Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2022

Thương Chùm Hoa Khế - Nhã Ca

Tổng hợp Hoa Khế giá rẻ, bán chạy tháng 2/2022 - BeeCost 


 
 

 

 

Ông cụ Hồi mở cửa tiễn khách. Cũng là bạn hàng xóm thôi, nhưng gần nhà mà xa cửa ngõ. Hai khu vườn đâu lưng, cửa ngõ thì nằm ở hai con đường khác, đi bộ cũng mất mười lăm phút.

"Bác về nghe. rảnh sang chơi."

"Lóng rày hai cái chưn yếu lắm rồi bác. Muốn nhờ con cháu nó đưa đi thì sợ phiền bác ơi. Mình qua đây nó khác bển nhiều lắm."

"Biết."

Ông cụ Hồi cười buồn. Điều này thì ông hiểu sâu đậm lắm rồi. Mà đâu phải bây giờ, cách đây mười năm trước, khi còn bà, cả hai đều khoẻ, họ cùng đi tập thể dục ở một câu lạc bộ của người Mỹ nhưng có rất đông người Việt Nam. Hồi đó ông còn lái xe được, chớ bây giờ, hai chưn của ông có khá gì hơn ông bạn. Hồi đó, ở chỗ tập, bạn già hay tâm sự với nhau:

"Tui hồi mới qua, làm việc như trâu để mua cái nhà cho lớn, nhiều phòng cho các con ở. Vậy mà thoáng cái, chúng nó đi hết trơn, hai vợ chồng tui thu dọn chết luôn."

<!>

"Sao không bán đi, kiếm cái nho nhỏ mà ở."

"Nhiều lúc cũng nghĩ vậy. Nhưng hổng có chỗ thì tụi nó không về. Lâu lâu tụi nó về thăm, dẫn thêm cháu vui nhà vui cửa lắm. Tụi nó đi đâu, đem sấp nhỏ về gửi, mình được coi cháu."

Lại khoe con, khoe cháu:

"Mấy đứa nhỏ qua Mỹ mà không nhiễm Mỹ chút nào hết trơn. Ôi thôi, đi lấy chồng lấy vợ, tuần nào cũng về, mua sắm đổ đi hổng hết. Tôi cứ phải ngăn, chửi tụi nó hoài."

Chắc không? Chưa nhiễm chớ đâu phải là không nhiễm. Ông cụ Hồ nghĩ trong lòng vậy.

"Con cháu ngoại của tui mới hết xẩy. Nói tiếng Mỹ như gió. Dễ thương lắm kìa, nói chuyện với ông ngoại thì nói tiếng Việt, quay sang ba nó thì nói tiếng Mỹ ào ào. Giỏi quá."

Bà muốn khoe bà có rể ngoại quốc.

Cũng ông bà già đó, chừng ba năm sau gặp lại thấy khác hẳn. Hôm xưa ông mập mạp, mặt đỏ như quan công, râu dài và mướt như Lưu Bị, bây giờ choắt lại, xanh xao. Còn bà, già nhanh không tưởng được. Nhớ tuổi thì chưa tới bảy mươi mà tiều tuỵ, còm cõi như bà cụ trên chín mươi sắp xuống lổ. Nụ cười tươi tắn hãnh diện về con cháu đâu mất rồi.

Hỏi thăm. Nhà sang tên cho thằng con để nó trả phụ tiền nhà. Con vợ lộng quá, em út văng ra hết. Rồi đứa dọn ra, tách rời. Ông bà nhớ con nhớ cháu, lặn lội đi thăm. Lũ cháu lớn lên không dễ thương như khi còn nhỏ. Bà sụt sùi:

"Mình nói gì nó cũng hổng hiểu. Nó nói gì mình cũng hổng hiểu. Miết rồi còn hơn người dưng xa lạ."

"Bác ơi, tụi nó bận chết bỏ. Mình tới, nó đón về rồi mạnh chồng chồng đi, mạnh vợ vợ đi, trẻ con thì đi học. Bác biết hôn, tụi nhỏ hễ về tới chẳng chào hỏi ai, rút vô phòng, mở nhạc, điếc tai nhức óc..."

Ông cụ nuốt nước miếng. Già, miệng mau khô lắm, làm như phải nuốt nuốt liên tục:

"Vậy là chóc ngóc hai ông bà già ở nhà, riết rồi lo cơm nước cho chúng mà..."

Bà cụ nói hớt:

"Mà cũng hổng yên với chúng bác ơi. Mấy đứa cháu chê nấu nướng kiểu Việt Nam hôi nhà hôi cửa, nhăn nhăn nhó nhó làm mình tủi lắm kìa."

"Vậy chúng có ăn hôn?"

"Ăn chớ sao không ăn, nhưng cằn nhằn chê thì cứ chê. Buồn trong bụng lắm, bác."

Ông cụ thở ra một hơi dài mà làm như nỗi ấm ức còn nhiều lắm, nặng lắm, hổng ra hết.

"Hai vợ chồng tui giờ thuê một phòng gần phố Bolsa ở, ngay góc chợ, bà già đi bộ ra mua đồ ăn về, hai ông bà già hẩm hiu với nhau, còn đỡ. Bà chủ nhà goá chồng, còn trẻ, nhưng thông cảm lắm, cho mượn bếp nấu nướng. Mai mốt tui đi trước hay bả đi trước, còn lại một đứa già mới là khổ hết biết, bác."

Bà cụ lau nước mắt. Đàn bà dễ khóc mà.

"Bởi, mình bỏ quê, bỏ nhà bỏ cửa qua đây là hy sinh nhiều lắm, cũng vì nghĩ tới sấp nhỏ mà thôi..."

Ông cụ gạt phăng:

"Bà nữa. Mình xong bổn phận làm cha làm mẹ rồi, nước mắt chảy xuống có bao giờ chảy trở ngược chưa? Thấy con đứa nào cũng nên thân là mình yên tâm nhắm mắt mắt được. Bà à nhe, bà muốn gì nữa, lúc nào bà cũng có tui một bên..."

Lâu rồi, cụ Hồi không còn gặp ông bà già này nữa. Họ còn không? Chết? Có lẻ đôi? Ra sao rồi. Ông vẫn hay thắc mắc.

Ông già hàng xóm đã đi được một chặng đường. Ông già cũng lẻ bạn, như ông cụ Hồi, lẻ bạn. Tội nghiệp, đi thui thủi một mình. Kìa, sao lại băng ngang đường. Muốn tới cái công viên ngồi nữa sao? Dư thì giờ vậy, không ở lại chơi thêm, thiếu gì chuyện để nói. Hồi nãy cũng có cầm chưn:

"Còn sớm mà bác, ở chơi một lúc."

"Bữa khác bác. Bữa nay..."

À, thì ra bữa nay tới công viên nữa. Ở đó, có vài ông già ngồi, có vài đứa con nít chơi. Ông bạn già này thèm nhìn con nít. Ổng đâu có thiếu cháu nội cháu ngoại chớ, nhưng ông lại ở với thằng con trai có vợ không sanh con, hai vợ chồng nuôi đến bốn con chó đủ giống trong nhà. Ông cụ nói:

"Ôi thôi, hai đứa nó cưng bốn con chó[, chắc con đẻ cũng cưng tới vậy thôi bác ơi. Tui nhớ lũ cháu mà chịu, tụi ở xa quá. Gọi điện thoại có khi nào được nói chuyện với tụi cháu đâu, làm như tụi nó hổng biết mình là ai."

"Thì tại bác hổng đi thăm tụi nó. Thời này, mua một cái vé máy bay, chỗ nào hổng tới được."

"Tui, hổng tới được thiệt đó bác. Tiền già lãnh, tháng nào cũng chia cho hai đứa con còn ở Việt Nam. Tụi nó khổ lắm. Nè bác, bển tui cũng có cháu nội, cháu ngoại. Tụi nó năm nào cũng gửi hình qua, coi ngộ lắm."

Ông cụ mở cái ví luôn luôn sau túi quần, lôi ra mấy tấm ảnh con nít.

"Bác thấy hôn. Tụi nó có tình nghĩa lắm kìa. Đứa nào cũng đề sau ảnh, chắc con mẹ hay thằng cha nó cầm tay cho viết, nè, bác coi..."

Sau mấy tấm ảnh, tấm thì đề cháu nhớ ông ngoại lắm, tấm thì ông nội ơi,, cháu thương ông nội nhất đời. Trong khi ông cụ Hồi lấy kính, lau cho sạch để đọc thì ông bạn già rơm rớm nước mắt.

"Nhớ sao hổng mua vé về. Lóng rày người ta về hà rầm, sợ thằng tây đen nào chớ."

"Tui cũng hổng về được. Bác nghĩ coi, có mấy trăm bạc, nhớ con nhớ cháu cứ gọi về Việt Nam, phải chia cái biu điện thoại để khỏi nghe con dâu cằn nhằn, nựng chó mà chửi mình. Còn lại, gửi cho hai đứa, nuôi mấy đứa cháu ở bển ăn học."

Ông cụ Hồi lắc đầu, nghĩ trong lòng mà không nói ra miệng. Hèn chi. Ông bạn già đời rồi mà vẫn còn ngây thơ, bị phỉnh như thường. Cũng còn đỡ, con cháu nó phỉnh chớ ai vô đó.

Ông cụ Hồi trở vô. Căn nhà vắng như chùa bà Đanh. Chùa bà Đanh vắng như thế nào, ông cụ chỉ nghe câu nói trong nhân gian đó thôi, chớ cái nhà của cụ đang ở vắng thì buồn khủng khiếp lắm. Có bà bạn già, ở goá hồi còn trẻ kìa, có bữa gặp trong đám ma một người trong họ, mừng lắm:

"Mèn ơi, lâu ơi là lâu, hổng thấy bác đâu..."

Sao thấy được. May đám bà con trong họ, thằng con mới lấy ngày nghỉ, đưa đi. Mà cũng bỏ ông ở đây rồi dọt lẹ, hẹn giờ tới đón. Chuyện qua chuyện về, người sống sắp hết đời rồi thì còn chi vui nữa. Bà bạn:

"Tui nghĩ cho cùng mình cũng hổng nên trách ai mà trách mình là một gánh nặng cho con cái. Cũng may mình biết phòng thân bác ơi. Giờ còn chút tiền gửi nhà băng, lấy ra xài dần. Tui vô chùa ở với mấy bà bạn già, làm công quả, sớm tối kinh kệ, ngày qua mau lắm."

"Thấy chị thong thả, phẻ phắn quá, tui ham."

"Ý cha, già rồi mà ăn nói vô ý vô tứ quá vậy. Còn ham kí gì nữa mà ham chớ. Ông cười gượng gạo.

"Xin lỗi, già rồi, lẩm cẩm phải hôn. Tui muốn nói thấy chị\... tiếng Phật nói là gì đó, à từ bi tự tại, thấy chị hổng lý chuyện đời nên mặt ít nhăn, còn tui, giống trái cau khô không chị."

Bà già cười. Ông bạn chồng này, thủa xa xưa cũng một thời, nghe đâu có nhiều hồng nhan tri kỷ, cũng làm khổ đờn bà không ít.

"Bác cũng nên đi chùa mà rửa nghiệp rồi mới đi thong thả."

"Được như chị thì phúc rồi. Tui hoàn cảnh khác, chị ơi."

"Biết. Lúc đầu tui cũng đeo con đeo cháu mà không nghĩ ra là đến một lúc nào đó, con cháu nó hết cần mình nên khổ hoài. Mèn ơi, cả ngày ở trong căn nhà rộng, đi ra đi vô, tủi thân khóc ơi là khóc. Cũng may tui "ngộ" sớm... Bữa nào rảnh, bác tới chùa chơi, hổng phải chỉ có người già không đâu, mà mấy cô tre trẻ cũng tới tu, thương nhau và giúp đỡ nhau, như một gia đình."

Ông có hứa. Nhưng không đến thăm bà bạn già được. Bữa đó, bà bạn già, cũng còn giữ được tính nghịch ngợm thời trẻ, nhắc tới một hai hồng nhan tri kỷ trước đây của ông. Còn đẹp còn xấu gì nữa, tất cả đã già. Ông cũng không hề nghĩ là tìm dịp gặp lại, kể cả nếu nghe tin đám ma, chắc cũng hổng nên tới thắp nhang. Đến tro cốt của bà vợ để trên chùa, thằng con nghĩ tới đưa đi thăm thì ông tới thắp nhang, còn không thì thôi, đâu dám nhắc, sợ làm phiền.

Nếu căn nhà trống vắng này mà có chút tro cốt của bà, hay cái bàn thờ để ông hương khói cũng còn ấm áp chút đỉnh.

"Sấp nhỏ chúng nó không chịu được mùi nhang, với lại nhà có cái phòng khách nhỏ xíu, bày bàn thờ trông kỳ cục lắm. Thôi đem má lên chùa, con sẽ chở ba đi thăm, má ở chùa nghe kinh mới sớm siêu thoát. Để ở nhà, ba nhớ, sanh bệnh, khổ."

Ứa lệ mà chùi lén. Ông có một phòng nhỏ, ngăn bớt ở garage ba xe. Chỉ kê được cái gường, cái bàn nhỏ xíu còn chừa cho lối đi. Ông để cái ảnh nhỏ của bà lên bàn. Lúc đầu ông có cái bát nhang. Nhưng thằng con lại nói:

"Ba cứ đốt nhang khói um sùm. Phòng ba gần máy ga, máy nước nóng. Ba hay quên, dễ cháy nhà lắm. Để con mua cây nhang điện về cho ba, cháy đỏ ngày đêm như ngọn đèn, ha ba. Ba thấy hợp lý không ba?"

Nói thì vậy, nhưng mấy năm rồi, thằng con chưa mua. Ông cũng không nhắc. Bà chết rồi, thôi ông cứ khấn nguyện trong lòng cũng được.

Ông cụ nhà đâu vườn mà có phúc hơn mình. Còn hai ba đứa con ở quê nhà mà lo. Còn lũ cháu chưa biết mặt, phỉnh cho mà khoái. Chớ ông, đã đem hết các con qua đây, bây giờ chúng nó đã dọn mỗi đứa một nơi. Lúc còn khoẻ, ông cũng đã tới ở với từng đứa. Cũng được tiếp đón, nhưng đó là lúc ban đầu. Sau cùng, ông thấy không phải con ông tệ, mà ông không còn là một người cha nhanh nhẹn, tháo vát nuôi các con mà chỉ là một gánh nặng. Mà hai vợ chồng thằng con này thì muốn giữ ông, cũng vì lớn nhất, còn vướng chữ hiếu khó rũ bỏ.

Ông cụ Hồi đi ra đi vô. Vườn tược ông đã chăm xong. Bởi ông ít ngủ, dậy từ sáng sớm là ra vườn. Ông còn phải chăm hay cây mà bà vợ, lúc còn sống nưng niu nhứt. Đó là một cây khế và một cây nhãn Việt Nam. Bà nói:

"Thấy người ta trồng thì ham, tui cũng muốn trồng. Nhưng tui biết, tui hổng đợi được thấy nó lớn, có trái đâu. Lâu lắm."

Phải. Bây giờ cây nào cũng có hoa có trái, còn bà, xương cũng không còn, chỉ còn nhúm tro.

Cũng không phải nhà vắng rồi cứ đi ra đi vô hoài đâu. Sáng sớm, hai đứa cháu ăn sáng xong, vội vã đi học. Còn đống chén đĩa ở bếp, ông phải thu dọn dùm chúng. Gì nữa, à nhớ ra, sáng đứa con dâu dặn:

"Ba, con giặt quần áo mà không sấy kịp. Ở nhà, ba bỏ qua máy sấy dùm con chút, được không?"

"Ườm."

"Chết cha. Thùng rác chưa lôi ra... Trễ giờ rồi, con phải đi... Ba đem ra giùm, được không?"

Lúc nào cũng hỏi câu được không làm gì chớ. Bắt buộc là phải được. Việc kéo thùng rác nặng nhọc, cứ đến ngày, ông cụ còn ì à ì ạch kéo ra đường, tối lấy thùng vô. Thằng con trai có thấy, nhưng lơ đi. Ông cụ còn làm được để cho ông làm, dãn gân cốt, đỡ bệnh tật.

Đứa con dâu, lúc vắng mặt chồng quăng thúng đụng nia:

"Mệt ơi là mệt, đi làm cả ngày như trâu như chó, seao có những người sướng chỉ ăn không ngồi rồi."

Nói trống lổng thôi, đâu chỉ ai. Ông cụ Hồi đắng cả họng.

Làm xong thì tới trưa trợt. Lại thêm một chuyện tệ hại. Đã dặn sáng ra lấy cục thịt đông lạnh trong tủ đá ra ngoài để trưa kho rim mặn ăn với cháo. Đã nói già, lẩm cẩm, quên. Ông đành làm một tô mì gói. Ăn xong, ông vô phòng. Ngồi trên cái gường nhỏ, ông nhìn ảnh bà vợ. Tấm ảnh chụp lúc bà lớn tuổi rồi, mới nhìn tưởng con mắt nheo nheo ngó nhưng kỳ thực không phải, đuôi mắt bà xếp nếp nhiều quá nên tưởng vậy. Thì cũng là nét duyên của người già.

"Bà à, cây khế mùa nào cũng có hoa. Hoa khế đẹp lắm, tui biết bà rất thích, mai mốt..."

Phải rồi, mai mốt tới xuân, có hoa khế. Ông phải nhớ ngắt một chùm để trên cái dĩa, trước tấm ảnh của bà. Bữa nay ra vườn, thấy cây khế trơ trụi lá mà đã có những chồi non muốn nhú lên. Khi đông tàn, loại cây này nó vậy.

Nhớ mùa xuân ở quê nhà, trong dĩ vãng xa, nụ cười của bà bên cây khế sau vườn nhà đâu có vậy, đẹp lắm kìa. Hồi đó, ông còn là một chàng trai trẻ, thường nhìn trộm qua vườn bên cạnh... Vậy mà mấy chục năm qua cái vèo. Chuyện gì cũng đã quên tuốt luốt hết, chỉ có một chuyện nhớ. Nhớ hoài, là bữa hẹn tân niên. Mùa Xuân. Buổi trưa yên ắng. Dưới gốc khế sau vườn nhà nàng. Cũng chỉ vì đôi môi chúm chím, còn ngậm chùm hoa khế làm duyên. Cầm lòng chẳng đậu. Vậy mà lỡ cho lỡ luôn. Nào dè, chưa kịp hoàn hồn, bỗng thấy tiếng chân đi nặng nề. Rồi ông già nàng cầm cái rựa xông tới. Lạ thật, lúc đó trời sập cũng hổng biết chớ đừng nói, vậy mà nàng thấy kịp, vùng đẩy ông bật dậy. Thế là tá hoả, cũng không biết lúc đó làm sao chàng thanh niên có thể nhảy bay qua hàng rào mà về vườn nhà mình. Chuyện đâu dừng ở đó, cái bụng nàng chình ình ra, rồi đám cưới. Đứa con đúc có một lần dính liền là thằng con lớn bây giờ. Bà vợ từ trẻ tới già, vẫn lãng mạn kiểu vườn, ở đâu cũng muốn trồng một cây khế.

Đời người đàn ông kể cũng lạ. Biết bao người yêu qua đời, nhưng cuối cùng chỉ có một người đàn bà già nua, xấu xí nhứt thì vẫn mặn nồng bên cạnh. Đâu có ai hiểu lòng ông, dù bà còn nắm tro, ông vẫn thương, thương hoài thương huỷ.


* * *

Mấy bữa sau hai ông cụ bắt ghế nói chuyện với nhau qua bức tường ngăn vườn. Hai ông đứng ở khoảng tường thấp nhất, còn có bục xi măng chặn luống hoa, nên nhìn thấy mặt nhau.

"Mấy ngày rồi, tụi có bụng ngóng, hổng thấy bác ra vườn."

"Tui. Bị bận quá bác ơi, đi lo mấy thứ giấy tờ, rồi còn chích đủ thứ."

"Phải. Mùa này cúm dữ lắm. Tui cũng chưa đi chích vì thấy tụi nó hổng rảnh, mà cũng... sợ phiền."

Vậy đó, hồi còn nhỏ nhít, đang ăn chúng nó cũng phẹt phẹt ra, phải bỏ đũa dọn. Đang ngủ, chúng ọc sữa, đái dầm, phải thức giấc lo, khi mọc răng nóng đầu, khóc cả đêm không ai ngủ được, có làm phiền hôn chớ. Nhưng nói ra ngặt lắm, ai nuôi con mà kể công. Ông cụ hồi cũng vậy, nhắc bạn chớ ông cũng đã chích ngừa đâu. Năm ngoái có thằng cháu tới chở đi chích. Năm nay thằng cháu vô trường mới, ở xa, điện thoại hỏi thăm ông ngoại cũng thưa dần, rồi bặt. Hồi đó, ông hay khen có thằng cháu ngoại hiếu để biết thương ông, nay mới mắc cái quai sặc họng.

"Tui mà đi trước, ông khổ lắm ông biết hôn?"

Lúc còn sống, bà lo vậy, mà chắc lo cho tới khi nhắm mắt rồi có còn lo không đây. Bữa đám ma bà xong, cả tháng ông không ngủ, ngồi mở mắt trừng trừng. Đâu biết cái bà già ngắt, lẩm cẩm, suốt đời như cái gánh nặng đeo bên hông mà lại quan trọng đối với ông đến vậy.

"Bác thấy hôn, lật bật mà hết năm tới nơi rồi. Tui bữa nay ra coi lại hệ thống tưới tự động cho tụi nó rồi thôi, tui đi."

Giật mình. Lời nói như trối trăng. Ở tuổi này còn đi đâu chớ, nếu không phải về dưới? Nhưng ông bạn già nói tiếp:

"Tui về bển, bác."

"Bển."

"Phải. Đứa con gái đầu của tui bịnh nặng mà tụi nó giấu tui. Nghe nói không xong rồi mới báo cho biết. Thằng cháu ngoại gọi điện thoại qua, nghe giọng ông ngoại, khóc quá là khóc."

"Tội hôn."

Ông cụ Hồi hơi ân hận trong lòng, thì ra lâu nay, ông hiểu lầm nhiều quá.

Vẫn ông bạn:

"Mua vé lâu rồi, đang lo không ai giúp thì bữa có ông bạn già gọi điện thoại tới khoe um sùm là sắp về bển ăn Tết. Tui mới hỏi thăm, dò đường í mà. Thì ra, bây giờ dễ lắm, cứ lật tờ nhật trình ra là có số điện thoại để mình gọi, người ta đem xe đến tận nơi đưa mình đi. Vậy mà tui đi chích cúm, rồi đi chích các thứ thuốc ngừa. Bữa đi họ cũng đưa mình ra phi trường..."

Ông cụ Hồi buồn tênh. Sáng nào cũng có tờ báo Mỹ liệng trước sân, chính tay ông nhặt tờ báo vô nhà, nhưng chỉ nhìn được mấy tấm hình.

"Bữa mua vé nhờ thằng con, nhưng cứ nhờ hoài sợ phiền. Bây giờ biết rồi, phẻ quá bác ơi. Để bữa tui đi về, tui với bác biểu xe tới đón tụi mình ra Phước Lộc Thọ chơi, ở đó có mấy lão tướng, đấu với nhau suốt ngày, coi vui lắm."

"Ừm."

Cụ Hồi bần thần trong người, vụt miệng nói:

"Tui mà biết, tui cũng đi với bác. Sao bác hổng nói sớm?"

"Bác còn ai ở bển mà về chớ. Về bển, hỏi bạn cũ, muốn thăm đều phải ra nghĩa địa, họ nằm hết ở ngoải rồi. Còn đi đường thì sợ xanh mặt, xe cộ hồi đó đã ghê rồi, bi giờ còn ghê hơn, ổng hổng dám ra đường..."

"Bác về bển cũng cẩn thận."

Ông cụ Hồi nói cho có chuyện. Ông bạn già gật đầu:

"Tui cũng biết. Tui đâu có ở thành phố, bác. Về đến là tụi nó rước xuống Cần Thơ, ở dưới với con cháu, cũng hổng muốn đi đâu. Chơi? Có gì mà vui, mà chơi, bác."

Rồi kể:

"Nghe lóng này đường phố, xe cộ chạy như mắc cưởi mà người nào người đó đeo khẩu trang, nghĩa là khăn bịt mặt nên đi ra đường là như thấy toàn quân ăn cướp, ghê rợn lắm kìa."

"Thiệt sao?"

Ông cụ Hồi không tưởng tượng ra được. Ông bỗng hắt xì liên tục một hơi, nước mắt nước mũi ràn rụa.

"Thôi chết rồi, bác sắp cúm đó nha. Mặc thật ấm vào. Nhớ đi chích thuốc cúm, nhớ đó nha. Quên là nó vật mình toi củ tỏi luôn."

Ông cụ Hồi cảm thấy một luồng ớn lạnh chạy khắp thân, rồi dồn ở ngực, bắt muốn ho. Ông ho khục khặc.

"Vô nhà đi bác ơi. Vô đi. Tui cũng kiếu bác, bác ở lợi ăn Tết vui nhe. Tui còn lo đi một vài việc để về bển."

"Bác cho tui gửi lời hỏi thăm... hỏi thăm... ắt xì, ắt xì..."

Ông bạn già còn ráng đư"ng trên ghế chờ. Ông cụ Hồi hắt hơi xong thì mới chưng hửng. Đâu biết gửi lời thăm ai chớ. Ông lắc đầu:

"Thôi bác, chúc bác về bển gặp con cháu... vui."

"Chào. Ráng uống thuốc mau lành, bữa về gặp lợi."

Ông bạn già sẽ vắng mặt một tháng. Nhưng còn gặp lại nhau không, đó là chuyện của ngày mai, ai biết!


* * *

Lúc đầu chỉ vài cái hắt hơi, rồi ho. Ông cụ Hồi mỗi lần ho là gập người xuống, vì vậy, cái lưng càng còng hơn, càng gần mặt đất hơn.

"Đã nói nhắc con đưa đi chích cúm, hổng chịu nhắc. Bịnh vậy đâu có đi chích được. Chờ qua khỏi, con đưa ba đi chích. Nghe nói năm nay cúm độc lắm."

Ông cụ Hồi ầm ừ. Bữa sau, chắc con vợ tỉ tê sao đó, thằng con trước khi đi làm dặn:

"Ba à, ba đang cúm, đừng ở nhà trên nhiều, rồi lây hết cả nhà khổ lắm."

"Hổng phải tụi bây chích ngừa hết rồi sao?"

"Chích thì chích, cả trăm thứ cảm cúm, ngừa mấy thứ dữ thôi ba. Còn mấy đứa nhỏ đâu chịu chích, dễ lây lắm ba."

Đứa con nói đâu có gì sai. Nhưng cứ ru rú ở dưới garage, nằm hoài cũng thấy nhức đầu lắm. Thằng con có mua thuốc đầy đủ, còn dặn:

"Có cam vợ con mua để sẵn, ba vắt uống nhiều nhiều cho mau khoẻ. Ba nhớ uống thuốc."

Đứa con dâu, sáng, trước khi đi làm cũng ráng bắc một nồi cháo trắng. Cũng có một nồi thịt kho tiêu. Có sự săn sóc chớ đâu phải không, nhưng tình cảm thì thiếu nhiều lắm, nó nhạt nhẽo làm sao!

Qua chiều ngày thứ ba thì ông cụ Hồi sốt. Ăn cơm chiều xong, đứa con trai xuống thăm, thấy ông trùm mền kín mít thì hoảng:

"Ba sao vậy."

Đứa con lật chăn lên, sờ trán thấy trán cha nóng hổi.

"Ba có uống thuốc đều không đó. Chắc lúc nhớ lúc quên mới mau nặng vậy. Để sáng mai con đưa ba đi bác sĩ."

Con dâu và cháu không dám đến gần, sợ lây bệnh. Đứa con sợ cha buồn, bệnh nặng thêm, nên gượng gạo bảo con:

"Ông nội đau không đứa nào hỏi thăm một tiếng sao? Xuống thăm ông nội ngay."

Hai đứa cháu mặt mày cau có, đứng lấp ló ở cửa hỏi vọng vô, tiếng Việt bập bẹ:

"Ông nội, ông nội có khoẻ khôn. Chào ông nội."

Vậy là biến. Ông cụ Hồi trong cơn sốt gần như mê sảng cũng nghe giọng hai đứa cháu, mừng đến ứa nước mắt.

Tối đó, hai vợ chồng gây gỗ nhau.

"Anh một vừa hai phải thôi nhe. Ba bịnh nặng như vậy mà bắt tụi nhỏ xuống thăm. Mai mốt ba lành, muốn thăm nhiêu không được. Cả nhà thi nhau bịnh nằm một đống, khi đó ai thăm hỏi ai cho biết."

Thằng con thấy vợ nói cũng phải, nhưng trong bụng đang tức. Công việc lu bu gì không đưa cha đi chích thuốc ngừa, lỡ có gì thì ân hận đến chết. Đời sống ở Mỹ này, đứng lại là thụt lùi, là thua kém, là nguy...

"Em cũng quá lắm, anh thì bận, em chẳng để ý gì đến ba."

"Nói vậy mà nghe được. Tui cũng đi làm như anh chứ ở nhà đi ra đi vô sao? Còn nữa, chợ búa, cơm nước, làm con sen ở nhà này là ai."

Thương ông già thì nổi cơn vậy, nhưng vợ lớn tiếng thì cũng phải nhịn. Đến đó thôi. Vừa đủ. Làm tới, nổ lớn.

"Nói nhỏ tiếng chút được hôn, thôi mình, bỏ qua."

Anh sợ sấp nhỏ nghe. Hai đứa con đứng về phe mẹ.

Chiều hôm sau, đứa con dâu đi làm về, chính tay nấu món cháu thịt bò bằm, chính tay bưng xuống cho bố chồng ăn. Chị hỏi thăm, có cười, nhưng nụ cười như mỗi lần phải xã giao, gượng gạo. Ông cụ Hồi đã có vẻ khá hơn, thấy không cần phải đưa đi bác sĩ khám. Anh tự hào với bạn bè là bố anh khoẻ mạnh, tuổi già mà ít làm phiền con cháu. Anh vui vẻ hứa:

"Vài bữa ba khoẻ con đưa ba đi chích cúm."

Ông cụ gật đầu, lòng vui, thấy cha con đã gần gũi quá. Nó đâu có gì chớ, có phải lâu nay ông đã hiểu lầm con?

Tối, ông cụ Hồi uống thuốc xong thì nằm nghỉ. Ông trôi vào giấc ngủ mau lắm, rồi thì có nhiều giấc mơ.

Giấc mơ đầu tiên, ông theo ông bạn già về Việt Nam. Thình lình thấy đứng trên đường phố có một mình, rồi ông thấy không biết bao nhiêu xe cộ ào ào nhắm ông mà phóng tới, người nào người nấy đều đeo khẩu trang màu đen. Ông la lên: "Cướp, cướp." Đám cướp nhảy xuống xe vây lấy ông, kê súng vào tai ông sẵn sàng bóp cò. Sợ quá, ông van lạy, nhưng xung quanh ông, tiếng cười man rợ cất lên. Ông hoảng hốt tỉnh dậy, mồ hôi toát ra và sự hoảng hốt kéo dài cho tới lúc ông chìm vào giấc ngủ khác...

Nhiều giấc mơ vụn vặt, nối tiếp không đầu không đuôi, cho tới gần sáng, giấc mơ sau cùng... Giấc mơ kéo ông về thời niên thiếu, cậu học sinh vườn yêu cô gái quê. Ông được sống lại cảm giác ân ái vụng trộm với cô gái vườn bên, cả cái cảm giác hãi hùng, muốn trốn thoát lúc nhảy qua hàng rào ngăn hai nhà lúc bị lộ chuyện. Khi không lại nhớ một chi tiết kỳ cục nhứt lúc đó mà chỉ có hai ông bà già biết, về già còn nhắc nhở... Ông cười nấc lên.

"Gì mà cười dữ vậy ộng"

Chuyện hồi trai trẻ biến mất. Bà đã đứng bên cạnh. Ông nắm tay bà, vẫn nắm được. Vậy bà đâu đã chết.

"Tui cười vì nhớ lại cái chiện hồi đó, bữa dưới gốc cây khế."

"Khỉ. Già mà còn khỉ. Kỳ quá hà."

Bà vẫn còn bẽn lẽn, đỏ mặt. Khi bà đỏ mặt, những vết nhăn trên má hóp như có mờ bơ"t đi nên vẫn còn thấy duyên.

"Cây khế, cây khế có bông chưa. Tui nhớ nó lắm."

Ông cười:

"Trùi lũi hà. Làm gì có."

Tay bà giựt giựt trong tay ông, vẫn còn cái hơi ấm thủa nào.

"Ông nhớ đó nha, khi nào hoa khế nở, ông hái một chùm đem về dưới cho tui."

Bà cười. Hàm răng giả của bà đâu rồi mà cái miệng móm mém, trơ lợi, trông hết duyên nhưng hóm hỉnh, ngộ quá.

Chớp một cái, không thấy bà đâu nữa. Ông ra khỏi giấc mơ.

Mở mắt, trời mới mờ sáng, nhưng ông không thể ngủ tiếp được. Đầu óc cứ chờn vờn, lảng vảng bao nhiêu chuyện cũ, bao nhiêu kỷ niệm những ngày ở quê hương, từ lúc còn là cậu thiếu niên miệt vườn, cho tới lúc đưa vợ con lên tỉnh thành lập nghiệp. Một đời đủ chuyện, lúc lặng lúc sóng dồn biển dập, long đong cũng không ít. Hai vợ chồng chống chỏi qua bao nhiêu cơn tưởng sạt nghiệp, hoặc tan vỡ gia đình. Lỗi cũng ở ông nhiều, cái số đào hoa, ra đường, người ta gặp, người ta thương, biết sao. Bà ghen tuông cũng dữ, tưởng mấy lần đứt gánh. Tội nghiệp, người thua thiệt, chịu đựng, nhịn nhục vẫn là bà, bởi thương con. Biết bao đêm, ông bỏ nhà đi hoang, một mình bà lủi thủi với đàn con dại, ôm con mà nước mắt ướt mặt mũi. Gái thương chồng đang đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái chiều hôm. Mà nắng đã quái, đã xế đâu còn bao nhiêu, vậy mà bà lại bỏ đi trước.

Đến giờ đi làm, người con đứng ở cửa, hỏi:

"Ba sao rồi, thấy đỡ nhiều không?"

"Đỡ."

"Có gì ba gọi điện thoại sở con. Số điện thoại con ghi để sẵn bên máy."

Người con đi sau cùng. Nhà vắng ngắt. Ông thấy đến giờ uống thuốc, nhưng phải ăn chút gì, uống thuốc mà bụng đói nó cào chịu hổng thấu. Nhưng lạ, khi ông đứng dậy thì thấy choáng váng. Ông đưa tay ôm ngực, hai lồng ngực như đang bị xiết lại, trì nặng và nhịp tim đập tới tấp, loạn xạ.

Ông ngồi xuống giường, định thần lại. Nhưng thần trí ông bỗng lơ mơ. Điều ông muốn nghĩ thì nghĩ không ra, mà những ý nghĩ kỳ cục đâu đâu lại ào ào kéo tới. Cái đầu có vẻ chịu không thấu. Đâu chỉ đầu, cả cái ngực nữa. Có bàn tay ai đang bóp hai lá phổi của ông, kéo luôn mấy sợi gân đang co giật trong chân, trong tay. Phải chặn cái bàn tay quá đáng ấy lại. Ông muốn mà không còn sức làm.

Một phút nào đó, ông nghĩ tới điện thoại, muốn gọi cho đứa con, nhưng rồi ông quên ngay. Có cái gì đó đang nhẹ nhàng đung đưa, ngay trước mắt ông. Ông nhận ra nó rồi. Chùm hoa khế. Chùm hoa khế, bông nhỏ li ti, điểm nhuỵ vàng. Chùm hoa ấy đang vẫy gọi ông. Có cơn gió xuân làm chùm hoa đung đưa. Có cả tiếng cười khúc khích nữa. Chùm hoa khế. Hoa khế. Đừng giỡn mặt nhe. Ở đó đi. Ông tới.

Không hiểu sao bằng cách nào ông mở được cửa phòng, mở được cửa sau. Ông nhìn thấy vườn cây xanh mát. Ông đi qua cây nhãn, không dừng lại. Ông đi tới cây khế. Hoa khế nở rồi? Ông nhìn lên. Kìa, núp sau một tàn lá, có chùm hoa cánh tím nhuỵ vàng đang đung đưa. Nó muốn lẩn trốn ông. Cả cái hàng rào cao thế kia, ông còn thừa sức phi thân qua. Làm sao chùm hoa này trốn nổi. Ông vươn người, với tay, mỗi lúc một cao.

"Tui hái cho bà. Tui hái cho bà."

Chùm hoa khế đã ở trong tay ông. Lạ thay, cùng lúc đó, ông bỗng thấy mặt ông đang dụi vào mặt đất. Đất. Phải, đó là chỗ của ông. Ông nghe tiếng bà dặn: "Khi nào hoa khế nở, ông nhớ hái một chùm đem về dưới cho tui."

Bàn tay vẫn thận trọng nắm chặt chùm hoa, ông tiếp tục thì thầm: "Tui hái cho bà. Tui hái cho bà."

Chùm hoa tím ngát... nhoà dần trong mắt ông.


* * *

Buổi trưa, người con trai cụ Hồi không biết có linh tính gì, đang giờ ăn trưa, bỏ về nhà. Anh ta canh cánh trong lòng, hình như buổi sáng đi chưa tắt máy hít. Đến tối mịt cả nhà mới về, ông già bịnh, đôi khi không biết để tắt, hao điện lắm.

Về tới, máy hít đã tắt rồi, không biết do anh hay bà vợ trước khi đi làm. Anh tính khoá cửa đi, nhưng nghĩ giờ đi ăn, tới sở sẽ trễ, anh xuống bếp. Bếp ngắt lạnh tanh, nồi cháo vẫn y nguyê, chứng tỏ ông già chưa đụng tới. Anh đi xuống garage định hỏi ông già có ăn không để cùng ăn. Đây cũng là dịp anh bày tỏ nỗi lòng để cha con gần nhau trở lại. Không biết từ bao giờ, anh nghĩ lại, thương cha, hay chính mới đây, lúc sờ lên đầu cha sốt, trong hơi bốc nóng, lẫn một cái mùi già, ngái ngái như mùi lá vàng sắp rụng.

Anh không thấy ông già trong phòng. Anh đi tìm một vòng, cũng không thấy. Kỳ lạ chưa? Liệu có... Không đâu, ông cụ đã qua cơn sốt, có nhiều phần khoẻ lại, lẽ nào...

Nhìn cửa ra vườn thấy mở toang hoang. Anh vội vã ra tìm. Vườn mùa đông, cây lá trơ trụi. Tới gốc khế, anh thấy cha anh nằm sóng soài, mắt mở trừng, một tay nắm cái gì thật chặt.

Người con quỳ bên xác cha. Anh khóc. Rồi anh gọi 911. Lát sau xe cứu thương tới, có bác sĩ khám nghiệm, xác nhận ông già đã tắt thở mấy tiếng đồng hồ rồi, vì đứt mạch máu não, xuất huyết trong đầu. Khi mở bàn tay nắm chặt của ông ra coi, thì chỉ là một cành cây khô khốc, khẳng khiu, không ai hiểu tại sao!

Sau đám tang cụ Hồi, cái garaga được sửa lại đủ cho ba xe đậu. Từ nay, chiếc xe của thằng cháu nội có mái nhà, không phải đậu ngoài lề đường để chim nó iả dơ hầy nữa.

Tháng sau ông bạn già hàng xóm đi Việt Nam về, nhìn sang vườn bên. Không thấy ông bạn hơn hở bắt cái ghế lên để nhìn mặt nhau. Ông hỏi thăm, biết ông cụ Hồi đã chết, khi chết nằm dưới gốc cây khế.

Ông cụ thở dài, nhớ bạn. Nhớ ông cụ Hồi có lần chỉ cây khế: "Bởi, đi đâu bả cũng trồng cây khế, bả mê hoa khế lắm kìa. Mê như mê tui." Đó là lần ông được ông cụ Hồi vui miệng, khoe thành tích chuyện tình thời trai trẻ miệt vườn.

Năm đó, cây khế ra hoa chi chít, từng chùm bông khế tím sậm, lấn cả lá. Có điều, hoa thì nhiều mà không đậu trái nào. Ông bạn già hàng xóm còn lại cũng hẩm hiu lắm, đôi khi ông tự hỏi, lẽ nào ông cụ Hồi đã hái hết chừng đó hoa khế mang xuống dưới cho bà.


Nhã Ca

 

*

 

Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:


Xin click vào link sau:


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...