nhà văn cung tích biền
Tôi đọc khá nhiều, thượng vàng hạ cám. Suy ra một điều, viết văn giản dị, gọn nhẹ rất khó. Những tài năng lớn, người ta viết như đùa. Như một hơi thở. Ở họ, sự giản dị, dung dị đến dị thường. Và, sự tầm thường đến lạ thường.
Trần Yên Hòa không tới chỗ đó. Chỗ khác, anh thật thà, nồng nàn một cuộc Rong Chơi, với đời, chỉ là thông qua chữ nghĩa.
Trần Yên Hòa đến với văn chương thi ca, như chiều lên, ta thả một con diều trong gió vàng. Con diều bay. Lây lất rung chuyển thế nào? Tùy tâm thái nơi mỗi người nhìn. Có cái nhìn nhục / tục nhãn đến cái suy tưởng của nhìn tâm nhãn, trí/ tuệ/ huệ nhãn.
<!>
*
Cái tên người nó cũng vận vào mệnh đời người. Nó nói khá rõ cái thế đời của người đó. Trần Yên Hòa, 3 âm Bình, không có Trắc nào. Một dòng lãng đãng êm trôi.
Theo tôi hiểu, một cái hiểu mạo muội. Trong Hán tự, phát âm theo thuần âm Việt, có nhiều từ Yên đồng âm, khác nghĩa. Trong đó có 2 [hai] từ Yên, nên bàn qua sẽ rõ đôi điều.
Trần Yên Hòa. Yên này không phải Yên là khói [煙]. Yên ba là khói sóng. // Nhật mộ hương quan hà xứ thị / Yên ba giang thượng sử nhân sầu // Chiều hôm chẳng thấy cổng làng, trên sông khói sóng gợi lòng sầu ai. [Hoàng Hạc Lâu - thơ Thôi Hiệu, tôi tạm dịch]
Yên Hòa. Yên đây chính là An [安] ; an lành, an vui, thái an, an cư lạc nghiệp. Theo cấu trúc hội ý của Hán tự, chữ An gồm phần trên là bộ Miên [mái nhà], nửa dưới là chữ Nữ. Con gái ở trong nhà, dưới mái nhà cùng cha mẹ anh em, là an toàn, phúc hạnh
Yên là một thông vận với An. Tục lệ xưa, có tế lễ Kỳ yên, chính là lễ Cầu an. Phép nước có Trị yên, nghĩa là trị an.
Hán tự có nhiều thông vận tùy thời mà đọc khác nhau, nhưng cùng nghĩa. Chính/chánh; nghênh/nghinh; yên/an; mệnh/mạng; thì/thời… Xa xưa, là chánh trị, hành chính, tài chính, hoan nghinh, bình yên, cách mệnh…nay là chính trị, hành chánh, tài chánh, hoan nghênh, bình an, cách mạng, lâm thời…
Nói dài dòng văn tự vậy, để thấy Yên Hòa đây không phải nóng bừng, bốc khói. “Nổi lửa lên em”. Sớm mai chiều tà, xuân lan thu cúc, chỉ là một Trần Yên Hòa một khuôn mặt phúc hậu, luôn tươi vui, giọng nói nhỏ nhẹ, hành tung hiền hòa ổn định, cư xử với anh em có cái chí tình, chân thiện. Ngồi nhậu với Hòa là bổ đổm an lành, chung rượu nghĩa tình, thầm lắng trong mỗi niềm riêng, vắng biệt những lời giận hờn, mắng mỏ đặt điều bôi nhọ sau lưng.
Hiền hòa, nhưng rất mực chịu chơi. Nhậu tới bến. Tận tụy với văn chương. Nhiều chục năm, thiết trang mạng riêng để giới thiệu văn chương cổ kim, đó đây, bạn bè. Trân trọng, lễ phép, nhiều giao tình với anh em.
*
Khi đọc tác phẩm Mẫu Hệ của Hòa, Nguyễn Lương Vỵ đã viết :
"Mẫu Hệ", với nghệ thuật dẫn truyện lôi cuốn người đọc, tái hiện được hiện thực sinh động bằng bút pháp tỉnh táo nhưng nhạy cảm, nhất là những mẫu đối thoại dung dị nhưng lột tả được tính cách từng nhân vật. Cốt truyện được thu nhỏ trong gia đình của Nại Hiên và Soại, nhưng bối cảnh không gian, thời gian và những nhân vật phụ khác trong truyện, đã cho người đọc hình dung một cách khá rõ nét về những bi kịch của miền Nam trong thời điểm lịch sử đó.
"Mẫu Hệ", tuy chưa đạt tới tầm cao văn chương như nhà văn đã khiêm tốn tỏ bày trong "Lời Mở" ở đầu sách, chỉ là do ngó nhìn bốn phương tám hướng vào thời điểm lịch sử đó mà nhà văn "động lòng viết chơi", nhưng khi đọc xong truyện, gấp sách lại, người đọc vẫn còn rung động tâm can. Nỗi đau vẫn còn đó! Như vậy, nhà văn đâu phải "động lòng viết chơi", mà viết bằng tất cả tâm lực, rung cảm của mình, không phải là "hư cấu" mà trung thực bằng những điều mắt thấy tai nghe của một người vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân của giai đoạn lịch sử đầy bi thương ấy. Đây cũng chính là giá trị nhân văn của "Mẫu Hệ" vậy.
[Đọc Lại Mẫu Hệ, Nỗi Đau Còn Đó]
Vào Cõi thơ của Trần Yên Hòa, Phan Tấn Hải đã nhìn với cái nhìn khá tinh tế:
“Đó là một tập thơ, khi bạn mở ra đọc vài trang, sẽ thấy như bị lôi cuốn đi mãi theo dòng ngôn ngữ. Bởi vì, thơ Trần Yên Hòa có nơi không còn là chữ, mà đã là cái gì rất gần gũi với chính bạn. Tuyển tập thơ của anh không chỉ là dấu mốc sáng tạo thi ca Trần Yên Hòa, mà cũng là một tấm gương soi mặt hồn thơ cho một một thế hệ, những người sinh ra và trưởng thành trong một cuộc nội chiến, và đã đào tỵ vào thơ như một thế giới hòa bình bay bổng riêng.
Khi mở ra các trang sách Trần Yên Hòa, tôi tự thấy chính hồn mình hiện ra lơ lửng giữa những dòng thơ của anh. Sức mạnh thi ca của Trần Yên Hòa là, qua thơ, anh hòa nhập với tình tự của hồn nước, với dòng chảy ngôn ngữ của dân tộc. Hãy hình dung thơ như một dòng sông đón nhận trăm suối trôi vào. Thơ Trần Yên Hòa là một dòng sông, nơi đó tôi đứng nhìn thấy cả chân dung dân tộc, có hình tôi, hình anh, hình ảnh cả một dòng chảy dân tộc. Của những năm khốn khó, gian nan, và thơ mộng.
[Đọc Hơn Năm Mươi Lăm Năm Thơ của Trần Yên Hòa]
Trần Yên Hòa làm thơ viết văn khá dễ dàng như một thú vui thường nhật. Nhàn nhã bình thản. Tưởng như là không cho thơ văn của mình quảy trên lưng vác trên vai, đội đầu những sứ mệnh, những liên lụy sử lịch, những bụi hồng trần. Nhưng khi tôi tình cờ đọc bốn câu thơ dưới đây, tôi hiểu Trần Yên Hòa không xa cách với cáí tình dân tộc, nỗi cảm hoài với vận mệnh chung của lịch sử và riêng mỗi phận người. Quả là cái rùng mình lạnh toát đêm thâu.
Đêm thức trắng dòng dòng câu cổ lục
Rớt xuống hồn thành giọt lệ ứa khô
Quả đã quá sáu trăm năm Nguyễn Trãi
Trái tim người còn để lại ngàn sau
[Đêm thức trắng nhớ Côn Sơn]
*
Trần Yên Hòa là người bạn vong niên của tôi. Trong cùng một vận mệnh chung, kẻ trước người sau, cùng áo lính, hát vang lừng “Ngày bao hùng binh tiến lên”, quân trường Thủ Đức; cùng bầm dập trước con mảnh thú thời cuộc, chinh chiến, bạn thù, tư tưởng, những hy vọng khôn cùng và bao thất vọng cháy lòng. Cùng một quê hương xa hút tâm trạng Thôi Hiệu, cùng một tha hương trên đất Mỹ. Cùng một nhớ nhung cuống rốn chưa lìa nơi Đất tổ. Chính thế, chúng tôi có rất mực tương phùng trong chữ nghĩa. Có tâm giao rõ thực, tận lòng cuộc đời thường. Cùng trong đêm đất Mỹ nhớ “Trăng Sài Gòn” / Du Tử Lê”. Cùng một nòi tình, đêm bỗng dài dặt những mộng đời. Nói theo cách khuynh loát ngôn ngữ Phạm Công Thiện, “Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”.
Có thể, để chấm dứt bài viết, nên ghi lại một nhận xét của Du Tử Lê, một nhà thơ nhìn về nhà thơ, như một kết luận:
“Ở mặt nào của quá khứ hay hiện tại, thơ, văn Trần Yên Hòa cũng cho thấy tính nồng nàn, tha thiết, chân thực với từng cảnh đời. Có người cho rằng, Trần Yên Hòa không chủ tâm làm văn chương, hiểu theo nghĩa không hề tô vẽ thêm cho mọi trạng huống đời sống ông kinh qua - Luôn cả những phân cảnh hư cấu, cho thấy, ông giống như một người ngoài cuộc… Bởi vì căn bản, văn chương của ông, là những trang nhật ký, viết riêng cho mình, trước nhất. Luôn cả”.
(Du Tử Lê, nhật ký đời sống trong thơ, văn Trần Yên Hòa)
Cung Tích Biền
Thị Trần Giữa Đàng
6- 2022.
(trích trong tập Bạn Văn với Trần Yên Hòa, sắp xuất bản)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét