tranh lê trung
Một buổi sáng lúc đang ngồi quán uống cà phê với mấy người bạn già, ông Năm bỗng cảm thấy khó thở tức ngực, đau chịu không được đến đỗi phải đứng dậy bỏ về giữa chừng. Tưởng là sẽ qua khỏi như những lần trước, dè đâu cơn đau ngày một nặng, ngày hôm sau vợ con đưa ông lên Sài Gòn chữa trị.
Sau khi làm xét nghiệm các thứ, bác sĩ nói lời xin lỗi, chúng tôi bó tay, ông bị ung thư phổi đến thời kỳ cuối.
Vợ con chỉ còn biết khóc, bà con lối xóm hay tin đến thăm viếng chật nhà.
<!>
Ông Năm bình tĩnh nén cơn đau, đau thể xác thì ít mà đau trong lòng thì nhiều. Đã đành xưa nay “Trời kêu ai nấy dạ”, nhưng ông ra đi lúc này còn một điều vướng mắc trong lòng ông không đành mang theo xuống mồ.
Con cháu nghe ông bịnh nặng hết đứa này đến đứa khác về thăm. Tụi nó xúm lại bàn cách này cách khác, không thuốc tây thì thử xoay qua thuốc ta dược thảo, thậm chí có đứa còn đòi đưa ông đi cúng thầy cúng bà. Nhưng ông cương quyết không nghe, “thôi con! kéo dài chi mấy cái chuyện vô ích đó”.
Từ hôm biết là không còn sống được bao lâu nữa, ông cảm thấy nhớ thằng con trai út da diết, đứa con ngoan hiền cha mẹ thương nhất nhà, đã bỏ đi biệt xứ hai mươi năm không về. Vì yêu. Nó đã yêu một người mà cha mẹ anh em giòng họ không ai bằng lòng. Người đàn bà chồng chết có ba con.
Hai mươi năm trước, con trai ông vừa tốt nghiệp đại học kế toán tài chánh, có một việc làm rất tốt trong ngân hàng quốc gia ở thành phố. Trời xui đất khiến cho nó gặp người đàn bà đó. Lúc hay tin, ông nhất quyết ngăn cản. Con gái ở xứ này thiếu gì, ba bốn đứa sẵn lòng chờ đợi nó, vậy mà nó không ưng, lại nhào vô con mẹ ba con, lớn hơn nó cả mười tuổi.
Lúc đầu ông còn nhỏ nhẹ khuyên lơn, “tình yêu gì con! Mày có ăn học
mà sao thiệt là mù quáng mê muội”. Thằng con ông làm thinh không dám
cãi, “nhưng nó bỏ con nhỏ đó được một thời gian rồi hai đứa cũng xáp
lại”. Ông làm dữ ra lệnh tối hậu: “mày mà còn tới lui với con đó thì
đừng về nhà này nữa”.
Thằng con trai ông đi mất biệt hai mươi năm không về.
Con cháu tụ về đông đủ, dù không ai muốn nói tới nhưng ngày đó phải đến. Ông mở lời trước, về việc lo chuyện hậu sự cho ông. Ông muốn được nằm cạnh cha mẹ trong khu mồ mã của gia đình. Bao năm làm lụng vất vả, ông bà chỉ “đủ ăn” nuôi các con khôn lớn. Ông không có tiền bạc hay tài sản gì để lại cho các con. “Ba má chỉ có căn nhà này, nhưng ba má muốn giữ nó lại như là của hương quả, để làm chỗ thờ phượng cúng kiến ông bà”. Các con ông tuy không giàu có, nhưng đứa nào cũng có của ăn của để, đồng thanh nói: “Xin ba má đừng lo, tụi con tự làm kiếm sống được rồi, căn nhà này không ai được tranh giành chia chác”.
Xưa nay trong nhà này ông quyết định mọi việc, tính ông lại hơi khó, hễ ông nói là không đứa nào dám cãi. Giờ ông bịnh nặng, có nên cho thằng con trai út của ông biết tin?. Ông chưa lên tiếng không đứa nào dám hó hé.
Mấy hôm nay ông hơi mệt lúc nào cũng muốn nằm nghỉ trên giường. Ông bảo mấy đứa nhỏ khiêng cái giường ngủ của ông đặt nơi phòng khách gần cửa sổ ngó ra sân trước nhà. Ông muốn nhìn bầu trời tươi đẹp ngoài kia, ông muốn nghe tiếng xe chạy ngày đêm lúc nào cũng bóp kèn inh ỏi, ông muốn nghe tiếng rao hàng lãnh lót của mấy người đi bán dạo, ông muốn nghe tiếng người cười nói lao xao. Và ông hằng mong đợi, ngày xưa cũng tại cửa sổ này, chiều nào ông cũng ngồi chờ bóng dáng thằng con trai yêu thương của ông đi học về.
Buổi trưa nằm lim dim mơ màng, ông bỗng giật mình khi nghe tiếng xe thắng gấp ngoài trước đường lộ, ông đưa mắt nhìn, người đàn ông nói gì đó với người tài xế rồi nhẹ mở cửa rào bước vào trong. Tim ông bỗng đập rộn ràng, làm sao ông không nhận ra thằng con trai yêu thương của ông dù đã hai mươi năm không gặp. Vợ ông ra mở cửa, hai mẹ con ôm nhau khóc oà. Thằng con bước vào nhà theo mẹ đến bên giường ông nằm. Ông nhắm mắt giả bộ say ngủ, thằng con đứng xớ rớ vẻ mặt đau khổ. Ông ngồi bật dậy.
“Mày biết tao gần chết mới mò về đây phải không?”
Thằng con quỳ xuống khóc lóc: “Ba có thương con thì tha lỗi cho con”. Vợ ông khóc rống lên, nhìn thằng con ông thấy tội nghiệp cho nó quá. Vì đâu nên nỗi thế này hả con.
“Hồi xưa chiều nào ba cũng ngồi đây chờ con đi học về, từ lúc con còn nhỏ cho tới khi con lớn đi học xa. Rồi con bỏ đi biệt không về nhà này nữa, ngày ta ngày tết, giỗ oải ông bà cũng chẳng thấy mặt con. Cứ mỗi dịp lễ lớn, nhà nước đều có ân xá phóng thích tù nhân. Còn ba, sao ba không “ân xá” cho con, con ơi! có người cha nào mà không tha lỗi cho con mình”.
Ông bỗng khóc nức nở, mấy người con từ nhà sau chạy ra xúm lại khuyên lơn ông chớ quá xúc động mà có hại cho sức khỏe.
Buổi chiều hôm đó ông thấy người khỏe hẳn, vì thằng con của ông trở về hay vì ông đã trút được gánh nặng mang trong lòng bấy lâu chẳng biết. Ông ăn cơm rất ngon, cả nhà xúm xít nói chuyện ồn ào vui vẻ. Buổi tối hai cha con ra trước sân nhà ngồi nói chuyện đến khuya, nói đủ thứ chuyện, từ chuyện trong nhà cho đến chuyện ngoài ngõ. Hai cha con nhắc hết người này tới người kia, từ người có họ hàng đến người dưng nước lã, từ người còn sống cho tới người đã chết. Nhưng có một người không ai đả động tới, người đàn bà đã cả gan bắt hồn bắt xác thằng con ông dẫn đi mất biệt. Ông muốn nó mở lời trước xin xỏ ông một ân huệ, nhưng nó làm thinh không dám nói, nó vẫn còn sợ ông. Ông đã tha thứ cho đứa con trai lẽ nào ông không tha thứ cho vợ của nó.
“Bữa nào rãnh rỗi con dẫn vợ con của con xuống đây cho ba xem mặt, ba mà có theo ông theo bà thì cho tụi nó đeo khăn tang”.
Con ông vừa nói vừa khóc, “con cám ơn ba! con cám ơn ba! Để con điện thoại ngày mai tụi nó xuống thăm ba”.
“Ba mất đi rồi, nhà cửa đơn chiếc lắm, mày về thường xuyên thăm má mày. Ba đã nói với anh chị con là căn nhà này làm nhà từ đường, nơi thờ phượng cúng kiến ông bà, mai mốt ngày giỗ ngày tết con nhớ về chớ đừng đi mất biệt nữa nhe con”.
Cái tin thằng Tân, con trai út ông Năm trở về cả xóm đều biết. Rồi có người nói ông Năm đã “hồi dương” khỏe mạnh trở lại, lối xóm kéo đến mừng ông chật cả nhà. Nhiều người đến mừng ông cũng có, nhưng đến để “dòm ngó” thằng con ông và vợ của nó cũng có. Nghe tiếng đồn đã lâu, nay họ muốn tận mắt nhìn người đàn bà đó, người đàn bà đã khiến thằng con út ông Năm phải chịu bản án lưu đài biệt xứ.
Người đàn bà đó xinh đẹp hơn họ tưởng. Mấy mẹ con bước xuống chiếc xe nhà thật to thật đẹp trông họ thật là sang cả. Nghe đồn thằng lớn là rể của ông gì đó làm lớn lắm tuốt ngoài Hà Nội, còn thằng nhỏ học giỏi lắm làm đến chức Phó Tổng Giám Đốc, đứa con gái thì đang du học đâu tận bên Mỹ.
Ai cũng tấm tắc khen thằng Tân coi vậy mà có phước, rồi họ đoán mò “mặc dầu mấy đứa đó là con riêng của vợ, nhưng tụi nó thương thằng Tân như cha ruột”.
Cái tin ông Năm để căn nhà từ đường này lại cho thằng con út của ông ai cũng biết. Có người nói tại vì ông thương nó nhất nhà, có người nói tại vì ông muốn nó không được bỏ đi đâu nữa, từ nay nó có phận sự phải đứng ra lo việc giỗ oải cúng kiến ông bà. Ngày ta ngày tết phải có mặt ở nhà này, nó đã bỏ đi hai mươi năm, giờ phải chuộc tội. Tội yêu.
Nguyễn Thạch Giang
*
Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:
Xin click vào link sau:
https://issuu.com/dreamteam1005/stacks/fd347a6e1e9f428ebf88885eb4d6b2b
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét