Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

Nhà văn Doãn Dân - NGUYỄN VY KHANH


Doãn Dân qua nét vẽ Nguyễn Trọng Khôi

Nhà văn Doãn Dân họ Trần, sinh ngày 11-7-1938 tại Nam Định, di cư vào Nam năm đất nước qua phân 1954, gia nhập Quân đội và viết văn. Ông có truyện ngắn đăng trên tạp chí Chỉ Đạo, Văn, Bách Khoa (Ba Me, Tiếng Gọi Thầm, Linh Hồn Tôi, Sương Mù…) và giai phẩm Tân Phong. Tác phẩm đầu tay là truyện ngắn Cái Vòng đăng trên Chỉ Đạo số 1-8-1959 và hai tác-phẩm đã xuất bản: Chỗ Của Huệ (Nhân Văn Xã, 1968), Tiếng Gọi Thầm (Tân Văn, 5-1972). Ông tử trận tại chiến trường Quảng Trị ngày 29-4-1972.

<!>

Chính thức trên Chỉ Đạo, tạp-chí văn học nghị luận chính trị vào thời đầu của nền văn học tự do 1954 - 1975, người đọc bắt đầu được biết đến những truyện ngắn của Doãn Dân. Chỉ Đạo là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Chỉ đạo Chiến dịch Tố Cộng của Bộ Quốc phòng, từ số 3 với thiếu úy đồng hóa Nguyễn Mạnh Côn làm Thư ký tòa soạn, với sự góp mặt thơ văn của Đỗ Tốn, Nguyễn Triệu Nam, Lan Đình, Tường Linh, Duyên Anh, cả Bình Nguyên Lộc' cùng biên khảo, nghị luận của các giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Thiệu Lâu, bác sĩ Hoàng Văn Đức, Toan Ánh v.v... và từ 1959 thêm các nhà văn Trần Phong Giao, Phan Kim Thịnh, Dương Kiền, Duyên Anh, Hà Huyền Chi, Doãn Dân v.v... Ngoài những bài nghị luận chính trị mở đầu nhắm cổ võ cho tinh thần chống Cộng, cho phong trào chống Cộng, diệt Cộng (trong khung cảnh chính trị này xuất hiện danh xưng ''VC, Việt Cộng'' ngầm nghĩa ''diệt cộng'' theo cách phát âm của người miền Nam) cùng bài phong, phản đế, là những biên khảo văn hóa, văn học và nhất là phần thơ văn thì phong phú, đa dạng. Nếu so với Tạp chí Sáng Tạo cổ võ tinh thần tự do và văn chương mới từ Âu - Mỹ qua biên khảo, nghị luận và sáng tác thì Chỉ Đạo cổ võ văn nghệ và văn hóa dân chủ, tự do mà sáng tác thì đủ thể loại và Nam - Trung - Bắc đủ mặt! Cả hai, Sáng Tạo và Chỉ Đạo, đều ra mắt cùng tháng 10 năm 1956.

 

1. TÔI TỰ SỰ

 

Văn học miền Nam tự do 1954 - 1975 mặt nổi đã bắt đầu với bộ phận nhà văn, nhà báo thiên cư từ Bắc di cư vào. Trước đó đã có những nhà văn Trung, Bắc vào Nam sinh hoạt văn chương và báo chí nhưng chìm vào đa số miền Nam; nay đất nước qua phân, hàng loạt người di cư đã đem theo ngôn từ và không gian văn hóa Hà Nội của thời tiền chiến và kháng chiến được làm sống lại và sống động một cách chân thành và đa số với đam mê. Nhóm nhà văn thơ này phần lớn đã sinh hoạt văn nghệ trước khi di cư như Triều Lượng Chế, Đỗ Tốn, Triều Đẩu, Đỗ Thúc Vịnh, Đỗ Đức Thu, Toàn Phong và những cây viết mới xuất hiện đã mạnh như Nguyễn Mạnh Côn, hoặc trẻ hơn mới nhập làng văn như Duyên Anh và Doãn Dân.

Ở Doãn Dân nói chung là ngôn từ của một không gian đã vừa mất, và một thời gian chỉ vừa qua đi nhưng khó trở lại – thời tự do, và ở Hà Nội. Quá khứ gần nhưng không lối thoát, khó quy hồi, của ấu thời hay thời thanh niên mới lớn. Mới đó nên hãy còn sống động trong tâm trí và đánh động ngòi bút văn chương. Đó cũng là không gian với những giàn hoa thiên lý ở Duyên Anh, những cánh hoa vông vang ở Đỗ Tốn, những mùa trăng cũ ở Hoàng Ngọc Liên, những vỉa hè Hà Nội ở Triều Đẩu, những con đường và khuôn mặt Hà Nội, Bắc Ninh ở Thanh Tâm Tuyền v.v... Đó cũng là những nỗi ám ảnh trong tâm thức những nhà văn phải sống lưu xứ này: người đi nhưng vẫn còn người ở lại và những kỷ vật, biến cố không thể đều là hành lý mang theo được. Doãn Dân cũng như nhiều nhà văn khác đã mở đầu sự nghiệp với những tác phẩm mang tính tự thuật, lấy đời sống và kinh nghiệm bản thân làm chất liệu, rồi với thời gian tính chất này sẽ loãng dần, kín đáo hơn hoặc biến mất.

Truyện đầu tay Cái Vòng của Doãn Dân đưa người đọc cùng tác giả trở lại nơi đất cũ, vườn nhà thời niên thiếu – những tàn tích của quá khứ, với những trò chơi ngày còn bé và một mối tình ngây thơ chớm nở! Những hoài niệm, cái còn lại của những gì đã đánh mất nhưng hiện như đang bám vào hiện thực vì sống động trong tâm tưởng và ký ức, cảm tính hay ý thức. Tình tiết câu chuyện ở đây nhường chỗ cho một ngôn từ của tâm cảm và tiềm thức, thứ ngôn từ dễ đánh động tâm thức độc giả. Và rất văn chương ở Doãn Dân. Kỹ thuật hành văn nhẹ nhàng, gãy gọn dù với những câu văn dài chạy theo tình tiết của câu chuyện kể. Thật vậy, những truyện ngắn ở giai đoạn sáng tác đầu, Doãn-Dân đã cho biết khi trả lời phỏng vấn văn nghệ của Nguiễn Ngu Í, rằng ông sáng tác giản dị ''chỉ vì tôi muốn thi vị hóa cuộc-sống đã qua của tôi'' (Bách Khoa 110, 1-8-1961, trang 98-101). Như truyện ngắn Cái Vòng đăng trên Chỉ Đạo và trong vài truyện khác thời đầu, tác giả "chỉ có mỗi một ý muốn duy nhất là để được sống lại cái cuộc sống đã qua mà tôi luôn luôn nhớ tiếc, sự nhớ tiếc tạo cho tôi cái bâng khuâng, rạo rực và ray rứt khiến tôi phải để cho nó thoát ra ngoài bằng cách ghi lên giấy (…) Hình như tôi viết chỉ cốt để thỏa mãn sự khao khát của riêng mình...''

Cái Vòng xuất hiện, Doãn-Dân đã được đón nhận như một nhà văn vững tay nghề. Tác phẩm của nhà văn trẻ sau đó ngoài Chỉ Đạo còn xuất hiện trên các tạp chí đại diện cho một truyền thống văn chương Tự Lực văn đoàn: Văn Hóa Ngày Nay, Tân Phong; từ đó ra đến Bách Khoa và Văn.

Giai đoạn tiếp theo mà Doãn-Dân gọi là ''giai đoạn hơi phiền phức hơn giai đoạn trước''. Truyện ngắn đầu đánh dấu cho thay đổi này là Linh Hồn Tôi (Bách Khoa, số 100 & 101, 1 & 15-3-1961), tác-giả viết vì ''thấy cần phải viết thì tôi viết'' và cảm hứng có thể đến từ ''những gì không thuộc về tôi'', từ ''những hoàn cảnh làm tôi rung động... ở hoàn cảnh ''mình sẽ nghĩ gì và sẽ hành động ra sao.''' Cũng là một câu chuyện tình nhưng mang tính tự sự (nhân vật chính tên Doãn). Doãn yêu Loan vướng bệnh lao – mà nàng tự nhận mình “linh hồn bệnh hoạn”, nhưng khúc mắc không ở con bệnh mà ở bí mật về đời Doãn cuối cùng mới được biết: chàng không phải là con ruột của người cha hiện nay, ông thường đánh roi ông nhiều nhất trong số anh em và nay ép mẹ chàng quyết liệt không để chàng lấy Loan. “Linh hồn” Doãn đau đớn và thường rơi vào hụt hẫng:  

“Đêm hôm đó, tôi đã đi lang thang trên những con đường mà đến bây giờ tôi vẫn chưa nhớ ra được. Lúc vừa thoát ra khỏi nhà, tâm hồn tôi như chợt loãng ra và tan đi rất nhanh. Tôi bàng hoàng ngây ngất và thấy mình bơ vơ, lạc lõng. Những ý nghĩ mông lung, hỗn độn quay chung quanh một khối đau khổ lớn lao đang xoáy dần... xoáy dần vào tâm trí tôi. Tôi bước chân đi trong màu đen tối của những con đường không một ánh đèn và tôi có cảm tưởng, mỗi bước chân đi, lại đưa tôi đến gần tội lỗi, một thứ tội lỗi rất bao la nhưng mơ hồ làm tôi không nhận biết. Tôi tự thấy mình có thể phạm bất cứ một tội lỗi nào vào lúc này. Những ý nghĩ về một hành động xấu xa không rõ rệt, lởn vởn trong đầu óc tôi. Và hình như lúc ấy, không một phút nào lương tâm hiện ra can gián tôi. Tôi chợt nhớ một lần tôi đã nói với Loan: 'Người ta chỉ 'thấy' được lương tâm mình một cách rõ ràng nhất, là khi đã phạm phải một lỗi lầm to lớn nhất.' Bởi vậy, biết rằng mình có lương tâm tức là tự biết mình đã một lần – ít nhất là một lần – phạm tội. Riêng đối với em thì đây là lần đầu tiên anh thấy lương tâm anh bắt đầu xuất hiện...” Loan biết bí mật đó, “giải mã” cho toàn bộ tâm lý Doãn, “linh hồn” chàng rơi vào luyện tội hoặc địa ngục bất ngờ, thảm thương!

Đó cũng là hoàn cảnh ra đời của các truyện đăng trên giai phẩm Tân Phong: Hoa Nở Muộn, Khép Cửa, Giọt Nắng... Doãn-Dân cho biết ông ''chỉ viết và cũng chỉ mong viết những gì có 'thực' trong ý nghĩ tôi, dù những cái 'thực' ấy vô cùng phiền phức và vô cùng mâu thuẫn."

Con người sống xa quê hương nguyên quán có thể không ngày về, sống di cư hay định cư nơi vùng đất mới, thường sống như sống nhờ sống tạm, sống với cái tâm lý phân thân và trống rỗng hụt hẫng thường trực! Trong hoàn cảnh đó, Doãn Dân đã đi từ cái "Tôi tự sự" đến những nhân vật hiện thực của đời thường, rời bỏ thiên đường của hạnh phúc, của những hoài niệm để nhập cuộc cho một kiếm tìm hạnh phúc khác, cho đến khi tử trận, lúc mà cuộc chiến huynh đệ tương tàn đang ở cao độ của kinh hoàng và bí lối. Thể loại vă chương của cái "Tôi tự sự" vẫn sống mạnh cho đến ngày tạm ngưng cuộc chiến, với những tác giả như Duyên Anh hay Nguyễn Đình Toàn trở lại lãng mạn (Áo Mơ Phai, 1974) v.v...

 

2. TÔI VÀ THA NHÂN

 

Ở những truyện ngắn của giai đoạn đầu, các nhân vật có tên hoặc xưng "Tôi" thường là đàn ông và thường mang bóng dáng tác giả. Các nhân vật nữ có mặt nhưng không đóng vai chính hay quan trọng – ngoại trừ nhân vật người mẹ trong một số truyện ngắn hoặc nhân vật Lan, người chị họ của vợ Vĩnh với tình yêu thầm kín từ đôi bên trong Sương Mù (Bách Khoa, số 110 & 111, 1 & 15-8-1961). Phải đến giai đoạn sau thì các nhân vật nữ thường đóng vai chính, dù các nhân vật nam có mặt và có vẻ dẫn dắt câu chuyện. Như Chỗ Của Huệ (1968) là tác phẩm đầu tay được xuất bản của Doãn Dân (đã đăng trên Tạp chí Bách Khoa), một tiểu thuyết tâm lý xã hội. Một câu chuyện tình của Sơn, nhân vật xưng "Tôi" với cô gái giang hồ tên Huệ. Họ sống trong một ngõ tối của một khu xóm "khả nghi" của đô thành Sài Gòn. Sơn yêu Huệ, về sống chung với quyết tâm vớt nàng ra khỏi vũng bùn ô uế, ước mơ "đem nàng thoát khỏi chốn này để rồi chúng tôi cùng nhau đi đến cái chỗ… thành ra những kẻ bình thường." Nhưng Sơn thất nghiệp phải sống bám vào những đồng tiền của một thời Huệ "đi khách". 

Cạn tiền, Huệ trở lại "đi khách" nhưng Sơn ghen, vũ phu đánh Huệ. Rồi Sơn được bạn nhường chỗ kèm trẻ, hai người dọn đi ở xóm khác, một xóm lao động, thợ thuyền. Nhưng Huệ bị nhiều người dân trong xóm biết được dĩ vãng nên gọi nàng là "đĩ" và cũng vì tai tiếng đó nên Sơn cũng mất chân kèm trẻ. Huệ bỏ trở về căn nhà thấp nơi xóm cũ, mong đợi Sơn cùng trở lại nơi đó, nhưng Sơn tự ái đã không nghe theo. Chàng chỉ trở về một năm sau, sau khi nhẫn nhục tìm được việc làm ở một ga nhỏ, chàng thuê nhà khác, trang hoàng chu đáo rồi tính đón Huệ về. Khi Sơn tìm đến ngõ cũ thì Huệ đã chết vì bệnh lao, người quen đã đưa lại cho chàng sợi dây chuyền vàng mà Huệ vẫn xem như bùa hộ mệnh như nàng vẫn nói: "Khi nào rời nó, chắc là em chết."  

Sơn từ đó sống với hối hận và tự trách: ''Từ ngày ấy đến đây, trong cuộc sống hàng ngày, đã có những khi tôi thầm oán Huệ... Tôi nhớ lại những ý nghĩ ghen ghét hằn học của tôi với dĩ vãng của nàng. Tôi thấy mình nhỏ nhen ích kỷ. Trước khi tôi đã ước mong cho Huệ trở nên một người con gái tầm thường. Giờ đây tôi bỗng nhận ra: mình còn tầm thường hơn Huệ. Tại sao từ trước đến nay tôi cứ mải mê mần mò với cái dĩ vãng của nàng mà không để ý, quan tâm những điều tốt đẹp hiện nàng đang có? Lẽ ra tôi phải giúp nàng, phải lãnh lấy phần trách nhiệm làm nàng quên đi, xóa bỏ mọi mặc cảm tội lỗi xấu xa vẫn hành hạ nàng trong từng lời ăn tiếng nói. Lẽ ra tôi phải cùng nàng tẩy xóa vết nhơ dính trên người nàng sau lần vấp ngã, sao tôi đã chỉ mê mải xét nét đến từng vết bẩn ở nàng để mà đau đớn và làm cho nàng đau đớn với tôi? (…) Bây giờ tôi mới thấu hiểu sâu xa lời khuyên của Trị. Hắn đã hiểu tôi đến vậy được sao? Hắn đã thừa biết được rằng: tôi không thể nào có cái tình yêu thâm trầm sâu sắc biến thành tấm lòng độ lượng khoan dung để đem cho nàng hạnh-phúc…"

Chỗ Của Huệ xuất bản vào thời những người đọc đã đến với Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Trần Thiện-Đạo, Tam Ích v.v... Cảm tưởng đầu tiên là thất vọng. Tuy vậy khi đọc lại mới nhận ra Doãn Dân có một kỹ thuật dựng truyện, một ngôn từ đặc thù và những nhận xét và phân tích tâm lý nhân vật cũng như xã hội đương thời đáng phải để ý. Nhân vật Sơn cởi mở khi chấp nhận chung sống và yêu thương Huệ bất kể quá khứ gái giang hồ, nhưng lại quá lý tưởng, cứng rắn, khiến khi sẵn sàng đi tìm Huệ thì nàng đã chết. Một bức tranh xã hội thời chiến với những con người khốn khổ chỉ muốn sống còn, sống qua ngày, nơi những xóm nghèo, ngõ hẹp. Một số truyện ngắn khác như Tiếng Buồn Đuổi Theo khi tả đời sống những người dân nghèo – nhân vật nữ phải làm điếm để nuôi gia đình, ông lên tiếng phản đối chiến tranh nhưng ôn hòa, gợi suy nghĩ: chiến tranh làm đảo lộn phong hóa, xáo động cuộc sống người dân v.v...

Nhưng đến năm 1972, tác phẩm thứ hai Tiếng Gọi Thầm được xuất bản, đã đưa độc giả vào một thế giới văn chương khác, nội tâm và khắc khoải hiện đại hơn. Doãn Dân chưa kịp thấy mặt tác phẩm thứ hai của mình đã hy sinh tại Quảng Trị, lúc mới ngoài 33 tuổi. Trong việc xuất bản lần này, Doãn Dân không may khi tập truyện không bao gồm Bàn Tay Cho Yến, là truyện chính đã được tác giả dùng làm tựa chung cho bản thảo tập truyện.

Doãn Dân qua các nhân-vật của ông trong Chỗ Của HuệTiếng Gọi Thầm, luôn dò xét và theo dõi phân tích tâm lý của chính mình, đưa cái "Tôi tự sự" vào câu chuyện. Và đặc điểm thứ nữa là họ (tác giả và nhân vật của ông) hình như không bao giờ sống yên thân, không chịu nhắm mắt cho mọi diễn tiến và sự việc qua đi. Tiếng Gọi Thầm (đăng lại trong Giai phẩm Văn, số 13 "Tưởng niệm Doãn Dân", 17-4-1973) là chuỗi tâm sự và độc thoại của Hiệu, một sĩ quan được cử đi tu nghiệp chung với nhiều người khác ở Hoa Kỳ, được bắt đầu truyện với những dằn vặt, chán nản của nhân vật chính tên Hiệu: 

"Hiệu cho rằng sự chán nản bắt đầu từ nửa khuya hôm đó. Một sự chán nản đến rất tình cờ, đường đột, gần như vô lý. Vậy mà nó lại nằm ỳ, bám sát lấy tâm trí Hiệu, sao không xua gạt được, khiến cho những ngày kế tiếp của chàng hóa thành vô vị. Chàng thấy tiêu tan mọi niềm hứng khởi: những ngày sau đó nơi đất lạ chỉ còn là một chuỗi ngày sống trong nôn nao, khắc khoải. Chàng bồn chồn, nôn nóng như kẻ ngồi ở chỗ hẹn, quá giờ đã lâu, vẫn không thấy người yêu tới...”  

Đó là những mặc cảm, tự ái, lúng túng của người Việt trước người ngoại quốc, khi tiếp xúc cũng như trao đổi trong lớp học, những đôi co và nói xấu, nghi ngờ nhau, giữa các sinh viên người Việt, cả những tủn mủn của những tính toán vật chất (mua bán gì, bao nhiêu cho có lợi khi đem về nước) v.v... Độc thoại cũng như sự lười biếng (tham gia, gặp gỡ) của Hiệu ít ra cũng khiến chàng tìm được những giây phút “bình yên, phẳng lặng” của đêm “quá ư an lành, êm ả”, một thứ “lặng thinh bát ngát quanh mình”: “Đêm của chàng dày dặc những nỗi lo âu; dày dặc những nỗi bồn chồn, khắc khoải” bất cứ ở đâu trên đất nước, vì chiến tranh, vì con người v.v... mà chàng cứ phải đinh ninh cho là êm ả, vì Hiệu cũng vừa nhận ra nơi vùng đất an bình của xứ người, chàng không tìm thấy được nỗi an tâm, tự tin cũng như những gì có thể xem là thân thuộc, cái êm ả ở đây cũng xa lạ quá khiến chàng càng thêm cảm tưởng đơn độc: 

“Trong đêm vắng, chỉ còn có mình mình đối diện với nỗi lặng thinh thanh thản của đất nước người, chàng bỗng cảm nghe lòng mình buồn bã; nghe như từ một chỗ nào sâu kín tận đáy hồn mình, vẳng lên một tiếng gọi thầm, tiếng gọi mơ hồ, vu vơ, chấp chới mà thật thiết tha, khắc khoải vô cùng...” Hiệu cần sống với những cảnh vật và khung cảnh tầm thường, nhỏ nhặt mà đã quen thuộc của quê hương, dù nơi đó chiến tranh, bom đạn không ngừng nghỉ! Làm như chiến tranh đã trở nên thành phần của cuộc sống thời đó, vắng hay xa thì thấy thiếu.

Truyện Bàn Tay Cho Yến (Tạp chí Văn số 120, 1968) đưa người đọc đến mê cung của tâm lý với những “ám ảnh dằng dai, ấm ức”, những thắc mắc, ngờ vực không đâu của nhân vật tên Nguyên về Yến, người yêu của mình, người yêu từ ấu thời mà chàng tình cờ gặp lại sau một thời gian dài xa cách. Những suy đoán khá chủ quan và bất bình thường về sự liên hệ giữa nàng với một người đàn ông già xa lạ. Với Nguyên, mỗi chi tiết của hình vóc, dáng vẻ bề ngoài của người này đều khả nghi theo ý xấu. Riêng với Yến thì Nguyên quan sát và nhận xét chủ quan thân mật hơn: 

“Cái cử chỉ lắc đầu, hất mái tóc ra phía sau, mặt hơi ngước lên nhìn người đối diện, vừa như tỏ ra lịch sự, chú tâm theo dõi câu chuyện, lại vừa có vẻ ngây thơ, cố ý mà vẫn duyên dáng: cái cử chỉ đó Nguyên cũng không lầm được. Nhưng, còn hai bắp chân. Hai bắp chân thon, trắng với những sợi lông hơi dài và hơi đen hơn mức bình thường, bám sát vào da, xuôi xuống thật đều, thật mịn. Hai bắp chân đó là của Yến? Nguyên thấy xa lạ. Chúng gợi đến những cảm giác kỳ cục, không thể dành cho Yến. Chúng kêu gọi ham muốn. Chúng khuyến khích, thúc giục người nhìn tưởng tượng ngược lên phía trên... Nguyên không tin chúng thuộc về Yến.” 

 Phân vân, ngờ vực pha ghen tuông, tất cả những diễn biến tâm lý đó trong khung cảnh đường phố đổ nát của một vụ tấn công của Việt Cộng đêm qua với những xác địch “nằm tênh hênh, mình trần trụi, mặc mỗi cái quần xà-lỏn.” Khi người đàn ông lạ bỏ đi thì Nguyên mới nhận ra người nữ đó chính là Yến trước nay đã đi vào đời chàng, và thường “đã như tất cả nghị lực của chàng, giúp chàng chịu đựng, vượt qua mọi khó khăn, vất vả ở đời” của một người lính luôn hành quân trong rừng sâu. Ở đây là đôi mắt của Yến, yếu tố đưa hai người đến gần nhau sau nhiều năm xa cách, rồi chiến tranh khiến họ ít gặp nhau đến lần này giữa đạn khói (dù đã lắng), Yến nhận ra “sau mấy năm gặp lại anh, em thấy anh lạ hẳn” – câu nói làm cả hai chìm đắm vào suy tư và... phân tích người kia. 

Vì từ ngày học sinh đạp xe chở nhau đến nay, tuổi đời đã thêm và chiến tranh cũng đã làm bao thay đổi phải đến. Nguyên thì ngơ ngác trước những thay đổi ở Yến mà chàng gán cho cái nhãn “con người thời đại”, dù đã cố gắng tự nhủ không buồn vì đó là “cái vòng biến chuyển thường tình nơi chốn thế gian... cái vòng biến chuyển tối tăm mù mịt...” Yến cũng vậy, những thái độ, cái nhìn của Nguyên làm nàng lo sợ, nhận không ra... 

Nguyên chủ quan nghĩ rằng “nàng đã tự tách mình ra khỏi đời Nguyên (...) đã thình lình xô đổ, phá vỡ tan tành cái nguồn an ủi to tát, lớn lao của một đời người...”. Một thứ “tan tác, rã rời, cô quạnh... (khiến) Nguyên cảm thấy thương Yến, thương mình, thương đến xót xa, đau khổ.” Nhưng rồi Nguyên chợt nhận ra mình quá ích kỷ chỉ nghĩ cho mình và mọi suy tư, quyết đoán chỉ để thỏa mãn cái "Tôi" của mình. Và khi Yến cho biết lý do có mặt nơi thành phố Nguyên đang đóng quân, chàng mới vỡ lẽ ra mọi sự; chàng đã quan trọng hóa mọi sự khi mà với chiến tranh, sống chết sẽ đến bất ngờ và với bất cứ ai, kể cả anh Hùng của Yến và cuộc-sống hiện tại của nàng. Hai bàn tay nắm lấy nhau, cho nhau – nhưng thật ra chỉ là Nguyên cho Yến vì tính tự kỷ, tự cô lập của chàng. Tình yêu cuối cùng đã chiến thắng từ bàn tay cho nhau.

Qua Sơn, Hiệu, Nguyên v.v... các nhân vật chính mà hóa ra phụ, nói cách khác, chỉ là cái cớ để tác giả nhìn xuyên qua không gian hiện tại để trở về một nơi chốn khác hay của quá khứ và xuyên qua đó nhớ lại và nói với người đã qua đi hay vẫn còn đó, với những nhân vật của truyện như đại diện cho từng mảnh đời hay tâm sự của tác giả. Người đọc tìm thấy nhiều độc thoại trong truyện của ông cùng những nhớ lại, tưởng tiếc, hối hận. Cấu trúc thường gồm diễn tiến câu chuyện xảy ra xen kẽ những hồi tưởng, lý luận, phân tích, ở một số tình tiết hoặc diễn tiến được tác giả quay chậm lùi trở lại. Ngôn từ, chính ngôn từ của Doãn Dân khiến người đọc rung động đến tận đáy tâm thức nguyên sơ. Thật vậy, các hình ảnh, màu sắc, các biến cố, cảnh tượng v.v... đều thoát ra như một nhắn nhủ, một hồi tưởng hay như một bức tranh đa nghĩa! Ngôn từ ở Doãn Dân nhiều chất thơ mà không gian truyện của ông cũng ắp đầy thi vị. Bên cạnh và giữa những suy tư nội tâm và những diễn biến bất ngờ!

Qua tác phẩm, Doãn Dân còn tỏ lộ tâm tình phản kháng đối đầu với thực tại, với hoàn cảnh vây quanh. Nhẹ thì cũng là thái độ, lối sống không hội nhập với tập đoàn, xã hội vây quanh. Xa hơn là những ước muốn cho một xã hội công bằng và hạnh phúc hơn cho mỗi con người. Vì chiến tranh, đổ nát cứ quẩn quanh cuộc sống các nhân vật không lối thoát.

Văn tài Doãn Dân theo thiển ý không ở Chỗ Của Huệ, mà ở những truyện ngắn đầu đời viết văn cũng như sau này. Ông tả cảnh và nhân vật bằng tâm trí, bằng xúc động, bằng sự sống lại cái vừa xảy ra hay đã lâu trong thiếu thời. Dùng "Tôi tự sự" hay viết về nhân vật khác, dùng nơi chốn cũ hay không gian sống mới thì các nhân vật và cuộc đời tác giả như được viết lại, nhìn lại! Có thể nói không khí văn chương của Doãn Dân cùng một quỹ đạo hồi tưởng và viết lại, với những Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền v.v... 

Ở Doãn Dân có thể ngắn hơi hơn, nhưng như tiếng kêu thương tha thiết, muốn sống và vượt thoát những bủa vây, rào cản, khác với cái lạnh lùng, vô cảm của một thế giới hiện sinh đen ở Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền. Ở Doãn Dân hơn nữa, còn là một kiếm tìm một lý tưởng hoặc ý nghĩa cho cuộc sống. Và một tin yêu vào cuộc đời. Doãn Dân sinh hoạt văn nghệ vào cả hai thời Đệ Nhất Cộng hòa và thời hỗn loạn và chiến tranh leo thang sau đó. Trong các tác phẩm thời sau, văn chương vốn có những đặc tính hoài nghi, hiện sinh hưởng thụ và phẫn nộ, phản chiến, là những thứ mờ nhạt trong tác phẩm của Doãn Dân. Trong tác phẩm của ông, chiến tranh vẫn có mặt nhưng như một định mệnh, con người đành cam nhận và nếu can đảm, chỉ tìm cách dàn xếp cuộc sống riêng và suy tư của mỗi phận người.

Tác phẩm của Doãn Dân như vậy thiên về tâm lý với những phân tích nội tâm, những độc thoại, những thăng trầm, biến đổi của tâm trạng nhân vật đa số là những con người đương thời với tác giả hay có liên hệ ít nhiều với tác giả. Qua Chỗ Của Huệ và các truyện ngắn của ông, với những phân tích, độc thoại, những bàn đi tính lại như thế, người đọc có cảm tưởng tác giả có những tâm sự, những bế tắc nào đó của một sĩ quan quân đội thời chiến-tranh ngày càng tăng cường độ.

Đã bao nhiêu năm trôi đi từ khi các tác phẩm của Doãn Dân đến với người đọc và cũng đã gần 40 năm, Doãn Dân đã rời bỏ thế giới này, nhưng nếu có dịp trở lại với tác phẩm của ông – như Thư Quán Bản Thảo số đặc biệt (46, tháng 4-2011), người đọc sẽ vẫn trân quí khi thưởng thức lại một số những văn bản một thời đã được văn đàn đón nhận. Ở Doãn Dân, văn chương là cái gì còn lại, nơi lòng người, ở niềm tin tưởng vào một lý tưởng nhân sinh! Với một ngôn ngữ của sự sống trung thực và hết mình!

 

NGUYỄN VY KHANH

(Montreal, 28-2-2011

Hiệu đính năm 2019)

(từ: phamcaohoang.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét