Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

Những…con gái - Truyện Trần Yên Hòa

 

Một bài thơ cũ: Nhà thơ Vũ Đức Sao Biển

 tranh nguyễn trung

 

Tìm cho thấy liễu xanh xanh lả lơi, hay đi tìm dòng suối tóc trên vai, ghi trong khóe mắt u hoài hình bóng ai (Văn Phụng)

Thôn tôi ở có ba cái nghĩa địa. Cái nghĩa địa quê tôi được gọi là cái gò, như cái gò Đống Đa ở ngoài Hà Nội, đã chôn biết bao nhiêu quân nhà Thanh bị vua Quang Trung đánh bại. Ba cái nghĩa địa quê tôi, đó là cái gò ông Đốc, gò Chùa và gò Trai. Các tên này có từ đời cố hỉ nào, khi tôi sinh ra thì đã kêu cái tên đó rồi.

<!>

Gò thường là để chôn ngươì chết, nhưng người chết thì họa hoằn mới có, còn thường thì ba cái gò này, người dân trong làng thả bò ra ăn cỏ ở đây.

Bò đi cày, đi bừa nên khi đến mùa phải cho nó ăn no mới có sức làm việc, vậy nên người nông dân phải chuẩn bị rơm, cỏ, cho bò ăn buổi tối, Thường thì họ hái lá tre, lá keo, lá phượng, đem về bỏ vô máng cho bò ăn thêm. Tuy nhiên, những buổi bò không đi cày, đi bừa, thì người trong nhà phải thả bò ra khỏi chuồng cho bò đi dạo cho khỏi mòn chân. Nơi thả bò ăn là mấy cái gò kia, vì ở đây coi như là nơi công cộng, lại có cỏ, đất rộng, nên bò tha hồ gặm.

Tôi thường được cha tôi cắt cử đi giữ bò.

Tôi thả bò xuống gò ông Đốc rồi leo lên mấy cái mả vôi ngồi chơi. Nếu có bạn cùng chăn bò thì rủ nhau đánh đáo, bắn bi. Còn nếu không có đứa nào thì vào trong bụi tìm chỗ nào mát mà nằm ngủ, trẻ con dễ ngủ lắm.

Tôi đi giữ bò thường không đứng ngoài đường “cái”, tức đường tỉnh lộ, vì đường tỉnh lộ chạy xuyên qua gò ông Đốc. Tôi sợ gặp mấy cô gái học trò trên Cẩm Khê đi học về, nhìn thấy mình chăn bò thì “dị” chết đi được. Mấy cô gái học trò trên Cẩm Khê đi học dưới thị xã đều lớn hơn tôi, nhưng dù lớn, dù nhỏ, gặp con gái mà thấy mình đóng vai “chăn bò” thì quê lắm. Ít ra đó là tự ái của con trai, nên những lúc như vậy, tôi thường tìm vào những bụi cây có bóng mát mà ngồi, ngủ hoặc nằm lơ mơ.

Đám học trò con gái trên Cẩm Khê cũng văn minh lắm.  Cô nào cũng đi xe đạp đầm, ghi đông cánh én, bận áo dài trắng, tóc thề phủ sau vai. Thường thì các cô xuống ở trọ dưới thị xã một tuần mới về thăm nhà một lần. Chiều thứ sáu thì các cô về. Chiều chủ nhật các cô lại xuống.

Các cô học trò ở Cẩm Khê này đều đẹp. Đó là cô Lan, cô Nga, cô Kiều, cô Kim, cô Ngân…Tôi nhỏ tuổi hơn mấy cô nên tôi không bao giờ nghĩ tới . Tuy nhiên, mỗi buổi chiều, ngồi trong bụi cây, nhìn ra đường cái, thấy bóng dáng mấy cô đi xe đạp trên đường tỉnh lộ, tôi cũng thấy lòng mình bồn chồn, một cảm giác khát khao vu vơ nào đó. Cô Lan là cô đẹp nhất, mái tóc dày và đen mượt, chiếc eo thon ngồi trên xe đạp đầm, trông cô giống như mấy tài tử xi nê mà tôi đã nhìn qua trong mấy trang bìa của báo Điện Ảnh. Cô Nga cũng có cái eo rất thon, cô bận áo dài trắng học trò thì tuyệt. Cái eo thon của cô được cái áo dài trắng bằng lụa mỏng ôm sát, thấy rõ cả thân thể nỏn nà, kèm theo cái quần lụa trắng nữa. Khi cô đạp xe qua, gió chao nghiêng ngược chiều, lồng lộng, như hất thân thể cô ra khỏi xe đạp. Nhìn dáng người cô như bay chấp chới trên đường, tôi thấy lòng mình cũng chấp chới.

Thêm một nữ sinh nữa là cô Kiều. Cô Kiều có một cái lý lịch “lá ngọc cành vàng”, là con một ông xã (lý trưởng) trước đây. Ông xã Nhàn. Nghe nói ông xã Nhàn là một địa chủ có tầm cở ở Phước Long. Ông có nhiều ruộng đất cho nông dân thuê mướn làm “rẻ”. Làm “rẻ” có nghĩa là cho nông dân canh tác, khi thu hoạch xong phải trả cho chủ đất bao nhiêu theo sự thoả thuận. Tôi thật ra chẳng thấy gì ở cái “ảo ảnh” danh giá ấy, nhưng cô Kiều thật sự là có mái tóc đẹp.

Mái tóc cô Kiều dài và rậm. Thuở đó chẳng có “mốt, miết” gì để tôn vinh cho mái tóc đẹp thêm. Nhưng cô Kiều thật sự là có mái tóc đen nhánh ôm choàng lấy lưng cô. Mỗi khi cô đi xe đạp, mái tóc dài, rậm, phủ trên toàn bộ tấm lưng, khiến tôi chỉ nhìn thôi mà cũng đâm ra mê mẫn tâm thần.

Tôi thì không cần biết ông xã Nhàn là ai, cũng không cần biết ông làm xã trưởng lúc nào, ở đâu? Gia tài ông có bao nhiêu thửa vườn, thửa ruộng. Nhưng mái tóc của cô Kiều thì tôi mê, lúc tôi mới mười hai tuổi. Mái tóc đó ám ảnh tôi đến nổi, khi tôi lớn lên, tôi mê luôn bản nhạc của Văn Phụng, bản nhạc “Suối tóc”.

Tôi vẫn là đứa con nít, đi giữ bò, ngồi trong bụi rậm, ngóng ngó ra đường cái, ngắm những bóng giai nhân học trò, mà mơ mộng… hảo huyền.

***

Nhưng có một chuyện gần hơn.

Đó là chuyện chị Sanh, chị của thằng Nam.

Thằng Nam bạn học lớp nhất với tôi. Thằng Nam gầy gò, loắt choắt, nhỏ con, “lợi khẩu”, nhưng không ngờ nó có bà chị, chị Sanh, thật đẹp.

Chị Sanh lớn hơn tôi đâu ba, bốn tuổi gì đó.

Nói về nhan sắc của chị Sanh, phải nói là đẹp. Chị dáng người rất “mi-nhon”, tóc thề phủ kín ngang vai. Chị con nhà gia giáo nên lớp đàn anh quê tôi nhìn chị chỉ biết “mê” mà không giám đến gần. Với đám dân quê chân đất thì chị Sanh là công chúa, là quận chúa, là tiểu thư. Bởi vì chị là con ông giáo Thành, một nhân sĩ, một cựu giáo chức, một “địa chủ” ở quê. Tôi không ưa thằng Nam vì nó là “đối thủ” của tôi trong lớp, nhưng mê chị Sanh thì tôi vẫn mê. Vì chị là khói sương, là huyền ảo, là một cái gì đó tôi nghĩ là tôi không bao giờ với tới. Tôi chỉ có một điều là nhỏ tuổi hơn chị. Nhưng điều đó có nghĩa lý gì đâu.

Như vậy là chị Sanh cũng là một trong những “giấc mơ tôi” thuở thiếu thời và tôi đã “hạnh ngộ” với chị trong một buổi chiều, đầy éo le và say đắm bên gò ông Đốc.

Đó là buổi chiều tôi đang chăn bò ở gò ông Đốc.

Nắng quái buổi chiều làm tôi khô khốc, nên tìm bụi rậm để nghỉ ngơi. Đàn bò 3 con tôi chăn đang gặm cỏ ngoài kia, tôi ung dung nằm trong bụi rậm có tàng cây giăng bóng mát. Tôi nằm trên bãi cỏ mà ngó mông lung ra ngoài đường cái.

Tôi đang nằm lơ mơ thì bỗng có bóng một chiếc xe đạp đang chạy vào, trên xe là một cô thiếu nữ. Ô! Đó là chị Sanh.

Chị đạp xe dáng hấp tấp và không nghĩ là có người đang nằm trong bóng mát . Đó là tôi, một đứa con trai đang lom lom đôi mắt dòm ngó chị từ xa. Chị vứt cái xe đạp trên bờ cỏ rồi chạy vào trong một góc khuất (ngặt nỗi trong góc khuất có tôi đang phục kích). Có lẽ, chị bị đau bụng lắm rồi. Chị ôm bụng chạy vào một chỗ kín (theo chị) để xổ bầu tâm sự.

Gần đó, khoảng năm mét, có tôi, thằng con trai mới lớn đang lom lom nhìn chị, nhìn từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Tôi cũng cố nép mình dưới cái bụi trâm bầu, cho chị đừng phát hiện ra tôi và nín thở.

Tôi đã nhìn tất cả những gì chị có. Chị “nổ bom” rọt rọt, rồi nước… bắn tứ tung, rồi những gì cần xổ ra đã được xổ. Tôi không màng cũng như không thấy cái gì khác, ngoài một “vạt đen” lung linh trước mắt. Ôi, cái quý giá nhất của một người con gái tôi đã thấy.

Tôi nín thở, đôi mắt nhìn say mê, đau đáu.

Tôi không phải là Chữ Đồng Tử nên không thể trồi cát lên gặp nàng công chúa Tiên Dong. Tôi là thằng học trò ngố đang “giữ bò”, nếu tôi lộ mặt ra chắc chị Sanh sẽ mắc cở lắm, chị sẽ chữi vào mặt tôi là thằng mất dạy, thằng dòm … trộm, nên tôi đâu dám ra mặt. Khi chị Sanh đứng dậy, cột giây lưng quần, quay ra lấy xe, đạp đi, tôi mới đứng lên và thẩn thờ như kẻ mất hồn.

Tôi ra lùa bò về chuồng, đúng là “người đi trên mây.”

Trần Yên Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...