Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

ĐI QUA MỘT GIỜ - Truyện Trần Thế Phong

 

                                     

Ba tháng rồi không đi khám bịnh. Mùa hè ít bịnh bởi tôi hợp với khí hậu nóng. Đi tập thể dục hằng ngày và ăn ngủ ngon lành nên bệnh tật cũng chạy đi đâu mất.

 Trời chuyển vào mùa thu. Lá đã chuyển màu vàng nhưng trời vẫn còn nắng ấm. Cứ mỗi lần chuyển mùa là tôi bị ngứa và nước mũi chảy tùm lum.

Vợ tôi bảo:

  - Anh đi khám bệnh để xin thuốc ngứa và thuốc dị ưng chứ tối ngủ gải hoài và nhảy mũi suốt đêm em ngủ không được.

Để khỏi đi khám bịnh, vì bịnh ngứa một tuần hay mười ngày là hết có gì đâu mà nguy hiểm. 

<!>

Tôi nói với vợ:

- Ngồi một mình gái ngứa cũng đỡ buồn và nhảy mũi cũng vui. Gải ngứa là mình có việc làm và hàng xóm nghe mình nhảy mũi là biết mình còn hiện diện trên cõi đời nầy.

 Vợ nhìn tôi nguýt một cái bỏ vào phòng nằm xem phim bộ. Còn bồi thêm một câu:

-  Anh lúc nào cũng cà giựt. Ngồi gải cho đả đi.

Đã hơn mười ngày mà chưa hết ngứa. Gải hoài nổi mụt đầy mình mẩy tay chân. Chịu hết nỗi. Ngày mai thứ sáu. Ít khách. Tôi lấy hẹn đi bác sĩ khám bệnh.

Vợ tôi nói kháy:

- Thôi, khám làm gì. Gải cho đỡ buồn và nhảy mũi để mọi người biết anh còn sống chứ.

Tôi cũng không nhịn, nói lại với vợ:

- Thời tiết không giống như mấy năm trước. Thay đổi.  Sống trên đất tạm dung nầy cái gì cũng thay đổi. Tình người lạt như nước miếng. Những người nhân cách sợ quá trùm chăn. Sâu bọ bò đầy đường. Đi chỗ nào cũng thấy xuất hiện đầu trâu mặt ngựa. Vì vậy bệnh ngứa cũng kéo dài, khó dứt. Dị ứng cũng triền miên.

Đúng chín gìờ ba mươi phút sáng, tôi thay quần áo để đi khám bịnh vì hẹn mười gìờ ba mươi phút. Đi sớm sợ kẹt xe. Thấy tôi thay đồ vợ tôi đòi đi theo để đi chợ. Tôi chở vợ đến chợ Hai Miền và tìm chỗ đậu xe. Phòng mạch cùng chung khu chợ và hôm nay là thứ sáu, tôi đi sớm nên tìm chỗ đậu xe dễ dàng. Ông bác sĩ gia đình còn trẻ khoảng năm lăm, năm sáu tuổi. Gốc Bắc Hà Nội. Năm năm tư cả gia đình vào sống Đà Nẵng cùng quê với tôi. Ông vui tính và giỏi. Tốt nghiệp bác sĩ ở Mỹ. Mở phòng mạch khám bệnh cũng được gần hai mươi năm. Bệnh nhân đến khám rất đông. Nhất là cuối tuần. Vì cùng quê nên mỗi lần khám bệnh, ông nói chuyện thật lâu, vui vẻ. Nào là tin tức quê nhà. Tình hình chính trị.  

Có hẹn trước, nhưng đến cũng phải ghi tên. Tôi ghi tên xong, ngồi xuống ghế trống cùng dãy vơí hai ông già. Một ông tôi đoán khoảng tám mươi. Gầy ốm, có vẻ yếu, nhưng đôi mắt sáng, trông người rất trí thức. Mặc áo lạnh màu xanh. Một ông  khoảng bảy hai, bảy ba. Mặc áo lạnh màu đen. Tóc muối tiêu, để râu, lông mày rậm. Trông người khoẻ mạnh phương phi. Tôi đoán là cựu sĩ quan của quân đội Việt Nam Công Hòa. Dãy ghế bên có hai bà già đang ngồi trò chuyện, có vẻ tâm đắc. Một bà già yếu. Nói giọng Bắc năm tư. Một bà còn trẻ hơn nói giọng Nam. Trông hai bà rất đẹp lão.  

Tôi vừa ngồi xuống ghế thì cửa phòng mạch mở. Một người đàn ông cao, gầy, nước da tái tái, tóc để lòa xòa trước trán. Đi thẳng vào quày làm việc của cô Khanh y tá, đang loay hoay soạn hồ sơ bệnh nhân để trình bác si khi vào khám bệnh. Người đàn ông mới vào hỏi lớn:

-  Cô có báo Sài Gòn Nhỏ hoặc Người Việt Tây Bắc cho xin một tờ.

-  Không có chú ơi! Ở đây không có quảng cáo nên không có báo gì hết. Cô Khanh trả lời và vẫn cuối xuống làm việc.

Người đàn ông cảm ơn, bước ra cửa. và nói lằm bằm:

- Phòng mạch đắc quá nên không cần quảng cáo. Quảng cáo giúp cho những tờ báo Việt ngữ sống còn, để quảng bá những tin tức cộng đồng, và tình hình chính trị trong và ngoài nước cho đồng bào tỵ nạn biết chứ.   

Tôi thấy hai ông già ngó nhau cười.

Ông già áo lạnh màu xanh thêm vào:

- Tờ Người Việt Tây Bắc cũng khá lắm. Đưa tin tức cộng đồng sốt dẻo.

 Tôi nhìn hai bà già ngồi hàng ghế kế bên nói chuyện với nhau rất say mê. Tôi nghe bà người Nam nói:

-  Con gái tôi mới về Việt Nam qua. Nó xin đi một tháng mới được hai mươi ngày đổi vé qua lại.

Bà ngươì Bắc hỏi:

-  Sao qua sớm vậy? Lâu lâu có dịp về ở chơi cho biết chứ?

Bà người Nam trả lời:

- Con nhỏ nhà tôi qua Mỹ mới tám tuổi. Đi học miết mới ra trường ba tháng nay, xin với ông nhà cho nó đi một chuyến thăm quê hương cho biết. Nó nghe tôi kể chuyện quê nhà trước năm 75. Những món ăn ngọn, những thắng cảnh đẹp của miền Nam. Nó thích lắm nên khi ra trường là nó xin đi ngay. Về lại Mỹ, ban ngày ngủ li bì vì thay đổi giờ giấc và nói tiếc tiền, để tiền đi du lịch trong nước Mỹ sướng hơn.

Bà người Bắc thêm:

- Thằng con trai nhà tôi cũng vậy. Nghe bạn bè rủ rê về một tháng. Hai mươi ngày qua lại, Nó bảo từ nay về sau không về Việt Nam nữa.       

 Cửa phòng mạch mở, một cô gái khoảng trên dưới năm mươi, miệng cười hơi rộng, tóc xõa ngang vai, nhuộm vàng vàng, đen đen, đôi mắt kẻ đường chì thật đậm, đôi môi xăm đỏ, mặc quần jean màu xanh đậm, khoác áo da màu đen. Đi thẳng vào quày ghi tên và nói với cô Khanh y tá.

-  Hi em. Chị mới về Việt Nam qua được một tuần, sáng nay ngủ dậy cảm thấy nhức đầu quá. Chị không lấy hẹn trước, chị ghi tên nghe cưng.

Cô Khanh ngẫng đầu lên cười và trả lời:

-  Chị ghi tên và ngồi đợi. Hôm nay cũng ít khách.

Cô gái Bắc ngồi xuống hàng nghế gần hai bà già. Cô Khanh mời ông già áo lạnh đen vào phòng cân đo. Ông già mặc áo lạnh xanh quay qua phía tôi nói thật nhỏ:

- Bắc kỳ bảy lăm và làm nail không chạy đâu khỏi.

Như phản xạ tự nhiên. Tôi trả lời:  

-  Yeah.

Tôi chợt nhớ vợ tôi thường nói với tôi:

- Mấy cô làm nail tiền nhiều lắm. Anh nhìn thấy mấy cô mặc đồ hiệu Be.Be hay Black & White, mang xách tay hiệu L.V, hay Gucci, hai ba ngàn một cái. Tay thường cầm điện thoai iph 9 hoặc 10, có bao bọc bên ngoài hoa hòe lòe loẹt. 

 

Tôi nghĩ ông già nầy nói đúng. Ông còn bấm tay tôi ra dấu nhìn qua cô gái làm nail đang bắt chuyện với hai bà già:

-  Cháu tìm được manager coi hai tiệm, cháu mới tranh thủ về Việt Nam chơi đấy. Đem theo gần hai chục nghìn chưa đầy hai tháng đã xài sạch bách. Thức ăn ở Việt Nam bây giờ ngon gớm. Mấy đứa bạn đưa đi ăn suốt ngày, mình phải bao hết.

Cô gái làm nail nói thật lớn, hai bà già không biết có nghe không. Tôi vẫn nghe tiếp câu chuyện bà người Nam đang nóí với bà người Bắc:

-  Con gái tôi nói, Ở Việt Nam mùa nầy nóng lắm. Đi ra đường bất cứ giờ nào cũng kẹt xe. Đường xá bụi bặm, dơ dáy. Mưa một trận là đường sá lội như sông. Thức ăn đắc hơn bên Mỹ. Các nhà hàng ăn uống nấu dở và mất vệ sinh. Bỏ bọt ngọt quá trời. Nó không dám đi ăn ở nhà hàng.

Bà người Bắc phụ họa:

-  Con trai tôi cũng nói như con gái chị. Hắn còn kể thằng bạn ở Sài Gòn dẫn đi nhậu quán gì Chim ở đương Điện Biên Phủ. Tiếp viên nữ khoảng mười tám, hai mươi tuổi gần bốn chục cô. Mặc đổ hở hang, khêu gợi. Mỗi lần nhậu cho tiền tiếp năm trăm ngàn. Hắn còn nói ngày thường cũng như ngày cuối tuần, từ sáng sớm đến khuya lơ vẫn đầy khách. Nhậu nhẹt say sưa. Toàn là cán bộ gộc. Hắn đi một lần sợ không giám đi nữa.

Cô gái Bắc làm nail xen vào:

-  Hai bác biết không? Tiếp viên đấy phải đẹp, chân dài, hấp dẫn. Phần đông là gái miền Tây. Mỗi tháng tiền lương không bao nhiêu, nhưng tiền bo từ hai lăm đến ba chục triệu đấy. Quần áo và mỹ phẩm bây giờ nhập hàng hiệu của Hàn Quốc và Nhật Bổn. Cháu thích áo quần của Hàn Quốc. Cháu mua thật nhiều quần áo và mỹ phẩm của Hàn Quốc để giành mặc và xài.

Tôi vẫn nghe bà già người Nam tiếp tục câu chuyện:

-  Con gái tôi về, tôi và ổng có dặn mua mấy bộ quần áo Việt Nam hay Đại Hàn đem qua để giành mặc. Nó nói quần áo, mỹ phẩm của Đại Hàn cho nó cũng không mặc. Quê ơi là quê. Đã ở Mỹ rồi mà về Việt Nam mua quần áo, mỹ phẩm là dại dột.

Nghe cô gái Bắc và hai bà già nói chuyện. Ông già ngồi gần tôi, lấy tay khèo khèo và cười mĩm mĩm. Cô Khanh gọi hai lần mới nghe vào phòng cân đo. Khi đứng dậy còn chích tôi. Mắc cười quá mà tôi không giám cười. Tôi cũng đứng dậy theo vào Restroom.

Khi tôi trở ra thì bà già người Bắc đã vào phòng cân đo. Còn bà già người Nam ra ngoài hành lang nói chuyện điện thoại. Cô gái Bắc làm nail đang nói chuyện với cô Khanh:

-  Chị tính ở lại chơi thêm một tháng nữa. Đi Vũng Tàu ăn đồ biển và tắm biển hóng gió, nhưng ông xã gọi điện thoai bảo qua gấp, con nhỏ manager còn mới quá, không rành việc, sợ mất khách. Vả lại ổng nhớ chị đêm nào cũng gọi. Chị mới đổi chiếc xe, chiếc Audi 7 hai cửa thể thao, để mùa hè vén mui đi cho mát. Chiếc xe Mercedes chị cho đứa con gái. Con gái chị cũng coi tiệm nail trên Bellevue, đông khách lắm.

Tôi nghe cô Khanh cứ yah, yah mà không nói lại và ngẩng lên nhìn tôi nói:

-  Mời chú Phụng vào phòng cháu cân đo.

Tôi bước vào phòng cân đo và hỏi cô Khanh:

- Làm nail có tiền nhiều lắm hở cô Khanh?

Cô Khanh vừa trả lời, vừa cân và đo huyết áp cho tôi:

-  Đúng đấy chú. Mấy bà Bắc Kỳ bảy lăm qua Mỹ sau nầy làm nail có tiền, nổ kinh khủng. Ở đây cháu nghe hoài à.

Tôi cũng cà rỡn theo:

-  Chú nghe văn mảnh tùm lum.

Cô Khanh cười và bảo tôi:

-  Chú vào phòng số hai đợi bác sĩ. Chú lên được 3 pound, huyết áp tốt lắm.

Tôi cảm ơn cô Khanh và vào phòng số hai ngồi đợi.

Khoảng năm phút bác sĩ vào. Ông nhìn tôi cười tươi lắm và hỏi một câu mà lần nào khám bệnh tôi thường nghe:

- Hôm nay chú có chuyện gì nhờ cháu ạ?

 

Tôi cười nhìn ông và ba lơn cho vui:

- Lâu quá không ghé thăm bác sĩ. Nhớ bác sĩ quá, nhân dịp ngứa cả tuần lễ nay không hết. Hôm nay đến thăm bác sĩ xin thuốc ngứa và dị ứng.

Tôi vừa cười vừa kéo hai ống quần. Bác sĩ nhìn sơ qua và bảo tôi:

- Chuyển mùa không những chú mà nhiều người bị ngứa và dị ứng. Cháu cho chú thuốc xức lên chỗ ngứa, thuốc xịt vào lỗ mũi và thuốc uống trong ba ngày là hết ngay.

Ông vừa nói vừa viết toa thuốc. Khi viết xong toa thuốc ông hỏi tôi:

-  Chú có cần thuốc gì nữa không?

Tôi chợt nhớ tối hôm qua thằng bạn ở California gọi thăm. Hắn hỏi tôi có xin được thuốc Viagra không. Ở CA bác sĩ gia đình cho và insurance bán có một đồng mấy một viên. Mày xin để giành hoặc cho bạn bè. Pharmacy bán đến 30 đồng một viến đấy.

Tôi liền hỏi bác sĩ:

-  Già như chú xin thuốc Viagra, bảo hiểm có cho không bác sĩ?

- Có chứ chú. Mấy người già ở đây nhiều người cũng xin. Cháu ghi cho chú 6 viên 100 mg nhé.

Tôi mừng húm.

Bác sĩ trao toa thuốc cho tôi. Mừng quá tôi cảm ơn ổng đến ba lần và bước ra cửa phòng khám. Khi đi ngang qua phòng đợi, tôi thấy có hai bà bịnh mới vào đang ngồi đợi. Cô Bắc kỳ làm nail vẫn nói với cô Khanh:

-  Ông xã chị định mua một căn nhà cho thuê. Bây giờ, con mấy thằng đại gia Việt Nam qua Mỹ du học nhiều lắm, không có nhà mà cho thuê.

Tôi bước ra khỏỉ cửa thì vợ tôi cũng vừa đến, hỏi tôi:

-  Sao lâu quá vậy. Em đợi cả giờ đồng hồ. Anh có hẹn trước mà.  Tôi không trả lời, bước theo nàng ra xe. Miệng huýt gió vui vẻ. Lên xe tôi nói với vợ:

- Anh sẽ có món quà tặng em tối nay.

Vợ tôi trợn mắt nhìn tôi nói:

- Thôi đừng nói dốc ông ơi. Ngon thì dẫn người ta đi ăn cơm trưa, về nhà khỏi nấu cho mệt.  

Tôi trả lời nàng mạnh miệng:

- Đi thì đi, sợ thằng Tây nào đâu…

Và nghĩ thầm trong bụng, tối nay em sẽ biết tay…

 

 Trần Thế Phong

(trong tập truyện Bên Đời)

(Tác giả gởi)    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét