Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"
(Nguyễn Du)
Trong số người gần gũi với Thế tổ Nguyễn Phúc Ánh
những năm mưu phục lại cơ đồ nhà Nguyễn có một hào kiệt mà không sử sách
nào nhắc đến. Người đó là Ðặng Phú Lân.
Lân quê ở Hưng Hóa, cha là Ðặng Phú Bình, trước là
thuộc tướng của Trịnh Bồng. Bình tính ngang tàng, võ công thâm hậu, thấy
chúa Trịnh hèn mà cách xử thế keo kiệt, không xứng đáng với bậc vương
giả nên bỏ Trịnh Bồng vào Ðàng Trong. Khi Tây Sơn nổi lên, Bình theo
Nguyễn Nhạc, Nguyễn Nhạc không tin Bình, cho Bình là dân Bắc Hà trí xảo,
không trung tín. Nhạc chỉ cho Bình làm một chức quan võ nhỏ ở vùng sơn
cước mãi tây Bình Thuận. Bình bất đắc chí, suốt ngày uống rượu, nhiều
khi say quá, cứ trông về phía trời Bắc mà khóc hu hu.
Lân can thế nào
cũng không được. Về sau Bình ngã nước, râu tóc rụng hết, gầy tọp đi, da
vàng như nghệ, chỉ nằm chờ chết. Bình có một thanh kiếm gia truyền, sắc
như nước, sống kiếm đổ chì, sức chém khủng khiếp. Trước khi chết, Bình
trao thanh kiếm lại cho Lân, bảo rằng: "Con ơi, nước đang có loạn. Tây
Sơn bây giờ đang lên như thế chẻ tre. Nhưng ta thấy sức chơi của bọn
người này bất quá chỉ như trọc phú nhà giàu, gÁnh vác giang sơn sao
được? Ta đồ rằng mệnh Tây Sơn có hạn. Hiện Gia Ðịnh có Nguyễn Phúc Ánh
là nòi vương giả, con gắng vào đấy tìm xem". Lân khóc, mắt chảy có máu.
Bình giãy mấy cái, mồ hôi toát đầm đìa, người cứ lạnh dần rồi chết. Lân
lấy kiếm đào huyệt chôn cha; tìm đường vào Gia Ðịnh theo Nguyễn Phúc
Ánh. Lúc bấy giờ Lân mới hai mươi tám tuổi.
Nguyễn Phúc Ánh ở Gia Ðịnh tìm cách lật đổ Tây Sơn,
khi này thế đã mạnh. Ánh là người đa mưu túc kế, tính kiên trì, không
tin ai, dùng người lấy chữ "hiệp", chữ "lễ" làm trọng, không coi "nhân",
"nghĩa", "trí", "tín" ra gì. Thỉnh thoảng, Ánh vào trong đất Thuận
Quảng, xuất quỷ nhập thần. Người Ðàng Trong sợ Ánh hơn là thích Ánh. Ánh
đi đến đâu nghe nói cũng có mây đen cuồn cuộn bay đằng trước, dân cư
thấy có mưa là biết Ánh vừa đi qua.
Lân gặp Ánh. Ánh thấy Lân khôi ngô, ăn nói khoan
hòa mà thủ đoạn táo bạo thì thích lắm, cho ở luôn bên mình. Một lần
thuyền Ánh qua cửa Tiền Giang, có bốn người đi theo, trong đó có Lân.
Bấy giờ có con cá sấu rất to cứ bơi theo, đuổi thế nào cũng không được.
Mọi người lo sợ, thấy phải có người nhảy xuống làm mồi cho cá sấu thì
mới thoát.
Ánh hỏi: "Ai vì nước Việt mà chết?"
Ba người kia tình nguyện chết, chỉ có Lân ngồi im. Ánh trừng mắt hỏi Lân:
"Trượng phu quý mạng sống thế à?"
Lân chắp tay: "Chúa công đừng giận. Nước Việt thì không ai hại được. Còn thoát hàm cá sấu, cần gì phí một mạng người!"
Nói rồi nhặt hòn đá ở mạn thuyền ném con vịt giời
bay qua. Vịt giời rơi xuống nước, cá sấu thấy vậy vội bỏ thuyền lao đến
chỗ vịt giời. Ánh cười ha hả bảo rằng: "Thế này thì nghiệp ta thế nào
Trời cũng cho thành".
Ánh đi đâu cũng cho Lân đi theo, cũng nhiều khi Ánh
xem ý Lân để liệu xử thế với người, lần nào cũng trúng. Có lần, lúc này
thế Ánh như diều gặp gió, trước Tết Nguyên đán, các tướng lĩnh, các nhà
hào phú quanh vùng, cả dân chúng Gia Ðịnh nữa cũng mang lễ vật đến
mừng, Ánh cho Lân ra nhận lễ vật. Lân ra nhận, cho ráo vào cả một kho.
Khách đến chúc mừng Ánh, chỉ đi chân tay không mà vào. Bọn Lê Văn Duyệt,
Nguyễn Văn Thành, Võ TÁnh thấy lễ vật của mình cũng bị xếp cùng với lễ
vật những người khác thì căm tức. Bọn này phàn nàn với Ánh, ý trách Ánh
để tả hữu coi thường mình. Ánh cười bảo rằng: "Lân là người có văn, có
võ, lại cương trực, trung thành với chủ, cứ để hắn khu xử. Hắn có cách
khu xử của hắn. Những người gần ta không phải kẻ tầm thường đâu".
Sáng mồng một, lập đàn tế thần, Ánh cho Lân đứng ra
chia lộc thÁnh. Lân chia phần đều ai cũng như ai, mọi người rất hớn hở.
Sau việc này, Ánh hỏi Lân, Lân đáp: "Nghiệp chúa công chưa thành, thế
mà đã có kẻ dâng lễ vật nhiều, dâng lễ vật ít. Biết lễ vật của từng
người, chúa công sau này dùng họ khó." Ánh bảo: "Phải!" Lân lại nói:
"Việc chia phần đều nhau là để ai cũng thấy mình phải cố gắng". Ánh bảo:
"Cũng phải". Ngồi một lúc Ánh nói: "Chỉ e ngươi căn cơ quá chăng?" Lân
đáp: "Ðầy tớ không căn cơ có hại cho chủ". Ánh bảo: "Ngươi là dân Bắc
Hà; Ngươi không hiểu dân Ðàng Trong như ta được. Ngươi tưởng làm thế là
chu toàn, nhưng bậc vương giả thích sự tiện lợi hơn cả". Lân bảo: "Chúa
công nói phải, căn cơ chỉ hợp với bần tiện, nhưng đất của Chúa công bây
giờ nhiều hơn đất của Tây Sơn hay của Tây Sơn nhiều hơn?" Ánh cau mày
đáp: "Ta chỉ vỏn vẹn có ba thước đất chôn thây thôi". Lân bảo: "Không
phải thế. Chúa công được lòng trời đất, chỉ cần Chúa công thành tâm".
Ánh ngồi im, lát sau lại hỏi: "Nhạc không nói làm gì. Lữ không nói làm
gì. Huệ có cách gì mà giỏi giang thế?" Lân đáp: "Huệ giỏi dùng người tài
nhưng không giỏi dùng người thường. Chúa công khác Huệ". Ánh ngồi im
không nói năng gì.
Khi Nguyễn Huệ chết, con trai là Nguyễn Quang Toản
lên ngôi, Tây Sơn năm bè bảy mối. Ánh mừng lắm sai mở tiệc mừng. Lân
đứng ra can: "Chúa công đừng làm thế, dân chúng nhìn vào không cho ta là
người đại lượng". Ánh bảo: "Huệ coi ta là quốc thù, hịch truyền khắp
nơi, lời lẽ bẩn thỉu lắm. Ta với Huệ không đội trời chung. Nó chết ta
cười cũng không được ư?" Lân đáp: "Huệ không có tội gì, chỉ là một người
tài, bị trời hành, cũng như Chúa công vậy. Nhưng lực lượng của Huệ
không được hưởng phúc lâu dài, thế là Huệ dăm bảy đường thiệt. Ta lấy
lộc của kẻ được hưởng phúc trời mà cư xử, trời thấy ta phải, người cũng
thấy ta phải". Ánh nghe Lân nhưng nghiến răng nói: "Khi nào ta thành
nghiệp lớn, ta phanh thây nó, ta chôn ba họ nó". Lân bảo: "Chẳng lâu
đâu, Chúa công cứ nhịn cười, lúc ấy cười một thể". Quả nhiên sau này khi
Ánh chiếm Thăng Long, thống nhất giang sơn, Ánh trả thù Tây Sơn rất
thảm khốc.
Khi Ánh chiếm Phú Xuân, cướp được một ca nữ xinh
đẹp lạ lùng, tên là Ngô Thị Vinh Hoa, vừa tròn mười tám tuổi. Vinh Hoa
hát hay, đàn giỏi, điệu bộ rất duyên dáng. Một đêm, Ánh hứng khởi, sai
Lân đưa Vinh Hoa vào bày tiệc, ngồi nghe hát. Lân bảo: "Hát bài Triều
Thiên Tử". Vinh Hoa ôm đàn hát:
Kìa xanh xanh
Mấy nụ non
Mấy lá non
Nhờ mưa xuân mang sữa cho
Nhờ gió xuân mang khí thổ cho
Nhờ đất mang lương thực cho
Chẳng chịu cho ai hái
Càng lớn, nhan sắc càng mỹ miều
Càng lớn, phẩm hạnh càng thanh sạch
Càng lớn, càng cả thẹn
Thơ nào tả được vẻ đẹp này
Bút nào vẽ được ý tứ này
Ai tương tư mà chau mày
Ngủ thì thôi, tỉnh lại nhớ
ấy là trời cho
Vẻ đẹp hoàn hảo
Vẻ đẹp thiên kim.
Ánh vỗ tay reo: "Hát hay quá". Lân lại bảo:" Hát bài Tình Sông Núi". Vinh Hoa ôm đàn hát:
Kìa núi cao cao
Kìa sông xanh xanh
Núi do đâu mà ra
Sông do đâu mà ra
Tráng sĩ xa nhà
Lặn lội trên đường
Nơi cố hương
Mẹ già bạc đầu
Gái quý đêm nằm trằn trọc
Lấy gì trả nghĩa tình
Uống chén rượu sầu
Mời núi cao một chén
Lạy thiên tử ba lạy
Chẳng quên tình sông núi
Chỉ thương tình mẹ già với người đẹp phương xa.
Ánh cau mày: "Hát hay nhưng buồn quá". Vinh Hoa quì
xuống lạy: "Tiện thiếp làm rầu lòng người trời". Lân đỡ dậy, bảo rằng:
"Người chớ lo, Chúa công lòng rộng, những thứ tình cảm sướt mướt của bọn
người thường không hợp với Chúa công đâu". Nói xong, Lân sụp xuống lạy
Ánh: "Ngày mai Chúa công ra trận vui thú ít thôi, cần nghỉ ngơi". Ánh
thở dài đứng lên: "Cũng phải ngươi ép ta, đến nay là chín năm rồi, ta
còn nhớ. Từ khi ngươi cắp gươm hầu ta, ăn ngủ cũng phải tính giờ. Xưa
kia ta đâu phải vậy?" Lân đáp: "Chúa công chịu mệnh trời, gÁnh nặng hơn
người". Ánh bảo: "Ta chỉ thích như người thường thôi!" Tuy nói thế nhưng
cũng rũ áo vào trướng. Vinh Hoa ôm đàn lui ra. Hôm sau, Ánh bảo Lân:
"Ta đi mà cứ văng vẳng tiếng hát ca nữ bên tai, tiếng gió thổi, tiếng
gươm dao không át được". Lân bảo: "Chúa công còn nhiều cơ hội nghe hát,
nhưng cơ hội diệt Tây Sơn chỉ có một".
Ánh họp các tướng, bàn kế hoạch đánh ra Thăng Long.
Lê Văn Duyệt tâu: "Bắc Hà có nhiều danh sĩ tài giỏi. Sao cho cờ của ta
đến đâu, bọn khốn nạn này mà theo thì dân chúng cũng phải theo thôi".
Ánh bảo: "Không được. Ta ủy mệnh trời, cần gì mua chuộc ai? Ta đến đâu,
đào hố đến đấy, chôn chúng nó xuống, dân chúng không theo không được".
Quan tướng ai cũng thấy phải, ngồi yên lặng cả.
Ðêm ấy Ánh thao thức không ngủ được, gọi Lân đến
bảo múa kiếm cho xem. Lân cầm thanh kiếm gia truyền, múa loang loáng,
nghe như có gió thổi bốn bề. Ánh nhìn toát cả mồ hôi, đoạn bảo đưa kiếm
cho xem. Ánh cầm thanh kiếm hai tay, phát đứt một cây hoa dại vòng gốc
như cột nhà mà chỉ bằng một nhát. Nhựa cây phun ra như máu trắng. Ánh
hỏi: "Kiếm của ngươi sao sắc bén vậy?" Lân bảo: "Ðây là kiếm thần, không
rõ xuất xứ, tổ phụ truyền lại". Ánh hỏi: "Sao bây giờ ta mới thấy nó?"
Lân bảo: "Trước Chúa công chỉ thấy đầu rơi dưới kiếm, bây giờ mới nhìn
rõ kiếm. Thế là sắp thanh bình thịnh trị rồi đó". Ánh cầm thanh kiếm
không muốn rời tay.
Ánh hỏi: "Trưa nay khi nói việc ta muốn chôn danh
sĩ Bắc Hà, sao ngươi tái mặt?" Lân tâu: "Lân là người Bắc Hà nên tủi
phận mình sợ cho mình". Ánh bảo: "Ta chỉ ghét bọn chữ nghĩa thôi, còn
ngươi là con nhà võ thì sợ gì. Chữ nghĩa chúng nó thối lắm, ngụy biện
xảo trá tinh vi. Hành tung chúng, ta chẳng lo. Toàn lũ ốm o, như dòi
chồn hèn mọn cả". Lân bảo: "Ða số như thế, chôn cũng đáng. Chỉ có đôi
người khá, chúa công được họ thì thêm sang cho chúa công". Ánh bảo: "Ta
không tin bọn nó theo ta. Chúng nó quen tỉ tê với chữ nghĩa thì sẽ coi
ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa đầu óc chúng nó mệt lắm". Lân bảo:
"Thế là chúa công vẫn quen dùng người thường, ở bậc cao nhân còn gì còn
chuyện vô đạo, hữu đạo? Tâm ở sự thành, đâu phải ở lòng? Chúng không
chịu hiểu là lỗi ở chúng. Ðã ai hiểu việc chúa công dùng Bá Ða Lộc, dùng
người ngoại quốc? Chúc công còn phải mang tiếng ba trăm năm". Ánh lo sợ
nói: "Phải làm sao?" Lân bảo: "Chẳng làm sao được, nhưng bên cạnh chúa
công có vài người như Ngô Thì Nhậm thì không sao cả".
Ánh bảo: "Ta muốn cho ngươi đi trước, chiêu mộ đôi
ba người, thế là công to lắm". Lân sụp lạy: "Ðược thế còn gì bằng, Lân
cũng không thẹn mặt với nơi sinh ra mình". Ánh bảo: "Ta giữ thanh kiếm
này để khi ngươi quay về, có tin hay, ta có cớ mà khen thêm. Còn không
được việc, ta có linh khí mà trừng phạt". Lân tái mặt nhưng đành phải
chịu.
ít bữa sau, Lân cãi trang, giắt theo ít vàng bạc,
tìm đường ra Bắc Hà. Lúc này Bắc Hà nhốn nháo lắm, triều đình Tây Sơn
như trứng để đầu đẳng. Bọn tướng của Tây Sơn tranh giành nhau, chẳng còn
biết giữ gìn tiếng tăm nữa. Lân thân cô, thế cô, lang thang đây đó, đi
khắp nơi tìm người tài giỏi nhưng không thấy ai ưng ý.
Một hôm, Lân vào nghỉ ở một quán trọ ven đường,
thấy có một người cốt cách hiền lành, dáng điệu bồn chồn đang ngồi uống
nước chè suông. Hai người nói chuyện. Lân ngạc nhiên thấy người này
trong trẻo lạ thường, tâm hồn sạch như nước ở suối ra. Lân cố mời rượu,
người này chỉ uống một tí đã đỏ mặt. Con gái chủ quán rất xinh đứng ra
hầu rượu. Người trẻ tuổi bảo: "Khách ở nơi xa đến, mệt mỏi vì công danh
không đâu, chưa biết thế nào là đường đi lối lại, cô Cầm hát một bài cho
nghe đi". Lân thoáng ngạc nhiên, rồi bình tâm lại, vật nài mãi, cô con
gái chủ quán bèn ôm đàn ra đưa cho người trẻ tuổi. Người trẻ tuổi gảy
đàn, cốt cách rất ư thanh lịch. Cô con gái chủ quán hát:
Kìa trăm năm
Tài mệnh là gì
Chỉ thấy đớn đau
Nhờ mưa mang sữa cho
Nhờ đất mang lương thực cho
Chẳng chịu cho ai hái
Ai hái cũng phí
Nhan sắc mỹ miều cũng qua thôi
Phẩm hạnh thanh sạch cũng nhạt thôi
Càng lớn càng cả thẹn
Cố tả được vẻ đẹp này
Gắng vẽ được ý tứ này
Ai tương tư cho rầu lòng
Ngủ thì thôi, tỉnh lại nhớ
ấy là trời buộc
Cô quạnh vì nàng
Ta đi săn, đi câu
Vẻ đẹp hoàn hảo
Vẻ đẹp thiên kim
Bao giờ bốc mộ
Nhỏ cho một giọt nước mắt
Kìa trăm năm
Tài mệnh là gì
Chỉ thấy đớn đau
Lân nghe xong, thở dài trào máu ra từ ngũ khiếu.
Lân kêu to: "Trời hỡi trời, sao giống bài Triều Thiên Tử vậy?" Cô con
gái chủ quán cười cười chỉ tay vào người trẻ tuổi: "Bài này không có
tên, do người này làm ra, chỉ để riêng cho Cầm hát". Lân thở dài nói:
"Bài hát hay quá, thật Lân này chưa biết thế nào là đường đi lối lại".
Nói rồi Lân cáo từ vào trong nằm nghỉ. Hôm sau Lân dậy sớm, bỏ đi không
chào chủ quán, cũng không hỏi người khách trẻ tuổi với cô Cầm, con gái
chủ quán.
Khi Lân đến được Thăng Long thì Nguyễn Ánh đã vào
thành rồi. Quân Ánh đi như nước lụt, Lân như cÁnh bèo bị sóng cuốn trôi.
Thâm tâm Lân cũng chẳng biết nên vui hay buồn, chỉ thấy trong lòng cảm
động.
Lân gặp Ánh xin chịu tội vì không làm được việc.
Ánh ngồi trên ngai vàng, tả hữu gươm giáo sáng quắc hai bên. Lân tự trói
mình, quì xuống sân rồng. Ánh bảo: "Ngươi theo hầu ta thế là chín năm
một trăm ngày. Chín năm không làm hỏng việc gì, còn một trăm ngày thì
hỏng việc, vô tích sự. Thế là trèo lên cây mà không hái được quả, đáng
tội chết". Lân không nói năng gì, vươn cổ ra chịu chém. Nghe nói Nguyễn
Ánh đã sai đao phủ dùng thanh kiếm gia truyền của Lân để chém đầu Lân.
Khi chém đầu, máu phun ra không đỏ mà trắng như nhựa cây, một lúc sau
thì bết lại.
ĐOẠN KẾT
Viết truyện ngắn này, tôi muốn để tặng gia đình ông
Quách Ngọc Minh để cám ơn thịnh tình của gia đình ông đối với riêng
tôi. Tôi cũng xin cảm ơn một số nhà nghiên cứu lịch sử và bạn bè quen
biết đã giúp tôi sưu tầm chỉnh lý những tư liệu cần thiết cho công việc
viết văn, vốn rất nhọc nhằn, phức tạp, lại buồn tẻ nữa của tôi...
Nguyễn Huy Thiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét