Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

Làm Thơ Như Nói Với Một Người - Đỗ Quý Toàn


 

Lúc sinh tiền nhà thơ Xuân Diệu có lần tự giới thiệu: ”Đặc sản của tôi là thơ tình”. Nhưng ông cũng làm thơ về nhiều đề tài khác, mà trong đó ông không bầy tỏ các rung đọng hay niềm hưng phấn bình thường của thơ tình.

Có một tác giả chỉ làm thơ về tình yêu, đó là Trần Mộng Tú. Đọc Trần Mộng Tú người ta thấy bài thơ nào cũng như để nói riêng với một người nào đó. Thơ kể chuyện tình yêu, nói với người yêu, nói về một người yêu. Một chiếc lá, một tách trà, một tảng đá, một ly nước lạnh, viên sỏi, những cánh tuyết tung bay như bướm động mùa, hay những cơn sống cuộn vào nhau ngoài biển, đều thúc dục nhà thơ nói chuyện với người yêu, kể chuyện tình yêu. Buổi chiều làm cơm ở Issaquah, Trần Mộng Tú nhìn đến lá hành, sợi miến, chén nước mắm, con cá rán,đều gợi đến hình ảnh của mộn người yêu. Ngôn ngữ của chúng ta giầu có thêm với “núi tình tứ” “gió mềm như tóc thời con gái” “mùa xuân đứng thách hôn”- mùa xuân tới trạm ngõ, hay “ngực rám hồng hương Sunkist thơm căng,” v.v…Nếu thi sĩ không viết về tình yêu thì chúng ta không có những ngôn ngữ đó. 

<!>

        Nhiều người may mắn đọc thơ cảm thấy như bài thơ nói với chính mình.Tôi gặp nhà văn đã đọc thơ Trần Mộng Tú, hỏi cảm tưởng của ông như thế nào. Ông nói “Ngay cả khi tôi khong quen Trần Mộng Tú, đọc thơ tôi vẫn cảm tưởng như nó (bài thơ) đang nói với chính tôi, như tôi đang được nghe một người yêu nói với mình.” Đọc một bài thơ như vậy, cả người đọc và người làm thơ đều may mắn. Chắc hẳn có nhiều người đọc thơ Trần Mộng Tú cũng chia xẻ cái cảm tưởng đó.

        Ở Praha, nhà thơ Trần Hồng Hà có lần hỏi “Anh biết chị Trần Mộng Tú không? Năm nay chị ấy bao nhiêu tuổi?” Tôi không biết, chỉ có thể cho nhà thơ đọc một bài văn, lá thư Trần Mộng Tú viết cho con gái đã lớn, đăng trên tạp chí Văn Học, “Bao giờ chú qua Mỹ chơi, anh sẽ nói chị Tú giới thiệu cho cô con gái của chị ấy” Nhắc lại chuyện này để nhớ thương Trần Hồng Hà mà tôi không bao giờ gặp lại nữa.

      Nhưng khi làm thơ, các thi sĩ có thật sự nghĩ đến riêng một người (may mắn hay không may mắn) nào đó chăng? Chắc chúng ta phải phỏng vấn nhà thơ, không phải việc làm thơ nói chung, nhưng về một bài thơ cụ thể nào đó. Cái ông ở New York là nhân vật nào vậy? Chắc thi sĩ sẽ không tiết lộ nguồn cảm hứng của mình,cũng như nhà báo bảo vệ nguồn tin.

   Nhưng chúng ta có nhất thiết phải phỏng vấn nhà thơ. Và liệu nhà thơ có biết sự thật về chính thơ của mình hay không? Thật sự có riêng một người cụ thể, riêng biệt nào để thi sĩ nói đến không? Hay chính thi sĩ đã tạo ra hình ảnh một người, bằng cả thế giới và đời sống đã đi qua chính mình?

Chúng ta cứ tưởng các thi sĩ làm thơ chỉ vì có “người đi qua đời tôi.” Nhưng thật sự thi sĩ cần phải đón nhận cả thế giới, cả cuộc đời,”người đi qua đời tôi” rồi mới tạo ra thơ. Hỏi thi sĩ ”Cái ông được dẫn ra bờ hồ xem vịt tên gì? thì nhà thơ có thể trả lời ngay không sợ lầm lẫn, ”Đó là cuộc đời, là sự sống tập khởi thành hình. Đó là mặt hồ, là gợn sóng, là núi, là sương mù,tất cả thu lại trong hình ảnh một người.

  Trong một cuộc nói chuyện với Eckermann nhà thơ J.F.von Goethe bảo: “Tôi chưa từng nói một điều nào mà chính tôi chưa sống qua, mà nó không thôi thúc tôi phải nói ra. Tôi chỉ là thơ tình yêu vì tôi đã yêu…” Đồng ý rằng khó làm được thơ tình nếu người ta chưa yêu, nhưng điều đó không có nghĩa là khi làm bài thơ tình này thì thi sĩ phải trải qua kinh nghiệm tình yêu đúng như bài thơ kể. Hỏi đích danh thì chưa hiểu người làm thơ.

   Vả chăng không ai muốn hỏi những câu hỏi vô duyên,như Hồng Y Ippolito d’Ester hồi thế kỷ 16. Khi nhà thơ Lodovico Ariosto kính cẩn đề tặng Đức Ngài tập thơ “Tình Điên của Orlando” (Orlando Furioso), chủ nhân chỉ hỏi viên thư ký của mình một câu: “Con tìm đâu ra mà lắm chuyện đến như vậy?” Ariosto không thể báo cáo tất cả các cuộc phiêu lưu của Orlando mà ông kể, chính ông đã trải qua. Nói vậy chắc là nói dối. Nhưng ông cũng không thể thú nhận tất cả chỉ là chuyện bịa đặt, lại nói dối nữa.

      Một bài thơ Trần Mộng Tú tôi chắc ai cũng nhận ra là thơ tình:

    

 Thân thể em

     soi gương đã cũ    

 trái đất ôm    

mấy chục vòng quay   

Sao    

vuốt ve anh  

   mỗi ngày một mới 

   có phải  

  mỗi ngày 

  anh đổi

   một bàn tay


Thi sĩ đang nói với một người, người thật, được mô tả là có cả tay chân, mỗi ngày một mới, có một người đúng như vậy hay không? Cái kinh nghiệm sống và yêu đương (chắc chắn đã trải qua, như Goethe nói,) đã xẩy ra nhiều lần, nếu không phải là mỗi ngày, kinh nghiệm đó nhà thơ có trải qua thật hay không? Nếu chúng ta đặt câu hỏi đó chắc thi sĩ sẽ không nói. Không nói chẳng phải vì nhà thơ không muốn, không biết hay trí nhớ không còn mẫn tiệp.

    Mà thật sự là vì, Thơ, không nên hỏi về thơ những câu như thế. Có thể hỏi thi sĩ những câu lẩm cẩm như vậy để nói chuyện khác, như bạn thân đùa nhau cho vui. Nhưng nghiêm mặt, hắng giọng, hỏi một câu như vậy về Thơ, thì không thể nói chuyện về Thơ được. Nhất định không thể nói chuyện về Thơ với một người đặt câu hỏi đó được.

        Bài Thơ hiện lên như vậy, nó ở ngoài tầm tay của thi sĩ. Đã nhiều người làm thơ nói “Tôi đâu có làm thơ,Thơ nó làm tôi” Nói như nói chuyện bị ma làm. Juan Ramón Jiménez kể “Yo no soy yo”  

Tôi không phải là tôi 

Tôi là nó 

Nó sáng tạo,

lặng im

  trong khi tôi nói

 

trần mộng tú

 

Giống như Pasternak viết “Trong nghệ thuật, con người im lặng, hình ảnh nói. “Nhưng có ai tạo ra hình ảnh, hay nó tự tạo ra? Cái nhân vật được gọi là Anh, (có phải mỗi ngày anh đổi một bàn tay) là sản phẩm do thi sĩ sáng tạo ra, nhờ thi sĩ mà ra đời. Chính cái cảm giác “mỗi ngày mới mẻ” trong bài thơ đã tạo nên nhân vật này. Chính vì người đọc đồng cảm được cái cảm giác đó mà sinh ra nhân vật này. Nếu thiếu những kinh nghiệm đó thì nhân vật không thành hình. Khi T.S.Eliot viết về tiếng nói Thơ như nói với một người nào đó, riêng một người nào đó, ông đã dùng óc phân loại văn chương của một thầy giáo dạy văn, chứ không phải qua kinh nghiệm sống của một nhà thơ. Mà ông cũng chủ trì rằng bài thơ nào ít nhất cũng có hai tiếng nói, nhà thơ thế nào cũng nói với chính mình, và chắc chắn cũng nói cho một người nào đó nghe. Phân tách chủ thể và đối tượng là một sự phân biệt giả tạm.

  Trong “Tố của Hoàng ơi hỡi nhớ thương!” Tố cũng là Hoàng. “Khi anh chết các em về đây nhé,” các em cũng chỉ là một người thôi. Anh ơi, nàng hỡi, chính là mình. Ngôi thứ hai đại danh  từ có mặt, vì ngôi thứ nhất có mặt, vì bài thơ có mặt. Sao vuốt ve anh mỗi ngày một mới? Rung động mạnh nhất  bài thơ gợi ra và để lại trong lòng ta không phải là một người, Anh. Cũng chẳng phải bàn tay.Mà chính cái cảm giác của người đọc bài thơ. Cảm giác đó phải có sẵn trong ta, chờ bài thơ thể hiện ra. Gottfried Benn nói là: “Thơ trữ tình không có một đề tài nào khác, ngoài bản thân thi sĩ.” Ngoài bản thân người đọc, phải nói thêm.  

Bài thơ hỏi sao cái vuốt ve mỗi ngày một mới, hay mỗi ngày anh đổi một bàn tay. Nhưng chỉ có thân thể thật sự đang đổi mới, đang hồi sinh. Mà thân thể con người có lúc nào không đang sống lại? Vì thân thể lúc nào cũng hồi sinh nên bàn tay thành mới mẻ. Chúng ta sống lại, mới mẻ từng giây phút một. Nhìn thân thể mình trong gương làm cho thân thể mình mới lại, nhìn và khám phá.Trái đất xoay quanh như một chuyển động tạo nên thân thể mới. Nhưng đâu cần soi gương mới thấy mình mới mẻ. Mỗi phút giây có thể thấy chính thân mình mới mẻ, khi ta đang sống thật sự trong xác thân mình, để hồn và xác trở thành một  đầy ngập và trống không.

    Sao vuố ve anh mỗi ngày một mới.Nhân vật Anh này không nhất thiết có tên, tuổi, và địa chỉ. Cảm giác mới, sự sống mới, mỗi ngày đều mới là “nhân vật” chính trong bài thơ. Sự sông luôn luôn là mới mẻ, nếu như chung ta trong mỗi giây phút đều đặt hết mình trong sự sống.

Điều đó nghĩa là như thế nào? Thật khó giải nghĩa như nhà giáo dạy văn.Những giây phút sống hết mình, ở đó, vào lúc đó, giống như kinh nghiệm người ngưng thở. Nhắm mắt, nín thở trong một phút, sẽ thấy cả con người mình đòi sống mãnh liệt, sống đầy đủ từ đầu tới chân, tâm cảm và thân cảm thấy là một. Nhìn một bông hoa nở, nghe tiếng chim gõ trên mái nhà bằng gỗ, hay gần gũi một người mình yêu, đều có thể tạo ra cho chúng ta sống hết mình như thế. Bài thơ sẽ tự nó sinh ra khi chúng ta mở cửa,để sự sống thể hiện, hết mình, như thế đấy. Nó tới đây, từ đầu, trong trẻo, khoác bộ áo hồn nhiên (Vino,primero,pura,vestido de innocenciaJiménez)

    Những tiếng Anh và Em sau cùng trong bài thơ cũng chỉ là ngôn ngữ. Ngôn ngữ có linh hồn nhờ chúng ta đã sống. trước hay sau khi làm bài thơ, thi sĩ có thể nhớ tới một nhân vật. Nhưng chính bài thơ không nói chuyện nhân vật đó. Nó hiện lên từ một giây phút sống tận cùng nỗi sống, và nó phải tạo ra cho người đọc thơ một giây phút bàng hoàng, muốn sống hết kiếp người trong khoảnh khắc. Bài thơ đến, khoắc bộ áo hồn nhiên, chúng ta bước vào đó với tấm lòng nguyên mới.

Có ba thứ tiếng nói trong thơ như Eliot phân biệt hay chăng? Tôi sợ chỉ có một. Đọc thơ, chúng ta buông trôi vào trong cái một, trong cơn sóng về thân xác hồi sinh, vino,pura,vestido de innocencia.

                                                                       

Đỗ Quý Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét