Tôi bước vào quán cà phê Thu Hương, buổi chiều bên ngoài đã xuống lặng lẽ, đường phố Sài Gòn người người hối hả trở về căn nhà chờ đợi đêm nóng sốt. Tôi nói đêm nóng sốt bởi Sài Gòn hôm nay, lúc này, cuộc chiến Bắc Nam đã hơn một thập kỷ, đã đến đỉnh điểm của cuộc tính sổ một mất một còn. Sài Gòn chẳng còn cái thanh bình ích kỷ của riêng; chẳng còn đêm mịn màng với ướt sũng tình ca, hạnh phúc loang loáng trên những sàn nhảy những lầu cao. Lịnh cấm mở cửa vũ trường đã có hiệu lực. Sài Gòn 1968, của những ngày đêm giới nghiêm; lính văn phòng đi lại trong nội ô cũng phải bận binh phục tác chiến như lính ngoài mặt trận.
<!>
Tôi đi luôn vào trong, nơi gần quầy hàng, ngồi xuống, gọi một ly cà phê. Tôi cởi cái nón nhà binh bỏ trên bàn, ngồi tréo chân lên, đưa tay vào túi tìm gói thuốc lá.
Quán Thu Hương nằm trên đường Hai Bà Trưng, gần nhà thờ Tân Định. Ngồi đây, chiều vàng, từng giọt cà phê đắng, và tiếng chuông chiều, cũng đủ tình ly hương. Quán gồm hai phần, phần bên trong mái nhà cũ kỹ, phần bên ngoài là khoảng sân rộng bày đầy bàn ghế nhỏ, loại bàn ghế dành cho những cốc cà phê đen, những chàng tuổi trẻ ngồi ngậm điếu thuốc lá trên môi tư lự.
Bây giờ phần bên ngoài quán, nơi khoảng sân vườn có những tượng mỹ thuật, những khóm hoa kiểng loại bonsai thơ mộng, đã đầy những mái tóc đen cùng những ánh thuốc bùng lóe lên trong hơi chiều đã nặng. Không có nhạc. Chiều xám quá. Người bồi bàn bê đến một phin cà phê, đặt xuống trước mặt tôi, anh ta hỏi: “Ông cần gì nữa thôi?”. Tôi nói: “Cho xin gói thuốc lá, cảm ơn”. Một bao Lucky Strike đầu lọc. Trên bao bì toàn chữ Ăng-lê không tìm thấy một dấu vết gì Việt Nam. Tôi vẫn dùng thuốc lá bọc chữ Mỹ đấy à? Ngày xưa khi Tẩn còn sống, mỗi lần gặp nhau Tẩn thường nhìn vào thân thể tôi, nhìn điếu thuốc trên môi và nói: “Người Mỹ làm mới thân thể chúng ta, áo quần, gương lược, đồng hồ, thuốc lá, kể cả khí giới nữa”.
Sau câu nói của Tẩn tôi mỉm cười. Hồi ấy tôi đã trả lời: “Sợ chúng ta không khôn ngoan như người Nhật, để nắm lấy cơ hội thời hậu chiến, đó thôi. Người Mỹ đã ném bom tàn phá nước Nhật, nhưng rồi chính người Mỹ, không ai khác, đã giúp đỡ, phục dựng mọi mặt cho nước Nhật. Người Nhật xem như một nhục nhã nhưng họ biết nắm cơ hội, và bây giờ họ đã không Mỹ hóa, trở nên thịnh vượng”.
Tẩn, người bạn hiền hòa, học cùng lớp với tôi nơi Phố Cổ năm xưa, giờ đã chết rồi. Chết vì mìn, trên một chuyến công tác từ Tam Kỳ vào Quảng Ngãi, lúc 11 giờ sáng. Có một người con gái từ vùng núi Đại Lộc – quê của Tẩn – đến nhận xác anh, nhưng thời buổi ấy trận chiến đã khốc liệt, đường đi lại đã mất an ninh, quan tài Tẩn không thể đưa về quê nhà.
*
Tôi cho đường vào ly, cầm cái muỗng khuấy, cà phê đen làm tôi thèm mấy hột mưa, sao buổi chiều nay trời không mưa, dù một cơn mưa thưa, một đợt sa mù nhẹ thoảng.
Một người đàn bà từ ngoài đi vào. Bà ta đi ngang qua mấy hàng ghế đông người, dừng lại ở quầy hàng, lát sau bà ta tự bưng ra một ly nước lọc và một bình ya-ua. Bà đi quanh quanh tìm chiếc ghế trống, sau một phút lưỡng lự bà ngồi xuống cùng bàn với tôi, đối diện, sau khi xin phép được ngồi chung bàn.
Tôi nghiêng đầu ra dấu chào. Người đàn bà một hình hài già nua, tóc bạc, răng lưa thưa rụng, nhưng đôi mắt còn rất trong sáng, ăn vận áo dài sang trọng. Bà ta múc muỗng ya-ua trắng đục, ăn như kẻ vội vã, kẻ thèm. Người đàn bà già nua ấy lắc đầu. Bà ta hỏi:
- Thế nào cậu? Cậu xem tình thế có yên được không. Chúng tôi lo lắng quá. Đêm nằm không ngủ được. Đã bỏ xứ ngoài vào đây chẳng lẽ…
Tôi nhìn bà ngạc nhiên. Quán cà phê Thu Hương mặc nhiên như một quán dành riêng cho những chàng trai trẻ. Con gái vào đây là loại gái bất thường, gái chịu chơi – hay các cô gái vì theo tình nhân nên vào ngồi cho ấm buổi chiều. Bây giờ trước mặt tôi có một người đàn bà. Tôi thấy hồn mình ngây ngây, từ cõi sâu tâm tưởng thâm thấp những hoài nghi. Thời gian gần đây bất cứ gặp người lạ mặt nào tôi cũng xem họ có điên hay không. Đây là thời của nhân quần mất trí. Thấy tôi ngồi thẫn thờ, bà ta nói tiếp, nói như một mình, như tôi chỉ là cái bóng mờ hút nào đó:
- Đêm nằm tôi không sao ngủ được, súng nổ Gò Vấp súng nổ ở Thủ Thiêm. Tại sao lại súng nổ trong này nhỉ. Tại sao ánh hỏa châu lại chập chờn ma trơi trên những đường phố lẽ ra bình yên. Mấy đứa con trai tôi đi lính hết rồi. Tôi bỏ đất Bắc vào Nam đã trên mười năm rồi. Tiếng nổ như tìm theo bước chân kẻ nào muốn trốn thoát nó. Chiến tranh là thế nào hở cậu. Tôi bị đau bao tử, không ăn cơm được, tôi ăn ya-ua đây cậu – Bà nhăn mặt, khó khăn như cố vượt qua một cơn đau len lỏi trong châu thân. Bà uống một hớp nước lọc – Thế nào cậu, là một sĩ quan cậu có hiểu được chút nào về cái tình thế âm u này không?
- Thưa cụ, cháu không biết.
Bà ta lắc đầu. Tôi đau bao tử nên tôi ăn ya-ua đây cậu. Con tôi đi lính hết cả rồi. Bà lặp lại, câu nói trở nên mơ hồ, như sám hối, như lời kinh nguyện.
Mái tóc ấy trắng. Làn da ấy những nếp nhăn của trĩu nặng gió mưa. Tôi cũng có một người mẹ, lúc này, mẹ sống cách biệt tôi non một nghìn cây số. Mẹ bị lao phổi nằm điều trị tại nhà thương Huế. Ba người con trai của mẹ cũng đi hết cả rồi. Cả ngoài Bắc lẫn trong Nam. Anh ruột tôi ra đi từ buổi đất nước chia đôi, bây giờ anh là một sĩ quan, đang trên đường mòn núi rừng để vào Nam. Có thể giờ này anh đang qua một con suối, đang cùng đồng đội mở một sinh lộ giữa Trường Sơn hiểm nghèo để chuyển quân. Hay có thể anh đã nát tan dưới một trận mưa bom B52 ban chiều.
Hôm qua tôi nhận được cú điện thoại của một người anh ruột khác, thông báo anh vừa bị ám sát hụt. Đây là lần thứ ba anh sống sót. Anh làm quận trưởng một quận tại Quảng Ngãi. Anh hành quân bình định nông thôn khá tài tình, anh được thăng chức và nhận huân chương; cùng lúc anh bị bên kia – bên người anh ruột thứ nhất của tôi – kết tội phản bội tổ quốc, bị lên án tử hình. Pháp trường là hình thức lưu động trên nước non này, bắn trực tiếp, cài chất nổ vào xe jeep.
Sáng nay tôi nhận được thư của mẹ từ miền Trung gởi vào, mẹ hộc ra máu đã nhiều ngày. Bệnh lao đã vào thời kỳ kháng thuốc. Cha tôi cũng chết vì lao phổi. Chẳng còn ai là con của mẹ, bên mẹ lúc này. Tôi rất muốn về thăm mẹ nhưng không được phép. Tôi là một sĩ quan ra trường Võ bị Thủ Đức nhưng hiện đang bị chính quyền chỉ định cư trú – đúng ra là lưu đày – về miền Tây, cách ly Miền Trung trong bốn năm. Tôi đóng quân trong khu vườn rộng lớn của Hội đồng Điều – Ông Hội Đồng tên Điều là môt nhà đại điền chủ bậc nhất nhì của Bạc Liêu thuở xa xưa.
Đêm, từ đây những tràng 105 ly của tiểu đoàn 211 Pháo binh Cộng Hòa nổ liên hồi đáp trả những đợt pháo ác liệt của quân Bên Kia từ ngoại ô xa dội vào lòng thành phố.
- Thanh niên nhà ai cũng đi hết cả rồi, chết phân nửa rồi. Sao, cậu thấy tình thế bao giờ thì êm?
Bà nhắc lại, hoang mơ và xa vắng. Tôi ái ngại, nhìn thẳng vào dung nhan già nua ấy một lần nữa. Khuôn mặt phảng phất nếp cũ, đẹp và sang cả ấy, không phải của một kẻ mất trí được, như tôi có thói quen hằng nghĩ xét về mọi người. Tôi hoang mang hỏi lại:
- Cụ hỏi thật đấy à. Cụ nói chuyện thật tình đấy à?
- Cậu hỏi tôi đấy à. Cậu… cậu có điên không?
- Không, tôi hỏi có phải nãy giờ bà đã nói chuyện với tôi không?
- Vậy tự nãy giờ tôi không hề nói chuyện với cậu à. Sao cậu không hề biết người ta đang bàn tính để quyết định số mệnh các cậu trong cuộc tương tàn này?
- À, tôi hiểu rồi, ủa mà sao cụ ưu tư đến việc đó. Kìa, sao cụ nhăn mặt, cụ đau lắm hà?
Người đàn bà mở mắt:
- Mỗi lần ăn vào tôi đau quá. Gia đình tôi có bốn đứa con, hồi vào Nam bị kẹt ngoài ấy hai đứa, chồng tôi cũng kẹt ngoài ấy.
Tôi cắt ngang:
- À tôi, cháu hiểu rồi cụ ạ, cháu hiểu chuyện của cụ nhưng cháu không biết gì về những gì sắp tới. Dẫu có biết cháu cũng không làm được gì để thay đổi theo ý muốn của mình. Cái chết của tụi cháu đã được thời thế niêm yết từ lâu.
Tôi cúi xuống rít một hơi thuốc và nhớ là mình đã bao nhiêu lần trả lời như thế với nhiều người. Và tôi đi hỏi mọi người, mọi người cũng trả lời y hệt như tôi. Chúng ta hỏi nhau cho đỡ buồn. Tâm sự như một phản kháng mến yêu và sầu não. Bên bờ cái hố thẳm định mệnh, trước cái tình thế lẫn thế trận bàng bạc nỗi đau và chết; chính chúng ta phải đảm nhận, tuyêt đối phải nhận lãnh hậu quả; nhưng chúng ta không có quyền lựa chọn số phận cho chính mình. Chúng ta như những kẻ mù không may gặp nhau trong đêm tối. Chàng này hỏi gã kia: “Ồ, anh có thấy quan cảnh đẹp không anh, mặt trời lên đấy hả anh, đẹp nhỉ?”. Gã kia lại phân vân: “Hả, đằng đó anh đã thấy rồi hả, ánh sáng, anh thấy ánh sáng rồi à?”.
Cho dẫu một ngày nào đó anh mù này lẻo mép đánh lừa anh mù kia bằng câu nói dối: “Tôi tìm ra rồi anh ơi, ôi, quang cảnh thật là rực rỡ”. Bấy giờ chàng mù kia cũng chỉ nghe, chẳng bao giờ y có mắt mở để thưởng ngoạn cái đẹp kia, chẳng bao giờ có hoàn cảnh để thực nghiệm, biết rõ thực hư. Một cách đu dây lý tưởng. Đấy, bọn tôi mù tương lai.
Hồi nhỏ tôi đã biết yêu thương nỗi mệt nhọc của những con ngựa ốm o khom lưng kéo cái xe thổ mộ nặng nề, người xà ích thâm độc quất vèo vào chiếc lưng con vật khốn khổ ấy lằn roi tàn ác. Người cầm roi muốn mau đến đích khi con ngựa chưa bao giờ được lời dặn bảo cái nơi phải tới. Thuở nhỏ tôi cũng bàng hoàng truớc hình ảnh con trâu kéo cày, người nông phu trên cánh đồng chói chang; tôi cảm mến kẻ gánh gồng lặn lội giữa bãi cát nóng bỏng, kẻ chèo thuyền ngược dòng nước, tôi bàng hoàng trước hết thảy những thân phận bị đè nặng bởi nghịch cảnh.
Vào đời, tôi đi giữa những con đường quyết định: đường tương lai, đường tổ quốc, đường tình yêu. Mọi con đường hôm nay xem ra đều ngược chiều hạnh phúc.
Người đàn bà ăn hết hũ ya-ua thứ hai toan đứng lên, lại ngồi nán uống hết ly nước lọc. Cái đầu bạc trắng ấy lắc lư.
- Sao cụ lại lắc đầu hoài? Tôi hỏi.
Bà cụ chậm rãi trả lời:
- Mỗi cái lắc đầu một chán nản. Hồi đầu chỉ là một sự thất thường, sau thành quen đi cậu ạ. Tôi khuyên cậu khi gặp việc không vừa ý, buồn phiền, chớ nên lắc đầu.
- Không lẽ đến một ngày cái bất thường ấy trở thành thường xuyên, cụ lắc đầu triền miên sao?
Cụ già trợn mắt lên nhìn tôi như nhìn một quái vật:
- Cậu nói sao? Tôi già rồi, tôi không còn sức sống để trấn áp sự bất thường không mấy tốt lành trở thành cái thường xuyên. Có mỉa mai, cậu nên dành cho thế hệ đi trước, những bậc cha anh của cậu, những người có trách nhiệm với chính các cậu kia kìa.
- Ấy, cháu xin lỗi cụ.
Tôi nhìn bà. Trong đôi mắt già nua nhưng trong sáng ấy niềm mong đợi của mẹ tôi; hai con người hiền từ ném vào không gian gai lửa thăm thẳm này những lo âu; hai con mắt cửa ngỏ hoang đường đó có câu hỏi: “Bao giờ con trở về?” . Nhưng ngày cửa ngỏ ấy khép lại, con đã chết cong queo trên non núi, hay con đã về trong chiếc áo quan, giữa buổi chiều, buổi tối, hay đêm khuya, mưa gió quật phũ phàng vào nỗi đau.
Tôi đưa tay cầm cái hộp quẹt, như phải phác một cử chỉ để che đậy nỗi bối rối. Bà cụ nhìn nghiêng. Một vài thiếu niên từ ngoài đi vào, tất cả ăn mặc theo lối mới, tóc tài tử, chân đi dép thời trang. Họ ngồi xuống lặng lẽ mỗi góc bàn, đêm đã ngự bên ngoài, hơn vài tiếng đồng hồ nữa là giới nghiêm. Thời gian con đường bất tận, nhưng thời gian chung quanh đây bị cắt xén ra, ngày tháng bị đóng khung lại từng phần: phần được ra phố, phần thui thủi trong nhà, phần dành cho những cuộc kiểm soát, phần của súng nổ, tiễn đưa hay tưởng niệm. Chỉ khi nào, một kẻ chẳng may chết đi, kẻ ấy mới chiếm được cái tính chất thăm thẳm hư vô của thời gian. Tôi hỏi bà cụ:
- Thưa cụ, chắc ngày xưa cụ…
- Vâng, tôi ngày trước là một giáo sư trường Trưng Vương. Bây giờ tôi bảy mươi tuổi rồi.
- À …
Tôi thở ra vô tình. Một vô tình làm tôi thỏa mái như làn hơi đã bốc lên từ một mớ rơm rạ nắng non gặp cơn mưa. Tôi nói:
- Từ nãy giờ cháu cũng nghĩ rằng cụ là một…
- … Người có học?
- Dạ.
- Đâu phải người có học mới suy tưởng. Chiến tranh đã làm khôn lớn dân tộc mình đó cậu ạ. Người dân quê, kẻ ít học, hôm nay cũng đã biết, đã âm thầm cưu mang, cái cay đắng sâu xa nơi mỗi số mệnh.
- Cháu nghĩ chiến tranh làm cho dân tộc ta tan hoang. Một tan hoang khó bề phục tạo.
- A, tôi đau bụng quá cậu. Tôi xin phép cậu.
Bà cụ nhớm lên toan trả tiền. Tôi nhanh nhẹn nói:
- Cháu xin lỗi cụ, cho cháu trả tiền.
Tôi trao cho người bồi bàn một trăm bạc. Bà cụ tần ngần một cách lịch sự, nói:
- Cậu nghĩ thế nào về việc trả tiền nước cho tôi?
- Dạ…
- Tôi cầu mong con trai tôi giờ này ở đâu đó, vẫn được mạnh khỏe như cậu. Thôi chào cậu, tôi đi lễ đằng nhà thờ.
Trước khi đi, bà cụ như nhớ một điều gì:
- À, cậu vẫn mang ơn Chúa đó chứ? Cầu mong cậu được phúc lành.
Mẹ tôi bước thong thả ra ngoài. Chiều chẳng còn nắng. Mái tóc trắng đó như chẳng có màu. Màu trắng không phải là một màu. Tôi kéo thêm một điếu thuốc nữa, đẩy ghế đứng lên… Vỉa hè đá thưa thớt, những chuyến xe chạy về vội vã, những cửa hàng đã khép, tôi tìm người bán thuốc lá mua thêm bao thuốc nhưng người đó đã ra về.
Nơi ngã tư ngọn đèn đỏ chắn một dòng xe qua lại, tôi băng qua lề đường. Đứng ngó mông. Tôi tần ngần chưa biết đi về đâu thì đôi chân tôi đã giục giã qua hướng Tân Định nơi cái chợ phồn hoa, và bên kia đường ngôi giáo đường với nóc giáo đường cây thánh giá cao vợi. Tôi bỗng nhớ một con ngựa tuổi trẻ, nhưng thân thể nó đã già nua.
Nhà thờ Tân Định đông người. Sân rộng. Không gian sẫm màu, giờ đèn đường đã được bật sáng. Tôi đi qua cổng, và cúi mặt đi luôn. Trong đấy, lời kinh nguyện và ánh sáng. Chúa sẽ làm băng hoại sự thù hận nơi tôi. Trong đấy, những kẻ vuốt mặt trở lại sau những cơn hoạn nạn, họ tìm chút ấm linh hồn, giữ tâm linh để đón nhận những ân sủng từ Ngôi Cao. Còn tôi, tôi là kẻ tội đồ quá nặng. Một tội đồ Không Tôn Giáo.
Khi qua khỏi cổng tôi dừng lại nơi hàng rào sắt. Tôi nắm hai bàn tay vào hai chấn song. Tôi bên ngoài tự do nhìn vào giáo đường trong tâm thế một người trong trại giam nhìn ra ngoài, nơi đời sống được tự tại phô bày. Tôi muốn gọi. Kẻ tội tù trong nhà ngục trần gian tôi, tôi muốn gọi đến sự cứu rỗi từ miền Tôn giáo ấy.
Lát sau tôi đi, lá ven đường vài chiếc rơi rụng. Chiều nay đâu có như chiều nào, đã xa xưa, tôi đã cầm bàn tay người, bàn tay mềm mại, bàn tay đốt sáng đời tôi tin yêu và nhiệt tình. Bây giờ… tôi đã cúi mặt, cúi thật sâu và rảo bước. Chiều hàng ngàn chiều, đã đến đã qua, trong tôi; là sóng đập quát vào thân thể tôi nỗi bồi hồi; làm run rẩy, tan nát tôi.
Tôi lầm lũi bước dưới ánh đèn đêm thứ bảy, Sài Gòn giới nghiêm.
Tôi nhắm mắt. Đã thật sự nhắm mắt.
Đức Hòa 1968 – Đồng Ông Cộ 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét