Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

Nỗi Chết Không Rời - Thế Uyên


NoiChetKhongRoi

Trần Vũ đánh máy lại từ trang 95 đến 115 theo bản in trong tập Nỗi Chết Không Rời, tập truyện ngắn của Duy-Lam Thế-Uyên, mẫu bìa của Đằng Giao, tranh bìa của Duy-Thanh, do Nguyễn Đình Vượng xuất bản lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của Nhà xuất bản, xong ngày 10 tháng VIII năm 1966.


Trán tì vào cửa kính lạnh, tôi cố nhìn xuống nhưng mây che kín phía dưới, những giọt nước mưa liên tiếp văng dọc cánh phi cơ về phía sau. Tôi ngả người vào ghế, trên cao phía đầu phi cơ hình điếu thuốc bị gạt chéo xuất hiện, người Pháp già ngồi cạnh nói một câu tôi nghe không rõ trong tiếng động cơ. Tôi lắc đầu mỉm cười, hất hàm ra phía ngoài trời. Người Pháp nói tiếp, tôi nghe thấp thoáng: “Đáng lẽ phải trông thấy đồn điền của tôi rồi!” Tôi nhìn đồng hồ, nếu không lạc đường phi cơ hẳn đang bay trên vùng thị trấn. Có tin bão lớn mưa lớn miền Trung loan báo trên đài phát thanh đêm qua. Không khí bắt đầu lạnh, tôi thu người lọt vào trong ghế, hai tay khoanh trước ngực. 

<!>

Hình như đêm qua tôi cũng ngồi như thế trong một góc tối, nhìn thiên hạ nhảy, chờ đợi bốn giờ sáng hết giới nghiêm, lại thăm Chi. Thành phố đường vắng, vài chiếc xích-lô máy nổ xa, tôi bước vào ngõ chiếc cổng gỗ sơn trắng lờ mờ và Chi bất động phía sau. Tiếng then cổng mở, thân thể nàng ấm nóng dưới áo len. “Anh lại chậm quá, em đứng thấy lạnh rồi.” Đôi môi nóng mở rộng, tôi cúi xuống, thật lâu, vòng tay xuống dưới, bế nàng vào chiếc ghế cuối vườn. “Mấy giờ phi cơ bay? Anh…” Mặt ghế gỗ sương ướp lạnh thấm qua vải quần vào đùi, bàn tay tôi trên một bên ngực, nhịp tim Chi đập dồn và khẽ. Tôi cúi hôn. “Anh về chuyến phi cơ sáng thứ hai.”

Cửa phòng lái bật về phía trong, người phụ trách hành khách cầm xấp túi nôn phân phát thêm cho những người đàn bà. Mưa hình như lớn hơn, phi cơ chao dữ dội. Người phụ trách vịn hàng ghế lại gần, cúi xuống nói, người Pháp lắc đầu, tôi lắc đầu, tiếng động cơ quá lớn. Người đó đứng thẳng dậy, quay tay ba bốn vòng, chỉ ra ngoài cửa sổ. Người Pháp ghé gần sát tai tôi: “Phi công nhất định tìm phi trường bằng được. Sợ không?” Tôi lắc đầu, trả lời: “Dửng dưng.” Tâm hồn tôi cũng vậy, đang dửng dưng với tất cả, trừ với Chi. Nhưng Chi không có đây, nàng chắc vào ngủ tiếp và ngủ muộn trong chăn. Buổi sáng sớm trời mưa lất phất, tôi đến phi trường quá sớm, tắc-xi phải đợi, và tôi tiếc rẻ một khoảng thời gian đáng lẽ có làn da nóng dưới bàn tay luồn dưới lớp áo len. Tôi đứng ngơ ngác, nhân viên hãng hàng không chưa ai đến. Bên kia chỗ xe đậu, một quán có vẻ mở cửa. Một cà-phê sữa tồi tệ. Còn hơn không nhưng tôi tiếc dư vị của miệng Chi còn lại. Phi cơ rớt hẳn xuống, bụng tôi làm căng sợi dây an toàn lên phía trên, một cảm giác nôn nao. Một đêm không ngủ, lạnh về sáng, và bây giờ vai thấy buốt khi chạm vào cửa kính. Tôi đột nhiên thấy tôi đang nghĩ tới sự chết. Phi cơ va vào một đỉnh đồi, những thân thể dưới mưa và khói xăng khét lẹt. Cái thân thể tôi văng lên, đập đầu vào trần kia, nát bét trước khi rơi xuống cỏ ướt. Với dư vị nước bọt miệng Chi? Không còn, không thể còn bất cứ cái gì.

Tiếng súng nổ bên ngoài, tôi buông đũa chạy ra. Một binh sĩ trần truồng ướt nước xách khẩu trung liên: “Thiếu úy để tôi mặc quần đã… Thôi chẳng cần, đ.m. tụi đàn bà xuống hầm hết rồi.” Tôi quỳ sau một gốc cây, một loạt đạn cấy đất bụi tung, tôi nhìn thật xa. Những bóng người thấp thoáng chạy vào bìa rừng, tiếng trung liên nổ đều. Sau khẩu trung liên kê hai càng trên lộ, chiếc mông nâu của xạ thủ nhấp nhổm, tôi tự dưng muốn hạ súng xuống bắn vào vật đen lủng lẳng. Một con chó chạy băng qua, tôi đứng dậy nhắm bắn hai phát. Hụt. Tiếng sủa. Tiểu đội mắc kẹt rút khỏi bờ ấp. Sau bờ tre, mọi đường nét bất động, không nhìn thấy gì cả. Tôi leo lên lộ. “Thiếu úy, thiếu úy! Chết bây giờ!” Tiếng súng nổ, đạn réo qua đầu. “Rút quân!” Một binh sĩ và anh binh sĩ trần truồng khênh theo khải hoàn môn bằng tre địch dựng lên từ một tuần nay trêu tức. Cái giống giữa đám lông đen lắc lư theo bước chân. Tôi đột nhiên nhớ tới Chi và thèm nàng.

Tôi vụt trông thấy một quầng phi đạo, phi cơ chúc hẳn xuống, đài kiểm soát lờ mờ sau mưa. Tôi nhìn đồng hồ: trễ một giờ. Còn hơn trở về Sài-gòn đợi hết mưa bão. Tôi không muốn hôn Chi, ôm Chi thêm. Buổi đêm về sáng, chiếc ghế ướt sương lạnh dưới mông, làn da nóng dưới áo len, từng đó quá đủ cho một ngày. Vuốt những giọt nước trên tóc, tôi bắt gặp cái nhìn của người đàn bà ngồi trên ghế cao trước quầy. Đôi chân, một phần đùi trắng dần thêm vào trong chiếc jupe màu nâu. Tôi khó chịu, con người giống cái mang vẻ mặt biết tình trạng thèm muốn của tôi đang biểu lộ dưới vải. Phòng tiểu ở bên kia Vip-room, mấy tủ kính kê ngang chặn lối. Tôi đi vòng ra ngoài, mưa và lạnh, tôi chải lại đầu và nhìn tôi một thời gian trong mùi khai của nước tiểu và không gian thiếu sáng. Hàng ghế phía sau xe, hai vợ chồng người Pháp nói lớn tiếng. Bên kia kính xe, nhà, doanh trại quen thuộc. Ba năm rồi. Thị trấn này chẳng có gì thay đổi. Thiếu úy Y Mlô chờ đón với chiếc Jeep xanh cũ nát, giọng nói quên dấu sắc lộn dấu huyền của sắc dân Rhadé. Toán lính Thượng đứng đầy hành lang chờ đợi. “Anh kiểm lại số tiền lương đi. Chỉ thị của giám đốc thi hành đến đâu, báo cáo thẳng Sài-gòn… Cho tôi mượn xe về nhà. Cám ơn, để hôm khác, tối nay tôi có hẹn với các bạn cũ ở đây.” Chiếc xe rời tiểu khu, trời ngớt mưa, việc xong và hôm nay thứ bảy.

Chiếc cửa phòng Văn đóng kín, tôi để va-li trên thềm, vào nhà bên cạnh. Ông Minh cười, giơ tay bắt: “Dễ thường đến hơn ba năm rồi không gặp…” Ông già quay lại gọi con pha nước. Tôi uống trà nóng ngon lành, hút thuốc ngon lành. Phần dưới cơ thể một người đàn bà vào tầm nhìn của tôi. Tôi ngửng lên, cúi chào đáp lễ. Một đôi mắt quen thuộc và khá đẹp. “Cháu đỗ Trung học Phổ-thông năm ngoài. Ngân còn nhớ thầy Dư chứ? Ngượng cả với thầy cũ, cái con này hỏng… Chúng nó nhớn cả rồi, bố già cũng sốt ruột. Nhưng tôi nói rồi, anh nào đến tán cũng được, nhưng để nó chửa mà không lấy, tôi sẽ đưa dao cho nó đến tận chỗ làm việc đâm chết.” “Các cô không đâm đâu… Chắc thế! Đàn bà thường vác bụng chịu thiệt vì yêu.” “Bác trẻ nên nghĩ thế. Đâm chứ, tôi bảo là nó đâm. Đời con gái bị hại rồi, còn gì nữa mà không giết thằng Sở-khanh cho rồi!” Văn bước vào, ồn ào: “Thấy chiếc va-li ở cửa, tớ tưởng thằng Oánh. Ai ngờ cụ!” Tôi thực tình vui vẻ gặp Văn, kẻ độc nhất tôi còn muốn gặp lại ở xứ này. “Tôi ở nhà ông tới thứ hai, tiện không?” “Sang đây, hỏi lộn xộn. Nếu có chót mang bồ lên, tôi sẵn lòng cho mượn cả nhà.” Căn phòng sáng, đồ đạc dễ chịu, tôi nói: “Thằng Hiến trước ở đây bẩn như chuồng bò.” Văn vung tay: “Mất mười ngàn cả điện nước, bàn ghế. Hiến đi làm hiệu trưởng ở tỉnh cái gì Long, tôi quên mất rồi.” “Ông có nhớ những buổi học nhảy ở đây không? Hồi mùa mưa…” Văn kéo màn cửa, cười: “Nhớ! Nhưng không nhớ bằng buổi có những tên sắp đi lính mang gái về chơi. Kinh bỏ mẹ!” Tôi tháo giày, thay đôi tất ướt. “Tổng cộng mười lăm thằng đi lính. Lớp cũ chỉ còn tôi và bác Minh già. Buồn kinh. Không như ngày xưa đâu.”

Hai nữ giáo sư đã ra về, đến lượt tôi phải ngâm thơ. Thiên hạ, các khuôn mặt đỏ men rượu ồn ào: “Giáo sư Việt-văn phải ngâm thơ tiễn biệt anh em trước khi xếp bút nghiên chứ!.” Yên ngừng nói, cười. Khuôn mặt hắn tự dưng làm tôi bực ghê gớm. “Tôi sẵn lòng ngâm thơ theo lời yêu cầu của giáo sư Yên. Nhưng với điều kiện là giáo sư sẽ ngâm tiếp nửa bài sau để tỏ tình đoàn kết… Hôm qua lên núi hái chè… Gặp thằng phải gió nó… Xin mời bạn Yên ngâm tiếp.” Căn phòng ồn hẳn lên, tiếng của Địch to nhất: “A! Cái thằng này tiếu lâm quá. Chưa đi lính mà đã nói bậy hơn lính. Yêu cầu bác hiệu trưởng bắt hắn ngâm thơ tử tế.” Tôi đã bắt đầu say chếnh choáng, đưa cả nửa ly vang lên uống cạn một hơi, khề khà: “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, dục ẩm tì bà mã thượng thôi… túy ngoạ sa trường quân mặc tiếu, nắm chặt lấy ly rượu cho khỏi rung, uống đi, tôi buồn thực sao, cuộc chiến đã đến, tôi vung mạnh tay, cái ly rơi xuống vỡ tan trên sàn xi-măng. Các câu nói vụt ngang dọc, tiếng Địch át tất cả: “Cái thằng này khá, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi, batterie đâu?” Vinh chồm ra khỏi ghế: “Có ngay!.” Tiếng trống dồn dập. Hiến đeo trống bongo dẫn đầu, Vinh kéo lê bộ trống, một kẻ nào đó vung một nhạc cụ kêu lóc cóc. Địch thách thức: “Cả trường, chỉ có moa và thằng Dư là tửu lượng cao. Nhưng chưa biết ai hơn. Thi! Nhân thể để moa lính già quá tuổi tái ngũ tiễn dân blanc-bec lên đường.” Nhảy swing trên ghế, mỗi thằng một chai uống liên tục, những mu bánh mì ném ngang dọc. Chai bia ngậm trong miệng như dài ra, vụt lên cao, nét mặt Địch lờ mờ, chai bia cạn giơ cao. Hiến bắt đầu cất tiếng hát.

Ngoài cửa sổ trời hửng sáng, loáng thoáng vết mưa. “Chúng vẫn gửi chứng chỉ lương bổng về đủ cả chứ?” Văn khoác áo mưa, đội mũ, cười: “Đủ. Chắc còn sống cả.” Học trò đi rải rác hai bên lề và khắp lòng đường, tôi ngắm vài thân hình đẹp. “Hôm nay có chuyện gì mà học sinh náo nhiệt vậy?” “Tớ quên không nói nhỉ. Đêm nay và đêm mai, trường tổ chức văn nghệ lấy tiền lập thư viện. Tối nay tám giờ, ông đến chứ? Đến cả đêm mai cho vẻ mặt ông bớt cái chất lính tráng đi!” Hai nữ sinh bỏ nón chào. Văn gật đầu, tôi nói: “Con gái xứ này có vẻ khá hơn trước.” Văn cười phá lên: “Học trò cũ của ông đấy, ông bạn ơi. Làm gì mà ngắm kinh thế! À, ông còn nhớ con bé Phi không? Con bé có lần ông chỉ nó và nói: Cô này ba năm nữa xinh phải biết, khuynh đảo trai cao nguyên được, ông không nhớ à? Con bé có đôi mắt trong và cặp lông mày xanh mướt ấy.” Tôi cố hồi tưởng, hình ảnh một cô bé con ít nói ngồi bàn đầu, bàn đầu hay bàn hai?

Trời bắt đầu mưa lớn hơn. Tôi không mang áo mưa theo và bắt đầu thấy lạnh. Phía xa, ngoài thị trấn có sương mù mỏng trên các đồi. “Con bé Phi tối nay giữ vai chính trong vở kịch nòng cốt. Đóng ác vô cùng. Sau khi ông nhập ngũ rồi, nó hay hỏi thăm về ông, đóng đâu, làm gì, tôi đâu biết rõ. Ông làm cái gì mà đổi dữ thế. Plei-ku, Quảng-ngãi, Bình-dương cứ loạn lên. Trường lắm lúc cũng chẳng biết ông ở đâu trên cái đất Việt-nam này nữa.”

Những giọt mưa trên mái vẫn giỏ vào chiếc bể xi-măng trong khu vườn nhỏ, hòn non bộ cũ kỹ. Vài bông hoa lan bằng nhựa cắm lẫn lộn trong đám lá cây leo che khuất một bên cửa. Tôi cảm thấy từ tất cả chất ẩm ướt và bất biến kéo dài. Tôi đứng dậy lục chồng đĩa. Người Về của Phạm Duy. Tôi vứt mẩu thuốc qua cửa sổ, kéo chăn lên tận cổ. 

Tôi choàng dậy. Một vài đốm lửa lóe lên bên kia quốc lộ. Trăng chiếu sáng mặt nhựa. “Đưa tôi một trái lựu đạn.” Tiếng nổ lớn, tôi lao qua mặt đường, một binh sĩ la: “Máu chúng nó đấy. Chúng kéo xác đi rồi. Đuổi theo!” Tôi nhìn vết cỏ bết máu rạp thành vết chạy khuất dần. Những dãy nhà phía trong, các đốm đuốc bắt đầu xuất hiện, có tiếng la thất thanh “Ai giết chết con tôi rồi! Ai giết chết con tôi rồi!” Các đốm lửa xuất hiện nhiều hơn, lập lòe di chuyển. “Muộn quá! Chúng xua dân ra khỏi nhà cản đường. Rút!” Toán quân hối hả tháo võng, tiếng la thảm thiết hơn: “Ai giết chết con tôi! Ai giết chết con tôi!” Tôi dừng lại cho toán quân vượt qua, ghé mắt nhìn theo vệt sáng lọt qua vách. Một người đàn bà đang lôi đứa trẻ trong hầm dưới phản, đặt lên nằm cạnh đứa lớn đang ngáp. Một đốm lửa ngả nghiêng ngoài lộ, tiến vào sân. Tôi giơ tay ra hiệu, toán quân ngừng di chuyển, bất động tại chỗ, các hình dáng thẫm mờ lẫn sau hàng cây. 

Tiếng gõ cửa dồn dập: “Chị Hai! Vui đây chị Hai!” Tiếng người đàn bà: “Ai, ai bị sao, ai bị sao?” “Thằng Năm chị Hai. Mấy ông đánh nhau, máu me ra tùm lum vườn bà Tư. Thằng Năm ngủ say chạy vô hầm không kịp, bị đạn xuyên đùi. Tôi mướn lăm-bét-ta chở lên chợ rồi… Nào tui đâu rõ. Hai ba người gì lận phải khênh đi.” Chiếc cửa khép lại, tôi ghé sát vách. Người đàn bà nước mắt chảy đầy má, lấp lánh vệt dài. “Tui cắm cây đuốc lớn lên lăm-bét-ta, khỏi lo các ổng bắn.” Tôi vẫy tay, toán quân lặng lẽ đi tiếp. Căn bếp không cửa còn mùi khói nóng, tôi cởi áo đẫm mồ hôi móc lên cột. Tiếng hiệu thính viên thì thào: “Văn, Văn, ba ba gọi Văn nghe không trả lời. Địch tử thương hai, ba ba vô sự. Một thường dân đạn lạc, tản thương xe ba bánh cắm đuốc. Xin nhắc lại, xe ba bánh cắm đuốc, đừng bắn.” Ngoài khung cửa, trăng soi sáng từng nếp đất. Tiếng binh sĩ thì thào bàn tán. Tôi ngủ thiếp đi. Gần sáng, tôi bừng tỉnh, đầy lo âu. Có tiếng ai la: “Ai giết con tôi…! Không, không có gì cả, tôi quá mệt, chắc thế.

Sân khấu lấp ló các đầu học sinh, nhìn chúng, tự dưng tôi thoải mái. Một năm đã lâu, tôi đứng nhìn ra sân khấu như vậy, năm mười hai hay mười lăm? Phía tường trước mặt, các nữ sinh chưa tới màn trình diễn ngồi lẫn lộn với các giáo sư mặc đồ lớn. Một thiếu nữ hất mái tóc cười rũ rượi. Ứng ghé tai tôi làu nhàu: “Tụi giáo sư bây giờ bê bối. Đùa với nữ sinh trước mặt mọi người như gió!” Tôi lắc đầu phụ họa cho vừa ý bạn. Tôi không muốn đôi co gì với ai. Đã lâu lắm, tâm hồn tôi mới vào trạng thái thoải mái này, tôi không muốn đôi co với bất cứ ai về bất cứ vấn đề gì. Một cô gái tóc đuôi ngựa, mặc jupe phồng trắng ôm một con mèo lớn từ cửa ngách đi vào, vừa len lỏi tìm lối vừa cười ngượng nghịu, con mèo há mõm kêu nhưng nhạc ngăn không nghe tiếng, chiếc miệng đỏ há ra rồi khép lại. Tôi nói với Ứng: “Trẻ con mới lớn trông tếu thực! Quả thực bọn mình già rồi.”

Tiếng Văn trên sân khấu giới thiệu vở kịch, chiếc màn lùi về hai bên, một thiếu nữ ngồi ở bàn úp mặt xuống khóc mê sảng nức nở trong tiếng nhạc khiêu vũ hỗn loạn xa gần. Thiếu nữ hét lớn, tỉnh cơn mê, ngửng lên. Mái tóc trẻ con Nhật-bản cụp vào vai, đôi mắt ướt nước như đã khóc dưới hàng lông mày xanh mướt của cô bé học trò ba năm trước. Ứng quay sang: “Phi đấy hả? Con bé xinh đấy chứ? Diễn xuất khá lắm.” Tôi gật đầu không trả lời, chăm chú nghe giọng nói, ngắm nét mặt linh hoạt thay đổi theo đối thoại. Một thúc đẩy, một quyến rũ tới với tôi, chắc chắn như đầu một con rắn trong mơ. Tôi nôn nao trong người, tôi không nghe hiểu một lời đối thoại nào, chỉ có giọng nói, những nét mặt biến đổi giữa mái tóc úp vào cổ. Mái tóc vụt rũ xuống, tôi chỉ còn trông thấy một nửa đôi môi hồng bóng lên mấp máy dưới ánh đèn.

(3 dòng)

Tôi nhìn những giọt mưa nhỏ rơi ngoài đường trong ánh sáng loãng của buổi chiều, nghĩ rằng thế là hết một ngày chủ nhật. Ngày mai tám giờ phi cơ cất cánh, có tin bão lớn đang tàn phá miền duyên hải, nhưng phi trường Sài-gòn có ra-đa, chắc chắn tôi sẽ về tới trưa mai, buổi tối tới ngồi trong phòng nhảy ngồi đợi tới hết giờ giới nghiêm, đi bộ lại tìm Chi lờ mờ sau cổng gỗ, chiếc ghế ướt sương lạnh, làn da ấm dưới làn áo len. Ứng giơ bật lửa châm thuốc: “Ông làm gì mà có vẻ băn khoăn thế?” Tôi có vẻ băn khoăn? Mà tôi băn khoăn thực. Tôi đang muốn gì đây? Lại hay không lại dự đêm văn nghệ tối nay? Ngày mai rời thị trấn này không biết ngày nào trở lại, có thể ba tháng, sáu tháng, có thể không bao giờ. Mái tóc uốn cụp vào cổ, đôi mắt như ướt nước dưới hàng mày xanh mướt. Đến hay không đến? Tôi hỏi Ứng: “Ngồi đây luôn đến khuya chứ?” Ứng lắc: “Tám giờ có xe đến đón về. Đêm nay tôi trực.” Ngoài trời mưa bắt đầu dữ dội, bây giờ tôi ngồi một mình. Hoàn toàn một mình với những bản nhạc quá nhàm từ một máy phát thanh quá cũ, và trên tường đối diện, hai bức tranh chụp lan treo nguyên vị trí ba năm trước. Một không gian của ẩm mốc và bất động.

Mùi bùn lẫn mùi máu xông lên, tôi túm tóc cố giữ đầu người lính trên đùi, cố tì tay kia lên bờ ruộng tiếp tục bắn. Sao lâu quá trung đội hai không lên, đầu gối tôi tụt sâu thêm vào bùn, tiếng trung liên ngừng bắn, đừng, đừng hết đạn, tôi bóp cò liên hồi hết số đạn còn lại trong kẹp. Đừng xung phong, đừng xung phong. Tiếng trung liên lại bắt đầu. Đơn vị bạn đã lên nơi, tiếng súng địch vụt im bặt. Tôi la: “Thôi bắn!” Thế là thoát. Địch chưa xung phong, chắc không mất khẩu súng nào, tôi thoải mái cúi xuống. Đôi mắt trên đùi tôi mở lớn, bất động, một giòng nước bọt ở bên mép. Hắn đã chết với bàn tay tôi ghì tóc dính bùn và máu. Những ngón tay tôi tê cóng vì xiết chặt quá lâu. Đôi mắt bất động mở lớn, và tôi tiếp tục nhìn đôi mắt ấy, bàn chân đầu gối lún sâu thêm vào bùn. Hắn chết rồi, chết rồi, chết rồi.

Tôi ra quầy trả tiền. Ngoài trời mưa dữ dội. Sang quán có khiêu vũ chọn một góc tối ngồi uống bia nhìn thiên hạ nhảy? Về nhà ngủ, trời mưa và đám lau sậy ở sau nhà xào xạc. Tôi mặc áo mưa, đi về phía hội trường. Cửa chính đầy học trò, tóc tôi ướt đẫm, những giọt nước chảy vào cổ lạnh buốt, tôi theo hành lang vắng vào cửa bên. Sân khấu đầy người chạy ngang dọc. Văn lại gần, vỗ vai: “Tớ biết thế nào cụ cũng đến. Đợi mãi. Ngồi ghế này quan sát về phía kia cho bớt vẻ lính tráng đi!” Phía dưới bên trong toán vũ đang bỏ áo dài, quấn xiêm kiểu Thái, một bên vai để trần tới đường bắt đầu căng phồng của ngực. Một cô gái cầm búp phấn đập nhẹ lên cổ, lên cánh tay trần. Văn cười: “Thầy Dư chịu các trò chưa? Tại sao tôi biết chắc cụ đến hôm nay? Sao mà không biết, tối qua lúc trò Phi xuống rạp ngồi trên bục ban nhạc, cụ ngắm nó quá trời!” Văn nói đúng, tôi đã nhìn cô bé ấy, thật gọn trong chiếc áo dài hồng và chiếc áo len trắng ngồi trên bực thềm xuống ban nhạc. Ánh sáng hắt từ dưới lên mái tóc úp vai, đường mũi xuống môi, tất cả như có một đường viền vàng óng ả. Tôi đã nhìn lâu, thật lâu và cả ngày hôm nay, ngày chủ nhật, tôi không muốn nhớ lại, cố không muốn nhớ. 

Tôi ngồi im trên ghế dài học trò, ngoài sân khấu một màn đồng ca, trước mặt một học sinh đang kẻ râu cho bạn. Tôi ngồi đó, hút thuốc liên tiếp, nhìn ngắm tất cả đường nét hình bóng chung quanh. Tôi chờ đợi. Tôi chỉ muốn chờ đợi. Người con gái dừng trước mặt tôi, chiếc robe màu tím, màu trắng của áo len, đôi chân trong một thứ săng-đan cao gót. Tôi ngửng lên, mái tóc úp vào cổ vào gáy, đôi mắt như có nước, hàng mi dài, nụ cười dụt dè. Tôi nói: “Ngồi xuống đây, Phi.” Cô gái chậm chạp như sợ hãi ngồi xuống bên. “Phi năm nay học đệ nhị phải không?.” Tôi châm một điếu thuốc, khói tỏa ra phủ mặt thiếu nữ. Nàng bất động, đôi môi mấp máy nói, nhạc quá lớn, tôi cúi nghiêng gần sát nghe. “Hôm qua em xuống rạp tìm thầy sau vở kịch. Thầy ngồi đâu em không thấy?” “Tôi có thấy em ngồi ở bục xuống ban nhạc. Em bao nhiêu tuổi? Mười sáu? Bằng nửa tuổi tôi… Lát nữa em đừng khóc lớn trong micro. Vang lớn quá mất bi thảm!” Phi mười sáu tuổi, cô bé này mới có mười sáu tuổi. Tôi đã bị mê hoặc bởi vẻ già dặn giả tạo của vai trò trong kịch đêm qua. Tôi ngồi thẳng dậy. Thiếu nữ chịu đựng cái nhìn soi mói cân nhắc của tôi bằng cả đôi mắt mở lớn giữa vùng tóc bao quanh, thân hình thu trên ghế, đầu gối trắng một khối tròn xuôi dần xuống sàn. Tôi ngửng đầu, một nam sinh cười cúi đầu: “Thầy còn nhớ em không?” Tôi ngắm thân hình mới phát triển kềnh càng sức mạnh, da mặt lấm tấm rỗ hoa. “Chú Mai phải không? Chú nghịch nhất và bị tôi phạt hoài!” Các học trò cũ lại vây quanh, và khi đã tản mác chuẩn bị màn trình diễn, một học sinh đứng im từ lâu bên cạnh tôi bắt đầu nói: 

“Chiến tranh tàn nhẫn lắm phải không?” Tôi ngửng đầu nhìn. “Quê em ở Ba-xuyên. Cả nhà chết hết. Ba em làm Hội-đồng Xã, cộng giết. Má và các em bị pháo binh bắn lầm, chết cả….” Hắn nói một hơi rồi đứng im, mắt nhìn thẳng ra sân khấu, hai tay buông thõng theo thân hình. Tôi nói: “Bây giờ em làm sao học tiếp?” “Dì em mang lên trên này nuôi. Em ở đây bốn năm rồi. Nghỉ hè vừa rồi em không dám về quê thăm mộ, sợ bị cộng lôi vào khu làm du kích. Em vừa nhận được giấy gọi đi quân dịch, thầy!” Hắn vụt bỏ đi vào phía cuối sân khấu. Tôi quay lại thiếu nữ, đôi môi mấp máy. “Bắt được sĩ quan họ moi mắt?… Em nghe thấy nói thế!.” Tôi ngồi thẳng lên, hút thuốc. “Thầy đã đi những nơi nào….” Tôi bắt đầu nói, bắt đầu kể. Tiếng nhạc ồn ào làm tôi phải cúi gần sát mái tóc. Những đồn xa, những đồi rừng thưa, những đồi rậm, những ruộng lầy. Đột nhiên tôi ngừng lại, tôi thấy tôi đã dại dột. Không nên nhắc lại, không nên nghĩ tới mới phải! “Đừng nên hỏi tôi về chiến tranh nữa em!” Giọng tôi gắt gỏng. Một học sinh đưa Phi một chai nước ngọt, một ống hút. Phi đưa: “Thầy uống đi!” “Cám ơn, tôi không khát.” Phi cúi đầu nhìn bàn chân đặt trên sàn. “Sắp đến vở kịch của em chưa?” “Còn bốn màn nữa thầy!” Tôi thấy khô cổ, nhiều thuốc lá quá ngày hôm nay. Tôi cầm chai nước ngọt: 

“Thôi em uống chung với tôi.” Tôi ngậm ống hút, uống một hơi dài. Một bàn tay ấm khẽ úp lên mấy ngón tay tôi, thiếu nữ lấy lại chai, ngần ngừ rồi đưa lên miệng. Tôi im lặng, thiếu nữ im lặng. Một cái gì đã xảy ra. Tôi không biết rõ. Nhưng chắc chắn tôi biết có một cái gì đã thay đổi từ khi cô bé ngậm ống hút tôi vừa uống… Tôi lắng nghe xúc động chớm bùng ra bên trong cùng lo ngại, một ngần ngại. Tại sao tôi lại nói về chiến tranh với một cô bé mười sáu tuổi. Tại sao… “Xin phép thầy em phải thay quần áo. Còn màn vũ nữa đến kịch.” Tôi nhìn theo Phi ôm gói quần áo xuống sàn trang điểm phía dưới, ánh đèn chói sáng. Tôi muốn quay đi, ông thầy cũ muốn quay đi, tôi mỉm cười, tiếp tục nhìn bàn tay cởi chiếc áo len khoác ngoài. Một bên vai đã lộ ra, đột nhiên Phi ngửng lên nhìn mắt tôi, một nụ cười ngượng nghịu và a tòng. Nàng cúi xuống, cầm quần áo đi lên, tiến sang bên kia sân khấu, khuất sau một tấm phông, tôi tiếp tục hút thuốc và bây giờ tôi xúc động, hối hả chờ đợi. Phi nhìn tôi im lặng trước khi gục đầu vào tay trên bàn ngoài sân khấu. Văn đẩy tôi sang một bên kéo chiếc micro lại gần, mở máy ghi âm. Hai cuộn băng nhựa quay từ từ, tôi ngửng lên. Phi bắt đầu khóc mê sảng, đôi vai rung lên, bên ngoài sân khấu phía trước những đầu người nhấp nhô như cỏ mờ dần về cuối rạp. Mái tóc rung động, thân thể oằn oại: “Không! Không. Buông ra. Trời ơi là trời.” 

Thiếu nữ vùng dậy, má ướt nước, các diễn viên khác kế tiếp xuất hiện bu quanh chiếc bàn. Tôi đứng im sau bức phông ngang, hút thuốc, hút hoài, không thể làm gì khác, tôi không thể làm gì khác ngoài việc hút thuốc và gắn liền tâm hồn vào Phi di chuyển, nói, khóc trước mặt. “Tuổi lên mười cũng đẹp chú ạ. Nhìn ai cũng thấy tốt, nhìn ai cũng thấy đẹp. Tất cả đều là những bà tiên trong các truyện cổ tích. Vào năm mười lăm thì đã khác đi rồi. Con bé đã dại dột để lọt vào trong mắt những ý nghĩ vẩn vơ, những thèm muốn vô danh và vẩn đục.” Tôi muốn nhìn thấy mắt Phi, không đúng, tôi muốn nàng nhìn tôi. Nhìn tôi, Phi! Thiếu nữ ngửng đầu, đôi mắt long lanh dừng trên mắt tôi. Đừng quay đi vội, đùng quay đi vội Phi. Thiếu nữ phá lên cười. “Cháu xấu, cháu bẩn, cháu khốn nạn thế này thì ai mà thương cháu được cơ chứ, cái gương đập mạnh xuống sàn, một mảnh bắn vụt ngang sân khấu phản chiếu lấp loáng ánh đèn. 

Đứng sững, tay buông thõng, Phi nhìn tôi. “Thưa thầy, thế nào là tốt? Thế nào là xấu? Sự xấu, sự tốt phải chăng chỉ là ảo tưởng của từng người.” Tôi ngậm nguyên điếu thuốc trên môi. Đường nét, hình dáng Phi mờ đi, khói thuốc hay cái gì khác. Em hỏi tôi phải không Phi? Tôi không trả lời được, tôi không thể trả lời được… Tôi vùng ném mạnh điếu thuốc xuống chân, nhìn Phi kia, nhìn Phi kia. Thiếu nữ ngồi trên ghế, tay xiết chặt chiếc khăn, người như muốn lao vào khoảng trống trước mặt, giọng thất vọng: “Cuối cùng, lời giảng dạy của các ông thầy trở nên nhạt nhẽo, buồn tẻ, và chúng nó chỉ còn biết nhìn công trình xây dựng các thầy bằng đôi mắt thương hại như nhìn công trình xây cất của lũ dã tràng ngoài biển cả.” Đôi mắt bất động mở lớn trên đùi tôi, mái tóc bết bùn và máu, hắn chết rồi, chết rồi, chết rồi. Một con cua nhỏ từ bọt nước đục ngầu ngoi lên, leo lên đầu gối tôi, nó giơ càng bé xíu quờ quạng. Vụt túm lấy mái tóc, nó đu sang chui vào giữa, mất dạng trong những sợi tóc bết máu và bùn, đôi mắt vẫn mở lớn, hắn chết rồi, chết rồi. Thiếu nữ ngã vật người lên thành ghế, la lớn: Thôi thầy im đi, im đi.

(2 dòng)

Người đàn ông đứng dậy che khuất Phi, bàn chân trắng ruỗi trên mặt sàn. “Thôi, thôi. Đừng nói nữa. Mặc tôi. Thầy hãy đi đi…đi đi….” Tôi không thể đi được khỏi dù chỉ một phân bức phông này. Phải đứng đây, chỉ có thể đứng lại đây, như thế. Phi, khi màn hạ, đừng nhìn tôi, hãy đứng dậy đi về phía bên kia sân khấu! “Ai cho cô làm việc ấy! Ai cho cô cái quyền ấy? Trả lời đi, trả lời ngay đi… À, cô không trả lời được. Bởi vì không ai trả lời được hết. Được rồi, cô có gan giết bào thai con cô, cô có gan giết người, vậy cô hãy thử bóp chết con mèo này đi! Bóp chết nó đi…bóp chết nó đi. À, tại sao cô không dám làm? Cô giết mình được, giết con được, cô bóp chết được một linh hồn nhỏ nhoi vô tội do cô sáng tạo ra. Vậy mà cô run sợ trước con vật vô nghĩa này.” Thân thể oằn oại về phía sau, tôi xiết chặt hơn nữa, thân thể vụt trở nên mềm như một khối nhão, tôi kinh tởm buông ra. Thân thể đổ vật xuống. Tôi buồn nôn, tôi muốn nôn. Một bóng đen vụt hiện đến bên. Tôi thì thào: “Nó chết rồi, dẫn trung đội I lên mặt này. Mau! Có lệnh tôi hãy bắn cho chắc ăn.” Tôi loạng choạng lao về phía trước, chân tôi vừa dẫm lên bụng thân thể ấy. “Bắn! Bắn! Lựu đạn! Mau, đồ gà chết cả lũ!.” 

 Bàn tay Phi buông thõng về phía sau, một bên mái tóc đẫm nước lóng lánh. Em khóc thật, Phi? Em mới mười sáu tuổi, khi màn buông, em mới mười sáu tuổi, hãy đứng lên, đừng nhìn tôi, đi về phía bên kia sân khấu, em hãy còn mưới sáu tuổi, đừng nhìn tôi, đi về phía bên kia sân khấu để tôi có thể trở về một mình như một khối đá đen, như cuộc chiến tranh này, như thân thể oằn oại vụt trở nên mềm nhũn rũ xuống cỏ. Không, tôi không muốn, em mới mười sáu tuổi, tôi đá đen và cuộc chiến, và con cua giơ càng quờ quạng túm những sợi tóc bết máu. Không, tôi không muốn. Thiếu nữ vùng gục xuống đùi, rung động như một thân cây bị chặt gốc đổ rụp. “Không không…tôi không còn biết gì nữa, tôi không còn biết phải làm gì nữa!” Màn vụt buông xuống ngăn cách những đầu người nhấp nhô, người đồng diễn giơ hai tay lên thoải mái. Phi, ngửng đầu lên nhìn tôi, đứng dậy tiến lại, tôi không thể rời đôi mắt mở lớn, tôi không thể rời. Bàn tay nhỏ đặt lên cánh tay tôi và một nụ cười. Văn chạy đến: “Đóng khá quá. Khóc thật đấy à? Chịu em thật. 

Đứng nhìn em gục đầu xuống đùi đập trán vào micro, thấy ớn quá! Có chảy máu không, thuốc đỏ ở hộp cứu thương cuối phòng. Ông ra lấy bôi cho Phi đi.” Bàn tay rời khỏi cánh tay tôi, đôi mắt như hớn hở. “Thầy đợi em thay quần áo.” Tôi có cảm tưởng như tất cả rạp xao động nhìn tôi và Phi. Những hàng ghế dầy đặc. “Hay lên ban công phía cuối ngồi?” Mái tóc lắc lư. “Thôi ra ngoài hiên vậy.” Tôi mở cửa bên, đưa Phi ra ngoài, hành lang đầy bóng tối, trời mưa lớn, nước lấp lánh kéo dài, những ánh đèn cột điện bên kia hàng cây. Gió lạnh, những giọt nhỏ hắt lấm tấm trên da mặt. Tôi tìm bàn tay thiếu nữ, bàn tay nóng, dụt dè lồng những ngón tay vào nhau. Hành lang dài, tận cùng bằng vùng ánh sáng cửa rạp. “Có lúc em cuống, tưởng tìm nhìn thầy sẽ lấy lại bình tĩnh. Nhưng…thầy! Nhìn thêm lần nữa, chắc em không thể tiếp tục diễn xuất được nữa.” Khuôn mặt Phi vào vùng ánh sáng, một học sinh đi vào, tôi tựa vào vách nhường lối. Công trường trước rạp mờ hẳn dưới mưa. “Phi! Lội mưa đi uống cà-phê? Tôi vào lấy áo cho Phi…” Thiếu nữ lắc đầu, tránh không nhìn tôi, không nhìn mưa, không nhìn gì cả. “Đi trở lại Phi, vào bóng tối, từ mấy tiếng, Phi đã ở trong ánh sáng của mọi người.” Thiếu nữ dừng bên cạnh chiếc cột, nhìn mưa, những ánh đèn qua mưa, qua lá cây lốm đốm rung rinh trên vải áo. Tôi cầm bàn tay đưa lên môi hôn. “Thầy…” “Đừng gọi tôi là thầy nữa. Chiến tranh đã giết chết ông thầy cũ rồi, chỉ còn một người lính.”

 Tôi luồn trong mái tóc, úp bàn tay lên gáy Phi, tôi muốn hôn, tôi phải hôn lên đôi mày xanh mướt của dĩ vãng, của những thời gian và cuộc đời cũ. “Ngửng lên nhìn tôi…” Tôi cúi xuống, lớp lông mịn như một vết buồn trên môi. “Nhìn tôi, anh muốn nhìn thấy mắt em.” Đôi môi nhỏ di chuyển, lẩn trốn. “Em sợ!” Tôi vùng vòng tay qua vai, lớp len ướt nước mưa hắt, “cầm lấy tay anh, thật chặt.” Cổ họng khô, giọng khàn, tôi thấy khát nước, khát nước vô cùng. Giơ bàn tay ra hứng nước mưa trên mái, tôi cúi xuống. Tôi ngửng lên, một bàn tay nhỏ giơ lên, những giọt nước mưa bắn tung tóe. “Phi hết sợ rồi sao?” Bàn tay kia của tôi chịu một xiết chặt hơn như một nụ cười. “Có lần hành quân, trời mưa lớn như thế này, dừng chân dưới mái tranh một nhà dân, anh giơ tay hứng nước mưa uống, bà cụ chủ nhà, già lắm, tóc bạc và da nhăn nheo như trái khô, nói: 

 “Ngày trước ở vùng này, khi người con gái uống nước mưa trong bàn tay người con trai là tỏ ý thương nhau.” Tôi giơ ngửa bàn tay, giữ nước đọng lại “Uống đi Phi.” Vũng nước óng lên trong khoảng ánh đèn, đôi môi ghé xuống, đầu chiếc lưỡi nhỏ của một con mèo thu nước từng giọt. “Trong miệng em, chỉ còn nước mưa. Đừng uống hết, ngửng đầu lên, em.” Đôi mắt mở rộng, đôi môi mở dần gọn ghẽ trong miệng tôi, những cử động mấp máy xuất hiện dụt dè, vụt biến đi, rời khỏi. Tôi giữ chặt Phi trong hai bàn tay, nâng lên, hình như có một người, nhiều người vụt đi qua phía sau, tôi cúi hôn, hàng mi hạ xuống, những vệt buồn trên làn da. Tôi sững sờ ngửng lên quay lại, một bóng người dụt dè: “Thưa thầy, thầy An xin cho chị Phi trở lại sân khấu!.” Tôi thu bàn tay còn trên vai thiếu nữ, cho vào túi lấy bao thuốc. Người con gái cúi xuống, cài lại quai giày bị sút, những ngón tay vội vã. Tôi cúi xuống. “Đừng, đừng….” Tôi đứng lên châm thuốc. 

Cửa ngách vào rạp đã mở, trong khoảng ánh sáng, nhiều người lố nhố, Phi lướt qua tôi, tiến đến khung cửa sáng. Tôi đi theo, lo âu đột nhiên tới cùng tức giận. Tôi đang đưa con bé này vào tay bầy thú dữ. Đúng thế, chỉ là thế. Giáo sư trưởng ban văn nghệ, cúi xuống nói liên tiếp, thiếu nữ ngồi thu nhỏ trên ghế chịu đựng. Tất cả những cặp mắt sau sân khấu tập trung lại góc này, người giáo sư và cô bé cúi đầu và tôi ngồi tựa tường trước mặt. Tôi hút thuốc lá liên tiếp, không ngửng nhìn. Đôi vai nhỏ thu lại thêm, hàng mi hạ xuống mấp máy, tôi không nghe thấy người đàn ông nói, âm nhạc ồn ào, nhưng tôi có thể đoán dễ dàng: Tại sao trò lại cư xử như thế! Thầy Dư là thầy dạy cũ. Làm như thế là trái đạo… Không, anh chàng này có vẻ thông minh, chắc hắn nói: Yêu ai là quyền của các trò. Nhưng đêm nay tôi chịu trách nhiệm ở đây, trò nghĩ sao nếu ba má biết chuyện này và trách cứ tôi? Hắn chắc nói thế, mái tóc Phi đã rũ xuống che một bên má, tôi bực tức nôn nao trong cơ thể. Đối với tôi, chỉ chuyện một người đàn ông hôn một người con gái, nhưng, đúng thế, tất cả dư luận phán xét không nghĩa lý gì, không một ảnh hưởng nào tới tôi, cục đá đen lăn lóc. Nhưng người đàn ông đang cúi đầu trách cứ, những cặp mắt tứ phía long lanh như mắt mèo đổ dồn lại góc này như gào thét:

(1 dòng)

Tôi xiết chặt tay vào thành ghế, người căng lên đầy sức mạnh nóng nảy. Tôi ngồi đây như thế, tôi không sợ gì cả, tôi không sợ bất cứ đe dọa nào – cho tôi, nhưng chiếc ghế bên kia, thiếu nữ thu hẳn người lại, ẩn núp. Tôi không thể làm gì được, ngoại trừ ngồi góc này chờ đợi. Tôi biết tôi bất lực, hoàn toàn bất lực. Đoàn xe tiếp tục chạy, chiếc thiết giáp hộ tống xuất hiện ở một khúc quanh trước mặt, tài xế nói: Thiếu úy cho xin điếu thuốc! Tôi kẹp bản đồ vào đùi, đưa tay vào túi. Thế nào cũng bị phục kích, tôi biết rõ như thế từ lúc nhận lệnh trong phòng hành quân sư đoàn, tôi đã cố sắp xếp đoàn xe cho vững nhất, tôi đã kiểm soát hệ thống truyền tin, đã phát hỏa châu đỏ, bây giờ tôi chỉ còn một việc để làm: chấm tọa độ liên tục để khi bị phục kích, gọi phi cơ tiếp viện dễ dàng. Binh sĩ sẽ không trở về tất cả, tôi không thể làm gì hơn là bấm ngón tay liên tiếp trên bản đồ để xác định vị trí đoàn xe. Tôi châm thuốc, Văn lại gần xoa tay cười: “Còn ba màn nữa là xong… Có chuyện gì đấy?” Tôi mỉm cười: “…và thiên hạ đang xài xể con bé.” Văn nhìn sang ghế bên, quay lại nhìn tôi: “Toi, professeur!” Tôi tức giận, hết sức tức giận. Văn vụt cười bước đi, tôi không nói gì cả. Tôi có một mình ngồi đây riêng một góc với tiếng nhạc vang động. 

Đột nhiên tôi nghe tiếng động cơ ù ù. Chiếc xe bị mìn máy vẫn còn chạy. Tôi lại gần, bên dưới, một chiếc đùi nằm trơ vơ. Cách đó, một đống ruột kèm lá gan nằm trên mặt nhựa. Tôi đếm: một chân, hai chân, một người chết. Binh sĩ cận vệ cãi: Hai người… Nhiều chân tay thế này. Tôi đi dọc rãnh, coi các vết thương, nhặt những khẩu súng không người xử dụng. Bây giờ tôi bắt đầu nghe thấy các tiếng rên la, tôi nói đi nói lại một câu: Ráng lên! Trực thăng sắp tới bây giờ. Một binh sĩ gẫy hết răng cửa, giơ tay đầy máu và nước bọt lên. Tôi nắm lấy, ráng lên, ráng lên… Tôi ngồi trên vệ đường, quay lưng lại những tiếng kêu, một đống súng bê bết bùn và máu để trước mặt. Tiếng khu trục lượn vòng trên cao. “Thiếu úy! Em đau quá!” Ráng lên, ráng lên, trực thăng tới bay giờ. Tôi không ngoảnh đầu lại, tôi làm gì được cho họ. Y tá chết, đồ cứu thương không có, tôi đã chia hết bao thuốc lá còn lại cho những người còn hút được. Tôi đột nhiên tức giận, hết sức tức giận. Tôi chạy lại chiếc xe bị mìn, nhắm đầu đen-cô bắn, một tiếng nổ, một chuỗi tiếng nổ. Máy vẫn chạy ù ù. 

 

 Tôi nguyền rủa. Phi ngửng đầu lên, tất cả quay lại nhìn tôi. Má Phi ướt đẫm nước. Tôi đứng dậy, thật thẳng, tiến lại. Tôi cúi xuống, đặt tay lên cánh tay Phi, nói: “Em chưa làm điều gì xấu hết. Bất cứ ai trách cứ, bảo tại tôi, tại tôi cả.” Đôi mắt Phi mở lớn nhìn, im lặng. Tôi quay đi, xuống mấy bực gỗ. Ngoài trời mưa lớn, tôi đi vào con đường không đèn lầy lội, nước lạnh chảy dọc thân hình. Tôi tiếp tục bước, giày ngâm sâu trong bùn, tôi không hiểu cái nhìn sau cùng của Phi, trách cứ? Chịu đựng? Tôi không biết, không thể biết, sáng mai tôi rời khỏi nơi này. Tôi muốn nói với tôi: Sau cùng, nào có gì đâu, sau cùng, mãi mãi tới khi chết, có lẽ chỉ còn những giọt nước mưa cao nguyên uống trong lòng bàn tay. Nhưng tôi không nghe thấy tôi, tất cả câm nín. Có tiếng động cơ ù ù? Không, chỉ có tiếng mưa đập trên áo mưa. Đột nhiên tôi mong hết sức ngày mai Chi ra đón ở phi trường, tôi sẽ ôm Chi để không còn nghe thấy gì cả, hoàn toàn không còn nghe thấy gì cả.

 

Thế Uyên 

1966

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mưa Vào Ngày Cưới - Nguyễn Việt Hà

      Ngày cưới tôi, mưa không nhiều, nhỏ và mịn. Đấy là điều may, sách số nói thế và Giáo sư Trần, bạn bố tôi cũng nói thế. Tôi lấy c...