Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

Những người bạn chân tình - Dương Viết Điền


 

                               Từ trái: Cựu Đ/U Dương Viết Điền, Cựu Th/T LLĐB Trần Văn Cát

     (Hình chụp năm 1987 khi Th/T Cát vừa được phóng thích, gặp nhau tại Huế).

 

 

Thiếu tá Lưc Lượng Đặc Biệt Trần Văn Cát.

 

Nói đến những người bạn thân trong tù chắc chắn ai cũng có cả. Vì trong cuộc sống tù đày, anh em thường tìm đến với nhau để cùng tâm sự, để bày tỏ những niềm vui nỗi buồn qua những ngày tháng đồng lao cộng khổ, cũng như để giúp đỡ nhau mỗi khi gặp hoạn nạn.

Tục ngữ Pháp có câu: “Anh  hãy nói cho tôi biết anh làm bạn với ai, tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào”. Thật vậy, những người bạn thân phải là những người tâm đầu ý hiệp. Nếu không, một sớm một chiều họ sẽ phản bội anh ngay, nhất là cuộc sống trong cảnh tù đày kéo dài lê thê, từ năm này qua năm khác và phải đương đầu với hàng ngàn trở ngại thường xuyên .

<!>

Trong khoảng thời gian ở tù dài đằng đẳng 10 năm trời, tôi cũng có những người bạn chí thân giống như trăm nghìn người khác. Chúng tôi đã từng ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu và cũng cùng bộc lộ cho nhau nghe những tư tưởng sâu kín trong tận đáy lòng mình. Những người đã tỏ ra rất thành thực, chân tình với tôi và đã trở thành những người bạn thân nhất của tôi trong cuộc đời ở tù gồm những anh Trần Văn Cát, Thiếu tá LLĐB, anh Trương Thúc Cổn, Đại úy LLĐB, cựu giáo sư trường Trung học Hàm Nghi Huế, anh Cao Hữu Hòa, cựu thông dịch viên Tòa Lãnh sự Mỹ tại Huế và anh Trần Viết Hòa, Thiếu úy.

Trước hết tôi xin nói về anh Cát. Anh Trần Văn Cát sinh năm 1940 tại Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức, anh tình nguyện gia nhập ngành Lực Lượng Đặc Biệt của QLVNCH.

Cấp bậc sau cùng của anh Cát là Thiếu tá. Anh bị bắt tại bãi biển Thuận An rồi bị đưa vào trại tù cải tạo. Bọn Việt Cộng đã trói tay những hàng binh VNCH và bắt đi bộ hàng trăm cây số trước khi về đến trại. Lúc còn ở Trại Ái Tử, tôi chưa quen anh. Có một lần nhằm ngày tôi trực lãnh thức ăn, tôi xuống bếp để trả lại mấy cái thau đựng cơm, canh; sau khi đã chia xong phần ăn. Khi đi ngang qua sân Khối 1, tôi thấy tên Đạo, cán bộ quản giáo, đứng nói chuyện trước anh em của khối đang ngồi trên sân. Tôi nghe nó cao giọng, có vẻ giận dữ:

- Anh lập ra nhóm, hội với mục đích gì? Đã thế, anh còn giữ chức vụ quan trọng trong nhóm nữa chứ! Chức Ủy viên Quân sự! Anh muốn làm Bộ trưởng Quốc phòng thay thế Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải không? Anh Cát, anh trả lời tôi xem nào. Anh lập hội, đoàn để làm gì?

Thì ra nó đang chất vấn anh Cát. Từ đó tôi biết anh Cát ở Khối 1 và là một trong những người chống Cộng ra mặt ngay trong trại tù cải tạo. 

Mãi đến khi vào Trại Bình Điền, vì tình cờ anh Cát nằm gần tôi, chúng tôi mới quen nhau, rồi trở thành những người bạn chí thân. Lúc đó tôi có hỏi về vụ tên cán bộ Đạo tra hỏi anh ra sao, anh xác nhận là đúng. Anh Cát cho biết, anh đã thành lập nhóm hành động này từ khi còn ở Trại Cồn Tiên. Trong nhóm có cả anh Châu Đức Thảo, Thiếu tá, anh Hồ Văn Vĩnh, Thiếu tá Pháo Binh và anh Giai. Không hiểu sao, lúc vào Trại Ái Tử, tên cán bộ Đạo lại biết được. Có lẽ do hồ sơ chuyển qua từ trại cũ chăng?

Anh Cát nằm ngủ bên phải tôi, cùng chung một tổ, một khối, nên bất kỳ đi lao động chỗ nào, chúng tôi luôn luôn đi chung với nhau. Anh lớn hơn tôi 3 tuổi, cấp bậc cũng cao hơn nên tôi gọi anh bằng anh. Hai anh em sống với nhau như anh em trong nhà, kề cận với nhau như hình với bóng cho đến khi tôi được Việt Cộng trả tự do.

Nếu cách sống của tôi trầm lặng vì ít nói thì trái lại, anh Cát, tính tình bộc trực, ồn ào và nóng nảy. Nhiều lần tôi khuyên anh bớt nóng nảy, bớt giận dữ vì thường giận quá mất khôn, sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc cho cuộc đời tù tội. Đôi khi chỉ vì những sự việc nhỏ nhoi, không đáng kể mà gây chuyện lớn sẽ ảnh hưởng cho lý tưởng đấu tranh của mình. Lúc nào cần cương thì cương, lúc nào phải nhu thì nhu. Cương không đúng lúc, đúng chỗ, có ngày mang họa vào thân.

Anh Cát thường tỏ lộ thái độ chống đối một cách công khai ngay trong ngục tù Cộng sản. Anh không bao giờ sợ hãi, nao núng trước những đe dọa, khủng bố bạo tàn của bọn cán bộ trong trại. Anh giống như hình ảnh của Thiếu tá De Mecquenem của quân đội viễn chinh Pháp trong cuộc chiến Điện Biên Phủ năm nào. Chính viên Thiếu tá người Pháp này đã trả lời dứt khoát và thách thức với tên sĩ quan thẩm vấn của Việt Cộng Lê Mạnh Thái, lúc bị bắt làm tù binh năm 1954, như sau:

- Các ông đâu phải là kẻ chiến thắng. Các ông là lũ người dã man, tàn bạo, lấy thịt đè người. Xử dụng một lực lượng đông gấp 10, 20 lần so với lực lượng chúng tôi, để tấn công căn cứ Gabrielle, lấy số đông đè bẹp số ít thì đâu có thể gọi là chiến thắng, là chiến tích của người quân nhân được! Tôi thách các ông, bây giờ, mỗi bên một tiểu đoàn, chúng ta chiến đấu lại, xem ai chạy như vịt! 

Con người anh Trần Văn Cát đúng là hình ảnh của viên Thiếu tá Pháp De Mecquenem nói trên. Anh luôn luôn trả lời “bốp chát” với bất kỳ tên cán bộ nào trong trại mỗi khi có dịp. Vì vậy anh nổi tiếng là ngang bướng, liều mạng nhất trong Trại tù cải tạo số 1 ở Bình Điền. 

Có lần đi khai quang, phát rừng làm rẫy, anh Cát cầm cái rựa đưa qua đưa lại, phất phơ trước gió như đùa giỡn, chẳng đụng một nhánh cây ngọn cỏ nào. Đã thế, thỉnh thoảng anh còn đứng nghỉ, không thèm làm việc. Tên Lược, cán bộ quản giáo đội liền kêu anh lại và bảo:

- Anh Cát, anh lao động cái kiểu gì vậy? Anh đùa hả? Tại sao anh không chịu làm việc?

Anh Cát trả lời ngay:

- Làm để làm gì? Chúng tôi biết, chúng tôi sẽ không bao giờ được về cả, có làm cũng vô ích. Bằng chứng, tướng Lư Hán bên Trung Quốc, cải tạo đã 25 năm rồi đã được về đâu! 

Đứng gần đó, tôi thấy tên cán bộ Lược mặt hầm hầm và có vẻ giận dữ vì không ngờ anh Cát dám tung ra một chưởng mà có lẽ cả thượng cấp cao nhất của nó cũng điêu đứng, xiểng liểng, chứ đừng nói gì đến nó. Không biết trả lời sao, tên cán bộ chỉ còn biết hằn học, đay nghiến bằng một câu, rồi bỏ đi: 

- Không về anh cũng phải làm.

Mặc dầu biết chúng tôi sống với nhau rất thân, bọn cán bộ không bao giờ kêu tôi lên để hỏi dò, khai thác điều gì về anh cả. Có lẽ, sau khi nghiên cứu hồ sơ, lý lịch của tôi, chúng biết khó lòng móc nối hay moi móc từ tôi điều gì. Trước hết, tôi là dân di cư 1954, lại là một sĩ quan xuất thân từ trường Đại Học CTCT Đà Lạt và chức vụ cuối cùng là sĩ quan an ninh đơn vị. Lý lịch 3 đời tôi chắc chúng cũng biết hết: bà nội tôi bị đưa ra đấu tố một cách dã man tại quê nhà vào năm 1956 với tội danh địa chủ; ba tôi cũng từng là cựu quân nhân QLVNCH, gia đình tôi có 3 anh em đều phải đi “cải tạo”. Thêm vào đó, tôi lại lầm lầm, lì lì, ít khi mở miệng nói chuyện với ai. Chúng nghĩ, anh Cát với tôi, cá mè một lứa, có khai thác chắc cũng chả ích gì. Vì biết rõ tinh thần chống Cộng cực mạnh của anh, dù anh thường xuyên bị đe dọa, khủng bố, tôi vẫn không lo ngại những khó khăn có thể xảy đến cho bản thân hay gia đình, và tiếp tục duy trì mối giao hảo thân thiện với anh. Không như một số người khác, từng  ba hoa chích chòe trước mặt anh Cát và tôi, khiến chúng tôi lầm tưởng họ cũng là những con người còn giữ được khí phách. Đến khi thấy anh Cát bị trù dập, họ sợ bị liên lụy nên ngoảnh mặt tránh xa!

Cũng vì cái tính quá nóng nảy, anh Cát nhiều lần bị những đòn trả đũa khá nặng nề từ bạn bè đồng tù, nhất là những tên “ăng-ten”, cộng thêm các biện pháp đối phó có tính cách trừng phạt của bọn cán bộ trại. 

Một lần, anh bị bắt làm tổ trưởng dẫn một số anh em đi gánh nước tưới rau. Đa số trong tổ này là những thanh niên phạm tội hình sự mới được đưa lên trại sau này. Anh Cát phân chia nhiệm vụ cho họ, ai làm xong có quyền nghỉ. Thình lình tên cán bộ Danh từ đâu xuất hiện. Thấy 2 anh ngồi nghỉ, nó la lối và đạp một anh té rớt xuống suối. Thấy vậy anh Cát can thiệp:

- Tôi khoán công việc cho họ, họ làm xong có quyền nghỉ. Cán bộ không có quyền hành động vô lý như vậy.

Tên Danh la lớn:

- Anh là người luôn luôn xách động anh em trong trại chống lại cách mạng, luôn luôn xúi giục anh em chây lười, không chịu làm việc, phá hoại kế hoạch lao động của trại. Anh liệu hồn đấy!

Trong lúc tranh luận, anh Cát vì tính tình nóng nảy sẵn có, lại đang tức giận, vừa cãi vừa quơ tay quơ chân lung tung. Tên Danh, thấy thái độ hùng hổ này, hoảng sợ, bèn ra lệnh cho anh Võ Trọng Hầu đang đừng gần đó:

- Anh Hầu, tới trói anh Cát lại cho tôi.

Anh Hầu trả lời ngay: 

- Thì cán bộ tới trói anh ấy đi, sao lại bảo tôi! 

- Nó có võ. Tôi tới cho nó đánh tôi à! 

Cuối cùng, 2 anh làm lò rèn được điều động ra trói anh Cát lại và đem giam vào nhà kỷ luật. Dĩ nhiên 2 anh này miễn cưỡng phải làm công việc đó vì sợ tên cán bộ Danh. 

Sở dĩ tên cán bộ Danh hô hoán là anh Cát có võ, có lẽ nó nghĩ, sĩ quan LLĐB của “Ngụy” chắc phải được huấn luyện ghê gớm lắm. Hàng ngày, anh Cát thường hay ngứa tay chân, mỗi khi kể chuyện võ lâm kiếm hiệp đều kèm theo những động tác diễn tả công phu tuyệt kỹ của từng môn phái. Bọn “ăng-ten” theo dõi anh chắc không thể quên những chi tiết này trong khi báo cáo lên trên. Bọn cán bộ làm gì chẳng chuyền tai nhau. Đã vậy, một lần anh Cháu, lính cũ của anh Cát, vào phòng của anh Cát và la lớn khiến ngay cả anh Cát cũng chới với:

- Thiếu tá LLĐB Trần Văn Cát đâu rồi. Đứa nào dám đụng tới ông thầy tao hả? Võ sư karaté đó. Đứa nào mà dại thế? Dám đụng tới ông thầy tao là tiêu đời đó!

Nói xong anh Cháu bỏ ra khỏi phòng. Thật ra thì anh này đang bị khủng hoảng thần kinh, cứ đi hết từ nhà này sang nhà kia, nói lảm nhảm đủ thứ chuyện. Cả trại đều biết nên đôi lúc chẳng ai thèm để ý. Anh này cũng từng vào nhà kỷ luật nhiều lần. Tuy vậy, câu nói của anh Cháu cũng làm nhiều người tin rằng anh Cát là một võ sư thật sự, nhất là mấy tên cán bộ, khi lại gần anh Cát, lúc nào cũng phải e dè.

Nhiều đêm, anh Cát rủ tôi đến gần hội trường, chỗ sân đá banh gần cột phô-tô. Dĩ nhiên là vào những đêm trời thật tối, ít người qua lại. Tại đây, anh Cát đã biểu diễn cho tôi xem mấy đường quyền thật đẹp. Có lần anh Cát rủ anh Hồ Đắc Tiêu, nhân viên tòa Thượng thẩm Huế đến đó, có tôi đi theo, hai người múa võ thật ngoạn mục. Tôi vừa đứng coi, vừa canh gác, nếu có ai xuất hiện thì báo động ngay. Anh Tiêu lớn tuổi hơn anh Cát, người lại cao, nên khi đi đường quyền, trông giống như các vũ nữ biểu diễn trên sân khấu hơn là võ sư khiến tôi suýt bật cười trong đêm tối. Tôi nhớ, hai người chỉ dợt với nhau khoảng 3, 4 lần gì đó rồi thôi vì sau đó tình trạng trong trại quá căng thẳng. Anh Cát bảo tôi, phải ôn lại võ nghệ phòng khi hữu sự mà hành động.

Ngoài chuyện võ nghệ, anh Cát còn một môn nổi bật nữa là tướng số. Anh xem tướng, bói bài, xem mồ mả, chữ ký rất hay. Cứ ngày chủ nhật, nhiều người đến tận chỗ, xin anh coi cho một quẻ. Vì nằm cạnh, tôi cũng được anh chỉ vẽ cho ít nhiều. Tôi cũng trở thành nhà tướng số và một số người cũng lặng lẽ đến nhờ xem. Anh Cát chỉ cho tôi rất nhiều thứ như bói bài theo hình bát quái, cách thức xem mồ mả qua bàn tay, xem chữ ký v.v… Tóm lại, những thứ anh biết được về nhâm, cầm, độn, toán qua bà dì ruột nổi tiếng ở Nha Trang truyền lại, anh đều chỉ cho tôi hết.

Lúc đầu chỉ một số người biết đến xin coi. Dần dẩn đồn nhau, số người muốn coi phải thay phiên nhau đặt cọc trước. Cứ thế, chủ nhật nào anh Cát cũng có quà biếu cả. Khi thì xôi, chè; khi thì bánh kẹo, chuối… Lợi dụng chuyện này, anh Cát nhắn nhủ một số anh em kiên định lập trường và đồng thời tuyên truyền chống Cộng. Anh khuyến khích họ không nên nản chí, cố gắng giữ vững tinh thần, đừng vì quyền lợi nhỏ nhoi mà phản bội anh em, phản bội lý tưởng. Được biết trong số những người đến nhờ coi bói cũng có thành phần “ăng-ten”, tôi nhắc anh phải cẩn thận.

Chính anh cũng biết rõ điều đó nên anh khéo léo tìm cách cảm hóa họ. Trong trại lúc đó, ngoài các cựu quân, cán, chính của chế độ miền Nam trước đây còn có cả thành phần dân sự. Nhiều thành phần khác nhau đã đến nhờ anh xem tướng số. Làm sao giấu được bọn cán bộ trại. Chúng bắt đầu khủng bố những người lui tới với anh. Chúng bí mật kêu từng người lên hăm dọa, khủng bố tinh thần, đến độ, những người này tình cờ gặp anh, cũng vờ ngoảnh mặt, tránh xa.

Với tình hình căng thẳng như vậy, anh Cát tạm ngưng không tiếp khách nữa. Chỉ ít lâu sau, anh lại hành nghề và “khách hàng” cũng từ từ “giang hồ tái xuất”. Đến một thời gian phong trào xem tướng cũng chấm dứt vì anh em coi đi coi lại cũng đã nhiều lần.

Qua việc coi bói toán, anh Cát đã quen biết rất đông, đủ mọi thành phần. Nhờ vậy, khi anh em có tin tức gì từ ngoài trại vào đều đến rỉ tai anh Cát ngay. Chúng tôi biết được khá nhiều tin tức trong nước, ngoài nước cũng như cả tin tức ngay trong trại. Cứ như thế, chúng tôi kéo dài cuộc sống trong tù năm này sang năm nọ mà vẫn không thấy ngày về. Cho đến một ngày, quá chán nản, tư tưởng trốn trại chợt xuất hiện trong trí tôi. Tôi không dám thố lộ cho ai, ngay cả anh Cát là người thân nhất. Tôi cứ suy nghĩ miên man về chuyện này. Nếu trốn trại theo kiểu băng rừng vượt suối như nhóm anh Châu Đức Thảo hồi ở Trại Ái Tử thì không xong. May ra chỉ có cách lẻn vào phi trường, cướp máy bay làm không tặc rồi bay ra khỏi nước là nhanh nhất! Tôi lại băn khoăn, không biết phi trường Phú Bài có còn được xử dụng hay không? Có máy bay nào đáp xuống phi đạo hay không? Làm thế nào để từ Trại Bình Điền về được thành phố Huế và từ thà

nh phố vào thẳng phi trường? Nếu cướp được máy bay rồi thì bay sang nước nào gần nhất không Cộng Sản? 

Những câu hỏi cứ lung tung trong đầu óc và tôi thấy khó có thể thực hiện được. Tuy vậy, tôi cũng mò lên hội trường, nhìn vào tấm bản đồ Việt Nam treo trên vách. Tôi thấy gần biên giới Việt Nam và Trung Quốc có một địa danh là Côn Minh. Có hình một chiếc máy bay nhỏ ngay tại đây. Tôi phỏng đoán đó là phi trường Côn Minh. Đây là phi trường gần Việt Nam nhất trên lãnh thổ Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc vẫn theo chủ nghĩa Cộng sản nhưng đang xích mích với Việt Nam. Nếu tới được Côn Minh, chắc Trung Quốc không trao trả mình về lại cho Việt Cộng và mình sẽ tùy cơ ứng biến, tìm cách vượt sang Hồng-Kông. Tưởng tượng vậy thôi chứ thực hiện được điều này là cả một vấn đề!

Bỗng một đêm nọ, anh Cát kêu tôi ra ngoài sân hỏi nhỏ: 

- Điền, trốn trại không? 

Tôi hơi giật mình, đưa mắt nhìn anh dọ dẫm: 

- Ủa, tôi đang nghĩ đến chuyện đó. 

Anh Cát tiếp: 

- Vậy mà mình tưởng Điền nặng gánh gia đình quá nên không dám, bây giờ mới nói.

 

Tôi buột miệng ngay ý nghĩ từng lẩn quất trong đầu:

 

- Nhưng trốn cách nào cho vừa nhanh, vừa gọn chớ trốn theo kiểu băng rừng vượt suối như những người đi trước phiêu quá. Chỉ có cách làm không tặc là hay nhất.

Anh Cát hỏi lại:

-          Điền dám hành động không?

Tôi đáp không suy nghĩ: 

- Ra đi là một sự đã liều. Nếu anh nghiên cứu làm sao lọt vào được phi trường Phú Bài và hỏi xem phi trường này còn xử dụng được không thì tôi làm ngay.

Anh Cát đắn đo một chút rồi lên tiếng:

- Khó lắm, không được đâu!

Mà thật thế, trốn trại kiểu này quả là một vấn đề không dễ dàng. Thật ra, anh Cát chỉ mới cho tôi biết ý định trốn trại thôi chứ chưa đề cập đến sẽ làm thế nào và gồm những ai. Trước đó, tôi thấy anh bí mật liên lạc với anh Nguyễn Thiện Tín, Đại úy, Mục sư Tuyên úy và anh Thịnh, Chuẩn úy. Vì vậy, tôi đoán, có thể sẽ trốn trại với những anh này.

Chỉ một lần thì thầm với nhau như vậy thôi. Có lẽ sau đó thấy việc trốn trại là cả một vấn đề phức tạp, những người trốn trước đây đều bị bắt lại, nên

không thấy anh Cát đề cập đến chuyện trốn trại nữa. Riêng phần mình, tự hiểu được con đường không tặc cũng chỉ là viển vông nên tôi cũng quên luôn. Rồi lại nối tiếp những quãng ngày tháng tù tội. Nhiều lần ban giám thị trại cố tình “biên chế” (một phương pháp xáo trộn tù nhân giữa các đội với nhau mục đích tránh anh em tù kết bè, kết nhóm làm chuyện mờ ám), anh em tù bị chuyển từ nhà này sang nhà khác, đội này qua đội nọ. Một điều lạ lùng, mỗi lần biên chế, anh Cát và tôi vẫn cùng chung một đội.

Có lẽ chúng tôi quá thân với nhau vì cùng cứng đầu cứng cổ như nhau, dù rằng cách thể hiện khác nhau, một người bộc trực, nóng nảy lộ ra ngoài, một người lầm lì, ngậm câm, không thèm nói năng gì cả. Với cái tình thân này, anh Cát đã tặng tôi một viên ngọc bẹt quý nhất đời anh trong tù. Theo anh kể, nhờ viên ngọc này, anh đã thoát chết nhiều lần qua nhiều cuộc hành quân. Hình như trước đó là của một người Miên luyện rồi tặng cho anh và bày cho anh cách thức để luyện tiếp. Khi tặng nó cho tôi, anh đọc cho tôi nghe câu thần chú và bắt tôi học thuộc lòng. Viên ngọc này có một cục ngải nhỏ nằm bên cạnh và như anh nói, đó là viên ngọc may mắn. Nếu gặp bất cứ điều gì trở ngại, cứ đọc câu thần chú sẽ thoát nạn. Tôi hoan hỉ tiếp nhận viên ngọc anh trao cho. Sau khi có tin sắp về, tôi đã bí mật gởi về cho vợ tôi và dặn đặt nó vào một góc bàn thờ như anh Cát từng dặn. Khi về lại quê nhà, tôi tới bàn thờ tìm thì viên ngọc không còn nữa, chỉ còn cục ngải mà thôi. Coi lại kỹ, cái vật đựng viên ngọc đã bị sét, hổng một lỗ nhỏ nhưng cũng đủ chỗ cho viên ngọc cỡ nửa hột tiêu lọt ra ngoài. Có lẽ vì vậy mà vợ tôi không để ý nên vô tình làm mất viên ngọc từ hồi nào. Mất viên ngọc, tôi  quay quắt tiếc.

Nhớ có lần tên cán bộ Quy, người Bắc, thấy anh Cát đeo viên ngọc này ở cổ, nó hỏi:

- Anh Cát đeo cái đó nơi cổ làm gì vậy?

Anh trả lời cụt ngủn:

- Đeo chơi!

Có lẽ mấy tên “ăng-ten” báo cáo nên tên này tò mò, cố ý lại gần dò hỏi xem anh có nói gì về bùa ngải không, nào ngờ anh trả lời như vậy. 

Chính tên cán bộ Quy này đã làm anh điêu đứng về vụ cây dao găm, đúng hơn là cái lưỡi lê. Lúc ở Trại Ái Tử mới vào, anh Cát có mang theo một cây dao găm, giống như cây lưỡi lê, do anh tự làm. Khi đi công tác ngoài rẫy, anh thường mang theo để gọt vỏ khoai, vỏ sắn hoặc làm các việc lặt vặt khác. Nhiều người chung đội biết anh có con dao này. Thực ra trong trại ai cũng có dao cả. Hầu hết là tự làm để gọt vỏ khoai, sắn, cắt rau nên không đáng quan tâm vì con nào cũng vừa đùi, vừa phẳng ở phía đầu dao. Duy chỉ có con dao của anh Cát là to nhất và hơi giống cái lưỡi lê. Anh Cát dùng được vài tháng thì tên cán bộ Quy gọi lên và bắt nộp con dao đó. Anh Cát trình bày là con dao đó đã đánh mất từ lâu nhưng nó không tin. Cán bộ

Quy bắt anh phải nộp ngay. Anh Cát vẫn không nộp lấy cớ đã mất rồi. Thế là vào một buổi tối, tên Quy tập họp cả đội lại để nói về con dao của anh Cát.

 Nó nói: 

- Tôi biết anh Cát còn giữ con dao chứ chưa mất. Anh phải đem nộp cho trại gấp. Anh giữ nó để làm gì? Có phải chờ cơ hội để giết chúng tôi không hay dùng để trốn trại?

Anh Cát trả lời:

- Con dao đó đã mất lâu rồi. Không tin cán bộ cứ tìm đi.

Tên Quy bảo: 

- Anh đem giấu nơi khác rồi làm sao tôi biết nó ở đâu mà tìm. Anh phải tự giác đem nộp con dao ấy cho trại gấp.

Nói xong nó bỏ ra khỏi phòng. Anh Cát đúng là một người liều lĩnh vì khi nói mất, con dao vẫn nằm chình ình trong ba-lô của anh. Anh định tìm cách tẩu tán nó sau buổi họp. Riêng về phần mấy tên cán bộ, chúng tin rằng anh đã dấu nơi nào khác nên không lục soát. Sáng hôm sau, không hiểu nghĩ gì, anh Cát vẫn chưa chịu tẩu tán con dao. Thế rồi đội tôi được lệnh lên bóc đậu phộng tại cơ quan của trại. Tên Quy lại đến bên anh đe dọa đủ điều và bắt anh nộp dao ngay. Lúc nghỉ việc, trên đường về trại, tôi khuyên anh phải tìm cách tẩu tán con dao gấp, nếu không sẽ bị kẹt. Trưa hôm đó, anh Cát không ngủ, anh giả bộ lấy mùng mền, quần áo đem ra giếng giặt. Trong lúc không ai để ý, anh lẹ tay nhét con dao trong đống đồ giặt ôm thẳng ra giếng. Đợi lúc không có ai, anh thả con dao xuống giếng phi tang rồi mới giặt đồ. Thế là xong! Cho dù chúng nó có lục soát ba-lô hay bất cứ xó xỉnh nào quanh chỗ anh Cát ngủ cũng chả thấy gì cả.

Nhưng, phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí! Vì đang mùa hè, nước giếng cạn dần. Đã thế, anh em múc nước nhiều quá nên nước giếng bị đục mấy tuần rồi. Thấy giếng cạn, nước lại đục, trại ra lệnh vét giếng. Trưa hôm anh Cát thả con dao xuống, 2 giờ chiều anh em được lệnh vét giếng. Nghe tin này, anh Cát hơi choáng váng. Đội tôi được chia làm hai nhóm, một nửa tiếp tục lên cơ quan bóc vỏ đậu phộng, trong đó có tôi và anh Cát; số còn lại đi vét 2 cái giếng, một cái của cơ quan và một cái của trại. Hết giờ làm việc, tôi vừa vào trại thì gặp anh Vệ cũng vừa vét giếng về. Anh nói nhỏ:

- Tao lượm được cây dao dưới giếng, tao biết là của anh Cát. Để lát nữa tao trao lại cho anh ấy. 

Lấy lại được con dao, anh Cát nhẹ người, nhưng đêm đó lại mất ngủ. Tối đó, tôi bàn với anh, phải tìm cách tẩu tán nó gấp. Anh nói nhỏ với tôi:

- Mình biết thằng chó đẻ nào đã báo cáo con dao này rồi!

Tôi hỏi ai, anh nói: 

-  Mình nhớ có một lần ngồi mài dao dưới suối, cái lão già lúc đó đang nấu cơm cho tụi cán bộ có nói một câu, bây giờ mình mới nghiệm ra. 

- Ông ta nói gì với anh? 

Tôi tò mò hỏi. Anh trả lời:

- Nó bảo mình rằng, bữa nay mà còn mài dao găm để cắt tai, xẻo mũi ai nữa. Vì vậy mình nghi nó chứ không ai cả. Chính nó là thằng nấu cơm cho tên cán bộ Quy ăn hàng ngày! Ai vô đây nữa.

Tôi đưa ý kiến:

- Cũng có thể mà cũng chưa chắc. Tụi “ăng-ten” thiếu gì, trong tổ, trong đội ai mà chả biết anh có dao găm.

Nghe tôi nói thế, anh Cát lại suy nghĩ. Bỗng nhiên anh nói:

- Hay thằng tóc quắn nằm bên phải mình? Mình thấy nó nhiều lần thì thầm to nhỏ với lão già nấu cơm. Chính thằng này biết mình có con dao đã từ lâu.

Cuối cùng anh đi đến kết luận:

- Có lẽ thằng tóc quắn cố vấn cho lão già nấu cơm và chắc chắn lão ta là người báo cáo cho cán bộ Quy.

Tôi chỉ còn biết nhắc chừng:

- Dầu gì anh cũng phải đem con dao đi dấu chỗ khác gấp mới được. Nếu không sẽ mệt với tụi nó đấy.

Đêm ấy, tôi và anh bàn kế hoạch tẩu tán. Chúng tôi quyết định, ngày mai đi lao động, lợi dụng 15 phút nghỉ trước khi về để ra suối tắm, chúng tôi sẽ đem con dao dấu ở một gốc cây nào đó bên bờ suối. Anh Cát nói với tôi, sở dĩ anh không muốn vất con dao này đi vì đây là vật kỷ niệm của anh. Kế nữa, anh dự tính trong tương lai, nếu có trốn trại thì con dao này là vật rất cần thiết. Vì vậy, anh nhất quyết phải giấu nó chờ lúc hữu sự có thể dùng đến.

Sáng hôm ấy, sau khi đánh răng súc miệng xong, tôi nói với anh: 

- Giắt lẹ con dao vào lưng quần ngay, nếu không tí nữa trời sáng quá tụi nó thấy.

Anh làm theo, lợi dụng lúc đội đang lộn xộn nhận phần khoai buổi sáng. Nhận khoai xong, cả đội ngồi ăn điểm tâm. Tôi để ý thấy anh chỉ lấy tay bóc vỏ chứ không dùng dao gọt như thường lệ. Hành động này chứng tỏ dao anh đã mất từ lâu. Thỉnh thoảng anh lại nhếch mông một cái vì cây dao giắt ở lưng quần đụng vào da làm anh đau điếng. Thấy thế tôi liếc anh cười nụ, anh cũng nhoẻn miệng cười đáp lại. Mấy anh ngồi cạnh thấy hai đứa nhìn nhau cười chả hiểu chuyện gì. 

Tiếng kẻng tập họp đi làm vang lên. Như thường lệ, chúng tôi ra tập họp và sau đó đến nhà kho lãnh cuốc để chuẩn bị ra rẫy. Không ngờ, khi đến nhà kho, tên cán bộ quản giáo lại ra lệnh thay đổi công tác. Thay vì đi rẫy, nhiệm vụ đội tôi sáng nay là sửa lại nền nhà. Nghe vậy, tôi liếc nhìn anh Cát và đá lông nheo ngầm ra hiệu cho anh phải cẩn thận. Anh cũng gật gù cái đầu trả lễ như muốn nhắn nhủ hãy yên tâm vì con dao vẫn còn nằm yên trong lưng quần, không ai biết đâu. Suốt buổi sáng, tôi với anh Cát, mỗi người một cái “đằm”, đi qua đi lại, nhắc lên dậm xuống trên cái nền nhà mà không có lòng dạ để xem cái nền cứng hay mềm, có bằng phẳng hay không. Khi tiếng kẻng báo giờ giải lao, mọi người tìm chỗ ngồi nghỉ chân vì suốt 2 tiếng chỉ có đi qua đi lại, chân rất mỏi. Tội nghiệp anh Cát, vướng con dao trong lưng quần anh chỉ còn nước đứng. Ngồi xuống con dao sẽ cấn vào lưng gây đau đớn, hơn nữa cán dao sẽ lòi ra khỏi lưng quần, đẩy cái áo phồng lên, mọi người sẽ không khỏi thắc mắc. Hết giờ giải lao, anh Cát dành lấy chiếc “đằm” để tiện việc đi tới đi lui, nếu không, làm việc khác dễ bị ở trong tư thế cúi lưng hay đứng lên ngồi xuống là lộ tẩy ngay. Cuối cùng kẻng bãi việc cũng đã vang lên. Tôi la to lên và hy vọng các anh em khác hưởng ứng: 

- Hết giờ rồi, xuống suối tắm và rửa cuốc xẻng lẹ còn về! 

Không nói thế tôi sợ cán bộ bắt vô trại tắm giếng thì hỏng hết. Không hiểu vì nghe tôi nói hay vì nước giếng trong trại ít quá nên tên cán bộ cũng đồng ý cho chúng tôi ra suối. Thở phào nhẹ nhõm, tôi ghé sát tai anh Cát nói nhỏ:

- Let’s go quickly (Chúng ta đi ngay thôi). 

Thế là chúng tôi theo đội đi nhanh ra suối. Vừa đến bờ suối, anh Cát và tôi tách rời đội ngay và cùng nhau qua bến khác cách đó một khúc không xa lắm. Anh Cát bảo tôi: 

- Điền đứng canh chừng nghe chưa.

Tôi đáp:

- Được rồi, lẹ lên anh.

Anh Cát cởi quần áo và cầm con dao bay ngay xuống suối. Bơi vào chỗ gốc cây sát bờ suối có tàn lá phủ kín cả một vùng, anh cắm phập con dao xuống lớp đất bùn lút ngập hết cán dao. Nhìn lại một lần để xem chắc con dao đã nằm yên dưới đám sình cũng như xác định lại vị trí của nó, anh bơi ra và lên bờ. Tôi bước lại gần anh hỏi:

- Nhớ chắc chỗ chôn nó chưa? Bữa nào ra lấy khỏi mất công đi tìm.

Anh trả lời:

- Có làm dấu rồi.

Thế rồi chúng tôi rửa tay chân và dụng cụ thật nhanh và chạy về chỗ cả đội đang tắm. Đến khi tên cán bộ ra hiệu tới lúc vào trại, cả đội lên bờ, tập họp, đếm số kiểm tra người rồi nối đuôi nhau về trại.

Tối đó, nằm bên tôi, anh Cát nói một cách đắc chí:

- Thế nào bọn cán bộ cũng tìm cách lục soát. Tiên sư chúng nó, chấp chúng nó tìm ra cây dao.

Đúng như dự đoán, vì anh Cát không chịu nộp, vài hôm sau, bọn cán bộ đã cho người lẻn vào lục soát ba-lô cũng như chỗ ngủ của anh Cát, trong lúc cả đội ra ngoài lao động. Không kiếm được, cũng không thấy anh Cát xử dụng con dao nữa nên một thời gian sau chúng im luôn. Mấy tháng sau, một hôm trên đường gánh khoai về trại, chợt nhớ tới con dao, anh Cát rủ tôi ra suối, đến chỗ đã dấu nó để tìm. Đến ngay chỗ cũ, anh đặt gánh khoai xuống, giả bộ khoát nước rửa mặt, lấy tay mò mò. Con dao không còn nữa. Phần đất ngay cái gốc cây, nơi anh Cát cắm con dao đã bị sụt lở và nước nguồn chảy xoáy mạnh cuốn trôi đi mất đâu rồi.

Là một người luôn luôn chống lại đám cán bộ và thường xách động anh em trong trại nên anh bị chúng xếp vào thành phần đại nguy hiểm. Sợ một ngày nào đó, anh sẽ xúi dục anh em trong trại nổi dậy chống lại nên bọn chúng tìm cách ngăn chặn trước. Chúng cố tìm những sơ hở của anh để ghép tội vi phạm nội quy hầu bắt nhốt anh giam vào nhà kỷ luật, nhưng vẫn chưa tìm ra. Thình lình vụ 20-4 bùng nổ tại Trại 4, gần Trại 1, do 3 sĩ quan cấp Tá lãnh đạo, bọn cán bộ Trại 1 sợ anh em trong trại bắt chước làm theo nên đã giăng một mạng lưới “ăng-ten” dày đặc trong trại để ngăn ngừa. Hơn bao giờ hết, mọi hành vi của anh Cát đều bị tụi này theo dõi chặt chẽ và báo cáo lên ban giám thị.

Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, tôi bảo anh:

- Tình hình trong trại căng lắm đấy, anh em mình phải cẩn thận mới được. Anh tạm thời hạn chế tiếp xúc với bạn bè ngoài đội. Chắc chắn chúng đang theo dõi mình sát nút.

Tuy vậy cuối cùng anh Cát cũng bị đưa vào nhà kỷ luật. Câu chuyện xảy ra thật không ngờ! Vào một buổi sáng chủ nhật, tôi và anh Cát lấy vở ra học Anh văn. Sau đó, vì còn một bộ quần áo chưa giặt, tôi phải ngưng học để ra giếng giặt đồ. Riêng anh Cát vẫn ngồi tiếp tục học. Tôi vừa cầm bộ quần áo bước ra khỏi cửa thì thấy tên cán bộ Năm, phụ trách an ninh trại, bước vào. Giật mình, quay lại định ra dấu cho anh Cát dẹp sách Anh văn gấp. Nhưng đã quá muộn! Tên Năm đi nhanh về phía anh Cát và bắt tại trận. Vin vào cớ đó, tên Năm gọi anh Cát lên làm việc và ra quyết định tống giam anh vào nhà kỷ luật một tháng. 

Sau khi được thả ra, anh Cát kể cho tôi nghe việc xảy ra khi anh bị kêu lên làm việc. Tên cán bộ Năm đã đấm vào mặt anh, anh phản ứng bằng cách đưa tay đỡ đòn và né tránh. Tức tối, nó liền chỉ vào mặt anh và nói: 

- Anh đừng tưởng anh ngon lành. Nghiệp vụ của Mỹ giao cho anh không bằng nghiệp vụ của tôi đâu.

Qua câu nói này, tôi thấy rõ, chúng nghĩ rằng anh Cát là CIA của Mỹ. Thảo nào chúng giăng lưới “ăng-ten” để theo dõi anh Cát thường xuyên.

Nhưng rồi ngày qua tháng lại, anh chả có những hoạt động gì tỏ ra “chống phá cách mạng”, theo cách gọi của chúng, nên từ từ, chúng cũng lơ lần và chỉ còn dặn dò đám “ăng-ten” phải tiếp tục theo dõi mà thôi.

Kể từ khi được trả tự do, tôi cứ nghĩ rằng khó có cơ hội gặp lại anh Cát, một người bạn đàn anh, suốt đời chống Cộng vì lý tưởng tự do, ngay cả khi còn trong vòng giam cầm của bọn chúng, vẫn không hề sợ hãi, khuất phục. Nào ngờ, một buổi trưa, lúc tôi đang từ trong một tiệm sách tại đường Trần Hưng Đạo ở Huế bước ra đường, bỗng thấy một người, mặc bộ quần áo “cải tạo”, đi trước chợ Đông Ba, giống anh Cát quá. Tôi liền chạy băng qua đường đến phía trước mặt. Rõ ràng là anh Cát. Hai anh em ôm nhau mừng rỡ như đã xa nhau hàng thế kỷ mới gặp lại! Tôi cất tiếng hỏi:

- Anh mới về hả? Còn anh Tấn, anh Cang, anh Liễn đâu?

Anh vừa cười vừa trả lời: 

- Tụi nó về trước mình rồi. Mình chờ đóng cửa trại nên về sau cùng! Có thằng cán bộ đến vỗ vai mình và bảo mình đáng được giữ chức vô địch vì đã ở lại cho đến lúc đóng cửa Trại Bình Điền đấy! 

Thế là hai anh em rủ nhau đi phố vài vòng cho bõ những ngày xa cách nhau. Vừa đi, tôi vừa hỏi:

- Như vậy, anh ở tù tất cả mấy năm?

Anh hóm hỉnh trả lời: 

- Hơn Điền có 3 năm thôi, 13 năm chẵn!

 


Dương Viết Điền

Khóa 1/ĐH/CTCT/ĐL

(Trích từ hồi ký tù cải tạo Trại Ái Tử và Bình Điền, xuất bản năm 1993, tái bản năm 2003)

(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét