Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Những nông dân - Truyện Trần Yên Hòa


nong_dan2

Chú Nhạc người xóm An Thành, là người “làm cặp” cho gia đình tôi suốt hơn mười lăm năm. “Làm cặp” ở đây có nghĩa là chú Nhạc như một người quản gia, chuyên lo mọi chuyện đồng áng cho gia đình tôi. Là người phụ tá đắc lực cho cha tôi. Công việc của chú như là báo với cha tôi biết lúc nào gieo, cấy, lúc nào cày, bừa, đám ruộng nào cần tát nước, cần làm cỏ, hôm nay phải thuê ai, bao nhiêu người  tát nước, làm cỏ, gặt lúa ở đâu?…

Chú có gia đình và một bầy con nheo nhóc cho nên chú phải làm việc để nuôi con. Chú siêng năng, thật thà, cần mẫn, cha tôi rất thương, tôi cũng thương chú lắm.

<!>

Thường đến mùa cấy, gặt, là chú ở thường trực tại nhà tôi từ sáng sớm đến khuya lơ mới về nhà. Trong công việc, chú tự động làm những việc mà chú thấy cần, như khi cần thuê người thêm thì chú báo cho cha tôi biết, ông sẽ sai tôi đến nhà các chú như chú hai Nhơn, ba Tình, ba Vạy, tư Nhỏ, kêu đi cày hoặc đi tát nước. Trong những buồi làm việc như vậy, chú Nhạc coi như là người chỉ huy trưởng.

Tôi thường được mẹ tôi cắt đặt công việc là đem đồ ăn nửa buổi cho các chú. Đồ ăn nửa buổi thường là một rổ khoai lang luộc, khoai chà, hay xôi nếp. Mỗi lần như vậy, tôi đem đồ ăn ra đồng nơi các chú làm việc.

Chú Nhạc thấy tôi đàng xa, vội la lên với những bạn cùng làm:

– Thôi, anh em nghỉ ngơi rửa tay, lại ăn nửa buổi, uống nước, hút thuốc rồi làm tiếp, thằng cu em đem đồ ăn ra rồi.

Tôi kiếm bãi đất trống, sạch sẽ, thoáng mát, để cái thúng đựng đồ ăn xuống, rồi lấy đồ ăn, chén, đủa, sắp trên đất. Thường thì mẹ tôi hay nấu khoai lang hay khoai xiêm (khoai mì), ăn với muối đậu phụng, hoặc thỉnh thoảng có khoai chà ngào đường. Ngon hơn thì mẹ tôi nấu cơm nếp, cũng ăn với muối đậu phụng. Các chú nghỉ tay làm, xuống suối (hay ao nước nào gần đó) múc nước rửa qua quít, rồi ngồi vào ăn.

Chú Nhạc nhìn tôi cười rồi nói:

– Thằng cu em giỏi ghê, thấy lớn bộn rồi, đi nói vợ đi là vừa.

Tôi được khen là lớn, cũng vui, nhưng chú bảo nói vợ thì tôi mắc cở đỏ mặt lên:

– Tui còn nhỏ mà lấy vợ gì chú.

– Thì mi mười một, lấy vợ được rồi, lấy vợ cho mẹ mi có cháu bồng sớm.

Mấy chú kia cũng xen vô:

– Chứ tau lấy vợ hồi mười tuổi thì sao?

Chú tư Nhỏ đến sát gần tôi, đứa tay rờ chim tôi, rôì cười nói:

– Chim mi lớn bộn rồi đó.

Tôi mắc cở nói:

– Cái chú này.

Các chú ngồi xuống đất, chung quanh rổ khoai lang luộc, ăn ngon lành. Cuộc đời nhìn xuống như thế này cũng vui vẻ, hạnh phúc chán…

Chú Nhạc làm cặp cho nhà tôi cũng mười mấy năm, thường khi tôi thức dậy thì thấy chuồng bò trống trơn, chú đã lùa bò đi cày từ sáng sớm. Chú tự động làm mọi chuyện, nhiều lúc chú đến khi cả nhà còn ngủ, chú đi lấy gạo nấu cơm, xong lấy mắm trong hủ, đồ ăn trong chạn mà mẹ tôi cất qua đêm ra ăn. Ăn xong chú quấn một điều thuốc lá bằng ngón tay cái, hút sì sụp. Thường vào mùa đông, xứ miền trung trời lạnh cóng, lại thường hay mưa, nên chú mang cái áo tơi, loại chằm bằng lá nón, bao quanh người. Loại áo tơi này mặc vào rất ấm, vừa che mưa vừa làm áo lạnh luôn. Sau này người ta chế thêm áo tơi có hai lỗ để xỏ hai tay qua, đi đứng tự nhiên hơn vì ít kềnh càng.

Chú Nhạc lầm lủi làm việc, khoảng hai ba ngày hay một tuần, mẹ tôi đong cho chú một ruột tượng gạo, tôi không biết là bao nhiêu, công chú được trả bằng gạo chứ không trả bằng tiền. Chú đem gạo về nuôi vợ con. Chú có đâu khoảng ba, bốn đứa con trai, hai đứa con gái. Lúc nào tôi xuống nhà chú chơi, tôi thấy mấy đứa con chú vọc đất cát ở ngoài sân, lấm lem nên trông rất nhếch nhác.

Đến ngày “giải phóng” về chiếm quê tôi, tôi đành bỏ đất mà đi. Bỏ luôn chú Nhạc, người làm cặp trung thành, người nông dân hiền lành chất phát ấy.

Chú ở lại bám đất, bám vườn ở quê chứ biết chạy đi đâu, hai tay chú chỉ biết cầm cày, cầm cuốc, gặt lúa, tỉa đậu, tát nước, bỏ quê xuống phố biết làm gì ăn, nhà cửa đâu mà ở, thế nên phải bám đất thôi.

Tôi biệt tin chú từ ngày đó.

***

Dân nhà quê, anh em ruột thường quây quần sống bên nhau, khi đã có gia đình thường làm nhà trong khu vườn của cha mẹ. Họ chia đất ra làm nhà trong cùng khu vườn ấy, sống cùng nhau, khi có con cá, bát canh, thường đem chia cho nhau ăn, như vậy cũng thật là thú vị.

Và anh em ruột trong gia đình thường được đặt tên sao cho êm ái, hạnh phúc, có vần điệu, kêu lên nghe vui tai, đơn cử như:

Gia đình ông thông An, đặt tên con là: Thân, Thắng, Lợi, Lê.

Nhà ông Biên: Cu, Bi, Khê, Khắc.

Nhà bà Cát: Chá, Tra, Mộng Mị.

Nhà ông Xanh: Xanh, Dờn, Dơn, Chơn, Trơn, Dầu, Xa

Nhà ông Hung: Hung, Hiền, Kiến, Riện, Hà, Rò.

Nhà cậu Khiêm: Khiêm, Nhượng, Giảng, Hòa.

Nhà chú Trà: Trà, Tửu, Thường, Xuyên.

Chú Trà là một nông dân, chú có giọng hát hay, nhất là giọng hát bộ. Khi chú đóng vai Địch Thanh hay Trần Bình Trọng –  lúc Địch Thanh phải xa công chúa Trại Ba để đi chinh Nam, chú Trà đội mũ, mang hia làm ông tướng, chân chú xoay vòng chứ không đi, chú ca những câu ư ử trong miệng, nghe thật thê lương, buồn thảm, hay khi chú đóng vai Trần Bình Trọng, khi bị quân Mông Cổ bắt và dụ, nếu Trần Bình Trọng đầu hàng sẽ cho làm vua xứ Nam, chú nhìn thẳng vào mặt quân giặc, lên tiếng chữi:

“Ta thà lảm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc.”

Giọng chú sang sảng như một đường gươm nhọn chỉa vào tim mọi người, khiến ai cũng xúc động.

Đó là những lúc chú diễn tuồng, chứ khi chú trở về người nông dân, thì chú rất hiền.

Nhà chú dưới xóm An Lương, có rất nhiều sách truyện Tàu cổ, như Tây Du Kỳ, Tiết Nhơn Quý, Tống Địch Thanh, Chung Vô Diệm. Tôi hay lò mò xuống nhà chú xem sách ké, rất mê.

Cứ mỗi buổi trưa, không biết đi chơi đâu là tôi xuống nhà chú Trà. Nhà chú làm trong vườn nhà ông Nuôi, cha chú. Khu vườn nhỏ được chia ba, nhà ông Nuôi nằm giữa, cuối vườn là nhà chú Trà, bên trái là nhà chú Yên, em chú Trà…2 anh em và người cha làm nhà ở chung một khu vườn sống cũng rất đầm ấm.

Chú Trà, chú Yên làm nhà trên miếng đất của cha. Có lẽ vì ảnh hưởng của những vị quan, vị tuớng hát bội, muốn gia đình sống trong niềm vui, an lạc, nên chú đặt tên bốn đứa con là Trà, Tửu, Thường, Xuyên.

Những năm sau 1960, quê tôi bị mất an ninh.  Phía “bên kia” đêm đêm lại mò về đập cửa từng nhà và kêu ra chợ Quán Rường họp mit- ting.  Còn phe quốc gia thì cho nghĩa quân canh gát kỷ lưỡng hơn, có thêm lính biệt chính tăng phái để giữ an ninh. Nhưng một vùng quê với một diện tích đất quá rộng như thế, thì lấy lính đâu mà giữ cho đủ.

Trong hoàn cảnh ấy, dân chúng nhốn nháo, một số cán bộ xã ấp bên phe quốc gia, tối tối phải xuống Kỳ Lý hay Tam Kỳ ngủ, rồi sáng mai mới về. Còn dân chúng thì sống cũng không yên, cũng chập chờn lo lắng, vì biết súng đạn thì có chừa ai đâu.

Thời gian này, “đại gia đình” chú Trà ly khai “nhảy núi” luôn.

Nói đại gia đình vì rằng ông Nuôi có ba người con trai, là chú Sử, chú Trà, chú Yên. Chú Sử thì quản lý khu vườn của ông tú Hương, nên làm nhà ở luôn trong khu vườn có tên là Hoàng Hoa Trang này. Nay khu vườn đã tiêu điều vì qua cuộc tiêu thổ kháng chiến, chỉ còn trơ đống gạch vụn. Chú Sử làm một ngôi nhà tranh trên đám đất đó và sống.

Không biết mấy người trên núi xuống nhỏ to thế nào mà cả đại gia đình chú Sử, chú Trà, chú Yên đều nhảy núi.

Cuộc chiến dần dần trở nên quá khốc liệt, tin tức hai bên càng ngày càng nóng hổi. Phía bên quốc gia thì anh Tiến, anh Quốc, anh Hiệu, anh Hữu, anh Bắc, anh Dương, làm trong Hội Đồng Hương Chính …là những xã trưởng, cảnh sát xã, nghĩa quân, ủy viên.… liên tiếp bị bên kia về phục kích bắn chết.

Phía bên kia thì lần lượt nghe tin, họ nhảy núi lên Phước Long. Chú Trà, chú Yên, chú Sử tham gia vào chính quyền “giải phóng”. Anh Thoàn, thằng Danh, thằng Dự, con chú Sử, con Trà, con Tửu, con Thường, thằng Xuyên, con chú Trà, chú Yên, thím Yên và thằng Yên, đứa con trai của chú thím,  đều vào du kích. Khi chiến tranh chưa kết thúc thì đã nghe tin, tất cả đã chết vì bom rải thảm hay bị phe quốc gia phục kích.

Giấc mộng của chú Trà thế là không thành. Con hai Trà, đứa con gái lớn theo du kích bị bom chết đầu tiên, rồi đến con Thường chết tiếp theo. Con Tửu thì bị mảnh đạn bắn vào mắt, bị đuôi một mắt, chỉ còn thằng Xuyên, sau về làm an ninh thôn rồi cũng phục viên về cày ruộng…

Sau chiến tranh, kiểm điểm lại, một đại gia đình bị chết quá nhiều. Đại gia đình tổng cộng đâu cũng 15 người, mà sau gom lại đâu  chỉ còn có 4.

Anh năm Thoàn về làm chủ tịch xã được mấy năm…rồi cũng trở về với cái cày, cái cuốc…cuộc sống cũng lấm lem, còn tệ hơn thời trước nữa.

Thế là giấc mộng Trà Tửu Thường Xuyên của chú Trà đành gác lại kiếp sau…

 
Trần Yên Hòa
(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...