Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Những người bạn chân tình - Dương Viết Điền

 

Đại Úy Lực Lượng Đặc Biệt Trương Thúc Cổn

 

 

 

 

                         Từ trái: Cựu Đ/U LLĐB Trương Thúc Cổn, Cựu Đ/U Dương Viết Điền

(Hình chụp năm 1987 Đ/U Cổn vừa được phóng thích, gặp nhau tại Huế).

 

Bây giờ, tôi xin kể đến người thứ hai, anh Trương Thúc Cổn. Gọi là bạn chứ thực ra anh Cổn lớn hơn tôi tới 6 tuổi, nên tôi vẫn thường kêu anh Cổn bằng anh.

Anh Cổn sinh năm 1937 tại Quảng Trị. Anh đang dạy học thì được lệnh động viên gọi theo học khóa 14 Thủ Đức. Sau ngày mãn khóa, anh tình nguyện gia nhập Lực Lượng Đặc Biệt. Cho đến khi mang cấp bậc Đại úy, anh được biệt phái về Bộ Giáo Dục và chuyển về dạy học tại trường Trung học Hàm Nghi ở Huế.

Năm 1975, anh bị đưa vào Trại tù cải tạo Ái Tử tại tỉnh Quảng Trị, sau đó về Bình Điền. Do tình cờ, anh nằm bên trái tôi nên chúng tôi quen biết và trở thành thân nhau. Anh là một trong những người có sức khỏe kém nhất trong đội. Có lẽ do cái bệnh đau lưng kinh niên khiến anh đã yếu, ngày càng yếu hơn, do ăn uống thiếu thốn mà lao động lại quá sức. Trong mọi sinh hoạt hàng ngày, anh luôn luôn chậm chạp hơn tất cả mọi người. Việc này khiến nhiều anh em khác trong đội lắm lúc phải bực mình. Nhiều người đã làm xong công việc, muốn nghỉ ngơi nhưng phải đợi toàn đội hoàn tất công tác mới được phép! Lúc đầu họ tỏ vẻ khó chịu, lâu ngày, anh em quen dần với sự chậm chạp của anh, hiểu được điều kiện sức khỏe yếu kém của anh nên họ cũng thông cảm.

 

Anh Cổn sống chung cùng đội với tôi khá lâu, cũng khoảng 2 năm mới phải tách rời. Vì sức khỏe kém nên anh được “biên chế” qua đội Rau xanh, làm việc quanh trại, không phải đi xa. Dĩ nhiên, dù khác đội, chúng tôi vẫn tìm cách bí mật liên lạc với nhau để trao đổi tin tức.

Khoảng năm 1983, cũng do “biên chế”, tôi lại ở chung đội với anh Cổn. Trong thời gian ở đội Rau xanh này, đội chuyên trồng rau để cung cấp cho trại, anh Cổn đã mất ăn mất ngủ hàng tháng vì bị bọn cán bộ trại đe dọa, khủng bố thường xuyên.

 

Tuy lớn tuổi hơn tôi nhưng anh Cổn vẫn còn độc thân nên không phải bận tâm về gia đình. Có lẽ vì vậy, anh tỏ ra liều lĩnh và gan dạ hơn người chăng? Nếu anh Trần Văn Cát thường đương đầu với bọn cán bộ theo kiểu võ biền thì ngược lại, anh Cổn lại áp dụng đường lối ôn hòa, bằng những phương thức có tính cách chính trị.

 

Anh là người thường xuyên đấu trí với bọn cán bộ làm chúng phải điêu đứng nhiều phen. Đối lại, ban giám thị trại cũng không ngại ngùng dùng những thủ đoạn đe dọa, khủng bố khiến anh Cổn phải xiểng liểng liên tục. Trong hoàn cảnh tù đày, lý lẽ của kẻ mạnh thuộc về bọn cai ngục. Kết quả, sau những lần đấu trí, dù áp đảo được bọn cán bộ, anh vẫn bị chúng tống vào nhà kỷ luật. Bị đưa vào nhà giam nhiều lần, anh Cổn vẫn không tỏ ra nao núng, sợ sệt, lúc nào cũng nở một nụ cười, miệt thị cách trả thù hèn hạ của bọn cai tù. Anh sống một cuộc sống thoải mái, bình dị, không thèm bon chen để kiếm thêm một chút lợi lộc vật chất nhỏ nhoi nào đó, dù anh không được ai thăm nuôi cả. Sau này, có một người bạn gái có lên thăm anh đâu vài ba lần nhưng quà cáp cũng chả là bao. Việc thăm nuôi này không thể hiện bằng vài món quà vật chất tầm thường mà nói lên sự thủy chung tình cảm cao đẹp giữa bạn bè, giữa con người với nhau trong một hoàn cảnh khốn cùng.

 

Để có được sự bình thản trong tâm hồn, hàng đêm, sau một ngày lao động mệt nhọc, anh vẫn dành thời giờ im lặng ngồi thiền trong bóng tối. Anh đúng là một mẫu người mà “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Dĩ nhiên, tôi muốn nói về anh Cổn theo ý nghĩa của câu “nhân vô thập toàn”.

 

Vì thân thiết, anh Cổn thường tâm sự với tôi khá nhiều. Năm 17 tuổi, anh đã gặp ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tại Quảng Trị. Sau cuộc đàm thoại ngắn ngủi, nhìn sắc diện anh Cổn, ông Nhất Linh đã thoa đầu anh và nói:

 

- Bác đặt hy vọng ở cháu rất nhiều.

 

Tuy vậy, anh Cổn vẫn không muốn vào Đảng mặc dù anh rất thích làm chính trị ngay từ thuở thiếu thời.

 

Hồi còn học trường Quốc Học ở Huế, khi thấy anh Cổn có tài ăn nói hùng biện, có nhiều nét nổi bật so với các học sinh khác trong lớp, giáo sư Dương Thiệu Tống đã từng bảo anh:

 

- Trong tương lai, trò phải làm lãnh tụ mới được!

 

Chỉ cần vài nhận xét của các bậc tiền bối, cũng như qua tiếp xúc với anh, tôi thấy anh có những nét độc đáo khác người. Không những thế, trong cuộc sống tù đày tại trại tù cải tạo, những nét độc đáo đó càng thể hiện rõ rệt hơn. Ở Trại 1 cải tạo Bình Điền, mỗi lần nhắc đến tên anh, tên cán bộ nào cũng đều biết hết.

 

Anh luôn luôn tỏ ra liều lĩnh, gan dạ. Tôi nhớ có lần ngồi ở nhà lô của đội Rau xanh trong lúc giải lao, một căn chòi để anh em ngồi nghỉ trong lúc canh gác, bảo vệ hoa màu, chỉ có tôi, anh Vệ và một tên cán bộ dẫn giải. Tên này, mới đổi về trại chừng vài tháng, nhìn anh Cổn hỏi:

 

- Tôi nghe nói anh lì lợm lắm phải không anh Cổn?

 

Anh lấy tay chỉ vào đầu:

 

- Lì lắm, lì lắm!

 

Thế mà tên cán bộ chỉ nhe răng cười, lắc đầu, không nói năng gì cả.

 

Anh Cổn hay đọc sách tiếng Anh lúc rảnh rỗi. Không những thế, anh còn dạy Anh văn cho nhiều anh em trong trại. Anh dạy công khai, không sợ sệt, mặc dù đây là việc “quốc cấm” trong các trại tù cải tạo. Chính vì vậy, anh bị gọi lên đe dọa thường xuyên. Trước mặt bọn chúng, anh vẫn điềm nhiên trả lời rất chững chạc. Anh bảo, trước đây anh là giáo sư dạy môn Anh ngữ và Việt văn nên việc đọc sách tiếng Anh chỉ nhằm trau dồi nghề nghiệp. Còn dạy Anh văn, chẳng qua anh muốn giúp bạn bè biết thêm một ngoại ngữ ngõ hầu đọc được sách báo ngoại quốc, thu thập thêm những kiến thức văn minh của các nước tiên tiến, nhất là những vấn đề khoa học kỹ thuật để sau này, khi được tha về, có cơ hội góp phần phục vụ đất nước tốt hơn!

 

Nghe anh trả lời vậy, bọn cán bộ cứng họng. Chúng chỉ còn cách buộc tội anh là đã vi phạm nội quy để cấm anh không được tiếp tục vì sợ anh lợi dụng chuyện đó để móc nối anh em, tuyền truyền chống đối. Dù bị đe dọa, anh vẫn lén đọc. Bất kỳ sách báo nào bằng tiếng Anh, lượm được hay bạn bè tặng cho, mà nguồn cung cấp là do một số thân nhân, bí mật lén chuyển vào trại trong những lần thăm nuôi.

 

Vì nổi tiếng như vậy, một vài cán bộ lén đến gặp anh để mượn sách học, chẳng hạn như tên cán bộ Dương, sinh quán miền Bắc. Nó kín đáo đền tìm anh nhiều lần, mượn sách cũng có, nhờ anh dạy tiếng Anh cũng có.

 

Một vụ xảy ra vào năm 1984 tại Trại Bình Điền, liên quan đến Đại Đức Thích Thiện Tấn, đã khiến anh phải đương đầu với ban giám thị trại suốt mấy tháng trời, mất ăn mất ngủ.

 

Đại Đức Thích Thiện Tấn là một nhà sư bị đưa lên trại vì nằm trong tổ chức mệnh danh là “Da vàng” chống Cộng sản Việt Nam. Sau khi tìm hiểu nhau qua những giờ rảnh rỗi, anh Cổn đã làm quen với nhà sư này. Hai người quen nhau nhanh chóng cũng một phần vì hai người có chút liên hệ bà con. Theo vai vế, Đại Đức Thích Thiện Tấn phải gọi anh Cổn bằng dượng. Vì vậy, hai người thường gặp gỡ nhau tâm sự. Dĩ nhiên, khi thì công khai, khi thì bí mật để tránh sự theo dõi của đám “ăng-ten” được chừng nào hay chừng đó.

 

Vào một buổi tối, sau khi ăn cơm xong, tôi đang nằm học châm cứu thì anh Trần Viết Hòa, năm cạnh tôi, nói nhỏ cho tôi biết, anh Cổn đang dịch một bài diễn văn từ tiếng Việt sang tiếng Anh cho Đại Đức Thích Thiện Tấn để chờ phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến thăm trại sẽ đọc. Nghe có phái đoàn Liên Hiệp Quốc sắp đến trại tôi mừng quýnh lên, không thèm hỏi thêm, trèo lên tầng trên, chỗ anh Cổn nằm để biết hư thực. Ở tù lâu quá, sang năm thứ 10 rồi vẫn chưa được trả tự do, tâm trí tôi nhiều lúc rối loạn, hành động nhiều khi không còn bình tĩnh sáng suốt, làm mà không còn e dè hậu quả, tới đâu thì tới.

 

Lần này, tôi nghĩ bụng, quyết chí tham gia vào nhóm hành động để tố cáo chế độ lao tù của Cộng sản trước phái đoàn Liên Hiệp Quốc. Trong thời gian giữ trâu, tôi đã bí mật sáng tác được bản nhạc “Tiến về Đông Dương”. Vì vậy nhân có phái đoàn Liên Hiệp Quốc đền, tôi muốn trình diễn bài này cho phái đoàn nghe để khi họ rời Việt Nam, họ sẽ vận động kêu gọi nhân dân thế giới tiến về giải phóng cho Việt Nam nói riêng, và toàn cõi Đông Dương nói chung. Đây là cơ hội ngàn năm một thuở, nếu không tham gia thì chắc suốt kiếp tù đày, khó mà có cơ hội như thế này nữa.

 

Vừa đến chỗ anh Cổn, tôi thấy anh đang cầm cây bút ngồi hí hoáy viết. Tôi ngồi xuống bên cạnh, hỏi nhỏ:

 

- Này, phái đoàn Liên Hiệp Quốc sắp đến phải không? Nghe đâu anh đang dịch bản văn của Đại Đức Thích Thiện Tấn  ra tiếng Anh để chờ phái đoàn đến sẽ đọc, đúng không?

 

Anh Cổn trả lời:

 

- Không phải dịch mà đích thân mình viết cho Đại Đức Thích Thiện Tấn luôn.

 

Sợ để mất cơ hội ngàn vàng, tôi liền nói với anh Cổn:

 

- Vậy mà anh không nói cho tôi biết với. Nhờ anh nói với Đại Đức cho tôi tham gia vào nhóm ấy đi. Nhân tiện tôi sẽ trình bày bản nhạc “Tiến về Đông Dương” trước phái đoàn do tôi sáng tác luôn.

 

Thấy tôi có vẻ nôn nóng, anh Cổn mỉm cười bảo:

 

- Từ từ để mình nói cho nghe. Đại Đức Thích Thiện Tấn mới nhờ mình chiều nay mà thôi. Đây không phải là do một nhóm hành động. Chỉ có mình Đại Đức Thích Thiện Tấn mà thôi.

 

Nghe anh nói thế, tôi thật thất vọng. Cơ hội ngàn năm một thuở không thể thực hiện. Ngay bây giờ, việc anh Cổn đang làm tôi cũng không giúp gì được. Tôi bèn nói vài câu từ giã anh và chuẩn bị bỏ về chỗ mình. Anh Cổn khẽ níu tôi lại, ghé sát tai tôi thì thầm:

 

- Mai mình sẽ kể vụ này cho mà nghe.

 

Trước khi về chỗ, tôi còn nuối tiếc:

 

- Nhớ thuộc lòng rồi viết lưu lại cho tôi một bản nghe.

 

Anh trả lời:

 

- Được rồi.

 

Sáng hôm sau, tôi dắt con Pháo, tên con trâu trại giao cho tôi chăn giữ đến cột vào một gốc chuối và ngồi nghe anh Cổn kể vụ phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến. Vì anh Cổn đang làm cỏ ở đội Rau xanh, còn tôi giữ trâu, nên tôi có thể đến chỗ anh dễ dàng, nhất là trong khoảng thời gian giải lao. Anh nói, không hiểu nghe nguồn tin từ đâu mà Đại Đức Thích Thiện Tấn báo cho anh biết sẽ có một phái đoàn Liên Hiệp Quốc sắp đến trại. Ông ta muốn một mình, đại diện Phật Giáo trong trại, đứng ra tố cáo chế độ lao tù của Việt Cộng trước phái đoàn Liên Hiệp Quốc. Vì Anh ngữ hơi “yếu” nên ông nhờ anh Cổn soạn dùm bài. Khi nghe vậy, anh có nhắc nhở Đại Đức Thích Thiện Tấn phải nên cẩn thận kiểm soát lại nguồn tin, có thể không chắc chắn. Theo anh, nếu có cho phép một phái đoàn quốc tế nào đó vào thăm một trại tù cải tạo thì bọn Việt Cộng dại gì đưa vào Trại Bình Điền. Biết bao trại ngoài Bắc, chúng dễ sắp đặt hơn. Vả lại, dù có xảy ra tại Bình Điền, tụi nó đâu có ngu mà để cho phái đoàn tiếp xúc với anh em phe ta. Chúng phải đẩy cái đám “ăng-ten” ra làm kiểng với phái đoàn chứ!

 

Nói sao thì nói, Đại Đức Thích Thiện Tấn vẫn quả quyết là sẽ có phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến trại. Ông chỉ nhờ anh Cổn viết dùm bài trình bày và hứa sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Cả nể, anh Cổn nhận lời. Sau khi viết xong, anh liền trao ngay cho ông Đại Đức. Gọi là ngay nhưng cũng phải mất mấy ngày bản văn mới tới tay nhà sư vì phải thật kín đáo, qua vài trung gian để che mắt đám “ăng-ten”.

 

Như đã hứa, anh Cổn cũng chép cho tôi một bản. Tôi cầm nó ra giữa đồng, ngồi trên mình trâu, đọc đi đọc lại. Buồn buồn, ngày nào cũng đọc đến độ thuộc luôn.

 

Mấy ngày sau, Đại Đức Thích Thiện Tấn đã hoàn toàn (sở dĩ tôi dùng chữ hoàn toàn là vì, để an toàn, bản văn được ngắt làm 2, chuyển đi 2 lần cho an toàn) nhận được bản văn chống chế độ lao tù của Cộng Sản bằng Anh ngữ do anh Cổn viết. Một buổi trưa, trước khi kẻng báo nghỉ giữa ngày, tôi vào trại lãnh phần ăn trưa, nhân tiện ghé qua phòng ngủ lấy lon gô nước uống thì thấy anh Cao Hữu Hòa, cựu Thông dịch viên của Tòa Lãnh sự Mỹ ở Huế, ngoắt tôi lại nói nhỏ:

 

- Bọn nó gọi “moi” lên dịch một bản văn bằng Anh ngữ ra tiếng Việt. “Moi” liếc thấy nét chữ thằng Cổn. “Moi” chưa dịch gì cả thì nó bảo thôi, về đi. Đừng nói với Cổn nghe.

 

Nói xong anh Hòa bỏ đi ngay. Nghe vậy, mặt tôi tái mét. Bỏ mẹ, thế là bản văn chống chế độ lao tù mà anh Cổn trao cho Đại Đức Thích Thiện Tấn đã bị chúng nó chụp được. Khi nói với tôi, anh Hòa cứ nghĩ là tôi không biết gì về bản văn đó cả. Sở dĩ anh ta được kêu lên dịch vì ban giám thị nắm lý lịch, biết anh ta từng là Thông dịch viên. Về sau, anh Hòa giải thích cho tôi biết, bọn cán bộ không muốn anh dịch bản văn có lẽ vì sợ khi về đội anh sẽ tiết lộ nội dung cho các anh em khác biết. Do đó, cho tới bây giờ, anh Hòa cũng không biết trong đó viết những gì.

 

Khi lãnh phần ăn trưa xong, về phòng, tôi cứ đi đi lại lại, suy nghĩ thắc mắc không hiểu tại sao Đại Đức Thích Thiện Tấn lại bị bắt nhanh như vậy. Một lúc khá lâu, tôi mới sực nhớ là chưa báo cho anh Cổn biết, lật đật ra khỏi trại, đến khu đội Rau xanh tìm anh. Chưa kịp gặp, kẻng báo bãi việc đã vang lên.

 

Trưa đó, khi anh Cổn vừa vào trong trại định lấy gàu múc nước xuống giếng rửa ráy, lúc đi ngang cửa sổ, anh Phạm Cang, Tiểu đoàn trưởng TĐ7TQLC, ngồi trong nói vọng ra:

 

- Bị “chớp” rồi, bị “chớp” rồi.

 

Nghe thấy vậy, anh Cổn giật mình hỏi lại:

 

- Cả hai há, cả hai há?

 

- Cả hai, cả hai luôn.

 

Tiếng anh Cang đáp trả từ trong. Nghe được, anh Cổn hơi tái mặt. Sở dĩ anh Cang nói “cả hai luôn” là vì anh ta cũng biết hết diễn tiến câu chuyện. Anh Cổn, để phòng xa đã nghĩ ra cách chia làm 2 bản viết. Bản đầu, hơi phức tạp, giả như có bị rớt, ai lượm được, đọc lên cũng thấy vô nghĩa. Bản thứ hai là bản nguyên văn do chính nét chữ anh Cổn viết. Bởi vậy, khi nghe anh Cang nói cả hai bản đều bị tịch thu, anh Cổn cảm thấy hơi choáng váng là vì vậy. Chỉ còn nước chờ đợi cuộc đấu trí giữa anh với bọn cán bộ an ninh trại chưa biết sẽ diễn ra lúc nào đây.

 

Sau 3 ngày bị kêu lên làm việc, chúng đã quay anh như chong chóng, vừa đe dọa, vừa khủng bố tới tấp. Để “đáp lễ”, anh Cổn cũng không vừa. Tung hết chưởng này sang chưởng nọ khiến bọn cán bộ lâm vào hỏa mù xiểng liểng, điêu đứng. Bằng hết lý luận này đến lý luận khác, anh như một luật sư, hùng hồn bào chữa cho chính mình. Cuối cùng anh thắng và bọn giám thị chỉ buộc anh phải làm tờ kiểm điểm mà thôi.

 

Khi sự việc kết thúc, anh Cổn kể lại cho tôi nghe. Như đã nói ở trên, vì muốn phòng xa, anh Cổn đã chia bản văn chống đối thành hai bản, trên 2 tờ giấy khác nhau. Tờ thứ nhất, anh viết 10 dòng. Cứ một dòng, anh viết vài chữ rồi để trống một đoạn. Dòng kế tiếp cũng vậy, cho đến khi hết bản văn. Tờ thứ hai cũng thế. Chỉ có khác là, ở vị trí những chỗ trống trên bản văn của tờ thứ nhất, tờ thứ hai lại có chữ. Đại khái giống như những bài tập làm văn khi chúng ta còn học hồi nhỏ, điền vào những chỗ trống cho câu văn đầy đủ ý nghĩa và hợp lý. Anh Cổn nhờ một người thân trao cho Đại Đức Thích Thiện Tấn bản thứ nhất. Tiếp theo, anh bí mật nhờ anh Nguyễn Tri Tấn, Trung tá Trung đoàn phó TRĐ2 Bộ Binh, trao bản thứ hai. Sau khi Đại Đức Thích Thiện Tấn nhận đủ hai bản, anh yên trí và coi như xong nhiệm vụ. Nào ngờ, vài ngày sau, nhà sư nhờ người nhắn lại, ông ta đọc mà không hiểu gì hết, xin anh Cổn viết lại nguyên bản!

 

Khi nghe nhắn lại như vậy, anh Cổn rất bực mình. Chỉ có một bản văn điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa mà nghĩ cũng không ra thì còn làm ăn gì được! Nhưng rồi, anh cũng phải nén lòng viết lại và một lần nữa, nhờ người bí mật chuyển lại cho Đại Đức Tấn. Nhận được nguyên bản đầy đủ, Đại Đức Thích Thiện Tấn mừng rỡ vô cùng. Sáng hôm sau, đúng vào ngày thứ hai, Đại Đức Tấn giả đò khai bệnh để được ở nhà. Khi mọi người ra ngoài lao động, một mình một cõi, ông ta giở bản văn của anh Cổn ra, để trước mặt và chép lại. Anh Cổn cho biết, sở dĩ nhà sư làm như vậy vì ông ta bảo chữ anh Cổn viết hơi nhỏ nên khó đọc. Không ngờ, đang cặm cụi viết, không để ý, tên cán bộ Đính trực trại, thình lình đi ngang qua, thấy “ngài” Đại Đức đang loay hoay gò mình ghi ghi, chép chép cái gì nên tò mò vào xem. Thật đúng là đùa với lửa! Ai đời, chép một bản văn chống chế độ lao tù mà ngồi công khai, thoải mái giữa thanh thiên bạch nhật, ngay trong phòng! Nghe tiếng chân bước vào, Đại Đức Tấn hết hồn quay ra nhìn, thấy bóng dáng tên cán bộ, ông ta quơ vội mấy tờ giấy, định nhét dấu dưới chiếu nhưng không kịp nữa. tên Đính gom hết tang vật đem về ban chỉ huy trại. Thế là xong! Phái đoàn Liên Hiệp Quốc chừng nào đến thì chưa thấy, nhưng cảnh đen tối với những kẻ phạm tội thì chắc chắn sẽ diễn ra.

 

Bị chất vấn 3 ngày liên tục, anh Cổn rất bực bội và tức giận. Anh nói với tôi:

 

- Ai ngờ Thái Thanh Hùng (tên tục của Đại Đức Thích Thiện Tấn) ngơ ngơ như vậy.

 

Vung hai cánh tay lên xuống như để trút bớt cơn bực bội trong người, anh nói tiếp:

 

- Mình cứ tưởng hắn học thuộc rồi đốt ngay. Ai ngờ, giữa thanh thiên bạch nhật mà dám làm như vậy. Anh văn kém như thế mà cũng đòi làm chính trị!

 

Tôi bảo anh:

 

- Lỗi tại anh. Anh không chịu tìm hiểu thật kỹ về ông ta. Nếu biết ông ta không khá Anh văn, tại sao anh không viết luôn bằng tiếng Việt có phải hay hơn không? May mà Đại Đức Thích Thiện Tấn hành động một mình chứ nếu có một nhóm hành động, tôi “nhào vô”, chắc giờ này cũng lãnh đủ!

 

Nghe tôi nhắc tới bản văn bằng tiếng Việt, anh Cổn cho biết thêm. Lúc bị bắt tại trận, trong khi chờ bọn cán bộ trại kêu lên làm việc, Đại Đức Thích Thiện Tấn còn nhờ người nhắn với anh Cổn cố gắng gửi cho ông ta một bản văn bằng tiếng Việt để ông ta xem và học thuộc trước.

 

Lỡ phóng lao phải theo lao. Anh Cổn tức tốc viết ngay. Không làm như vậy, nếu bị bọn cán bộ chất vấn, Đại Đức Tấn không biết nội dung bản văn, chúng sẽ truy ra tác giả thật sự của nó là ai. Nếu Đại Đức Tấn nói được nội dung bản văn thì tội của anh Cổn chỉ là giúp Đại Đức Tấn dịch sang Anh ngữ mà thôi, anh không phải là người sáng tác. Chính vì thấy được tầm quan trọng và  sự cấp thiết, anh Cổn đã hoàn tất thật nhanh bản văn bằng tiếng Việt. Vấn đề còn lại là làm sao để có thể trao tận tay Đại Đức Tấn. Lúc này, đám “ăng-ten” đang dòm ngó khắp nơi. Nhất cử nhất động của anh Cổn cũng như Đại Đức Tấn đều bị chúng bám sát. Cuối cùng, anh Chung, Đại úy TQLC, đến gặp anh Cổn nói anh trao bản văn cho anh để anh chuyển lại cho Đại Đức Tấn. Anh Cổn mừng quá và trao ngay vì anh Chung cũng là người thân cùng nhóm. Nhận được bản văn, Đại Đức Tấn cũng mừng rỡ không kém, học ngày đêm liên tục. Cũng may bản văn chỉ vỏn vẹn có 7 điểm nên ông ta học thuộc cũng rất nhanh. Nhờ vậy, khi trình bày trước bọn cán bộ an ninh trại, hai người trả lời khá ăn khớp.

 

Sau đây là nguyên văn bản chống chế độ lao tù Cộng sản do Đại úy LLĐB Trương Thúc Cổn, viết bằng Anh ngữ trao cho Đại Đức Thích Thiện Tấn để chuẩn bị đọc khi phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Trại Bình Điền:

 

“Today, I am very glad to have a direct talk to you, representatives of the United Nations. It is a good opportunity for me to present to you some of my opinion about the present government towards the political prisoners in general and all human rights at the camp in particular. As one of the monks imprisoned at this prison because of my opposition to the regime before and also as a special secretary of the Patriarch Monk, a former leader of An Quang Buddhist congregation of South Vietnam before, I would like to present to you some of my following ideas:

 

1- What you are hearing and witnessing at the camp today has been well arranged already. And thus doesn’t reflect faithfully the real situation we are living in.

 

2- We are considered as malfactors, robbers, incests, immoral elements and also as guilty persons of homicide and also given the same way of treatment.

 

3- We are compelled to hard labor while we are being in starvation. So, erery month, our family must bring food to feed us so that we can have enough phisical strength for forced labor. All of us are being undernourishment. Besides, we are always attacked by diseases and also given little medical care.

 

4- Every year, we are provided with 2 suits that can only be used for 6 months.

 

5- The present government always speaks of human policy towards the political prisoners. But is it true? No, it is not true. It is a way of speaking to bluff the public opinions.

 

6- In addition to that, the present government also speaks of human rights. But how is the human rights conceived by the regime. To my way of thinking, human rights is the right to choose communist regime and not to choose non-communist regime. So there are only two choises:

 

- Accepting communist regime or going to prison.

 

In short, we are being in ill-treatment and the whole Vietnamese people are facing a regime based upon violenced oppression for domination. In another word, we are being in tragedy terribly.

 

7- At last, I hope my direct talk to you today will help you understand better the real situation of the political prisoners at the camp we are living in and what you want to know about the Vietnamese society today. I suggest you would have an appropriate measures to prevent me from being revenged. And I would like to take this opportunity to wish you success in your mission.

 

Thank you”.

 

Tạm dịch:

 

“Hôm nay tôi rất lấy làm sung sướng được nói chuyện trực tiếp với Quý Ngài, những người đại diện của Liên Hiệp Quốc. Thật là một cơ hội tốt đẹp cho tôi có thể trình bày lên Quý Ngài một vài quan niệm của tôi về sự đối xử của chính phủ hiện tại đối với các tù nhân chính trị nói chung và những quyền hành trong trại nói riêng.

 

Là một trong những nhà sư bị bắt giam trong trại tù này vì chống đối chế độ cũng là một Tổng thư ký đặc biệt của Giáo Hội Tăng Già, cũng như một cựu lãnh tụ trước đây của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang ở Việt Nam, tôi xin được phép trình bày lên Quý vị một vài ý kiến sau đây:

 

 

1- Những gì mà Quý Ngài đang nghe và đang chứng kiến tại trại này ngày hôm nay, hoàn toàn đã được xếp đặt trước. Vì thế nó không phản ảnh hoàn cảnh trung thực mà chúng tôi đang sống.

 

2- Chúng tôi bị coi như những tên lưu manh, trộm cắp, loạn luân, những phần tử thiếu đạo đức hay những kẻ có tội sát nhân và bị đối xử giống như những thành phần này.

 

3- Chúng tôi bị cưỡng bức lao động trong lúc chúng tôi đang ở tình trạng đói khát. Vì vậy, hàng tháng, gia đình chúng tôi phải mang thực phẩm đến để nuôi chúng tôi ngõ hầu chúng tôi có đủ sức khỏe để thực hiện việc cưỡng bách lao động. Ngoài ra bệnh tật thường tấn công chúng tôi, nhưng vấn đề điều trị chẳng ra gì cả.

 

4- Hàng năm, chúng tôi được phát 2 bộ áo quần và chỉ có thể mặc trong 6 tháng thì rách.

 

5- Chính phủ hiện tại luôn luôn nói đến chính sách nhân đạo đối với tù nhân chính trị. Điều này có thật như vậy không? Xin thưa Quý Ngài là không. Đó chẳng qua là một cách nói để đánh lừa dư luận thế giới mà thôi.

 

6- Thêm vào đó, chính phủ hiện tại cũng nói đến nhân quyền. Nhưng theo chế độ này, nhân quyền được quan niệm như thế nào? Theo thiển ý của tôi, nhân quyền là quyền chọn lựa chế độ Cộng sản và không có quyền chọn lựa chế độ không Cộng sản. Vì vậy có 2 sự lựa chọn:

 

- Chấp nhận chế độ Cộng sản hay vào tù.

 

Tóm lại, chúng tôi đang bị ngược đãi và toàn thể nhân dân Việt Nam đang phải đương đầu với một chế độ dựa vào đàn áp dã man để thống trị. Nói chung, chúng tôi đang ở trong một tình trạng thật thê thảm.

 

7- Cuối cùng, tôi hy vọng rằng những lời mà tôi trực tiếp trình bày lên Quý Ngài hôm nay, sẽ giúp Quý Ngài hiểu rõ hơn về tình trạng thật sự của tù nhân chính trị ở tại trại và những gì Quý Ngài muốn biết về xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Tôi xin đề nghị Quý Ngài nên có một biện pháp thích nghi để bảo vệ tôi khỏi bị trả thù. Và nhân cơ hội này, tôi kính chúc Quý Ngài thành công trên bước đường phục vụ sứ mệnh.

 

 

Cám ơn Quý Ngài”.

 

 

Đại Đức Tấn trình bày nội dung 7 điểm giống hệt như những gì anh Trương Thúc Cổn đã viết. Vì vậy bọn cán bộ không nghi ngờ bản văn này do chính anh suy nghĩ soạn ra mà chỉ cho rằng anh dịch lại những gì Đại Đức Tấn nhờ. Nhờ vậy, anh Cổn chỉ bị chúng bắt làm kiểm điểm mà thôi. Tuy vậy, trong 3 ngày bị kêu lên làm việc, chúng đã vặn vẹo, tra hỏi, trấn áp anh không chút nương tay! Tên Phố, cán bộ giám thị phó của trại, đã nhiều lần hét ra lửa trước mặt anh Cổn, hy vọng anh nhận mình là tác giả, nhưng kết quả cuối cùng không như chúng muốn. Tên Phố chỉ còn cách dằn mặt:

 

- Anh có biết làm như vậy là phạm nội quy không?

 

Anh Cổn ôn tồn trả lời:

 

- Tôi biết, nhưng anh Tấn năn nỉ tôi nhiều lần quá. Chỗ bà con quen biết, tôi cầm lòng không đậu nên đành phải dịch cho anh ấy.

 

Tên Phố vin vào câu này, vặn anh:

 

- Như vậy, anh biết là vi phạm nội quy rõ ràng mà vẫn ngoan cố cứ làm phải không?

 

Anh Cổn đáp:

 

- Như tôi đã nói với cán bộ. Một bên tình cảm, một bên nội quy, tôi xin nhận là đã quá mềm lòng, đặt tình cảm lên trên. Tôi xin nhận trách nhiệm về việc dịch sang tiếng Anh bản văn này.

 

Sau đó tên Phố còn hỏi anh Cổn về việc người bạn gái lên thăm anh khi nào. Anh Cổn cho biết, chị có lên thăm anh một đôi lần dạo trước, nhưng lâu nay không còn lên nữa. Nó thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ nó sợ, nếu chị còn lên thăm gặp anh Cổn, chuyện này có thể lan truyền về thành phố, dân chúng biết được sẽ ảnh hưởng bất lợi cho bọn chúng chăng? Phần Đại Đức Tấn, được bọn giám thị trại cho phép chữa bệnh trước khi đưa vào giam trong nhà kỷ luật 6 tháng.

 

Khi nghe tin này, anh Cổn đến gặp tôi và nói ngay:

 

- Thế là bản văn vừa rồi đã có tác dụng. Trước khi xảy ra vụ này, Thái Thanh Hùng từng xin ban giám thi trại chữa cơn bệnh ngặt nghèo của mình. Muốn chữa, cần phải giải phẫu nên ban giám thị đã từ chối, nhất định không cho. Bây giờ chúng bằng lòng, phải chăng đó là tác dụng của cái bản văn?

 

Anh Cổn vừa nói vừa cười, tỏ vẻ khoái chí. Sau cơn sóng gió ba đào, hai đứa ngồi ôn chuyện cũ, chợt nhớ đến vụ “phái đoàn Liên Hiệp Quốc”, tôi hỏi anh Cổn:

 

- Không biết lấy tin tức ở đâu mà Đại Đức Tấn quả quyết là có phái đoàn Liên Hiệp Quốc sẽ đến trại! Rốt cuộc có thấy ma nào đâu.

 

- Có lẽ mấy tên đệ tử của Thái Thanh Hùng lên thăm nuôi cho hay. Cũng có thể bọn Hà Nội đã dẫn phái đoàn đến một trại nào đó ngoài Bắc trên vùng Sơn Tây hay Cao Bắc Lạng không chừng.

 

Từ ngày ở đội Rau xanh, anh Cổn gặp không biết bao nhiêu là rắc rối đến mất ăn mất ngủ, bị đe dọa khủng bố liên tục. Tuy nhiên chúng tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ và trao đổi những tin tức nhận được. Nhờ những tin tức ở ngoài vào, chúng tôi lên tinh thần rất nhiều. Có những tin tức làm anh em trong trại nức lòng. Tôi nhớ, khoảng năm 1981, 1982 gì đó, có lần đang nằm đọc sách Đông y, chừng 7 giờ tối, anh Cổn đến bên tôi nói nhỏ:

 

- Mình mới nhận được một tin ngon lành.

 

Tôi bật dậy hỏi ngay:

 

- Tin gì mà hấp dẫn vậy?

 

Anh đáp:

 

- Tụi mình sẽ được đi Mỹ trong năm nay.

 

- Có thật không? Tin từ đâu vậy?

 

Tôi mừng quýnh quáng hỏi. Anh Cổn trả lời:

 

- Chú anh Thống vừa gửi thư lên cho anh ấy biết. Hôm chủ nhật vừa rồi, sau khi ra gặp thân nhân, vác bao gạo vào trại, mở bao gạo, mò trong đó, anh Thống thấy một mảnh giấy có cái tin này. Đọc xong, mừng quá, anh chạy sang báo cho mình hay.

 

Tò mò vì muốn xác thực, tôi hỏi tiếp:

 

- Mảnh giấy đó đâu rồi, cho tôi xem với nào.

 

- Anh Thống đang giữ. Nội dung bức thư được viết bằng tiếng Pháp. Chỉ có mấy câu thôi nên mình đã thuộc lòng. Để mình viết ra cho mà nghiên cứu.

 

Nghe nói thế, tôi liền lấy một miếng giấy và cây viết trao cho anh Cổn. Chỉ trong ít phút, anh đưa lại cho tôi tờ giấy với những dòng chữ như sau:

 

“Cher Thong,

 

Selon la radio occidentale je te done quelques renseignements ci-dessous:

 

- Une même solution sera appliquée pour toute I’S sous covert de l’UNO.

 

- D’ici jusquà la fin d’année, tu sera certainement expulsé du pays.

 

Je te souhaite une bonne santé pour avoir un retour Odyssé et prodigieux.”

 

Tạm dịch:

 

“Thống thân,

 

Theo đài phát thanh Tây phương, chú cho cháu biết mấy tin sau đây:

 

- Sẽ có một giải pháp cho toàn cõi Đông Dương dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.

 

- Từ đây đến cuối năm, chắc chắn cháu sẽ bị trục xuất ra khỏi nước.

 

Chú chúc cháu được sức khỏe để có ngày trở lại mang tính anh hùng ca Odyssé huyền diệu”.

 

Đọc xong, tôi không nén được mừng rỡ, vừa chụp tay anh Cổn lắc qua lắc lại, vừa lẩm bẩm “ngon lành, ngon lành”.

 

Chiều hôm ấy, thấy anh Thống vừa từ bếp đi lên, tôi đưa ngón tay cái lên xuống trước mặt tôi, vừa nhìn anh, vừa cười như có ý khen anh đã đem đến cho anh em một cái tin “số một” (number one). Thấy vậy, anh Thống cũng gật gật cái đầu cười theo, vì đoán rằng anh Cổn đã cho tôi biết nguồn tin. Sau đó tin này được loan truyền khắp trại, ai nấy đều cảm thấy phấn khởi. Dĩ nhiên, mỗi lần tung bất cứ một tin gì, chúng tôi phải giữ kín tên người cung cấp. Vì nếu mấy tên “ăng-ten” biết được, người cung cấp sẽ bị liên lụy. Với những anh em thân cận trong nhóm, tin tưởng nhau rồi, mỗi khi có tin gì mới, chúng tôi thường nói tên người cung cấp để cùng nhau ngồi lại, phân tích, đánh giá, để quyết định mức độ quan trọng của nó, xem có nên phổ biến hay không.

 

Chẳng hạn, năm 1984, anh Vệ báo cho tôi biết một tin quan trọng, chúng tôi sẽ được “cách mạng” tiêm thuốc bổ vào cơ thể trước khi rời Việt Nam đi Mỹ. Chúng nói là thuốc bổ nhưng sự thực trong đó có độc dược làm hủy hoại hệ thần kinh trong tương lai. Sau khi báo cho tôi biết, anh Vệ dặn tuyệt đối không được nói lại cho ai nghe. Với cái tin động trời này, làm sao tôi có thể giữ kín một mình không báo cho bạn bè biết để họ đề phòng. Muốn kiểm soát, tôi hỏi anh Vệ:

 

- Ai nói với Vệ tin này vậy?

 

- Trước khi được trả tự do, anh Hòa nói cho mình biết.

 

Anh Vệ trả lời. Tối hôm đó có tin đồn, ngày mai sẽ có đợt phóng thích. Điều này khiến tôi phải suy nghĩ. Nếu như tôi là người may mắn có tên trong danh sách được thả ngày mai thì làm sao anh em còn lại tại trại biết mà đề phòng cái vụ tiêm thuốc, nếu tin này là thật! Tôi quyết định tìm anh Cát và anh Cổn cho hay. Không hiểu sao, tối hôm đó, anh em trong đội cũng ngồi tụ lại từng nhóm chỗ hai, chỗ ba người, to nhỏ bàn tán. Có lẽ họ đang đoán về việc ngày mai ai sẽ được thả trong đợt phóng thích này. Khi gần đến chỗ hai anh nằm, tôi chợt thấy hai thằng “ăng-ten” cứ nhìn vào chỗ các anh thì thầm to nhỏ gì đó. Thấy không tiện, tôi về lại chỗ mình nằm, lấy tờ giấy viết vài dòng chữ bằng tiếng Anh, xếp gọn lại trong lòng bàn tay. Xong xuôi, tôi bước đến chỗ 2 anh nằm, giả đò mượn cái lược. Lúc cúi lấy cái lược, tôi thả tờ giấy xuống chiếu trước mặt anh Cổn và anh Cát. Nội dung tôi viết:

 

“Before expelling us from VN, Communist will ‘invigorate’ us by a kind of vitamin. This is a kind of real vitamin but it can destroy our brain in future. So, I inform you for prevention. However, willy-nilly, we shall rescue our friends in the camp in good time when they prepare to do it. As for right now, would you please don’t disclose this news to anyone, even your close friends, because it is very dangerous. Burn it immedately after reading”.

 

Tạm dịch:

 

“Trước khi trục xuất chúng ta ra khỏi Việt Nam, Cộng sản sẽ bồi dưỡng cho chúng ta một loại thuốc bổ. Đây là một loại thuốc bổ thật sự nhưng nó có thể hủy hoại bộ óc chúng ta trong tương lai. Vậy tôi báo cho anh đề phòng. Tuy nhiên, dù muốn dù không, chúng ta cũng sẽ cứu bạn bè chúng ta trong trại đúng lúc, khi chúng chuẩn bị hành động. Còn ngay bây giờ, mong anh đừng tiết lộ tin này cho bất cứ ai, kể cả bạn thân của anh, bởi vì rất nguy hiểm. Đọc xong đốt ngay”.

 

Lúc đó tôi thấy anh Cát đang loay hoay viết gì đó nên anh Cổn lấy tờ giấy lên đọc. Đọc xong, anh Cổn xuống ngay tầng dưới. Khi đi ngang chỗ tôi, anh ngoắt tôi ra cửa và hỏi:

 

- Tin ở đâu vậy?

 

Tôi nói liền:

 

- Vệ vừa nói cho mình biết. Vệ bảo trước khi về, Hòa nói lại.

 

- Không đến nỗi vậy đâu.

 

Anh Cổn phán đoán. Tôi liền tiếp:

 

- Cũng có thể không đến nỗi như thế. Nhưng phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Anh Cát đã đọc chưa?

 

- Để mình nói lại cũng được.

 

Anh Cổn đáp. Tôi hỏi tiếp:

 

- Đã đốt tờ giấy chưa?

 

- Mình đã đốt nó trong nhà cầu trước khi ra đây gặp Điền.

 

Anh Cổn trả lời. Hèn gì lúc anh ngoắt tôi, chuẩn bị đi theo thì anh lại đi về phía nhà cầu. Tôi chưa biết thế nào, đang thập thò trước cửa một lúc anh mới quay trở lại.

 

Sau này, khi vào Sàigòn để nộp đơn qua Thái Lan, tôi có ghé anh Hòa chơi. Tôi thắc mắc, nhắc lại vụ tiêm “thuốc bổ”, anh Hòa cho biết bọn Cộng sản muốn tiêm thuốc cho đám tù nhân trước khi rời trại chứ không phải trước khi đi Mỹ. Còn nguồn tin từ đâu, tôi lại quên mất không hỏi tới.

 

Trở lại vấn đề những người bạn thân trong trại tù cải tạo, như tôi đã đề cập ở trên, ngoài anh Trần Văn Cát, anh Trương Thúc Cổn cũng là một trong những người bạn chí cốt, sống với tôi như anh em trong gia đình. Tôi quen với anh chừng một năm thì anh nhận được một tin như sét đánh: thân mẫu anh qua đời tại quê nhà.

 

Thật tội nghiệp, lúc anh bị bắt đi “cải tạo”, ở quê nhà, chỉ còn hai bố mẹ anh sống với nhau trong một túp lều tranh, tại một vùng quê hẻo lánh thuộc tỉnh Quảng Trị. Hai ông bà, tuổi đã già, không ai chăm sóc, nương tựa nhau mà sống, chờ đợi thằng con đi tù, mòn mỏi 9, 10 năm vẫn không thấy về. Phần tuổi già, phần ăn uống quá thiếu thốn, mẹ anh Cổn lâm trọng bệnh rồi qua đời. Nghe tin mẹ mất, anh Cổn quá xúc động, buồn bã không nguôi. Sau đó, anh sáng tác một bài thơ mang tựa đề “Nhớ mẹ” rồi tặng cho tôi. Kèm theo bài thơ, có một câu tiếng Pháp của Anatole France như sau:

 

“Il y a bien des merveilles dans la nature, mais la plus précieuse c’est le coeur d’une mère”.

 

Tạm dịch:

 

“Có rất nhiều cái đẹp trong thiên nhiên, nhưng cái đẹp quý giá nhất là trái tim người mẹ”.

 

Sau đây là bài thơ “Nhớ mẹ”:

 

 

                 NHỚ MẸ

 

Con biết ngày nay mẹ khổ nhiều

Những ngày quạnh quẽ vắng con yêu

Bâng khuâng mẹ nhớ con ngàn dặm

Tựa cửa mắt mờ gió hắt hiu.

 

                             ***

Mẹ ơi có thấu nỗi lòng con

Nhớ mẹ lòng con hóa mỏi mòn

Con cố tìm trong tình mẫu tử

Những lời an ủi trái tim con

 

                             ***

Nhớ túp lều tranh dưới khói mờ

Bên đường khóm trúc gió phất phơ

Tim con ray rứt đời phiêu bạt

Nhớ mẹ lòng con hóa vẩn vơ

 

                             ***

Những lời vàng ngọc mẹ khuyên con

Nước đó nhà đây mãi vẫn còn

Đại nghĩa con luôn cùng nghĩa vụ

Dãi dầu sương gió chút lòng son

 

                             ***

Chân mãi bước lên miệng vẫn cười

Con đầy hy vọng cuộc đời tươi

Mong sao xứng đáng người con mẹ

Quên hết đau thương của cuộc đời

 

                                                                                     Trương Thúc Cổn

 

Sáng ngày 15 tháng 1 năm 1985, như thường lệ, tôi và anh Cổn theo đội ra hội trường nghe đọc báo. Sau khi anh em đã ngồi vào chỗ xong xuôi, một tên cán bộ trại xuất hiện, bước lên sân khấu với dáng điệu trịnh trọng khác thường. Nó đằng hắng, làm vẻ quan trọng và tuyên bố lớn, không quên kèm theo một số giáo điều:

 

- Các anh chú ý. Sáng nay, chúng tôi đọc danh sách một số anh được “cách mạng khoan hồng” phóng thích vì đã tỏ ra có thành tích “tiến bộ”, qua “lao động tốt”, “học tập tốt”. Những anh chưa có tên đợt này, cần bắt chước noi theo để sớm được về đoàn tụ với gia đình.

 

Toàn thể hội trường bỗng nhiên im phăng phắc. Thay vì đọc báo, tên cán bộ bắt đầu đọc tên những người được thả.

 

Tôi ngồi nghe mà lòng chẳng thấy hồi hộp gì cả. Tôi nghĩ, có lẽ nhiều người khác, tâm trạng cũng giống tôi. Mấy tuần trước đã có tin đồn, Mỹ sẽ bốc anh em tù ngay tại trại để đưa sang Hoa Kỳ. Vì vậy, anh em cảm thấy nửa buồn nửa vui. Vui vì được về với gia đình sau 10 năm xa cách, không còn bị hành hạ khổ ải trong lao tù “cải tạo” nữa. Buồn vì mất đi cơ hội ngàn năm một thuở được đi Mỹ. Trên bục, tên cán bộ vẫn tiếp tục đọc tên. Được chừng 5, 7 tên gì nữa, hết trang, nó lật sang mặt sau và xướng:

 

- Anh Dương Viết Điền.

 

Hơi bất ngờ, tôi la một tiếng “có” rồi đứng dậy, bắt tay tạm biệt anh Cổn đang ngồi phía bên trái, từ giã anh Thống phía bên phải, xong, bước ra xếp hàng sau những anh vừa được gọi trước, chờ làm thủ tục ra trại. Từ đó, anh Cổn và tôi xa nhau.

 

Tuy nhiên sau này, khi trở lại quê nhà, tôi vẫn thường xuyên gửi thư lên thăm hỏi sức khỏe các anh Cổn, Cát và Trần Viết Hòa. Nếu săn được tin tức gì quan trọng, tôi dùng đường dây bí mật để chuyển đến họ chứ không qua bưu điện. Trong những lá thư, thỉnh thoảng tôi có xen vào mấy câu thơ trong truyện Kiều để nói bóng gió điều gì quan trọng không thể bạch văn mà tôi tin anh Côn thừa sức để hiểu. Từng là giáo sư Việt văn, chuyên dạy truyện Kiều, nếu tôi không lầm, có lẽ anh thuộc lòng đến 98% các câu thơ trong toàn bộ truyện Kiều của Nguyễn Du thì phải.

 

Sau khi về nhà được 2 tháng, tôi gửi cho anh Cổn một lá thư. Ngoài những câu thăm hỏi sức khỏe, tôi có trích dẫn một đoạn thơ trong truyện Kiều thế này:

 

“Ông tơ ghét bỏ chi nhau

Chưa vui xum họp đã sầu chia phôi

Cùng nhau trót đã nặng lời

Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ

Quản bao tháng đợi năm chờ

Nhớ người ăn gió nằm mưa xót thầm

Đã nguyền hai chữ đồng tâm

Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

Còn non còn nước còn dài

Còn về còn nhớ đến người hôm nay”.

 

Thêm vài câu vô thưởng vô phạt nữa, tôi lại chêm vào 2 câu thơ khác:

 

“Gìn vàng giữ ngọc cho hay

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”.

 

Nhận được thư, anh Cổn liền hồi âm cho tôi. Vì sợ trại kiểm duyệt nên anh chỉ viết vài câu thăm hỏi để báo cho biết đã nhận được thư tôi.

 

Tháng 9 năm 1985, nhân đọc tạp chí Newtimes, do Nga Sô xuất bản, hình như số 38, có đề cập đến Tướng Nguyễn Cao Kỳ, và một bài đề cập đến cuộc họp thượng đỉnh giữa 2 vị nguyên thủy quốc gia Hoa Kỳ và Liên Sô, nhận thấy có vài điều quan trọng, tôi gửi ngay thư báo cho anh biết. Tôi xé những trang có các bài báo đó, chia làm hai gói, đổ một lon ớt bột vào một gói, một lon đường cát vào một gói khác, rồi cuộn nhỏ lại. Viết thêm mấy dòng chữ bằng tiếng Anh, tôi xếp nhỏ, bỏ vào đáy bên trong gói thuốc lá Đà Lạt. Tất cả, tôi để hết vào một bao ny-lông, thêm một ít quà lặt vặt nữa, gói lại. Xong xuôi, tôi đến nhà anh Lô (anh em chú bác với anh Cát), gần chùa Diệu Đế, nhờ mang gói quà lên trại cho anh khi đi thăm nuôi. Anh Lô bảo, kỳ này mắc công chuyện không thể đi nên người cháu đi thế. Tôi phải tìm đến người cháu này nhờ đem giúp và dặn nhớ kín đáo cho anh Cát biết có lá thư dấu dưới đáy gói thuốc Đà Lạt. Nội dung đoạn văn trong tạp chí Newtimes số 38 như sau:

 

“In the same way, with the wake of Senate, the House of representative voted publicy 10 milion dollars to the Kampuchea anti-government gangs, a sum that will cover 2 years of subversive activities against the young republic. This has encouraged Nguyen Cao Ky, Vice President of Saigon regime before and now a shopkeeper in a suburb of Washington, to demand a resistance-mouvement organized and an invasion army sent to Vietnam”.

 

Y. GUKOV (page 9).

 

Tạm dịch:

 

“Cũng trong chiều hướng đó và noi gương theo Thượng viện, Hạ viện đã bỏ phiếu công khai chấp thuận 10 triệu đô-la cho những nhóm chống chính phủ tại Kampuchea, một số ngân khoản có thể yểm trợ trong 2 năm, cho các hoạt động khuynh đảo chống lại nước Cộng Hòa còn non trẻ này. Điều này đã khuyến khích Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng Thống của chế độ Sàigòn trước đây và nay là một chủ tiệm ở ngoại ô thuộc tiểu bang Washington, đòi hỏi tổ chức gấp một phong trào kháng chiến và gửi ngay một đội quân xâm nhập vào Việt Nam”.

 

Về là thư, tôi viết như sau:

 

“ Dear C, C, H.

 

For tactic, it is very not bright. But for strategy, it is very good R is shaking with Rch. W is worrying and wants to have normal relation with A. Negotiation has been going on publicly and secretly. The day of departure has not been disclosed yet. Anyway, I hope you will become an Ulysee in the Odyssey of Greek mythology. By what cost it may, you must try to keep your will firm.

 

Affectionately”.

 

Tạm dịch:

 

Các anh Cổn, Cát, Hòa, thân mến.

 

Về mặt chiến thuật, chẳng có gì sáng sủa cả. Nhưng về chiến lược thì rất tốt. Nga Sô đang bắt tay với Trung Cộng. Việt Nam đang lo lắng và muốn quan hệ bình thường với Mỹ. Cuộc thương thuyết đang diễn ra, khi công khai, khi bí mật. Ngày lên đường chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, tôi hy vọng, các anh sẽ trở thành Ulysee, như trong bản trường ca Odyssey của thần thoại Hy Lạp. Bằng bất cứ giá nào, các anh cũng phải giữ vững ý chí của mình.

 

Thân ái”.

 

Đến tháng 7 năm 1986, tôi lại gửi tiếp cho anh Cổn một lá thư sau khi thấy tình hình rất sáng sủa. Qua lá thư gửi công khai bằng đường bưu điện, ngoài những lời thăm hỏi mào đầu, những câu chuyện vô thưởng vô phạt nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của bọn cán bộ kiểm duyệt, tôi dẫn kèm một đoạn thơ Kiều như sau:

 

“Như nàng lấy hiếu làm trinh

Bụi nào cho đục được mình ấy vay

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

Trăng tàn mà lại thêm tươi

Hoa tàn mà lại hơn mười năm xưa”.

 

Thế rồi vào tháng 9 năm 1986, khi đọc bản thông cáo chung của Sở Ngoại Vụ với đầy đủ chi tiết về việc đi Mỹ cho tất cả những người từng bị đi “học tập cải tạo”, tôi liền viết thư cho anh Cổn để báo tin vui. Dù rằng vào giai đoạn này, anh em cũng đã nghe tin đó từ lâu, nhưng khi chìm, lúc nổi, không mấy gì làm chắc.

 

Thư và quà tôi đã gói sẵn, chỉ chờ có người đi thăm là gửi. Nghe vợ tôi nói có chị Ái ngoài cửa Chánh Tây sắp lên thăm chồng, tôi xách bao quà ghé nhà chị ngay. Tôi nhờ chị dặn chồng trao quà lại cho anh Cổn, nhắn anh đừng vất bao thuốc sau khi hút xong. Chỉ nói bóng gió thế nhưng chị Ái hiểu ngay. Chị bảo tôi cứ yên tâm, chị sẽ nói lại với chồng những gì tôi dặn. Cám ơn chị, tôi ra về.

 

Cái thư đó, tôi viết như sau:

 

“Dear Con, Cat, Hoa,

 

I myself read the joint communique at the foreign affair service in Saigon. Our dream has become true at 100%. The procedure of departure is very complex. The day of departure has not been disclosed yet. May be you will depart in advance. As for my fate, it is very tragic. Perhaps it can take me 1, 2, 3, 4 or more years to begin. Anyway, I wish your departure would come as quick as possible so that you can realize your Odyssey dream cherished by you for a very long time.

 

Affectionately”.

 

Tạm dịch:

 

“Các anh Cổn, Cát, Hòa thân.

Chính tôi đã đọc bản thông cáo chung tại Sở Ngoại Vụ ở Sàigòn. Giấc mơ của chúng ta đã trở thành sự thật 100%. Thủ tục ra đi rất phức tạp. Ngày khởi hành vẫn chưa được tiết lộ. Có lẽ các anh sẽ đi trước. Riêng số phận tôi thật là bi thảm. Có thể sẽ mất 1, 2, 3, 4 hoặc nhiều năm hơn nữa mới bắt đầu lên đường . Dầu sao đi nữa, tôi cũng ước mơ rằng, ngày lên đường của các anh đến càng nhanh càng tốt, ngõ hầu các anh có thể thực hiện được giấc mộng Odyssey mà các anh đã ấp ủ từ lâu.

 

Thân ái”.

Sở dĩ trong lá thư tôi viết, các anh ấy hy vọng được đi trước, vì ngay tại Huế cũng như ở Sàigòn, có nguồn tin đồn là những người còn đang ở trong các trại tù cải tạo sẽ được ưu tiên; những người đã ra khỏi trại, phải nộp đơn xin để được cứu xét và sẽ đi sau.

 

Tới tháng 11 năm 1987, tình hình như không có vẻ tiến triển vì 2 phía chính phủ Việt và Mỹ bất đồng ý kiến gì đó. Các cuộc họp phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần. Dù tình hình có vẻ sáng sủa hơn một chút cho việc ra đi, nhưng thời gian vẫn là vấn đề chưa thể tiên đoán chắc chắn. Để an ủi các anh không nản lòng, thời gian của họ trong trại đã quá lâu, sang năm thứ 13 rồi, tôi viết thêm một lá thư nữa:

 

“Dear Con, Cat.

 

You have suffered a serious loss for over 12 years in prison. But I believe that with your very strong will, you will continue to pass easily the hardship remained. It is cock sure that you will leave prison for U.S.A. in a near future. Calm yourself and wait.

 

U.S.A. has taken out 300 million dollars to pay damages for war. So Communist has been completely satisfied and pleased for all the conditions brought up by U.S.A. Future is very bright.

 

I wish you everything as you wish it to be.

 

Good luck! Bon voyage!

 

P.S: From “the new economical zone”, Tran Viet Hoa wrote me a letter and please reminded him kindly to you: Cat, Tan, Cang, Lien, Hoa, Thien etc…

 

Affectionately”.

 

Tạm dịch:

 

Các anh Cổn, Cát, thân.

 

Các anh đã chịu gian khổ trên 12 năm trong tù. Nhưng tôi tin rằng với ý chí vững mạnh sẵn có, các anh sẽ tiếp tục vượt qua những gian truân còn lại một cách dễ dàng. Chắc chắn như đinh đóng cột các anh sẽ rời khỏi nhà tù để sang Hoa Kỳ trong một tương lai rất gần. Hãy bình tĩnh và chờ đợi!

 

Hoa Kỳ đã tháo khoán 300 triệu đô-la để bồi thường chiến tranh. Vì vậy Cộng Sản rất thỏa mãn và bằng lòng tất cả các điều kiện phía Hoa Kỳ đưa ra. Tường lai rất sáng lạng.

 

Tôi chúc các anh mọi sự như ý.

 

Chúc may mắn! Thượng lộ bình an!

 

Tái bút: Từ “vùng kinh tế mới”, Trần Viết Hòa đã viết thư cho tôi và nhờ chuyển lời thăm hỏi đến các anh Cát, Tấn, Cang, Liễn, Hòa, Thiện v.v…

 

Thân ái”.

 

(Phần tái bút tôi có nhắc đến anh Trần Viết Hòa. Anh đã được trả tự do sau tôi một thời gian. Về nhà, anh đã tìm cách vượt biên và tới được Phi Luật Tân. Trong thư tôi phải nói mánh là đi “vùng kinh tế mới”).

 

Viết xong lá thư, tôi cất kỹ vào trong tủ, chờ mua bao thuốc lá Đà Lạt về sẽ bỏ vào như mấy lần trước, chuẩn bị gửi cho anh Cát và anh Cổn.

 

Vào một buổi chiều, lúc đó khoảng 5 giờ, tôi đang nấu cơm trong bếp , nghe văng vẳng có tiếng ai nói chuyện ngoài cửa ngõ. Nhìn ra, tôi thấy một người mặc quần áo “cải tạo” đang đứng nói chuyện với một anh xe đạp thồ. Thấy thế, tôi chạy ra xem thử. Người mặc áo “cải tạo” chính là anh Trương Thúc Cổn, đang lù lù trước mặt. Tôi mừng rỡ bay lại. Hai anh em ôm chấm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Thì ra anh vừa được phóng thích. Đón xe về tới Huế, anh thuê xe đạp thồ chạy lại nhà tôi ngay. Tôi mời anh ở lại vài ngày và tối đó, anh em tha hồ tâm sự cho bõ những ngày xa cách.

 

Đêm hôm đó tôi hỏi:

 

- Thế anh có nhận được mấy lá thư tôi gởi không?

 

Anh đáp:

 

- Có, lá thư có mấy câu thơ truyện Kiều.

 

Tôi hỏi lại:

 

- Tất cả mấy lá?

 

- Chỉ có một cái thư đó thôi!

 

Anh nhấn mạnh. Tôi hơi thắc mắc:

 

- Vậy cái thư thứ hai, cũng có mấy câu thơ Kiều, anh không nhận được ư?

 

Anh ngạc nhiên nhưng quả quyết:

 

- Không, chỉ có một lá thôi!

 

Ngưng một chút như sực nhớ ra điều gì, anh tiếp:

 

- À, thằng cán bộ Cúc, lúc trao thư cho mình có nói, không biết sao anh Điền này chuyên viết thư bằng truyện Kiều vậy há. Mình giải thích cho nó, tại mình từng là giáo sư Việt văn nên Điền nghĩ là mình thích, mới viết kiểu này cho mình vui. Có lẽ nó không tin, chắc nó biết Điền có ẩn ý gì đó nên lá thứ hai nó đã giữ lại.

 

Thấy vậy tôi hỏi tiếp:

 

- Còn mấy lá thư, tôi viết bỏ trong bao thuốc Đà Lạt anh có nhận được không?

 

- Không thấy. Mình không biết Điền bỏ thư trong đó nên hút xong mình vất bỏ bao thuốc luôn.

 

Nghe anh trả lời thế tôi tức anh ách. Tôi bảo:

 

- Nghĩ mà tức đời! Mình đã dặn cháu anh Cát, chị vợ anh Ái kỹ như vậy mà họ cũng quên. Thật là tốn công vô ích.

 

Như chợt nhớ lại, anh Cổn bỗng la lên:

 

- À, mà có! Có một bản thông cáo chung của Reagan và Gorbachov dài dằng dặc, mình ăn hết gói đường hay gói ớt gì đó, tò mò giở ra đọc mới thấy. Mình đã đọc sau đó học thuộc lòng.

Tôi thở dài vì sự vô tâm của anh:

- Tờ đó tôi gói ớt bột. Cái tờ tôi gói đường cát, có lẽ đã bị ướt, chữ nhòe mất nên anh không để ý.

Sau đó, tôi lấy tất cả những bản đã sao chép còn lưu giữ đưa cho anh đọc và nói:

- Nếu các anh đừng vất mấy bao thuốc Đà Lạt thì có lẽ đã biết được một vài tin tức quan trọng, cũng đỡ buồn trong thời gian còn lại trong tù.

Sáng hôm sau, tôi lấy xe đạp, chở anh Cổn đi khắp thành phố Huế cho anh nhìn lại cảnh cũ người xưa, nhìn lại cầu Trường Tiền 6 vài, 12 nhịp, nhìn lại sông Hương với dòng nước đang uốn khúc quanh co giữa nắng chiều. Trên không, một bầu trời xanh ngát với những đám mây trắng, đang lững thững trôi về một phương xa thẳm theo từng cơn gió nhẹ thổi qua.

Tương lai chúng tôi, những người tù, vừa thoát cái lồng giam cầm nhỏ bé, trại “cải tạo”, tưởng được hưởng chút không khí tự do. Đâu ngờ, cái xã hội bên ngoài cũng chỉ là cái nhà tù lớn hơn! Chúng tôi vẫn không có được những quyền căn bản nhất của một con người. Những người dân tội nghiệp, bị phân biệt đối xử chỉ vì quá khứ bản thân, không thể tìm cho mình một cuộc sống ổn định trên chính nơi mình được sinh ra và lớn lên, trưởng thành!

Con đường chúng tôi đi, nhất định chưa ngừng lại ở đây. Cuộc đấu tranh vì lý tưởng tự do sẽ vẫn còn tiếp tục.

 

 

Dương viết Điền

K1, ĐH/CTCT/ĐL

(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét