn, cái nhà, ao nước, có thu hoạch được chút gì thì đem xuống quận lỵ, ăn, sống, qua ngày. 

Ban đêm, không khí càng u uất trầm thống hơn, nghĩa quân được trụ lại, nhưng đến khi bóng đêm đổ xuống nhìn không tỏ mặt người, thì nghĩa quân từ từ rút, có thể họ thay đổi vị thế  phòng  thủ,    thể  họ rút xuống vùng an toàn hơn để nghỉ ngơi. Cuộc sống lúc nào cũng ba lô trên vai và đạn lên nòng sẵn thì không thể chịu đựng được lâu ngày. Nhưng cũng có lúc người dân tưởng nghĩa quân trụ lại trên phố chợ, đến đêm, địch xuống bắt loa kêu gọi dân chúng ra trường tiểu học dự mít tinh, thì không thấy bóng dáng nghĩa quân đâu, dân  chúng  cực  chẳng  đã  phải  đi dự mit-ting, phải ra ngồi ngoài sân trường tiểu học lạnh lẽo nghe mấy lời khoác lác của bọn trên núi xuống, tai lúc nào cũng vểnh lên mong một tiếng súng nổ của nghĩa quân mà không có. 

Nhưng cũng có lúc dân chúng thấy nghĩa quân rút hết đi,  những tay trinh sát hoặc nằm vùng của địch liền mò ra hoạt động, liền bị ăn đạn ngay, vì nghĩa quân còn gài lại mấy tay súng cừ khôi phục kích. Máu đã đổ nhiều từ hai phía, phe ''nhảy núi'' thì  trốn chui trốn nhủi trong khu Rừng Rang ở Tây Lộc, cũng bị ăn đạn pháo, ăn mìn của biệt kích, ăn bom của máy bay, chết bộn. Phe quốc gia thì bị bắn sẻ, bị giật mìn, cũng hao hụt, trong vài năm, số nghĩa quân xã toàn thêm những khuôn mặt mới, số cũ không ai trụ lại được trên năm năm.

    Khi phe quốc gia có chiến dịch bình định, không khí của xã có vui hơn, loa phóng thanh tâm lý chiến đặt ở trụ cờ trường tiểu học ca hát inh trời, dân chúng lục tục kéo về, dựng lại nhà, sửa sang lại vườn tược, có gia đình đã ngủ lại xã, chứ không chạy xuống quận lỵ nữa. Cán bộ xây dựng nông thôn quần áo bà ba đen, nón tai bèo, từng toán đi vô từng thôn xóm sinh họat, tập trung trẻ con lại hát hò, hay leo lên lợp nhà dùm cho những người cô quả, neo đơn, cuộc sống dân chúng có phần sinh động hơn.  Nhưng chỉ được một thời gian, thấy tình hình có phần lắng dịu, quân chính quy rút đi, đại đội địa phương quân lo đóng đồn, đoàn xây dựng nông thôn đến hoạt động nơi khác thì bọn địch lại về, chúng bắn AK nghe rát óc.

    Cho nên ''mâm hội đồng'' xã cũng ngất ngư với tình thế, trụ sở phải đóng ở trường tiểu học, trường tiểu học đã dạy lại nhưng học sinh thưa thớt, ông đại diện xã đề nghị với ông hiệu trưởng cho dồn mấy lớp lại, nhường cho xã hai phòng để làm trụ sở hội đồng.

*

    Đại diện Lễ hôm nay về xã sớm, thường buổi tối, các uỷ viên trong ban hội đồng, một số xuống quận lỵ ngủ, một số theo chân nghĩa quân đi kích. Nói đi kích cho oai chứ thật ra thì đi kiếm nơi an  toàn  để  ngủ,  nên  uỷ  ban  thường  làm việc rất muộn. Những người xuống quận lỵ ngủ phải đợi đến sáng hoắc mới dám về, khi những người dân đi chợ Chiên Đàn lũ lượt gồng gánh, đi bán nào khoai lang, khoai mì, rau đậu, rập ràng trên đường tỉnh lộ và khi những toán lính mở đường bắt đầu rà mìn, thì ban hội đồng mới lần lượt đạp xe theo sau. Trước tiên là đại diện Lễ, về đến ngã ba chợ Quán Ruờng, ông ghé vô tiệm bà sáu Nữ uống một ly rượu đế cho ấm bụng, rồi ông mới đạp xe đến trụ sở hội đồng, lúc ấy cũng khoảng trên mười giờ sáng, học trò thường đã ra chơi, đang vào học môn sau cùng của buổi sáng.

    Mùa Xuân! Mùa Xuân lại đến với một vùng quê xôi đậu trong chiến tranh, nhưng mùa Xuân của đất trời thì bất cứ ở đâu cũng  đến chứ đâu có phân biệt ranh giới quốc gia với cộng sản. Khi những cơn mưa cuối mùa đã dứt hạt, màu mù xám của bầu trời được thay bằng màu hồng lợt của mây, thì mọi người biết đã sắp đến Tết, sắp vào Xuân, họ lo gồng gánh những thổ sản thu hoạch được còn lại trong năm, đem xuống chợ Chiên Đàn, chợ Tam kỳ để bán, hầu kiếm ít tiền mua chút mứt bánh, chai rượu xi - ca, ít tranh vẽ tuồng tích Tàu, về nhà chưng cho ra vẻ ngày Tết. Qua chiến tranh và đang chiến tranh, ai cũng rạt rày, nhưng ngày Tết đến chẳng lẽ không có cây hương, mâm cơm cúng ông bà ông vải, nên dân chúng quanh chợ Quán Rường cũng thấy vui vẻ hơn, chợ họp buổi chiều nhưng khoảng qua xế trưa là đã thấy mọi người gồng gánh tụ tập họp chợ rồi.

    Những ngày khác thì các uỷ viên hội đồng có ngày có mặt, có ngày vắng mặt ở cơ quan, vì chức vụ hội đồng xã đâu có lương bổng gì cho cam, chỉ ăn vào ngân sách xã, nhưng ngân sách xã lại trông vào việc thu thuế của dân, mà đây là một vùng xôi đậu, dân chúng chạy tứ tán, lại nghèo khổ quá nên ngân sách cũng thiếu hụt trăm bề.

   Vì hôm nay là ngày cận Tết, còn đâu khoảng nửa tháng nữa thôi chứ có lâu la gì, nên  Ban hội đồng có cuộc họp để thống nhất việc làm giấy tờ cho dân chúng, những ai có nhà cửa bị chiến tranh tàn phá thì được đền bù, cùng thảo luận qua chuyện tổ chức ăn Tết cho dân chúng, dù gì thì cũng là ngày Tết của dân tộc, nghe đâu hai bên hứa là sẽ cho hưu chiến mấy ngày để cho dân ăn Tết nữa mà. Nên hôm  nay đại diện xã Lễ về sớm, lo chuẩn bị cho cuộc họp, độ khoảng nửa giờ sau, ban hội đồng mới lục tục kéo về đầy đủ.

 

   Coi sơ qua chuyện phòng thủ trụ sở hội đồng thì biết ngay ông đại diện và ông cảnh sát xã chưa có trình độ quân sự. Ban hội đồng làm việc trong phòng cuối của ngôi trường, ban đêm bỏ ngỏ, không có vọng gác nào canh giữ, nghĩa quân buổi sáng chỉ lục soát sơ sài, coi ban đêm địch có lén vào gài mìn, gài lựu đạn ở các ghế ngồi hay các lối đi, tủ kệ không mà thôi, xong, họ ra bên ngoài đứng gác, có lúc buồn buồn họ chui vào mấy quán bên đường uống ly nước, hút điếu thuốc rê, tán gẫu vài câu chuyện tầm phào với chủ quán hay khách qua đường, chuyện phòng thủ và an ninh không chu đáo, còn ỷ y lắm.

    Địch thì dò la kỹ đường đi nước bước của hội đồng xã, từ quy luật đi, về, hội họp, chúng điều nghiên thuần thục, cũng dễ dàng thôi, cho một người du kích giả dạng người bán rau lang, ghé vào quán bà sáu Nữ ngồi uống ly rượu trắng, cười nói hỉ hả, nhưng đôi mắt thì láo liên dòm vô trụ sở hội đồng, vài ba lần như vậy với những người khác nhau, tương kế tựu kế, địch quyết định hôm nay đúng  giờ G là ra tay, hạ quyết tâm diệt gọn ''mâm'' hội đồng.

Địch cho hai du kích giả dạng nghĩa quân, cũng mang M.16, cũng bận đồ lính, cũng mang giày bố y chan lính nghĩa quân, ban hội đồng đang họp, lớp học đang dạy, tiếng đọc bài của học sinh vang lên thật êm đềm trong trẻo, như xã thôn đang ở trong một thời kỳ thanh bình thịnh trị. Ban hội đồng đang thảo luận hăng say về việc bình chọn những gia đình  nào được hưởng tiền trợ cấp, đại diện Lễ đang  nói  thao thao bất tuyệt, hai du kích  giả dạng nghĩa quân đi vòng ra phía sau, thấy người lính nghĩa quân thật đang đứng mé bên kia, hai du kích liền đột nhập vào ngay sân trường, chun qua hàng rào kẽm gai sơ sài, rồi đi thong dong qua mấy lớp học đang râm rang tiếng đọc bài, thầy giáo ngó ra cũng tưởng nghĩa quân gác trụ sở hội đồng. Khi đến cửa sổ của phòng hội đồng, một người đứng lại cảnh giới, còn người kia bước nhanh đến chĩa súng bắn thẳng vào đám hội đồng. 

Tiếng súng chát chúa dội ra bên ngoài. Trung đội nghĩa quân lúc đó mới biết là địch đã đột kích, liền bắn ngược vào trường. Loạt đạn đầu của địch nhắm vào đại diện Lễ và loạt sau lia qua những  uỷ viên, không một ai sống sót, máu chảy lan ra ngoài cửa, uỷ viên Hữu định nhảy qua cửa sổ phóng ra ngoài nhưng bị trúng đạn ngay, chết nằm vắt vẻo trên thành cửa sổ. Khi nghĩa quân ụp vào thì hai du kích cũng biến ra ngõ sau chạy mất dạng. Đại diện Lễ ngực bị loạt đạn đầu tiên, tung toé vỡ nát, mắt trợn trừng. Các tử thi kia cũng không toàn thây, khi thân nhân hay tin kéo đến thì hai du kích đã chạy về đến thôn ba, khu nầy là khu an toàn của địch.

*

    Phiệt xuất thân từ Trường Võ Bị Đà Lạt, anh chọn về Sư đoàn 2 Bộ binh, đó là quê hương anh. Sư đoàn 2 Bộ binh trấn đóng và giữ an ninh 3 tỉnh thuộc vùng 1 chiến thuật, Quảng Ngãi, Quảng Tín và Quảng Nam. Các bạn cùng khoá với anh, người thì chọn sư đoàn Dù, người chọn Thuỷ quân lục chiến, hay ít nhất cũng Biệt động quân, những đơn vi đứng hàng đầu quân lực. 

Truyền thống trường Võ Bị Quốc gia đã tôi luyện cho người sĩ quan chỉ huy là ''Tự thắng để chỉ huy''. Hiên ngang, gan lì trên trận mạc. Suốt bốn năm ở quân trường Phiệt đã hấp thụ được truyền thống đó,  những  tháng  ngày  mới ra  trường, Phiệt cũng có những giờ phút sợ hãi khi xung trận, nhưng dần dà, hình như mùi khói thuốc súng, tiếng reo hò của binh sĩ, với cương vị chỉ huy nữa đã tôi luyện Phiệt trở nên can đảm  gan  lỳ. Hai  năm  ra  trường  anh đã mòn gót giày hành quân khắp các chiến trường, từ  mặt trận Ba Gia - Đồng Ké, mặt trận Đỗ Xá, đến mặt trận Quế Sơn, Thường Đức, Hiệp Đức. Anh đã chiến thắng liên tiếp, đánh bại những đơn vị sừng sỏ của địch, trong hai năm, từ một thiếu uý trung đội trưởng anh đã được vinh thăng trung uý, rồi đại uý, được đề bạt giữ chức vụ Đại đội trưởng trinh sát trung đoàn, một đơn vị thiện chiến của một trung đoàn bộ binh.

    Sở dĩ, Phiệt xin về sư đoàn 2 là vì, đó là nơi anh sinh ra và lớn lên, anh muốn trở về và chiến đấu trên chính mảnh đất quê hương mình. Ở đó có dòng suối đập Lạnh, đập Trà Thai mà thuở ấu thời anh đã lặn hụp, tắm mát, có mẹ anh, người đàn bà nhà quê chơn chất, suốt đời chân lấm tay bùn, có cha anh, ông giáo già một đời dạy học, có cậu ruột anh, ông đại diện Nguyễn Nho Lễ, người cậu anh rất yêu thương, người cậu duy nhất trong gia đình. Cậu Lễ cũng sinh ra và lớn lên ở vùng đất có con suối đập Lạnh, đập Trà Thai chảy qua, cậu cũng như anh có một dòng sông, con suối để nhớ về và thương yêu. 

Phiệt muốn trở về đây để mỗi lần về dưỡng quân anh sẽ về thăm cha mẹ, được nằm trên  căn  nhà    nơi  anh  sống suốt thời niên thiếu, được gần mái trường tiểu học nơi anh đã học, những cây bàng trước chợ Quán Rường nơi mẹ anh đã ngồi ở đó hằng buổi chợ, để bán từng rê thuốc lá nuôi anh ăn học. Cái quê hương bé nhỏ đã quấn chặt lấy anh làm anh không thể nào xa rời được.

    Anh biết những người ''nhảy núi'' cũng là những người ngày trước từng làm việc cho gia đình anh, giúp cha anh cày miếng ruộng, gieo mạ, tát nước, những người đó là  chú Trà, chú Sử, chú Yên, chú Ba Tình, chú Tư nhỏ, chú hai Nhân. Họ ''nhảy núi'' như  nghe  theo  một tiếng kêu gọi từ những ngày tiêu thổ kháng chiến, cái hào khí và nhiệt huyết của nông dân đã dấy lên trong lòng họ và buộc họ phải lựa chọn, ''chạy xuống'' hoặc ''chạy lên''. Chạy xuống thì theo quốc gia, còn chạy lên thì theo cộng sản, đó là lằn ranh giới của hai phe. Và đến ngày Phiệt đổi về  làm đại đội trưởng trinh sát trung đoàn thì số người ''nhảy núi'' trước đây đã chết gần hai phần ba .

    Buổi tối đơn vị Phiệt đang hoạt động trên vùng núi của quận Nghĩa Hành thì được lệnh từ  ban ba trung đoàn, cho đơn vị gọn gàng để rút về đồng bằng, đợi quân xa đến đưa về bộ chỉ huy trung đoàn, nhận lệnh hành quân mới. Phiệt nói vào trong máy liên hợp:

- Trình đại bàng, Nghe rõ  5 trên 5.

    Cuộc đời lính tác chiến là chấp nhận mọi bất ngờ, mọi hiểm nguy, mọi bất trắc, nhất là đơn vị trinh sát của anh. Có lúc đang hành quân tận Sơn Hà, Trà Bồng mà được lệnh phải di chuyển ngay về Quế Sơn, Hiệp Đức để giải toả lực lượng  địch  đang  vây  hãm  một  đơn  vị bạn nào đó. Đó là chuyện thường ngày của lính trinh sát, cho nên hôm nay được lệnh ''gọn gàng'', anh cứ nghĩ như những cuộc hành quân trước, nơi nào sôi động nhất là cấp chỉ huy thảy đơn vị anh nhảy vào giải toả áp lực.

    Khi đoàn xe về đến Chu Lai, anh vào họp với bộ tham mưu trung đoàn, trong khi ngồi nghe thuyết trình cuả ban ba, anh mới biết một tin làm anh như muốn quỵ xuống, cậụ Lễ của anh đã bị địch thảm sát cùng ''mâm'' hội đồng xã, các chú, các bác, những người một đời hiền như cục đất, cũng bị địch bắn chết thê thảm. Anh muốn oà lên khóc cho hả niềm thương người cậu ruột, nhưng anh phải dằn lại để nghe lệnh hành quân. Sau khi giết được ''mâm'' hội đồng xã, địch đã mở liên tiếp những cuộc tấn công, với lực lượng địa phương quân cũng như nghĩa quân trấn đóng, không thể giữ được đất nên trung đoàn bộ binh phải nhảy vào.

    Phiệt nhận lệnh và nghe một nỗi căm thù chất chứa trong lòng, anh thầm nguyện với lòng, ''cậu ơi, cậu ơi, con sẽ trả thù cho cậu''. Nhớ ngày tuổi thơ cậu đã bồng bế, ẳm anh trên tay mỗi lần mẹ dẫn anh về thăm ngoại, anh vẫn nhớ hoài khu vườn nhà ngoại, ngôi nhà ngói đỏ nơi đó mẹ và cậu đã lớn lên. Bây giờ  thì  thân xác cậu cũng được chôn ở khu vườn đó, anh nghe kể, cái đầu của cậu bị nát bét, nhầy nhụa, gương mặt không còn nhìn ra là cậu nữa, ''con sẽ trả mối thù nầy thế những đứa con của cậu còn nhỏ dại, cậu tin ở con''.

 

                                                    *

    Ba giờ khuya, đại đội Phiệt được lệnh hành quân, ''nhảy diều hâu'' vào thôn ba, nơi các đơn vị địch thường mò về mỗi tối  hoạt  động,  nơi  đây  coi  như  là an toàn khu, địch không nghĩ là ta có thể nhảy ập lên đầu chúng. Những tay nằm vùng cấp quận, cấp tỉnh vẫn thường mò về hội họp với đảng uỷ xã để chỉ thị thanh toán người nào, đánh ở đâu. Khi những chiếc trực thăng vút lên cao mang theo những người lính của đại đội trinh sát, những người lính gan dạ, theo lệnh chỉ huy của ''thẩm quyền'' Phiệt, ''hãy dập nát căn cứ thôn ba và bắn chết bất cứ tên địch nào cố tình chạy thoát, không để tên nào lọt lưới''.

Đoàn trực thăng lướt gió, cánh quạt xoay vòng, đêm lạnh ớn xương sống, đêm gầm thét theo từng tiếng động của cánh quạt trực thăng. Khi những chiếc UH1B rà sát khu xóm có những mái nhà thấp, toán trực thăng gunship đã bay trước bắn dọn đường, những tiếng nổ kinh hoàng phát ra, những căn nhà phát cháy, tiếng động cơ trực thăng rít lên gầm gừ, Phiệt cầm ống liên hợp và ra lệnh cho ''con cái'', các trung đội trưởng, ''hãy nhảy xuống xung phong và nổ súng trực xạ''. Tiếng các trung đội trưởng báo về, ''trình thẩm quyền, đích thân nghe rõ, thi hành lệnh năm trên năm'', thì Phiệt cũng  từ  trực  thăng chỉ huy cao độ trên 5 thước nhảy xuống một mô đất ven xóm, vừa ra lịnh khai hoả và hô ''xung phong'' tiến chiếm mục tiêu.

                                                 *

    Thím Trầm quỳ trước mặt Phiệt, vừa xấp tay lạy như tế sao vừa khóc, vừa kể lể, ''Xin đại uý tha tội cho thằng Duyến con tôi, nó còn nhỏ dại, mới mười sáu tuổi mà biết gì cộng sản với quốc gia. Cha nó nhảy núi dắt nó đi theo thì nó đi, nay cha    chết rồi, bên kia sung nó vào ''lực lượng''  thì    phải  vào  thôi, đại uý làm ơn làm phước tha cho nó, đại uý ơi''. Giọng người đàn bà nghe thảm thiết quá,

    Phiệt nhớ lại ngày trước, thím Trầm là người ăn kẻ ở trong nhà Phiệt, hồi nhỏ thím đã từng cho Phiệt ăn, pha nước cho Phiệt uống, làm ngựa cho Phiệt cỡi. Bây giờ, là người đàn bà hom hem, già háp trước tuổi, tóc lưa thưa bèo nhèo, vàng cháy nắng, đang ngồi trước mặt Phiệt, kêu khóc xin Phiệt tha cho đứa con trai bị bắt sống đêm qua bởi cuộc hành quân ''diều hâu'' do chàng chỉ huy.

Tụi lính đã trói thằng Duyến xấp ké, giam trong phòng khai thác của ban 2. Trước khi bị bắt, thằng Duyến đang ôm súng gác cảnh giới bên ngoài, bên trong đang có cuộc họp của chi bộ xã, nghe tiếng trực thăng, nó hoảng quá lia một tràn đạn báo động rồi chạy lẹ ra bờ suối sau, nhưng toán lính tiền sát phục kích đã nằm sẵn ở đó, may mà thằng Duyến quăng súng và giơ tay lên trời kêu xin hồi chánh, nên nó không bị bắn gục.  

    Phiệt đã hứa với lòng, sẽ tiêu diệt hết những tên du kích khi nào anh bắt được trong cuộc hành quân nầy để trả thù cho cậu Lễ, nhưng khi nghe thím Trầm khóc lóc, kể lể, van xin, anh cầm lòng không đậu. Tự nhiên một nỗi thương cảm dâng trào, những con người bị đọa đày, từ  hai phía, lúc nào cũng vẫn là những con người bị đoạ đày. Gia đình chú Trầm ngày xưa là một trong những người thân thiết của gia đình anh, có công việc gì chú Trầm đều đến  giúp, nhất    những   ngày  giỗ  Tết,  chú   tới  mổ  bò,  mổ   heo, phụ giúp cho cha anh. 

Rồi những ngày mùa, công việc đồng áng bận rộn, chú Trầm coi  như   người ''làm cặp'' cho gia đình. Thế mà đến những ngày đầu tiên khi địch quân từ trên núi xuống, lén lút móc nối, tuyên truyền, rỉ tai, một đêm nhân lúc địch đánh chiếm cơ quan hội đồng xã, chú Trầm liền xách gói chạy ''lên núi'' liền. Mấy tháng sau, chú lại về móc nối, dẫn cả gia đình theo, kết quả sau hai năm ''nhảy núi'', chú và hai đứa  con trai lớn đã bỏ xác tại khu núi rừng Tây Lộc, còn lại, thím Trầm, thằng Duyến và con Tú, nay thì con Tú, du kích xã, đã bị bắn chết ngay trong loạt đạn đầu của lính trinh sát tối qua, đạn M.16  làm vỡ nát khuôn mặt mặn mà của cô con gái nhà quê, còn thằng Duyến thì bị bắt ngay trên đường tháo chạy.

    Phiệt nói với người hạ sĩ quan ban 2 đang canh giữ thằng Duyến:

- Cho nhốt thằng VC con đó riêng ra, mở trói cho nó, cho ăn uống đầy đủ và đợi lịnh của trung đoàn nghe mày.

    Ra lệnh xong, Phiệt kêu người hạ sĩ quan ban 2 lại gần nói nhỏ: 

- Mầy canh chừng nó nhưng nhẹ tay cho nó chút nghe, nó ở cùng xóm với tau đó, với lại nó còn nhỏ mà, nhớ nhẹ tay nghe mầy, ngày mai giải nó về quận, tau sẽ xin cho nó hưởng quy chế hồi chánh''.


                                           *

    Tối đó, lợi dụng sự lơ là của người hạ sĩ quan ban 2, Duyến được tự do, tay chân không bị trói, nó nhìn quan sát thấy ai cũng ngủ say, liền lén lấy một khẩu M.16, ria thẳng vào bộ chỉ huy đại đội. Người hạ sĩ quan ban 2 chết ngay tại chỗ, hai người lính trong bộ chỉ huy bị thương nặng.

Bắn xong, thằng Duyến chạy băng qua vọng gác tiền tiêu, lính canh ở đó bắn theo nhưng không trúng, nó nhảy qua hàng rào kẽm gai hướng về hướng núi mà chạy. Khi nhảy qua mô  đá chạy xuống suối, vấp phải trái lựu đạn lính gài tự động ở đó.

Trái lựu đạn chạm kích hỏa, một tiếng nổ bùng lên như tiếng sấm gầm, xác thằng Duyến tung lên cao, áo quần bay tơi tả, rồi xác nó ụp xuống. 

Khi đám lính ra lấy xác, họ không tìm được cái đầu của nó.

 

TRẦN YÊN HÒA

 

Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:


Xin click vào link sau:




 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...