Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

Bia bọt - Truyện Trần Yên Hòa

 Cách uống rượu bia không say, không đỏ mặt hiệu quả

Hồi ở thành ông Năm, Huân được sắp nằm cạnh Luận. Căn nhà của tù cải tạo lợp bằng tôn, trần thấp, mùa hè thì nóng hừng hực, nên nằm trên nền xi măng anh em tù đều cởi trần trùng trục cho mát. Như bọn Huân, đám tập trung cải tạo đã qua nhiều trại, từ trại Trãng Lớn đến Long Khánh rồi Long Giao. Đây là trại thứ tư anh ở.

Lần đầu tiên, khi đặt cái bao cát xuống sàn nhà, bên cạnh Luận. Cái bao cát đựng mấy bộ đồ tù rách, cái mền, cái mùng, thế thôi. Luận nhìn Huân rồi hỏi trống không:

– Ở đâu về?

Huân cũng trả lời trống không:

– Long Giao.

<!>

Rồi ai lo công việc nấy. Huân cũng không hỏi lại Luận từ đâu về, có thể từ Bù Gia Mập hay từ Tống Lê Chân gì đây. Lúc ấy, tụi Miên hay đánh qua biên giới, nên các trại tập trung ở gần biên giới đều dồn về đây.

Thành Ông Năm là căn cứ công binh cũ. Huân chỉ nghe nói thôi chứ anh chưa đặt chân đến lần nào. Nay chuyển trại đến nơi nầy, anh biết mình ở trại ‘’Bộ Lư’’, nên khi đi lao động, gặp bạn bè ở trại khác hỏi, mày ở trại nào? anh đáp, ở ‘’trại bộ lư’’, là ai cũng hiểu. Sở dĩ,  gọi ‘’Trại Bộ Lư’’ là vì trước sân trại, đơn vị công binh cũ có thực hiện một bộ lư lớn trước sân cờ, chắc là để đốt trầm hương mỗi khi có lễ lạc.

Ỏ đây, đi lao động chỉ là đi làm vệ sinh doanh trại trên Khung. Khung là Bộ Chỉ Huy cho toàn năm trại cải tạo ở Thành Ông Năm, họặc chung quanh các doanh trại khác mà thôi. Không đi lao động xa. Cho nên thời gian nầy là thời gian an dưỡng của Huân. Huân thường hay đi đánh bóng chuyền cá độ với bạn bè suốt ngày ở ngoài sân bóng. Luận nằm bên anh như một cái bóng. Anh ít nói chuyện với Luận vì Luận vốn ít nói. Khi đi ngủ, cột mùng xong, hai người chun vô mùng, Huân thường hỏi Luận một câu:

– Anh có được tin tức gì ở nhà không?

Luận thường đáp một câu rất ngắn:

– Có biết, bà xã vẫn còn đi dạy, mấy đứa nhỏ đi học.

Rồi Luận hỏi lại:

– Còn Huân thế nào?

Huân trả lời buồn bã:

– Nhà tôi tuốt tận ngoài Trung, không liên lạc được gì hết, tôi lo quá.

Luận nói:

– Lo mà được gì? Đừng lo. Thôi ngủ đi.

Chỉ là những câu đối đáp cụt, ngắn như vậy. Dù nằm một bên nhưng anh không biết gì nhiều về Luận, chỉ biết vợ Luân đi dạy cấp một, có hai con gái. Luận là sĩ quan hải quân, trước ngày ba mươi tháng tư bảy lăm, anh đã lên tàu. Vì không liên lạc được với vợ con nên anh bỏ tàu trở lại bờ. Anh trở về nhà và bị kẹt luôn nên phải đi trình diện “học tập”.

Thế mà buổi chiều hôm đó, cả đội được điều đi lao động ở Khung. Luận đi lao động bình thường như mọi ngày, quần xà lỏn, áo bộ đội cũ, nón tai bèo. Luận sắp hàng đi theo đội, trong lúc Huân phải trực anh nuôi, nên ở nhà.

Khoảng 4 giờ chiều, cả đội được đưa cấp tốc về trại. Trông người nào gương mặt cũng căng ra. Huân đang đem nước sôi từ nhà bếp về cho anh em. Hội chạy đến nói nhỏ bên tai Huân:

– Thằng Luận trốn trại rồi.

Huân thảng thốt. Anh không ngờ Luận lầm lầm, lì lì thế kia mà gan góc cùng mình. Hội kể:

– Cả đội đang chia nhau làm vệ sinh, dọn dẹp doanh trại. Mới thấy Luận đó mà một lát sau quản giáo điểm danh, chẳng thấy nó đâu.  Quản giáo, vệ binh, tung nhau đi tìm, lùng sục, còn bọn mình thì tập họp gấp cho về doanh trại.

Huân hơi lo vì Luận nằm sát bên Huân. Chắc anh sẽ bị rầy rà đây. Quả nhiên, buổi tối, cán bộ quản giáo đội là Sáu Quới, kêu anh lên hạch hỏi đủ điều:

– Thằng Luận có âm mưu trốn trại, anh thấy nó có biểu hiện gì không?

– Không, tôi không thấy.

– Thằng Luận có bàn bạc gì chuyện trốn trại với anh không?

– Không.

Cái gì Huân cũng trả lời không, vì thật sự là anh và Luận tuy nằm bên nhau nhưng hai người ít nói chuyện với nhau. Luận vẫn kín như bưng, đến khi quyết định hành động thì loáng một cái Luận biến mất. Huân phục Luận sát đất. Huân bị quản giáo Sáu Quới hăm dọa cho đi kỷ luật, nhưng những điều anh khai đều thật, nên anh được bình yên, chứ không thì anh cũng bị nhốt cô-nết hay vào hầm kỹ luật rồi.

***

Trên chuyến may bay trở về Việt Nam sau hơn hai mươi năm xa xứ. Huân nghe thật xôn xao khi máy bay hạ cao độ và lướt trên bầu trời thành phố Sai Gòn. Sài Gòn Thủ Đô, Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông bây giờ ra sao? Đã hai mươi năm từ ngày anh ra khỏi trại tập trung.

Ngày anh được thả ra, sau gần bảy năm ở tù, anh mất vợ.  Người vợ đã có người đàn ông khác. Anh buồn bã, thất vọng tột cùng, nhưng anh còn những đứa con anh phải nuôi dưỡng. Anh loay hoay sống ở Sài Gòn, anh gởi con cho một người chị họ, rồi anh sống như một kẻ vô gia cư, đầu đường xó chợ và cố tìm cách ra đi. Anh không còn lối thoát nào khác. Anh phải lựa chọn cho cuộc sống mình. Anh dấu thân làm một người phu xích lô vừa kiếm tiền độ nhật, vừa nuôi con, vừa tìm mối lái vượt biên.

Cuối cùng anh đã đi thoát.

Xứ Mỹ tiếp đãi anh như một người bạn mới, anh hăm hở sống, lăn lộn sống, làm việc ngày đêm, và anh đã đạt được niềm mơ ước, là có một căn nhà, các con được anh bảo lãnh, đã ăn học thành tài, nhưng sao lòng anh cứ thấp thỏm đến quê nhà, đến mồ mả ông bà tổ tiên, đến những con đường xưa, những phố xá cũ. Đó có phải là hoài niệm của những ngày tuổi thơ đã mất của anh không?

Và lần trở về nầy, anh cũng tìm về với một người con gái bận áo dài bằng lụa tơ tằm nữa.

Giọng một nữ tiếp viên hàng không nói qua máy đặt trên lồng thân phi cơ, ‘’Xin quý khách buộc dây an toàn, máy bay sẽ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất trong một vài phút nữa. Chúc quý khách có được những ngày vui vẻ. Hẹn gặp lại’’.

Những cô tiếp viên mặc áo dài màu hồng xác pháo. Áo dài! Chiếc áo mà từ lâu Huân ít khi nhìn thấy được. Ngày Huân ra tù, anh trở về, chỉ thấy đàn bà con gái bận áo bà ba đen, áo quần bộ đội màu xanh cứt ngựa hay đồ vàng công an. Tà áo dài đã làm tương tư anh từ hồi còn đi học. Ở Mỹ, anh ít được nhìn chiếc áo dài ngoại trừ những ngày lễ của cộng đồng hay trên video. Cho nên, ngày gặp Phượng ở nhà Nghị, nhìn Phượng bận áo dài, anh đã lịm người đi. Bây giờ được nhìn lại những tà áo dài của các cô tiếp viên, chợt nhiên, anh thấy lòng mình dịu lại.

Khi ra khỏi máy bay, những luồng nóng hắt vào người anh làm anh choáng váng. Xứ nóng, nóng quá. Anh vội mở bỏ cà vạt và cởi áo vest ra. Nhưng cái nóng vẫn hừng hục hắt vào người anh như những mủi kim châm. Anh bước vội theo đuôi đám hành khách bước vào căn nhà làm thủ tục nhập cảnh.

Từng hàng người vừa xuống phi cơ xếp hàng rồng rắn để chờ làm thủ tục. Huân nghĩ đến Phượng, có lẽ cô đang chờ đón anh tại phòng ngoài. Anh nôn nóng gặp lại Phượng, người con gái bận áo dài bằng lụa tơ tằm mà anh đã gặp ở nhà Nghị. Phượng là em của vợ Nghị, cô đi du lịch qua thăm gia đình Nghị. Anh đã đến, đã gặp, đã rung động khi nàng bận chiếc áo dài màu xanh lam ngọc. Anh đã cùng nàng có những buổi rong chơi ở phố Bolsa và anh đã thốt ra lời nói yêu đầu tiên từ ngày mất vợ.

– Anh yêu em, Phượng.

– Thật không anh?

– Thật chứ sao không, con tim anh tưởng đã ngủ yên hai mươi năm, bây giờ thức dậy.

– Em cũng yêu anh lắm, anh hứa với em điều gì nào?

– Anh sẽ về Long Xuyên thăm em. Anh sẽ xin phép ba mẹ cưới em làm vợ.

Anh đã hứa cùng Phượng ngày anh trở về. Bây giờ thì Phượng đang đón anh ngoài kia. Hành khách nhập cảnh vẫn còn đang xếp một hàng dài. Những nhân viên hải quan vẫn im lặng làm việc. Anh quay xuống hỏi người đàn ông mang kiếng trắng xếp hàng phía sau anh.

Huân nói thật nhỏ:

– Có cần bỏ gì kèm theo giấy tờ không anh?

Người đàn ông kê miệng sát tai anh, cũng nói nhỏ:

– Bỏ năm đồng thôi, dại gì cho bọn nó ăn nhiều, chừng đó cũng đủ bịt mồm chúng lại.

Người đàn ông có vẻ sành sỏi chuyện nầy, Huân mỉm cười và rút trong ví tờ giấy năm đô, bỏ vào cái visa. Anh quay lại nhìn người đàn ông, nói, cảm ơn anh.

Bỗng, anh cảm thấy như đã gặp người đàn ông nầy ở đâu rồi. Rất quen. Đôi mày rậm, cái miệng hơi vỗ, mái tóc đen được chải khéo. Anh lên tiếng hỏi để dò đường:

– Anh từ Mỹ về hả?

– Vâng, nhưng tôi đi du lịch và tham quan thôi, chứ tôi không định cư tại Mỹ.

– Anh trong giới kinh doanh?

– Cũng đại khái như vậy.

Người đàn ông cũng nhìn kỹ anh, rồi hỏi:

– Anh ở Mỹ về thăm gia đình chứ?

– Vâng.

– Tôi thấy anh quen lắm. Hồi trước anh có đi học tập cải tạo không?

– Có, tôi ở tù gần bảy năm. Về, tôi mới vượt biên.

– Anh có ở Thành Ông Năm không?

– Có, trại Bộ Lư.

Huân nhìn kỹ người đàn ông một lần nữa, đầu óc anh làm việc ghê gớm, hàng ria nầy, con mắt nầy là của Luận chứ không lẫn ai vào đây được, Luận nằm sát bên anh đã trốn trại ngày đó.

Anh hỏi lại dồn dập:

– Anh có phải là Luận không?

Người đàn ông gương mặt cũng vui lên, đôi mắt sáng, hai tay hăm hở ôm chầm lấy Huân:

– Phải Huân đây không? mình là Luận đây, hai đứa mình nằm sát nhau mà không nhìn ra nhau cũng lạ thật. Bây giờ Huân khác quá.

Huân cũng mừng rỡ khôn cùng, anh hối hả hỏi Luận:

– Sao? ngày đó ông dọt bằng cách nào mà hay vậy? Tôi phục ông quá, nhưng tôi cũng bị trầy vi tróc vãy vì ông. Ông đi rồi, tôi bị bọn cán bộ kêu lên kêu xuống năm lần bảy lượt, may mà tôi không biết ý định của ông nên tôi thoát nạn.

Luận cầm tay Huân lắc lắc:

– Thằng quản giáo sáu Quới kêu ông lên hạch hỏi chứ gì? Tôi biết mà, thú thiệt cùng ông, tôi mà tài giỏi gì, thằng quản giáo đưa đường chỉ lối tôi đi chứ ai. Nó tự động liên lạc với gia đình tôi, vợ tôi chi cho nó năm cây vàng, nó vào dẫn tôi ra cổng, tôi lên xe lam là vọt. Nó bày cho tôi chứ tôi biết gì. Đ. mẹ, thế mà nó vô hạch hỏi ông hả, nó đóng màn  kịch hay quá, tôi cũng không thể ngờ.

Huân há mồm ra, chữi thề:

– Đ. mẹ, thế mà nó hành tôi tơi bời hoa lá.

Luận nắm lấy tay Huân:

– Thôi bỏ qua đi, chuyện đã qua gẩn ba mươi năm rồi.

Huân ngó mông vào trong quày hải quan, người hành khách trước Huân đã xong, đang dợm bước ra, Luận nói:

– Đến phiên ông làm thủ tục rồi kìa, ông cho tôi số điện thoai, tôi sẽ liên lạc với ông, sẽ mời ông làm một bữa bia bọt hẳn hoi cho vui cửa vui nhà.

Huân tiến lên vào quày làm thủ tục nhập cảnh sau khi đã cho số điện thoại của khách sạn mà Phượng đã thuê và nhận của Luận tấm cạc visit.

Luận nói từ phía sau, câu nói như có giọng cười:

– Bây giờ tôi khác rồi, không còn lầm lỳ như xưa nữa đâu.

Huân vẫy tay chào Luận rồi đi vào chỗ làm thủ tục, người công an hải quan cầm giấy tờ của Huân lên, trông mặt mủi vẫn khó đăm đăm, nhưng chỉ một chốc là hồ sơ anh được trả lại với câu nói:

– Giấy tờ của anh xong rồi.

Huân nói cảm ơn và nhận lại giấy tờ sau khi đã đóng dấu. Huân vẫy tay chào Luận một lần nữa rồi anh theo mũi tên hướng dẫn chỉ đường đến khu nhận hành lý.

Phượng đón anh bằng mợt bó hoa hồng tươi thắm. Nàng bận chiếc áo dài tơ tằm như đã hứa, bộ áo Phượng bận ngày nàng trở lại Việt Nam. Anh ôm nàng vào lòng bằng đôi cánh tay mạnh bạo, ghì siết.

Huân nói:

– Anh nhớ em quá.

Phượng đáp rất nhỏ:

– Em cũng vậy.

Hai người lên xe taxi Phượng thuê sẳn, đi về khách sạn.

***

Mấy hôm sau, Luận gọi dây nói cho Huân, hẹn:

– Tối nay bảy giờ đến quán Hương Cau nhe, Quán Hương Cau ở đường Phan Văn Trị đó. Biết không?

Huân trả lời:

– Không biết, nhưng mình sẽ đi taxi đến, tài xế taxi chỗ nào mà không biết.

Luận nói to qua dây nói và đổi cách xưng hô:

– Mày đến đó rồi sẽ biết, tau sẽ cho mày gặp những nhân vật mà mày không ngờ tới.

– Ai vậy, chắc mấy em thơm lắm chứ gì?

Tiếng Luận vẫn ồm ồm trong máy:

– Bí mật, bí mật. Cho mầy ngạc nhiên chơi.

Buổi tối, Huân đi cùng Phượng tới quán Hương Cau, anh kéo Phượng đi cùng, vì anh muốn Phượng thấy được những thằng bạn một thời cùng khổ của anh. Đó là những năm anh bị tù đày, đói khổ. Hồi đó Phượng còn nhỏ lắm, mới một, hai tuổi thôi. Nàng không biết chiến tranh, không biết tù đày, không biết gì cả. Nàng chỉ biết anh là một Việt kiều Mỹ, là bạn của anh rể nàng. Nàng đã yêu anh kèm theo một chút lòng ham muốn, sẽ được đi Mỹ cùng anh. Huân biết vậy và chấp nhận vậy. Nàng trẻ hơn anh nhiều quá. Anh biết mọi vật gì trên trái đất nầy đều có cái giá của nó.

Quán Hương Cau là quán nhậu. Đủ món nhậu, từ rẻ đến đắt tiền. Từ cái lẩu bò năm chục ngàn đồng Việt Nam đến một con rắn được làm đủ món hơn một triệu đồng. Bia bọt từ bia Bến Thành đến Heinecken. Rượu từ rượu huyết dê, huyết rắn, rượu thuốc tắc kè đến rượu ngoại X.O. Cho nên quán nầy được đông khách sành điệu ghé tới. Tới để nhậu nhẹt, để nghe nhạc và để hát. Khi ai cũng bắt đầu chếnh choáng thì họ chẳng biết mắc cở là gì, họ lên sân khấu hát tưới hột sen, hát loạn xà ngầu, hay dở gì cũng mặc kệ.

Huân và Phượng gởi xe gắn máy rồi bước vào quán, hai người đang lớ ngớ tìm Luận thì anh thấy Luận từ đàng xa. Luận đang ngồi với một người con gái và hai người đàn ông. Luận đưa hai tay lên miệng làm loa, gọi to:

– Huân, Huân, lại đây. Tụi tau đợi mầy lâu rồi.

Huân và Phượng bước tới, Luận đứng lên vồn vã:

– Bị kẹt xe hay sao mà trễ vậy?

Huân đáp lại.

– Mình định đi taxi, nhưng sẳn có chiếc honda của đứa cháu cho mượn, mình muốn chạy một vòng để ngắm lại Sài Gòn thử ra sao?

Luận cắt ngang lời Huân:

– Thằng nầy lúc nào cũng lãng mạn. Sài Gòn bây giờ đầy đĩ điếm và rác rưỡi, ngắm Sài Gòn làm gì cho mệt xác.

Thật ra thì Huân cũng lãng mạn thật. Anh muốn đi qua khu trường Luật và kể cho Phượng nghe ngày còn trẻ anh đã theo học ở đó, đã đi trên con đường Duy Tân biết bao nhiêu lần, đã từng đứng ngẫn người ra để ngằm những tà «áo tiểu thư» của những em sinh viên trường Luật. Rồi sau ngày anh ở tù về, anh đã đạp xe xích lô qua bao chặng đường ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Thị Nghè, Xóm Mới, Phú  Nhuận, Gò Vấp. Ôi bao nhiêu nơi đã ghi vết chân anh, anh đã đẩy xe mệt nhoài lên cầu chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, cầu ba Cẳng, trong những buổi trưa nắng gắt. Biết bao nhiêu nơi anh muốn đến, muốn nói với Phượng. Nhưng liệu anh có can đảm nói ra, và sự nói ra có ý nghĩa gì với Phượng chăng, khi Phượng chỉ nhìn anh là một Việt kiều. Anh đã vứt bỏ đi dĩ vãng rách rưới, tù đày, để khoát lên mình một bộ mặt mới, thì sự nói lại, gợi lại, có ích gì không?

Luận chỉ người con gái ngồi cạnh, cô gái trông khoảng mười tám, mười chín tuổi là cùng. Mặt mày cô bé còn non choẹt thế kia. Huân nghĩ trong đầu, chắc cô nầy là con út của Luận quá. Hồi đi tù, Luận nói Luận có hai cô con gái. Cô nầy lại nhỏ hơn nữa, chắc là mới sanh sau.

Luận đứng lên, cười thật hồn nhiên rồi giới thiệu với Huân:

– Đây là Thanh Hương, bà xã thứ hai của tau. Khi tau trốn trại về, mấy tháng sau vợ chồng tau đi vượt biên, bà xã tau xui xẻo bị ướp muối, tau thoát được nhưng phải trở về đất liền. Sau đó tau chán nản, không đi vượt biên nữa, chỉ lo làm ăn, càng ngày trời cho cũng khá, tau mới lấy Thanh Hương hai năm nay.

Huân và Phượng nhìn người con gái và gật đầu chào. Cô gái có vẻ e lệ, cô chỉ cười mím chi trong miệng mà không nói gì.

Rồi Luận quay qua hai người đàn ông nãy giờ vẫn ngồi im lặng. Hai người đàn ông trông ốm yếu, gầy gò, nụ cười như hỏm vào bên trong vì những cái răng bị mất.

Luận cười trông vẽ như diễu cợt, anh chỉ vào người đàn ông ngồi kế bên:

– Mầy nhớ ai đây không?

Huân lắc đầu, Luận nói tiếp:

– Mày không nhớ à? Mầy không nhớ cũng phải, mày ăn cơm tư bản mấy chục năm rồi mầy làm sao nhớ nổi. Đây là anh Sáu Quới, quản giáo đội mình ở Thành Ông Năm đó, mầy nhớ không?

Huân ngớ ra. Thật ra thì anh không nhớ nỗi, đã gần ba mươi năm. Sáu Quới lúc đó là trung uý, thường hay bận cặp đồ bộ đội màu xanh cứt ngựa, trên vai luôn mang xắc cốt trông hách xì xằng lắm. Tưởng đã ba mươi năm, Sáu Quới cũng đã lên tướng, lên tá gì rồi, không ngờ bây giờ lại ngồi đây với thân hình còm cỏi. Sáu Quới nghe giới thiệu tên mình thì choàng lên bàn bắt tay Huân và nói to:

– Cũng lâu quá rồi, tôi cũng không nhớ nổi anh. Anh trông khoẻ quá, ăn cơm Mỹ có khác.

Luận giới thiệu tiếp:

– Còn đây là anh năm Thoàn. Hồi đó ảnh làm trên Khung, mầy không biết đâu. Chuyện tau vượt trại lúc đó là nhờ hai anh nầy tay trong tay ngoài đó mày.

Bây giờ thì Huân đã hiểu. Những người bí mật mà Luận dẫn tới hôm nay là hai cán bộ đã từng cai quản anh và Luận trong trại tập trung. Bây giờ sao trông họ khác hẳn. Luận muốn đưa họ đến đây để làm gì? Để chứng tỏ cho Huân thấy rằng, Luận đã bỏ đồng tiền ra, đã mua chuộc được tất cả. Và những cán bộ nầy là đại diện cho một xã hội đang tan rã?

Người cán bộ cũ, chồm tới bắt tay Huân. Năm Thoàn cầm tay Huân như ôm cả bàn tay Huân vào hai bàn tay mình. Huân chào, trong tiếng chào của anh có một sự chua chát nào đó:

– Chào cán bộ. Tôi thật sự hân hạnh gặp lại hai cán bộ ở đây. Thời gian đã làm tôi quên đi cán bộ và những sự việc, mà đáng lẽ tôi không có quyền quên.

Hai người cán bộ cũ đã ngồi xuống với nụ cười giả lã. Huân quay qua giới thiệu Phượng. Phượng hôm nay bận chiếc áo dài màu vàng hoàng hậu, cũng bằng lụa tơ tằm.

– Đây là Phượng, vợ sắp cưới của tôi.

Phượng cười trong miệng, hiện lên trên đôi má hai lúm đồng tiền. Thật sự, Phượng còn quá trẻ đối với anh. ‘’Vợ sắp cưới’’, trên năm mươi tuổi rồi mà còn vợ sắp cưới. Anh tự nhiên bật cười.

Bữa tiệc được dọn ra, đầy ắp những món quê hương và rượu mạnh. Hai chai X.O được đặt trên bàn, Luận khui một chai, rót vào chiếc ly nhỏ cho từng người. Luận nói:

– Hôm nay rất vui khi tôi gặp lại các anh, kể cả bạn và thù. Một cuộc hội ngộ thật là thú vị. Gần ba mươi năm rồi, mọi chuyện đều đổi thay. Nhưng thôi, tôi cũng xin cảm ơn tất cả. Cảm ơn anh sáu Quới, anh năm Thoàn, các anh là ân nhân của tôi, có các anh, tôi mới vượt ra khỏi cảnh tù tội, mới trở thành một doanh gia yêu nước như bây giờ, mới có được một cô vợ trẻ đẹp như Thanh Hương. Mừng cho sự đoàn tụ hôm nay, tôi xin mời các anh nâng ly, một trăm phần trăm cho sự đoàn tụ có một không hai nầy nhé.

Mọi người đều nâng ly uống cạn ly thứ nhất.

Sáu Quới sau khi uống hết ly rượu, đã nhoài mình trên bàn, cầm chai rượu trên tay, rót tiếp vào ly mình tràn đầy, rồi rót vào ly cho từng người. Xong, ông nâng ly rượu lên:

– Thưa anh Luận, anh Huân. Hồi chiều anh Luận kêu tôi đi nhậu, tôi không ngờ đến đây gặp anh Huân. Ba mươi năm rồi, tôi còn nhớ như in, buổi chiều tôi dẫn anh Luận đi lao động, được sự đồng ý của anh năm Thoàn đây, tôi kéo anh Luận vô nhà bếp, tròng lên người ảnh cái quần bộ đội, đội lên đẩu anh cái nón cối, rồi choàng vai ảnh cùng ảnh đi ra cổng như hai ngươì bạn. Đến khi ảnh đã lên xe lam, tôi quay về và điểm danh anh em, tôi mới đóng lại vai trò quản giáo. Anh Huân, chắc anh cũng hiểu hoàn cảnh tôi lúc đó, tôi phải đóng đúng vai trò của tôi chứ không thì tôi chết, anh không trách tôi chớ?

Huân cũng đã nóng máu lên vì ly rượu đã uống. Anh cũng cầm ly rượu lên và phát biểu:

– Cuộc đời cá ăn kiến rồi kiến ăn cá là chuyện thường, có gì mà buồn. Tôi bây giờ được ở Mỹ, tôi cũng chẳng có gì để giận các anh. Có trách là trách cái guồng máy đã tạo cho ta điều bất hạnh. Anh phải đóng vai trò của anh và tôi cũng đóng vai trò của tôi. Thôi, mình cạn ly nầy cũng một trăm phần trăm nghe.

Năm Thoàn hồi nãy đến giờ không lên tiếng, nay qua hai ly đã uống cạn, ông lắc lắc đôi vai, vói tay cầm lấy chai rượu, rót đầy mỗi người mỗi ly, rồi đứng lên nói như ngươì lên đồng:

– Tôi đã cống hiến một đời cho cách mạng, đi vào du kích năm mới mười lăm tuổi, rồi vào lực lượng võ trang nhân dân, lên đến đại úy. Rồi tụi nó phe cánh bắc nam, tụi nó hất tôi ra, các anh thấy tôi có tức không chớ. Bọn miền bắc tràn ngập vào đây, ăn trên ngồi trước. Tôi lên tiếng chống đối là bọn nó cách chức tôi, cho tôi về vườn. Thằng sáu Qưới đây cũng vậy, vừa mới nhấm nháp mấy miếng là nó vây bắt, trong lúc bọn nó ăn tràn họng ra mà có vây cánh, bọn nó chẳng hề hấn gì. Đ. mẹ bọn nó chớ.

Năm Thoàn là dân cách mạng gộc nên ông lên tiếng chữi vung vít không sợ ai. Còn Luận và Huân thì kẹt. Luận biết vậy nên lên tiếng:

– Thôi anh Năm, mình tới đây chỉ bia bọt với nhau cho vui thôi. Anh có ức muốn xả thì tìm chỗ khác mà xả. Mình ăn uống nhậu nhẹt mừng đoàn tụ mà anh.

Năm Thoàn ngưng nói, nhưng trong ông vẫn còn ấm ức. Giọng của ông nghe nhão nhẹt:

– Thằng Luận bảo thôi thì tau thôi, không phát ngôn nữa. Vậy thì mình uống đi, uống cho quên sầu đời. Luận, mầy hứa mầy bao cả nút cho tau tối nay, vậy mầy nhớ đó nghe Luận. Mầy và thằng Huân bây giờ đều giàu có, no cơm ấm cật, vợ nhỏ hầu non, còn tau với thằng sáu Quới đây thì mầy bỏ cho chó gặm à. Sau đợt bia bọt nầy, mày kêu cho tau một em nghe mày, một em kha khá.

Huân biết Năm Thoàn đã say.

Luận nói:

– Anh năm đừng lo. Bây giờ anh năm hết quyền lực rồi, nên anh chẳng còn lịnh lạc gì với tôi được nữa. Nhưng tôi chịu chơi mà, tôi đã hứa là tôi giữ lời, anh năm muốn gì thì tôi chiều nấy. Tôi sẽ kêu cho anh và anh sáu Quới hai em ghệ nhí, coi thử anh còn sức chiến đấu nữa không?

Huân thấy cần phải về nên nói nhỏ với Luận:

– Mấy thằng chả đã xỉn rồi, thôi mày ngồi nhậu tiếp với mấy chả nhe. Tau khỏi cần chào, tau dọt đây. Tau đưa nàng về dinh nghỉ, mai còn xuống Long Xuyên thăm ông bà già vợ.

Luận nói hơi líu lưởi, nhưng cũng phát ngôn được một câu nghe lãng nhách:

– Ừ, thôi mày dọt đi. Ông bà già vợ mầy chắc còn trẻ, ổng bã bao nhiêu tuổi rồi?

– Ổng năm mươi, bã bốn tám.

– Còn mày?

– Năm mươi lăm.

 

Trần Yên Hòa

 

*

 

Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:


Xin click vào link sau:

https://issuu.com/dreamteam1005/stacks/fd347a6e1e9f428ebf88885eb4d6b2b

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...