Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Chuyện Vãn: Ghen & Hận Trong Võ Hiệp Kim Dung - Vương Trùng Dương

 

 

Cuối năm 2018, tôi viết bài Tình Yêu Trong Tiểu Thuyết Kiếm Hiệp Kim Dung. Trong tiểu thuyết, tình yêu vẫn là đề tài của muôn thuở, từ cổ chí kim và Đông sang Tây. Nhiều tác phẩm nổi danh trên thế giới đề cập đến tình yêu trong thời chiến, trong loạn lạc, trong thời bình và cả trong lao tù… từ chốn cung đình đến nơi thôn dã.

Trong tiểu thuyết võ hiệp, tuy nhà văn Kim Dung xuất hiện sau nầy (sáng tác từ năm 1955 đến năm 1972) với 14 bộ tiểu thuyết võ hiệp và một truyện vừa với hàng vạn trang sách từ Thư Kiếm Ân Cừu Lục đến Lộc Đỉnh Ký nhưng tình yêu nơi chốn võ lâm rất lôi cuốn và hấp dẫn, thu hút hàng trăm triệu độc giả trên thế giới.

<!>

Nói đến tình yêu với “thất tình, lục dục”: Hỷ (niềm vui), nộ (tức giận), ai (sầu thảm), ố (ghét), dục (ham muốn), cụ (sợ hãi), lạc (thích thú). Trong lục dục có: Nhãn dục, nhĩ dục, tỷ dục, thiệt dục, thân dục và ý dục.

Trong bài viết Chuyện Vãn: Nữ Lưu Nổi Máu! Hẹn sẽ đề cập đến vài nhân vật nữ từ yêu đến ghen và hận, nếu quý vị đã đọc hay xem phim có lẽ cũng quen thuộc với những nhân vật nữ trong tác phẩm Kim Dung. Trong đấng mày râu cũng có vài trường hợp nhưng không đáng kể, kẻo phán rằng người viết có đầu óc cục bộ.

Vài nhân vật mày râu có máu ghen như Đoàn Trí Hưng, Cô Tô Mộ Dung, Chung Vạn Cừu.

 

Nam Đế Đoàn Trí Hưng (Đoàn Nam Đế) nước Đại Lý có quý phi là Anh Cô (Lưu Anh). Đoàn Nam Đế mải mê luyện võ nên không có nhiều thời gian “gần gũi” Anh Cô, khiến bà rất buồn chán. Đúng lúc đó, Vương Trùng Dương dẫn sư đệ Chu Bá Thông tới trao đổi võ học và truyền thụ Tiên Thiên Công. Chu Bá Thông có cơ hội dạy bà thuật điểm huyệt. Hai người rất hợp nhau rồi nhanh chóng nảy sinh tình cảm, Chu Bá Thông (Lão Ngoan Đồng)  có ngón đòn điểm huyệt tuyệt vời nên có với nhau một đứa con.

Khi mọi chuyện vỡ lở, Chu Bá Thông xin lỗi Đoàn Trí Hưng rồi “cao chạy xa bay”, còn Anh Cô nuôi con một mình. Tai họa ập đến, đứa bé bị Cừu Thiên Nhẫn dùng thiết chưởng đánh trọng thương đứa con của Anh Cô, nàng phải đem con tới cầu xin Đoàn Nam Đế cứu chữa. Tuy nhiên vì ghen tuông, Đoàn Trí Hưng đã không cứu đứa bé. Quá tuyệt vọng, Anh Cô đành giết chết đứa nhỏ rồi bỏ đi ẩn tích. Bà hận Đoàn Nam Đế ghen tỵ và quá ích kỷ. Sau đó Đoàn Nam Đế hối hận về chuyện này nên quyết định thoái vị đi tu, lấy hiệu là Nhất Đăng Đại Sư.

 

Anh Cô ẩn danh tu luyện võ công, nghiên cứu về thuật toán, tóc bạc trắng, tự xưng là Thần Toán vẫn nhớ và tìm Chu Bá Thông, sau khi bà biết Chu Bá Thông bị Hoàng Dược Sư giam cầm trên đảo Đào Hoa, bố trí trận pháp ngũ hành nhưng bà tự tin với tài trí của minh để đột nhập. Nhưng tình cờ gặp Hoàng Dung, bà ta biết rằng mình sẽ không bao giờ có thể làm được điều đó. Bà quyết tâm trả thù Đoàn Nam Đế khi đã xuất gia nhưng cuối cùng Chu Bá Thông (sau vài lần chạy trốn) hóa giải oan nghiệt trước đây với Anh Cô và Nhất Đăng Đại Sư cùng nhau giúp Quách Tĩnh bảo vệ thành Tương Dương.

Cô Tô Mộ Dung với tham vọng nắm được quyền lực, Mộ Dung Phục với âm mưu cưới bằng được nàng công chúa Tây Hạ để mượn binh lực Tây Hạ khôi phục Đại Yên. Để đạt mục đích, Mộ Dung nhẫn tâm phụ tình nàng Vương Ngọc Yến (Vương Ngữ Yên). Trên đường sang Tây Hạ cầu hôn, chàng bày trò lừa bắt Đoàn Dự ném xuống giếng vì muốn loại bỏ bớt một đối thủ.

 

Chung Vạn Cừu chủ nhân của Vạn Kiếp Cốc và là chồng của Cam Bảo Bảo. Ông yêu và sợ vợ tột cùng, vì vậy ghét Đoàn Chính Thuần vì ông cho kẻ đào hoa này quyến rũ Cam Bảo Bảo. Ông đặt một biển báo tại lối vào thung lũng với nội dung: “Bất kỳ người nào họ Đoàn” đi vào thung lũng này sẽ bị giết mà không có ngoại lệ.

Trở lại với các nữ lưu, trong Hiệp Khách Hành, nàng Mai Phương Cô thầm yêu trộm nhớ Thạch Thanh nhưng Thạch Thanh nhưng chàng yêu và cưới Mẫn Nhu, nàng hận chàng phụ tình, nên nổi hận, bắt cóc con trai của vợ chồng Hắc Bạch Song Kiếm (Thạch Thanh, Mẫn Nhu) là Thạch Phá Thiên khi mới 6 tuổi. Mai Phương Cô đem cậu bé về hoang sơn ở Triết Giang, đặt tên cho bé là Cẩu Tạp Chủng (chó lộn giống) mỗi khi hận tình, nàng kêu mấy tiếng “cẩu tạp chủng” cho hả cơn giận.

 

Trong quyển Võ Lâm Ngũ Bá, tiền truyện trong tam bộ khúc Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ  hay Thần Điêu Đại Hiệp, (Võ Lâm Ngũ Bá gồm 4 quyển, bản dịch của Quân Ngọc ghi VLNB tức Anh Hùng Xạ Điêu tiền truyện). Cuộc tình chớm nở giữa Vương Trùng Dương và Lâm Triều Anh từ khi xuất hiện trong chốn võ lâm, không những hận ở “cặp đôi” nầy mà còn kéo dài đến thế hệ khac. Vương Trùng Dương vì nghĩa, hành hiệp giang hồ, chống giặc Kim, lập nhiều chiến công nhưng quân Kim quá mạnh, nghĩa quân về sau đại bại, Vương Trùng Dương phẫn uất xuất gia, không màng thế sự nữa, tự xưng là Hoạt Tử Nhân, nghĩa là sống cũng như chết. Chấp nhận sống trong ngôi cổ mộ sau núi Chung Nam.

Bằng hữu khuyên bảo tái xuất giang hồ nhưng Vương Trùng Dương bất chấp, kiên quyết không bước ra khỏi mộ. Tám năm sau, Lâm Triều Anh, đẹp, thông minh và giỏi võ công, nữ kình địch ngày trước của ông đến bên mộ, gây chuyện, chửi mắng, nhục mạ đối thủ suốt bảy ngày bảy đêm. Chịu hết nổi, ông liền ra giao đấu. Vừa bước ra khỏi mộ, nàng cười to: “Đã ra khỏi mộ, tức là sống lại rồi, không được vào mộ nữa”. Hai người hóa thành bằng hữu, phiêu bạt giang hồ. Vương Trùng Dương tuy có tình cảm với Lâm Triều Anh nhưng vì sự nghiệp chống quân Kim nên “lửng lơ con cá vàng” không muốn kết hôn, từ yêu đến hận dẫn đến trận quyết đấu với nhau.

 

Lâm Triều Anh thông minh, võ công tuyệt đỉnh, hai bên ngang ngửa nhau, bất phân thắng bại nhưng Vương Trùng Dương không muốn nàng trút hận tình phải sinh tử, nàng thắng trong cuộc đấu và giành quyền giữ ngôi cổ mộ.

Trước khi đấu Lâm Triều Anh ra điều kiện: Nếu huynh thắng, muội sẽ tự vẫn tại chỗ, thế là không bao giờ còn thấy mặt nhau. Nếu muội thắng, huynh phải nhường muội trú trong “hoạt tử nhân mộ”… Trước tình thế đó, Vương Trùng Dương buộc lòng phải thua vì không nỡ thấy nàng tự sát.

Sau khi vào cổ mộ, Lâm Triều Anh lập ra phái Cổ Mộ, tìm hiểu thêm môn võ công mà Vương Trùng Dương khắc họa ở đây, rồi nghiền ngẫm sáng chế môn võ công Ngọc Nữ Tâm Kinh nhằm khắc chế toàn bộ võ công của Vương Trùng Dương và phái Toàn Chân.

Môn võ công này đặc biệt trong cách luyện tập, phải hai người cùng luyện, hai người đó phải là nữ (nam và nữ luyện nhau cũng được nhưng bất tiện) vì khi luyện phải cởi bỏ hết quần áo.

 

Lâm Triều Anh cho rằng hiệp nghĩa như Vương Trùng Dương mà vô tình bạc nghĩa thì mọi nam tử trên thế gian đều tệ như vậy cả… Lâm Triều Anh ra qui luật, đệ tử được truyền y bát, phải thề suốt đời sống trong cổ mộ, không được rời khỏi núi Chung Nam, nếu có nam tử cam tâm tình nguyện chết thay thì lời thề coi như được xóa bỏ. Có điều là không được cho nam tử biết trước điều đó.

Lâm Triều Anh không thu nhận đệ tử, chỉ có một a hoàn hầu cận, hai người khổ thủ ở trong nhà mộ, hơn mười năm không ra ngoài. Lâm Triều Anh truyền thụ tất cả võ công cho a hoàn. Nữ a hoàn đó (Tôn bà bà) thu nhận hai đệ tử là Lý Mạc Sầu và Tiểu Long Nữ…

 

Trong quyển Thần Điêu Hiệp Lữ, Lý Mạc Thu là đệ tử đời thứ ba trong phái Cổ Mộ. Thời trẻ, Lý Mạc Thu bản tính lương thiện, tài sắc vẹn toàn, cưỡi con lừa hoa trên cổ có đeo chiếc chuông có thể phát ra tiếng nhạc, như tiên nữ giáng trần. Nàng tuy lạnh lùng nhưng yêu thương Lục Triển Nguyên, trang chủ của Lục Gia Trang. Nàng bất chấp lời thề trong Cổ Mộ, dâng hiến trinh tiết cho người tình nhưng rồi chàng bội ước và lấy Hà Nguyên Quân làm vợ.

Từ khi Lý Mạc Thu hiền thục trở thành Lý Mạc Sầu tàn nhẫn và độc ác với môn võ Ngũ Độc Thần Chưởng, nghe cũng thấy ớn lạnh. Lý Mạc Sầu cùng Võ Tam Thông đến phá rối đám cưới của Lục Triển Nguyên nhưng được vị cao tăng chùa Thiên Long ở Đại Lý ngăn chặn; buộc họ phải để cho đôi vợ chồng Lục Triển Nguyên được sống bình yên trong 10 năm.

Sau 10 năm, Lý Mạc Sầu quay trở lại trả thù nhưng hai vợ chồng Lục Triển Nguyên đã tự vẫn. Chưa hết hận thù, Lý Mạc Sầu tìm đến giết cả nhà Lục Lập Đỉnh (em trai của Lục Triển Nguyên) và tìm hai đứa bé là Lục Vô Song (con Lục Lập Đỉnh) và Trình Anh (chị họ của Lục Vô Song) để bắt. Tuy nhiên, bà chỉ bắt thành công Vô Song và Trình Anh được vợ chồng Võ Tam Thông cùng Hoàng Dược Sư giúp đỡ.

Võ Tam Thông là đồ đệ của Nhất Đăng Đại Sư, tuу có ᴠợ con nhưng luôn mang trong mình tình уêu ᴠới ᴠợ của Lục Triển Nguуên nên tình tình cũng bất bình thường. Tình đời thật oái ăm, sau nàу khi ᴠợ chết dưới taу Lý Mạc Sầu, Võ Tam Thông cùng ᴠới 2 con thề quyết trả thù Lý Mạc Sầu… Khi quân Mông Cổ tấn công thành Tương Dương, hai anh em Đại Võ & Tiểu Võ không cùng Quách Tĩnh trấn thành mà ra ngoài thành đánh nhau, Lý Mạc Sầu lợi dụng thời điểm đó hạ độc, may nhờ Dương Quá cứu ѕống. Mối hận tình từ đời cha đến đời con với bao oan nghiệt.

 

Trong quyển Ỷ Thiên Đồ Long ký, nhà văn Kim Dung phác họa hình ảnh Chu Chỉ Nhược, giai nhân tuyệt sắc, muốn lánh cõi trần ô trọc nên vào tu trong phái Nga My. Khi lụy vì tình, nàng trở thành con người đa mưu, thủ đoạn cao cường để triệt hạ tình địch cả nam và nữ. Chu Chỉ Nhược là con gái người lái đò trên sông Hán Thủy. Ông bị quân Nguyên sát hại khi đưa Thường Ngộ Xuân qua sông. Khi đó Trương Tam Phong đang dẫn Trương Vô Kỵ tìm thầy chữa độc Huyền Minh Thần Chưởng liền ra tay cứu giúp. Chưởng môn Võ Đang gửi Chu Chỉ Nhược tới phái Nga My và cô bé trở thành đệ tử của Diệt Tuyệt Sư Thái.

Chu Chỉ Nhược theo lời sư phụ Diệt Tuyệt Sư Thái muốn chiếm đoạt võ công thượng thừa, ở trên hoang đảo, để độc chiếm Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao, nàng đánh thuốc mê cho mọi người, nhẫn tâm lấy kiếm rạch mặt và giết Hân Ly, trói Triệu Minh và bỏ lên con thuyền thả lênh đênh, mưu đồ để Triệu Minh chết đói vừa đổ vạ cho nàng.

Trở về Trung Nguyên, Chu Chỉ Nhược yêu Trương Vô Kỵ, nàng phá lệ môn quy (gạt đi di nguyện sư phụ), dùng khổ nhục kế để chiếm cho được trái tim Vô Kỵ, trong đám cưới lúc uống rượu giao bôi giữa Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược (nhất bái, nhị bái) thì Triệu Minh (Triệu Mẫn) xuất hiện trong nắm tay có những sợi tóc vàng của Kim Mao Sư Vương (nghĩa phụ Vô Kỵ), Vô Kỵ bỏ mặc tất cả để chạy theo Triệu Minh. Chu Chỉ Nhược cảm thấy ê chề, nhục nhã với kẻ phụ tình trước quần hùng võ lâm… quyết phục thù.

Chu Chỉ Nhược thấy Triệu Minh xuất hiện nên sợ bại lộ âm mưu, đã sử dụng một chiêu ác độc nhất trong Cửu Âm Bạch Cốt Trảo đánh vỡ sọ Triệu Minh để bịt đầu mối. Tuy nhiên Triệu Minh chỉ bị thương, nhờ vết thương đó, Vô Kỵ mới dần hiểu được rằng Chu Chỉ Nhược là người đánh cắp Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao, luyện thành Cửu Âm Bạch Cốt Trảo giấu trong thân kiếm, bắt cóc cha nuôi của mình là Tạ Tốn và là người giết Hân Ly.

Không thể nào ngờ cô gái thơ ngây Chu Chỉ Nhược trở thành ác nữ gieo bao tai họa trong chốn võ lâm. Trong bản cũ, Kim Dung viết Chu Chỉ Nhược thấy ta đã dính chàm nên xuất gia, còn Vô Kỵ sống với Triệu Minh. Sau nầy ông lại viết lại Chu Chỉ Nhược đến gặp Vô Kỵ và Triệu Minh, nhắc lại lời hứa năm xưa cho nàng, hàm ý rằng có thể cả ba sẽ cùng chung sống.

 

Trong quyển Thiên Long Bát Bộ đề cập đến hai cao thủ tỷ muội với nhau cùng yêu chàng trai và nổi ghen trở thành tình địch cho đến tuổi già, cùng qyyết đấu rửa hận và chết bên nhau!

Vô Nhai Tử là đệ tử của Tiêu Dao Tử, chàng trai tuấn tú tao nhã, cầm kỳ thi họa mọi thứ đều tinh thông, nên sư tỷ Thiên Sơn Đồng Lão và tiểu muội Lý Thu Thủy đều đem lòng yêu Vô Nhai Tử. Vô Nhai Tử chỉ có hình bóng về người em gái của Lý Thu Thủy, ông vẽ bức tranh và tạc một pho tượng ngọc, Thiên Sơn Đồng Lão và Lý Thu Thủy giống hệt nhau nên khó phân biệt. Lý Thu Thủy còn cố tình quấy nhiễu khi Thiên Sơn Đồng Lão đang tu luyện Bát Hoang Lục Hợp Duy Ngã Độc Tôn Công, khiến cơ thể của bà cứ mãi nhỏ bé như một đứa trẻ. Để trả đũa, Thiên Sơn Đồng Lão đã rạch mặt Lý Thu Thủy.

 

Hai sư tỷ muội cùng yêu chàng trai của mình nên thù oán càng sâu, Vô Nhai Tử dẫn Lý Thu Thủy đến hang động dưới Vô Lượng Sơn ở Đại Lý. Tại đây hai người chung sống với nhau và có một đứa con gái tên là Lý Thanh La (mẹ của Vương Ngọc Yến tức Vương Ngữ Yên). Khi chung sống nhiều năm chàng lạnh nhạt với Lý Thu Thủy, hàng ngày chỉ mãi ngắm nhìn bức tượng đá do mình điêu khắc, Lý Thu Thủy chán nản và đã bỏ sang nước Tây Hạ và trở thành thái phi đầy quyền lực, đồng thời lập ra Nhất Phẩm Đường.

Hai cao thủ tuyệt đỉnh phái Tiêu Dao là Thiên Sơn Đồng Lão và Lý Thu Thủy vì cùng yêu Vô Nhai Tử mà đánh ghen với nhau từ thuở thanh xuân cho đến lúc gần đất xa trời, chỉ vì muốn khẳng định rằng trong trái tim của Vô Nhai Tử chỉ có hình bóng của mình thôi. Trận huyết đấu cuối cùng giữa hai lão bà ở cái tuổi xấp xỉ một trăm, khi mà Vô Nhai Tử đã chết. Trận huyết chiến vì ghen lúc sắp mất người nào cùng lập mưu để được chết sau, xem như đó là cách chiến thắng tình địch trong trận đấu kéo dài suốt những thập niên! Cuối cùng, cả hai cùng nhắm mắt xuôi tay trong một trận đấu sinh tử dứt điểm, và cùng vỡ mộng, khóc cười khi phát hiện người trong bức tranh Vô Nhai Tử không phải là tình địch của mình mà họ lầm tưởng. Trớt quớt!

 

Cũng trong Thiên Long Bát Bộ, nhân vật không biết võ công nhưng dùng sắc đẹp gây sóng gió võ lâm.

Khang Mẫn là vợ của Mã Đại Nguyên - phó bang chủ Cái Bang. Khang Mẫn sắc đẹp để lần lượt “gài bẫy” dâng hiến thân xác cho trưởng lão Cái bang Bạch Thế Kính, Toàn Quán Thanh, bày kế sát hại chồng chỉ vì ông không nghe lời. Nàng thuở còn bé, nhà nghèo, ngày Tết cô không có áo hoa; thấy người hàng xóm có áo hoa xinh đẹp, cô lén lấy trộm về, không phải để mặc, mà để xé nát ra. Cô không có áo hoa thì có nghĩa là không được ai có cả. Con người có đầu óc tinh ranh, đố kỵ như vậy nên khi trở thành vợ phó bang chủ Cái Bang trở thành con người thâm độc.

 

Người Khang Mẫn từng yêu Đoàn Chính Thuần và thích Kiều Phong (sau nầy mới biết gốc gác là Tiêu Phong) nhưng không chiếm được tình yêu của chàng. Lúc đó, Kiều Phong không có người yêu, và không yêu ai ngoài ruợu, như vậy không có ai để cô ghen, nhưng với phụ nữ hiếu thắng và độc đoán như Khang Mẫn thì trong thâm tâm nàng vẫn đang ngấm ngầm ghen mà cô không hề hay biết. Nàng hận Kiều Phong khi chàng thờ ơ trước nhan sắc của mình. Khang Mẫn đem lòng thù hận, đổ oan khiến chàng “thân bại danh liệt”. Khang Mẫn còn lừa Kiều Phong rằng Đoàn Chính Thuần là người sát hại cha mẹ của chàng, để chàng trả thù. Cuối cùng, Kiều Phong tự tay giết chết người tình A Châu (hóa trang thành Đoàn Chính Thuần). Sau này, Khang Mẫn bị A Tử bày mưu làm hỏng dung nhan khiến bà ta chết vì uất hận. Đúng là “ác giả ác báo”!

 

Cho nên, khi bị trọng thương sắp chết, nàng vẫn lồng lộn ghen tuông với A Châu, dù biết rằng A châu đã chết. Biết Tiêu Phong đang nóng lòng muốn biết thủ phạm gây ra tấn thảm kịch cho gia đình ông tại Nhạn Môn Quan năm nào, nàng vờ bảo Tiêu Phong sẽ tiết lộ tên người đó, với điều kiện Tiêu Phong phải ôm nàng vào lòng trước khi chết.

Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ đề cập đến cái ghen vì giữ người tình độc đáo chưa từng có trong đời thường: Nhậm Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung

Nhậm Doanh Doanh là con gái duy nhất của Nhậm Ngã Hành, Giáo Chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo. Nhậm Ngã Hành bị kẻ phản đồ là sư đệ Đông Phương Bất Bại bắt giam dưới đáy của Động Đình Hồ vì đang mê say luyện Hấp Tinh Đại Pháp. Để che mắt trong giang hồ, Đông Phương Bất Bại nói dối với Nhậm Doanh Doanh và phong là Thánh Cô tái xuất giang hồ.

Lệnh Hồ Xung vốn là đứa trẻ mồ côi sống lang thang, được vợ chồng Nhạc Bất Quần (Chưởng Môn phái Hoa Sơn khi) và Ninh Trung Tắc đem về nuôi nấng dạy dỗ và trở thành đại đệ tử.

 

Lớn lên cùng với Nhạc Linh San (con gái của Nhạc Bất Quần) nhưng với mưu đồ gian ác của Nhạc Bất Quần trong thủ đoạn chiếm đoạt bí kíp võ công Tịch Tà Kiếm Phổ nên đổ lên đầu Lệnh Hồ Xung gặp nhiều biến cố và bắt trắc. Vì mưu đồ đen tối nên Nhạc Bất Quần dùng lá bài con gái Nhạc Linh San gả cho Lâm Bình Chi, con trai duy nhất của Lâm Chấn Nam, Tổng Tiêu Đầu của Phước Oai Tiêu Cục với bí kíp gia truyền Tịch Tà Kiếm Phổ. Khi phái Thanh Thành tàn sát toàn bộ Phước Oai Tiêu Cục thì Lâm Bình Chi may mắn sống sót, lưu lạc giang hồ… Lâm Bình Chi vì quyết tâm báo thù cho cha mẹ nên cam tâm tình nguyện đầu vào phái Hoa Sơn nhưng là cái bẫy giương sẵn của Nhạc Bất Quần. Ông dùng con gái mình để  ép gã con gái cho Lâm Bình Chi hầu có cơ hội đột nhập lục bí kíp giấu trong nhà cổ của dòng họ Lâm. Khi đôi tình nhân Lâm Bình Chi và Nhạc Linh San tìm thấy kiếm phổ giấu trong áo cà sa, chiếc áo này đã bị cướp bởi hai cao thủ Tung Sơn, sau đó bị Lệnh Hồ Xung đoạt lại, nhưng vì Lệnh Hồ Xung bị trọng bệnh nên kiếm phổ này rơi vào tay Nhạc Bất Quần mà không ai biết. Nhạc Bất Quần nhân cơ hội đổ tội cho Lệnh Hồ Xung, tống xuất môn đồ ra khỏi Hoa Sơn!

 

Khi lưu lạc giang hồ, Lệnh Hồ Xung lúc lâm trọng bệnh, tình cờ quen Nhậm Doanh Doanh  ở thành Lạc Dương do Lục Trúc Ông gọi Doanh Doanh là cô cô. Doanh Doanh chẩn bệnh Lệnh Hồ Xung qua tấm rèm không cho chàng thấy mặt; và vì Lục Trúc Ông gọi là cô cô nên nhầm tưởng là lão bà nên gọi là bà bà. Doanh Doanh đã dùng đàn cầm giúp cho Lệnh Hồ Xung trị nội thương, sau đó lại dạy cho Lệnh Hồ Xung chơi đàn.

Trong cơn mê sảng, Lệnh Hồ Xung luôn gọi tên tiểu muội Nhạc Linh San và nàng cho rằng người có chung thủy với quá khứ thì mới chung thủy với hiện tại và tương lai… Thế rồi từ đó cuộc tình chớm nở giữa Lệnh Hồ Xung và Thánh Cô Nhậm Doanh Doanh.

Sau đó Lệnh Hồ Xung lang thang giang hồ với tấm thân bệnh tật không ai có thể cứu được, Doanh Doanh đã âm thầm theo dõi để giúp đỡ, nàng có quyết định kỳ quặc khi ra lệnh toàn thể giáo chúng trên dưới, nếu gặp Lệnh Hồ Xung ở đâu là phải ngay lập tức giết chết, mục đích là để Lệnh Hồ Xung luôn ở bên cạnh cho nàng chăm sóc, bảo vệ.

Đây là tình yêu và ghen tuông rất độc đáo, thay vì ra lệnh giáo chúng phải tận tâm bảo về người yêu thì nàng chỉ thị gặp Lệnh Hồ Xung ở đâu giết đó để chàng lãng tử nầy phải “nhờ cậy” sự kiểm soát của nàng.

Trong tiểu thuyết Kim Dung có rất nhiều nhân vật có máu ghen tuông, nhưng cái ghen của Thánh Cô Nhậm Doanh Doanh không giống ai, đặc biệt, đẹp và cao thượng nhất.

Cuối cùng đôi tình nhân nầy cùng Nhậm Ngã Hành và các cao thủ lên Hắc Mộc Nhai của Nhật Nguyệt Thần Giáo mở trận quyết đấu, giết được Đông Phuông Bất Bại. Nhậm Ngã Hành lâm trận cũng chết, Nhậm Doanh Doanh được đề cử làm giáo chủ nhưng nàng giao lại cho Hướng Vấn Thiên, xóa tan hận thù giữa chính tà. Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh từ bỏ giang hồ “gió tanh mưa máu”, ngao du sơn thủy để cùng nhau tấu khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ của Khúc Dương và Lưu Chính Phong.

 

Tình yêu đã cảm hóa nữ lưu tà giáo, gây nhiều tội lỗi nhưng biết sai trái để hoàn lương. Nhậm Doanh Doanh dù rất ghen, nhưng sự ghen tuông của nàng khác với cái ghen trẻ con của Nhạc Linh San. Tiếu Ngạo Giang Hồ xuất hiện trên Minh Báo vào năm 1967, có lẽ những tác phẩm trước, nhà văn Kim Dung đề cập về cái ghen của nữ lưu gây nên tội ác thì ở đây cái ghen lạ lùng của Nhậm Doanh Doanh là cố chiếm giữ người tình lang bạt trong vòng tay vô hình của nàng nơi chốn giang hồ.

“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, Quách Phù và Quách Tương là hai chị em ruột (con của Quách Tĩnh và Hoàng Dung) cùng yêu chàng trai Dương Quá (Dương Qua) nhưng Quách Phù có tâm địa xấu, Quách Tương có tâm hồn trong sáng.

Quách Phù đẹp, võ công tầm thường, được cha mẹ nuông chiều nên cậy thế với bản chất ương bướng, tai quái, ích kỷ nên chẳng ai dám làm nàng phật ý. Khi ở trên đảo Đào Hoa của ông ngoại Hoàng Dược Sư, nàng tàn sát, chó gà, chim muông…

Với bản tính kiêu ngạo, hống hách nên khi thấy Dương Quá không ân cần, vồn vã với nàng nên nghĩ Dương Quá coi thường mình vì vậy nàng chặt đứt cánh tay chàng và làm Tiểu Long Nữ trọng thương gần chết.

Sau cùng nàng lấy Gia Luật Tề làm chồng nhưng cảm thấy Gia Luật Tề cũng “lửng lơ con cá vàng” cho đến lúc ở chiến trường sinh tử, nàng mới nhận ra rằng người nàng yêu là Dương Quá, nàng hiểu rằng vì yêu nên nàng mới ghen với chính em gái Quách Tương của mình. Trận chiến ở thành Tương Dương, cha mẹ và em trai đều tử nạn nên Quách Phù tự tử cùng mọi người khi Tương Dương thất thủ.

Quách Tương (Quách Tường) là nhân vật trong Thần Điêu Hiệp Lữ của Kim Dung. Nàng cũng xuất hiện trong phần đầu của bộ truyện tiếp theo Ỷ Thiên Đồ Long Ký.

Quách Tường ra đời trong lúc quân Mông Cổ đang tấn công thành Tương Dương, cha mẹ nàng đang trong tình thế rất nguy hiểm, nàng được cặp tình nhân trẻ tuổi Dương Qua và Tiểu Long Nữ cứu sống, bao bọc, bảo vệ, nuôi dưỡng. 

 

Mười sáu năm sau, Quách Tương gặp lại Dương Quá (trở thành Thần Điêu Đại Hiệp)  nổi tiếng trong chốn võ lâm. Thật oái ăm, giống như chị mình, Quách Tương lại say mê Dương Quá (nghĩa tử của của Quách Tĩnh) nhưng chàng chỉ một lòng yêu Tiểu Long Nữ. Quách Tương đau buồn với mối tình đơn phương nhưng khác với tình yêu ích kỷ, hẹp hòi, nông cạn của người chị Quách Phù. Sau cùng vì không tìm được Dương Quá nên Quách Tương đau khổ cho mối tình đơn phương, bỏ đi tu trên núi Nga My, trở thành tổ sư sáng lập của phái Nga My.

Quách Phù từ yêu đến hận chặt đứt cánh tay Dương Qua thì Quách Tường không hận mà tìm con đường “Tu là cõi phúc, tình là dây oan” (Kiều) với hình ảnh cao đẹp tổ sư phái Nga My.

 

Nhân vật độc đáo nhất trong tác phẩm cuối cùng Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung là Vy Tiểu Bảo xuất thân trong kỹ viện thành Dương Châu, chỉ biết viết chữ nhất (một gạch ngang) mẹ gã là gái làng chơi nên không biết ai là “tác giả”, ngay từ nhỏ cũng ba trời ba trợn, “trời đánh thánh dâm” cũng tỉnh queo… Thế rồi cuộc đời đưa đẩy, gã có 7 cô vợ xinh đẹp tuyệt trần: Mộc Kiếm Bình, tiểu quận chúa trong Mộc vương phủ Vân Nam; Phương Di,  dòng dõi trong tứ đại gia tướng Lưu Bạch Phương Tô; Song Nhi, người hầu của Tam thiếu phu nhân ở Trang gia; Tô Thuyên, vợ của Giáo Chủ Hồng An Thông trong Thần Long Giáo (bị Vy Tiểu Bảo cưỡng hiếp); Kiến Ninh công chúa, đời vua Khang Hy (bị Vy Tiểu Bảo ép làm vợ); Tăng Nhu, nữ đệ tử phái Vương Ốc, sau nầy gia nhập Thiên Địa Hội; A Kha, con gái tuyệt sắc của danh kỹ Trần Viên Viên và Sấm Vương Lý Tự Thành (bị Vy Tiểu Bảo cưỡng hiếp). Ngay cả Trần Viên Viên lớn hơn 40 tuổi nhưng với nhan sắc của bà ta làm gã thèm nhỏ rãi. Đúng là loại người tham sắc “trẻ không tha, già không chừa”!

 

Gã ba trợn nầy còn lăng nhăng khi thấy gái đẹp, trong đó có công chúa Sophia (Tô Phi Á) xinh đẹp của nước Nga. Thế nhưng gã có tài “tề gia” 7 người vợ kể trên, đâu phải tay vừa, đều khôn ngoan, hương sắc… yêu gã, thề nguyền sống cùng và chỉ ghen âm thầm với nhau, nuốt hận trong lòng để làm sao được gã sủng ái. Cả 7 bà không dám gây hận vì gã biết được sẽ “phạt” không cho ngủ chung! Nếu cho rằng “một lần bất tín thì vạn lần bất tin” nhưng với Vy Tiểu Bảo thì ngược lại “vạn lần bất tín mà vạn lần đều tin”… đó cũng là ẩn ý của Kim Dung trong chế độ chính trị. Ngay cả GS Nguyễn Ngọc Huy trong quyển Các Ẩn Số Chính Trị Trong Tác phẩm Võ Hiệp Kim Dung đã dành 7 trang (209-215) viết về Vy Tiểu Bảo.

 

Tuy là nhân vật hư cấu trong tác phẩm Kim Dung nhưng nửa thế kỷ về trước ở miền Nam Việt Nam, từ feuilleton trên nhật báo đến khi in thành sách thu hút hàng triệu độc giả từ thức giả, quan chức đến người lao động… ghiền và bàn tán.

Truyện chưởng của Kim Dung hấp dẫn đến nỗi các em bán báo được “mớm” nội dung để rao mời khách: “Báo đây! Báo đây! Số báo hôm nay Quách Phù chặt đứt cánh tay Dương Qua”. “Báo đây!... Tiểu Long Nữ bị Doãn Chí Bình cưỡng hiếp”. “Báo đây!... Triệu Minh phá tan đám cưới Vô Kỵ với Chu Chỉ Nhược”. “Báo đây!... Kiều Phong giết chết người tình A Châu”… Không biết ở Hồng Kông có tình trạng nầy chăng? Trong khi đó các tờ nhật báo đợi chuyến bay từ Hồng Kông đến Sài Gòn mang theo tờ Minh Báo như trẻ thơ đợi mẹ đi chợ mang quà về.

 

Năm tháng trôi qua với một thuở Sài Gòn trong trái tim mọi người. Nay lạm bàn để mua vui “một vài trống canh”.

 

Little Saigon, September 2022

Vương Trùng Dương

K1/ĐH/CTCT/ĐL

(Tác giả gởi)

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...