Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2022

Khái Hưng, Hành Trình Nhân Bản - Vương Trùng Dương

 Image result for khái hưng

khái hưng

 Lời người viết: Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên (1926-2009) năm 1943 ông làm thơ, viết văn và dấn thân vào con đường cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng và sinh hoạt trong Đoàn Thanh Niên Công Giáo tại Hà Nội… Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, ông lui vào chiến khu... Ngày 26 tháng 10 năm 1947, ông hồi cư về Hà Nội. Tháng 3 năm 1955 ông vào Sài Gòn lần thứ hai (lần đầu vào năm 1954 và trở lại Hà Nội). Ông tiếp tục sinh hoạt trong lãnh vực văn nghệ, báo chí và ở trong Hội Đồng Trung Ương kiêm Ủy Viên Báo Chí của Việt Nam Quốc Dân Đảng nên bị tù 11 năm. Năm 1992, ông được tỵ nạn tại California, Hoa Kỳ. Tiếp tục sự nghiệp cầm bút và giữ cương vị Phó Chủ Tịch Hội Đồng Chỉ Đạo VNQDĐ Thống Nhất.

<!>

Năm 1997, ông thực hiện tuyển tập về nhà văn Khái Hưng để tưởng nhớ 50 năm ngày mất (1947-1997). Lúc đó intertnet chưa được phổ biến rộng rãi nên việc sưu tầm tài liệu và liên lạc với bạn văn, thân hữu cũng khó khăn nhưng đã hoàn thành được hai tuyển tập dày trên 1,100 trang: Quyển I: Khái Hưng, Trong Tự Lực Văn Đoàn – Kỷ Vật Đầu Tay & Cuối Cùng (Hồn Bướm Mơ Tiên), ấn hành năm 1997. Quyển II (Bóng Giai Nhân) ấn hành năm 1998.

Lúc đó, ông với nhạc sĩ Nguyễn Hiền, nhà văn Viên Luông và tôi cùng sinh hoạt trong Văn Bút, mỗi sáng cuối tuần thường uống cà phê với nhau. Ông gợi ý cho tôi viết Khái Hưng & Hồn Bướm Mơ Tiên nhưng tôi nghĩ với đề tài nầy sẽ có nhiều người đề cập nên tôi viết Khái Hưng, Hành Trình Nhân Bản. Bài viết nầy đăng trong quyển I (trang 421-433). Năm 2005 tôi viết thêm Khái Hưng & Hồn Bướm Mơ Tiên trên tờ Cali Weekly của tôi.

Bài viết Papa Tòa Báo của anh Trần Khánh Triệu đăng trong quyển II (trang 863-868) với tựa Những Ngày Cuối Cùng Của Ba Tôi. Trần Khánh Triệu là con đẻ của nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), và là con nuôi của nhà văn Khái Hưng (Trần Khánh Giư). Nhất Linh, bạn thân của Khái Hưng, đông con, trong khi ông bà Khái Hưng hiếm muộn, nên cho Khái Hưng con mình là Nguyễn Tường Triệu để làm con nuôi từ lúc còn nhỏ.

Theo anh Trần Khánh Triệu: “Thói quen tôi vẫn thưa với cha nuôi tôi là papa hay rõ hơn “papa tòa báo” để phân biệt với cha đẻ tôi - ông cụ ở Hàng Bè nên tôi vẫn dùng những chữ “cậu Hàng Bè” cho tiện.

Về cái chết của nhà văn Khái Hưng vẫn còn là bí ẩn. Ngay cả anh Trần Khánh Triệu khi đề cập phần cuối Papa bị Việt Minh bắt với những dòng cuối cùng:

“Tôi đi theo đến đầu làng, dáng papa thất thểu vác tay nải mệt nhọc đi trước, tên công an vạm vỡ đi theo sau. Đi mãi, đi mãi rồi khuất hẳn sau dãy tre, chắc là đi về phía sông Hồng xa lắc đằng kia.

Tôi bàng hoàng trở về nhà, miệng còn lẩm bẩm: “Tội nghiệp, không biết papa mình có nhớ ăn cam đường và tụng kinh cứu khổ không?”

...

Từ cái ngày đó về sau, tôi không còn được gặp lại ‘papa tòa báo’ nữa!”

Trước năm 1975, vài bài viết về cái chết của Khái Hưng bị Việt Minh thủ tiêu nhưng cũng chưa xác định chính xác ngày tháng.

Bài viết Nhân Nghĩ Về Khái Hưng của Dương Nghiễm Mậu trên tờ Văn, số 22, ngày 15-11-1964, trang 33-39 cũng nêu ra Khái Hưng đã chết như thế nào? “Tôi không nhớ rõ, nhưng trí óc tôi còn mường tượng nên viết ra, nó không nhằm cung cấp chính xác một tài liệu, mà tôi chỉ muốn ghi lại những điều mà trong tâm tưởng tôi hai chữ Khái Hưng vẫn có lúc nhớ đến”.

Theo Thế Phong trong Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam - Nhà Văn Tiền Chiến 1930-1945, “Khái Hưng bị Việt Cộng bắt ngày 27.12.1946, đưa đi an trí ở Lạc Quần, Phủ Lý và bị thủ tiêu năm 1947”. Sau đó bị thủ tiêu nới bến đò Cựa Gà, làng Ngọc Cuc, Xuân Trường, Nam Định, xác dìm xuống dòng sông Ninh Cơ. Nếu đúng vào thời điểm đó thì vào ngày 21.1. 1947, cuối tháng Chạp năm Bính Tuất (2 tháng 2, 1946 đến 22 tháng 1, 1947). Nhưng trong bài của Trần Khánh Triệu ghi: “Rồi tết Đinh Hợi qua đi trong chán nản, kinh hoàng”. Đinh Hợi (22 tháng 1, 1947 đến 10 tháng 2, 1948). Như vậy về thời gian vẫn còn bí ẩn.

Nhưng chắc chắn Khài Hưng bị Việt Minh thủ tiêu nên trong Tự Điển Văn Học, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1983 (trang345-346) cũng ghi tiểu sử và tác phẩm nhưng những câu cuối lấp liếm ghi: “Từ một văn sĩ có tư tưởng tự do tư sản cấp tiến, Khái Hưng đã trở thành nhà văn phản cách mạng, chống lại nhân dân và tổ quốc. Khái Hưng chết ở huyện Xuân Trường, nay thuộc tỉnh Hà Nam Ninh”.

Viết về nhà văn đã có công đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà vào tiền bán thế kỷ XX nhưng lệch lạc về “não trạng chính trị” nên xuyên tạc rồi kết án nhân vật chân chính. Đó là lý do tôi viết Khái Hưng, Hành Trình Nhân Bản.

Ngay trong phần đầu, Vũ Ngọc Phan viết: “Hiện nay, nhà văn mà được nam nữ thanh niên yêu chuộng, được coi là người hiểu biết tâm hồn họ hơn cả, có lẽ chỉ có Khái Hưng… Khái Hưng là văn sĩ của thanh niên Việt Nam cũng như Alfred de Musset là thi sĩ của thanh niên Pháp thuở xưa” (Nhà Văn Hiện Đại, trang 827).

Sau nầy có nhiều bài viết về Khái Hưng từ văn tài đến nhân cách sống như mở đầu trong tuyển tập Đốt Lò Hương Ấy… Nguyễn Thạch Kiên viết: “Ngoài việc vinh danh một văn hào của dân tộc Việt Nam, còn là một kỷ vật gửi đến toàn thể bạn đọc và giới trẻ, nhất là các thế hệ tương lai, để các bạn được hiểu tường tận về sự nghiệp văn học của Khái Hưng, nhà văn, nhà báo và là một chiến sĩ cách mạng... cho thật đầy đủ và trọn vẹn”.

Sau nầy những tác phẩm của Khái Hưng và các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn đã ấn hành ở trong nước.

25 năm trôi qua với bài viết vào thời điểm đó chỉ là phần nhỏ, với thế hệ Nguyễn Tường hiện nay ở hải ngoại với nhiều phương tiện truy cập, hy vọng sưu tầm được nhiều tài liệu chính xác với nhà văn Khái Hưng.

(VTrD, 6/2022)

*

Khái Hưng, tên thật là Trần Khánh Giư, sinh năm 1896 tại làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Dương. Con trưởng của tuần phủ Trần Mỹ, cử nhân hán học, tác giả tập thơ “Cổ Phần Lái Khúc”. Lúc nhỏ, Khái Hưng theo học chữ Hán, sau theo học trường trung học Albert Sarraut, đỗ tú tài, về Ninh Giang hoạt động thương mại, được thời gian, không thành công, trở lại Hà Nội dạy học ở trường Thăng Long của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Nơi đây, ông gặp Nhất Linh.

Là con rể của Tổng đốc Bắc Ninh Lê Văn Định. Tuy nhiên, Khái Hưng không thích làm quan, thích cuộc sống tự lập vì vậy vừa đi dạy vừa viết báo để tạo dựng cuộc sống. Vừa dạy học vừa viết xã luận và chuyện vui trong tuần cho tờ báo thương mại của Chu Mậu. Chu Mậu là nhà buôn có thế lực, dùng tờ báo để làm phương tiện quảng cáo cho công việc kinh doanh về may mặc vì vậy Khái Hưng không mấy hài lòng cho “mãnh đất dụng võ” trong nghiệp báo.

Khái Hưng có người em cùng cha khác mẹ, nhà văn Trần Tiêu (1900-1954) tác giả Con Trâu, Chồng Con, Năm Hạn, Sau Lũy Tre vào thập niên 1940... Trần Tiêu theo Cộng Sản, làm Ủy Viên Hội Đồng Nhân Dân xã Cổ Am, không có tác phẩm nào sau nầy được hình thành và trở thành bóng mờ khi Khái Hưng bị thủ tiêu.

Năm 1930, sau bốn năm du học ở Pháp, đỗ cử nhân khoa học, Nhất Linh về nước, không chọn con đường hoạn lộ, làm Hiệu Trưởng ở trường Thăng Long và tiếp tục sự nghiệp làm báo. Nhân bài khảo luận ký tên Bán Than đăng trên báo Văn Học của anh em Dương Bá Trạc và Dương Tự Quán, Nhất Linh bắt gặp được ngọn bút độc đáo, có khả năng và nhận thức sâu sắc. Hình ảnh vị dah tướng Trần Khánh Dư đời Trần làm Nhất Linh liên tưởng đến nhà giáo Trấn Khánh Giư, đồng nghiệp, đang cộng tác cùng chung mái trường. Từ đó, Khái Hưng và Nhất Linh trở thành “đôi bạn” trong văn học, nghiệp dĩ và cuộc sống. Vợ chồng Khái Hưng không có con nên vợ chồng Nhất Linh “gởi gấm” đứa con trai thân yêu là Nguyễn Tường Triệu cho gia đình bạn làm con nuôi đổi họ là Trần Khánh Triệu để lo phần hương khói sau nầy. 

 

Bộ Truyện Khái Hưng - Nhất Linh: Hồn Bướm Mơ Tiên - Nửa Chừng Xuân, Gánh  Hàng Hoa | Tiki

 

Tình bạn cao quý giữa hai nhà văn, ngoài 3 “đứa con tinh thần” (3 tác phẩm viết chung) còn có “đứa con chung” Nguyễn Tường Triệu trở thành Trần Khánh Triệu.

Theo Nguyễn Vỹ trong Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, Khái Hưng “Người gầy ốm, đôi má hơi cóp và nước da hơi tái, nhưng nụ cười rất tươi. Nụ cười ngụ nét hóm hỉnh, nhưng hiền lành khả ái chứ không hời hợt đãi bôi như Thế Lữ và không trào lộng như Nguyễn Tường Tam”.

Về bút hiệu, Khái Hưng cho biết: “Tên thật của tôi là Trần Khánh Giư, hai chữ Khánh Giư, sắp theo lối anagramme (đảo chữ) thành ra Khái Hưng, chứ không có gì lạ”. Về tính tình “Khái Hưng cũng không tự kiêu tự đắc, tính điềm và tao nhã, câu chuyện có vẻ thành thật và lịch sự... Ít nói, tính điềm đạm, nhưng thỉnh thoảng khôi hài đôi chút, và không làm mích lòng ai”.

Về sáng tác, Khái Hưng “thẳng thắn nhìn nhận rằng anh viết tiểu thuyết theo nhu cầu và điều kiện văn nghệ của một thời đại mà thôi”; Vì vậy, nhà giáo, nhà văn đi vào con đường “tiểu thuyết luận đề” nhằm khai phá dòng sinh khí mới trong văn học qua lăng kính xã hội, nêu ra thực trạng trong cuộc sống bi đát của xã hội đầy dẫy với nhân tình thế thái, với cảnh đời ô trọc, phong tục, tập quán cổ hủ trong thời điểm phong kiến và thực dân xâm phạm nhân phẩm, phẩm cách, giá trị cao quý đích thực của nhiều tầng lớp nổi trôi, trầm luân trong cuộc sống.

Trong bộ sách Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan (từ trang 927 đến 851) ghi Khái Hưng (Trần Khánh Dư) viết chữ D, đã nhận định: “Khái Hưng, như người ta đã thấy, là một nhà tiểu thuyết có biệt tài... ông lại để tâm đến những việc cải cách hủ tục trong gia đình Việt Nam, nên những tiểu thuyết phong tục của ông đều là những tiểu thuyết có giá trị”. Và câu kết: “… Người ta thấy cái loại trội hơn hết của ông là tiểu thuyết phong tục. Như vậy, đặt ông vào loại hay nhất”.

Năm 1927, nhà giáo Phạm Hữu Ninh ra đời tờ Phong Hóa, được 13 số thì đình bản vì thiếu người cộng tác. Sau thời gian tìm được những cây bút hợp tác, Nhất Linh thương thảo với Phạm Hữu Ninh để tục bản tờ Phong Hóa. Số 14 ra ngày 22.9.1932, chú trọng về văn học và trào phúng. Tòa soạn và trị sự đặt tại trường Thăng Long. Với ngòi bút khôi hài, châm biếm tập tục hủ lậu, thái độ kiêu căng tự đắc, nhân danh nầy nghĩa nọ để lộng giả thành chân... được đề cập qua dòng phiếm luận, tranh hí họa đã tạo được tiếng vang trong báo giới. Hình ảnh Xã Xệ, Lý Toét, Bang Bạnh, Đình Dù... nhân vật điển hình của thời đại đã lôi cuốn độc giả đón nhận tờ Phong Hóa. Hà Nội được cười nhộn với bao tiết mục khôi hài, chế giễu, châm chọc... nhiều nhân vật có “máu mặt... mẹt” lần lược được đề cập trên tờ Phong Hóa.

Giới cầm bút có Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Tứ Ly, Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Tú Mỡ (Hồ Trong Hiếu), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân, còn gọi là Vinh), Lê Ta, Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ)... Giới cầm cọ có Cát Tường, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí... mở ra mặt trận xung kích tạo cho Phong Hóa có sắc thái mới lạ, độc đáo. (Phát hành được 110 số, tờ Phong Hóa bị đóng cửa vào năm 1936 vì bài phóng sự của Hoàng Đạo mỉa mai Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu liên quan đến tay sai của Pháp).

Từ những cây bút trong nhóm Phong Hóa, “bảy chàng ngự lâm pháo thủ” thành lập ra Tự Lực Văn Đoàn vào năm 1933. Với chủ trương “Trước vui thích, sau ích lợi”. Mười điều tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn được đề cập trên Phong Hóa, số 87, ra ngày 2.3.1934. Ba mục đích lớn về phương diện chính trị, xã hội và văn chương. Đả phá quan liêu, hống hách, cướng hào ác bá, âm mưu chia để trị, hủ tục, tệ nạn xã hội, trừ khử lối văn chịu ảnh hưởng chữ Nho xâm nhập quá nhiều... Xây dựng canh tân xứ sở, giá trị tình yêu quê hương dân tộc, tinh thần vị tha, tự lập, phục vụ đời sống người dân lao động, giá trị nhân phẩm con người, nhất là nữ giới với quyền làm người trong xã hội, văn chương trong sáng, giản dị, dễ hiểu, quan tâm đến đời sống đích thực của con người... Khái Hưng là người lớn tuổi nhất trong Tự Lực Văn Đoàn, hơn con chim đầu đàn Nhất Linh đúng mười tuổi.

Hồn Bướm Mơ Tiên xuất bản vào tháng 5, 1933, tác phẩm đầu tay của Khái Hưng và cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn được gây tiếng vang khi vừa xuất hiện. Tình yêu giữa Ngọc và Lan được thể hiện trong tâm hồn lãng mạn, thanh cao, thoát tục qua mối tình chàng sinh viên si mê, đắm đuối “chú tiểu Lan” nương thân nơi cửa Phật. Khái Hưng đã gửi gắm vào đó tính nhân bản của đôi trai, gái tìm một con đường: “Đại gia đình của tôi nay là nhân loại, là vũ trụ, mà tiểu gia đình của tôi là... hai tâm hồn của đôi ta ẩn núp dưới bóng từ bi Phật tổ”. Đam mê, yếu đuối trong tình yêu khi gặp nghịch cảnh, éo le, bi đát, rồi than vãn, khóc thương, hủy hoại thân xác như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách thuở đó như sách gối đầu giường cho thanh niên nam nữ. Hồn Bướm Mơ Tiên xuất hiện với mối tình đầy lãng mạn, thơ mộng, éo le nhưng được thăng hoa, nâng cao tâm hồn để tìm lối thoát cao đẹp, có ý nghĩa trong cuộc sống.

 

Đọc truyện đêm khuya -Tiểu thuyết "Nửa chừng xuân"(Phần thứ nhất) - Khái  Hưng - Giọng đọc Hồ Anh Văn | đọc truyện đêm khuya radio - Truyen.nega.vn

 

Tiếp đến, Nửa Chừng Xuân xuất hiện với hình ảnh Mai - người phụ nữ đẹp cả tâm hồn và thể xác - trong mối tình với Lộc đầy bi thương, sóng gió trong xã hội phong kiến, lạc hậu. Người phụ nữ yếu đuối đã chịu đựng, hy sinh, chịu bao bao đắng cay tủi nhục đã chụp lên thân phận làm vợ, làm dâu... nhưng bằng nghị lực, bằng tấm lòng yêu thương chân thật với gia đình, người yêu, tuy dang dỡ nhưng thể hiện được mối tình cao thượng, lý tưởng trong xã hội thời ấy. Hai tác phẩm nầy đều xuất hiện trên tờ Phong Hóa.

Khi tác phẩm được xuất hiện đều đặn, Khái Hưng thôi dạy, tiếp tục cộng tác trên tờ Phong Hóa & Ngày Nay (ra ngày 30.1.1935) cùng với anh em trong Tự Lực Văn Đoàn. Ngày Nay ra mỗi tháng 3 kỳ, nội dung & hình thức như Phong Hóa nhưng mục trông tìm đi thẳng vào vấn đề sinh hoạt “dân ta” trong cuộc sống giữa thực dân & phong kiến nên vẫn là cái gai cho chế độ thực dân. Cuộc sống nhà báo lúc đó rất khó khăn nhưng vì đam mê, yêu nghề nên đành “lấy nghiệp vào thân”.

Trương Bảo Sơn kể về trường hợp Nhất Linh: “Trong khi dạy học, anh để dành tiền làm báo... anh em không ai ngạc nhiên thấy anh bỏ cái nghề hàng tháng (nghề dạy học) đương cung cấp cho anh ba trăm đồng bạc lương để làm cái nghề chỉ đem lại cho anh có ba chục đồng bạc, nghĩa là 1/10 số lương cũ”. cũng như nhất Linh, Khái Hưng cũng chọn con đường “nghiệp báo” theo lý tưởng của ông.

Năm 1940, Khái Hưng cùng Nhất Linh nhập cuộc trong Đại Việt Dân Chính khi Nhất Linh đứng ra lập nên hệ phái nầy trong Đại Việt Quốc Dân Đảng. Thời kỳ nầy, giữa Khái Hưng & Nhất Linh tuy hai mà một, tâm đắc, chí hướng đã gặp gỡ nhau nên luôn luôn “sát cánh” trên mọi việc.

Khái Hưng bị Nhật bắt giam ở nhà giam Vụ Bản, Hòa Bình một thời gian. Được thả, Khái Hưng tiếp tục con đường cầm bút. Đinh Hùng đã ghi lại hình ảnh đau buồn đó trong bài Những Kỷ Niệm Khó Quên Với Các Bạn Trong Tự Lực Văn Đoàn: “Khái Hưng bị bắt đưa đi Vụ Bản, Thế Lữ sợ liên quan cũng lẩn trốn mất dạng. Huyền Kiêu về ở quê nhà  tại Vân Đình. Bạn bè thân, sơ không còn mấy ai lai vãng tới căn nhà “cửa trúc cài phên gió” nữa. Trong nhà quạnh vắng, chủ nhân cũng bắt đầu ngọa bệnh. Chỉ có Nguyễn Tường Bách là em ruột Thạch Lam và tôi vốn ở gần thỉnh thoảng còn lui tới”.

Báo Ngày Nay lại tiếp tục tái xuất hiện ngày 5.5.1945, đường Quan Thánh, Hà Nội. Được xem như cơ quan ngôn luận của VN Quốc Dân Đảng. Nội dung chú trọng về thời cuộc, khảo cứu, khoa học. Khái Hưng, cây bút trụ cột, chuyên viết đề tài có tính cách xã hội và thời sự nóng bỏng. Tác phẩm Xiềng Xích lần lượt xuất hiện trên trang báo, lên án sự bạo hành, tham lam, nhũng loạn của thực dân Pháp & bè lũ tay sai, đồng thời đưa ra hình ảnh những nhà hoạt động chính trị, cách mạng xả thân cho đất nước đã bị tù tội, bị đánh đập tra tấn, bị hành hạ khổ sở trong gông cùm thực dân. Tập truyện cuối cùng Bóng Giai Nhân và vở kịch Khúc Tiêu Ai Oán được đăng tải trên tuần báo Chính Nghĩa trong hai năm 1945-1946. Ngòi bút sống động, chân thực, phơi bầy thực trạng phủ phàng, tang thương trong lao tù, cuộc sống... được Khái Hưng mô tả đã làm xúc động lòng người.

Thế rồi, biến cố 19.8.45, Việt Minh cướp chính quyền, đàn áp đảng phái đối lập, Ngày Nay bị đóng cửa. Tuy không ưa Cộng Sản nhưng Khái Hưng mang tâm hồn nhân bản nên vẫn nghĩ rằng Cộng Sản không lẽ nhẫn tâm, tàn ác tiêu diệt thành phần chân chính đối lập, hơn nữa cũng quen thân với Huy Cận, Trần Huy Liệu… vì vậy Khái Hưng không nghe lời ngăn cản của bằng hữu, “đồng chí” trong VNQDĐ, rời Hà Nội, về lại quê vợ ở Nam Định vào tháng 12-1946. Khoảng hai tuần lễ sau, Khái Hưng bị Cộng Sản thủ tiêu một cách dã man!. Vợ ông sống lầm lũi trong nỗi khổ đau, đau tim, qua đời ở quê nhà vào năm 1954. Không có con cái,  người con nuôi Trần Khánh Triệu lo giỗ tang cho song thân.

Nhìn Về Tác Phẩm

Từ tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên đến Khúc Tiêu Ai Oán, Khái Hưng đóng góp trong kho tàng Văn học Việt Nam khoảng hai mươi lăm tác phẩm (truyện dài, truyện ngắn, kịch...) qua 15 năm sáng tác. Về truyện ngắn, Khái Hưng sáng tác rất phong phú, xuất hiện thương xuyên trên báo Phong Hóa và Ngày Nay; Đời Nay tuyển chọn một số tuyện ngắn để in thành tác phẩm, chưa hẳn đặc sắc và tiêu biểu trong hàng trăm truyện ngắn Khái Hưng sáng tác.

Theo thời gian xuất bản gồm: Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), Nửa Chừng Xuân (1934), Tiêu Sơn Tráng Sĩ (1934), Trống Mái (1935), Tiếng Suối Reo (1935), Gia Đình (1935), Dọc Đường Gió Bụi (1936), Thoát Ly (1937), Tục Lụy (1937), Thừa Tự (1938), Hạnh (1938), Đợi Chờ (1938), Đẹp (1939), Cái Ấm Đất (1940), Những Ngày Vui (1941), Đội Mũ Lệch (1941), Đồng Bệnh (1942), Băn Khoăn - Thanh Đức (1943)... Bóng Giai Nhân (1946), Khúc Tiêu Ai Oán (1946). (Theo Vũ Ngọc Phan: Thừa Tự (1940), Hạnh (1940), Đẹp (1941) ...)

Viết chung với Nhất Linh: Anh Phải Sống (1934), Gánh Hàng Hoa (1934), Đời Mưa Gió (1936).

Viết chung với Trần Tiêu: Dưới Ánh Trăng (1936).

Trong  quyển Văn học Sử Giản Ước Tân Biên, dẫn chứng một số tác phẩm tiêu biểu của Khái Hưng qua tiểu thuyết về ái tình, gia đình và đoản thiên đoản kịch, Phạm Thế Ngũ kết luận: “Khái Hưng là một cây bút đi nhặt nhạnh truyền người, một thứ gương pha lê hướng ra cuộc đời lắm vẻ và dung nạp một cách trung thực và khoan hòa những tâm tư và hình thái của một xã hội chung quanh ông”.

Cùng quan điểm với tôn chỉ trong Tự Lực Văn Đoàn, Khái Hưng đã thể hiện tiếng nói trong văn nghiệp của ông qua toàn bộ tác phẩm. Đúng ra, phải phân tích toàn bộ tác phẩm của ông mới nói lên được hành trình ông đi và gửi gắm tâm hồn người cầm bút trong từng tác phẩm. Tuy nhiên, với Khái Hưng chỉ nhìn vào vài tác phẩm tiêu biểu cũng thấy được cuộc hành trình đó. Tiểu thuyết của ông phần đông thuộc tiểu thuyết lý tưởng, tiểu thuyết luận đề, nhất là tiểu thuyết phong tục... nhằm bày tỏ cái hay, cái đẹp, nhân phẩm, giá trị của con người, sự rung cảm của con tim, tình người trong cuộc sống. Đưa ra hình ảnh hủ lậu, quan niệm khắt khe, phong kiến, bảo thủ của tầng lớp phong kiến... đã từng gieo rắc bao tai họa, bất hạnh, khổ đau không những cho kẻ khác mà ngay cả người thân trong gia đình để soi nhìn thực trạng bi thương, phủ phàng của thời đại sinh sống.

Mối tình bi đát nhưng rất cao đẹp giữa Phạm Thái & Trương Quỳnh Như qua tiểu thuyết lịch sử Tiêu Sơn Tráng Sĩ trong bối cảnh thời Lê mạt Nguyễn sơ. Nếu gò bó trong hôn nhân, bị tan vỡ giữa Lộc & Mai đưa đến tình yêu lý tưởng trong Nửa Chừng Xuân thì trong Trống Mái quan niệm về tình yêu có vẻ phóng khoáng, thanh thoát hơn. Hiền thích Vọi với thân hình lực lưởng, vẻ đẹp của chàng trai đánh cá, có lúc yêu nhưng không muốn tiến đến hôn nhân vì Hiền, cô gái thuộc hạng phong lưu, có tư tưởng mới... Giữ trong tim hình ảnh đẹp, lấy nhau, cách biệt về cuộc sống, không còn đẹp đôi.

Khái Hưng đưa ra hình ảnh chân thực về tình yêu, hạnh phúc đích thực trong cuộc sống trong Gia Đình. Phụng, Nga, Bảo là ba cô con gái ông bà án Báo. Phụng & Nga lấy chồng tri huyện, kẻ tham lam, người nhu nhược, ham chơi nên có tiếng nhưng không có gì hạnh phúc. Nga lấy Hạc, chàng sinh viên, bỏ học, đi làm đồn điền, cả hai đều bắt tay tạo dựng cuộc sống mới, công tác xã hội, giản dị, hòa đồng, dung dị, tìm được niềm vui, hạnh phúc bên những người thân quen.

Viết về hình ảnh trong sáng đó, Khái Hưng sử dụng ngòi bút thật uyển chuyển, nhẹ nhàng, bóng bẩy để tô điểm bóng dáng nhân vật hài hòa trong văn.

Bên cạnh đó, hình ảnh ông huyện bà phán nhố nhăng, kịch cỡm, hách dịch, đanh đá... với lời lẽ châm biếm, gay gắt cho phù hợp với nhân vật đang bị nguyền rủa.

Bà Phán Trinh trong Thoát Ly, vợ lẻ, cầm quyền trong gia đình. Người dì ghẻ thâm độc, gian ác, nham hiểm, tìm mọi thủ đoạn để hảnh hạ Hồng, mồ côi mẹ lúc 6 tuổi, sinh viên sư phạm Hà Nội. Trong tình yêu, Hồng gặp bao cảnh ngang trái lại bị dì ghẻ manh tâm pha hoại, hồng bất lực trước cuộc sống và tìm cái chết để thoát ly cõi đời lầm than, bất hạnh.

Bà án Ba trong Thừa Tự cũng thuộc mẫu ngưởi đàn bà gian ngoa, bủn xỉn, mê tín, hợm hĩnh. Gia đình giàu có nhưng trở thành bi kịch bởi lòng tham, đố kỵ, giành giựt, tranh nhau chiếm đoạt đất đai để thủ lợi.

Bà Án trong Nửa Chừng Xuân thể hiện mẫu người có đầu óc phong kiến, thiếu tình người, không có lòng nhân ái, độ lượng. Cái lý của bà Án trong quan niệm vị kỷ nên tìm cách bảo thủ làm hại cuộc tình của Mai và Lộc.

Khái Hưng đã phác họa bức tranh sống và thực trong giai đoạn thực dân và phong kiến nhằm phơi bầy cái xấu xa, lạc hậu, lên án đầu óc ích kỷ, vụ lợi, cậy quyền cậy thế... đã hãm hại chà đạp tình yêu, nhân phẩm, cuộc sống của tha nhân và ngay chính người thân thuộc. Ca ngợi tinh thần tự chủ, tự lập, đề cao phẩm cách của người phụ nữ trong sinh hoạt gia đình và xã hội; tôn trọng đời sống riêng tư, tình cảm cá nhân, lòng vị tha và nhân ái.

Khái Hưng đã dấn thân trong văn giới với tấm lòng của nhà giáo, với hoài bảo của người cầm bút chân chính nhằm đem vẻ đẹp của Chân Thiện Mỹ để trang trải, tô điểm cho cuộc sống có ý nghĩa đích thực của nó. Khái Hưng sáng tác rất dồi dào, phong phú... với sự đam mê và giàu nghị lực. Vũ Bằng đã kể về những khuôn mặt trong Tự Lực Văn Đoàn: “... Có một lần nhìn vào bản thảo của Khái Hưng, người ta thấy anh viết ở đầu trang một chữ “Gia Đình”, ở cuối trang một chữ “Người con gái đẹp” và ở giữa trang một dòng “Trời ơi, biết viết gì đây, hở trời?”. Khái Hưng đã từng đưa ra vấn nạn, hình ảnh “người con gái đẹp” trong thảm cảnh “gia đình”. Làm sao dung hòa, giải thoát cuộc sống, tình yêu... cho thích nghi, phải đạo, có tình có lý. Sự thận trọng, cân nhắc, đắn đo, suy ngẫm đó cho thấy tinh thần trách nhiệm và ý thức sáng tạo của người cầm bút.

Khái Hưng chọn nghề văn, nghề báo như là nguồn sống cao quý để dâng hiến cho tha nhân với tâm tư, tình cảm, nhận thức của văn nhân để cùng nhau trang trải nỗi niềm. Nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà cách mạng chân chính... luôn luôn mang tâm hồn nhân bản để xây dựng cái hay, cái đẹp, nhân cách con người, giá trị đạo đức trong từng cá nhân, gia đình và xã hội. Khái Hưng vẫn còn khả năng cống hiến cho đời những đứa con tinh thần đáng giá, nhưng tiếc thay! kẻ bạo tàn đã nhẫn tâm thủ tiêu cây bút đầy lòng nhân bản đang dấn thân cho nghiệp dĩ!.

Cuộc hành trình của ông còn dang dỡ nhưng tên tuổi Khái Hưng đã có chỗ đứng vững vàng trong lịch sử Văn Học Việt Nam.

 

Little Saigon, 6, 1997       

Vương Trùng Dương

K1 ĐH/CTCT/ĐL 

(Tác giả gởi)

    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...