Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022

Nhà văn Văn Quang qua đời ở Sài Gòn, thọ 90 tuổi

 

Nhà văn Văn Quang

Nhà văn Văn Quang, tác giả của khoảng 50 tiểu thuyết và ký sự nổi tiếng, một số đã được quay thành phim, vừa qua đời lúc 10 giờ 20 phút sáng Thứ Ba, 15 Tháng Ba, tại Sài Gòn, hưởng thọ 90 tuổi.

Theo cáo phó của gia đình, nhà văn Văn Quang tên thật là Nguyễn Quang Tuyến, sinh ngày 21 Tháng Chín năm 1933 tại Thái Bình, nguyên Trung Tá Quản Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.

Tang lễ của nhà văn Văn Quang “sẽ được cử hành tại chùa Vĩnh Nghiêm vào ngày 16 Tháng Ba, sau đó, ngày 17 Tháng Ba, linh cữu sẽ được hỏa táng tại Trung Tâm Hỏa Táng Bình Hưng Hòa, Sài Gòn,” theo cáo phó.
<!>

Tiểu sử nhà văn Văn Quang

(Nguồn: Tiếng Quê Hương)

Văn Quang qua nét vẽ Đinh Cường 2001
Văn Quang tên thật là Nguyễn Quang Tuyến, sinh năm 1933 tại Thái Bình.

Năm 1953, động viên gia nhập Quân Đội Quốc Gia, phục vụ trong nhiều đơn vị tác chiến tại miền Bắc trước hiệp định Geneve năm 1954.

Từ năm 1957, chuyển sang ngành Tâm Lý Chiến với nhiệm vụ Trưởng Phòng

Báo Chí Quân Đội thuộc Cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH và là Trưởng Ban Biên Tập của các tờ báo Quân Đội VNCH thời đó.

Từ năm 1969 cho đến 30/4/1075, là Quản Đốc đài Phát Thanh Quân Đội, cấp bậc Trung Tá. Tác phẩm đầu tay của Văn Quang là Tiếng Tơ Lòng được đăng trên nhật báo Than Dân, Hà Nội cuối năm 1953 và tác phẩm thứ nhì là tập truyện ngắn Thùy Dương Trang do Lạc Việt xuất bản tại Sài Gòn năm 1957.

Từ đó cho đến 30/4/1975, Văn Quang cộng tác thường xuyên với nhiều nhật báo, tuần báo, tạp chí tại Sài Gòn như Ngôn Luận, Chính Luận, Tiếng Chuông, Tin Sớm, Tiếng Vang, Kịch Ảnh, Truyện Phim, Điện Ảnh, Văn Nghệ, Tiền Phong, Bách Khoa, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Tuần San..

Trong khoảng thời gian này, Văn Quang hoàn thành hơn 50 tác phẩm in trên các báo và đã có 28 tác phẩm được xuất bản. Các tác phẩm của ông hầu hết là truyện dài, trong số có những tác phẩm từng gây sôi nổi một thời trong giới độc giả trẻ như Nét Môi Cuồng Vọng, Nguyệt Áo Đỏ, Người yêu Của Lính… và đặc biệt đã có 4 tác phẩm được chuyển thành phim từ 1962 đến 1972 là Ngàn Năm Mây Bay, Chân Trời Tím, Đời Chưa Trang Điểm, Tiếng Hát Học Trò.

Các tác phẩm của Văn Quang có thể phân thành 4 nhóm đề tài: mô tả cuộc sống tuổi trẻ, phản ảnh đời sống quân ngũ, phản ảnh thực đời sống thời chiến và những châm biếm những lề lói thời thượng lố lăng thuộc nhiều lãnh vực sinh hoạt, đặc biệt là các giới làm nghệ thuật.

Văn Quang thời trai trẻ
Sau 30/4/1975, cũng như mọi sĩ quan quân lực VNCH khác, Văn Quang bị đưa qua nhiều trại tù từ miền Nam tới miền Bắc trong thời gian dài hơn 12 năm, ở K 5 Vĩnh Phú và K 2 thuộc Z 30 tại Hàm Tân.

Tháng 9 năm 1987, được thả ra khỏi trại tù, Văn Quang trở về Sài Gòn và từ chối ra đi theo diện HO, quyết định tiếp tục ở lại Việt Nam.

Năm 1990, Văn Quang bắt đầu trở lại với việc sáng tác văn nghệ và Ngã Tư Hoàng Hôn là tác phẩm đầu tiên được hoàn thành sau nhiều năm bị “treo bút“.

Từ năm 1992 đến nay Văn Quang là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo Việt ngữ tại hải ngoại như báo Chiêu Dương tại Australia, báo Người Việt, Thời Luận tại Nam California và Tiếng Vang tại Sacramento…

Năm 2002, ông rời bỏ Sài Gòn và dọn lên Lộc Ninh sinh sống. Ở đấy hàng tuần, Văn Quang tiếp tục sáng tác với loạt phóng sự „Lẩm cẩm Sài Gòn Thiên hạ Sự“ và “Lên đời“ được phát hành trên báo chí và Radio tiếng Việt ở Hải ngoại. Loạt bài này rất được độc giả ưu ái đón nhận.

Năm 2009 ông được tạp chí Khởi Hành ở California trao tặng ”Giải Văn chương Toàn Sự nghiệp Khởi Hành 2009″.

TÁC PHẨM:

Tiếng Tơ Lòng (1953)

Hoàng Hoa Thám: Bài Học Xương Máu Của 25 Năm Đấu Tranh (1957)

Thùy Dương Trang (Tiểu thuyết 1957)

Những Lá Thư Màu Xanh (Tiểu thuyết 1963)

Tiếng Hát Học Trò (Tiểu thuyết 1963)

Nghìn Năm Mây Bay (Tiểu thuyết 1963)

Tâm Sự Người Yêu (Tiểu thuyết 1963)

Ngàn năm mây bay (1963); thâu thành phim 1963

Đời Chưa Trang Điểm (Tiểu thuyết 1964)

Từ Biệt Bóng Đêm (Tiểu thuyết 1964)

Nét Môi Cuồng Vọng (Tiểu thuyết 1964)

Chân trời tím (1964); thâu thành phim 1970;

đoạt giải vàng Văn học Nghệ thuật

Những Tâm Hồn Nổi Loạn (Tiểu thuyết 1964)

Những Người Con Gái Đáng Yêu (Tiểu thuyết 1964)

Tâm Sự Người Yêu (Tiểu thuyết 1964)

Vì Sao Cô Độc (Tiểu thuyết 1965)

Những Kẻ Ngoại Tình (Tiểu thuyết 1965)

Người Yêu Của Lính (Tiểu thuyết 1965)

Đường Vào Bến Mê (Tiểu thuyết 1966)

Những Bước Đi Hoang (Tiểu thuyết 1966)

Tiếng Cười Thiếu Phụ (Tiểu thuyết 1966)

Tiếng Gọi Của Đêm Tối (Tiểu thuyết 1966)

Người Lính Hào Hoa (Tiểu thuyết 1966)

Quê Hương Rã Rời (Tập Truyện 1969)

Những Ngày Hoa Mộng (Phóng sự tiểu thuyết 1970)

Sài Gòn Tốc (Phóng sự tiểu thuyết 1970)

Trong Cơn Mê Này (Tiểu thuyết 1970)

Soi Bóng Cuộc Tình (Tiểu thuyết 1992)

Một Người Đàn Bà Những Người Đàn Ông (Tiểu thuyết 1998)

Sài Gòn Cali 25 Năm Gặp Lại (Ký sự 2000)

Ngã Tư Hoàng Hôn (Phóng sự tiểu thuyết 2001)

Lên Đời Tập 1 (Phóng sự tiểu thuyết 2001)
Văn Quang qua nét vẽ Trịnh Cung 2001


Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự (Ký sự 2002)

Lên Đời Tập 2 (Phóng sự tiểu thuyết 2005)

Trong số những tiểu thuyết của Văn Quang, có bốn tác phẩm được thâu thành phim.

Chân Trời Tím được Quốc Phong chủ hãng Liên Ảnh chọn quay. Hùng Cường và Kim Vui thủ diễn hai vai chính trong phim Chân Trời Tím với bài „Nửa hồn thương đau“ của Phạm Đình Chương do Thái Thanh hát. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã lấy nguồn cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết này để sáng tác nhạc phẩm „Chân trời tím“ cùng tên.

Ngàn Năm Mây Bay do Thái Lai phim thực hiện với Hoàng Anh Tuấn làm đạo diễn và sĩ quan quân đội Phạm Huấn thủ diễn.

Phim thứ ba là Đời Chưa Trang Điểm của hãng phim Giao Chỉ do ông Hoàng Vĩnh Lộc đạo diễn.

Cuối cùng là phim Tiếng Hát Học Trò do Thái Thúc Nha của hãng Alpha thực hiện, Thanh Lan diễn vai chính.
 
 
(từ: DĐTK) 
 
 

*


Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:


Xin click vào link sau:


https://issuu.com/dreamteam1005/stacks/fd347a6e1e9f428ebf88885eb4d6b2be

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét