Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

Không một chỗ, để về - Truyện Trần Yên Hòa

 Lạc Loài - Home | Facebook

Ngận đưa Phụng đến rạp ciné Nam Quang lúc chín giờ sáng. Rạp hãy còn đóng cửa. Còn sớm quá. Thời gian gần đây các rạp chiếu bóng trong thành phố mở cửa trể vì buổi sáng không có ai đi xem phim sớm. Ngận không biết đưa Phụng đi đâu? lang thang hay ngồi quán vệ đường uống nước trà đá. Kim Phụng của một thời áo dài trắng bay bay trong khung trời thị xã ngày xưa, nay qua một cơn đổi đời, đã trở thành cô gái bán quán nhậu bình dân ở trên đường Chi Lăng, Gia Định. Chuyện đó cũng bình thường thôi. Không có gì phải suy nghĩ. Ngận cũng vậy chứ có gì khác đâu. Từ một sĩ quan chỉ huy rồi đến một người tù, rồi một tay đạp xích lô, đi long rong khắp các ngã đường thành phố như chó chạy rong. Cũng vậy thôi. Cuộc đời nó nối khít, bện chặt vào nhau một vòng luân chuyển. Rất bình thường.

<!>

Nhưng Ngận cũng sững người lại khi gặp Phụng ở quán bán đồ nhậu bình dân có cái tên rất tình, quán Bụi Hồng.

oOo

Hôm đó, buổi chiều anh đang chạy xe long rong kiếm khách, thì Ngận gặp Phong, người bạn tù, đã ở với nhau từ trại Trảng Lớn rồi đến Long Giao. Phong đi ngược chiều, thấy Ngận thì kêu to:

–  Ngận, Ngận, phải mầy đó không?

Ngận kéo sát cái cần thắng xe xích lô cho xe ngừng lại, anh nhận ra Phong ngay, anh trả lời:

– Tau đây, còn mầy là Phong phải không?

Phong nhanh nhẩu:

– Ừ, Phong đây, nghe nói mầy về, vợ con tan đàn xẻ nghé, tau tìm mầy mãi mà không ra, hôm nay tình cờ may mà gặp, tau mừng quá.

Đôi bạn đứng giữa đường nói chuyện oang oang tự nhiên như người Hà Nội, ai đi qua cũng nhìn đau đáu. Ngận trả lời bạn, cũng giọng mừng vui, cũng oang oang không kém:

– Tau cũng tìm mầy muốn chết. Thôi mình cho xe ép lên lề bên kia, tấp vào quán nhậu Bụi Hồng làm chút đế, nhé, cho vui.

Thật ra thì cũng gần mười năm hai người mới gặp lại nhau. Ở tù chung được hai năm, hai người nằm khít nhau. Tối tối, Phong kể chuyện cho Ngận nghe, nào chuyện Tam quốc chí, chuyện Đông Chu liệt quốc, chuyện Cô gái Đồ Long, chuyện Cậu Chó… Ngận nghe chưa hết kho sách chứa trong đầu Phong thì Phong bị biên chế ra Bắc. Đến bây giờ đúng là mười năm. Mười năm đôi bạn tù mới gặp lại, sao không nhậu một bữa cho ra trò. Hai người dắt xe lên lề rồi dắt luôn vào quán.

Hai người tù cũ nhìn nhau và thấy thằng bạn mình sao già quá. Mới đó mà đã mười năm qua. Khi vô trại thằng nào cũng tóc còn xanh, mắt còn trong sáng, mà bây chừ hai đứa, đứa nào cũng tiều tụy thấy rõ. Thằng Phong dựng xe đạp, nó khóa xe cẩn thận, Ngận cũng dắt chiếc xích lô vào trong sân quán, Phong nói:

– Kêu cái gì lai rai đi. Mười năm mới gặp lại mầy.

– Ừ tau cũng hỏi tin mầy mãi mà biệt tăm.

Khi hai người ngồi an vị trên chiếc ghế gỗ thấp. Ngận hỏi:

– Mày uống gì, đế Gò Đen nghe. Ở đây có lẩu bò.

Thằng Phong hùng hổ:

– Ừ thì một lít đế Gò Đen, một lẩu bò lớn. Hôm nay để tau lo, người còn của còn mà, mầy đừng ngại.

Ngận  hỏi lại bạn:

– Bây giờ mầy làm gì, ở đâu, gia đình thế nào?

Phong đáp:

– Tau ở ngã tư Bảy Hiền, chạy mối vải kiếm ăn qua ngày. Vợ con còn đủ, tau đi tù bảy năm mới về, nó chưa bỏ tau là may.

Người con gái phục vụ bận cặp đồ bộ bằng loại tơ mỏng dính, cầm tờ giấy đến ghi thực đơn. Thằng Phong kê toa xong, nó quay sang Ngận:

– Hồi ở Long Giao với mầy rồi nghe tin biên chế có tên tau, tau nghĩ chắc là tau may mắn được thả trong đợt Tết đó chớ, nhưng khi lên xe bít bùng rồi mới biết mình mừng hụt. Loại lính tác chiến dữ dằn như tau làm sao về sớm được. Khi xuống tàu ra bắc, tau cứ tưởng là tụi nó dồn mình bỏ ra biển cho cá nó ăn.

Cái lẩu bò được người phục vụ đem ra đặt trên một bếp lửa nhỏ, có thêm mì và rau tươi đủ loại. Một chai đế Gò Đen trắng với hai cái ly nhỏ. Phong rót rượu ra ly cho hai người rồi cầm ly lên ngang miệng, nói:

– Dô đi mầy, hôm nay thật tình cờ mà tau gặp lại mầy, thế mới vui. Tụi mình về được là may, còn sống được là may. Phải không? Hồi tau đi bắc, tụi mầy thế nào?

– Thì ở Long Giao rồi chuyển trại về Hốc Môn. Rồi xuống Suối Máu. Ở Suối Máu tụi tau quậy một đêm Noel làm tụi nó kinh hoàng bạt vía, cả một liên trại không ngủ cả đêm. Sau đó tụi tau thành lập Uỷ Ban Hành Động.

Ngận nói xong ực ly rượu thật ngon lành như ngày ở trong tù được ăn một tép mỡ, nghe thấm từ đầu đến chân rồi chảy len vào từng thớ thịt. Đôi bạn tù khi gặp lại nhau, biết nói gì hơn là kể lễ cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời, về bạn bè, đứa nào còn, đứa nào mất. Những ngày nắng, ngày mưa, ở xứ Bắc hay miền Trung khô cháy suốt những năm lao tù cưởng bách. Đến khi cạn đến ly thứ 5 và chai rượu đế Gò Đen cũng  vơi đi hai phần ba, thì Ngận đã nói lè nhè:

– Tau bây giờ chẳng còn gì, vợ con không còn, của cải không còn, tau chạy xe xích lô lang thang khắp phố phường để nhìn thiên hạ. Sao người ta vẫn ăn chơi sung sướng được không biết. Tau đang tính đường over sea mà tính chưa ra. Đời là cái đếch gì, làm sao ở lại được, làm sao sống chung nổi với lũ chó má nầy.

Phong thấy Ngận đã say và bắt đàu ăn nói vung vít thì cũng hơi dội. Ở đây tai vách mạch rừng, thằng nào đã từng đi tù về cũng đều ớn chuyện phải quay trở lại những nơi đó, với những năm lao động khổ sai, nên Phong nói nhỏ với Ngận:

– Ở đây còn nhiều ăn ten hơn trong tù nữa đó nghe mậy. Mày muốn trở lại Xuân Phước một lần nữa không?

Ngận đang nói ngon trớn nghe Phong nói vậy thì liền tốp bớt, nó chuyển qua chuyện đàn bà:

– Mày biết không, tau về thì con vợ tau không còn ở nhà cũ của tau nữa, nó bán nhà dẫn con đi biệt tăm đâu mất. Mày thấy hoàn cảnh tau vậy mà không chán đời sao được.

Phong thấy thương cảm hoàn cảnh của bạn, đâu có phải một mình Ngận gặp hoàn cảnh đó đâu, biết bao nhiêu chuyện xãy ra cho những người tù trở về. Phong nói:

– Thôi bỏ qua hết mọi chuyện để sống với đời chứ mầy ngồi kể lể dài dòng cũng chẳng đi đến đâu. Tau gặp mầy hôm nay là mừng rồi, để tau thanh toán tiền nhậu, tau về trước, chớ về trễ, con vợ tau bỏ đói tau thì nguy.

Ngận còn muốn ngồi một chút cho dã rượu, Ngận bảo:

– Thôi mầy về trước đi, gặp lại mầy là tau vui, hôm nào tau đến nhà thăm vợ con mầy.

oOo

Phong đứng dậy đến quày tính tiền rồi mở khóa xe đạp, dắt xe ra cửa. Ngận ngồi một mình, đầu cúi xuống thấp. Khi anh ngững lên thì anh thấy Phụng từ trong quày đi ra. Phụng bận cặp đồ vàng, thật vàng. Phụng đó phải không? Phụng của một thời trung học? của thị xã nhỏ nhắn mà xinh đẹp nơi anh đã sống và học suốt thời thơ ấu. Ngận buột miệng hỏi:

–  Phụng, Kim Phụng phải không ?

Phụng đến trước mặt anh với một nụ cười. Một người khách say. Nhậu xỉn, say là chuyện xãy ra thường ngày ở đây. Nàng không để ý, chỉ muốn đến để thăm hỏi một người khách. Quán nhậu có hàng trăm người biết tên nàng, đâu có gì lạ. Nhưng khi người đàn ông ngẫn măt lên nhìn nàng cười, nàng mới thấy người nầy quen quen.

Ngận hỏi:

– Chắc Phụng không biết tôi đâu, không nhớ tôi đâu. Nhưng tôi biết Phụng, có phải Phụng quê ở Tam Kỳ  không?

– Dạ, em ở Tam Kỳ, anh có ở đó không?

– Tôi sinh ra ở đó, lớn lên đi lính cũng về đóng ở đó, tôi làm đại đội trưởng đại đội trinh sát ở Chu Lai.

Phụng trố đôi mắt thật to, đôi mắt rất đẹp, nàng hỏi lại:

– Anh có phải Ngận không, anh làm đại đội trưởng trinh sát sau anh Giỏi phải không?

– Đúng rồi.

– Trông anh lạ hoắc.

– Tôi tơi tả quá phải không?

Phụng chựng lại nhìn Ngận, anh chỉ còn đôi mắt là tinh anh và nụ cười tươi. Còn tất cả đổi thay quá nhiều. Hình như ở thị xã ngày trước, lúc nàng còn đi học, những sĩ quan thuộc trung đoàn bu quanh nàng dày đặc, nàng chỉ biết Ngận qua những người bạn thường tán tỉnh nàng. Ngận tốt nghiệp sĩ quan Đà Lạt, đánh giặc lì lợm, nỗi tiếng cả sư đoàn, nhưng về thành phố thì anh hiền như bụt. Nàng chỉ biết Ngận bấy nhiêu, một vài lần nàng thấy anh cùng đám lính đi rong chơi ở thị xã trên chiếc xe jeep đầy bùn đất. Bây giờ cũng mười mấy năm. Mười mấy năm đổi thay cả một cuộc sống của cả hai người. Những huy hoàng xưa đã hết.

Phụng nói cho Ngận vui:

– Anh không tơi tả nhưng có vẽ bụi đời quá, nếu anh không nhớ em, chắc em cũng không nhớ nổi anh.

Phụng ngồi xuống bên Ngận, nàng biết những người say là những người có tâm sự buồn. Mở quán nhậu bình dân ven đường, hằng ngày có trăm khách đến ăn uống nhậu nhẹt, nàng biết có những hoàn cảnh rất đau thương. Sau cuộc đổi đời, ai sống vững bình yên được là một phép lạ.

Ngận hỏi Phụng trong dè dặt:

– Hồi ở trung đoàn 6, một thời gian sau tôi nghe tin Phụng lấy chồng, đại uý Trảng phải không?

Phụng cười thành tiếng:

– Sao anh biết nhiều về em, hay vậy?

– Thành phố nhỏ, Phụng lại đẹp nữa, chuyện gì xãy ra ai không biết.

Giọng Phụng trầm xuống, nàng kể lể:

– Nhưng cuối cùng rồi cũng đỗ vở. Sau ba mươi tháng tư, anh Trảng đi cải tạo bảy năm sau mới về, tụi em bỏ nhau.

Phụng thở dài rất nhẹ. Hai người ngồi với nhau suốt hai tiếng đồng hồ.

Thế là Ngận hay ghé đến quán nhậu của Phụng buổi chiều. Có khi anh ngồi uống xị rượu một mình rồi lên xe về căn gác gỗ thuê. Có khi Phụng ra ngồi nói chuyện với anh. Riết rồi hai người kết lại với nhau lúc nào không hay. Ngận có thốt lời yêu thương với Phụng hay không, lúc nào, anh cũng quên đi, có thể, trong cơn say, trong khi quán vắng khách, Phụng ra ngồi với anh và anh đã ôm hôn Phụng, nụ hôn dữ dội, mạnh bạo, cuồng nhiệt. Phụng đáp lại mối tình của Ngạn cũng rừng rực lửa, rừng rực sức sống của cô gái trên dưới ba mươi.

oOo

Phụng tâm sự với Ngận về những ngày đã qua của mình:

«Khi Trảng vào tù Phụng mới hai mươi tuổi. Tình yêu với Trảng như một dòng suối chảy rất hiền hoà. Trảng cùng học một trường với anh Châu, anh Phụng. Rồi Trảng đi sĩ quan Thủ Đức, được bổ nhiệm về làm ở quận lỵ, rồi Trảng yêu Phụng, hỏi cưới Phụng. Chuyện tình bình thường và thật dễ thương. Hai người sống với nhau có được hai con, cho đến ngày trời sụp.

Trảng bị vào trại tập trung cải tạo. Một năm, hai năm, rồi ba năm. Phụng ở ngoài phải bương chải với cuộc sống. Nàng biết làm gì khi lý lịch của nàng với vết chì đen, có chồng là sĩ quan ngụỵ đang bị tập trung. Nàng nhào ra làm đủ mọi nghề, buôn bán chợ trời, trao đổi hàng hóa ở các cửa hàng thương nghiệp, buôn bán thuốc tây. Nghề nào nàng cũng lăn xã vào để kiếm đồng tiền nuôi chồng, nuôi con.

Cho đến một hôm nàng gặp ông Mạnh. Hôm đó nàng mang một mớ thuốc tây từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng để bán. Xuống tàu lửa ở ga Đà Nẵng thì bị toán quản lý thị trường thành phố đón bắt. Tất cả số thuốc tây bị tịch thu làm biên bản. Nàng về phòng quản lý thị trường thì gặp Mạnh. Mạnh là trưởng toán quản lý thị trường ở đây. Nàng được đưa về đây để ký biên bản buôn bán thuốc tây lậu phải tịch thu hàng. Mạnh ngồi trong phòng làm việc nhìn nàng với vẽ mặt nghênh ngang:

– Những thuốc tây nầy là của cô?

Phụng lí nhí trong miệng:

– Dạ.

Mạnh nhìn xoáy vào đôi mắt nàng, khuôn mặt nàng, khuôn mặt trắng hồng rất đẹp. Mạnh nói:

– Cô có biết thuốc tây là độc quyền của nhà nước không? thuốc tây là quốc cấm, buôn bán thuốc tây là có tội như buôn bán đồ lậu hay không?

Nàng nhỏ nhẹ trả lời:

– Em thấy nhà thương nhiều người bị bịnh đang cần thuốc chữa trị mà không có, em chạy thuốc bán cho họ, để họ chữa bịnh, thế thôi, chứ em có tội gì đâu.

Phụng nói cho có vẻ ngu ngơ thế, chứ trong nghề nầy, nàng biết rành quá đi mất những tay quản lý thị trường chuyên hù doạ con buôn, tìm cách bắt hàng cho bằng được, để bọn nó chia chát nhau, chứ có tốt lành gì đâu. Nhưng thế của kẻ có quyền bao giờ cũng thắng.

Con chim non bước vào nghề buôn bán hàng chuyến, chạy thuốc tây. Đây là những nghề có muôn ngàn ngõ ngách. Nhưng chuyến đi hàng bị tịch thu như thế nầy, về nhà với hai bàn tay không, không gạo, không rau cải thịt cá cho con, không chút quà cho con, nàng như tê điếng cả lòng. Mạnh đánh phủ đầu nàng:

– Cô nói chuyện như đùa. Bệnh nhân không có thuốc chữa bệnh nên cô phải chạy thuốc bán cho họ, cô coi như nhà nước ta hết thuốc rồi sao? cô bôi bác chế độ vừa vừa thôi chứ. Tôi quyết định tất cả các lô thuốc của cô đều bị tịch thu. Cô hãy ký vào biên bản.

Phụng ứa nước mắt, nàng nghĩ đến số vốn bị mất, đến miếng ăn cho hai con, đến cuộc đời nàng, đến Trảng. Cuộc đời đã xô đẩy nàng xuống dưới vực sâu cùng tận, không còn cách nào ngóc lên nổi. Nàng tự dưng bật khóc, nước mắt đầm đìa.

Mạnh cố ý tấn công nàng, người đàn bà hai con nầy đẹp quá, cái đẹp nồng đượm của thiếu phụ chín mùi, xa chồng hơn năm năm. Ý muốn ham hố đó đã khiến Mạnh đi đến một quyết định, tha hàng cho Phụng. Mạnh nhìn nàng đang khóc đầm đìa, Mạnh nói:

– Xét rằng cô vi phạm lần đầu và hoàn cảnh của cô cũng quá khó khăn, nên tôi xét tha cho cô lô hàng nầy, lần sau không được tái phạm.

Có những chuyện không ngờ được mà vẫn được. Phụng như từ trên trời rớt xuống đất. Đó là cái cảm động. Trong những cái khốn cùng nhất, mà được người ta tha thứ, cứu vớt, tự nhiên, đó là một sự mang ơn.

Rồi những ngày sau đó là Mạnh đeo theo nàng, quyến rũ nàng bằng đủ mọi cách. Thân gái dặm trường, nàng đã ngã vào tay Mạnh.

Điều đáng buồn nhất là khi nàng có thai với Mạnh. Mạnh biểu nàng phá đi, nàng không phá, nàng không phải vì thương Mạnh mà vì thương đứa con mình. Nàng giữ nó lại, nàng sinh con, một tháng sau thì Trảng từ trại cải tạo trở về.

Trong trong nổi đau mất vợ, tan nát gia đình. Nhưng Trảng cố bám lấy cái phao cuối cùng, Trảng nói với Phụng:

– Anh bỏ qua hết mọi chuyện, em hãy về sống lại với anh, anh coi đứa bé như là con anh vậy, em đồng ý không?

Phụng trả lời nhẹ nhàng nhưng quyết liệt:

– Anh tha lỗi cho em, em không ra gì, đáng lẽ khi anh đi tù em phải giữ được sự trung thành với anh, nhưng em không làm được điều đó. Bây giờ em không còn mặt mủi nào sống lại với anh, dù anh có tha thứ cho em đi nữa. Bây giờ mình cứ sống xa nhau một thời gian, nếu hai ba năm nữa mà anh còn thương yêu em, anh trở về với em cũng không muộn. Bây giờ, anh mới ra trại, sợ ý nghĩ của anh còn vội. Xin anh hiểu và đừng trách em.

Trảng nghe lời nàng, hứa sẽ trở lại với nàng. Nhưng khoảng ba tháng sau Trảng đã có người yêu mới. Anh trở về gặp Phụng không phải để đoàn tụ mà xin ly hôn. Từ đó Phụng bỏ quê, bỏ xứ, dắt díu con vào Sài Gòn kiếm sống.

oOo

Ngận nói với Phụng:

– Mình đi xem phim sớm quá, rạp chưa mở cửa. Mà cũng chẳng biết đi đâu, thôi anh với em lên chùa Vĩnh Nghiêm chơi, ở đó những cây hoa sứ độ rày trỗ bông rất nhiều, mùi hoa sứ thơm lừng khắp không gian. Lên đó mình thấy như được bỏ xa cõi trần tục nầy vậy.

Phụng leo lên ngồi phía sau yên chiếc xe mobylette của chàng. Chiếc xe mobylette như con ngựa trời ho khục khặc rồi nổ bạch bạch chạy lạng quạng trên đoạn đường đầy ổ gà. Gần Tết rồi, không có một chỗ để về. Cuộc sống hai người lêu bêu như đang sống ngoài đường ngoài sá, như  đang sống bên ngoài quê hương mình vậy.  Một mái nhà. Một mái nhà. Ôi sao mà xa vời quá.

Tiếng hát từ loa phóng thanh đặt trên những cột điện cao, vang vang một giọng nữ, rót vào tai Phụng một chuổi âm thanh, ”rồi dặt dìu mùa xuân theo én về, mùa bình thường mùa vui nay đã về, mùa xuân mơ ước ấy, đang đến, đầu tiên, với khói bay, trên sông, gà đang gáy trưa, bên sông, một trưa nắng vui, cho bao tâm hồn…Rồi dặt dìu muà xuân nay đã về, mùa bình thường mùa vui nay đã về, mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên… Từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người…” Tiếng hát vút lên cao toả ra một vùng không gian rộng lớn, toả xuống lòng đường, với dòng người xe bất tận, dày đặc những người bận áo quần rách rưới đi lê thê lếch thếch trên khắp mọi nẽo đường.

Phụng ngồi phía sau yên xe mobylette của Ngận, nàng ôm lấy eo ếch chàng, cái eo gầy trơ xương. Phụng thấy tủi thân quá, tủi thân cho cả hai người, nàng ứa nước mắt.

 

Trần Yên Hòa

(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...