Gởi Đ.Th.Th.
I
Ngoài tên họ ghi trên giấy khai sinh, trẻ con thường có một tên gọi thân thương trong gia đình. Cháu bé gái bốn tháng tuổi, con một gia đình quyền thế, được gọi là Ong Con. Ong Con lúc chào đời hai bàn tay đầy đủ mười ngón xinh đẹp.
**
Tổ [quốc] ong, cũng như tổ [hợp] kiến, là những tập thể có tính tổ chức, tính kỷ luật bầy đàn rất cao. Muốn sống an toàn, cùng chia xẻ một cái lỗ nhỏ hình lục giác trong tổ [quốc], trước tiên mỗi “công dân ong” phải biết sống phải điều, phục vụ trong phân phận con ong thợ, vui vẻ khi được sai khiến, một chiều thuận trong hệ thống chỉ huy. Tính bảo trọng này, qua nhiều thế hệ, biến ra một căn bệnh mãn tính, là luôn phải thích ứng với hoàn cảnh bầy đàn.
Tuy thế, vẫn có một số những con Ong Con dị ứng với cái hệ thống trại [ong] chuồng [mật]. Chúng lẻ loi, bay vẩn vơ trong gió nắng, tà tà chỗ cái bông hồng, cành lan, trong bóng cây mùa hè. Buồn xơ xác như ve. Gặp trận mưa bão chúng cũng bị dập tan tác, chết queo.
Con ve hát xác xơ, có thể do màu nắng quá buồn. Bị nắng ru nỗi nhớ. Bọn ong-không-cùng-bầy này, thường nôn mửa khi nghe mùi mật dậy ra từ hơi hám bầy đàn.
Có thể gọi bọn này là thế hệ …Ong biết nôn mửa.
<!>
**
Tôi găp một Ong-biết-nôn-mửa tình cờ, rồi sau thành anh em thân thiết, trong một quán nước, một buổi chiều cuối năm.
Cô chừng ngoài hai mươi lăm, đoán thế. Mắt sáng, mặt tươi, tóc đen mượt, thuộc loại gái có học; cô ngồi ngay nhìn thẳng, không điệu bộ ỡm ờ. Nói chung cô rất đẹp, rất…tân hình thức lẫn hậu hiện đại.
Những ngày xáp Tết. Buồn đứt bóng. “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con/ khi thấy mai đào nở đầy bên nương… Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về… nay én bay đầy trước ngõ/ mà tin con vẫn xa nghìn trùng…” Cái loa trên bờ tường một góc quán Sài gòn hôm nay nó hát toàn nhạc thời Miền Nam trước 1975. Khắp các nhà hàng, quán ăn, trên bàn thờ ngày tết, chỗ riêng tư, nơi nơi, đều hát nhạc tình, vàng, sến, đạo, tục… như thế.
Một lúc, gạch vôi bờ tường trở mình, nhắc nhở lời hải ngoại “Đêm nhớ về Sài gòn …tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa/ ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa/ ai sầu trong quán úa…Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song/ mắt người tình một trời mênh mông / gợi bao nhiêu cho cùng…”
Ong-biết-nôn-mửa nói:
“ Toàn những bài nhạc thưở xưa, giọng ca xưa. Dù là hải ngoại sau này cũng viết bởi người xưa. Bọn em bây giờ không sao hình dung ra được cái thời buổi gọi rằng Ngày Xưa ấy. Nhưng bọn em cảm ra cái tâm sự, nỗi đau kiếp người. Hôm nay, trên quê hương này, những giá trị xưa, những linh hồn cũ, đã trôi qua nghìn trùng biển, tưởng đã tan chìm theo hải triều âm thuở nào, nay chừng như đang mãnh liệt sống lại, bàng bạc nơi đây. Mềm mại và sâu lắng đánh thức. Được đón nhận một cách thoáng đãng, nhiệt tình.”
Tôi hỏi em cảm cái Ngày- Xưa- Ấy là cảm cái gì?
Cô bảo trong âm thanh ấy tuy có thất tình, hờn tủi, có đau đớn vì thân phận quê hương, chiến tranh hận thù, có cách ngăn, thương tật, nhớ nhung, nhưng nó biểu thị một tâm cảm rộng lớn. Gợi cái buồn để mở ra hy vọng. Nó có cái thuần khiết của nghệ thuật. Có trời rộng sông dài, có hoa bướm, thanh xuân, có hơi thở trong lành của tự do. Nghe nó, có khi em mơ một dòng suối trong, một cánh đồng bình an mở về bên kia chân trời.
Cô ngụm một ly rượu nhỏ, cô hát đủ người kế bên nghe: “Đôi khi tôi muốn tin/ đôi khi tôi muốn tin…ôi những người khóc lẻ loi một mình…//khóc//… lẻ loi //một//… mình”
**
Bàn tay Ong-biết-nôn-mửa cụt một phần ngón.
Gợi niềm trắc ẩn trong tôi khi chiếc khăn trải mặt bàn trước mặt cô màu đỏ đậm, màu máu chảy ra, tương phản với bàn tay trắng muốt, thanh tú của cô. Cô úp cái bàn tay thiếu hụt trên mặt bàn rất lâu. Như người giàu có khoe một bàn tay búp măng, trắng màu tươi tốt của số phận.
Rõ ràng là một ngón tay trên bàn tay trái của cô bị chặt đứt lìa mất một đốt ngoài. Đốt có móng tay. Có thể do bị đoạn, chém rất nhanh. Cái phụp. Dứt khoát. Vì chỗ vết đứt trên ngón của cô, thay vì khi lành lặn nó nhô thịt ra sần sùi, nó lại bằng phẳng, như vết cắt trên bề mặt một củ cải trắng vừa cắt ra.
Tai nạn nơi bàn tay trái? Cũng có thể do nhát dao từ bàn tay mặt của chính cô bằm xuống, tôi bất ngờ nghĩ vậy.Tôi mường tượng ra cái âm vang của máu khi ngón tay đứt lìa. Một tiếng động ? đau và sắc.
Trong một đời người, giai đoạn sống này có khi tự phản [tỉnh] hay tự thiêu [hủy] phần đời kia đã qua, do niềm hối hận tự thân. Đó cũng là một thể hiện nhân cách. Có ý thức tắm gội bụi nhơ số phận.
Trong chính một cơ thể, bộ phận này tự hòa giải, trợ giúp cơ bộ kia, hoặc chúng tự hủy hoại nhau, như ung thư tàn phá, cũng là sự thường. Tôi quen cô, qua cách ứng xử, thái độ sòng phẳng, có thể cô đã tự chặt một ngón tay của mình, tôi lại nghĩ.
Cô bình thản trước sự thiếu hụt.
Không xem đây là dấu vết tàn tật.
**
Cô uống được nhiều rượu bia. Điều này khá thú vị. Lại khi đã uống nhiều, cô tỉnh táo, rất tinh tường, lý luận sâu sắc. Mười câu đã hết chín cho phản kháng, bất bằng với những gì xảy ra sau lưng trước mặt quanh đây. Yêu cô này ắt chết. Một bà già lý luận. Tôi mong cô hiền hòa, thầm lặng, như khi cô đứng trong mưa.
Thật ra cô đau đớn, cô là con chuột bạch trong cuộc thí nghiệm tàn ác từ cha ông, qua thể chế. Từ chính cái tổ [quốc] ong cô đã lọt lòng.
Buồn nôn ông nội. Buồn nôn cha. Buồn nôn trời đất mông lung đầy thừa những “Lời Dạy”. Và rất mộng mị “Lời Dâng”. Buồn mây gió rủi ro bay qua mảnh đời này. Buồn ói những tư tưởng thoái trào, giả hiệu, mà người ta đã dày công làm ra chữ nghĩa, rồi cưỡng bách dán, nhét, đóng mộc vào não thùy non trẻ chúng em.
Cô tâm sự.
Cô đã không còn liên hệ với cha mẹ từ rất nhiều năm. Cô rất thương yêu mẹ, rất cần thiết một sum họp gia đình, nhưng cô không thể ở cùng chung dưới một mái nhà với chính người cha của mình.
**
Tôi từng gặp rất nhiều những người tuổi trẻ, cả những trung niên mà khi cuộc chiến tranh Bắc Nam chấm dứt họ hãy còn ở lớp tuổi nhi đồng. Hơn ba mươi năm trôi qua, họ chẳng hiểu biết gì thêm về lịch sử trên chính xứ sở này. Cả những người đã được học qua trường lớp, có bằng cấp cao, cũng chẳng có hiểu biết gì tường tận hơn. Có lẽ do một chủ trương che chắn nào đó đối với những Sự Thật lịch sử cần cho đeo măt nạ. Đa phần trong bọn họ, vì cuộc sống bon chen, vì nhiều lý do khác nhau, họ sống cho qua ngày. Không có dấu hỏi đau lòng. Không vết hằn. Không lạ lẫm như Ong Con.
Có một lúc cô hỏi:
“ Em rất chân tình xin anh giải cho rõ. Thế hệ các anh có sự đối kháng, thù nghịch trong gia đình đưa đến tuyệt tình ruột thịt không?”
“ Ô, thật tình em không hiểu gì tính cách máu lửa của cuộc nội chiến vừa qua ư?”.
“ Em hiểu lờ mờ. Có thể em bị lừa gạt”
“ Lừa và gạt làm sao?”
“ Em sinh sau đẻ muộn, không hiểu gì về lịch sử đất nước thời chia đôi. Hình như một nửa sự thật còn trong bóng tối. Nên bọn em rất mù mờ về kẻ thù thời nội chiến Bắc- Nam. Chỉ được giảng dạy đó là một bọn Nửa Nước Ngạ Quỷ, tàn tệ và rác rưởi, khi em đang sống nơi đây với mấy chục triệu người Miền Nam thành thực hiền hòa, xưa kia là đích thực bọn thù”
Tôi yên lặng nghe. Cô tiếp:
“ Trong trường có dạy chúng em biết lờ mờ trước kia nước ta bị chia đôi, thành hai miền thù nghịch Bắc-Nam. Nửa nước kia anh hùng. Vậy hôm nay thống nhất, hai Nửa hợp Một. Năm mươi trứng ngạ quỷ này bất đắc dĩ sống chung với năm mươi trứng hùng anh kia. Bây giờ mỗi anh hùng lại cặp kè với một quỷ đói? Bọn em đây hoặc có cha anh hùng hoặc mẹ ngạ quỷ? Em hỏi anh cuộc hôn phối này đẻ ra cái giống gì? Rằng là quỷ thì chưa chắc, nhưng đó là người thì không đúng cái nghĩa chân thật của nó. Em hỏi anh bọn em đây lai quỷ hay lai anh hùng? Trong cốt lõi anh hùng là hạt nhân ngạ quỷ chăng?”
“Thôi cụng ly đi em”
“Anh không giải thích em không cụng ly. Anh hiền hòa đang trước mặt em đây, xưa kia anh sĩ quan quân đội Sài gòn, anh Ngụy? anh Ngạ Quỷ? là con thú chăng? Anh uống cái thuốc tiên gì mà rụng được cái đuôi? Trong khi quanh đây đuôi mọc dài dài? ”
“Làm sao em đau đớn vậy? Tương lai sẽ trả lại cho em mọi sự thật ”.
“Thế hệ chúng em không muốn, và không có khả năng xóa sạch quá khứ. Nhưng sẽ thanh thản hơn nếu chúng em hiểu rõ nguồn cội. Chúng em cần chân thực, trung thực. Chúng em đâu muốn chiên phồng bởi mớ dầu mỡ cháy bỏng của tâng bốc, mạ lỵ, truyền thông một chiều. Chúng em không thể chờ một tương lai sửa sắc đẹp thơm lừng, khi đang lây lất trong một hiện tại chưa hề được xà phòng tắm gội”.
II
Trước cái hôm bàn-tay-nguyên-vẹn trở thành khuyết-tật-bốn-ngón, cô nhận được một lá thư xa, từ người mẹ:
“ Con gái cưng ạ, bố mày chết toi rồi. Chết nghĩa đen. Tắt thở đã hai ngày rồi. Không phải chết theo cách nói mỉa mai dành cho cái bọn lão hóa chúng tao, mà bọn mày thường dùng đâu. Đang quàn xác tại nhà, chờ các con ở xa về. Thằng Thịnh ở Mỹ thằng Béc ở Úc nữa.
“Lần này thôi con gái ạ. Về mà nhìn cái mặt mà mày cho là không thể nào nhìn mặt. Muốn ói. À, cái mặt của mày hôm nay, con gái cưng mẹ đẻ ra, đứa con thương yêu nhất của mẹ, từ mắt mũi tai miệng cằm, nói chung răng hàm mặt, là sao y bản chính cái bản mặt của bố mày đấy. Về gấp đi. Mẹ đau lắm, từ lâu hằng nghĩ ngợi, mày có khác gì bố? Vậy mà hai cái giống y chang nhau, cùng gen cùng loại máu, mà chẳng hòa hợp hòa nhập chi nhau là nghĩa làm sao?.
Về gấp. Không thì mẹ sẽ chôn bố mày, chôn một nửa cái mày đang cưu mang, chôn một nửa hình hài mày đấy.”
– Thế rồi em có về không? Tôi hỏi.
Cô Ong-lìa-đàn-cụt-một-phần-ngón-tay thì thầm một nỗi buồn:
– Em về chứ. Nhưng hãi lắm.
– Hãi làm sao?
Cô không trả lời.
**
“Lái chậm chậm. Quẹo vào cái hẻm rộng này. Đó, anh dừng xe chỗ có treo lá cờ tang treo ở đầu ngõ kia kìa”. Ong Con nói.
Các tài xế taxi, phần lớn là cộng tác viên của ngành an ninh, nên thường kín đáo quan sát, theo dõi hành tung khi lái xe đưa khách. Nhưng anh tài này có tính tiếu lâm, nhìn lá cờ “báo tang” anh bạo miệng bông đùa: “Cũng vàng vàng đỏ đỏ, mà có cờ thắng cờ thua, cờ ma cờ chết.”
Biệt thự rộng lớn mở toang cửa. Vô sô những vòng hoa viếng tang lễ đặt từ quanh chỗ quan tài, đầy ra hàng hiên, hai bên cổng.
Đèn nến lung linh. Hai cái bàn được kê chỗ bực thềm rộng. Một là bàn tiếp tân có hai cuốn sổ tang bìa mạ vàng đẹp đẽ. Một người áo quần chỉnh tề lúi húi ghi, chắc là những kỷ niệm thưở đầu tên mũi đạn. Một bàn bên kia là bàn có nhiệm vụ ghi tên giới thiệu quan khách đến viếng tang. Một cô viết tên cá nhân hoặc đoàn thể nào ra tờ phiếu, một cô kia cầm cái mi-cờ-rô giới thiệu để người ta lần lược vào trước quan tài chiêm bái.
Một cô ghi phiếu lễ phép hỏi Ong Con:
– Thưa cô cho biết quý danh, đoàn thể nào để em ghi.
Ong Con trả lời:
“Tôi là con cái trong cái nhà tang ma này”.
Rồi Cô đi luôn vào trong. Cô chẳng chào ai. Cô tìm mẹ.
Người đông quá là người.
Cái loa đặt một chỗ kín đáo phát âm những kinh cầu vừa đủ nghe “Nam mô bổn sư Thích ca…” Cô thầm nghĩ: “Quái, sao Đức Phật lại khơi khơi nhào vô chỗ này”.
Cô thể nào quên, rất nhiều lần xưa kia, bố cô từng khẳng định:
“Bọn tu hành là bọn tiêu cực, chỉ biết ăn bám, kinh tụng xàm xàm, phi sản xuất. Bọn tôn giáo, nhất là bọn Chúa, là rặt phản động phản quốc. Kể cả trời cũng là thằng giặc gieo tai ương nắng hạn bão lụt. Muốn ổn định chính trị phải cảnh giác mấy thằng tu. Muốn ấm no hạnh phúc phải coi chừng thằng Trời. Phải triệt để chống Trời cứu Mùa”.
**
Quan tài đặt trên hai đà gỗ, cách mặt đất chừng tám tấc. Một cái bục cao năm tấc cạnh quan tài, để mọi người thân lần lượt bước lên nhìn mặt người chết trong áo quan, qua một lớp kính.
Ong- biết-nôn-mửa-hai- bàn-tay-còn-nguyên-vẹn bước lên. Hai tay vin nhẹ vào thành áo quan. Cô hơi choáng vì cái quan tài quá lớn với màu đỏ, và những hoa văn màu vàng. Quanh quất là nhang khói, mùi hoa tươi, mùi người, màu sáng đèn nhấp nha, trộn lẫn mớ đất trời lợn cợn ờ-hắp-anh-hùng-de-mi-ngạ-quỷ, nay có Phật hỉ xả ghé qua. Một rùng rợn đa nguyên.
Qua lớp kính trong suốt, Ong Con bàng hoàng nhìn.
“Cha đây/Bố này”.
Một thi hài được tô màu, son phấn kỹ lưỡng [như sẵn sàng lên phim]. Một khuôn mặt rất quen mà rất đỗi lạ lùng với cô, hiện ra.
Một khuôn mặt thông tuệ, xưa kia phảng phất phong thái một triết gia đông phương, giờ đây có hơi dị dạng. Một vừng trán cao, bây giờ thấy cao hơn trong cái xác mặt gầy. Hai mắt Cha sáng quắc, mưu lược trước kia, bây giờ đành nhắm. Vành mắt được tô màu hồng nhạt. Hai hàng lông mày rậm, dài. Sống mũi cao. Miệng rộng. Đôi môi được tô son đậm. Nhìn cái miệng đã ngậm mùi tử thần, giữa hai làn môi đỏ giả hiệu của phấn son, Ong Con rùng mình. Cô như chênh vênh giữa một khe vực mà hai bên núi đỏ thẫm.
Cha nằm đây. Bố này. Một cái xác trình diện với thiên thu? Một hàm râu trên trắng mịn. Đặc biệt hàm râu dưới rất rậm, dài, rất đẹp khi Cha còn sống [em trở nên yêu mến râu toàn thế giới, vì hàm râu quyến rũ này] bây giờ nó được chải chuốt kỹ lưỡng, được tô sáp óng mượt. “Để trăm năm sau khỏi rối rắm chăng”, cô nghĩ. Hai bàn tay “hết nhiệm vụ” của Cha, trắng nõn trong lồng kính, được xếp xuôi theo thân người. Thuận theo lẽ Đi-Về trong vòng sinh ký tử quy.
Có một thời tuổi nhỏ Ong Con yêu Cha lắm. Có lần cô đã thấy hai bàn tay này, Cha ngồi ghế mây đánh máy những văn bản, trong vườn cây bóng mát, râu bạc phơ bay trong gió như tơ trắng. Cha hiền hòa. Bầu trời lúc ấy một cõi cưu mang. Mây hy vọng đầy trong bao la. Bao tín hiệu mừng vui trong nhòa nhập, mập mờ tuổi thơ của cô. Một tuổi thơ đỏ tươi bị hoang đường cám dỗ.
Giờ đây, bàn tay chết máu được tô màu những ngón, như bàn tay cô dâu sắp về nhà chồng. Cha được gá nghĩa với thiên thu. Mong Nghìn-Sau dành chút lòng từ thiện cưu mang. Cô thầm nghĩ.
Sau cùng, Ong Con quan sát cách tẩm liệm toàn thân Cha đây/ Bố này:
Một bộ trang phục cùng màu trắng ủi thẳng nếp. Nút áo cài tận cổ. Chân mang giày đen. Chung quanh những tấm lụa đỏ chèn làm nền. Những hoa màu vàng nhiều cánh rải rác. Cách trình bày xác chết này như một cuộc diễn tập tạo những quán tính tôn sùng cho con cháu về sau.
Ong Con một thoáng bị choáng. Người chao đảo. Cô cố vin chặc vào thành áo quan. Bố ơi, Cha đây này. Cái hình tượng rặt màu son hồng, là cái xác chết trên đường rã mục trong áo quan, tương phản với cái màn trí nhớ mờ hoang bây giờ đang thách thức trong cô. Những ý niệm, những lời khắc dạy của Cha to lớn, đúc bê tông như tượng đài tuổi thơ, được lặp lại nghìn lần đạo lý, được xướng họa như từ muôn xưa, bây giờ liệu chừng cái xác chết này có vì thế mà không khỏi bốc mùi?
Ong Con nghĩ lung. Quá khứ với hiện tại bồng ném cô qua về. Cô như con lắc. Rồi phút giây cô mịt mù thần não. Cô như cái vụ bị ai đó bung ra, quay tròn. Quay với tốc độ cao tít, như có thể bay đi nghìn dặm. Nhưng nó chỉ quanh quẩn, quay xoắn ốc một chỗ. Không lối thoát. Trên cái nắp áo quan trong suốt. Chỉ để mất phương hướng. Chỉ chao đảo nhìn cái đang phân hủy, tự tan rã chính Nó không thể nào cưỡng lại, bên trong lồng kính.
Rồi cô muốn ói.
Cô cố chặn cổ họng, gắng bước xuống để ngừa cái điều bất nhẫn.
Cô hiểu, Cái Chết là một Đóng Lại. Cái dành cho chúng ta giờ này là những rộng mở chia xẻ, ngậm ngùi, có thể biết ơn và tha thứ. Cuộc đời được Thần Chết đóng đinh trong cái lồng kính này cũng như mọi cuộc đời. Thánh rồi cũng phải theo cái muôn thuở của quy luật Đóng Lại. Những ước mơ tạo thế, tuy hùng vĩ mà xa xăm, rồi cũng cô đặc trong một cái xác này đây. Những hoang tưởng rồi cũng mỏi mòn, ung mọt, câm chìm trong từng tế bào ngay dưới lớp mặt kính đèn màu hào nhoáng này đây. Cha ôi. Bố này. Hình ảnh thân thường của Cha hiện ra, cô muốn khóc nhưng cô lại muốn ói, vì cái bối cảnh chung quanh. Vì một thế giới quanh cô nhầy nhầy, bừa bựa. Cô hoa mắt, một ít nước mắt ứa ra làm nhòa nhạt, biến dạng cái nhìn, hai hóa bốn. Sao chỉ một lũ bốn chân, trong khói hương nhả ra những lời thiết tha, những Lời Dâng chẳng có thực lòng.
Muộn rồi, Ong Con ói thốc tháo.
Cô hiểu là mình bất hiếu. Lòng cô đầy nỗi nhớ khi quay lại, nhưng tình thế xóa nhòa, đã bôi nhục tâm linh.
III
Cô được chăm sóc. Nằm nghỉ trong phòng rất lâu. Mẹ ngồi bên cạnh. Mẹ bảo:
– Thịnh từ Mỹ đã về. Khỏe thì chào anh đi con. Mày bậy quá. Con cái nào lại ói mửa trên quan tài cha.
Có tiếng gõ cửa phòng. Thịnh bước vào. Anh này cao lớn, mặt mập, hai má hồng hào, bàn tay búp măng, da dẻ như dồi phấn, bộ tướng đại gia. Hai anh em lâu ngày gặp nhau, hỏi han tin tức, trò chuyện bao kỷ niệm vui vẻ. Không lưu tâm gì đến “cái lồng kính chứa Cha” bên ngoài.
Thịnh nói với Ong Con:
– Em sẽ có một tài sản không nhỏ đâu, lấy chồng, đẻ bầy con, ăn chơi tới già chưa cạn.
Ong Con hỏi:
– Lương bổng xưa kia năm bảy trăm đồng, rồi cao nhứt là vài triệu, lấy đâu ra xe cộ, biệt thự năm ba cái, đất đai nhiều chục mẫu trên Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa? Sao không trả lại cho nông dân đói khổ ngày ngày trưng hình Cụ Hồ, lên Sài gòn biểu tình đòi đất?
– Cái đó cô chờ bố cô sống dậy mà hỏi. Hoặc ra mà hỏi cái khí trời bàng bạc, hỏi cái nắng mông lung ngoài kia. Trời đất nơi này có nghìn phi lý. Mà nghìn phi lý đó lại rất hợp pháp, thuận gió mưa, không cần lý giải.
Ong Con cười cợt, giọng mỉa mai:
– Anh hợp thời quá nhỉ. Anh hoàn toàn khác bố, chỉ giữ lại cái mồm giàu lý luận.
Thịnh gắt:
– Cô này thậm hỗn. Cụ Hồ từng dặn dò: “Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra công giữ nước”. Tao cải biên tí chút, có hơi hám cải lương nhưng hợp thời trang: “Bố ta làm ra của cải, anh em ta phải ra công giữ của” Thế thôi.
Ong Con nói:
– Gớm cho các anh, ông nào bây giờ cũng từ bỏ nối nghiệp chính trị của cha ông, đi kinh doanh, hái đô la, vàng. Lại đi qua Tân Gia Ba sửa sắc đẹp. Coi chừng đại gia lại thành “đại gia súc” có ngày.
Thịnh nghiêm sắc mặt:
– Con người ta sinh ra có cái dạ dày. Phải lo cho nó. Không phải có dân chủ nhân quyền là dạ dày hồ hởi, khỏi ăn.
– Coi chừng một thời đi theo cái đầu hư tưởng, bỏ đói cái dạ dày; một thời theo chủ thuyết dạ dày đê tiện, lại cái não thùy ung bướu.
– Mà này, cô có cách ăn nói cha đời, xỉa xói từ thưở nào vậy Ong Con ?
– Từ thưở Mẹ Âu Cơ giận chồng đội mớ trứng ra đi.
Hai anh em cùng cười.
Người hầu mang vào bom nho, thức uống, một ít thức ăn nguội. Người hầu bảo Ong Con: “Bà chủ bảo cô phải ráng ăn một chút lót dạ, nằm trong phòng mà nghỉ. Chớ ra ngoài đám tang.”
**
Thằng em út là thằng Béc từ bên Úc trở về.
Đầu nó cạo trọc lóc. Chụp trên đầu một cái mũ da bò tròn din, không có vành. Bận một cái áo thun, một cái quần kaki ống ngắn, loại áo quần bọn trẻ thường bận tới quán cà phê. Cổ đeo một sợi xích. Thòng lòng trước ngực một cái thánh giá kim loại sáng. Cổ tay đeo mấy cái vòng hạt cườm to, màu đen. Chân mang dép. Miệng luôn cười. Nhìn chung Béc có một khuôn mặt rất hiền tuy điệu bộ có vẻ ngông nghênh, bụi đời.
Thịnh từ Mỹ về với một xe tăc xi nào vali, xách tay, máy quay phim máy ảnh lỉnh kỉnh. Béc chỉ mỗi cái xắc mang vai. Béc chào mẹ, chào mọi người, thở ra, nhìn quanh khói hương.
Mẹ bảo:
– Chỉ chờ mỗi con thôi, là đứa con sau cùng. Béc, con bước lên nhìn mặt bố lần cuối đi.
Béc nói:
– Con không muốn nhìn bố trong quan tài. Hãy dành cho quá khứ một cõi riêng.
Mẹ bảo:
– Lấy cái nón trên đầu ra, trước khi lạy. Phải biết tôn kính chớ.
Béc nói nhỏ:
– Đầu con còn sơn đỏ sơn vàng, mẹ thông cảm.
Béc tay cầm nén nhang, cách vái lạy vụng về. Hắn chỉ lạy bố một lạy. Bà mẹ bảo lạy áo quan là như lạy người còn sống, con phải lạy hai lạy. Béc trả lời một lạy cũng như nghìn lạy.
Xong, Béc nói:
– Kiếm cái gì ăn, đói bụng quá.
**
Béc vào phòng thăm chị. Thịnh ngồi cái ghế bành. Béc nhảy phóc lên giường nói với Ong Con: chị co ngươi lại cho em ngồi xem nào.Ong Con ngồi nhổm dậy, chừa một góc giường cho Béc ngồi. Ong Con nhìn em nói, cái thằng này ăn chi to như voi, ngồi chật cả giường.
Cậu ta nhìn chị, nhận xét:
– Gái kén chồng mau già
Nhìn Thịnh, Béc cười nói thân mật:
– Nhà tư bản thì mặt mày mình mẩy mau giống ông Địa.
Thịnh bỗng nghiêm sắc mặt bảo Béc:
– Mày lấy cái nón da bò chụp trên đầu xuống cho tao xem nào?
Thấy tình thế gay cấn, Ong Con đằng hắng, nói trống:
– Mỗi con người đều có quyền tự do lựa chọn, đều bình đẳng trước pháp luật à nhá !
Thịnh nhìn Béc gắt gỏng:
– Ai lo cho mày đi sang Úc du học bao năm? Ai cho phép mày cạo trọc tóc, sơn sơn vàng lên đầu làm nền cờ, lại kẻ ba sọc đỏ đi biểu tình chống chế độ? Cái vàng vàng ba sọc đỏ đó là lý tưởng đội đầu của mày há?
Cả Thịnh lẫn Ong Con kinh ngạc khi nghe Béc đáp trả tỉnh queo:
– Ai đó đã từng đọc tuyên ngôn Độc lập về quyền tự do, bình đẳng nơi mỗi con người. Sống dưới bầu trời phải biết tôn trọng sự lựa chọn của người khác. Hiến pháp có quy định rõ thế nào là nhân quyền. Không cố mà thể hiện cái quyền tự do, dù ban phát trên giấy tờ, là ta tóm lấy cái thiệt thòi.
Thịnh bị xối nước lã bất ngờ, hơi lúng túng nhưng rồi nhanh chóng vặn hỏi:
– Vậy là có thứ tự do nổi loạn ư?
Béc nhìn thẳng vào mặt Thịnh trả lời:
– Có. Phá ngục tù, đòi tự do 1789. Phong trào chống sưu thuế ở Quảng Nam 1907 thời thực dân Pháp đô hộ. Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930. Tất cả có là nổi loạn không? Cách mạng nào chẳng khởi đầu bằng nổi loạn. Nhà ái quốc nào không biểu thị thái độ ít nhất là một biểu hiện nổi loạn. Khi một thể chế lỗi thời, áp bức, bất công, một cường quyền thối nát, bóp hầu thắt họng dân đen, một chính đảng tàn bạo mà mị dân, thì dân chúng có phải cúi đầu cam chịu, phải làm đơn xin biểu tình mới thuận đạo làm người hà?
Thịnh trong lòng kinh hãi. Nhưng dòng máu anh có cái gen lý luận để trấn áp đối phương, để hợp pháp hóa tạm thời cái sai lầm của mình. Thịnh gắt:
– Mày là thằng nhóc con. Thiếu cái nhìn hợp logic. Thời buổi này mà cờ sao vàng với cờ sọc đỏ cái thế quái gì? Đó chỉ còn là biểu tượng. Mọi cái đã được thay vỏ đổi ruột cả rồi. Chả Cộng mà cũng chẳng Trừ. Nhìn tao đây này, tao có thể kinh doanh, làm giàu, đi Pháp đi Mỹ lúc nào thì đi. Ai cấm tao nói tiếng Pháp tiếng Mỹ? Ai cấm tao giao du, kết bè, ôm nựng tư bản? Ai cấm tao ăn fast food uống rượu tây. Tự do nào bằng.
Hình như trong sâu thẳm tâm can của Thịnh còn sót vài cây đinh lý tưởng cồn cào. Anh bỗng thở ra, và nhìn cái sân sau biệt thự đầy bóng nắng. Anh như thầm mong thế giới hiểu cái thế đứng phải đương-nhiên-mất-phương-hướng của riêng anh và thế hệ của anh. Mong trời rộng sông dài cảm thông cái nồi chè ngọt lý tưởng phải nêm thêm vài con mắm tanh mặn tư bản, đặc trưng tình thế của riêng cái xử sở khó-thể-giữ-nguyên-lành-tinh-túy. Thịnh hạ giọng:
– Béc à, phải biết lúc nào trưng ra cái nhãn hiệu nào. Phải biết trú ẩn trong cái nhãn hiệu nào là an toàn. Phải đổi màu cho hợp thời trang. Sang Úc sang Mỹ thì phải cố sống, ngoan ngoan, êm ả để trở thành công dân Mỹ, Úc. Tao nhắc lại, tất cả chỉ còn là Cái-tên-gọi, cái nhãn hiệu phơ phất.Tao nói thật, có thể treo lá cờ hiệu của bọn Cướp Biển cũng được, miễn làm sao tao có nhiều tiền, nhiều thế lực yểm trợ, để công ty phát triển bền vững, sản xuất nhiều hàng, thu nhập nhiều lợi nhuận, làm giàu hợp pháp, đừng để bề trên làm khó, bảo đảm hàng hóa tốt cho khách hàng, lương công nhân đầy đủ. Thế thôi. Mày phải hiểu.
Ong Con đang co người bụm hai cái lỗ tai.
– Béc à. Chớ làm thiêu thân. Hãy nhớ cái tình thế, mà xoay chuyển sao cho phù hợp. Vấn đề cốt lõi là sinh tồn. – Thịnh nhắc lại.
Ong Con đằng hắng hỏi mỉa:
– Anh Thịnh, anh có muốn em thêm vào menu tự do của anh vài món quan trọng, món trung tâm không?
– Cái gì, món nào?
– Tắc kè chiên bơ. Tắc kè xào lăn, tắc kè lẩu. Và cách sống tắc kè, mất gốc, nhanh chóng đổi màu để duy trì sinh tồn theo môi trường.
Ong Con đẩy cửa bước ra ngoài. Béc hỏi chị đi đâu. Ong Con nói tao đi lấy cục bông gòn tao nhét.
Béc bước nhanh theo chị, trước lúc đóng sập cửa lại, Béc nói: “Anh Thịnh, anh sẽ lên thiên đường với bộ xương con thằn lằn”.
IV
Bà mẹ cảm thấy cần trao đổi môt đôi điều với Ong Con, cô con gái rượu. Bà thương yêu nó nhất nhưng bà hoàn toàn bất lực trước sự rạn vỡ vô phương hướng của gia đình.
Quan tài bố chúng chưa được chôn cất. Còn nằm đó như một như một điều kiện răn đe, là chúng mày hãy biết nhường nhịn, chỗ ruột thịt. Nhưng mọi việc nơi này cứ bầy hầy bừa phứa những bãi rác hữu hình buồn nôn, cùng những cõi rác vô hình bàng bạc tâm não người.
Trong quán nước. Bà mẹ gọi ly cam vắt. Ong Con nói con phải uống một cái gì khác mẹ chứ, cà phê mẹ nhé.
Bà mẹ tâm sự, giọng đầm ấm nhưng đượm buồn:
“Con gái ạ, từ lâu mẹ cảm ra là gia đình chúng ta có lắm điều không ổn. Những bất ổn này rất phức tạp, bung xung. Mỗi thế hệ một trời tâm sự. Đó là quyền hành xử riêng, mỗi. Nhưng sự xung đột có bề lan rộng, mất phương hướng. Một phần do tình hình xã hội quá bệ rạc, một phần do cái cốt lõi, cái chân thiện uyên nguyên nơi mỗi con người, là điều kiện để mọi người ngồi lại cùng nhau, đã bị tàn hủy.
“Người ta từ ngoài nhìn vào cái biệt thự to lớn kín cổng cao tường của chúng ta ai cũng nghĩ nó biểu trưng cho quyền uy, giàu sang, cao cấp của trí thức. Thật ra, nó chứa đầy đủ bên trong là sự ngột ngạt, suy đồi, rã tan.Trong đó có sự đối kháng giữa các con và đấng sinh thành. Sự đối kháng đến đoạn tuyệt tình cha con này lấn sang phạm trù của nhân luân. Nó nhắc nhở một sự phá sản tâm linh”.
Ong Con nhẹ nhàng ngăn lời mẹ:
– Mẹ ạ, trước khi nghe mẹ tiếp tục câu chuyện, con xin mẹ cho phép con hỏi điều này. Nó rất thừa nhưng phải được rõ ràng.
– Con muốn hỏi điều gì thì cứ hỏi, nhưng tuyệt không cho phép gắt gỏng. Không cho phép mở đường đến ngã chia lìa.
– Mà mẹ có chịu trả lời cho con không, dù bất cứ câu hỏi dưới dạng nào.
– Cứ hỏi đi.
Ong-Con-còn-đầy-đủ-bàn-tay-năm-ngón chậm rãi ngụm một chút cà phê. Cô nhìn mẹ, thầm cảm ơn qua một nụ cười.
– Mẹ hà, lý lịch của mẹ thì con thuộc nằm lòng. Nhưng đó là con đọc trên giấy tờ khai sinh. Bây giờ con xin phép hỏi thật mẹ, muốn được nghe từ chính mẹ trả lời.
– Cái gì đây. Lại gài bẫy chuyện gì đây Ong Con ? Mày thông minh không bằng mẹ mày đâu.
– Làm sao con có thế tàn nhẫn với mẹ? Nhưng thế này, con xin phép hỏi là mẹ chào đời năm nào?
– 1954
– Bố tóm mẹ, à không, con xin lỗi, bố cưới một giai nhân là mẹ vào năm nào?
– 1975. À này, mày làm hình sự xét hỏi hả Ong Con?
Ong Con cười, tiếp:
– Chưa đâu mẹ. Vậy con chào đời thời nào?
– Đương nhiên là sau 1975. Thời kỳ dân chúng xếp hàng chờ khoai với muối.
– Mẹ là người Miền Nam?
– Con khùng. Đương nhiên.
– Mẹ từng là hoa khôi ?
– Nói ra thêm xấu hổ
– Nghe rằng mẹ có vào đại học, ngành văn chương triết học?
– Cái học, cái bằng cấp là một yếu tố quan trọng, nhưng nó không hoàn toàn là bảo đảm nhân cách một con người.
Bà mẹ hỏi Ong Con thấm vấn đã xong chưa?
Ong Con xin phép mẹ, cô bước ra ngoài. Cô đi lại nhìn quanh cái hố cá, những chùm hoa giả đỏ màu. Cô ra hẳn ngoài vườn, cô nhìn cái bóng mình thu nhỏ, đen đậm hơn, vì trời đã về trưa.
**
Cô đứng dưới bóng nắng khá lâu. Chìa bàn tay năm ngón đầy đủ, nhìn cái bóng năm chia trên nền gạch của lối đi. Máu thịt tôi đây. Năm ngón hình sao, bố hình tượng ra đây. Ong Con nhìn vào trong thấy mẹ ngồi tay chống cắm, trầm tư. Buồn quá đổi, cô muốn để mẹ một mình, muốn tức khắc giã từ cái thành phố mới mấy hôm trước cô đành lòng trở lại vì tin cha qua đời.
Sau cùng Ong Con trở vào. Cô muốn thanh toán lần cuối cùng cái bóng đen ám ảnh. Cô thở dài, nói chán quá mẹ ôi. Mẹ, con muốn uống một cốc bia. Bà mẹ gọi bia cho con gái. Mày hư rồi con ạ, mày phải là “thằng” mới đúng.
Trời sài gòn hạ nửa đỏ nửa vàng. Hình như trong nắng có lở lói.
Đường phố đang bị kẹt xe. Chen chúc, hỗn loạn. Mỗi người đội một nón bảo hiểm. Một rừng nón nhựa tròn din trên mỗi đầu người. Lênh láng một dòng sông-đầu-trôi. Xứ Đầu Nhựa.
Ong Con nhìn mẹ. Mẹ gầy. Mẹ hao hụt.
Ong Con nói trong mớ âm thanh oán tiếc. Như hoang mơ:
“ Mẹ chào đời 1954, bị bố tóm gọn 1975. Vậy là mẹ đã có được 21 năm đời con gái. Được mơ mộng, tự do, thanh xuân, được yêu đương, học hành đúng nghĩa học hành. Có thể mẹ đã yêu một ai trước khi về với bố. Một-Ai ấy, không là hoang đường. Mẹ hạnh phúc hai mươi mốt năm, dù có xảy ra thế nào ở cuộc đời sau.
“ Mẹ hà, vậy mẹ may mắn hơn con nhiều. Mẹ có hai mươi mốt năm chính mẹ. Trong khi con vừa chào đời là đã thấy Ổng, Bố đấy, đứng chần dần ngay ở đầu nôi.
“ Biết bò biết đứng biết đi, biết nói biết học biết cãi cọ, biết nhận ra đúng sai, biết ngọt đắng, chao ôi, chung quanh con, con người bỗng hóa ra gió ra mưa. Xã hội bao trùm con một bầu đặc sệt những mùi. Rỗng và lạnh ớn. Nó bắt con buồn nôn. Con không có may mắn như mẹ, hai mươi mốt năm đầm ấm trong nỗi nhớ riêng mình, đẹp đẽ trong ý nghĩ về tính cách con người chung quanh”.
Bà mẹ thực sự bàng hoàng.
Bà không ngờ nỗi buồn của con gái rộng lớn, thoát ra ngoài những vụn vặt. Đó là nỗi buồn của tâm linh nhắc nhở. Muốn rửa sạch nó chăng? Rất khó mà làm thanh tao những vẫn đục có tự suối nguồn.
Bà ngắt lời con gái:
“Ong Con hà, con có thể suy nghĩ khác hơn không. Con nhầm lẫn giửa lịch sử với con người trong lịch sử. Đôi khi con người bất lực trước thời cuộc. Nhưng thời cuộc lại hành xử con người một cách oan nghiệt. Nó xé toan, bôi đen phận người. Bố của con cũng chỉ là một nạn nhân. Xứ sở này là nạn nhân. Mẹ nói rắng xứ sở chứ mẹ không dùng cái từ dân tộc. Bởi bao năm qua cây trên rừng, chim trong tổ, mạch nước ngầm trong đất đều chung chịu sự hủy hoại bởi vừa của hòn bom trái đạn, vừa của chiến tranh ý thức hệ này”
Ong Con nói buồn bã:
“ Mẹ ạ, con xin lỗi, con nghĩ khác hơn. Chính con người bôi đen lịch sử.
Bà mẹ bình thản hơn:
“ Ong Con ạ, con lầm rồi. Con bị đóng kín trong nỗi hận đời của tuổi trẻ hôm nay. Con chưa thể hiểu ra một phần lịch sử bị ai đó manh tâm viết khác đi. Con chê trách nhân cách cha ông, khi cha ông từng bị cái hệ thống gai thép tàn độc bách hại, đến không còn một khe hở để mỗi con người có điều kiện thể hiện nhân cách riêng mình.
**
Câu chuyện bị gián đoạn vì bà mẹ mở điện thoại cầm tay. Béc gọi mẹ ơi mẹ về gấp, quan tài bố bị xì hơi.
Ong Con nói trước khi về mẹ nên tiếp tục bài diễn văn tổng kết đi.
Bà mẹ hiền từ và nhẫn nại, không lưu ý đến cách mỉa mai của con, bà chậm rãi:
“ Ong Con ơi, con đâu biết những lời mẹ nói ra ở trên đây cũng chính là tâm sự mà bố con từng dành riêng cho mẹ những đêm trằn trọc. Những đêm sâu khó tìm được giấc ngủ trong một Sài gòn mà gạch đá cũng lên tiếng đau.
“ Mẹ nghĩ, nếu bố con có khả năng cầm bút, cuối đời nhìn lại, ông có thể đã viết di cảo, những trần tình, phản tỉnh cuối đời, như bao người có tâm huyết.
“Con phải hiểu, trong chiều tà, lúc phải viết di cảo để sữa sai chính mình, để phá đổ, để chối từ những cái trước kia được gọi vinh quang, là cuộc đối diện với lương tri khó khăn lắm. Là cuộc ứa máu. Cuộc liều mình lấy dao rọc máu cứu mình.
“Ong Con ơi, cuộc đời phải dùng đến văn chương chữ nghĩa thay bột giặt tắm gội lương tâm, thì cũng đau. Mình khác chi miếng giẻ lau cái tấm thớt máu chủ nghĩa một thời. Nhưng ta nên chia xẻ, thương xót, trân trọng các mảnh Di Cảo”
Ong Con yên lặng nghe. Bà mẹ tiếp:
“ Con bỏ nhà ra đi quá lâu. Biền biệt tin nhà. Con đâu hiểu ra những đổi thay sâu xa nơi bố mẹ. Con có biết rằng Bố đã khuyên mẹ bán tất cả đất đai ở Bình Dương Bà Rịa để làm từ thiện. Bao nhiêu trẻ em lang thang đói khổ, bệnh tật suy dinh dưỡng, hàng nghìn những thân phận già nua cô độc, dở sống dở chết trên mỗi góc đường. Biết bao làng thôn xa cách thị thành thiếu cơm thiếu áo, thiếu bệnh viện thuốc men. Giờ đây, xứ sở này mới đích thực lộ bày cái phồn vinh giả tạo, cái đạo đức phấn son, nơi tội ác hoành hành không giới cấm, chỗ cuối cùng cho mớ ngôn ngữ tư tưởng rổn rảng, hô hoán tuyệt vọng để che đậy những hoang mang chờ kết thúc.
“ Con ạ, kết thúc này không đẹp như con hổ anh hùng dẫy chết. Mà là con rắn cố trút vỏ, cố thay cái vỏ già nua phế thải, một cách trần trụi, ghê tởm và khó khăn. Chính nó lở lói thời thay màu tắt kè, trút vỏ”.
Ong Con chừng như bị mẹ chinh phục, được cởi bỏ phần nào cái tâm não bê tông cô từ lâu hình dựng, mục đích che chắn, phản vệ những ô nhiễm đỏ màu máu tanh.
Bà mẹ đánh trận cuối cùng:
“ Con à, con có biết bố mẹ đã quy y Phật, đã ăn chay trường. Không là hối lỗi. Mà là tìm chút thanh thản trong tháng ngày còn lại. Chừng như mẹ đây cũng là cái tế bào ung ung, bầy nhầy trong mình mẩy con rắn khó khăn trút vỏ.
“ Ong Con ơi, con nào biết bao nhiêu đêm mẹ đã ngồi dưới đèn khuya mẹ nhặt những mảnh đạn, kim loại vụn từ thân thể của bố con. Làn da già nua, khô và sạm đi. Những mảnh đạn bom ghim vào thuở Trường sơn, trong dọc đường chống Mỹ. Có thể những anh em bên kia, những con người của Mậu Thân của Suối Máu, của cuộc trường chinh chống Cộng sản, cũng mang trên người những thiên thu thương tích như bố của con.
“Những mảnh đạn bom trên mỗi người chinh chiến, nhiều quá, lẫn lộn trong máu thịt. Lẫn khuất trong tâm não. Tưởng rằng quên nhưng hãy còn đây. Tiếng nổ đã im vắng trong xa mờ, nhưng nó, những mảnh kim loại đang chờ cơ thể đẩy dần ra. Năm năm, mười năm, một đêm khuya khắc sờ da thịt, nó trồi ra đây này. Mẹ từng bỏ cái mảnh kim loại nhỏ như hạt tấm, trong lòng bày tay mẹ. Nó nằm trong một cơ thể bên này, do một bàn tay bấm nút bên kia. Mẹ soi dưới ánh đèn. Một mảnh lấp lánh linh hồn đôi bên. Nó là cái vệt sáng nhỏ nhoi, như phận người nhỏ nhoi”.
Bà mẹ nhặt trong túi áo mình ra một cái túi nhỏ. Rất nhỏ, lụa dày, màu xanh đậm. Bà nói với Ong Con:
“Mẹ trao cho con cái túi này, trong đây là một mảnh đạn lớn và những mảnh vụn từ thân thể của Bố con. Gia sản đây này. Cùng có thể kim loại ấy là máu thịt người. Là chân lý tan tành theo tiếng nổ một thời. Mẹ mong con cố gắng chấm dứt những hờn oán. Cái chúng ta cần hôm nay là sự chân thành tha thứ, mở rộng cõi lòng để xóa tan cách biệt, lại gần nhau hai bờ trùng dương, mỗi con người phải chịu mỗi thiệt thòi, có thể là thiệt thòi to lớn và hận sầu, để làm sao tiến đến gần sự Chung Nhất. Lịch sử đã như thế, chúng ta cố gắng không thế là “Như Thế”.
“ Ong Con ơi, thù hận, oán hờn một con người đã yên trong đất mẹ, là con tự làm nhỏ nhoi chính mình. Hãy để đạo lý cuộc đời chảy trôi, như tự nhiên của nó, như suối trong, như rừng xanh lá…”
Ong Con gục khóc trên mặt bàn. Ong Con nói nhỏ: “Mẹ ơi, mẹ là trung tâm”. Bà mẹ ôm cô con gái vào lòng. Bà yên lặng nghe nắng.
V
Còn hai ngày là đưa tang, không ai tìm thấy Ong Con đâu cả.
Nửa khuya, Béc nhận được một cú điện thoại của chị: “Béc đến gấp bệnh viện C.R. gặp chị. Lầu 2 phòng 207”.
Béc ngồi trên cái ghế, cạnh giường bệnh. Ong Con thay đổi nhanh quá. Đôi mắt trũng sâu. Da mặt vàng tanh, thiếu máu. Tóc rối bời. Bàn tay trái hình như có gì không bình thường, được băng kín.
Ong Con ngồi lửng. Lưng tựa vào thành giường, đằng đầu. Giọng hao hụt:
– Chị đã giữ những mảnh đạn của bố trong người này rồi. Em giúp chị, mang cái hộp nhỏ này về. Sáng mai lúc hạ huyệt, lúc mọi người ném hoa và những nắm đất đầu tiên, em thay mặt chị ném cái hộp nhỏ này xuống mồ. Chị gởi cái này theo bố.
Béc cầm cái hộp cạt tông hình khối chữ nhật, rất nhỏ, chị trao. Dài chừng bốn phân, được bọc kín giấy màu có hoa văn. Ngoài có thắt nơ dây hồng như hàng quá tặng.
– Cái gì trong này? Béc lưỡng lự hỏi.
Ong Con thở khó khăn, nói chậm:
– Em phải thề với chị là em không nên biết cái gì ở trong đó. Không được mở cái gói thiêng này ra xem, là em hay bất cứ là mẹ hay ai. Em thề là em phải tuyệt đối nghe theo lời chị như một lời trối trăn.
– Chị ơi, chớ dại mà trối trăn. Béc than vãn.
Ong Con nghiêm mặt nhắc lại:
– Hãy thề là nhất nhất nghe theo lời chị, Béc. Không cần biết trong cái gói có những gì. Không thắc mắc việc ném nó theo quan tài người nằm xuống, là với dụng ý, mang ý nghĩa gì. Béc, phải làm sao để nó nằm trong mộ của bố. Thành tâm thề đi.
– Em thề.
– Phải là xin thề.
– Vâng, thưa chị em Xin Thề.
**
Nắng cao. Soi một nửa lòng huyệt. Nửa kia là cái bóng đen của bờ đất.
Bà mẹ trước đó quyết định quàng thi hài chồng tại nhà, không là nhà Tang lễ Thành phố. Bà từ chối lời đề nghị cho rằng “Ông phải được đặt quan tài và cử hành nghi lễ tại Nhà Tang Lễ Thành phố. Đó là một vinh dự mà cũng là một tỏ lòng biết ơn của Nhà Nước đối với Ông”. Giờ này, cũng theo quyết định của bà, linh cữu được hạ huyệt trong đất riêng, không đến Nghĩa trang Thành phố, nơi dành cho những người có công trạng.
Thịnh đọc một bài diễn văn ngắn. Người mẹ bảo Thịnh phải viết cực ngắn, không quá hai trăm từ. Bà cự tuyệt ý kiến một người bạn của chồng muốn đọc một bài thương tiếc trước mộ bạn. “Chồng tôi, anh ấy tự biết sẽ đi về đâu”
Các nhà Sư áo vàng đứng quanh huyệt mộ. Lời kinh tụng hòa trong gió nắng. Có nhiều tiếng khóc. Có người hỏi: “Ong Con đâu? ”. Có người than phiền: “Con cái nhà này kinh thật”. Có người than vãn: “Thương xót cho Ông lớn này. Ông ngậm trái đắng vĩnh cửu trong một chí”. Có người cải chính: “Không phải vậy. Máu trong trái tim Ông có thể đã trở thành mật đắng từ bao năm rồi”.
Béc mân mê cái hộp trong lòng tay. Béc nhìn những âm công thả cây đòn dài, xeo nạy để chỉnh sửa quan tài cho ngay ngắn theo hướng mộ. Béc khóc. Béc gọi trong nắng:
“ Chị Ong Con, em nhớ cái bàn tay băng kín trắng xóa. Em nhớ cái dấu máu nhỏ nhoi trên lớp băng vải. Chừng như chị khuyết tật”.
Béc nói với mẹ: “Con nhớ chị Ong Con”. Người mẹ lấy khăn lau khóe mắt, nói: “Hãy dành cho bố giờ phút này”.
**
Khi quan tài được chỉnh sửa xong, hai âm công đứng hai đầu mộ cầm tờ phướn dài ghi tên họ, tháng ngày sinh tử, lật lên úp xuống, đảo qua lạy ba lần. Bà mẹ bóc cái chữ giấy dán, có họ chung trên tờ phướn bỏ ra ngoài. Chỉ chôn cái tên. Không chôn họ hàng. Mọi người nhìn thấy ngoài tên họ, ngày giờ sinh tử, không có chức tước của người nằm trong mộ. Bà nói:
“Ông như một đứa bé nằm nôi. Chỉ cộng thêm mấy chục năm lưu lạc, lấm bụi trần trên Cõi đời mà thôi. Mong Ông thanh thản Ra Đi”
Đầu tiên là những cành hoa huệ, những tờ vàng bạc, những nắm đất vĩnh biệt được ném xuống nắp quan tài.
Béc cầm cái hộp giấy màu, lưỡng lự mãi. Hai lần định ném xuống nắp áo quan như người ta ném hoa, đất. Sau cùng Béc khó khăn bước hẳn xuống lòng mộ. Trong nắng bụi, anh nghiêm chỉnh đặt cái hộp nhỏ nằm ngay ngắn trên nắp quan tài, chính giữa, dọc theo cái thế nằm của cha mình. Béc mường tượng bố sẽ nhìn thấy cái hộp. “Cha sẽ mở mắt và nhìn thấy những gì trong lòng cái hộp”
Có người thấy lạ, lại hỏi: “Sao lại có chôn theo một cái quan tài nhỏ”.
Trong lúc các sư tụng kinh trầm bổng tiễn đưa, một sư áo vàng cầm cái hoa nhúng vào chung nước trong. Sư đi quanh huyệt mộ đang dần dà được lấp đất rảy những giọt nước thiêng xuống lòng huyệt.
Béc bước lên. Anh quay mặt xuống quan tài cha làm dấu thánh giá. Trong một tích tắt, Béc tháo cây thánh giá kim loại sáng trên ngực thả xuống mộ.
Thịnh gắt nhỏ vào tai Béc:
“Mày làm cái trò gì thế. Sao mà bỏ thánh giá vào mộ người đạo Phật?”
Béc nói chậm rãi:
“ Ít ra là đa nguyên niềm tin. Tôi gởi theo bố cái Tôi Chí Nguyện.”
Béc một mình quay lại. Đi dọc con đường khô. Có tiếng gà trưa.
Anh ngồi vào băng sau, xe mười bốn chỗ ngồi chưa có ai ngồi.
Trong im vắng, Béc đợi chuyến đưa tang trở về.
Cung Tích Biền
Đồng Ông Cộ 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét