Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

Qua cơn bĩ cực - Triều Phong

 


Đám “cách mạng cờ đỏ” nhiệt tình đánh phá văn hóa miền Nam (ảnh: Bettmann/CORBIS/Bettmann Archive)

 

Ngày 15 Tháng Năm 1975, theo lệnh Ủy Ban Quân Quản Saigon-Gia Định, dân chúng được lệnh tập họp tại địa phương để chuẩn bị tới Dinh Độc Lập mừng ngày Sài Gòn được “giải phóng!” Đối với cộng sản, đây là cuộc mít tinh vô cùng to lớn và quan trọng đầu tiên kể từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam thành lập vào ngày 03 Tháng Hai 1930 vì “đất nước hoàn toàn độc lập, sạch bóng quân thù!”

<!>

Ngay từ 2 giờ khuya đêm đó, người ta bắt đầu kêu nhau ơi ới. Mọi người tuân lệnh răm rắp, không ai dám nói hay có bất cứ hành động hoặc cử chỉ phản đối nào. Tôi theo cậu Tư của tôi; một đại úy giải ngũ của quân đội VNCH, và chú Luân em chồng của dì Sáu tôi, nguyên là một thiếu tá, tiểu đoàn phó bộ binh, chạy loạn từ Đà Nẵng về tá túc nhà dì, tới tập trung ở Nhà thờ Hội Thánh Tin Lành trên đường Ngô Tùng Châu.

Do số người quá đông nên cán bộ yêu cầu chúng tôi xếp hàng hai và ngồi xổm xuống đất chờ đợi, trong khi bộ đội, nữ du kích mặc đồ bà ba đen đi dép râu với khăn rằn quấn cổ, súng AK47 lủng lẳng, im lặng đi lên đi xuống theo dõi mọi người. Dần dà dân chúng ở các khu phố khác từ từ kéo đến và dù đang là ban đêm nhưng nhiều băng rôn đề cao Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh được trương lên, rất nhiều kẻ giơ cao hình “Hồ Chí Minh”.

Một trong những bức ảnh “nổi tiếng” nhất của những ngày Sài Gòn sau “giải phóng” 
(ảnh: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

 

Thỉnh thoảng vài cán bộ hô to những khẩu hiệu ca ngợi sự lãnh đạo “tài tình và sáng suốt” của Đảng trong “cuộc chiến thần thánh” đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, “đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào”… Ở tận cùng của men say chiến thắng, những tay “Cách Mạng Ba Mươi,” các thành phần xu thời, đón gió trở cờ quá khích, xăng xái nhảy ra phụ họa hò hét, càng khiến tình hình thêm ngột ngạt. Họ là những kẻ chỉ điểm nguy hại nhất chuyên “lập công kiếm điểm.” Xen lẫn trong thành phần lăng xăng đó, tôi thấy bà Năm bán thuốc lá lẻ ngoài Ngã Năm Bình Hòa; ông Bảy quét rác ở chợ; Vinh, lao công đào binh của VNCH từ nhà tù Chí Hòa mới về, đang cầm loa đi tới đi lui huy động quần chúng giữ trật tự.

Sau hai tiếng đồng hồ, nhiều người mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật. Số khác thì hết đứng lại ngồi, miệng phì phà điếu thuốc Bastos hay Ruby. Riêng chú Luân, cũng còn máu “sĩ quan” nên lâu lâu lén móc gói Capstan xanh và chuyền cho cậu Tư tôi. Đó là những loại thuốc lá cuối cùng của miền Nam. Khói thuốc bay quyện lên cao rồi tan biến trong đêm tối mịt mùng như phận đời của họ. Tôi thỉnh thoảng cũng đứng dậy uốn éo mấy bận cho đỡ mỏi trong lúc cậu Tư và chú Luân thì thầm nhỏ to chuyện thế sự. Bất chợt bà Năm đến chỗ chúng tôi và lên tiếng:

-Chà, đông quá, chúng tôi cần “giải phóng” cái sân này! Yêu cầu mọi người di tản ra ngoài đường ngồi chờ hé.

Giữa lúc tôi còn chưng hửng với cách nói chuyện bằng ngôn ngữ mới của bà thì tất cả mọi người xung quanh lục tục đứng lên. Chúng tôi được hướng dẫn ra ngoài ngồi cùng một phía bên nhà thờ, bởi vì phía bên kia đường bây giờ là địa bàn thuộc về khu vực kiểm soát của địa phương khác. Sau đó, như muốn chứng tỏ sự “trung thành” với chính quyền mới, bà bắt loa, giọng oang oang:

-Để cho buổi mít tinh có khí thế và thành công tốt đẹp, bây giờ mọi người hát theo tôi nha. Nói xong bà cất tiếng hát “Như có Bác Hồ… Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…” Bà Năm bắt bài và vỗ tay theo nhịp cho mọi người ca theo. Giọng bà ồ ồ như cái loa bể. Vì bài nhạc còn mới mẻ, đa số mọi người không thuộc nhưng môi vẫn nhép nhép, tay vỗ theo đều đều.

“Chiến lợi phẩm” (ảnh: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

 

Càng về sáng, dân chúng mọi nơi kéo tới càng đông, với thêm rất nhiều cờ xí và băng rôn. Đến khoảng năm giờ sáng thì số người tập trung đã lên đến hàng ngàn, chật kín các ngã đường! Lúc này đám cán bộ phường và du kích quân ra sức sắp xếp đội hình cho dân chúng. Họ cầm loa phóng thanh kêu gào mọi người giữ trật tự, và không được đứng lên đi tới đi lui lộn xộn. Nhìn ông Bảy và bà Năm “tất tả lo công tác” với nhiệm vụ mới, tôi nhủ thầm “đúng là thời thế thay đổi!” Tiếp đến tên Vinh giới thiệu đồng chí “Ngũ Lục,” bí thư chi đoàn phường trong tương lai. Người ta thấy một thanh niên môi thâm sì trong bộ đồ bà ba đen với nón tai bèo, khăn rằn, dép râu, ăn vận đúng khuôn mẫu du kích quân (mà sau này tôi biết anh ta từ Côn Đảo mới về). Hắn bước lên trước, nói như ra lệnh:

-Bà con cô bác lưu ý nà, bây giờ là 5 giờ sáng rồi, chỉ vài phút nữa là chúng ta di chuyển ra thành phố để họp cùng với dân chúng các nơi khác, tham dự cuộc mít tinh lịch sử của dân tộc. Yêu cầu bà con im lặng, trật tự, ngồi ngay hàng thẳng lối. Để thay đổi không khí, tôi sẽ bắt bài “Kết Đoàn,” yêu cầu mọi người cùng hồ hởi ca theo nhé. Dứt lời, giọng nhà quê của anh ta vang lên phá tan màn đêm: “Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh. Kết đoàn, chúng ta là sắt gang… Chúng ta thề đánh tan quân thù thực dân. Đế quốc sài lang với phe phản động ta đập tan hoang…

Hắn vừa hát vừa vỗ tay. Bộ đội và du kích phụ họa theo. Mọi người cũng vỗ tay, môi lại mấp máy nhưng tôi biết họ cũng như tôi có biết gì đâu mà ca với hát. Thú thực là những bài ca, sặc mùi “mưa máu, gió tanh” như loại này tôi nuốt không vô! Cạnh tôi, chú Luân và cậu Tư cũng lép nhép nhưng tôi biết hẳn là hai người đang đau đớn lắm!

Đoàn người bắt đầu di chuyển. Họ đi chậm chạp, rồng rắn qua các con phố. Và vì có quá nhiều người từ Tân Cảng, Thanh Đa đổ qua, từ Phú Nhuận kéo tới nên rốt cuộc khi trời sáng hẳn chúng tôi mới đến được đường Thống Nhất. Cả chục ngàn dân với cờ quạt trùng trùng từ mười tám quận huyện nội ngoại thành quy tụ về dày đặc công viên trước Dinh Độc Lập. Những người đi sau đành đứng xa xa nhìn về hướng Dinh nhưng chỉ thấy cái tháp của Vương Cung Thánh Đường trên nền trời cao.

Lúc đó khoảng chừng 8 giờ sáng. Chúng tôi bị choáng ngợp bởi sắc đỏ của màu cờ phủ trùm cả một không gian rộng lớn, cùng hằng hà sa số băng rôn, biểu ngữ lớn, nhỏ, ca tụng bác và đảng, được cầm tay hay giăng mắc khắp nơi, như “Hoan Nghênh Sài Gòn Đại Thắng!”, “Đảng Cộng Sản Việt Nam Muôn Năm” hoặc “Hồ Chủ Tịch Vĩ Đại Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Của Chúng Ta.” Mấy chục ngàn người chen chúc như đám rừng dày đặc dưới ánh nắng chói chang, gay gắt, với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Nào ai biết được!

Trong lúc ấy, ban tổ chức giới thiệu thành phần tham dự của Chính Phủ, Đảng và Nhà Nước Cộng Sản, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam do Tôn Đức Thắng dẫn đầu, Trung Ương Cục có Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt… Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam với Nguyễn Hữu Thọ; Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Sài Gòn-Gia Định mới thành lập hôm 7 Tháng Năm có Thượng tướng Trần Văn Trà; đại diện Trung ương có Lê Đức Thọ và Văn Tiến Dũng… Hàng trăm xe tăng T54, xe tải quân sự, xe kéo hỏa tiễn Sam và mấy chục ngàn bộ đội đủ quân binh chủng cộng sản duyệt binh trước mặt quan khách trên lễ đài cao. Phóng viên báo chí nước ngoài cùng Việt Nam cũng tới quay phim, viết phóng sự…

 

Cái gọi là lực lượng “thanh niên xung kích” những ngày sau 1975 
(ảnh: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

 

Đến giờ làm lễ, họ hát “Tiến Quân Ca”, bài Quốc ca của Cộng Sản Việt Nam do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác. Sau đó, họ nói về vai trò của Đảng Cộng Sản Việt Nam từ khi còn là Đảng Cộng Sản Đông Dương đầu thập niên 1930, tự diễn thuyết nhiệm vụ lớn lao của Đảng trong việc giải phóng đất nước đánh thắng thực dân Pháp vào năm 1954 qua trận Điện Biên Phủ, kể lể hùng hồn chiến dịch “Đại Thắng Mùa Xuân” trong việc đánh bại đế quốc Mỹ và lật đổ tay sai “Ngụy quyền Sài Gòn”. Họ tự nói, tự khoe thành tích, tự tâng bốc bác và đảng của họ, tự khen ngợi cuộc chiến thần thánh của họ, rồi vỗ tay. Mọi người chỉ có phận sự lắng nghe và hùa theo mà thôi. Buổi mít tinh kéo dài đến hai giờ chiều. Quần chúng giải tán. Chúng tôi len lỏi các con đường nhỏ đi thất thểu vì mệt do đói khát và thiếu ngủ. Đó là cuộc mít tinh đầu tiên và đầu đời của tôi mà tôi còn nhớ mãi!

Sau hào quang chiến thắng, hòa bình trên đầu môi là những tháng ngày bị bắt nạt, đàn áp. Mọi người sống trong lo âu hồi hộp, với nỗi sợ hãi bị bắt bớ tù đày, tinh thần mọi người luôn bị khủng bố trước sự tráo trở bịp bợm của chính quyền mới. Cạnh đó, chúng còn tiến hành chính sách bần cùng hóa xã hội để dễ cai trị bằng mấy đợt đánh tư sản, đổi tiền hoặc xua đuổi dân chúng đi lên chốn rừng thiêng nước độc để cướp nhà cửa. Xã hội điêu linh, dân tình đói khổ xác xơ! Giai đoạn này cũng là thời gian của sự đấu tố tàn bạo! Ai cũng sợ đám “Cách Mạng Ba Mươi”. Bọn a dua nịnh bợ, theo “đóm ăn tàn” như bà Năm, ông Bảy hoạt động rất tích cực, luôn đâm thọt, chỉ điểm vô cùng tận tình. Nhất là tên Vinh. Hắn rất nhiệt thành trong những đợt “bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy” mà tôi đã trình bày trong câu chuyện Những tháng ngày bỏ lại.

“Kỷ nguyên” của dép râu bắt đầu! (ảnh: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

 

Vì sống không nổi dưới sự hà khắc, tráo trở của chế độ, và cai trị độc ác bởi công an nên dân chúng đành “bán mạng” lũ lượt trốn cộng sản qua mọi cách có thể. Tôi cũng vậy! Sau năm lần bảy lượt tù tội với hai mươi lần cố gắng, cuối cùng tôi tới được Phi Luật Tân để rồi phải cay đắng nằm gai nếm mật chịu đựng hơn mười năm trời tranh đấu cho tự do mới đến được Mỹ vào cuối năm 1999!

Năm 2016, tôi trở về Việt Nam ba tuần để thăm ba tôi khi ông đau nặng, nằm cấp cứu ở Bệnh viện Nguyễn Trãi. Hằng ngày vào bệnh viện thấy cảnh kẻ bệnh người nuôi nằm la liệt khắp các phòng, đầy dẫy nơi hành lang nhếch nhác bẩn thỉu, khiến tôi ngao ngán não nề! Trong những ngày ở nhà, em gái tôi thường cho tôi ăn dưa hấu tráng miệng. Đây là loại dưa hấu sọc của Thái Lan. Thấy tôi hảo thứ này, một bữa khá trưa, em gái lấy xe gắn máy chở tôi chạy qua đường Phan Văn Trị ghé vào hàng hiên trước một căn nhà bày bán dưa hấu. Trong khi tôi đứng chờ, có đứa bé gái chừng mười lăm hay mười sáu gì đó đẩy xe đạp dựng kế bên hông nhà ra. Khi con nhỏ chuẩn bị đạp xe thì người đàn ông hỏi:

-Nè Nga, đi đâu đó?

-Con chạy lại nhà con Hoàng chút ba.

-Nhanh rồi về đưa em đi học nha. Hôm nay nó có lớp Anh văn đó!

Con nhỏ đạp xe đi chẳng thèm quay đầu lại:

-Con biết!

Trong lúc em tôi lựa hai trái bỏ vô giỏ xe rồi lấy bóp trả tiền, tôi quan sát người đàn ông và thấy anh ta có cái răng vàng trông khá quen thuộc. Sau khi thanh toán tiền xong, cô em chở tôi về. Khi xe chạy tới chùa Hòa Khánh, tôi hỏi:

-Ông đó phải thằng cha Vinh hồi xưa không em?

-Ừ, chả chứ ai. Ủa mà sao anh còn nhớ ổng hay vậy? 

-Thì tao ngờ ngợ khi thấy hắn và lúc hắn hả miệng, tao thấy cái răng vàng khè mới nhớ đấy chứ… Ừ, mà tao tưởng bây giờ hắn làm tới chủ tịch phường là ít chứ đâu dè lại đi bán dưa hấu, thảm như thế này đâu?  

Đoạn tôi nhắc cho nhỏ em nhớ ngày xưa thằng “Cách Mạng Ba Mươi” này rất cuồng nhiệt Việt cộng và cầm đầu mấy cuộc đốt sách mà chẳng hiểu sao bây giờ không được sơ múi gì? Em tôi cho biết:

-Đâu có, sau này ổng cũng được cất nhắc lên làm gì đó trong phường. Tuy nhiên ổng muốn làm chủ tịch phường nhưng ai mà cho, bởi dẫu sao ông Vinh này cũng là lính đào ngũ của VNCH, thành thử họ nghĩ lý lịch chả chắc cũng xấu, anh biết hôn. Vì vậy sau này ổng thấy có “phấn đấu” mấy cũng không được gì nên nghe đâu cũng mánh mung, tham nhũng gì đó nên bị đi tù rồi và bị đẩy ra…

-Đáng đời! Ngày nào đốt sách vở Anh văn, giờ lại hối hả cho con đi học tiếng Anh. Vậy mới biết là thứ chẳng ra gì.

-Ôi, nghĩa lý gì cái đám “ăn hại đái nát” này anh ơi! Em tôi vừa chạy xe vừa la lớn giữa phố xá đông người.

Nhìn giao thông hỗn loạn, đường xá rối tung, mạnh ai nấy chạy trong tiếng còi xe bóp inh ỏi, tôi nhức cả đầu, hoa cả mắt. Có lắm người còn chạy lên vỉa hè hay chạy ngược chiều một cách ngang nhiên. Tôi não nề chán nản cho một đất nước sống với luật rừng, môi trường ô nhiễm, tình trạng vệ sinh vô cùng kém, chính quyền đầy đám sâu bọ đục khoét, bất công tràn lan. Tôi bỗng nhiên muốn chóng xong việc để trở về Mỹ.

Nhiều năm sống thoải mái ở một đất nước dân chủ nhưng vô cùng tự giác đã tạo cho tôi một tinh thần thượng tôn pháp luật không gì thay thế được. Đúng là cây một khi mang ra khỏi chậu trồng ngoài đất rồi, và sau thời gian dài phát triển nhờ hấp thụ khí trời, dinh dưỡng đầy đủ thì không thể nào bỏ trở vô chậu được nữa! Con người cũng thế, đã sống trong xứ sở tự do rồi thì làm sao có thể về với cộng sản được nữa đây?

 

 Ngày 26 Tháng Tư năm 2022

 Triều Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...