Nhà thơ Trần Vấn Lệ
Một gã đàn ông. Phải! lần đầu tiên tôi gặp, tóc tai bù xù, khói thuốc nhả liên miên, nói năng bất cần ai phê phán, thật mất cảm tình - tại tư gia nhà văn Đặng Phú Phong. Khi anh phát ngôn miệng có quai có xách. Lúc nào trên tay cũng có lon bia, để làm chứng ta đây một tay có sừng có gạc, nhưng đó cũng chĩ là làm dáng với kẻ lạ mà thôi. Tôi nghĩ là mình khó kết bạn với người nầy. Nhưng khi rượu vào… lời ra… thơ văng tung tóe như pháo nổ đầu Xuân, tôi mới biết, à! Thì ra người dễ ghét kia là nhà thơ Trần Vấn Lệ. Đó là một ngày nắng đẹp, mùa hè năm 1997.
Trần Vấn Lệ trông bề ngoài rất ngầu, to con, có gương mặt rất nghệ sĩ, miệng hơi trề ra, môi dày, mũi thẳng và cao, mang cặp mắt kiếng to tổ chảng! Nhìn chung, vẻ đẹp trai nhưng hơi có tướng tay anh chị! Anh làm thơ dễ dàng, nhẹ nhàng như hơi thở, không suy nghĩ đắn đo, không cố gắng vay mượn điển tích hay đánh bóng văn phong!
<!>
Đúng là có duyên nợ với nhau, tôi lần lần có cảm tình, và mến tài năng của anh. Chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau mỗi tuần hoặc vài tuần một lần tại nhà của các bạn nghệ sĩ, họ tụ hợp để làm “văn nghệ” thơ văn bỏ túi. Nhà của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần có thể nói là thường xuyên hơn hết.
Trần Vấn Lệ không lái xe, lúc nào tài xế đưa anh từ Tample City – Los Angeles cũng là anh bạn Huế, Nguyễn Phúc Liên Kỳ! Hình như thứ bảy nào cũng thế, một nhạc sĩ Huế làm tài xế, đưa anh chàng thi sĩ gốc Phan Thiết “ngược đường vong quốc” về Little Saigon. Hầu như thứ bảy nào cũng có mặt một trong các quán cà phê, cà kê dê ngỗng với đủ mọi hạng người thơ, văn, nhạc, họa… Và cuối cùng là xách vài thùng bia và ít đồ nhậu, rủ mấy bạn hợp gu đến nhà anh nào “chịu chơi” để “bù khú” cho đến chiều! Thỉnh thoảng tôi cũng có tham dự vào những cuộc vui nầy và rất là tâm đắc. Nhưng tôi, vì còn nghiệp chướng chưa cởi được, vẫn phải đi cày đêm tám tiếng đồng hồ, ngày thẳng cẳng ngủ… Cho nên năm khi mười họa mới lạc chân vào chốn “trần ai” đầy bia rượu và thơ nầy!
Trần Vấn Lệ, thoạt tiên, nếu ai mới gặp đều ít cảm tình vì cái “ngông” của một nhà thơ, mang đầy những vết hằn, những uất nghẹn thăng trầm lịch sử. Nhưng gần anh một thời gian, ta sẽ thích thú và mong gặp để nhìn nụ cười khinh đời của anh! Sau nầy chúng tôi đã thân nhau, tôi gọi anh là “Ông Đồ gàn”. Anh nghe tôi đặt tên anh như thế, anh chỉ mĩm cười.
Trần Vấn Lệ là tên thật của anh. Tôi lại giải thích theo kiểu chọc tức anh: “Tên của anh sao kỳ quá, vấn là dùng giấy cuốn lại, mà cuốn giọt lệ để làm thuốc hút cho nên mới chảy xuống trần ai…!” Nghe thế anh vẫn cười theo kiểu “don’t care”! Đây là một con nguời có nhiều bút hiệu nhất, một thi nhân có nhiều thơ nhất: Trần Vấn Lệ! Ta thử kể những bút hiệu anh tự đặt cho mình là: Trần Trung Tá - Trần Trung Thuần - Trần Tú Uyên – Lê Phụng An – Lê Nhiên Hạo - Lê Nguyên Khaí – Lê Thành Khuyên – Trương Nghiã Kỳ - Nguyễn Tân Trãi… sở dĩ tôi còn thêm mấy chấm sau những tên “bút hiệu” là vì tôi nghĩ cái “Ông Đồ Gàn” nầy có thể đặt thêm cho mình nhiều tên nữa chứ không dừng ở con số đó đâu!
“Đồ Gàn” sinh năm 1942 tại Phan Thiết – Bình Thuận. Thuở “thiếu thời” là học sinh Phan Bội Châu – Sau đó vào Trường Sư Phạm. Làm nghề “gỏ đầu trẻ” tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Khi “Sơn Hà nguy biến” chàng cũng theo nghiệp đao cung vì tiếng gọi núi sông – Khóa 24 SQTB Trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường “Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt” về phục vụ ngay quê nhà - Tiểu Khu Bình Thuận. Do tài làm thơ cho nên vị sĩ quan hào hoa đã kết duyên với người đẹp nhất vùng năm 1963 và có với nhau được nhị Kiều! Nhưng nghiệp văn chương và nghề giáo cuả anh lại được Bộ Giáo Dục biệt phái trở lại học đường để dạy Quốc Văn trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân Đà Lạt.
Cuộc đời tưởng đã yên phận với nghiệp văn chương và bầu rượu túi thơ, nào ngờ con thuyền Tổ Quốc ngã nghiêng trong cơn bảo tố 30-4-75! Cũng như mọi người, anh quảy ba lô vào “Đại Học Tù” tại G3 Sông Mao. Anh vượt biên tìm tự do vào năm 1978 - Hiện cùng gia đình và các con định cư tại Tample City, Los Angles thuộc Calfornia.
Bây giờ ta sẽ lần luợt giở bầu thơ của ông Đồ Gàn Trần Vấn Lệ. Trong tay tôi có được mười sáu (16) tập thơ, được anh tuần tự xuất bản trong những năm tha hương tị nạn. Nghe nói anh còn những tập thơ lúc mới qua Hoa Kỳ được anh đánh máy, viết tay và photocopy tặng bạn bè và những bài đăng rãi rác trong vô số báo chí - Nhật báo, Tuần Báo, Đặc San, Nguyệt San… thì không kể... Trong tất cả các lần xuất bản, “ông Đồ Gàn” đã tự đặt tên cho các nhà xuất bản theo tưởng tượng gàn bướng của anh. Vì cho đến hôm nay, khi cầm tập thơ nào của anh ta lên đọc, chúng ta đều không biết nhà xuất bản mà anh ghi ngoài bià nó ở đâu…! Nầy nhé, chúng ta cứ xem các tập thơ: “Hình Như Từ Trong Chiêm Bao” do nhà xuất bản “Người Thượng” – “Hỏi Sao Không Buồn Cho Được” nhà xuất bản “Người Tàu 2000” – “Nếu Bước Chân Ngà Có Mỏi” nhà xuất bản “Người Nga 2004” – “5 Năm Ngàn” người 3 Lan xuất bản! “Mai Sau Kiếp Khác”, Người Anh xuất bản tại Mỹ (?) – “Chiều Bên Song Đứng Trông Làn Khói” Người Ban Mê Thuộc xuất bản…! Có thể nói, Trần Vấn Lệ là một nhà thơ “ngông” hay tàng tàng… Những nhà xuất bản theo kiểu nầy chỉ lập ra để có trên bìa thơ của nhiều bút hiệu Trần Vấn Lệ mà thôi!
Với tập thơ “May Mà Có Em Đời Còn Dễ Thương” do nhà xuất bản Người Mỹ (?) năm 2001. Ngoài bià sau có bài thơ viết với dạng văn, không sang hàng theo thứ tự:
“Trời xanh lốm đốm làn mây trắng, tưởng suối ngàn khô trải tấm lòng! Em cũng hiện ra như thế nhĩ, tôi đâu buồn mãi với thương mong! Chao ôi! Tôi nói như thi sĩ, tựa cái mơ hồ nói ngẩn ngơ! Em tận bên trời, xa lắm lắm, gió rừng mây núi cũng bơ vơ…"
Trong một đoạn thơ “Tội và tình”:
"Vì sao Chúa chết cho ta sống?
Câu hỏi ngàn năm đã mốc meo!
Cây Thánh Giá kìa, sương nhỏ lệ
Không chừng mai một rậm dây leo!"
Hay ta giở những trang thơ trong “Nếu Bước Chân Ngà Có Mỏi” do “người Nga xuất bản (?) tại California Hoa Kỳ 2004”:
“Em đãi anh ăn tô bún Huế, ngồi bên cứ nhắc: chớ ăn cay, đừng nêm thêm mắm, nên kiêng mặn. Bún Huế bỗng thành mì La Cai!
“Hai đứa mình chiều đi dạo phố, đi bên em cấm anh nhìn nghiêng, cũng đừng liếc dọc hay nheo mắt, em nhắc: Anh thề chỉ có em!...
“… Rất nhiều kỷ niệm em khơi lại, em vẫn hiền như em rất xưa; Thế mà anh lỡ nhìn sương khói, có bửa em hờn xé hết thơ…”
Đồ Gàn được ghen như thế nầy thì rất là “đã”! Bên trong, trang 61, có bài thơ “Đoạn Trường Tân Thanh” như sau:
“Buổi chiều, người yêu tôi nói: Anh à em mới xem phim thấy Việt Nam mình khổ quá! Quê hương mình em muốn quên! Đây cảnh những người đánh cá, khổ ơi là khổ trăm bề. Không bàn tay nào lành lặn, những đường nứt thấy mà… ghê! Đó là những ray rứt khôn nguôi về một quê nhà đau khổ trong lời thơ…”
Hình như Trần vấn Lệ đã xa quê hương hơn hai mươi năm, nhưng tâm hồn anh lúc nào cũng vương vấn vào bờ biển cá tôm quê hương Phan Thiết. Qua gần hơn hai mươi (20) tập thơ được ra đời; đây là những đứa con tinh thần của anh và hình như ta cũng cảm nhận được nổi đau “mất quê hương” của một tâm hồn nhà giáo đã bị “tháo giày” từ cơn hồng thủy năm 1975! Toàn bộ những bài thơ trong tất cả những tập thơ dày cộm là hàng nghìn tiếng thở dài, hàng vạn niềm ước mơ trong chỉ có một con người mang theo cho mình nhiều bút hiệu.
Trong tập “Mấy Ai Biết Mình Sống Một Thời Trong Trang Thơ” do nhà xuất bản “người ta”, anh than thở ngoài bìa sau:
“Sáng tự dưng nghe gió trở mùa
Buồn
Con chim hót tiếng vui thưa…
Hoa
Còn ngậm giọt sương mai đọng
Trời ảm đạm trời như muốn mưa!
Tôi đốt thuốc lên
Nhìn khói tỏa
Mù tan…
Không để chút hương thừa!
lạnh buồn
Chẳng biết từ đâu lại
Nhớ quá quê nhà lúc tiển đưa…
…
Nhìn ra trời đất không gì lạ
Chỉ lạ sao mình lại có thơ
Đây là một bài thơ, tác giả để lộ hết tâm tư và nỗi buồn vào “Vịnh Năm Ất Dậu 2005”:
“Tết nhất của ta hay của Tàu,
Đại Hàn Nhật Bản
có là sao"
Một năm tất bật mong ngày mới
Nhật Tân! Nhật Tân! Hựu Nhật Tân
Ối dào!
Năm con Gà
Pháo lưa thưa nổ
Là biết Tàu chê Ất Dậu niên!
Sáu chục năm xưa – năm Ất Dậu
Dân mình chết đói, hỏi ai quên"
Năm con gà… cúm gà đang phát
Du khách co chân cụt cẵng rồi
Châu Á vừa qua cơn sóng dữ
Lại thêm hết chỗ để mua vui!
…..
Những người homeless không nơi tựa
Thì rũ rê nhau xuống địa đàng!
Năm con Gà hóa năm con Ngỗng
Mặc sức tung bay bốn phương trời…
Ta - Nhật - Đại Hàn – Tàu… ngửa mặt
Pháo thành tiếng sấm của thiên lôi!”
Với một gia tài hàng trăm (có thể đến ngàn) bài thơ trong nhiều bút hiệu rãi khắp mấy chục tập thơ dầy cộm là một đặc biệt của con người thơ Trần Vấn Lệ! Chắc chiu từng đồng, rồi “cúng” cho nhà in để có thêm một tập thơ nữa tặng bạn bè, cứ thế ngày tháng dần trôi… Con dốc, anh thường chứng kiến qua làn sương mù vùng thị trấn Tample, thấy những bóng dáng lạ xứ người mà mơ về vùng Ba Mê Thuột xa lắc xa lơ, vùng rừng thông Đà Lạt đầy hoa rừng và thông reo; hay quê hương Phan Thiết đầy tôm cá! Ôi! Ngày hai buổi lầm lũi trên những con đường xa lạ xứ người mà đau lòng xót dạ. Tuy quê hương mới đã nuôi sống thân già, nhưng người thơ trong lòng cứ gịục giã quay về với những quá khứ đam mê! Con người Trần Vấn Lệ vì thế mà trở nên xa lạ với chính mình, hồn thơ dồn dập với chỉ có thơ nhưng không thể thỏa mản được khát khao trở về mộng cũ! Cho nên thỉnh thoảng Trần Vấn Lệ nổi loạn trong chính anh và cũng chính anh đã kiềm chế để phun ra những lời thơ ước đẫm hoài mong, nặng trĩu từng trang.
Trong tập thơ “5 Năm Ngàn”, Người “3 lan” xuất bản (?) có bài: “Mai kia tôi chết”:
“Bằng hữu của tôi còn mấy đứa, một mai tôi chết cũng không sao! Chúng sinh tỉ tỉ loài chen chúc, tro bụi rồi bay tới chổ nào"
… Tôi sẽ chết như người lính cũ, chôn bờ chôn bụi chốn sơn lâm. Biển dâu đã khiến tôi quên họ, không có lúc nào đi viếng thăm.
… Tôi thường ra nghĩa trang thành phố, đứng rất lâu nhìn những mộ bia, này kẻ nổi danh người đạo hạnh, thấy mình mãi mãi đứa nhà quê.
… Chiều nghiã trang! Chiều nghiã trang! Tôi nhai cọng cỏ nói mơ màng; mai kia mình chết nằm đây nhỉ, người lạ thương tình đốt nén nhang"
Đây là một bài thơ Đường Luật tiêu biểu của Trần Vấn Lệ nói về chính mình được in trong “Mấy Ai Biết Mình Sống Một Thời Trong Trang Thơ”, Nhà xuất bản “người ta” (?): “Sinh năm 1942”:
“Từ tuổi thanh xuân tới tuổi già,
Đường thời gian đó có bao xa.
Bao lần dâu bể xoay luồng nước,
Mấy lượt phong sương xóa mộng ngà!
Nhớ tiếng nôi đưa không trẻ lại,
Nghĩ lời tiễn biệt muốn tuôn ra.
Trót sinh nhằm lúc đời ly loạn,
Nhắm mắt chưa nghe khúc thái hòa!”
Qua bài thơ nầy, chúng ta có thể thấy hết nét thơ và dáng dấp người thơ Trần Vấn Lệ! và cũng thấy được một trong những nét rất “đời”, bất cứ bài thơ nào, câu thơ nào trong thơ Trần Vấn Lệ ta cũng thấy có hình bóng của chính ta! “Nếu Bước Chân Ngà Có Mỏi” – “Mấy Ai Biết Mình Sống Một Thời Trong Thơ” – “May Mà Có Em Đời Còn Dễ Thương” – “Ta Nhớ Người Xa Cách Núi Sông” – “5 Năm Ngàn” – “Mai Sau Kiếp Khác” – “Nói Thầm Với Thơ” – “Hình Như Từ Trong Chiêm Bao” – “Hỏi Sao Không Buồn Cho Được” – “Con Trao Trảo Bờ Ao Bay Đi Buồn Lẳng Lặng” – “Ngàn Thu Hội Lại” – “Trăm Năm Để Lại” – “Gởi Em Một Đóa Hoa Hồng” – Chiều Bên Sông Đứng Trông Làn Khói” – “Từ Lúc Đưa Em Về Là Biết Xa Ngàn Trùng” – “Chữ Gì Mang Không Nổi Chữ Gì Gió Thổi Không Bay”… Là những tập thơ tiêu biểu của nhà thơ Trần Vấn Lệ! Có thể nói, ta sẽ không bao giờ đọc hết thơ và hiểu hết ý thơ của nhà thơ “Gàn Bát Sách” nầy đâu! Làm thế nào ta có thể ngồi ngâm nga, nhâm nhi hàng ngàn bài thơ, “một đống thơ” của một thi nhân sáng tác thơ của Trần Vấn Lệ". Nó như hơi thở, như làn khói hay đám mây bay hàng hà sa số…!
Có lần tôi nói riêng với “Ông Đồ Gàn” là tôi sẽ viết một bài về anh! Anh gạt đi và mắng: “Con người khi chết không để lại gì là an bình nhất. Đừng để cho hậu thế thấy cái mặt của những người không làm gì được cho quê hương…!” Ôi sao mà thấm thế! Hôm sau anh gởi cho tôi qua Email một bài thơ không đề:
“Lòng không chi cả sao nằng nặng,
Hay tại chiều mưa.. mưa ở đâu"
Ở mắt người thương vừa mới nhắm,
Ở trong vườn ngoại gió vi vu…
Hai mươi năm chẵn tôi lầm lũi,
Cơm áo vô duyên bạc tóc đầu,
Chưa một tiếng mừng cho kẻ đợi,
Nói chi tay nắm - mắt nhìn nhau…!
Thế cho nên, qua thời gian, tôi tự tìm kiếm những gì liên quan đến Ông Đồ Gàn Trần Vấn Lệ để viết những dòng nầy gọi là chút tri âm tri kỷ! Mong anh hiểu và sẽ thứ lỗi cho tôi là đã “đem thơ anh rao khắp bốn phương trời”!
letamanh
*
Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:
Xin click vào link sau:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét