Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

Ngày xưa tháng Chạp - Truyện Sơn Nam

 Status: Tháng Chạp Ngày Xưa Ở Quê Tôi | IINI Blog

Lẩm rẩm mà mình lưu lạc trên bốn mươi năm. Ừ! Để nhớ coi. Ấp Thiện Tâm tám năm, xuống Ba Láng, Cần Thơ hai năm. Còn lại hai mươi lăm năm, mình phá rừng ở rạch Chà Tre miệt U Minh Hạ này.

Ông Ba Hò suy nghĩ như vậy, thở dài rồi cúi mặt xuống. Mặt trời thoi thóp, gác bóng trên mé rừng tràm mà ông nào hay. Bóng đêm đổ xuống, pha màu nước rạch đen ngòm. Bầy cò trắng bay về gom lại, lượn vòng quanh mấy ngọn tràm, kêu lên "cót cót". Ba bốn tháng rồi, ông không màng đến cảnh vật bên ngoài nữa. Mười công ruộng, lúa đà chín ngã, ông cũng không chịu khó đi thăm.

<!>

Ông chỉ nhớ rượu, đòi rượu. Mỗi cữ ít nhất cũng phải hai xị, nghĩa là nửa lít. Hỏi uống để chi, ông đáp: "Dụng tửu binh đả phá thành sầu". Nhưng cái thành sầu của ông, thật là cao ngất, dài dằng dặc. Trời còn cho ông sống mười năm nữa là cùng: Mười năm tàn tạ ấy, với hai bàn tay run rẩy, làm sao ông hạ nổi kẻ địch thủ ẩn núp trong thành sầu kia. Đó là sáu năm lúa ruộng lấy lời nhập vốn chạy nhằm hai trăm tám chục giạ. Đó là sáu mươi lăm đồng bạc thiếu chịu ở vài tiệm tạp hóa. Mỗi năm, đến lúc năm cũ bước qua năm mới là lũ địch thủ ấy sung sức lên, công khai đánh hạ ông đúng theo phép nước lệ làng.

- Già mà làm biếng, biết ăn sao không biết trả?

- Đất này của Tây cho tao khẩn. Năm tới tao cào nhà này bỏ...

Nhưng đau đớn nhứt là:

- Tối ngày lo hò với hát chuyện trai gái huê tình. Già vậy là già sao?

Nhè cái tài hoa nghệ thuật của ông mà họ mỉa mai! Ông day mặt che giấu hai giọt nước mắt chịu thất thủ. Vì vậy mà năm nay, ông quyết bỏ xứ Chà Tre này, ra đi phiêu bạt, trước tết. Không còn mấy ngày nữa. Nửa tháng rày há chẳng có từng đàn cu ngói kêu thúc giục inh ỏi bờ tre. Lát nữa, chắc chắn thằng Tịnh, đứa học trò mến nhứt của ông sẽ đến, nghe ông dạy bảo lần chót.

Tay cầm cục mực, cây viết vàng

Vẽ phụng vẽ loan

Vẽ Tiết Đinh San

Vẽ chàng Lâm Sĩ

Vẽ bông hoa thị

Vẽ chữ Đại Tường

Đem về cắm trước đầu đường.

Kẻ đi qua thấy một chữ kim tương.

Người đi lại xem tường văn võ

Trách lòng ai chặn ngõ lấp truông,

Ngăn mây đón gió để con bạn nó thua

Buồn vì tiếng thị phi...

Tiếng hát của thằng Tịnh nghe mỗi lúc càng gần. Câu hát lạ mà quen hồi nào tới giờ ông chưa từng dạy nó.

Thằng Tịnh bước vô. Ông hỏi:

- Ở đâu vậy cháu? Của mấy người gặt ở miệt Cần Thơ đem xuống phải không?

Nó đặt chai rượu trước mặt ông:

- Ông hay quá. Con nhỏ đó gặt kế bên tôi hồi chiều, hò đối đáp một hồi, nói là ở Phong Điền mới xuống.

- Phải. Biết rồi. Câu hát đưa em trong nhà, chớ nào phải câu hát hò. Hồi nãy bác nghe cháu hò giọng lờ lợ. Ở miệt mình, riết rồi cái gì cũng trở thành buồn.

- Con nhỏ đó chê mình ở đây không có câu hò nào ngộ đó ông Ba. Ông làm ơn cho cháu một câu.

- Ừ, được. Ngày mai cháu rao lên như vầy là nó hết đường gỡ:

Anh thương em, anh sắm cho em một bộ áo dài màu cà, màu huyết. Anh đây nói thiệt chẳng phải nói càn. Anh đây sắm cho em một cây kiềng vàng chạm chữ tòng chữ bá, một bộ cà rá chạm đủ cửu long hườn. Anh sắm cho em áo lụa đủ màu, lụa Hà Đông, lục soạn. Còn anh, anh sắm cho anh chỉ có một cái nón đáng giá hai đồng xu. Ăn cơm rồi hút thuốc rê vấn lá chưng bầu. Miễn cho anh đặng tình chồng nghĩa vợ, cực khổ gì anh chẳng có than.

Nghe lần đầu thằng Tịnh đã nhớ, hát lặp lại gần đúng. Thấy nó sáng dạ, ông Ba hết sức vui. Nhưng vui thoáng qua. Mai mốt này, ông xa nó. Nói trước, e nó buồn. Không nói thì không được. Ông rót rượu ra chén, chóp một chút, nghe đắng lạ thường. Bóng dáng thằng Tịnh in dài trên vách lá. Ánh nắng xuyên nóc nhà, soi xuống thềm đất. Hai ba con thằn lằn tắc lưỡi rồi im. Ông Ba rùng mình. Ngoài sân kia hàng cây bình bát như không còn nữa. Sương xuống trắng đục hay là mắt ông yếu lòa? Cũng may là trong nhà không đốt đèn. Thằng Tịnh thấy ông ngồi cú rũ như mọi khi chớ nó nào thấy vầng trán của ông nhăn lên thêm một ngấn lớn.

- Làm sao cho họ ngán mình ông Ba?

Ông Ba giựt mình:

- Cháu nói gì?

- Dạ làm sao cho họ biết ở rạch Chà Tre này cũng có thầy hò như ở miệt trển? Con nhỏ đó coi bộ ngạo nghễ, kén chọn lắm...

Ông Ba cười:

- Ông đây hồi đó không ngạo nghễ sao? Cháu bây giờ cũng ngạo nghễ vậy. Phàm nói chuyện hát chuyện hò, người sành điệu không bao giờ căn cứ theo một, hai câu bóng bẩy nào đó mà xét đoán. Đời bây giờ, hò lộn xộn quá, chớ hồi đó, hò có lớp lang đầu đuôi. Thầy hò phải giỏi như thầy tuồng. Mới vô là câu dạo đầu. Chúc mừng lẫn nhau, chúc mừng chủ ruộng, tạ ơn Thần Nông. Điều đó ai cũng đạt được. Thiếu một hai vần, hò thiếu hơi chưa phải là dở. Thầy hò đôi bên chưa cần trổ tài. Họ để cho học trò của họ múa xem trước như tuồng hát vậy.

Bước qua chương tâm tình. Bên trai như cầm dây tơ buộc vào, bên gái phải khéo léo gỡ ra. Nhưng gỡ ra đừng cho rối, cho đứt. Rồi hai bên hẹn nhau làm đám cưới. Trước khi đó phải về hỏi ý kiến mẹ cha, cậy mai mối... Màn này có thể kéo dài. Nhưng thầy hò của đôi bên để dành tài năng của mình màn ăn thua chót. Đó là lớp nghèo.

Thằng Tịnh trố mắt:

- Vậy sao? Hồi nào tới giờ tưởng hò là để bắt duyên trai gái. Hò nghèo là sao?

- Là hò than nghèo. Một bên trai hay gái tự xưng mình là giàu có, bạc nén vàng ô, nhà lầu cửa sắt, lập tức bên kia bèn tả cái cảnh nghèo của mình cho tới mức. Trai nghèo làm sao cưới được con gái nhà giàu? Con gái nhà giàu, một khi thương con trai nhà nghèo thì có dám cãi lịnh mẹ cha chăng? Vợ nghèo chồng sinh lòng phụ rẫy. Cha mẹ già yếu, con gái làm sao xuất giá. Trả lời được là mình xứng danh thầy hò. Ông đây, hồi đó có tăm tiếng là nhờ đặt ra nhiều câu mà không ai đối ổn thỏa:

Chàng xa thiếp như cột xa kèo.

Cơm đói nghèo chẳng thấy vãng lai

Lúc túng hụt không tiền không gạo

Nàng thất vận, ôi thôi ảo não

Dạ âu sầu, ai bảo chi lo

Chàng nói gạt em rằng dưỡng nuôi săn sóc

Mấy thu chày, em bù lăn bù lóc

Nay vợ gặp chồng, ôi lỡ khóc lỡ cười

Làm gái như ai, chớ làm gái như em, dầu một hột tấm mẳn không cho sai, dầu một sợi tóc mai không cho dời đổi.

Em sợ trai như chàng ra chơi cùng anh em bạn, thấy người ta quần lãnh áo hàng, khăn bàn dọn bánh. Anh trở lộn về nhà thấy gái như em đây một người nghèo nàn cực khổ, mặc áo rách, đội cái nón rơm... anh không thương.

Còn câu nữa, nghe luôn lần chót.

Gẫm phận thiếp như thuyền kia không bánh

Thân vì muốn lập thân mà ngại nặng gánh gia đình.

Chàng ơi! Tại cảnh gia đàng em có một ông cha già đành cỡi hạc chầu tiên.

Còn bà mẹ hiền như trái chín cây trên nhành chờ khi ướm rụng:

Chàng ơi! Em ra đây, gặp chàng em hỏi thiệt:

Trai chàng tính cho em ở vậy hay là em cất bước thượng trình tòng phu.

Chàng ơi! Tại cảnh gia đàng của em, mấy ống tre ngã xiêu ngã tó.

Mấy tấm vạt cau rớt lên rớt xuống, ai ngó vào cũng chắt lưỡi lắc đầu, hỡi ôi cho phận thiếp. Anh kết nghĩa lương duyên với em tình chồng nghĩa vợ. Anh em bạn của anh đứng ngoài xa, miệng kêu, tay ngoắt. Bớ Tư ơi! Người sao không khác chi chị Thoại Khanh thuở trước khảy đờn tầm bạn mà kết nghĩa ái ân làm gì?

Ông Ba hò dứt câu. Giọng già khàn khàn nhưng còn đủ hơi để ngân dài. Nghe buồn quá! Thầy ơi! Nó đoán chừng: có lẽ ông bữa nay có tâm sự gì buồn thảm lắm. Mấy câu hò này mắc mỏ quá. Phải là người có gia thất, từng chịu bảy nổi ba chìm mới trả lời xong.

- Gặp bên gái rao như vậy; mình làm cách nào ông Ba...

- Mình tạm viện lý này lý kia. Cái thứ hò nghèo mà. Hò qua hò lại, tới rời cổng ra về mà không dứt. Cứ như vậy ngày này qua ngày kia, mùa này qua mùa khác. Không ai giỏi hơn ai mà hòng gỡ rối cho ai... Đó là cuộc đời. Người ta mượn đồng ruộng làm sân khấu, mượn sân khấu để nói chuyện trai gái. Mà chuyện tình trai gái là chuyện gay cấn vì giàu nghèo mà ra. Người hò huê tình chưa ắt là người có thói chim chuột. Chẳng qua là họ muốn nói chuyện với đời với trời đất với ngọn cỏ lá cây, từ trước đến giờ không có vị bạo chúa hôn quân nào cấm đoán họ nổi...

- Tại sao vậy ông Ba.

Ông Ba im lặng. Nhà thiếu cửa, vách nát, sương lấp đầy nhà như ngoài trời. Từ trên đầu xông nhà, một tàu lá rớt xuống kế bên ông, ông không ngó lại, không giựt mình.

- Tại sao vậy hả? Tại vì nhà nước không sợ mấy thằng cha thầy hò. Nhà nước Lang Sa có binh rồng tướng mạnh. Cháu hiểu chưa? Đánh giặc kỳ rồi, A-lơ-man còn thua Lang Sa nữa kia. Lụi hụi mấy thằng thầy hò như ông đây cũng tự nhiên nghèo mạt bỏ xứ mà đi... Nói nãy giờ như trăn trối với cháu. Kỳ hạn trong vòng tháng Chạp này ông đi trốn nợ luôn.

Thằng Tịnh giật mình nghe đau điếng trong lòng. Hồi năm ngoái năm kia, hồi tháng Sáu tháng Bảy năm nay, nó đã nghe ông Ba Hò nói cả trăm lần về chuyện bỏ nhà. Mấy lần trước, nói là nói vậy chớ không có thiệt. Nhưng đêm nay, chắc chắn rồi. Bằng cớ là nãy giờ ông bàn bạc nhiều quá về câu hò nghèo. Sáu bảy năm nay, ông dạy nó từng câu hò một chớ nào nói đến trọn cái cảnh ảo não, rộng rãi cả kiếp người. Nó thương tiếc, nhưng làm cách nào cầm chân ông Ba ở lại rạch Chà Tre này? Không lẽ nó dạy ngược lại ông là người làm ăn giỏi hơn nó, tuổi tác cao hơn cha ruột nó.

- Nán một mùa nữa nghe ông Ba. Thế nào cháu cũng gặt lúa giùm ông. Ra Giêng, cháu đốn lá lợp nhà lại, tới sa mưa, cháu hứa phát giùm ít nhất là năm công đất... Ông đi, cháu còn biết ở với ai...

Ông Ba cười:

- Đừng tài khôn! Cháu thương ông, ông biết. Nhưng mà cái gánh của ông đây nặng lắm. Người xa lạ khuyên ông như vậy, ông chửi cho một chập. Ông đâu làm biếng như người ta tưởng lầm... Nói cho cháu nghe: Cánh đồng này hồi đó là một tay ông đây khai phá. Hồi đó ông cất nhà kê táng nữa kìa. Hồi đó tới mùa hạn, mấy gốc năm sáu con rùa vàng. Mùa khô, đìa cạn nước, cá gom lại nổi đầu khít rịt như trái mù u rụng. Heo rừng nanh dài cả tấc mà ông dám cầm mác xông ra cự đương. Cọp trong rừng, có một mình ông đào hầm đặt bẫy... Ờ! Hồi đó cháu biết không, trong rừng có nhiều nhánh nhiều gốc cây ngộ lắm. Giống hình thù con nai con rồng. Ông đốn về bào chuốt lại để chưng dọn nhà cửa. Lắm khi ngồi một mình vui quá, ông hò với rừng với bụi... Hồi đó cây cỏ chim chóc như biết nghe, gật đầu đáp với mình.

Thằng Tịnh thở dài:

- Bây giờ cháu xin ông nói thiệt? Chừng bao lâu ông về đây, đi đâu? Để cháu biết chỗ tới thăm ông. Thân ông một mình, lại thêm già yếu.

- Đất nước này còn chỗ dung thân. Phận ông bây giờ tạm yên. Chỉ sợ cho phận cháu trong mai hậu.

Thằng Tịnh không hiểu:

- Cháu còn ở đây tạm sống. Còn sức lực, còn làm mướn được. Năm tới, tính làm thêm năm công...

Ông Ba Hò hớp miếng rượu cuối cùng rồi đứng dậy:

- Cháu chưa biết... Không lẽ chưa gì hết mà ông khóc trước giùm cho cháu. Giọt nước mắt đây nè! Làm thế nào lưu lại cho cháu đôi mươi năm sau mà nó không khổ. Năm nay có thể cháu làm ăn khá lắm. Rồi đây cháu vểnh râu mà khen. Đời phải đời thịnh trị, cuộc phải cuộc văn minh, như ông hồi năm nào. Nhưng mà máy tạo vần xoay. Ngày cuối tháng Chạp như vầy, một năm nọ cháu phải bỏ xứ mà đi như ông bây giờ. Chừng đó, ô hô! Cháu không còn đất để mà trốn. Đất chỗ nào cũng có người làm bá chủ rồi! Dầu là hòn đảo giữa biển, dầu là chót núi cheo leo. Chừng đó cháu quay mòng mòng như thằng say rượu ôm gốc cột mà ngao du vòng vo một chỗ. Cháu không còn tìm được, nhà cửa xập xệ, nát vách lủng nóc như nhà bác bây giờ. Chừng đó cháu thấy hột lúa của cháu làm ra không có ý nghĩa gì hết. Đời sống con người phải thay đổi.

- A ha! Lửa cháy đầy trời, cát bay mịt đất. Nhà không người ở. Ruộng thì cỏ hoang. Giếng thì có nước độc. Phật khóc giữa trời. Người sống thành xác chết. Xác chết đội mồ hóa người sống. Ở đâu cũng có hồn oan...

Vài năm sau trong vòng tháng Chạp năm xưa đó, ông Ba Hò ra đi biệt tích. Chủ đất thì mừng, vì đã mặc nhiên tống khứ được một tên tá điền cứng đầu. Chủ tiệm tạp hóa thì chửi rủa chê trách tại sao không chịu trả chút ít nợ, vài cắc vài đồng gọi là ơn nghĩa. Ba năm sau này, có kẻ bảo rằng ông đã chết bờ chết bụi vì say rượu. Kẻ thì phao tin: ông ra hòn Cổ Tron cất am, lập một môn đạo mới có kinh kệ riêng, đọc tên nghe khó hiểu nhưng giọng khi trầm khi bổng như hò như hát. Sự thật ra sao? Đến như thằng Tịnh cũng không hiểu. Nó đâm ra biếng nói biếng cười. Mãi đến một năm đó cũng vào tháng Chạp, nợ nần nhiều quá, nó trốn đi ra chợ Rạch Giá để làm cu li, vác lúa cho nhà máy xay ở ngoại ô.

Có lẽ vì vậy mà bây giờ ở rạch Chà Tre vùng U Minh Hạ tuyệt nhiên không còn ai biết hò đúng điệu có lớp lang như hồi xưa nữa.


Sơn Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...