Thứ Hai, 18 tháng 7, 2022

BƯỚM XANH - Truyện Trần Thị NgH

 

clip_image002

…bé An sắp được bốn tuổi, bốn lần ăn tết Nhi Đồng. Càng lớn con càng biết thưởng thức các trò chơi và các ngày vui, càng lớn con càng cần mẹ làm bạn. Suốt buổi trưa nằm quạt cho con ngủ, mẹ tính nát óc buổi chiều chủ nhật của hai mẹ con. Để coi, nếu trời không mưa như vẫn hay mưa định kỳ vào buổi chiều, con sẽ thức dậy lúc 3 giờ theo thói quen, và mặc dù con hơi suyễn, mẹ vẫn nhất định đưa con đi chơi, tất nhiên sẽ mặc cho con cái áo dài tay kín cổ cho đỡ gió. Mẹ sẽ đạp xe nhanh từ Phú Nhuận ra khu triển lãm Phó Đức Chính để con khỏi mỏi lưng lắm vì đường xa.

<!>

Chương trình không thay đổi, chỉ hơi trễ nhỉnh một chút vì con ngồi bô sau giấc ngủ trưa.

Con nghe nè bé An, một đồng rưỡi một cái lồng đèn ở gian hàng phục vụ thiếu nhi, giá đồng hạng cho chim, cá, máy bay, xe tăng…con định chọn cái nào? Nghe nói có cả gian hàng bán đồ chơi bằng gỗ và thức uống nữa nhe, nếu nửa chừng con kêu khát. Hai mẹ con nói chuyện như bắp rang suốt đoạn đường dài. Trời gió lớn, trông buổi chiều mênh mông nhẹ hẫng, không có vẻ chuyển mưa, nhưng buồn. Rồi, mẹ lại sắp sửa lãng mạn.

– Bé An, con đừng giở lưng áo mẹ lên thế, nghịch dữ quá! Ôm chặt bụng mẻ kẻo té.

– Mẹ à, sao con ngựa đi chân không? Mẹ nó đâu?

– Mẹ nó ở nhà nấu cơm chờ nó về ăn.

– Nhà nó ở đâu?

– Ở Phú Nhuận.

– Cô kia là ai vậy mẹ?

– Cô nào?

– Cô che cây dù đằng kia.

– Là người lạ đi ngoài đường, mẹ không quen.

– Cô ấy là mẹ của ai?

– Trời ơi, bé An! Con nghỉ mệt một lát đừng hỏi nữa. Có thể cô ấy là mẹ một em bé bốn tuổi mà con không quen.

– Sao cô không dắt em bé đi chơi?

Mẹ bí. Nhiều khi mẹ quạu, bực mình. Con không để mẹ nín thinh riêng tư. Nhiều khi con kéo mẹ ra khỏi những lo nghĩ. Nhiều khi con đánh thức mẹ từ mơ mộng. Thực sự trong trí óc non nớt của đứa trẻ bốn tuổi, con chỉ muốn biết vỏn vẹn hai điều về mọi sự: nó có mẹ nó không và nhà nó ở đâu. Con yêu, có phải con đang rất yên tâm có mẹ và một ngôi nhà ở Phú Nhuận để hai mẹ con trở về sau những buổi ứ hơi?

Khu triển lãm buồn hiu. Gian hàng đồ gỗ chỉ còn mấy cái xe lửa dài ngoằng giá đắt mẹ không đời nào chịu mua. Leo hai ba tầng lầu qua các phòng triển lãm thể dục thể thao, giáo dục, thương nghiệp…hai mẹ con lục tìm gian hàng phục vụ thiếu nhi. Hết lồng đèn. Trong tủ kính chỉ còn mấy cái đèn gẫy, trên tường, một số đèn mẫu treo không bán. Bé An muốn khóc.

– Sao mẹ nói dối con?

– Đừng giận bé An, mình đi chỗ khác mua.

– Vậy thôi mẹ mua cho con hộp bút chì sáp để con học mẫu giáo.

– Bé An, hàng cần giấy giới thiệu.

Dĩ nhiên con không hiểu. Mẹ kéo con đi ngược xuống mấy lượt cầu thang, con thở khò khè nghe tội.

– Đừng giận mẹ. Mình về Tân Định, con nhớ không, gần chỗ mẹ mua bánh cho con mỗi sáng chở con đi mẫu giáo Vườn Hồng đó.

Con không chịu. Đường về con thôi nghịch, không nói chuyện với mẹ. Chiều xuống sậm sì. Mẹ thuyết phục, Tân Định có nhiều lồng đèn hơn khu triển lãm, giá mắc hơn nhưng mình tha hồ chọn. Bé An ôm lưng mẹ đi chớ. Con đi chơi về đừng bệnh nghe, sao tay con lạnh ngắt à. Bé An…

Sau cùng con cười úp mặt sau lưng mẹ. Rồi kìa, con thấy không? Cả một khu mấy gian phố liền rực rỡ đèn lồng. Những đứa bé có mẹ và ba dẫn đi chơi, và cũng có nhà để mang lồng đèn về. Bé An chọn chiếc tàu.

– Không, con gái không chơi tàu. Sao con không chọn bướm hay chim?

– Con mang tàu về thả dưới nước chơi.

Mẹ cười ngặt nghẽo. Trời đã chập choạng tối. Ngọn nê-ông hắt ánh sáng qua những lớp giấy bóng màu, in lên má con những vệt sáng nhòe nhẹt ngũ sắc, hai con mắt tròn như hai dấu chấm hạnh phúc, vầng trán thơm đầy lông măng và tóc tơ. Dĩ nhiên mẹ chủ quan và nông nổi, và mẹ không ao ước gì hơn.

Hai mẹ con rốt cuộc đồng ý chọn con bướm nhỏ xíu, vừa xinh vừa rẻ. Mẹ lại tính. Nếu không mẹ đã không đạp xe toát mồ hôi hột chở bé An ra Phó Đức Chính chỉ để tìm mua cho được lồng đèn quốc doanh giá đồng hạng 1 đồng 50 xu.

– Cô ơi, bao nhiêu cái này?

– Ba đồng!

– Một đồng thôi.

– Làm gì có giá đó?

– Một đồng rưỡi.

– Chưa tới giá.

– Thôi một đồng rưỡi đi mà.

– Đã bảo chưa tới giá. Hai đồng dứt giá.

Thật tình mẹ không hề muốn mặc cả niềm vui của con, một niềm vui hai đồng bạc, để thấy con cười toe khoe hàm răng sữa.

Hình ảnh con đứng bé xíu trong đám đông, tay cầm cái lồng đèn bươm bướm trên một phông nền đầy màu sắc của các gian hàng bán đèn lồng, mẹ thấy đẹp như nhìn qua cái kính vạn hoa. Mình đang ở trong chuyện cổ tích Perrault chứ đâu nữa.

Có một điều mẹ không tưởng tượng được, ngay chính trong khung cảnh tuyệt vời đó, với con cùng những cảm xúc vô tận của mẹ lúc ấy, một cánh tay gầy guộc, một cái đầu bù xù, chiếc áo rách không cài nút…mẹ chỉ có thể vội lưu vào bộ nhớ chừng đó hình ảnh chú bé sau khi cái lồng đèn bươm bướm đã bị giật khỏi tay con. Thằng nhóc chạy bung ra đường, vướng xe té chồm tới trước, loạng choạng gượng dậy tiếp tục chạy băng qua phía chợ Tân Định rồi mất hút trong hẻm chợ tối đen. Mẹ đành rượt mắt thật nhanh theo màu xanh của con bướm mỏng bay loáng theo cánh tay nhỏ qua ánh đèn huỳnh quang trước hiên chợ. Còn bé An, ôi người bạn nhỏ của mẹ, con đứng ngơ ngác rồi mếu máo òa khóc nhìn quanh.

Ngày chủ nhật đã hết. Mẹ chở con về lại ngôi nhà nhỏ ở Phú Nhuận. Tại sao nó giật lồng đèn của con? Mẹ nó đâu? Nhà nó ở đâu? Đó là những câu hỏi chính mẹ cũng muốn hỏi. Mình còn có chỗ để về phải không bé An? Còn con bướm kia bay về đâu?


Trần Thị NgH

Trung Thu 1979


Chú thích của tác giả
: Truyện này được viết 39 năm trước, gửi đăng ở báo PN số đặc biệt Trung Thu, bị trả lại, còn bị rầy “bôi bác chế độ; xã hội chủ nghĩa làm gì có trẻ em nghèo giật lồng đèn”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét