Một ngày đầu thu mấy năm trước, khi đọc thi tập: Vịn vào Lục Bát, tôi nghĩ, có lẽ đây là điểm tựa cuối cùng của Trần Hoài Thư. Nhưng tôi đã lầm, bởi ngay sau đó Trần Hoài Thư viết tiếp Cảm Tạ Văn Chương. Và tháng 9/2021 này, Thư Ấn Quan lại xuất bản (in tại LuLu Press- Hoa Kỳ): Thơ tuyển toàn tập của ông. Vì vậy, tôi thực sự bất ngờ, và cảm phục bút lực, cũng như nghị lực (sống) Trần Hoài Thư. Thơ tuyển toàn tập dày 646 trang, gói gọn hồn vía, tư tưởng, cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tạo Trần Hoài Thư. Dường như cho đến nay, đây là tuyển tập dày dặn, đẹp, trang trọng nhất mà tôi đã được tặng, và đọc. Tuy nhiên, nội dung, tư tưởng của tác phẩm này không gây cho tôi nhiều bất ngờ. Bởi, vẫn hồn cốt ấy, trước đây tôi đã đọc và nghiên cứu khá kỹ ở văn xuôi, cũng như như thơ lục bát của ông, khi viết: Trần Hoài Thư - Người Ngồi Vá Lại Những Linh Hồn, và Vịn Vào Lục Bát, điểm tựa cuối cùng của Trần Hoài Thư. Sự nghiệp Trần Hoài Thư gắn liền với truyện ngắn, văn xuôi, song thi ca cũng góp phần không nhỏ làm nên tên tuổi ông. Nói, con đường sự nghiệp của Trần Hoài Thư bước đều hai chân là vậy.
<!>
Có thể nói, Thơ tuyển tòan tập gắn liền với cuộc sống Trần Hoài Thư, cũng như thân phận của đất nước. Dù được chuyển tải bằng nhiều hình thức nghệ thuật, thể loại thi ca, song ta có thể thấy tác phẩm đã được biên tập có hệ thống, bố cục chặt chẽ với từng giai đoạn của cuộc sống, lịch sử cụ thể. Vâng! Bắt đầu từ chiến tranh, khói lửa, đến thân phận tù đày của người lính sau 1975, cùng những ngày vượt biển trốn chạy, tị nạn, cho đến khi mắt mờ, chân chậm hiện nay, đã được Trần Hoài Thư nhập đồng vào 646 trang thơ của mình. Về nội dung, tư tưởng, ta có thể thấy, Thơ tuyển toàn tập vẫn cùng mạch (viết) văn xuôi, truyện ngắn của ông.
*Chiến tranh, nỗi đau, sự bất lực của người lính.
Hành quân, tác chiến ở rừng núi, hay nơi đầm lầy đã vắt đến cạn sức lực, cũng như thời gian của người lính. Đêm tàn chiến, lấy mộ bia làm bàn viết, hay ghi vội những câu thơ bất chợt vào từng vỏ bao thuốc, khi tiếng súng tạm ngưng. Đó là hình ảnh nhà văn, người lính Trần Hoài Thư, ta bắt gặp ngay trên những trang thơ đầu của tuyển tập. Thế hệ chiến tranh, hay một thế hệ đã bị ném vào cuộc chiến vô nghĩa đã được Trần Hoài Thư ghi lại ngay từ những ngày đầu cầm súng. Đó không hẳn (đã phải) là tâm trạng chung của những người lính, song cho người đọc sự đồng cảm sâu sắc: “Thế hệ chúng tôi đã mang đầy vết sẹo/ Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn/ Không phạm tội mà ra tòa chung thẩm/ Nhận án tử hình ở tuổi thanh xuân“ (Thế hệ chiến tranh). Có thể nói, Trần Hoài Thư phải cầm súng, lao vào cuộc chiến là nghĩa vụ, bắt buộc, chứ hoàn toàn không phải mục tiêu, lý tưởng sống trong ông. Do vậy, Trần Hoài Thư có cái nhìn khách quan, rõ ràng hơn về cả hai phía trong trận chiến này. Tính hiện thực xã hội ấy, cho ta thấy rõ nhất trong bài: Ta lính miền Nam. Đây là một trong những bài thơ hay nhất Trần Hoài Thư viết ở thời điểm này. Với một vài đường nét, chất liệu gần gũi, Trần Hoài Thư đã vẽ nên bức tranh sinh động, hình ảnh đầy màu sắc về thực trạng đất nước, và con người lúc đó. Cái thối tha, bỉ ổi ấy của lãnh chúa cường quyền dẫn đến vô vàn những điều nghịch lý cho thân phận đất nước và con người. Nó không chỉ làm người lính xúc động buộc phải cầm bút, mà cho đến tận nay, người đọc vẫn còn cảm thấy rưng rưng:
“Thời thế đẩy đưa ta làm lính chiến
Mang nỗi buồn như rừng lá khai quang
Ta đứng giữa trời bốn phía rưng rưng
Em gái mười lăm đi làm đĩ Mỹ
Thằng nhỏ mười ba học đòi sát Ngụy
Ma quỷ phương ngoài học xẻ Trường Sơn
Đất nước ta, cường quốc bán buôn
Hậu phương ăn chơi biểu tình, đảo chánh
Lúc đồng đội ta sống lên, chết xuống
Một đám ở nhà nhảy nhót thâu đêm
Lãnh chúa ta thì ăn trước ngồi trên
Hùng hổ lắm nhưng mạt hèn cũng lắm...“
Ở giai đoạn này, Trần Hoài Thư thường viết thơ tự do, với những câu thơ dài, ngắn chảy theo cảm xúc tự nhiên của mình. Tuy nhiên, đứng trước cái chết, và sự tàn khốc của chiến tranh, ông trở về với những câu thơ thất ngôn. Và, Kỳ Sơn là một bài thơ như vậy. Có thể nói, đây là một trong những bài thơ hay ở tuyển tập, được Trần Hoài Thư viết ngay trong trận chiến Kỳ Sơn. Thông qua biện pháp tu từ, với những hình ảnh ẩn dụ: “ Kỳ Sơn đồi trọc chim không đậu“ hay “ Đêm hoảng kinh, đỏ huyết vầng trăng“ Trần Hoài Thư không chỉ cho thấy nỗi kinh hoàng của chiến tranh, mà còn gieo nỗi ám ảnh vào lòng người:
“Kỳ Sơn đồi trọc chim không đậu
Đại đội đi, một nửa không về
Lớp lớp người nhào lên, ngã gục…
Đêm hoảng kinh, đỏ huyết vầng trăng
Những xác hôm qua, vàng rám mỡ
Những anh hùng, ngụy tặc, nằm chung…“
Vẫn thể thất ngôn, Diều hâu bỏ núi là một bài thơ đi sâu vào tâm trạng của người lính, với nỗi đau, sự bất lực trước cái chết của đồng đội. Và hình ảnh như ẩn vào trong phép hoán dụ: “Mỡ vàng chảy giữa bờ cổ nách/ Đám ruồi xanh nhã nhạc ăn mừng“ càng cho ta thấy rõ hơn cái bi thương ấy. Tuy vậy, đi sâu vào đọc, ta có thể thấy, từ ngữ trong thơ[TD1] Trần Hoài Thư mộc mạc, đơn giản gần với mọi tầng lớp người đọc:
“Những tấm poncho bó lấy xác
Napalm thiêu nướng cả thân người
Mỡ vàng chảy giữa bờ cổ nách
Đám ruồi xanh nhã nhạc ăn mừng
Con tàu mang xác rời cao điểm
Những người còn sống đứng cúi đầu...“ (Diều hâu bỏ núi).
Gian nan là vậy, nhưng đọc Trần Hoài Thư, ta vẫn thấy được cái phóng khoáng và lãng mạn của người lính. Vẫn ở nơi trận tiền, nếu Kỳ Sơn, hay Diều Hâu Bỏ Núi là những hình ảnh nóng bỏng bi thương, thì Đêm Sao Trên Cao như một luồng gió mát, làm nguội đi cái oi nồng, nghẹt thở đó. Có thể nói, Đêm Sao Trên Cao không chỉ có lời thơ đẹp, mà còn cho ta thấy Trần Hoài Thư có trí tưởng tượng, và sự liên tưởng thật phong phú: “…Ôi những ngọn đồi làm đêm thấp lại/ Để sao càng gần như một dải kim cương/ Bỗng những chùm sao, xẹt khắp bốn phương/ Mặt đất dội tung, đêm bừng trái sáng!/Kẻ thù ta ơi, ngừng chơi một lát/ Kẻo ta lạc rồi đôi mắt người yêu“.
Giữa sự sống và cái chết chỉ có tình yêu, nỗi nhớ mới là điểm tựa cho người lính đủ nghị lực vượt qua nó. Cái điểm tựa ấy, xuyên suốt Thơ tuyển tập Trần Hoài Thư. Và Tháng ba đi hành quân là một bài thơ ngũ ngôn điển hình nhất về cái đặc điểm này trong thơ Trần Hoài Thư. Nó như một sự nối dài cái lãng mạn, hoài mong đó ở bài Đêm Sao Trên Cao vậy. Và cái phép hoán dụ:“May còn dưới chân đèo/ Màu hoa xưa kỷ niệm“ ẩn giấu dĩ vãng, tình yêu, hay sự đợi chờ ở phương trời nào đó, không chỉ cho người lính nghị lực sống và chiến đấu, mà đến nay còn rung lên trong lòng người đọc. Sự gợi cảm ấy, như một lời minh chứng cho tài năng sử dụng biện pháp tu từ trong thơ văn của Trần Hoài Thư: “Mang Giang rừng tiếp rừng
Sương mù không thấy đỉnh
Áo nhà binh chưa khô
Mong dài thêm cái nắng…
Nơi này cây cỏ khổ
Huống chi ta con người
May còn dưới chân đèo
Màu hoa xưa kỷ niệm“.
Cũng như ở văn xuôi, nhân đạo là một đặc tính xuyên suốt những trang thơ Trần Hoài Thư. Không chỉ với đồng đội, mà đối với người bên kia chiến tuyến, nhà văn người lính Trần Hoài Thư vẫn có lòng vị tha cao cả. Ngay giữa chốn binh đao khói lửa, ngòi bút của ông vẫn đến gần, soi rọi bởi Giáo lý nhà Phật. Khi đọc bài thơ: Để trả lời một câu hỏi, làm tôi nhớ đến truyện ngắn: Ngày Thanh Xuân của ông. Có lẽ, cùng được viết vào khoảng năm 1972. Những tác phẩm này đều nghiêng về sự đồng cảm, tấm lòng bao dung của nhà văn. Và nó cũng là một trong những đặc điểm quan trọng nhất làm nên giá trị Thơ tuyển tập và tên tuổi Trần Hoài Thư. Thật vậy, nhân bản là tính nhất quán trong tư tưởng, cũng như ngòi bút của ông:
Vậy mà tại sao lòng ta lại bất an
Nên ra lệnh dùng trái khói màu thay quả mãng cầu thường lệ
Vẫn biết nơi này chó heo gà cũng là kẻ địch
Vậy mà sao ta không thể giết một kẻ thù…
Đôi mắt họ hướng về chúng tôi van lơn sợ hãi
Nhưng đối với tôi, tôi thấy mắt họ ngời lên ánh sáng lạ lùng!
Ánh sáng từ lòng tôi: ánh sáng từ tâm…“ (Để trả lời một câu hỏi)
Ngoài những đặc tính trên, ta còn có thể thấy, cũng như một số ít nhà văn cùng thời mặc áo lính, ngòi bút, lời thơ Trần Hoài Thư dám chọc thẳng vào những cái ung nhọt xã hội, kể cả thượng tầng, lãnh tụ. Cái sự hèn nhát và lưu manh: “Tay lãnh tụ thường là tay sợ chết“ đã được ông bóc trần trong thơ. Do vậy, có thể nói, thơ ở giai đoạn chiến tranh là (phần) quan trọng nhất trong tác phẩm Thơ tuyển toàn tập của Trần Hoài Thư.
*Nỗi đau tù đày, với những ngày vượt biển trốn chạy.
Sau biến cố 1975, nhà văn người lính Trần Hoài Thư buộc phải vào tù cải tạo. Do vậy, văn thơ ông cũng rẽ sang bước ngoặt mới. Bốn năm dài đằng đẵng với nỗi thống khổ: “Đằng sau anh, rừng tràm mênh mông/ Mờ lên giới biên, rừng lau trắng mượt/ Chân anh quỵ, vai oằn lên khổ nạn…“ (Bên này người thiếu úy tù binh). Nhưng thơ Trần Hoài Thư vẫn nhẹ nhàng, không một chút thù hận. Lấy thiên nhiên, cảnh vật để bộc lộ tâm trạng, miêu tả thân phận của những tù nhân cải tạo, là thủ pháp nghệ thuật của Trần Hoài Thư ở giai đoạn này. Nhẹ nhàng là vậy, song người đọc vẫn cảm được nỗi cô đơn, đau đớn khôn cùng của người lính bị cầm tù: “Mùa mưa nước từ bưng/ Theo kênh ào ra cửa/ Rừng tràm như hoang đảo/ Chỉ thấy nước mênh mông/ Chỉ thấy đám tù nhân/ Ngóp ngoi cùng nước lũ/ Chỉ thấy trên Núi Sọ/ Từ phía làng Nhà Chung/ Chiếc thập tự trăm năm/ Nhìn trần gian bi lụy... (Mùa nước lớn ở Hà Tiên). Nếu ta đã đọc truyện ngắn: Ra biển gọi thầm, (được Trần Hoài Thư viết ngay sau khi vượt thoát sang Mỹ), thì sẽ thấm hiểu hơn khi đọc: Người em Kiên Lương. Một bài thơ trữ tình, cảm động nhất được Trần Hoài Thư viết trong thời gian này. Trong gian khổ, tận cùng đói khát:“Hồ xanh, bèo không thấy/ Vịt đói chẳng buồn bơi“ như vậy, thế nhưng tình yêu, tình người vẫn còn ở đâu đó. Và hương tình một chút thoảng qua, nhỏ nhoi thế thôi cũng là điểm tựa sống cho người tù cải tạo:
“Em thị thành chăn vịt
Tôi tù binh đào trùng
Gặp em lòng muốn hỏi
Sao miệng đành lặng câm
Hồ xanh, bèo không thấy
Vịt đói chẳng buồn bơi
Nắng hồ sôi bốc khói
Mây trời chẳng muốn trôi…
Tôi không nghe em nói
Tôi chỉ nghe trái tim
Để đêm nằm biệt giam
Tôi đau vì hạnh phúc“ (Người em Kiên Lương)
Rồi người tù cải tạo ấy buộc phải trốn chạy, dù biết con đường ấy, có thể đi vào cõi chết. Do vậy, Trần Hoài Thư viết rất nhiều về vợ con, gia đình, bạn bè…với nỗi buồn day dứt, nhớ thương, khi phải cất bước ra đi. Tuy nhiên, với tôi, Ô Cửa là bài hay, và có lời thơ rất đẹp của ông ở giai đoạn này. Có lẽ, chẳng riêng Trần Hoài Thư, mà ai cũng vậy, tình yêu trong sáng, vô tư nhất dường như đều nghĩ, và dành cho bạn bè thuở còn cắp sách đến trường. Và không biết là thật, hay trong mơ, Trần Hoài Thư đã trở về ngôi trường cũ. Qua ô cửa, ông tìm lại bóng hình (người yêu dấu) năm xưa, nhưng giờ đây: “Giờ thiếu phụ đã nằm trong lòng biển“ (Ô Cửa). Tâm trạng buồn đau, xót xa ấy, được người lính tù cải tạo cô thành những câu thơ mang mang nét hoài cổ, xúc động đến nghẹn ngào khi đọc: “Tôi sẽ nhớ một người tôi yêu dấu/ Người nào đâu, về lại buổi hôm qua/ Dấu chân nhỏ như vết hài vạn cổ/ Đôi mắt nào theo mãi cuộc đời ta“. (Ô Cửa)
Có thể nói, Đêm ra biển, và Đêm từ biệt Việt Nam là hai bài thơ hay, tiêu biểu nhất viết về những giờ phút vượt biển, trốn chạy của Trần Hoài Thư. Nó mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất khi đọc. Trước đây, trong bài chân dung nhà văn Trần Hoài Thư, tôi đã có những đoạn viết về hai bài thơ này. Nếu “Đêm ra biển“ Trần Hoài Thư đi tìm tự do, lẽ sống từ trong con đường chết, thì đến “Đêm từ biệt Việt Nam“ con đường sống đã mở ra cho ông. Và từ cùng trong cái gian nan, nguy hiểm ấy, đã cho ta thấy, hai bài thơ như một mạch nối tâm trạng, tư tưởng của nhà thơ vậy. Tuy đã vượt qua chớp tử sinh, song Trần Hoài Thư cảm thấy càng bất hạnh hơn. Bởi, từ đây ông đã mất quê hương. Vâng! Có lẽ, tâm trạng của Trần Hoài Thư lúc đó, cũng là tâm trạng chung của cả hàng triệu người Việt đã phải bỏ nước ra đi:
“Đêm nước mặn mà ngọt ngào nỗi chết
Đêm quá dài mà ngắn chớp tử sinh
Đêm ơi đêm, một cõi u minh
Đêm bật khóc nhìn chúng tôi tự sát…“ (Đêm ra biển)
“Là lúc biết mình như thoát nạn
Sáng chân trời, hồng rực vầng dương
Là lúc, thấy mình như bất hạnh
Sắp làm người không có quê hương“ (Đêm từ biệt Việt Nam)
Tôi nghĩ, cũng như văn xuôi, mỗi phần trong Thơ tuyển toàn tập là một giai đoạn buồn không chỉ riêng cá nhân Trần Hoài Thư, mà nó còn là những dấu mốc chung thật tang thương của đồng đội ông, dân tộc ông. Do vậy, ngoài văn học, nó còn mang giá trị lịch sử, như các tác phẩm của Tô Thùy Yên, Phan Nhật Nam, hay Phạm Tín An Ninh…
*Quê hương nỗi nhớ, với những năm tháng buồn vui.
Những năm tháng sống nơi đất khách, Trần Hoài Thư kiệm lời hơn. Ông cô những cảm xúc của mình vào thi ca. Và hồn ông, dường như gắn chặt vào lục bát. Mỗi câu lục bát như một chiếc nạng, đỡ cho ông bước tiếp con đường phải đi. Chẳng vậy, mà mấy năm trước Trần Hoài Thư đã cho ra lò cả một cuốn: Vịn Vào Lục Bát, đó sao. Thật vậy, viết về nỗi nhớ nhà, nhớ quê không có thể thơ nào gần gũi, nhẹ nhàng hơn lục bát. Cái tâm trạng thân đất khách, tâm nơi quê nhà day dứt cả hồn thơ, kể từ khi Trần Hoài Thư đến được bến bờ tự do. Nỗi nhớ thường trực ấy, để một tiếng mưa rơi cũng làm ông giật mình tỉnh giấc. Và gió lạnh ngoài kia như tiếng vọng nơi quê nhà: “ Ngày ở Mỹ, đêm quê nhà/ Có khi thức giấc, bên ngoài, trời mưa!/ Buồn ơi lạnh khép chăn thưa/ Nghe như lời vọng quê nhà: Tiếng xưa“ (Mưa đêm thức giấc).
Xa quê, và nỗi nhớ đã đi hết hơn nửa cuộc đời, Trần Hoài Thư muốn một lần trở lại nơi chốn cũ chăng? Lòng đã hẹn, song chân không muốn bước. Cái mâu thuẫn đó làm thi nhân bùi ngùi, và day dứt. Bởi, dĩ vãng, cảnh xưa đâu còn nữa, để hồn người héo hắt với rêu phong. Vâng, Hẹn Lòng là một bài thơ như vậy của Trần Hoài Thư. Đọc nó, làm tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ cùng tâm trạng ấy của Trần Trung Đạo: “Bờ bến cũ, ngậm ngùi thân sỏi đá/ Tôi về đây, sông xưa, dòng nước lạ/ Ngó mây trời mà khóc tuổi hoa niên“. Có thể nói, Hẹn Lòng là một trong những bài thơ hay nhất của tuyển tập Trần Hoài Thư. Với hồn vía cổ phong ấy, Hẹn Lòng không chỉ là một lời cảm thông, lỗi hẹn, mà còn mang theo một nỗi buồn vạn cổ:
“Vâng, thì về, nhưng hồn chắc héo hon
Nhang lửa lạnh cần gì khơi dĩ vãng
Lớp hưng phế đã rêu mờ phong cảnh
Những con thuyền chắc lạc mất, lênh đênh
Vâng, thì về, về với cõi mông mênh
Để nghe tiếng gọi đò bên sông ai đó…“
Càng lớn tuổi, dường như cái gian nan, khổ cực càng đè nặng lên đôi vai gầy mệt mỏi Trần Hoài Thư. Bế tắc của cuộc sống làm cho ông mất niềm tin:“Hãy chỉ giùm tôi niềm vui nào hoan hỉ…(nhưng) Đừng dạy tôi hãy đọc những lời kinh/ Hay lên chùa ngửi trầm nhang hương khói“. Và “Hãy chỉ cho tôi“ là một bài thơ được vắt ra từ cuộc sống thực hiện tại của Trần Hoài Thư. Có lẽ, đây là một bài thơ được nhiều người đọc đồng cảm nhất. Và chỉ có chân thực văn thơ mới có thể sống được trong lòng người đọc. Do vậy, ta có thể thấy, trong cái cô đơn tận cùng đó, chỉ còn văn thơ mới là điểm vịn cuối cùng để Trần Hoài Thư đủ nghị lực bước tiếp, và vượt qua những bất hạnh ấy. Và đó cũng là lý do để tôi viết lời giới thiệu cuốn Thơ tuyển toàn tập này của ông:
“Dạy tôi đi, đâu là cực lạc thiên đàng
Tôi chỉ cần, một giọt lệ nhỏ xuống vừng trán sốt
Đừng đọc tên tôi mỗi đêm nhang khói
Tôi sợ nhang khói rồi, sản phẩm của trần gian”
Với gần bốn trăm bài, có thể nói, Thơ tuyển toàn tập Trần Hoài Thư đã đi vào hầu hết mọi khía cạnh xã hội và con người, từ trên nửa thế kỷ qua. Bài viết này, chỉ gõ vào vài ba nét chính của tác phẩm mà thôi. Và bể thơ mênh mông Trần Hoài Thư vẫn cần phải khai quật, chỉ người đọc mới tự làm được mà thôi. Tuy nhiên, tôi đã đọc Thơ tuyển toàn tập Trần Hoài Thư đến mấy lần, và thật chậm rãi. Phải nói, tuyển tập có một số bài hay, nhưng thật hay, thì dường như không có. Và có điều đáng mừng, tuyển tập không có bài nào dở, hoặc quá dở. Âu đó cũng là điều bình thường, bởi tài năng của ông đã bị văn xuôi rút hết mất rồi. Ngoài ra, tuyển tập còn một số lỗi chính tả, lẫn lộn giữa G và D khi viết...
Và khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi cứ băn khoăn và hy vọng: Thơ tuyển toàn tập, vẫn chưa phải là sân ga (điểm dừng) cuối cùng của lão nhà văn Trần Hoài Thư.
Leipzig ngày 18-9-2021
Đỗ Trường
(Tác giả gởi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét