Làng tôi có một cái bến tắm ở chỗ gấp khúc của con sông Nghèn. Nơi ấy nước trong vắt và cá mương thì nhiều vô kể. Ngày trời trong sóng lặng, mặt sông như nằm dưới một trận mưa rào, nhâm nhi bong bóng.
Bến tắm có ba bậc đá, vỏn vẹn ba tảng đá hình vuông, mỗi chiều rộng một sải tay. Mặt đá phẳng, mịn. Lên hết ba bậc đá là một bãi đất lùm lùm mọc đầy cỏ mật. Một cây đa già đứng bên rìa bãi cỏ gốc cây hõm vào một lỗ hình lòng thuyền đủ cho một người ngồi ôm gối.
Năm ấy tôi lên mười nhưng người nhỏ choắt như một đứa trẻ sáu tuổi. Và nổi tiếng nhát gan. Trưa bóng tròn tôi ngồi trong lòng thuyền nhìn làng tắm.
<!>
Thuở ấy, dân làng tôi tự nhiên như bướm. Người ta cởi trần, bập bùng, bì bõm. Nước cứ ánh trắng màu da phụ nữ. Đấy là nước da chị Ngàn. Chị Ngàn ở với bà mẹ bị mù cách nhà tôi một dãy mồng tơi. Người ta bảo, chị đẹp nhất làng. Lại bảo là chị đa tình nhất. Đêm trăng sáng, đàn ông xúm xít trước ngõ nhà chị thổi sáo véo von và đánh đàn bầu não ruột. Mãi vẫn không thấy chị đi lấy chồng. Rồi có tin, vẻ quan trọng rằng, chị theo một gã buôn vải. Mấy ngày sau lại nghe đồn, chị phải lòng anh Đương đi đò dọc. Anh Đương người xứ khác, to lớn, râu quai nón đen sì, có giọng hát quấn lấy người nghe, không mấy ai gỡ nổi. Từ ấy, ngõ nhà chị vắng ngắt. Đêm chị xuống bến tắm, vừa đi vừa hát.
Một bữa tôi câu cá mương chán, vào nằm trong lòng thuyền nhìn trời cháy ở đằng tây rồi ngủ quên trong đó. Lúc tôi tỉnh dậy, đêm đã vào khuya, chắc thế. Mặt sông như tấm vải nâu nhuộm bùn. Gió thườn thượt trên tán lá đa. Bãi cỏ ướt nhòe trăng.
Tôi nom thấy một vật trắng lúc lăn tròn, lúc chồm chổm trên bãi cỏ. Vật trắng ấy cứ phát ra những âm thanh thật lạ, hệt tiếng người thở, lại hệt tiếng chó con bú mẹ.
Tôi lao ra khỏi gốc cây, cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về nhà. Mẹ tôi đang ngồi trên ngách cửa lẩn mẩn đếm tóc dưới ánh đèn dầu vàng hoe. Tôi chúi đầu vào lòng bà, kêu thảng thốt:
- Ma! Ma.
Mẹ tôi cuống quýt xoa rờ, nắn bóp khắp người tôi.
- Lạy trời, lạy Phật, lạy các đấng thánh thần thổ địa! Con tôi mắc ma rồi. Làng ơi! Da thịt con tôi nhầy nhớt đây này.
Tôi ốm một trận dai dẳng. Dai dẳng những cơn rùng mình. Cả những tiếng "ma ma" cũng dai dẳng đầu cửa miệng. Mẹ cho tôi uống thuốc màu đen đắng cong lưỡi. Bệnh tình của tôi vẫn không bớt. Đêm đến cứ mở mắt là tôi lại thấy cái vật trắng lúc lăn tròn, lúc chồm chổm.
Bố tôi về, đưa tôi ra thủ đô để tránh xa cái bến tắm bí hiểm mà sau ngày tôi bị bệnh nó trở nên vắng teo.
Chị Ngàn rẽ dãy mồng tơi sang tiễn tôi. Chị bế tôi lên xe. Lúc đặt tôi nhẹ như đặt thứ thủy tinh xuống cái ghế bọc da, chị thì thào vào tai tôi rằng: "Em tha thứ cho chị!".
Tôi không nghĩ ngợi gì về chị. Và dĩ nhiên tôi quên câu nói ấy.
Tôi vào học một trường phổ thông ở Hà Nội. Rồi theo cha ra nước ngoài. Mẹ tôi mất khi tôi và cha đang ở nửa bên kia quả đất. Về Hà Nội, tôi công tác tại một xí nghiệp nổi tiếng phát đạt và khét tiếng với những vụ bê bối.
Bố tôi quyết định xây mộ cho mẹ tôi. Theo ông, đất quê tôi không thuần sét cũng không phải pha sét, nó hỗn tạp đủ thứ, chẳng có thứ gỗ nào làm quan tài chịu nổi ba năm. Cũng theo ông, nghĩa địa làng tôi nằm sau làng, từ lâu trở thành bãi chăn thả trâu bò. Chết, nằm ở nghĩa địa làng là tình nghĩa lắm, nhưng cũng tội lắm có thanh tịnh gì đâu. Vậy là cha tôi cử tôi mang tiểu sành (áo của mẹ tôi - cha tôi nói thế) về làng trước.
Xuống ga xe hỏa, tôi thuê một chiếc xe U-oát về làng Bần. Gã lái xe mặt non choẹt nhưng giọng điệu thật sành đời. Gã nói về tình yêu, về tình dục hay ho đến mức da thịt tôi nóng hực lên. Chạng vạng tối tôi về đến đầu làng. Làng tôi nom thật lạ lẫm. Những gì xưa kia còn lại trong ký ức tôi thì lờ mờ không rõ rệt. Tôi phải hỏi đường mới về được nhà. Nhà tôi giờ bà o ở. Sau khi mẹ tôi qua đời, bố tôi cho o tôi tất cả. Bà o già, mắt lèm nhèm, nhìn mãi mới nhận ra tôi. Tội nghiệp, có lẽ bà phải lần tìm theo những sợi dây nhện trong trí nhớ đến kiệt sức, gọi tên tôi mà nghe lào phào.
Về đêm trăng sáng nền trời dát đầy mây trắng. Gió Lào cồn cộn. Bầu yên tĩnh chốc chốc lại bị phá vỡ vì tiếng côn trùng rạo lên. Tôi đi ra ngõ rồi lại quay vào sân. Một cảm giác kỳ lạ xâm chiếm tôi. Mọi thứ, kể cả những hình thù kỳ dị trong bóng đêm, cả tiếng côn trùng, cả tiếng trăng hay sương rơi trên tàu chuối... thảy đều khiến tôi nôn nao và có cái gì đó như nỗi sợ sệt.
Tôi ngủ giữa sân. Nhìn trăng suông mà ngủ. Sáng dậy, mặt mũi áo quần tôi ướt đẫm trăng và sương.
Tôi gặp em lúc ấy. Em rẽ dãy mồng tơi già, gốc và thân khô xác, xám xịt, từ bên vườn nhà chị Ngàn sang. Bộ điệu em ngơ ngác thế nào ấy. Chỉ có khuôn ngực căng tròn, nước da trắng mịn gợi cảm giác trơn chuội thì không ngơ ngác chút nào. Nó cuộn xoáy những thằng đàn ông ham hố. Tôi cùng giuộc với bọn đàn ông đó.
Suốt ngày hôm ấy, tôi luẩn quẩn bên em như một chú chó con đói sữa. Chập tối thì em đã hoàn toàn rơi vào vòng xoáy của tôi như tôi rơi vào vòng xoáy của em. Tôi đẹp trai, từ thành phố về, từng đi Tây đi Tàu dĩ nhiên là thế.
- Em đồng ý, anh sẽ đưa em ra thành phố, cưới ngoài ấy.
Em oằn người trong vòng tay tôi.
- Vội vàng thế. Mẹ em chưa biết. Bố anh chưa hay.
- Rồi họ biết. - Tôi nói và hôn vào cái ngấn cổ thứ hai từ trên xuống của em.
- Mẹ em lên huyện, tối nay về đấy.
- Chị Ngàn... - Tôi lẩm bẩm một mình. Rồi bất ngờ tôi buông giọng hỏi - Còn bố em?
Em trả lời tôi bằng cái hôn xoắn lấy môi tôi. Tôi buông tay khỏi eo lưng dâm dấp mồ hôi của em. Em ngồi xuống mấy bụi cỏ gừng lưa thưa. Ba phía chung quanh chúng tôi chuối mịt mùng, một phía là dãy mồng tơi già.
Em nói, như kể chuyện cổ tích.
Ngày xưa, quả mồng tơi chín mọng, nước tím như mực. Em dùng nước mồng tơi kẻ lông mày. Mẹ Ngàn em bảo, số con rồi khổ. Mẹ em không kẻ, không vẽ, không chăm sóc cái mặt cũng đã quá đẹp rồi.
- Anh nhớ. - Tôi nói mà cũng chẳng biết nói nhớ cái gì.
- Hồi mẹ anh mất, nửa đêm về sáng tự nhiên mẹ em kể về anh.
- Mẹ kể sao?
- Kể rằng anh yếu bóng vía.
- Chỉ thế thôi ư?
- Và... rằng, nay anh đi Tây, đi Tàu về chắc khác.
Chẳng biết sao, em lại muốn nhìn thấy anh... Là hôm qua về trước ấy.
Em nhìn tôi, mắt rực lên và cười.
° ° °
Khuya chị Ngàn mới về đến nhà. Chị vẫn còn trẻ, đẹp, dĩ nhiên khác xưa nhiều. O tôi nhìn tôi ba lần, mấp máy môi ba lần rồi nói: "Cháu về nhà ta hay về nhà ả Ngàn, chớ có làm con bồng chanh mà mắc vào giỏ nhựa nghe". Tội nghiệp o tôi. Con người suốt đời không đi xa làng được ba cây số. Chị Ngàn thì bảo: "Anh khác xưa nhiều quá, khác từ con người đến giọng nói". Rồi thôi. Chị chẳng nói thêm gì nữa. Và, chẳng nhìn tôi một lần nào nữa.
O tôi nhờ em đi chợ, nấu nướng. Bữa cơm có ba người, o tôi và em. Nửa chừng, chị Ngàn đứng bên kia dãy mồng tơi nhìn sang. Mắt chị nhìn thật lạ.
Cơm nước xong, chị Ngàn bảo: "Nước sông trong, bến vắng, con Thủy (Thủy là tên em) đi tắm đi". Không ai bảo ai, không biết ai đi trước, tôi và em cùng chững lại trước bậc đá thứ nhất của bến tắm. Dòng sông như một tấm vải nâu nhuộm bùn, đen thăm thẳm. Tiếng cá mương đớp nước "thúp! thúp" rộ lên khắp nơi. Bất giác đầu tôi nóng lên, tuồng như có một làn gió nóng quét qua vỏ não. Ở một chỗ nào đó ngoài miền ý thức của tôi có tiếng nước sông bập bùng, bì bõm và cái ánh trắng màu da phụ nữ. Tôi lắc mạnh đầu, chỉ những sợi tóc rơi xuống trán. Sau lưng tôi, trong đêm sạt sạt tiếng lá đa rụng. - Cây đa bao nhiêu tuổi? - Em hỏi, như trẻ con. - Hai mươi tám tuổi. - Tôi đáp vu vơ. - Bến sông ba bậc đá, em đếm lúc lên năm. Nước dâm dấp bậc đá thứ nhất. Mẹ tập bơi cho em trên đó. Mẹ em bơi giỏi lắm. - Giọng em nhỏ dần, dường như đang trôi ra giữa sông. - Ờ... Tôi nói, tâm trí như những lá cỏ rối trong đêm đầy gió.
- Anh làm sao thế? Em hỏi, ngón tay em miết sau gáy tôi. Nên chăng kể cho em về cái khối trắng trên bãi cỏ và chuyện tôi sợ hãi phát ốm, trận ốm dài nhất đời tôi, vào năm tôi lên mười tuổi?
- Anh làm sao thế? Em lặp lại câu hỏi, nép sát vào tôi hơn. Tôi nhìn xéo qua em. Mặt em ngước lên và vì thế, mắt em rất gần mắt tôi. Hơi thở của em thơm tho mùi nước hoa Mỹ, thứ nước hoa tôi mang từ bên kia quả đất về.
- Tắm thôi! - Tôi gần như kêu lên, giọng đầy quyền thế.
- Tắm! Em đang thèm.
Tôi cởi áo. Bậc đá thứ nhất. Dâm dấp nước. Bậc đá thứ hai. Bậc đá thứ ba. Gan bàn chân buồn nhột. Bùn rêu đã phủ đầy mặt đá. Từ ngực trở xuống ngập trong nước, tôi nhìn lên. Một khối trắng nghiêng ngửa bay về phía tôi. Có thêm những ánh nước, cũng trắng nốt, quanh khối trắng ấy. Tôi đỡ hai tay dưới lưng em. Người em uốn cong dây cung. Tay em bíu vào cổ tôi, còn hai chân em thì cứ đập bì bõm vào nước. Tôi hấp tấp trèo qua bậc đá, cũng có thể là hai bậc một lên bãi cỏ. Cỏ mềm mại, phập phồng cỏ. Người tôi như biến thành bông gòn, nhẹ tênh. Chúng tôi, tôi và em hổn hển, rên rỉ.
Lưng tôi dán vào cỏ. Đầu tôi ngật nghiêng. Đúng lúc ấy, gốc đa, phía có cái hõm hình lòng thuyền lù lù tiến về phía tôi. Một khối đen to dần, câm lặng kỳ dị. Chẳng biết có phải mắt tôi nhìn thấy không, hay là trí tưởng tượng của tôi nhìn thấy, từ trong cái hõm hình lòng thuyền mà bây giờ sâu hun hút, một đứa bé mặc quần cộc, ngực lép, mắt ngơ ngác chạy ra và biến mất vào bóng đêm phía làng.
Dường như tôi rơi vào nước sông, lạnh. Tôi trượt theo bờ cong hông em chảy xuống bãi cỏ.
- Anh làm sao vậy? - Em níu vai tôi, hỏi nghi ngờ thất vọng.
- Về! Về thôi em! - Tôi thì thào vào tai em.
Chị Ngàn gặp hai đứa chúng tôi ở ngõ. Chị đi đâu đó, đầy vẻ vội vã, hốt hoảng nữa. Ánh đèn pin trong tay chị vàng nhợt run rẩy trên mặt đường khấp khểnh.
Em ôm chầm lấy tôi, hổn hển:
- Đất quê mà nóng.
- Mùa hè! - Tôi nói.
- Xuống sông tắm nữa đi anh. - Em nhiệt tình.
- Anh sợ lắm. - Tôi nói, nhắm nghiền mắt lại.
Em ngước mắt nhìn tôi. Hàng mi có kẻ chì trong đêm có màu tím quả mồng tơi, không chớp.
Em không hiểu? Cầu mong em đừng hiểu, đừng bao giờ hiểu nỗi sợ hãi của tôi. Có hay ho gì?
Y Ban
(từ: vietmessenger)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét