Từ nhiều năm nay tôi đã được đọc nhiều bài viết vinh danh những người vợ người mẹ đã gian lao khổ cực đi – gọi là đi tiếp tế — nuôi những người thân yêu bị tù đầy tại phương Bắc. Những người đàn bà can đảm này rất đáng được vinh danh nhưng lại ít có bài viết ra những thiên phóng sự đẫm nước mắt kể lại những bước đường đầy chông gai, bão táp mà người đi tiếp tế đã trải qua.
Đến nay, tuy trí nhớ đã có phần suy mòn theo năm tháng, tôi vẫn muốn viết lại ký ức chưa phai mờ của những chuyến đi nuôi người thân bị giam giữ tại các nhà tù ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975.
<!>
“Đi nuôi tù cải tạo” mọi sự không dễ dàng như khi ta đọc 5 chữ ấy. Sau những tháng ròng rã chờ đợi với những hồi hộp, lo âu, khi nhận được thư từ những miền xa xôi để biết người thân hiện bị giam cầm ở đâu, gia đình còn phải đương đầu với những khó khăn khác để có thể cầm trong tay mảnh “giấy phép thăm nuôi”.
Miền Nam thân yêu đã cho chúng ta những năm dài sống trong tự do nhưng cuộc xâm lăng từ phương Bắc đã khiến người dân không nhiều thì ít cũng phải chịu rất nhiều khó khăn của hoàn cảnh chiến tranh. Sau những sự trả thù: đánh tư sản, đổi tiền, tịch thu nhà cửa, ép người dân đi kinh tế mới, những người kẹt lại đã thực sự xác xơ chẳng còn gì. Bây giờ nhận được tin đi thăm nuôi thì những người vợ, người mẹ phải lo lắng bương chải để có tiền đi mang sự sống cho người thân bị tù chỉ vì một tội đã là con dân của một nền Cộng Hòa chân chính.
Ngoài một số người còn cất giấu được ít của cải, số còn lại phải bán dần những đồ dùng trong nhà. Bắt đầu là TV, tủ lạnh, máy may, nồi cơm điện, quạt máy là những thứ người miền Bắc lúc đó rất ưa chuộng, rồi dần dần áo quần, nồi niêu, chén bát đều theo nhau ra chợ trời. Người ta buôn bán đủ thứ, cứ vét trong nhà còn thứ gì có giá ở cái “thị trường chợ trời” thì đem ra bán. Sau đó là đợt buôn thuốc tây: bịnh tật lan tràn vì đủ các nguyên nhân: thiếu vệ sinh, suy dinh dưỡng, tâm thần bất ổn vì lo sợ cho một ngày mai đen tối sẽ ập xuống đầu bất cứ lúc nào. Người dân miền Nam bắt đầu còm cõi, suy nhược, bịnh hoạn nổi lên khắp nơi nên khi nhà nước cho phép nhận gói quà 2kg thì thư từ Sài Gòn gửi đi, phần nhiều là đi Pháp, đều nhắn người nhà hoặc người quen gửi cho thuốc Tây một phần để phòng ngừa hoặc chữa trị trong gia đình, phần khác vì thuốc tây là nguồn lợi tức quan trọng để gia đình có thể sống qua những ngày khó khăn đen tối đó ; từ đó nẩy ra dịch vụ buôn bán thuốc tây. Từ sáng sớm đi qua nhà bưu điện người ta đã thấy những đám đông tụ tập chờ giờ mở cửa để len vào lấy số thứ tự, những người thiếu phụ ngày xưa “vào trong khuôn phép ra ngoài đoan trang” đã một sớm một chiều trở nên những con người thô lỗ chen lấn xô đẩy theo nếp sống xã hội chủ nghĩa. Người ta chen lấn để mau lãnh gói quà, thanh toán cho lẹ để có tiền mang về nuôi đàn trẻ nhỏ và dành dụm số còn lại làm phương tiện đi thăm nuôi chồng con tù tội nơi rừng xanh núi đỏ.
Trên đây mới là sơ lược hoàn cảnh khó khăn của những người ở lại với tâm trạng “thua trận”, cụ thể là bị kẻ “thắng trận” trả thù mọi mặt, nhưng mọi người đều phải cắn răng chịu đựng mà không thể gục ngã vì bản năng sinh tồn cũng có, nhưng vì một thôi thúc mãnh liệt hơn là phải sống vì những người chồng, người cha, người con đang đói rét ở một chốn xa xôi mặc nhiên mang một bản án chung thân dù không bao giờ đươc xét xử. Những lý do đó đã khiến người phụ nữ miền Nam trở thành những chủ gia đình để đối phó với bao nghịch cảnh. Nếu trong Chinh phụ ngâm có những người chinh phụ “nay một thân nuôi già dậy trẻ” thì trong hoàn cảnh xã hội mới này người đàn bà còn gánh chịu những hoàn cảnh bội phần cay đắng. Người thiếu phụ sau cuộc đổi đời của năm 1975 không còn thì giờ để mơ đến “vầng trăng ai xẻ làm đôi” mà chỉ còn những mưu toan tính toán để sống còn trong một xã hội mới. Biết bao khó khăn phải vượt qua, biết bao khổ cực phải chịu đựng để nuôi dậy đàn con vắng cha, làm sao có bữa ăn bổ dưỡng cho chúng, làm sao khuyến khích cho chúng cố gắng học hành trong khi chúng đến trường với không khí kỳ thị vì chúng là “con ngụy“, khi các bài học ở trường là những lý thuyết nhồi sọ, đầy thù hận, đấu tranh giai cấp, khác hẳn những lý thuyết nhân bản mà chúng được nghe giảng dậy ở học đường trước ngày miền Nam bị đổi chủ.
Với gánh nặng kể trên, nay phải kể lại cảnh “cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo thăm chồng nước mắt nỉ non“ . Bây giờ là giai đoạn kết thúc của một cuộc chiến mà lằn ranh đã phân chia rõ rệt. Người của bên thua cuộc không chỉ đơn giản là một thân cò vất vả mà theo cái nhìn của phe thắng cuộc lại là đám vợ “ngụy” đi nuôi chồng, “những tội phạm”. Năm 1954, ở Miền Bắc, nhiều gia đình có người đi di cư, nhưng vẫn còn người ở lại. Họ ở lại vì không nỡ dứt bỏ những ràng buộc của quê cha đất tổ và tin tưởng vào Hiệp định ký kết ngày 20 tháng 7 là sau 2 năm sẽ có cuộc tổng tuyển cử, những người ra đi cũng sẽ trở về xum họp. Bây giờ, người họ hàng ở lại năm xưa nhìn những người đàn bà từ con tầu miền Nam bước xuống với ánh mắt thương cảm và sẵn lòng chỉ dẫn những điều mà những người lạ nước lạ cái cần biết. Tuy nhiên, với đa số người dân vốn bị tuyên truyền thì nhìn người đi thăm nuôi là những người có chồng, con, anh em là những người có tội với nhân dân (tức là họ) nên ánh mắt của họ nói lên sự lãnh đạm, nghi ngờ có phần ganh ghét trong đó. Họ coi những người miền Nam ra là những con mồi béo bở để họ khai thác cho là “vì đã được ăn bơ thừa sữa cặn của Mỹ trong bao nhiêu năm nên bây giờ ăn mặc lành lặn, phong cách tư bản”. Từ đó vài gáo nước để rửa con gà làm thịt để mai mang vào cho người thân được ra giá 100 đồng. Vài gáo nước đã 100 đồng thì con gà phải đáng giá cắt cổ nhưng những người vợ người mẹ cũng sẵn sàng móc túi với viễn tượng thấy người thân được ăn bữa cơm ngon sau bao ngày đói khát.
Bản thân tôi đã từng sống qua cảnh đó nên xin kể lại một chuyến đi khá vất vả nhưng những người có thân nhân bị đầy ra miền Bắc vẫn sẵn sàng lên đường khi đã “chạy” được tấm giấy thăm nuôi. Cầm tấm giấy phép này lại chạy mua vé chợ đen để lên chuyến xe lửa Thống Nhất từ Sài Gòn ra Hà Nội. Đến ngày đi, chúng tôi chở những đồ khô đựng trong bao bố, len lỏi chen chúc để lên những toa chật ních người và hàng hóa; vì miền Nam lúc đó, dù sau cuộc đổi đời, xơ xác nhưng cũng còn nhiều thứ để các cán bộ và con buôn vào vơ vét. Tìm được chỗ để đồ đạc rồi, tìm chỗ ngồi là cả một vấn đề, có khi phải ngồi lên những bao hàng mang đi vừa vì thiếu chỗ vừa canh cho khỏi bị lấy mất. Xe lửa ngừng ở rất nhiều trạm, ì ạch, rồi sau 2 ngày 3 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm cũng đến Hà Nội. Chúng tôi lại một phen chen chúc để mang hành trang hàng hóa xuống ga Hàng Cỏ và thuê xe về nhà họ hàng nghỉ ngơi và hôm sau mua thêm một số đồ tươi để mang vào nhà tù. Những người Hà Nội đã mau mắn nhận ra chúng tôi là người miền Nam nên các giá “cắt cổ” đã đặt ra và bao nhiêu chúng tôi cũng phải chịu. Tối hôm sau chúng tôi lại khăn gói ra xe lửa đi Thanh Hóa. Chuyến đi này ngắn hơn chuyến Sài Gòn – Hà Nội nhưng lại vất vả hơn vì ở nửa phần đất nước bên này mọi sự thật là khác biệt với nơi chúng ta sinh sống từ bao năm nay. Trước hết là chúng tôi phải trốn tránh dấu diếm những đồ tiếp tế vì đây là tầu chở khách nên con buôn có hàng hóa không được “đáp”. Nhờ sự giúp đỡ của người cháu họ ở Hà Nội, tôi len lỏi được vào toa và hàng hóa được tuồn qua cửa sổ. Những gói hàng này chúng tôi phải dấu diếm dưới ghế ngồi vì suốt chuyến đi công an và nhân viên hỏa xa lên săm soi, khám xét rất nhiều lần, mục đich chỉ dể tịch thu các món hàng hiếm hoi ở miền Bắc. Tầu chạy đêm mà không có ngọn đèn, khi xe ngừng ở trạm thì đèn đuốc tối mò, lúc xe vừa chạy thì tiếng người la ơi ới vì bị kẻ trộm ở ga lên lấy đồ rồi nhẩy xuống khi tầu chạy. Sự kiện này xẩy ra hầu như ở tất cả các trạm ngừng của chuyến xe lửa làm cho ai nấy đều bị thần kinh căng thẳng. Đến Thanh Hóa vào nửa đêm, chúng tôi lại phải vào nhà trọ. Nhà trọ đây là nhà người dân vì đã từng thấy người miền Nam ra là dịp để họ kiếm tiền nên họ có ý nghĩ cho thuê tạm cái giường duy nhất của gia đình trong một đêm và tôi cũng phải nhắm mắt leo lên nằm cho đỡ mệt sau bao vật lộn của chuyến tầu đêm hôm đó. Còn người cháu tôi phải ngồi ngủ gật gà trên chiếc ghế salon. Nửa đêm một mùi tanh tưởi làm tôi tỉnh dậy. Bên cạnh tôi là một bé gái khoảng 10 tuổi, ngủ say sưa, quần áo của bé bốc ra mùi của một thúng cá. Thì ra người chủ nhà bảo con ra ngoài chơi, chờ tôi ngủ, lại cho cháu bé vào ngủ tiếp. Từ lúc đó tôi cũng ra ghế salon hồi hộp ngồi chờ sáng.
Sáu giờ sáng, chuyến xe hàng chạy lên Cẩm Thủy trong nháy mắt đã chất đầy. Giờ này tôi cũng không nhớ rõ làm thế nào mà những bao gạo, mì, đường, sữa của tôi đã được chất lên mui xe giữa những thúng cá, những thùng nước mắm và bao nhiêu thứ hàng hóa khác để vào đến trại Thanh Cẩm. Chuyến xe chạy lặc lè trên con đường đất đầy ổ gà, xe không có cửa kính nên mỗi lần nghiêng đi thì nước trong những thúng cá, những thùng nước mắm lại chẩy xuống đầu chúng tôi. Trong xe chật ních nên ai nấy đành ngồi chịu trận. Trong lúc này tôi chợt nhớ câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến “lặn lội thân cò khi quãng vắng, eo sèo mặt nước buổi đò đông”. Thời xưa người ta chỉ “eo sèo” khi chuyến đò đông khách chứ chưa đến nỗi chen chúc, khuân vác và nghe quát tháo mắng mỏ như bây giờ. Thì ra thân phận người phụ nữ Việt Nam lúc nào cũng vất vả.
Đến Thanh Cẩm chúng tôi xuống xe. Từ chỗ xe ngừng đến trại còn xa, phải qua nhiều con suối nên tôi và người cháu miền Bắc tốt bụng phải thuê một chiếc xe kéo bằng con trâu vì bò ở miền Bắc rất hiếm, chỉ nuôi để lấy thịt và là món ăn cao cấp cho thành phần cấp cao. Chất đồ lên xe rồi, người cháu nói tôi lên xe vì tất nhiên tôi không thể lội nước khi xe qua suối, rồi nhìn con trâu hai vai gầy guộc, nứt nẻ vì sợi giây thừng, cháu tôi ngán ngẩm không nỡ lên xe, đành đi bộ. Khi con trâu ì ạch chở tôi qua mấy con suối vào đến nơi thì đã xẩm tối, chúng tôi phải chờ đến sáng mới được gặp người nhà. Vào thời điểm đó chính sách đã có phần cởi mở có lẽ nhờ gia đình thăm nuôi mang nhiều đồ tiếp tế, cán bộ cũng được lót tay hậu hĩ nên họ có một gian nhà để người thăm nuôi nghỉ tạm qua đêm, chúng tôi được nghỉ trong đó. Mặc dù khá vất vả lên tầu xuống xe từ Hà Nội đến Thanh Hóa rồi từ Thanh Hóa đến Cẩm Thủy nhưng hai cô cháu không thể đặt lưng xuống những tấm ván lạnh ngắt vì khí núi hai bên hắt xuống thung lũng. Chúng tôi trở dậy, xuống bếp nhóm lửa sưởi ấm và nghĩ thương những người thân, ngày này qua ngày kia, đêm này qua đêm khác đã chịu cái lạnh cắt da của nơi này.
Khi trời sáng, họ cho chúng tôi lên nhà khách để chờ, chỗ này khá cao nên lúc những người tù cải tạo đi lao động chúng tôi đã được nhìn rất rõ. Thương sót quá khi nhìn thấy đoàn người rách rưới tả tơi, mặt mày buồn bã đi dưới làn sương mỏng của núi rừng miền Bắc. Nếu tôi không nhớ nhầm thì đã nghe nói có một toán phải lội xuống bắt cá để làm bữa trưa cho cán bộ. Những điều trông thấy đã làm chúng tôi nặng lòng biết bao khi từ biệt người nhà sau khi trao những gói quà lặn lội mang từ miền Nam mà chúng tôi biết chẳng ăn được bao lâu. Trên đường đi bộ ra cổng trại chúng tôi còn gặp nhiều toán lao động, lầm lũi đi, không nhìn chúng tôi. Có lẽ họ không muốn thấy ánh mắt thương cảm của chúng tôi và nhìn những người đi thăm nuôi lại làm họ nhớ về gia đình ở miền Nam xa vắng.
Những chuyến thăm nuôi như thế đã hằn sâu vào trong lòng chúng tôi những kỷ niệm xót xa, khó quên trong những năm tháng sau này. Đến nay, sau bao thập niên, một số những người đã đi theo diện HO sang được đến miền đất Tự Do nhưng bao năm tháng tù đầy đã cướp đi thời kỳ sung mãn của một con người, một số lớn tuổi đã phải vào Viện Dưỡng Lão, một số đã vĩnh viễn ra đi, thật là chua sót. Những chuyến thăm nuôi vượt rừng xanh núi đỏ hầu như vượt quá sự chịu đựng của những người phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng nghĩ đến những khổ nhục người tù “cải tạo” đã phải hứng chịu khi “mất nước là mất tất cả” thì các thân nhân không nề hà gì mà không dấn thân vào những hành trình vất vả như thế.
Trong Tháng Tư đen tôi ngồi viết lại những giòng này như một hoài niệm trong nỗi đau mất nước mà tôi chắc rằng số đông trong chúng ta vẫn còn cảm nhận tuy đã sống nhiều thập niên ở một nơi cách xa Quê Hương hàng vạn dặm.
Xuân Lan
(từ: damau.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét