Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Góa sống - Truyện Trần Yên Hòa



Thiếu phụ bồng con – Lê Thị Lựu

 

Ga xe lửa An Mỹ là một ga xếp nhỏ. Ở đây là nơi dừng lại của những chuyến tàu chợ chạy từ Đà Nẵng vô Diêu Trì hoặc ngược lại. Bạn hàng đi tàu thường là những người buôn hàng chuyến. Họ mua rượu, thuốc lá, gạo hay các thổ sản, từ nơi nầy đến nơi kia, trao đổi, kiếm chút tiền lời. Công việc làm ăn nặng nhọc vì phải mang, vác, xách, lên tàu những kiện hàng nặng và cồng kềnh. Nhưng đó là cách sống duy nhất cho những người chạy chợ, chứ biết làm sao hơn! Ruộng đất thì hợp tác xã đã giao khoán về cho từng hộ gia đình, mà số ruộng mỗi gia đình được nhận chỉ có mấy sào, làm sao mà sống nỗi với cái cày, cây cuốc được.

Sau giải phóng đâu khoảng ba năm.

<!>

Một buổi sáng ở nhà ga xuất hiện một người đàn bà, tay bế, tay dắt bốn đứa con, hai trai, hai gái, lê thê lếch thếch xuống tàu. Thiếu phụ khoảng trên dưới ba mươi lăm, đầu đội chiếc nón lá đã sờn, bận bộ đồ đen bằng vải xoa cũ, mang đôi dép nhựa màu vàng nhạt, loại dép nhựa miền Bắc sản xuất. Sau năm bảy lăm, một số nữ cán bộ, nữ bộ đội, thường mang loại dép nầy, nhưng đàn bà con gái miền Nam thì chê, vì đôi dép không đẹp, màu sắc quá thô thiển.

Mấy đứa con của người đàn bà, chỉ trông vào khuôn mặt và mái tóc mới phân biệt được trai gái, chứ nhìn chung, tụi nhỏ chỉ bận cái quần đùi xám, cái áo thun đen, không thể nào phân biệt được đứa nào là trai hay gái.

Thiếu phụ xuống tàu một cách khó nhọc, vì nàng phải vừa bồng đứa bé nhỏ nhất trên tay, còn tay kia thì lần lượt dắt các đứa kia, lúc cầm tay đứa nầy, lúc cầm tay đứa khác, trong lúc sân ga rộn lên cảnh chen lấn, dành giựt, để đưa hàng lên tàu. Một người đàn bà vác trên vai một cái bao bố to tổ chảng, đến bên người thiếu phụ, la lớn:

–  Chị có bế con mau ra khỏi cửa nầy để tụi tui còn cho hàng lên tàu không hở?

Thiếu phụ dồn bốn đứa con lại một chỗ, bảo đứa lớn cầm tay đứa nhỏ, rồi trả lời nhỏ nhẹ với người đàn bà:

–  Xin lổi chị, tại mấy cháu còn bé quá, tôi sợ lạc.

Rồi quay qua ba đứa con đứng xung quanh :

–  Mấy đứa đi theo mẹ, tay cầm tay, kẻo lạc đó.

Thiếu phụ cố thoát ra khỏi sân ga quá ồn ào và xô bồ.

Những người buôn hàng chuyến tiếp tục cho hàng lên tàu, một đống hàng gồm các bao tải được thảy lên tàu vô tội vạ, chỗ nào trống thì hàng được đẩy vào, những hành khách đi tàu đành nép qua một bên cho các con buôn làm việc. Khi tàu hụ còi xình xịch chạy đi thì sân ga mới trở lại cảnh lặng im của một sân ga nhỏ.

Hạnh dắt ba đứa con ghé vào quán nước chè. Quán lợp tranh sơ sài, che chắn bằng những bức mành tre, trên bàn đặt mấy nải chuối chín, mấy xâu bánh ú, những thẩu kẹo, thẩu bánh ngọt. Hạnh nghe khát nước khô cổ, nàng cần uống ly trà đá. Ngồi xuống cái ghế thấp, Hạnh hỏi vọng vào trong:

–  Chị ơi, bán cho tôi ly trà đá.

Chị chủ quán chạy ra, vừa đi vừa trả lời Hạnh:

– Ở đây có nước chè tươi chớ không có trà đá, đá phải mua từ dưới thị xã đem về, lâu lâu có ai đặt mới mua chứ ở đây không có sẳn.

Hạnh nhìn mông vô quán, thấy không có gì bày biện ngoài những hàng bánh kẹo, nàng nói:

–  Chị cho em ly nước chè cũng được.

Người đàn bà chủ quán đi vào trong, Hạnh nhìn quanh quất sân ga. Nắng lóa lên, màu nắng như có hơi lửa. Trời tháng tám nám trái bưởi. Nơi đây, anh Hoạt đã sinh ra và lớn lên. Anh đã kể cho nàng nghe về một miền tuổi thơ của anh, về sân ga nầy, anh đã cùng các bạn bè ra đây, đá banh, u mọi. Rồi những buổi chiều, những chuyến tàu chợ vào ga, dừng lại, anh chạy đến, nhảy lên những toa tàu, vào các toa để nhìn những hành khách. Họ đã làm những chuyến đi thật xa và anh cũng mơ ước đến một ngày lớn lên, được thực hiện những chuyến viễn du đi đến khắp mọi miền.

Bây giờ thì nàng về đây, một mình, với bốn đứa con, tìm về  quê anh, tìm về với người mẹ của anh để… sinh sống. Còn anh ở đâu? Ba năm rồi, từ ngày anh vào trại tập trung, nàng biệt tăm anh. Vì nàng không có một nơi nào cố định để trú ngụ, ba năm nay, nàng dắt bốn đứa con phiêu bạt nơi nầy, nơi kia, để kiếm sống. Nhưng rồi nàng thất vọng. Một mình nàng không làm sao nuôi nổi bốn đứa con, nên bây giờ nàng đành phải làm theo lời anh dặn trước lúc anh đi trình diện:

– Nếu anh đi lâu quá, không về được, thì em tìm về với mẹ nhé. Mẹ chưa biết em, nhưng có các con, có cháu nội, thì chắc mẹ sẽ giúp em lo cho chúng.

Lời nói đó bây giờ đã hơn ba năm nàng mới thực hiện. Bởi vì, nàng cố gắng gượng sống ở thành phố, buôn tảo bán tần, để chờ ngày anh về. Sao họ nói mười ngày mà bây giờ đã hơn ba năm mà vẫn biệt tin anh. Ngày anh xách gói ra đi với mấy bộ quần áo, mấy gói mì ăn liền và năm ngàn bạc. Anh dặn dò nàng:

–  Em ở nhà gắng lo cho con. Anh đi để em lại một mình anh lo quá. Hy vọng anh về sớm để cùng em nuôi các con.

Nàng đã sống bơ vơ ở một thành phố lạ, đông người, bon chen và dành giựt nhau từng miếng ăn, từng đồng bạc. Nhưng nàng không thể rơi vào chỗ sa ngã được. Nàng tự nhủ với mình như vậy. Nàng tay xách, nách mang, tay bế, tay bồng, chạy đầu nầy, chạy đầu kia, để tìm miếng ăn cho con. Bây giờ thì nàng đuối sức, em tìm về với mẹ theo ý của anh đây.

Người đàn bà đem ly nước chè đặt trên bàn. Ly nước chè nóng, bốc khói. Nàng đang khát, các con cũng đang khát. Nàng cần một ly nước trà đá mà không có được. Một nơi chốn, bây giờ đã ở cuối thế kỷ 20 mà vẫn không có được một ly nước đá lạnh để mà uống. Nhưng nàng phải cố gắng chịu đựng. Ba năm qua, nàng đã làm biết bao thứ nghề ở thành phố. Từ một nữ sinh yêu anh, làm vợ anh, nàng trở thành mẹ của bốn đứa con. Gia đình anh không ai biết Hạnh, cả mẹ anh nữa. Ngày đó hai người lấy nhau ở tận Long Xuyên, nơi anh đóng quân, còn mẹ anh ở tận quê miền Trung, xa quá, không vào được. Hôm đám cưới, chỉ có đám lính và bạn bè cùng đơn vị của anh. Một đám cưới nhà binh đúng nghĩa. Cưới xong, anh miệt mài đi hành quân suốt năm nầy tháng nọ, mỗi lần anh về phép là cho nàng một đứa con. Nàng âm thầm sống một đời cô giáo tỉnh lẻ. Rồi đến ngày đứt phim, nàng dẫn con theo anh chạy về Sài Gòn, rồi anh đi trình diện học tập theo lời kêu gọi trên đài phát thanh. Gia đình cha mẹ nàng cũng thất lạc từ đó.

Hạnh nhìn chị chủ quán rồi hỏi:

– Chị cho em hỏi, chị biết nhà bà Khang ở đây không chị? bà Khang mẹ của anh Hoạt.

Chị chủ quán nhìn Hạnh một vòng, đôi mắt lướt trên thân thể nàng, áo quần nàng, rồi lướt qua đám con bu quanh nàng. Xong mới nói:

– Bà Khang ở trong xóm trong, đi hết con đường nầy, đến cái ”dỏ” An Phú, nhìn thấy cái nhà có bức tường xây quanh. Đó là nhà bà Khang. Mà cô là gì của bả vậy?

– Là dâu, tôi là vợ anh Hoạt, mấy đứa nầy là con anh Hoạt đấy. Tôi sống trong Nam, giải phóng về, tôi nuôi không nổi đàn con nên tìm về đây nương náu với bà nội.

– Cô là vợ của anh Hoạt hả, anh Hoạt nay ở đâu rồi, nghe nói anh đi sĩ quan lên đâu đến đại uý, sau giải phóng ảnh có đi Mỹ được không, hay là đi cải tạo?

Nàng trả lời giọng nghe trống lốc:

– Đi cải tạo ba năm rồi, em chẳng có tin tức gì của ảnh hết.

Câu nói nghe thật bùi ngùi, coi như một bất lực.

Nàng uống vội ly nước chè còn nóng, đưa cho các con mỗi đứa nhấm môi một chút cho đở khát. Xong nàng trả tiền nước rồi đi về hướng chị chủ quán đã chỉ. Nắng hắt trên đầu nghe nóng rang người. Đúng anh đi đã hơn ba năm.

Bà Khang đang lui cui nhóm bếp để nấu bửa cơm trưa thì nghe tiếng động lịch kịch ở ngoài sân, bà bỏ bếp chạy ra. Thấy người đàn bà cùng bốn đứa bé đi vào, bà dụi mắt. Trông người đàn bà lạ chứ không quen, bà đang loay hoay suy nghĩ thì Hạnh đã lên tiếng:

– Xin cho con hỏi, đây có phải là nhà của bà Khang mẹ anh Hoạt không?

Nàng biết đúng là bà Khang vì Hoạt giống bà lắm, bà Khang trả lời:

–  Đúng, tôi là mẹ thằng Hoạt đây.

Nàng nói nhanh:

–  Thưa mẹ, con là Hạnh, vợ của anh Hoạt, ảnh đi tập trung cải tạo ở trong Nam đã ba năm chưa về, nên nay con tìm về với mẹ, các cháu mẹ đó, một mình con khổ quá, con nuôi không nổi tụi nó.

Bà Khang cũng bất ngờ quá, nhưng bà tin. Dù con bà có thất lạc tin tức từ ngày giải phóng, nhưng bà vẫn tin. Nó sẽ tìm về, hoặc chỉ đường cho vợ con nó tìm về với bà. Nhìn bốn đứa nhỏ mang hình ảnh của Hoạt của bà, bà chảy nước mắt, bà nói nhanh:

– Con đó hả, mẹ chưa biết con, vì chiến tranh mẹ con chưa gặp nhau, bây giờ con về đây thì mẹ mừng quá.

Nước mắt bà chảy ra, chảy ra vì những niềm vui ùa đến mà bà không lường trước được, bà có nghĩ đến một ngày nào đó bã sẽ được gặp các cháu của bà, con dâu của bà, nhưng bà không nghĩ ngày đó là hôm nay.

Bà Khang bỏ ra một chỉ vàng còn lại duy nhất, sắm cho Hạnh một đôi quang gánh và đưa nàng một số vốn nhỏ, để nàng đi buôn hàng xáo. Buôn hàng xáo là đi mua những thứ hàng lặc vặc ở các vùng quê xa, như con gà, thúng lúa, trái bầu, trái mít chín, có gì mua nấy, rồi đem về chợ bán lại cho khách hàng. Công việc cũng nặng nề lắm, Nắng miền Trung tỏa từng tia nắng sắc cạnh xuống người Hạnh, khiến da nàng đen sạm lại. Nàng tự nhủ, mình phải cố gắng phấn đấu, phải nuôi cho các con nên người.

Ba đứa con lớn, nàng cho đi học, con bé Ngoan, con đầu lòng, vào học lớp 2, vì trong hai năm qua, con bé ở thành phố, nàng có cho nó đi học lớp mẫu giáo và đã qua lớp một. Bé Ngoan đem về nhà cái sổ lý lịch học sinh, nhờ nàng điền vào. Trong sổ có những mục, nàng ghi vào là:

Tên cha: Nguyễn Quốc Hoạt.

Nghề nghiệp : Sĩ quan ngụy, cấp bậc, đại úy, hiện đang tập trung học tập cải tạo.

Bé Ngoan đem nạp sổ học sinh. Hôm sau về nhà, nó kể lại nàng nghe:

–  Mẹ biết không, ba là sĩ quan ngụy ghê lắm đó, thầy giáo dạy con nói lính ngụy ác lắm,  ăn thịt người đó mẹ.

Nàng dỗ con:

–  Con học gì cũng được, nhưng ba con không xấu đâu, ba không ăn thịt người đâu, ba tốt với mẹ  con mình lắm.

Đêm đó nàng nằm bên các con mà khóc lặng lẽ, nước mắt cứ tự động trào ra.

Ông Thâu là công an xã, gia đình ông vốn làm thuê nhà bà Khang đã mấy đời, ông nhảy núi lúc hai mươi lăm tuổi, ông vào du kích rồi lên lực lượng vũ trang nhân dân, đến ngày giải phóng  ông về làm công an xã vì có công với cách mạng.

Khi Hạnh đem tờ khai tạm trú dài hạn ra cơ quan công an xã cho ông thị thực, ông nhìn Hạnh không chớp mắt rồi cười cười nói:

–  Gia đình bà Khang với tôi đâu có xa lạ gì. Ngày tôi theo cách mạng  thằng Hoạt còn đi học mà. Nó đi lính lên đến cấp đại úy tức nó có tội lớn với nhân dân đã đành, nó còn làm khổ cho cô nữa. Tôi biết nó sẽ ở tù mút chỉ thôi, cô đừng tin ngày về của nó. Cô cứ ở đây đừng lo gì hết, có gì tôi bảo lãnh cho.

Thâu công an cười nheo nheo cái mủi trông không giống ai, nhưng Thâu cứ nghĩ đó là cách làm duyên dễ thương của gã để quyến rũ đàn bà. Thâu nhảy núi theo cách mạng đến bây giờ vẫn chưa vợ chưa con, nay gã thấy Hạnh là vợ sĩ quan ngụy vẫn còn nhan sắc, nên gã muốn bờm xờm với Hạnh. Hạnh vẫn nhỏ nhẹ thưa:

–  Được chú giúp đở con cảm ơn nhiều lắm.

Thâu vẫn khề khà nói:

–  Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ nầy, anh xin cho em vô hộ khẩu luôn cũng được chứ khó khăn chi, người khác anh lấy năm chỉ vàng, còn với em  chỉ cần em đồng ý với anh là được.

Thâu công an xưng anh với nàng tỉnh bơ, kèm theo nụ cười đểu cáng.

Hạnh vẫn nhỏ nhẹ trả lời:

–  Chú nói chơi vậy thôi chứ con không dám, con là gái có chồng.

Nghe nàng nói, nét mặt Thâu sắc lại, nhìn mà kinh hải.

Cầm tờ khai tạm trú về nhà mà lòng Hạnh buồn vô kể, mình đã xuống cấp quá đổi rồi. Trong chuyến xe lửa từ Sài Gòn về đây, một ông già buôn hàng chuyến ngồi bên nàng, trong đêm khuya tỉnh mịch, ngoài tiếng tàu kêu ì ầm và tiếng ngủ ngáy của bốn đứa con, Hạnh trong cơn lơ mơ, nàng nghe như có một cái gì nhột nhạt ở phía dưới đùi, nàng dụi mắt cho tỉnh ngủ, nàng chợt cảm thấy có một bàn tay đang sờ soạn trong quần nàng, nàng hoảng kinh vội hất tay ông khách ra khỏi đùi, thì ra ông khách đồng hành đã lợi dụng trong đêm khuya để dở trò dê cụ. Bây giờ đến người công an xã, gã ký chữ ký như mèo quào, không nhìn ra chữ gì, còn làm bộ đem lòng thương hại hứa hẹn giúp đở nàng. Ơi những ngày hoa bướm cũ ở Long Xuyên nay còn đâu, anh chàng trung úy trên cổ áo gắn hai bông mai đen, chạy chiếc xe jeep đầy bùn đất, đón nàng đi học về từ cổng trường nữ trung học. Từ cô nữ sinh, rồi cô giáo trung học, đứng trên bục giảng nhìn xuống đám học trò đang mãi mê chép bài, Rồi đến những tháng ngày nàng làm vợ anh. Anh từ Đại đội trưởng một đại đội bộ binh, rồi lên làm Tiểu đoàn trưởng chỉ huy hàng mấy trăm quân lính. Bây giờ anh ở đâu rồi? Hoạt ơi!

Về đây, từ ngày có Hạnh, bà Khang giao mọi công việc cho nàng. Mỗi buổi sáng, Hạnh dậy thật sớm lo nấu cơm cho cả nhà ăn, rồi phải nấu cám rau heo cho mấy con heo nái bà Khang nuôi đẻ. Mỗi lứa hai con heo nái đẻ được 6, 7 con heo con. Hạnh nuôi giúp bà để kiếm thêm tiền chợ, mua gạo, mua rau, mua cá, về cho con ăn. Khi mọi việc đã xong, các con đi học, đứa nhỏ còn ngủ với bà nội, nàng mới  quang gánh lên đường, đi đến tận các vùng quê xa để mua hàng, mua thổ sản, gánh về chợ bán. Đôi vai nàng ngày mới đầu đặt cái đòn gánh lên đã nghe nặng trĩu, đau buốt, rồi sau đó nổi lên một cục u sần, riết rồi chai cứng đi.

Đến bây giờ là năm thứ năm ngày anh đi tập trung, nàng trở thành người đàn bà nhà quê chính hiệu, buôn thúng bán bưng, quần xăn đến đầu gối, chạy le te từ chỗ nọ sang chỗ kia, gánh những gánh hàng nặng trĩu, ngủ ngồi, ngủ đứng, ăn đường, ăn sá, tất bật từ sáng đến chiều mà làm không đủ nuôi bốn đứa con.

Bé Ngoan nay đã trên mười hai tuổi, nó bắt đầu vô trung học. Lại phải viết lý lịch cho con, nàng cũng ghi như hồi nó học cấp một. Nhưng hôm nay nó đem tờ khai lý lịch về và mếu máo khóc với nàng:

– Mẹ ơi, lý lịch con mẹ ghi ba là sĩ quan ngụy, ở trường thầy giáo nói không cho con học nữa.

Nàng cùng khóc với con và không biết làm gì hơn, nàng đành đem ra công an xã hỏi ông Thâu, Thâu nhìn nàng như muốn ăn tươi nuốt sống:

– Tôi đã nói với cô rồi, thằng Hoạt đi tù không có ngày ra, tôi muốn lấy cô làm vợ để lo lắng săn sóc cho cô và các con cô mà cô không chịu. Nay con cô đi học phải có lý lịch tốt chứ con lính ngụy thì nó có học giỏi bao nhiêu cũng đành chịu thua. Thôi để tui giúp cô, lần nầy cô hãy làm giấy khai tử cho chồng cô đi, con Ngoan khai cha chết là hết chuyện, cô đồng ý không?

Hạnh gạt nước mắt về nhà làm theo ý ông Thâu, trong lý lịch của các con nàng bây giờ khai tên cha đã chết. Như vậy là nàng đã trở thành góa phụ, chồng còn đó mà coi như đã chết, nàng là góa sống phải không?

Những người ngắm nghé nàng thuở nào nay đều có vợ, Thâu công an cũng đã lấy cô Vang, giáo viên tiểu học, ba mươi tám tuổi chưa chồng, làm vợ. Lúc trước, Thâu đã mấy lần trong đêm khuya tới nhà nàng tò vè, toan làm ẩu, nhưng nàng la lớn lên và các con nàng ngủ bên cạnh, thức dậy kêu khóc vang trời, khiến Thâu đành rút lui. Lâu ngày quá thấy không xơ múi được gì ông Thâu bèn đi tìm mối khác. Còn mấy người tài xế xe lam, xe khách, thường đến nhà nàng biếu quà cho các con, rồi ởm ờ tán tỉnh, chọc ghẹo nàng, bây giờ gặp nàng cũng lơ đi. Hạnh đã qua cái thời xuân sắc.

Đến năm thứ mười từ ngày Hoạt đi trình diện tập trung học tập, Hạnh đã bốn mươi lăm tuổi, nàng nghe trong người nàng cứng nhắt, kinh nguyệt tháng có, tháng không. Nàng đã quên hẳn chuyện vợ chồng, ân ái, dù có nhiều lần nằm gát tay lên trán, nàng cảm thấy rất thèm thuồng một vòng tay ôm của Hoạt, một nụ hôn của Hoạt, một bàn tay âu yếm vỗ nhẹ  rồi choàng trên lưng nàng. Nhưng ngày tháng đó đã qua, xa lắm.

Đến năm bốn mươi bảy tuổi, Hạnh hết kinh, nàng khô rang như một con tép nướng.

Những đứa con nàng đã bắt đầu lớn, nhưng không thi vào đại học được vì lý lịch của cha, tụi nó chỉ làm được một nghề duy nhất là bán nước trà đá và thuốc lá lẻ trên những chuyến tàu lửa Bắc Nam.

Hoạt vẫn chưa về. Anh bị kết án 20 năm vì tội khi đi lao động trên hiện trường, anh đã cướp súng vệ binh, bắn vệ binh bị thương rồi trốn trại. Nhưng anh không đi thoát được.

 

Trần Yên Hòa

(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét