tranh mai trung thứ
Ba
tôi không yêu mạ tôi, đó là một sự thật suốt cả cuộc đời không một lần
cả hai người hở ra với con cái. Tôi biết được nhờ láu lỉnh và thói quan
sát bẩm sinh.
Ba tôi là người đàn ông ở ngoài mơ ước đẹp nhất của
mạ tôi. Ông có vẻ đẹp trời phú, một giọng hát ấm áp và một cái bằng
diplome ở vị trí đầu bảng. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc ông
được người giàu nhất tỉnh lúc bấy giờ là ông bác Vĩ nhận làm con nối
dõi, được hưởng tập ấm. Ông bác Vĩ là anh ruột của ông nội tôi, khi ông
bà nội tôi bị chết bom, ông bác Vĩ đem cả bốn đứa con người em ruột đem
về nuôi, trong đó có ba tôi. Ông bác Vĩ không có con trai, hai đứa con
gái sang ăn học bên Tàu từ nhỏ, ba tôi được chọn làm con là vì lẽ đó.
Mạ tôi nhan sắc tầm thường, một chữ bẻ đôi cũng
không biết, chị của 9 đứa em đói rách lầm than. Nhà ông ngoại ở xóm Dừa,
xóm nghèo nhất Thị trấn. Nếu trai gái trong xóm không lấy nhau thì họ
đành chịu ế, chẳng ma nào xóm khác muốn bạ men. Cái thời trai gái 16, 17
tuổi là đến tuổi dựng vợ gả chồng trong khi mạ tôi đã 25 tuổi đầu vẫn
chưa có nhà nào trong xóm đánh tiếng hỏi han, đủ biết bà không có khả
năng quyến rũ bất kì chàng trai nào trong xóm.
Người ta vẫn khen mạ tôi khỏe mạnh hiền lành nhưng
ai cũng sợ đoàn tàu há mồm chín đứa em có thể nuốt chửng hai chục lon
gạo một ngày. Mạ tôi thủ phận gái ế, ngày đêm sấp mặt kiếm ăn cho cả
nhà. Cái từ sấp mặt rất đúng đối với bà cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Sáng đội chồng nón ra chợ bán buôn, chồng nón ba chục cái đè cổ bà cúi
gập. Chiều ra đồng cày cuốc, lưng bà hất lên gập xuống trên cánh đồng
chua mặn của xóm Dừa, cánh đồng chẳng có gì tươi tốt ngoài cỏ lác cỏ năn
và cá lia thia. Tối gò lưng gập mặt lợp nón khâu nón đến nửa đêm, vùi
mặt trong đống lá nón dưới chân đàn em ngủ như chết. Ba giờ sáng bò dậy
nấu nước cho cha, hâm cháo cho em, dọn nhà quét sân giặt giũ áo quần...
Sáu giờ sáng lại đội chồng nón ra chợ. Một ngày của mạ tôi là vậy, chưa
một lần bà ngước lên tự hỏi rồi đời mình sẽ ra sao, chồng con rồi sẽ thế
nào.
Một lần đang bữa cơm ông ngoại chợt nhìn mạ tôi
chăm chăm, nói mi biết thằng Vũ con ông cu Cuông không Thu? Mạ tôi lườm
ông ngoại rồi thở hắt, nói thôi đi bọ ơi, hỏi chi hỏi lắm. Câu hỏi đã
quá nhàm khiến mạ tôi phát chán, từ năm 17 tuổi bà đã nghe ông ngoại hỏi
vậy rồi, từ bấy đến khi bà 25 tuổi ông ngoại đã hỏi đi hỏi lại hàng
trăm lần. Có lẽ đó không phải là câu hỏi, đó là sự tiếc nuối.
Ông cu Cuông là ông nội tôi, người bạn nối khố chí
thân của ông ngoại tôi. Ông bà nội tôi thuộc dân xóm Dừa, nghèo hèn
chẳng khác gì ông bà ngoại. Họ đã hẹn với nhau trong cả đống con cái của
hai nhà nhất định phải có một đôi thành vợ thành chồng, đó là thằng Vũ
(ba tôi) và con Thu (mạ tôi). Hẹn hò chưa được bao lâu thì ông bà nội
tôi bị chết bom, bốn đứa con được người anh ruột là ông bác Vĩ đem về
nuôi cho ăn học rất tử tế, nhanh chóng biến họ thành công tử, tiểu thư
giàu sang phú quý, nhất là ba tôi được ông bác Vĩ chọn làm con nối dõi
thì niềm hy vọng mong manh của ông ngoại tôi cũng tắt ngúm luôn. Thỉnh
thoảng ông ngoại tôi vẫn kể lại lời hứa hẹn năm xưa, mạ tôi không buồn
nghe, thường bỏ ra sau nhà khóc, bà thấy nhục hơn là nuối tiếc.
Cơm xong mạ tôi bưng mâm đi ra giếng, vừa ra tới
cửa ông ngoại tôi gọi giật, nói Thu, đứng lại bọ nói. Mạ tôi ngạc nhiên
nhìn ông ngoại. Ông ngoại làm bộ như không có gì quan trọng, nói chiều
ni ông Vĩ tới nhà, té ra trước khi chết ông Cuông có nhắn lại cho ông Vĩ
lời hẹn của tụi tao, rứa mới hay chơ!
Mạ mình suýt đánh rơi cái mâm nhưng bà trấn tĩnh
lại được, bà lườm ông ngoại, nói thôi đi bọ, tin chi ba chuyện tầm vơ.
Mạ tôi bưng mâm quay ngoắt, nhưng kể từ đó bà đi không vững nữa, đất
trời quanh bà chao đảo ngả nghiêng.
Tới gần giếng mạ tôi ngồi sụp xuống, bà ngồi ngửa
mặt trông trăng cả tiếng đồng hồ. Và bà đi, cứ ngửa mặt trông trăng như
thế bà đi như kẻ mộng du ra đến tận bờ sông Linh. Lần đầu tiên mạ tôi
khỏa thân dưới trăng, bà ngập vào sông Linh bơi lội tha hồ cho tới
khuya. Trăng 11 đã tàn từ lâu mạ tôi vẫn không về, bà ngồi thu lu trên
bờ đê nhìn trời đang rựng sáng. Bà sợ phải về nhà, hai ông bà già ốm yếu
già nua và 9 đứa em đang nằm ngổn ngang trên sạp nứa sẽ làm tắt ngúm
giấc mơ đẹp nhất của đời bà, giấc mơ chàng công tử đẹp trai với nàng nhà
quê đói rách rốt cuộc vẫn chỉ là giấc mơ hão.
Thế rồi một ngày ba tôi xuất hiện trước ngõ với tư
cách chàng rể đón mạ tôi về nhà chồng giữa năm trăm cây đèn lồng, một
ngàn chiếc chiếu hoa do ông bác Vĩ bỏ tiền ra rải dọc lối vào ngôi nhà
tranh rách nát mười hai miếng ăn ông bà ngoại của tôi. Sự kiện này làm
rúng động Thị trấn bốn ngàn nóc nhà, duy nhất chỉ có hai nhà lầu, đó là
nhà ông bác Vĩ và nhà ông Hiệp Phú cũng là ông bác tôi nốt. Một giàn kèn
đồng Tây bốn mươi người thuê tận Thị xã Hoa Hồng đồng loạt cất tiếng
vang rền khi ba tôi bước vào ngõ làm ngất ngây hết lượt dân Thị trấn.
Cả nhà ông bà ngoại tôi đứng ngẩn ngơ nhìn ra như
là chuyện của ai đó chứ không phải của nhà mình. Ông ngoại tôi véo đùi
hai ba lần, nói oa chà, mơ hay thiệt ri bay! Dù đã được báo trước mạ tôi
cũng không khỏi bàng hoàng. Những gì đang diễn ra trước mắt khiến bà
choáng ngợp đến nỗi không đứng vững được nữa. Mạ tôi ngã khụy xuống sân
nhà, lấm hết bộ quần áo lụa màu mỡ gà ông ngoại tôi phải bán đi một con
bò con mới mua được.
Trời, Phật tới nhà cũng đến thế mà thôi.
Mạ tôi ngây ngất đến độ coi sự dửng dưng của ba tôi
trong đám cưới cũng như trong suốt ba mươi đêm bà vò võ đợi ông trên
chiếc giường gỗ lát bốn chân quỳ rộng rinh rang, chạm trổ tinh vi trong
căn buồng thơm nức mùi gỗ pơ-mu, không một lần ông bước vào, cũng chỉ là
một thử thách thánh thần trước khi ban cho bà thứ ân huệ vĩnh hằng.
Đêm thứ ba mươi mốt ba tôi mới chịu vào buồng, khi
không còn tìm được bất kì lí do chính đáng nào để từ chối hợp cẩn với
người đàn bà hơn mình hai tuổi, vì những thề thốt nặng lời của cha mẹ
hai bên, buộc phải coi nhau là vợ chồng. Ông vén tấm màn che cửa uể oải
bước vào, uể oải ngồi xuống cạnh mạ tôi. Và ông ngáp, cái ngáp kiêu ngạo
đáng ghét.
Mạ tôi giấu hân hoan vào bộ ngực đầy, giấu luôn đôi
mắt long lanh chứa chan hy vọng. Bà ráng làm mặt giận, cố hắt ra một
câu suốt ba mươi đêm vò võ một mình bà đã nhẩm thuộc làu, nói răng không
đi luôn đi, vô đây mần chi. Nhưng bà đã không nói được. Khi ba tôi cầm
nhẹ tay bà, nói giận anh không, bà đã khóc òa.
Mạ tôi suốt đời không biết người đàn ông nào khác
ngoài ba tôi. Không phải vì thứ đức hạnh truyền kiếp của đàn bà chân
quê, chính là vì bà tự biết mình được hưởng phúc quá lớn, hơn vạn đêm
được “quân tử nằm kề”, con số chính xác có trừ đi khoảng bốn ngàn đêm ba
tôi vắng nhà đi công tác hoặc qua đêm với một ai đó trong bốn chục
người tình nửa nắng của ông.
Điều duy nhất mạ tôi quan tâm là làm sao ông không
chán bà chứ không bao giờ dám nghĩ điều ngược lại. Mạ tôi không cần đếm
xỉa đến bao nhiêu lần ba tôi ôm ấp người tình, bà chỉ cần biết thời khắc
ông riết bà vào lòng, đẩy bà vào rên xiết ái ân, dù không ít lần ông là
kẻ chiến bại, bẽ bàng nằm trơ trong hừng hực lửa tình chính ông đã đốt
cháy lên, phải vất vả lắm bà mới làm nó nguội đi được. Thế cũng đủ cho
mạ tôi hạnh phúc.
Hạnh phúc của mạ tôi giản đơn như cây cỏ, cứ ba năm
hai lần vác cái bụng vượt mặt đi lại vênh vang giữa chợ phiên và hả hê
chửi ba tôi như chửi chó mỗi lần vượt cạn.
Nguyễn Quang Lập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét