Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

Khung Rêu - Truyện Nguyễn Thị Thụy Vũ

Nguyễn Thị Thụy Vũ

 

[…]

Buổi trưa, lẫm lúa đối diện phòng Tịnh vang lên tiếng vĩ cầm lúc réo rắt như một dòng suối chảy siết, lúc van vỉ buông lơi, mơ hồ… Tịnh mở toang cánh cửa phòng, đưa mắt nhìn qua lẫm lúa cách chỗ nàng ngồi một khoảng sân trống. Bông hoàng lan ngoài cửa sổ tiết ra mùi thơm nhè nhẹ, ngọt ngào lùa tận ngõ ngách căn phòng nàng. Tịnh cảm thấy mình lâng lâng, dào dạt khi tiếng đàn ve vuốt thính giác nàng.

Đáng lý Tịnh ra khỏi phòng ngủ từ nãy giờ vì còn nhiều bếp nước chờ đợi nàng. Nhưng có cái gì níu kéo nàng. Tịnh ngồi lại bên cửa sổ, lơ đãng nhìn những chùm hoa hoàng lan vàng nhạt trộn một chút lục nõn đang trững giỡn với gió. Những khao khát, rạo rực âm thầm đang làm đảo lộn đầu óc nàng.

<!>

Nàng bước lại ngắm bóng mình qua chiếc gương trước tủ áo. Dưới làn lụa màu nguyệt bạch, những đường cong của một tấm thân đầy căng sinh lực bị đè ép xuống. Chiếc áo nịt chật chội làm cản trở nhịp thở của nàng; Tịnh chợt mỉm cười khi nghĩ ít lâu nữa, chiếc áo lót này sẽ rách tung ra. Phải nới đường may ở khoảng ngực vài phân nữa, nếu không, mình sẽ chết ngộp.

Lắm lúc, Tịnh muốn bỏ hẳn chiếc áo lót để cho các bắp thịt tự do snh sôi nẩy nở. Có gì mà phải ràng rịt chặt chẽ như bó đòn bánh tét vậy? Ý nghĩ đó, bà Phủ đã đoán biết ngay khi bà tình cờ bước vào phòng riêng của Tịnh và nhìn thấy nàng chỉ mặc chiếc áo bà ba, không dùng chiếc áo lót bên trong. Bà nhìn sửng những phần cao nguyên của thân thể nàng ngun ngút sức sống dưới làn áo lụa. Bà ngồi lại bên cạnh Tịnh, xỉa cục thuốc qua hàm răng trắng đều như hột lựu, rồi cằn nhằn:

– Áo lót có chật thì ra chợ mua vải về may cái khác. Con gái ăn mặc trống trải như vầy, người ta không nói mình là con nhà làm ăn đâu.

Tịnh cười, cãi lại:

– Con chỉ mặc như vầy khi ở trong buồng chớ có đi ra ngoài đâu mà sợ.

Bà Phủ tằng hắng rồi kể lể:

– Hồi thuở mợ còn con gái, mợ đâu có được bận áo lót vừa vặn như tụi bây. Phải may áo để cho thật chặt chịa và còn tra thêm hàng chục nút gài bằng khuy nữa. Bây giò, tụi bây học đòi theo Tây, Tàu nên ăn mặc thét rồi coi không được.

Tịnh thôi cãi. Nàng nghĩ mợ dâu mình lúc nào cũng có tâm hồn hoài cổ. Hột xoàn còn có thể mài dũa, chớ thành kiến của người già thật khó lòng biến đổi được.

Tịnh vừa quay lưng xuống nhà sau thì Tường bước tới chắn lối. Chàng cầm nhành mai xám mốc chi chít những búp màu vỏ lúa ngậm đòng đòng, đưa về phía Tịnh.

– Dì nhờ chị chưng mai vào mấy cái lục bình da rạn trên bàn thờ.

Tịnh nhìn Tường hỏi gặn:

– Mợ Phủ giao cho cậu, rồi cậu sai chuyền qua tôi, phải không?

Tường cười xòa và khen Tịnh bói quẻ cuối năm giỏi. Tịnh đề nghị em nên đưa mai cho lão Tự cắm giúp. Nàng đưa tay đấm nhẹ lên vai Tường:

– Lục bình trên bàn thờ quí lắm nghen, bây giờ không tìm đâu ra được. Mợ Phủ mà giao cậu cắm hoa không khác nào giao trứng cho ác.

Tường chống chế:

– Cái gì mà tôi làm chẳng được? Nhưng thằng nầy không thiết mó tới mấy thứ công việc lẩm cẩm trong nhà như đàn bà con gái đâu.

Tịnh bỏ đi một nước vì còn lủ khủ công việc đang đợi nàng dưới bếp. Tường bước theo ngơ ngác tìm lão Tự. Tịnh quay lại, hạ thấp giọng:

– Hình như lão Tự qua bên nhà anh chàng ở trọ rồi.

Tường ngó sửng chị:

– Sao chị nhủ mà mắt chị ngó thấy suốt bên đó được?

Tịnh đưa tay mân mê cành mai trên tay Tường, ngập ngừng một lúc:

– Cậu đàn vĩ cầm inh ỏi vào buổi trưa làm tôi mất ngủ. Tôi ngồi ở cửa sổ ngó mông ra ngoài.

Tường lắc đầu:

– Ai kéo vĩ cầm hồi nào?

Tịnh giả vờ:

– Ai trồng khoai đất nầy? Không cậu còn ai vô đây?

Tường cười tinh quái ngó Tịnh. Chàng thừa biết Tịnh muốn tò mò về Hoàng, người bạn học mà chàng đưa về đây ở trọ theo lời mời của bà kế mẫu chàng. Thật ra, Tường chỉ biết lờ mờ về Hoàng: không nhà, mồ côi mẹ từ thuở nhỏ và người cha thì đi làm ăn xa. Hơn nữa, Tường không muốn đi sâu vào những uẩn khúc mà Hoàng không muốn hở môi thêm.

Tường hỏi Tịnh:

– Chị mê tiếng vĩ cầm đó rồi hả?

Tịnh bẽn lẽn mắng em:

– Đừng nói xàm, mợ Phủ nghe được thì chết cả lũ.

Tường bỗng nhận được tiếng guốc quen thuộc lê về phía nhà bếp, chỗ của Tịnh và của chàng. Hai con mắt Tường chấp chới khi Ngự hiện ra sau cánh cửa khép hờ hững. Chàng lúng túng bỏ đi tìm lão Tự.

Tường đã khoác lấy thái độ lạnh nhạt giả vờ để che mắt bà Phủ khi giáp mặt Ngự. Riêng Ngự cũng tỏ vẻ lãnh đạm, khổ hạnh như một tu nữ trên mâm cơm hay trong cuộc nói chuyện tào lao có mặt chàng vào lúc tối dưới ánh đèn “măng-sông” treo lơ lửng trên đầu hồi.

Từ hôm bà Phủ bắt gặp Tường đứng với Ngự dưới gốc cây mảng cầu xiêm trong một đêm trăng sao đi vắng, bà nghiêm giọng nói với Ngự:

– Nam nữ thọ thọ bất thân. Con gái như rơm khô dễ bắt lửa. Con trai là một thứ lửa nguy hiểm. Lửa để gần rơm nếu không cháy cũng tròm trèm.

Lúc nào bà Phủ cũng khuyên răn, giáo dục Ngự bằng những câu chữ Hán, những lời trích ở pho kinh Phật nầy, quyển truyện Tàu kia. Bà còn hăm he sẽ đưa Ngự về miền đất đỏ để nàng sống cuộc đời công nhân bóc chén lấy mủ cao su, nối nghiệp cha mẹ nàng. Sự dòm ngó ngăn cản của bà Phủ càng lúc càng chặt chẽ đã biến Ngự thành một trái cấm ngọt ngào, quyến rũ. Tường thường nói với chính mình cũng như phân bua với người khác là chàng không dính dáng huyết thống gì với Ngự.

Lão Tự có lần nói đùa với chàng:

Con ông gấm ghé cháu bà,

Thuận cả một nhà, bà lấy lại ông.

Tường và Ngự đang chờ cơ hội. Cả hai vừa sung sướng, vừa khổ sở. Năm cùng tháng tận rồi mà cuộc tỏ tình vẫn chưa đi tới đâu.

Tường giật mình vì một bàn tay xương xương khô héo đặt lên vai chàng. Chàng quay lại. Lão Tự cười nhe chiếc miệng còn vài chiếc răng nuốt cơm, thương bánh:

– Làm gì đó cậu Ấm?

Tường lắc đầu, rồi trao bó mai cho lão Tự. Tịnh từ trong bếp nói vọng ra:

– Lão có thấy lúc nầy Tường lơ lửng như bị ai hớp hồn không lão?

Lão Tự nói con trai vừa bể tiếng, nói khao khao như ngỗng đực thường hay đờ đẫn, lúc biếng nói biếng cười, lúc thì mơ mơ màng màng vậy mà. Tường cười vang và chàng chợt nghe âm vang tiếng cười của mình lại đượm một chút khôi hài. Chàng thưởng cho lão Tự một điếu thuốc thơm, rồi đánh trống lãng, giục lão đi cắm hoa.

Tịnh bưng chiếc thau sành trắng đựng đậu xanh bước ra sàn nước. Tiếng vĩ cầm luồn theo gió sông huyền hoặc. Tâm hồn Tịnh phiêu du trong cõi vô thức. Nàng lơ đãng nhìn ra sông, ngắm những chiếc xuồng chở hoa và những chiếc ghe chở dưa hấu nặng nề xê dịch trên dòng nước trong xanh, lười biếng. Màu xanh đen bóng của dưa hấu, màu vàng sáng rực của hoa cúc, hoa vạn thọ, màu đỏ của hoa màu gà, màu xanh rêu mốc của mấy cây mai chiếu thủy u nần, tật nguyền trổ những nụ hoa trắng xóa hình ngôi sao làm Tịnh cảm thấy mình như lạc vào một thế giới lộng lẫy và thân mật.

Dòng nước trong như mắt mèo, uốn lượn qua những khu vườn xanh lục trước mặt. Tịnh chớp hàng mi dầy, hình dung cái dáng dấp của người con trai xa lạ đến trọ trong lẫm lúa nhà cậu nàng được mấy tuần nay. Tịnh thường bắt gặp ánh mắt sắc ngọt của người con trai ấy khi chàng sửa soạn để chiếc vĩ cầm lên bờ vai. Tịnh tự hỏi tại sao Hoàng không về quê ăn Tết mà chịu ở lại trong lẫm lúa đìu hiu đó? Thân thế chàng ra sao? Gia đình chàng ở tận nơi nào? Sự cô độc của người con trai bao giờ cũng là một yếu tố thu hút đối với phái nữ. Đã bao lần, Tịnh muốn hỏi Tường về tông tích chàng, nhưng Tịnh lại e ngại. Trong câu chuyện với Ngự, nàng thường đề cập tới tiếng vĩ cầm như những lời tâm sự với gió sông trong những buổi chiều trôi chậm ám ảnh nàng mãi không thôi. Không ai trong nhà này nói đến người con trai kỳ lạ đó. Chắc không ai biết tung tích chàng. Tịnh cười bâng quơ. Tịnh ơi, mày đúng là một con nhỏ hư thân.

Có tiếng dép lẹp xẹp của bà Phủ càng lúc càng rõ rệt hơn. Tịnh đưa bàn tay suông dài trẩy lớp vỏ xanh còn bám trên những hạt đậu chưa kịp nở. Nàng tẻ cho phần vỏ màu cốm non trôi giạt xuống sàng nước.

Bà Phủ nhổ phẹt cốt trầu xuống bãi cỏ, liếc vào trong chậu sành:

– Đậu chưa tróc đều hay sao mà con đãi lâu quá vậy?

Tịnh ấp úng:

– Dạ, đậu chưa kịp nở đều.

Tịnh cảm thấy ngượng nghịu với những ý nghĩ thầm kín của nàng về chàng thiếu niên ở trọ. Nàng hồi hộp tưởng chừng những ý nghĩ đó không thể thoát khỏi cặp mắt soi bói của bà Phủ. Và một thoáng mặc cảm phạm tội mơ hồ nhuộm đỏ đôi má nàng.

Bà Phủ giục:

– Lẹ lên đi Tịnh, rồi vô phụ với con Ngự xên dùm mợ thúng mứt dừa.

Tịnh bê chiếc thau sành trắng đựng mớ đậu đãi sạch, đứng lên. Ánh nắng sót muộn chiếu rực rỡ trên mặt sông. Màu mây đỏ chói lòa sau hàng cây xa tít ở cuối vườn. Từ mấy tuần lễ trước, trong cơn lạnh, không khí đã bắt đầu sạch hơi nước. Nắng sáng và trong… Mùa xuân sắp về. Hôm nay, hai người con gái quần quật cắt, xắt, tỉa, lộng những thỏi bí, gừng, đu đủ, khế cơm dừa thành những chùm hoa, những hình quả trám, hình tròn. Những bàn tay ngâm nước hàng giờ để xả nhiều lượt cho đến khi bí, gừng, củ cải nõn nà như bông bưởi rồi đem xên trên ngọn lửa cháy liu riu. Chốc chốc, bà Phủ từ trên nhà đi xuống, ghé vào bếp kiểm soát hai cô cháu gái đang cặm cụi trổ tài khéo tay.

Bà Phủ ngó Ngự đang lơ đãng nhìn đâu đâu, cằn nhằn:

– Hổng biết mấy bữa nay, ai hớp hồn con Ngự mà nó bơ ngơ, báo ngáo?

Ngự liếc mắt về phía Tịnh đang cho đũa vào trong đáy soong chấm một giọt đường và cho nhểu vào chén nước lạnh để xem đường mứt tới chưa.

Bà Phủ đặt bàn tay lên thành nồi mứt của Ngự, quở:

– Lửa leo lét, chuột chạy không cháy lông như vầy, bao giờ mứt mới ráo được?

Ngự cho vào lò miếng than hồng gắp bên bếp của Tịnh. Bà Phủ trở lên nhà ngồi lại bên khay trầu.

Bên cạnh bếp than hồng rực nóng, hai bên má của hai cô ửng đỏ như màu mận hồng đào. Mỗi người đeo đuổi một ý nghĩ riêng tư. Im lặng bao trùm khuôn bếp. Chiều xuống dần. Tiếng chim tu hú văng vẳng trong hàng cây bên kia sông gợi lên một mùa xuân lộng lẫy.

Xong công việc bếp núc, Tịnh trở vào phòng riêng, ngồi lại bên cửa sổ ngắm bông cẩm nhung tím trong chiếc lọ thủy tinh màu hổ phách. Nàng tìm về những mùa xuân xa cũ bên bà mẹ góa bụa tận miền Hà Tiên. Những ngày sống bên mẹ thật vui êm đềm. Tịnh nhìn cuộc đời hấp dẫn như màu giấy hồng đơn gói tiền mừng tuổi trong ngày đầu năm. Tịnh được mẹ may cho chiếc áo mới màu hồng ngọt ngào. Nàng đeo bông tai trái châu và vài món nữ trang bằng vàng đổ đé.

Một kho tàng kỷ niệm thời thơ ấu bỗng chen lấn nhau trong tâm hồn Tịnh. Nàng đi dạo vào những buổi mai mát rượi bên những đầm sen bát ngát gần lăng Mạc Cửu. Màu bông hồng lẫn màu bông trắng lố nhố từ những đám lá xanh lềnh bềnh trên mặt nước yên tĩnh. Đám mai rừng gần lối bên lăng ướt sũng sương đêm. Mẹ nàng thường dẫn nàng lên đó để lễ bái và chỉ cho nàng xem một cây mai già nua sống hơn nửa thế kỷ. Những buổi trưa, Tịnh theo bọn bạn bè chui vào hang Đá Dựng tối như mực, uốn lượn khúc khuỷu, dẫn tới một cái cửa hẹp trổ lên họng núi. Người hướng dẫn thi vị hóa cái cửa đá chật hẹp kia là cửa Thiên Đàng. Rồi nàng leo lên Lầu Trống của một bực đá sũng ướt và vỗ nhè nhẹ lên bộ ngực chưa đủ sức biến nàng thành một thiếu nữ để nghe tiếng vọng huyền bí, xa xôi vào vách đá.

Tịnh đã mất hẳn những cảnh tượng thơ mộng từ khi ba nàng rủ bà vợ góa theo mình về cõi bên kia. Tuổi trẻ nàng được thong dong chiều đãi hơn Ngự. Khi nàng về sống với với vợ chồng ông Phủ, nàng vẫn được thảnh thơi, tiếp tục đi học. Song cái mặc cảm mồ côi vẫn làm nàng bi quan. Tâm hồn nàng lại bị khung cảnh thơ mộng ở Hà Tiên gồm biển, núi, rừng, đồi buộc chặt.

Cánh cửa phòng vụt mở và kèm theo tiếng kêu thanh và nhão của Ngự:

– Làm gì đó? Ra đây em chỉ cho coi cái này!

Lão Tự khệ nệ bê hai chậu cúc vàng đặt lên thềm, tại cửa vào lẫm lúa. Hoàng bước ra giúp lão một tay. Gian phòng bừa bãi và luộm thuộm của Hoàng nhúm lên một chút tươi sáng vì màu vàng óng ả của hai chậu cúc rối. Lão Tự nhìn chung quanh căn phòng. Chiếc giường ngủ bừa bãi chăn chiếu. Màu áo gối trắng đổi thành màu ngà, chỉ còn vài lỏm trắng nuối tiếc khép nép bên trong. Chiếc mùng rêu xậm lúc nào cũng mắc lên bốn tréo góc, không buồn đem xuống xếp lại. Kệ sách nghiêng ngửa. Vài ba cái áo lổn ngổn mắc trên đầu đinh đóng ở vách ván. Chiếc đàn vĩ cầm nằm lỏng chỏng trên bàn viết. Một lớp bụi mờ nhẹ như một áng sương chiều màu xám phủ lên mọi vật dụng trong nhà.

Lão Tự nói:

– Tui sẽ giúp cậu trang hoàng nhà cửa cho tươm tất một chút để cho có vẻ Tết nhứt.

Hoàng cười buồn:

– Và cháu sẽ cùng bác ăn một cái Tết chung nhau cho có bậu bạn.

Tường lẻo đẻo đi theo sau Tịnh, bước trờ tới chỗ lão Tự đứng. Hoàng đột nhiên nhìn chăm chăm vào phía Tịnh. Nàng bối rối, dừng lại hỏi Ngự:

– Cái gì ngộ đâu?

Ngự ngoẻo đầu qua vai Tịnh:

– Thấy chị buồn, kéo chị ra đây xem lão Tự sửa soạn nhà cửa cho anh Hoàng.

Tịnh ngồi xuống chiếc băng đá dưới gốc cây hoàng lan trên sân gạch, nhìn qua lẫm lúa.

[…]

 

Nguyễn Thị Thụy Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...