Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Thăm Nuôi - Truyện Trần Yên Hòa

 Vinh Danh Người Vợ Lính VNCH - Nguyễn Tường Tuấn

 

 

Chuyến tàu chợ Diêu Trì – Nha Trang dừng lại ở ga La Hai. Hai người đàn bà nhà quê xuống tàu, gồng gánh lỉnh kỉnh bước ra cổng.

Người đàn bà trẻ dừng lại hỏi người bán thuốc lá trong ga:

- Đây đi lên trại Xuân Phước có xa không ông? Đi ngõ mô rứa, nhờ ông chỉ dùm?.

Người đàn ông bán thuốc lá chỉ tay về hướng tây:

- Bà đi hướng này này, cứ miết theo đường đó mà đi thì tới, mà còn xa lắm, trên mười cây số lận. Hai bà mang theo đồ nhiều làm sao đi cho nổi, sao khong thuê người ta gánh cho đỡ mệt. Đi thăm nuôi hả?

Bà già nói, giọng kể lễ:

- Ờ, đi thăm nuôi. Có thằng con cải tạo ở Sài Gòn đổi về ngoài ni mà mấy năm, nó gởi thơ về xin thăm nuôi mà tui đi đâu có được. Nay gom góp mới đi thăm được đây, khổ quá chú ơi!

- Thời thế vậy thì ráng chịu vậy, tui cũng mới đi cải tạo gần ba năm mới về, không có nghề nghiệp nên ra tủ thuốc bán kiếm lon gạo về ăn, chứ nay biết làm gì bây giờ. Thôi hai bà đi đi, đường sá đi cực lắm đó, qua con suối, cây cầu, nhớ cẩn thận.

<!>

Bà Khải và chị Kim chào người đàn ông rồi theo hướng chỉ tay mà đi. Con đường nhỏ nằm theo những ruộng lúa, chạy dài từ đây lên đến tận trên chân núi kia.

Soại đổi ra đây từ năm ngoái, anh hy vọng là gần quê nhà, có thể gởi thư về cho mẹ và chị Kim lên thăm.

Chuyến tàu chợ đã làm cho bà Khải mệt lả người vì đám con buôn hàng chuyến dành chỗ để hàng. Rồi đám nhảy tàu, đám bán nước chè, trà đá, xôi, cháo, trái cây mơì chào, bao nhiêu thứ làm bà ngồi không yên một chỗ.

Con đường gồ ghề, đầy hục hang làm chân bà mỏi điếng. Bà cố gắng theo chị Kim cho kịp, chị Kim gánh một gánh quà cho Soại nữa.

Thật ra, quà nhà quê cũng chẳng có gì. Đó là bánh tráng khoai xiêm, bánh dầu đậu phụng, khoai chà, khoai chín, cám rang, một số mì khô, hai lít dầu ăn, một trả cá nục kho mặn. Chừng đó thực phẩm thôi cũng đã nặng rồi.

 

Sau ngày Nại Hiên trở lại Sài Gòn, bà Khải biệt tăm tin tức Nại Hiên, dĩ nhiên cũng biệt tăm luôn tin tức Soại. Bà thương con, lo lắng, héo hon người lại, nhưng bà không biết tìm kiếm hỏi han nơi đâu. Đến chừng cả năm sau, bà nhận được tin Soại qua lá thư Soại gởi về thăm bà, kèm cái giấy thăm nuôi. Bà đưa cho chị Kim coi và lần lửa mãi, bây giờ bà mới thực hiện chuyến đi. Suốt đời bà, bà chưa bước ra khỏi cái thôn làng bé nhỏ, cái quận bé nhỏ, làm sao bà biết được những nơi chốn xa hơn. Nhờ có chị Kim đi cùng, bà cũng đỡ lo.

 

Trên đường ruộng gập ghềnh, dẫn đến trại Xuân Phước, hai người đàn bà lặng lẽ đi. Đôi bóng ngã nghiêng theo hướng mặt trời. Buổi xế trưa, trời nóng, nắng đổ lửa, con đường khô cứng, đá sỏi lồi lõm hục hang. Dọc đường có những người mặc áo công an hay bộ đội đạp xe lướt qua, những người nông dân đang cày dưới ruộng. Trời hạn, đất khô nẻ, cặp bò kéo cày thở hồng hộc, mệt nhọc, nặng nề.

Khoảng đâu xế bóng thì hai người đến chỗ thăm nuôi. Những ngôi nhà lợp tranh thấp, bàn ghế được xếp từng dãy dài. Bà Khải nhìn chung quanh bốn bề, ngõ nào núi cũng chắn ngang, chỉ có con đường mòn độc đạo dẫn từ đây ra ga Chí Thạnh hay ga La Hai.

 

Chị Kim đem giấy xin được thăm nuôi trình cho cán bộ công an ngồi trong căn nhà nhỏ kế bên. Bây giờ đã hết thời gian quân đội quản chế, đã chuyển sang công an. Sau ba năm của án lệnh tập trung, có người nói, thời kỳ quân đội quản lý là cải tạo viên, thời kỳ công an quản lý là tù. Tuy vậy, danh từ cũ vẫn được gọi là cải tạo viên. Họ được phát những bộ quần áo có sọc đen, sọc đỏ thẩm, hay màu xanh dương đậm, màu xanh da trời, phía sau áo được đóng dấu đen kỹ lưỡng, đậm nét, chữ CT.

 

Chị Kim vào văn phòng, chào người cán bộ. Chị trình giấy và nói:

- Xin cho tôi được thăm nuôi em trai tôi tên Trần Quang Soại, ở đội thợ hồ, phân trại E.

Người cán bộ cầm cái giấy săm soi, đọc rồi bỏ xuống, bỏ xuống rồi cầm lên đọc, mấy lần như vậy.

Lúc lâu, ông ta nói:

- Chị ra ngoài kia ngồi đợi tôi xin ý kiến cấp trên, hết đợt thăm nuôi rồi.

Chị Kim bước ra, đi về phía bà Khải. Bà Khải ngước đôi mắt mệt mỏi, hỏi:

- Có được thăm không con?

- Họ nói đợi để họ ý kiến cấp trên, hết đợt thăm nuôi rồi, không biết răng đây?

Chi Kim lại ngôi trên chiếc ghế dài thấp bên bà Khải.

 

Trời đã qua buổi trưa, nắng đã nhạt trên các chòm cây, gió thổi lao xao. Khu thăm nuôi im vắng. Đã qua đợt thăm, bây giờ chỉ còn lác đác. Thỉnh thoảng những người có thân nhân ở xa đi trễ, còn thì khu thăm nuôi trống trơn, lạnh lẽo, như chiều nay chỉ có hai mẹ con bà Khải.

 

Quá mệt mỏi vì chặn đường dài, chuyến tàu chợ chạy chậm với con buôn với con buôn lên xuống, la ó ầm ĩ, suốt chặng đường Tam Kỳ - La Hai, khiến bà ngồi không yên chỗ. Rồi phải đi bộ, gồng gánh trong suốt quảng đường dài, hai người cảm thấy rã rời, muốn tìm một chỗ nằm nghỉ.

Người công an khi nảy trong phòng làm việc chợt xuất hiện, anh đi lại gần hai người đàn bà, rồi vồn vã nói:

- Thưa mẹ và chị. Tôi đã hỏi ý kiến cấp trên về chuyện thăm gặp của mẹ và chị với anh cải tạo viên Trần Quang Soại, thì được quyết định là ngày mai mới cho thăm, vì bây giờ trời sắp tối rồi, mà anh Soại đang đi lao động thông tầm, chiều tối mới về. Thôi mẹ và chị vào trong thu xếp chỗ nghỉ lại, có bếp núc và dụng cụ nhà bếp cả đấy, mẹ chị cứ tự nhiên xử dụng.

 

Chị Kim và bà Khải theo lời người công an, đem gồng gánh đồ đạc vào phòng dành cho than nhân nghỉ lại, có mấy cái sạp gỗ. Hai người cũng mệt quá, nên nghĩ ở lại cũng được, chứ thăm gặp bây giờ cũng chẳng ra về kịp vì trời đã tối.

Gió ở thung lũng ban đêm rít lên từng hơi dài. Đêm xuống lạnh lùng chậm chạp.

 

Hơn ba năm, bà Khải không gặp hai thằng con trai. Những ngày tháng ba, Soại từ đơn vị về thăm mẹ lần cuối, rồi anh dẫn đại đội lính từ vùng núi rừng Sơn Tịnh chạy ra cửa bể An Hòa, theo tàu vào Hàm Tân, rồi vào Vũng Tàu. Đến ngày tan hàng anh ở luôn trong ấy. Bà Khải vẫn mòn mỏi trông con.

Bây giờ bà nằm đây, trên cái sạp gỗ ở khu thăm nuôi, Soại nằm trong trại, cách nhau có một đoạn đường ngắn, mà không được gặp nhau. Soại cũng không biết có mẹ và chị ngoài đó. Không ai cho anh biết cả.

Sáng hôm sau, trong khi sắp hàng chuẩn bị đi lao động, Soại mới được gọi thăm nuôi. Như lần trước ở Long Giao Nai Hiên lên thăm, anh cũng lính qua lính quýnh. Bây giờ không biết ai thăm mình đây? Nại Hiên thì đã biệt tăm từ ngày anh đổi ra Xuân Phước.

 

** 

 

Một chiều thứ bảy như mọi chiều thứ bảy khác ở trại Suối Máu, nhưng hôm đó công an áo vàng vào rất đông. Quản giáo đến từng nhà gọi tên. Nhà 8 với 52 người ngồi im lặng, đợi quản giáo kêu lên “bảng phong thấn”. Hiền hay dữ đây? Ai cũng đoán già đoán non, gần bốn năm rồi, lại gần tết nữa, có thể được tha về lắm chứ. 52 người ngồi im, nhưng tim người nào cũng đập rộn rã, hồi hộp, đợi chờ. Người quản giáo nói loanh quanh về nội quy trại, về việc an tâm cải tạo, ở đâu cũng phải lo học tập tốt lao động tốt. Rồi ông kêu tên, Trần Quang Soại, anh hô to, có mặt. Người cán bộ nói tiếp, anh hãy gọn gàng đồ đạc để chuyển trại. Soại ngẫn người, tim đập mạnh, anh nhìn quanh quất. Còn ai nữa không, không có ai được kêu tên tiếp theo. Anh xếp đồ đạc thật nhanh rồi đi theo người quản giáo. Lành hay dữ, ai biết được? Nhiều tiếng nói xôn xao nho nhỏ, nó được về là cái chắc, chỉ một mình nó. Soại vẫy tay Thuấn, bắt tay Thuấn, ông choàng lấy Thuấn, rồi anh đi ra cổng nơi cách ly, anh thấy một số gương mặt quen, những gương mặt có ngành, nghề sừng sỏ, an ninh quân đội, quân báo, chiến tranh chính trị. Anh hết hy vọng được về, cơn vui chợt tắt ngúm. Rồi anh lên chiếc xe bít bùng, hai bên có vệ binh gằm sung, đi suốt hai ngày hai đêm, không đái ỉa, không ăn uống, đến Xuân Phước. 

 

**

 

Khi từ trại ra đến khu thăm nuôi thì đã có bà Khải và chị Kim ngồi ở ghế bên kia. Thêm mấy gia đình nữa mời đến buổi sang nay. Lần này thì anh ngồi xa mẹ và chị. Mẹ anh già quá, ốm quá, còn chị Kim thì xơ xác thấy rõ. Người công an coi tiếp tân ngồi phía bên bàn, nên không ai nói được điều gì riêng tư, bí mật.

- Mẹ và chị đi đường có cực không?

- Đi tàu lửa mà cực gì, sướng nu, có hơi chật chút thôi.

- Đi lên đây có xa không mẹ, nghe nói xa lắm, mẹ chị đi bằng gì?

- Thì thuê xe thồ họ chở đi, có gì đâu, đi tiếng đồng hồ là tới, khoẻ ru.

- Ở nhà ra sao mẹ, chị, anh Giang thế nào?

- Nó về rồi, đi kinh tế mới ở Tây Ninh, làm ăn cũng được.

Rồi mẹ hỏi lại:

- Con sống ở đây ra sao? Ăn uống đầy đủ không? No không?

- Mẹ đừng lo, ở đây nhờ cách mạng dạy dỗ và lo lắng, tất cả đều đầy đủ. Con luôn luôn cố gắng học tập tốt lao động tốt để sớm về đoàn tụ với gia đình.

Anh nói theo bài học.

 

Khi người công an đi vòng vòng để kiểm soát những người thăm nuôi ngồi đàng kia, anh nói nhỏ cho mẹ đủ nghe:

- Đói, ở đây đói lắm, mẹ.

- Ở nhà cũng cực lắm con ơi!

Mẹ và chị anh khóc.

Khi gần đến giờ ra về, người công an đứng lên, nhìn anh rồi nói:

-Mẹ và chị anh ở xa lặn lội đến đây thăm anh, anh đứng lên n ói câu gì đi nào, anh hứa với mẹ và chị anh thế nào để anh về đoàn tụ sớm với gia đình, nói đi.

 

Soaị như người học trò 5 tuổi bị cô giáo bắt đứng lên trả bài. Anh vừa hổ thẹn, vừa tức tối. Nhưng cuối cùng anh cũng đứng lên, cũng cười thật tươi, rồi nói:

-Trước mặt mẹ và chị, con hứa sẽ lo học tập tốt và lao động tốt, để mau đoàn tụ với gia đình.

Anh đỏ mặt lên vì ngượng.

Mẹ và chị cũng đứng lên. Hết giờ thăm viếng.

Hai người lặn lội bốn trăm cây số để vào đây thăm, chỉ gặp được hai mươi phút.

Trên đường xách quà đi về trại, anh quay lại nhìn bốn, năm lần. Bóng bà Khải già nua còm cỏi hắt hiu trên đường, anh thấy thương mẹ quá.

Nước mắt anh chảy ra, Soại khóc vùi, mùi mẩn.  

 

Trần Yên Hòa 

(từ: mẫu hệ)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...