Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

Nguyễn Lương Vỵ : Những viên cuội thời gian - Nguyễn Thị Khánh Minh



Thi sỹ Nguyễn Lương Vỵ

Vâng. Tôi đã nhìn thấy chúng qua gương một dòng trong. Những viên cuội lấp lánh nắng mai. Những viên cuội lung linh trăng rằm. Phản chiếu mầu sắc tĩnh và động. Những viên cuội lắng vào thẳm sâu giấc mơ của dòng -dòng chữ long lanh- ánh lên những gửi gắm của thời gian. Ta có thể nghe được gì từ nơi không nguồn cội và lồng lộng hư vô huyền nhiệm?

<!>

Có một ngày buồn trong khí đông phai, tôi về bên dòng ấy, nhìn những viên cuội Lục Huyền vang âm trong dòng chảy Tám Câu, tung hứng qua vần điệu, ngữ nghĩa, của Nguyễn Lương Vỵ (NLV) -nhà thơ luôn gây cho tôi bất ngờ qua mỗi thi phẩm của ông-. Tám Câu Lục Huyền Âm, ký tặng tôi vào tháng 3. 2013. Trời Calif. đã dợm sang xuân, có trong tay một tập thơ, một không gian riêng, hẳn nhiên là tôi có đủ ba lý do để hưởng cái thú vui đã thuộc cổ xưa này. Và thơ ấy kéo tôi về không khí Đường Thi. Mái nhà thơ Đường càng ngày càng ít kẻ, gần như bằng không, tìm về đụt nắng che mưa chữ nghĩa. Thế mà NLV đã ghé vào cung kính ngả nón chào, và kiểu như là, “thưa các tiền bối, giờ xin thưởng lãm một kiểu thơ Đường-Việt.” (Thật ra dùng chữ Đường-Việt ở đây chỉ là cách nói để tạm phân biệt thôi).


Trên bước về cố xứ, NLV ra mắt các Thi Ông Thi Bá tiền bối bằng bài thơ:

DỐC TRĂNG CỐ XỨ

Nhớ quá dốc trăng cố xứ
Hít một hơi ứ thiên cao
Ruột gan tim phổi ngất ngứ
Hồn phách trí não phập phào
Đất trào huyết hoa bức tử
Gió vuốt máu đá vụt trào
Nếp trán vết hằn tâm sự
Dốc trăng khuyết đĩa dầu hao

Thật là một thể thơ mới lạ. 6 chữ 8 câu dưới tên văn chương lãng đãng: Tám Câu Lục Huyền Âm. Có thể nói cho đến nay chưa ai làm kiểu thơ này. Sáu Chữ, mà chẳng phải là Lục Ngôn cổ điển. Tám Câu đấy, có cả những cặp đối, nhưng lại không phải là Thất Ngôn Bát Cú của Đường Thi. Nó là Lục Ngôn Bát Cú của NLV.

Nói về thơ Lục Ngôn, ở thế kỷ 15, có bài thơ Thủ Vỹ Ngâm, một sáng tạo, đột phá của Nguyễn Trãi, được công nhận là thể thơ rất riêng của Việt Nam, thể Lục Ngôn, nhưng không hoàn toàn là 6 chữ suốt 8 câu mà xen vào câu 7 chữ. Những cặp 3, 4 và 5, 6 tuân thủ về đối, vần thì độc vận, bắt với nhau ở những chữ cuối câu 1,2,4,6,8. Và không còn lệ thuộc về Niêm (bằng trắc) nữa. Dù khởi đi từ khí Đường mà Nguyễn Trãi đã tạo thành một thể thơ mới mẻ, nhất là nhạc thơ, khác hẳn Đường thi, chữ dùng lại thuần Việt. Sau, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có làm lục ngôn, nhưng không nhiều.

Nói về Đường Thi, đỉnh cao của nền thi ca Trung Hoa, mãi cho đến nay vẫn còn truyền tụng những tuyệt phẩm của những thi hào lỗi lạc, Lý Bạch, Đỗ Phủ… Cá nhân tôi, tuy chỉ lõm bõm hiểu nghĩa thôi mà sao khi đọc lên bằng phiên âm của những bài Đường Thi vẫn cảm được tức thì nỗi mênh mang cùng tận của âm chữ. Đó là sức của nhạc thơ chở một thể thơ trôi được ngàn năm và vẫn còn tồn tại một cách linh động đầy thuyết phục.

Tôi xin mở ngoặc một chút riêng tư, hồi tuổi trung học, tôi đã được học về luật tắc thơ Đường từ ba tôi, ông rất khó khi chấm những bài thơ Đường tập tành của tôi, đến nỗi sau vài ba bài, tôi trốn luôn. Ở nhà thường có những buổi họp thơ, và tôi đã được chứng kiến tài thơ của những bậc trưởng thượng, toàn là những thi sĩ cự phách, nghe tên đã xính vính, những là Vũ Hoàng Chương, Đào Vân Khanh, Hà Thượng Nhân, Mộng Tuyết, Vân Nương, Cao Tiêu, Bùi Khánh Đản và… ba mẹ tôi. Tôi đã tản thần không biết làm sao mà Họ có thể làm thơ Đường, xướng họa một cách thần tốc như vậy, dĩ nhiên với tài năng cỡ họ thì không thể nào có bài thơ thất niêm thất luật được, lại “đối nhau chan chát” nữa, và tôi cũng được biết thêm, nếu có phá niêm thì đó lại là tuyệt tác của một tài thơ đã bước qua được luật tắc. Vậy mới kinh chớ. Tôi đi ra đi vào châm nước rót trà dọn bánh trái, tai thì lóng nghe, mắt thì nhìn, mỗi thi sĩ với mỗi phong thái riêng, rất đẹp. Có thể nói lúc ấy tôi có duyên được hít thở không khí Đường Thi. Và, bài thơ Đường hoàn chỉnh đầu tiên tôi viết do mẹ tôi ép, lúc Nữ Sĩ Tuệ Mai mất, (Thi Đàn Quỳnh Dao lúc ấy qui tụ những nữ sĩ nổi tiếng chuyên trị thơ Đường, trẻ nhất là hai nữ sĩ Tuệ Mai, Tôn Nữ Hỷ Khương) Nữ sĩ Mộng Tuyết, tác giả bài thơ xướng tiễn đưa, hàng con cháu như tôi, dù không là thành viên của Thi Đàn, nhưng mẹ muốn tôi có một bài hoạ, chiều mẹ và cũng vì tình riêng với cô Tuệ Mai, tôi cố viết một bài, lại được khen, được thể, sau đó tôi cũng có lác đác, Đường Thi. Nói vậy để tự cho phép xem như mình có chút ít kinh nghiệm để thưa rằng, làm thơ Đường thật chua lắm, nhất là Đối ở hai cặp Thực (3,4) và Luận (5,6), nếu phải tuân thủ niêm luật bằng trắc nữa thì chắc tôi lọ mọ đi nhặt chữ!

Đối, là “khúc xương” khó nhất mà NLV đã gặm từ Đường Thi để đưa vào thể thơ Lục Ngôn Bát Cú rất riêng của ông. NLV cũng đã thoát ra khỏi nghiêm ngặt của Đường là niêm, thiển nghĩ, nếu theo niêm nữa thì Lục Ngôn Bát Cú của NLV đọc lên sẽ na ná giai điệu Đường Thi, nên tôi tán thành cách của ông, nó hợp thời, nhạy bén, và thông minh. Vì nếu dựa vào một cái cũ, không có gì lạ hơn, hiện đại hơn, thì không làm. Thành ra khi đọc những bài này của ông, tôi không ngờ là nó có những cặp đối rất hoàn chỉnh theo luật Đường, vì lời thơ và hình ảnh quá tự nhiên, lại được chuyên chở bằng một tiết tấu rất lạ. Thổi vào Lục Ngôn một khí mới. Như thể cùng một bài nhạc mà bây giờ được một tay nhạc phối khác đi. Cũng bởi thế, thưởng thức những bài 6 chữ 8 câu này không dựa trên thẩm âm của Đường Thi cũ nữa.

NLV đã tâm sự với tôi “tui ráng dùng chữ Việt hết sức có thể.” Tôi trân trọng những cố gắng của người muốn chứng tỏ rằng chữ Việt phong phú đến đâu, và biết rằng điều ấy thật khó vì rất rất nhiều từ Hán Việt đã được Việt hóa từ lâu đời, khó mà tránh nổi. Khi tôi bày tỏ ý nghĩ đó, NLV nói “Tui chỉ đi lụm những viên cuội của người xưa. Lụm lên chùi chùi phủi phủi bụi thời gian rồi lấy xài lại.” Vấn đề là nhặt ở đâu, nhặt cái gì và nhất là phủi bụi ra làm sao để nó khoe sắc lại dưới nắng trời Hôm Nay. Vậy mời các bạn tri âm, cùng tôi ôn lại những điều, không hẳn là cũ để biết cái mới mẻ của thơ hôm nay của NLV. Xem ông làm gì với những viên cuội thời gian ông lụm của tổ tiên. Để biết, người thơ để tình tự mình neo thế nào nơi bến cũ hiên xưa, Câu hát nao lòng bến cũ/ Nụ cười tươi máu hiên xưa…

Trong suốt 9 bài ở tập Tám Câu Lục Huyền Âm, mỗi bài 7 đoạn, xem như 63 bài, đều tuân thủ chỉ với 6 chữ (đây là điều khác với lục ngôn cổ điển, có khi xen 7 chữ), và bài nào cũng nghiêm ngặt cặp đối Thực và Luận (3,4 và 5,6). Thật là rất thất kinh. Có ai đã làm chưa và không biết sau này có ai, hoặc chính ông, có tiếp tục không? Nó có phải là một quyến rũ để các nhà thơ muốn bước vào và thử nghiệm chăng?

Trong có hạn của một bài viết, tôi chỉ xin trích dẫn những cặp đối tiêu biểu, theo tôi, trong Lục Ngôn Bát Cú của NLV,

Phong dao mài thanh kiếm sắc
Thuỷ cầm rưới nấm mồ thanh
Trăng rợp mái đình vằng vặc
Dốc nghiêng vai gió vạnh vành

(Dốc Trăng Cố Xứ)

Chí Linh nhương sao nhấp nháy
Côn Sơn vung bút mãi mai
Oan nghiệt tuyệt không nhếch mép
Công danh đếch có rùn vai…

(Gửi Quốc Âm)

Về thăm vỉa hè góc phố
Đến chào quán xá mộ bi
Rùn vai ma khuya sóng sánh
Rụt cổ quỉ đêm rầm rì

Thiệt là mùi để lấy trớn
Thiệt là hứng cho đã thèm
Hỏi người đi đâu bụi bặm
Nhắn ai ngồi đó lấm lem

Cổ nhân hồ như khách lạ
Tri âm ắt hẳn đêm sâu
Viên sỏi cựa mình chẳng nói
Bóng cây gù lưng biếng chào

(Gửi Vỉa Hè Sài Gòn)

Thiên tặc gọi thì phải dạ
Địa phủ đón thì phải chào
Chào cái thây về cát bụi
Mừng cái phách hẹn trăng sao

(Gửi Một Khi Nào)

Bạn thử đọc và tìm thú vị riêng trong những cặp đối trên xem sao. Hẳn bạn cũng thấy được, đối ý đối chữ và đối cảnh. Theo Đường luật nếu hai câu thực (3,4) đưa ra những hình ảnh, sự vật, việc, dẫn đến cảm xúc đọng lại ở hai câu luận (5,6), thì NLV gần như cũng đã bắt mạch và lấy về thơ mình cái ưu thế ấy của Đường Thi.

Vẫy bàn tay chào một bận
Hất mái tóc bẩm đôi bờ
Bờ nào cũng đều lận đận
Bến mô cũng rặt ơ thờ

(Gửi Vu Vơ)

Giao hưởng thương đời mệnh bạc
Hòa âm xót kẻ đầu xanh
Trời chẳng nói đất chẳng nói
Sống cũng tanh chết cũng tanh

Bóng đi đâu dâu xanh ngất
Hình về đâu mây trắng phau
Chữ ứa cơn sầu cỏ mật
Thơ ghìm tiếng nấc vực sâu

Chép bài thơ trong trí nhớ
Gửi niềm đau theo trăng tan
Một nét lưng mềm tím phố
Một trời nhạc lắng xanh đàn

Thơ vốn không bờ không bến
Đời đâu có tuổi có tên
Lắng cùng ta Thượng Thanh Khí
Nghe cùng ta Âm Lục Huyền

(Gửi Một Người Thơ)

Trích những cặp đối theo tôi là rất hay, dĩ nhiên chỉ để cho bạn cùng tôi thích thú một nét lạ của thơ NLV, còn hiểu cho ra cái hay của sự hòa hợp để thấy được ý sâu của chữ thì tất nhiên, phải đọc toàn bài thơ. Để vỡ, à thì ra…, những viên cuội xa xưa ấy, người thơ đã phủi bụi thời gian như thế này đây, để nó lại long lanh phút hiện tại, Hôm Nay!

Gần như ai cũng đồng ý rằng, để cảm thụ Thơ phải nhờ con mắt trung gian là trái tim, đó là nhịp đập dẫn người ta đến cánh cửa tâm linh của Thơ.

Bằng cách đó, bạn sẽ nhìn ra cái “Tịch Mịch như Nguyên Thủy Nguyên Sơ” (chữ của NLV) trong bước trở về cùng Thi Ca của người thơ. Điều này tôi đã cảm thấy ở ý tứ cùng hình ảnh trong những cặp kết, hoặc chỉ một câu kết của mỗi bài thơ, nó, hoặc đóng lại một cách rất cô đọng, bất ngờ, hoặc như dòng sông đang miên man chẩy đẩy người đọc liên tưởng đến những bờ bến lạ. Gần như người làm thơ nào cũng biết, phải tu luyện cho tinh, để có thể buông cái cuối cùng đặt dấu ấn cho bài thơ. Xưa Kim Thánh Thán đã nói rằng trong bài thơ bảy chữ tám câu, thường 4 câu cuối là phần tóm gọn “cái tình” của tác giả. Khi đọc sáu chữ tám câu của NLV, tôi nhận ra, những nơi tôi đánh dấu ngôi sao, thường cứ là những câu về cuối hoặc một câu kết của bài.

Nếp trán vết hằn tâm sự/ Dốc trăng khuyết đĩa dầu hao…
Một tràng kinh về đông đủ/ Chiêm bao gió lú rùng mình… (Dốc Trăng Cố Xứ)
Vũ trụ cùng người đối ẩm/ Thềm khuya ứng mộng cho chăng?! (Gửi Quốc Âm)
Nhậu một mình thấy chín cõi/ Bàn trơ khía cạnh lầm lì… (Gửi Vỉa Hè Sài Gòn)

Tôi rất thích hình ảnh vừa gợi hình vừa tức tâm, bàn trơ cạnh lầm lì này. Cặp tĩnh từ này thiệt đắt giá. Tác giả chắc cũng như tôi, mừng reo khi nhặt được những cặp tĩnh từ rất lạ rất việt, như những viên cuội long lanh này,

Phỗng phao một cuộc rong chơi, đâu ngờ rằng: Muôn nẻo trùng sinh náo nhiệt/ Dè đâu ta chết lâu rồi… (Gửi Một Khi Nào)

Tìm nhau đỏ con mắt đá/ Âm khua gót máu lặng thinh…
… Chờ nhau vắng chìm tâm sự/ Âm rền buốt hết xương da…
… Chiều hôm chim kêu rát cổ/ Rừng âm thổ huyết dâng mùa…
(Gửi Bóng Hình)

Vậy đó chữ là tri ngộ/ Xanh ngời giọt máu đỗ quyên (Gửi Một Người Thơ)

Những khắc khoải của tìm nhau, chờ nhau kia, cuối cùng biết ra rằng hạt máu đỗ quyên gọi khan một điểm hẹn hò là Con Chữ. Vậy đó, nếu không cô đơn hằng đêm Tim ta bắt nhịp môi đèn/ Bàn phím gõ ngàn ô lửa, thì sao đi hoài được con đường gian khổ mà đầy quyến rũ ấy để Tri Ngộ Chữ -Chữ Thơ-?

… Ừ nhỉ đời như chớp tắt
Hẹn nhau về với Không Hư…

Thưa Nhà thơ. Cõi Không Hư đó theo tôi, là Hiện Thực mộng ảo. Là đưa ta lần về Nguồn Cội để rồi chạm vào -Giấc Mơ!- Thực Mơ huyền dịu quá một âm bản thời gian*…

Nguyễn Thị Khánh Minh

(*) 12 bài thơ Âm Bản Thời Gian, trong thi phẩm Tám Câu Lục Huyền Âm.

Mời đọc các bài khác của tác giả viết về thơ Nguyễn Lương Vỵ

Phất phơ năm chữ năm câu (2014)

Nguyễn Lương Vỵ, ngồi im nghe thơ lắng trong kinh (2019)

 

*

 

Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:


Xin click vào link sau:

https://issuu.com/dreamteam1005/stacks/fd347a6e1e9f428ebf88885eb4d6b2b

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...