Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

Người Đảng Viên Già - DIỆU TẦN

Cần giao lưu 1 nón cối bộ đội xưa



Bà Thoả là dân gốc Thái Bình, thường bị chê là dân Thái “Lọ”. Năm Ất Dậu chết đói đầy đường, do tội của Phát-Xít Nhật gây ra. Theo bố mẹ anh em lây lất kéo nhau lên Hà Nội kiếm ăn, cả nhà chết dần chết mòn, lê lết đến ga Hàng Cỏ thì chỉ còn một mình cái đĩ Tũn, là bà, sống sót. Bà không nhớ và không hiểu tại sao bà còn sống được. Cho đến bây giờ bà không biết quê mình ở cái thôn xã xơ xác nào tận Thái Bình. Đến tên thật của mình, bà cũng không biết, sau năm 54, kiểm tra, bà mới làm khai sinh lại, tự đặt tên là Dậu. Ý muốn kỷ niệm cái đói năm Dậu khủng khiếp. Cái đĩ Tũn dạo đó đi lang thang cầu bơ cầu bất, đi ở cho nhà người ta, chán rồi gồng thuê gánh mướn, lưu lạc mãi lên Thái Nguyên. Ở đó cô Dậu gặp anh bố cu Thoả. Chẳng là Thoả, không có tiền nộp lệ làng, là dân đen bị khinh bỉ, buồn đời bỏ đi theo Việt Minh. Hai người gặp nhau tại chiến khu, thương cảm nhau cùng cảnh nghèo rồi nên vợ nên chồng, chả cần cheo cưới gì. Đến bây giờ các con đều chọc ông bà Thoả “không ai vô sản chuyên chính hơn bố mẹ”.


Ông vô sản thật, nhưng đến khi có con lại đặt tên con theo từ Hán Việt nghe kêu lốp bốp. Thứ tự là Lễ, Tín rồi cái Trinh cái Thục. Bà không bằng lòng nhưng nể chồng, phải chịu. Cứ như bà thì nên đặt cho có tính quần chúng hơn như No, Ấm, Hiền, Lành v.v… Bà bị cái đói năm đó hành hạ, nên luôn luôn muốn được no và mong các con không bị đói.

Cả đời bà vất vả ngược xuôi. Thời kỳ ấy, không nhà không cửa, bà gánh hai cái thúng, một thúng chăn, áo và cu Lễ, thúng đầu kia là gạo, khoai, theo chồng khắp mọi mặt trận kháng chiến. Đến lúc này bà vẫn không thuộc mặt chữ và mặt số. Chỉ phân biệt đồng bạc này với đồng bạc kia bằng màu sắc, khổ giấy mà thôi. Dạo còn con gái không được đi học, khi muốn học lại bận nuôi con, nuôi chồng. Khi về già bà bảo: “Thôi tôi già rồi, học làm gì cho mệt. Các anh các chị nhớn cả rồi, chữ nghĩa giỏi giang, đọc cho tôi nghe là đủ rồi”. Chữ nghĩa bà không thông, nhưng bà tính toán, thu va thu vén nhanh như cắt.

Thục hai mươi bảy, chưa chịu xây dựng với ai, cứ cười bà “Chắc con thừa kế được cái giỏi tính của mẹ”. Thục đã tốt nghiệp trung học kế toán và đang làm việc trong một xí nghiệp. Lễ, Trí đã có vợ. Trinh cũng đã lấy chồng. Tất cả đã là đảng viên, trừ vợ Trí chưa vào và Thục không muốn vào. Năm đảng viên hợp với ông bố già nữa là sáu, ông “cựu trào” nhất với 38 tuổi đảng, có thể lập một chi bộ đảng ngay trong nhà với ông là ủy viên thường vụ.


Khi mới về hưu, ông sắm lưới sắm te, tong tẩy đi đánh cá. Đó là một trong những nghề cũ hồi ông còn là dân đinh hèn mạt. Vừa tìm vui vừa có cá tươi cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Mấy năm nay, cựu đại uý nhà ta bị một bịnh quái ác là liệt nửa người, hậu quả của đời chết sống cực khổ trong bộ đội. Là người năng động, phải nằm một chỗ, ông đau đớn lắm. Ông đang hy vọng hai năm nữa, vào dịp được nhận huy hiệu 40 năm tuổi đảng, sẽ tổ chức một tiệc trà với kẹo ăn mừng. Ông đã tự nhủ dốc lòng theo đảng đến hơi thở cuối cùng. Ngã bệnh, không những không đi đánh cá được, còn phải phiền đến vợ con, ông khổ sở lắm. Thuốc thang, thầy thợ tiêu pha về ông khiến nền kinh tế trong nhà suy sụp đến phát hoảng. Đồ đạc trong nhà, đội nón theo nhau khỏi nhà mau quá. Lương hưu của ông không đủ để ông ăn bữa sáng. Đấy là hai bìa đậu phụ nóng, bác sĩ dặn phải cho ông ăn để không tăng áp huyết, tránh tai biến đột xuất cho người bệnh.


Ngày xưa, trong đơn vị, tuy không là chính trị viên, nhưng ông rất sốt sắng công tác đảng. Về hưu, rất chăm lo đóng đảng phí đúng kỳ hạn, rất mong đến kỳ sinh hoạt chi bộ đảng. Ông buồn vì phải nằm bẹp một chỗ. Nhưng lòng tin vào đảng không suy suyển mà còn tăng thêm. Niềm vui duy nhất của ông chỉ còn có bấy nhiêu thôi. Cũng như mấy bà già tin vào vía cô vía bà lên đồng lên bóng ấy mà. Trên đầu chõng ông nằm treo ảnh cụ Hồ để ông luôn được chiêm ngưỡng bác. Đấy là niềm tin, là tượng trưng cho đảng.

Dạo chưa bị bán thân bất toại, vào kỳ sinh hoạt thì mưa gió giá rét cách mấy, ông cũng đi cho kỳ được. Nằm một chỗ rồi, ông tha thiết nói với con, với dâu rể tình nguyện đề nghị chi bộ xóm chuyển địa điểm họp đến nhà, để ông được họp. Những hôm ấy, ông vui hớn hở từ sáng sớm, giục phải lau sạch bàn ghế, đun đầy mấy phích nước sôi, mua chè, thuốc lá bằng tiền hưu của ông, để sẵn đãi các bạn có đảng tịch trong xóm.


Có nhẽ nhà ông Thoả thuộc loại nghèo nhất xóm. Những nhà khác chỉ có vài người trong biên chế, còn lại họ chia người để chạy ngoài. Hàng xóm bên trái là nhà chuyên buôn bán đường dài. Buôn đủ mặt hàng thuộc diện quản lý của nhà nước. Khi thì cà phê Phú Thọ, Buôn Mê Thuột, tháng thì chè Bờ-Lao hay Thái Nguyên. Có dạo họ kiếm đâu ra rất nhiều những hộp dầu ăn thực vật từ thời Mỹ để lại. Chả thấy tay công an kinh tế nào thò mặt ra bắt bớ cả. Láng giềng chếch bên phải chuyên buôn thuốc Tây. Cả nhà, nhớn bé chỉ phe phẩy món hàng đắt tiền ấy thôi. Họ làu tên thuốc hơn cả Lễ, Trí là hai cán bộ y tế con trai ông. Hỏi mua món thuốc gì cũng có. Những người này vào Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Mình, Đà Lạt, ngược Bắc Thái, ra Hải Phòng xoành xoạch.


Sâu mãi trong xóm phải kể gia đình làm chủ đề, là kẻ mạnh thế nhất. Mỗi tuần xổ đề đông nườm nượp. Lại có hai nhà chứa bạc gần như công khai. Họ không thèm đánh những loại bài lâu ăn thua, chỉ chơi toàn bài Tây và xóc dĩa, đặt bằng nhẫn và vàng lá. Chủ “đề” nghe đồn là anh em kết nghĩa với bí thư quận. Có ai báo công an quận thì con bạc đã biết trước, thản nhiên ngồi uống cà phê, tán chuyện trên trời dưới biển, như không có gì xảy ra. Còn chú công an khu vực thì bị “mua” từ lâu rồi. Sinh hoạt của những nhà này, vì họ có tiền, nên ầm ĩ, sặc sỡ, vênh váo lắm. Nhà ông Thoả kẹt vào giữa, cùng một lúc được nghe đủ các loại nhạc loạn xị từ các loại máy khác nhau, phát ra không kể giờ giấc, bất chấp sự cần yên tĩnh của xóm giềng. Có ai phản ứng gì, mấy thanh niên đó nhăn răng ra cười: “Ấy nhạc Cu-Ba anh em, nhạc Xì-Pa-Nít chứ có phải nhạc đế quốc Mỹ đâu”. Khi họ mở nhạc giựt gân thì họ giải thích: “Nhạc Châu Phi, nước Ăng-Gô-La và Li-Bi-A anh em đây, không phải nhạc mất gốc, đồi trụy đâu”.

Ghét họ, bực họ, nhưng ngoài chuyện mở nhạc ầm ĩ, họ cũng chẳng trực tiếp làm hại đến ai. Ngược lại, đôi khi họ còn giúp đỡ cho láng giềng nữa. Như trường hợp có lần bệnh ông Thoả bị trở chứng, hai con là y tá, có khả năng cấp cứu bố nhưng không thuốc. Nhà phe phẩy thuốc Tây sẵn sàng đưa thuốc mà chả bao giờ hỏi tiền. Cho đến bây giờ bà Thoả quà cáp lại vẫn chưa đủ giá tiền hộp thuốc quý giá ấy.

Trong nhà họ, thôi thì đủ món tiện nghi xa xỉ. Nào là tivi, tủ lạnh, máy cát- xét. Có nhà tậu cả  máy vi-đê-ô nữa, chiếu phim chưởng liên tục. Bữa cơm của họ, mua thẳng ở ngoài chợ, chả cần qua cửa hàng nào, thịt cá, rau cỏ tươi rói, ê hề. Con cái họ cả nam lẫn nữ vận quần bò, áo phông theo đúng mốt. Cái đài đối với họ thì quá thường.


Vào dịp đại hội đảng kỳ sáu vừa rồi, Thục phải sang nói khó với nhà sát tường cho ông bố được nghe đài những hôm đảng họp đại hội. Đài đang tường thuật hùng hồn, đến chỗ chủ tịch Võ Chí Công tuyên bố, ông đang cố theo dõi ra chiều thích thú, bỗng vỗ xoạch một cái, một điệu nhạc nhảy ồn ào oà lên, làm ông thất vọng quá. Lúc đó nhìn nét mặt ông thật tội nghiệp. Hai má ông giật giật, ông vừa buồn vừa giận, hai hàng nước mắt chảy dài. Các con tê tái xót xa về cảnh nghèo túng, định cố gắng mua cho ông cái máy thu thanh chạy pin mà vẫn chưa mua nỗi. Cũng chẳng giận gì người ta được, của riêng họ muốn nghe băng tần nào, tuỳ họ chứ. Cũng như đám con gái nhà bên, phấn son, cái mặt như diễn viên đoàn văn công sắp lên sân khấu biểu diễn ca múa. Thế mà, nhiều chị vợ cán bộ rủng rỉnh tí tiền cũng mắt trước mắt sau, bắt chước.


Đại uý già nghỉ hưu, nằm một chỗ, lở cả lưng, đâu có hiểu rõ được thực trạng xã hội. Ông những tưởng cứ hồ hởi phấn khởi như hồi đánh Pháp, đánh Mỹ. Nghe kể những chuyện tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, ngoài xã hội, ông bị “sốc” mạnh. Nặng nhất là hôm đài hàng xóm tình cờ mở đúng vào chương trình dân ca chèo. Trong bài chèo ca ngợi đảng có câu:

“Đảng cầm tay dẫn ta đi…” Bỗng có tiếng cười hô hố của người bố:

– Ối giời ơi! Kìa, chúng mày đưa tay cho đảng cầm nào!

Lũ con hàng xóm cười ồ lên, chúng nháo nhào:

– Con chả dại!

– Con chả dám! Theo đảng chỉ có nước uống nước lã cầm hơi.

Trinh và Thục bên này thấy ông đỏ mặt, lẩm bẩm “Láo quá! Hỏng hết, hỏng hết”. Rồi ông cựa quậy, bắt con dựng ông dậy cho tựa lưng vào gối. Ông thở hỗn hễn như bò thở, đập tay vào chõng, bàn chân còn cử động được dậm dậm xuống chiếu. Nước mắt ông trào ra, nửa miệng méo xệch. Khuôn mặt thật thảm hại. Cô chị tức quá, đập vào tường như muốn bảo bên kia im đi. Thục từ tốn hơn, bảo:

– Thôi chị ơi, hơi đâu mà nói với họ.

– Họ phát biểu xúc phạm đến đảng quá. Họ làm cho bố mình đau đớn.

Thục là đứa con chưa vào đảng, nói như dàn hoà:

– Họ cũng là quần chúng như em, chỉ vô tình nói thế thôi.

Hai chị em phải an ủi dỗ dành bố già mãi. Người bóp tay, người nắm chân và chậm nước mắt cho bố. Trinh và chồng là hai giáo viên. Chỉ có vợ Trí là công nhân. Trừ vợ chồng Lễ đã có tí nhau và vì công tác địa điểm xa, đã ra riêng, còn đều sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bếp. Thục chưa chịu vào đảng, không muốn sinh hoạt đoàn nhiều, dù đã là đoàn viên. Do đó chả bao giờ được đề bạt là đối tượng cả.

Nhờ Thục phe phẩy tí chút mà thỉnh thoảng nhà có cá tươi ăn. Hay khéo xoay sở đổi được gạo trắng ngon cho bố ăn. Hỏi làm sao kiếm được mấy của quý đó, Thục chỉ cười “thời buổi này, không ngoại giao là hỏng kiểu hết”.

Lễ hỏi cô em út:

– Sao cái Thục không phấn đấu thêm để được kết nạp?

– Vào để làm gì? Vào đảng thì được gì thời buổi này, hả anh?

– Vào để… để trở nên một công dân hoàn toàn của chế độ. Đâu phải vào để hưởng thụ.

– Anh là đảng viên, gần như cả nhà này là đảng viên, thử xem lại đã làm được gì, đã được hưởng gì? Anh có thấy các cán bộ cấp cao đã là công dân gương mẫu chưa?


– Thục đừng lý luận tản mạn. Để lúc nào rỗi, anh sẽ bàn thêm với Thục.


Lễ nói thế, nhưng không thấy bàn rộng vấn đề này với em. Có nhẽ Lễ thấy khó mà thuyết phục nổi cô em gái thông minh.


Thục đã nói lên một phần rất ít của thực trạng xã hội. Bốn anh em từ nhỏ đến lớn được học đến đầu đến đũa. Chỉ biết ăn và học. Trưởng thành rồi thì ăn và đi làm, không có cái tháo vát ngược xuôi như mẹ, trừ Thục. Ngày xưa gọi là lương ba cọc ba đồng, bây giờ là công nhân viên nhà nước chấp hành nghiêm chỉnh giờ giấc, hoàn thành mức độ công việc tốt, cứ chờ đến kỳ để được lên lương. Đồng lương lên không thể nào kịp với giá sinh hoạt nhảy vọt. Thứ lương chỉ tiêu năm ngày là hết. Tiền thưởng ở cơ quan và bỗng lộc rất hiếm hoi. Được vài trăm bạc, đã lấy làm vui sướng lắm, phởn phơ lắm. Người không làm công nhân viên nhà nước là bà Thoả lại là trụ cột trong nhà. Tiếng nói của các giáo viên, y tá, công nhân thảy đều không có trọng lượng. Tất thảy là nghiêng về sự quyết định của mẹ già và của cái Thục đanh đá.

Trong nhà ai có đề ra ý kiến mua sắm này nọ, nghe ra đều có lý, nhưng tiền thì không ai đưa ra cả. Thậm chí đơn giản nhất là ước ao được ăn một bữa gọi là có chất tươi ngày chủ nhật như canh riêu cá hay hoang tí nữa như bún chả nhưng không thấy ai xung phong góp tiền. Bà Thoả chỉ bảo: “đưa tiền đây” là không người nào thò ra đồng bạc. Đúng là:


“Dễ trăm lần, không tiền cũng chịu
Khó vạn lần, tiền liệu cũng xong.”

Nhại câu nói của cấp lãnh đạo, thay chữ dân bằng chữ tiền. 

Ông Thoả có đôi lần cáu gắt với vợ. Chung qui cũng do đồng tiền eo hẹp gây ra cả. Ông bảo:

– Tôi ăn uống không bao nhiêu, chỉ cần nóng sốt và tinh tươm một tí. Thỉnh thoảng cho tôi miếng thịt kho.

Bà trả lời:

– Ông cứ đòi hỏi bồi dưỡng làm gì. Ông thừa biết riêng lo cho ông, tôi đã cực nhọc chừng nào?

– Cơm gạo hẩm tôi nhai không được. Tôi xin nước mắm kha khá một tí.

– Giời ơi! Có đứa nào đưa tiền cho tôi nuôi ông đâu. Chỉ có độc mình tôi lo thôi.

– Trước tôi mạnh khỏe, bà có nhăn nhó thế này đâu.

– Bây giờ ông muốn tôi phục vụ ra sao nữa?

Ông phải lặng im. Bệnh nhân nằm nghỉ một chỗ thường có mặc cảm. Về già hai vợ chồng đâm ra lục đục. Sống cả đời với nhau đẹp thế, yên thế, bây giờ thì…

Ông bị dày vò đang ăn bám, bị người thân, bạn bè, xóm giềng quên lãng, thờ ơ. Ông tự ví mình như cây cung đã gãy. Như một khẩu AK vỡ nòng rỉ vất xó nhà. Ông chưa oán đảng và nhà nước, chỉ giận mình, giận vợ, giận con. Giận chán ông lại thương chính mình, thương họ. Họ có làm gì để ông phải giận đâu. Họ cũng chẳng sung sướng hơn gì ông. Phải lao động “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” quần quật tối ngày.

Mới tuần trước, chi ủy khu phố theo chỉ thị trên, ra lệnh chi bộ xóm tổ chức lấy ý kiến quần chúng phê bình đảng viên, chuẩn bị triển khai thực hiện cuộc vận động đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Xóm đếm được ba mươi hai hộ, chỉ có tám hộ cử người đến dự. Suốt cuộc họp kéo dài hai tiếng đồng hồ, chỉ đúc được bốn ý kiến chung chung. Gọi là ý kiến “không địa chỉ” có ý là ý kiến hay lời phê bình chả biết nhằm vào ai, gửi đến cơ quan nào. Ý kiến ba phải, vô hại, sợ mất lòng, sợ trả thù.


Bà Thoả thoạt đầu không đi, bà cũng là một quần chúng. Ông giục mãi bà mới miễn cưỡng đi. Thục còn dặn với:

– Mẹ đi, nhưng đừng phát biểu gì đấy nhé. Kẻo mang họa vào thân đấy, mẹ ạ.

Bà chán nản:

– Dà à ò ôi, phê với chẳng phán! Chán mớ đời.

– Đấy, bao nhiêu lần rồi, có thấy các ông đảng viên sạch hơn được tí nào đâu.

Bà đi rồi, ông nhì nhèo với con gái:

– Sao con lại nói thế.

– Bố nằm một chỗ, bố không biết đấy thôi. Đảng viên hạng bét như nhà này cứ đói dài. Phải là đảng viên cán bộ cấp lãnh đạo cơ, hay phải ngồi chỗ “bờ sôi ruộng mật” cơ. Phê phán như đấm bùn sang ao thôi.


Ông nghe con gái nói, cô gái quý gần ông nhất, rên hừ hừ. Hai gò má bắt đầu giật giật, dấu hiệu sự xúc động.

– Đừng nói nữa. Hừ… hừ…

– Bố không nghe được câu người ta nói “cán bộ đi trước, tiêu cực theo sau” đâu. Không có chức quyền làm sao tham ô được. Chính vì thế nên con không muốn vào đảng.

– Không còn có pháp chế, kỷ luật gì à?

Đang sẵn đà, Thục vẫn nói:

– Bố biết không, hiện nay có câu đồng dao:

“Mỗi người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài mua xe
Mỗi người làm việc bằng ba, để cho thủ trưởng xây nhà xây sân”.

Ông lẩm bẩm:

– Đâu đến nỗi thế.

– Thật đấy bố, cứ như giáo viên nhà này “ăn” cái gì. Chỉ còn nước bán quà vặt cho học sinh thôi. Cán bộ y tế à, tháng trước, anh Tín vào nước biển cho một bệnh nhân, nhỡ đánh vỡ bình phải đền năm trăm đồng đấy.


– Sao không thấy nói…

– Chuyện không xa, ngay giám đốc nhà máy của con này, cách đây hai năm đồ đạc có gì đâu. Nay đến nhà mà xem, ti vi, tủ lạnh, cát xét không thiếu thứ gì. Còn thủ kho chạy xe Honda 70 chứ không thèm lái Honda 50 đâu. Trưởng phòng kế toán trong nhà có cả vì-đê-ô nữa. Tiền đâu mà mua.


– Hừ… hừ…  Đó chỉ là cá thể. Nhìn chung vẫn là tốt chứ.

– Dà ào… ơi, bố không biết đấy thôi. Thủ trưởng, giám đốc nào không ăn cánh trên dưới, trước sau gì cũng bị đi học hay bị điều đi chỗ “chó ăn đá gà leo thang” không thôi, bố ạ.

– Đảng bao giờ cũng đúng, ở dưới chấp hành sai đấy.

– Cái đó con không biết. Chỉ biết nói dân làm chủ mà chỉ thấy dân thấp cổ bé miệng kêu ca rồi bỏ đấy. Nhà nước quản lý nhưng quản lý tồi quá mà báo cáo rất hay. Mới đây bản thân ông tổng bí thư đảng tuyên bố là Hội đồng Chính phủ cũng muốn đổi mới người và việc mà không biết đổi mới cách nào. Dột từ trên dột xuống.


Ông bắt đầu hỏi giọng mệt mỏi:

– Liệu ông Linh có làm được gì không?

– Con không biết, hôm nào bố hỏi anh Lễ, anh Tín xem.

– Không biết cuộc vận động có thực chất không.

– Đó là việc đảng của bố và các anh chị, con không muốn biết. Chỉ biết con đang cố “ngoại giao” để đổi gạo trắng cho bố xơi thôi.

Ông im lặng, vẻ suy tư rất sâu. Sau buổi nói chuyện ấy, ông trở nên ít nói hẳn. Ông ăn uống ít đi, chỉ hay ngước lên nhìn ảnh bác Hồ.

Cả nhà hiểu và thương ông. Cứ nghe tiếng rên hừ hừ và tiếng thở dài thườn thượt. Cả một đời ông hoạt động, thành kính một niềm tin, một lý tưởng. Nếu con gái không nói cho biết, ông vẫn như người từ một thế giới khác. Trước thực trạng xã hội xuống dốc, ông Thoả bị hụt hẫng. Mà hụt chân rất nặng. Thân xác ông đã phải nằm xuống vì sự tàn phá của bệnh tật. Tinh thần ông, tư tưởng ông chỉ còn biết bám víu vào đảng vào các lãnh đạo.


Từ đấy, Thục không dám phát ngôn nói lên sự thật bên ngoài nữa. Mọi người bảo nhau giấu diếm sinh hoạt xã hội ngoài cho ông khỏi buồn phiền. Càng ngày ông càng ít ngủ đi. Trong lúc này tình hình kinh tế ngày càng khó khăn. Cả nhà chả ai dám xin nghỉ việc để chạy ngoài. Vì cái “mác” đảng viên và biên chế buộc họ lại. Họ có tiếng mà không có miếng, Thục nói với mẹ cho cô nghỉ việc để phe phẩy ngoài, nhưng bà không chịu. Năm người chỉ góp gạo, họa hoằn lắm mới được ít tiền để bà quản lý dùng chung.


Bà bảo Thục: “Mẹ còn sức tần tảo được, con cứ phấn đấu đến xí nghiệp đi”. Từ khi lấy ông đến nay bà tần tảo sớm hôm nuôi các con thay chồng cho đến khi trưởng thành. Nhờ tay bà chèo chống, đã vượt qua nhiều khúc hiểm nghèo. Không hiểu kỳ này gay go nhất bà còn đủ sức không. Bà nuôi đàn gà, con lợn, mớ rau mớ cỏ vất vả sớm hôm. Thục thương bố và quý mẹ. Chưa bao giờ bà kêu ca phàn nàn chế độ cả. Không phải bà yêu gì chế độ. Thời Pháp cai trị, bị cường hào ác bá làm khổ, sau 54 bị cán bộ cấp xã làm khó khăn, thời nào đối với bà thì bà vẫn cứ khổ và cứ phải nai lưng ra làm đầu tắt mặt tối. Bà tự an ủi là cái số phận xui ra như thế. Bà quan niệm cuộc đời rất giản dị, là bao giờ trên đầu trên cổ người dân cũng có bóc lột. Cũng như cả đời bà phải tranh đấu làm sao không bị chết đói.


Một chuyện xảy ra, càng khiến ông, người đảng viên già, bị lung lay niềm tin còn sót lại.

Do nhiều y tá xin nghỉ việc hay tự ý bỏ nhiệm sở để chạy chợ trời, do khó khăn về dược liệu, bệnh viện tuyến quận đã bỏ sự chăm sóc tại nhà cho ông Thoả. Họ viện cớ, một là ông chỉ là cán bộ quân sự đã về hưu, hai là quân hàm ông chỉ là đại uý.


Lúc nhận được tin này, ông giận dữ la mắng:

– Đãi ngộ người bệnh thế ấy à. Tệ quá!

Thục can bố, chưa bao giờ cô thấy bố nóng nảy đến thế.

– Bệnh viện từ xưa cũng chẳng giúp bố là bao.

– Tao gần bốn mươi tuổi đảng – chưa bao giờ ông xưng tao với con cái- chúng nó đãi ngộ thế còn quần chúng thì chúng nó xử tệ đến thế nào? Ít ra cũng còn cái tình cái nghĩa chứ. Tao không cần mấy viên thuốc lá lẩu ấy, nhưng phải nhìn đến tao chứ.


Chưa bao giờ bà thấy ông cáu giận quá thế, bà nhẹ nhàng bảo:

– Thì chi bộ xóm và quận vẫn nhớ đến ông mà. Cẩn thận kẻo mang tiếng công thần đấy.

Ông đập tay xuống chõng.

– Mấy thằng ở quận ở tỉnh còn biết nghĩ đến ai. Thật là cạn tàu ráo máng.

Bắp thịt ở má ông lại giật giật. Hai hàng nước mắt lại chảy dài. Thục thấy ngay là ông bị động chạm đến quyền lợi riêng mới phản ứng dữ dội thế.

Chả biết phải an ủi ông cách nào, bà chỉ yếu ớt khuyên:

– Cáu giận làm gì. Tình hình khó khăn cả nước. Thuốc men là do chợ trời nắm, chứ có phải bộ y tế, bộ ngoại thương nắm đâu.

Biến cố cuối cùng xảy ra do việc mua và ép mua công trái. Hôm nhận lương hưu, Lễ được ủy quyền vẫn ký nhận tại quận bị hụt đi một nghìn đồng trong số hơn bốn nghìn đồng thường lệ. Mọi kỳ thì tuỳ ý mua hay không, nhưng kỳ này họ trừ béng ngay vào sổ lương. Ông Thoả chưa bao giờ mua công trái cả, nói lương ít, bệnh lại hiểm nghèo.


Ông đếm tiền rồi sửng sốt hỏi:

– Đâu mất một nghìn?

Anh con trả lời:

– Họ mời mua công trái đợt này đấy, bố ạ.

– Không mua gì xất, ai bảo mua?

– Thì họ bảo chỉ thị ở trên.

– Nhất định là không mua, phải để tự nguyện chứ.

Lễ nghe bố thở mệt nhọc, nói luôn:

– Thôi để chúng con bù vào chỗ ấy. Bố nằm nghỉ đừng nghĩ gì thêm nữa.

Mặt ông tái mét, lớn tiếng:

– Ít nhất phải động viên trước đã chứ. Làm ăn gì lạ thế?

Thục nhẹ nhàng chêm vào:

– Thì cũng là công trái nhà nước, có phải vé số hay số đề đâu.

– Nó ép mua để lấy thành tích báo cáo đây mà. Nó cướp không lương của tao. Nó giật mất cơm trắng, đậu phụ của tao.

Thấy ông găng quá, bà phải can thiệp.

– Tôi sẽ lo đủ cho ông. Thôi đừng nói nữa. Ông là đảng viên phải gương mẫu chứ.

Đến đây thì thấy ông im. Chỉ nghe tiếng thở mạnh, ông thôi đập tay chân xuống chõng. Không thấy ông phản ứng thêm, mọi người tưởng ông đã nguôi ngoai. Thục bước lại gần thấy mắt ông đã trợn ngược, hai vệt nước mắt chảy ngược chếch trên trán. Đầu ông bị hất lên, những sợi tóc bạc trắng xoã trên gối. Một tay còn nắm chặc lấy những tờ giấy bạc rất có ít giá trị. Một chân thõng xuống thành chõng. Khoé miệng, bên chưa bị liệt, thường vẫn thẳng, lúc này đã xuôi cụp xuống như khoé bên kia, khiến cho miệng ông như đang khóc.


Thục nức nở:

– Bố ơi, bố!

Bà Thoả gào to lên.

– Giời đất ơi! Sao thế này.

Thục vùng lên định chạy sang hàng xóm xin thuốc cứu cấp. Lễ hiểu ý em, lắc đầu bảo:

– Còn đi đâu nữa, muộn rồi, Thục.

Sau khi để tay vào mũi ông và vuốt mắt cho ông, Lễ không khóc nổi. Mắt nhoà lệ. Thục nhìn ông bất động, chợt nhìn lên ảnh lãnh tụ, cô thấy hình như miệng lãnh tụ cũng méo xệch như đang khóc.

Lễ và Thục hiểu rằng bố mình không chết vì hụt mất nghìn bạc hưu. Ông chết vì câu nói sau cùng của con gái và bà vợ. Bí mật này cả hai sẽ không bao giờ dám nói cho mẹ biết.

 

Diệu Tần 

 

*

 

Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:


Xin click vào link sau:


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét