Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

World Cup 2022 - Song Thao

 

 Nữ trọng tài Stephanie Frappart
 
 
Tôi tới Doha vào đầu tháng 12 năm 2019, đúng ba năm trước khi World Cup 2022 được tổ chức tại đây. Điều đầu tiên phải than thở: nóng ơi là nóng! Trong gần một tuần lễ lưu lại đây, chẳng có ngày nào nhiệt độ xuống dưới 30 độ C. Ra đường là cả một sự ngại ngùng. Chỉ sau khoảng chục phút là mồ hôi cha mồ hôi con tuôn ra. Nóng như vậy nên lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, giải sẽ được tổ chức vào mùa đông, khởi đầu vào ngày 20 tháng 11 và kết thức vào ngày 18 tháng 12, nhằm vào lễ Quốc Khánh của Doha. Thường thì World Cup được tổ chức vào mùa hè, khoảng tháng 7. Từ bao lâu nay, chuyện này đã thành nếp. Cái nếp này năm nay phải tạm thời chấm dứt. Bởi vì mùa hè tại Doha nhiệt độ trung bình lên tới 41 độ C, suốt tháng 7 không có một giọt mưa, đá đấm chi nổi dưới sức nóng khủng khiếp như vậy. Một ngày trong tháng 7 năm 2010, nhiệt độ đã lên tới con số kỷ lục 50,4 độ!
<!>

Khi tôi trở lại Montreal, vui chuyện với bạn bè, tôi cho biết mới từ Doha về, ông nào ông nấy há hốc miệng. Doha là cái xứ quỷ quái chi, nằm ở đâu. Doha là thủ đô của xứ Qatar, nằm trong vùng vịnh Trung Đông. Thường thì người ta biết nhiều tới Dubai của Liên hiệp Ả Rập Emirates trong vùng này hơn. Nhìn vào bản đồ thì Dubai và Doha nằm ngang nhau, cách một eo biển có tên là Persian Gulf. Khoảng cách chỉ có 380 cây số, gần xịt. Nhưng Dubai danh vang cuồn cuộn, còn Doha khỉ ho cò gáy, ít người biết tới, ngay cả chỉ cái tên. Thực ra tôi chẳng điên gì mà nhắm đi du lịch Doha, chỉ là một sự tiếc của trời. Tôi đi Thái Lan bằng máy bay của hãng Qatar Airways, trên đường về, máy bay ghé Doha rồi đi tiếp. Nếu muốn ở lại để đi chuyến khác sau đó cũng chẳng tốn thêm đồng nào nên tôi ghé chơi, vừa có dịp duỗi chân duỗi cẳng vừa biết thêm một nơi chốn ít người biết. Đặt chân xuống phi trường tôi mới biết Doha sẽ tổ chức giải Bóng Tròn Thế Giới năm 2022.


Khi tôi tới Doha thì còn đúng 3 năm nữa nơi đây mới quần hùng tụ hội nhưng cả thành phố đã nhộn nhịp chuẩn bị. Các sân vận động đang được xây cất. Tôi có tới một sân, chỉ mới có cái khung nhưng coi hình thấy đẹp hết biết. Là nơi có trữ lượng dầu hỏa hàng đầu thế giới, Qatar không tiếc tiền để cho thế giới rõ mặt cái xứ sở ẩn khuất này. Họ dự trù chi ra tới 220 tỷ đô Mỹ cho dịp ra mắt thế giới này. Tất cả có 12 sân được xây cất hoặc trùng tu, mỗi sân đều là một công trình kiến trúc ngoạn mục. Sân Al Shamal, Al Gharrafa, Education City, Al Khor, Lusail Iconic, Sports City, Al Rayyan, Qatar University, Umm Slal, Doha Port, Al Wkrah và Khalifa International . Sân nào cũng có sức chứa trên 45 ngàn khán giả. Lớn nhất là sân Lusail Iconic với sức chứa khủng là 86.250 khán giả. Tha hồ sút bóng. Trận chung kết sẽ diễn ra tại đây.


Sân Lusail Iconic, 86.250 chỗ, là nơi sẽ diễn ra trận chung kết.

 

Tuy là mùa đông nhưng nhiệt độ trung bình cũng lên tới trên ba chục độ, khán giả và nhất là các cầu thủ chắc phải le lưỡi chịu đựng. Nhưng Doha đâu có để cho cảnh này diễn ra. Họ sẽ đặt máy lạnh trong tất cả các sân. Nghe mà lạnh người. Thường thì máy lạnh chỉ được đặt trong không gian kín giữ được hơi lạnh. Sân đá banh trống hốc trống hoác hơi lạnh đâu giữ đủ cho lạnh được. Kinh hoàng hơn nữa là không những làm mát sân, họ còn chơi máy lạnh ngoài trời như chợ, vỉa hè hay các khu mua sắm lộ thiên nữa. Điện đâu ra để chơi cú ngoạn mục như vậy? Thống kê cho biết là Qatar vốn đã phải dùng tới 60% điện năng tiêu thụ cho việc làm lạnh nhà cửa. Mức này cao gấp ba lần của Mỹ.


Vấn đề được giải quyết khi các kỹ sư Qatar nghĩ ra cách làm lạnh sân bằng một hệ thống hơi lạnh được thổi qua các lỗ thông hơi nhỏ đặt ngang tầm mắt cá chân ở bên dưới mỗi ghế ngồi. Người sáng chế ra hệ thống này là Giáo sư Saud Ghani của Đại học Qatar cho biết là với hệ thống làm lạnh mini này, chỉ các khán giả hưởng hơi lạnh, không cần làm lạnh phần trên của sân tốn điện vô ích. Hệ thống này chỉ áp dụng cho những sân vận động thích hợp. Ngoài hệ thống này, còn có hệ thống khác như hệ thống tại sân Khalifa. Họ dùng 500 vòi phun phản lực được đặt chung quanh sân, ngay phía trên sân cỏ, để giữ nhiệt độ luôn ở mức 23 độ C. Một trung tâm chứa nước lạnh đã được làm mát tại một khu trung ương sẽ dẫn khí lạnh của nước tới từng sân, ống thổi phản lực sẽ thổi khí lạnh vào trong sân. Dù nhiệt độ bên ngoài có lên tới 46,7 độ thì bên trong sân vẫn mát mẻ như thường.


Ba năm sau World Cup mới diễn ra tại Doha nhưng khi tới nơi đây, tôi đã được hưởng một trong những công trình phục vụ World Cup. Đó là hệ thống métro xuyên suốt thành phố dẫn tới từng sân vận động. Hệ thống này còn đang dang dở nhưng những đoạn nào đã hoàn tất đều được mở cho dân chúng sử dụng. Có ba tuyến đường mang các màu xanh, vàng và đỏ trên tấm bản đồ phát cho khách hàng. Tuyến đường vàng đã hoàn tất từ đầu tới cuối, tuyến đường đỏ chỉ còn một trạm chót chưa xong, tuyến đường xanh đang còn dang dở, chưa mở cửa cho dân chúng. Chắc bây giờ, ba năm sau ngày tôi rời Doha, hệ thống xe điện ngầm này đã hoàn toàn xong.


Métro mới cắt chỉ, từ toa xe tới các trạm đều sạch như lau như ly, đi thật đã. Xe điện ngầm hoàn toàn được điều khiển bằng hệ thống điện tử, không có người lái. Nhưng hành khách thì bị lái. Không phải bạn muốn bước vào toa nào cũng được. Tại các nước khác, métro là phương tiện di chuyển công cộng bình dân nên không có sự phân hạng. Nhưng ở Doha thì có. Họ có ba hạng toa: toa ngoại hạng gọi là Gold, toa dành cho đàn ông gọi là Standard và toa dành cho đàn bà, con nít và các ông chồng đi theo gia đình gọi là Family. Tôi bỗng nảy ra thắc mắc, sao không có toa dành cho các bà? Nghĩ mãi mới ra là đàn bà Hồi Giáo đâu có được ra đường một mình. Vậy nên đàn bà phải dùng toa Family. Mấy anh đàn ông đi mình ên mà vào lộn toa sẽ bị phạt. Muốn biết toa nào là toa của mình, khách chỉ việc nhìn hàng chữ ghi dưới sàn trước mỗi cửa toa khi xe đậu lại. Tôi thường lấy vé đi nguyên ngày, giá 6 riel, khoảng một đô rưỡi Canada. Nhưng muốn đi hạng sang Gold sẽ phải chi ra tới 30 riel, đắt gấp 5 lần. Có lần một nhân viên soát vé mở cửa từ toa Family sang toa Gold nên tôi nghía được cái thứ năm lần đắt tiền hơn ra sao. Sang thiệt! Ghế bự tổ chảng như ghế salon trong phòng khách, lại dát bạc dát vàng như ghế trên…thiên đàng. Tôi thấy một ông râu ria ngồi giang chân giang tay rất chi là quan cách.

Qatar là một xứ Hồi giáo nên có những quy định rất khắt khe về vần đề nam nữ cũng như y phục ra đường. Chuyện nam nữ thụ thụ bất thân là chuyện nhãn tiền. Chuyện ăn mặc cũng phải đúng luật lệ. Có một lần chúng tôi rủ nhau đi tắm biển tại bãi tắm Katara. Bãi tắm toàn du khách, không thấy dân địa phương. Khi thay quần áo tắm mới có vấn đề. Bãi biển có hai anh vừa là nhân viên cứu cấp vừa là nhân viên an ninh giữ gìn trật tự. Ông nào mặc slip là không xong, phải mặc quần tắm loại dài. Các bà nhiêu khê hơn. Bikini là  đi chỗ khác chơi. Áo tắm một mảnh nhưng phía dưới không xòe ra mà ôm khít như slip cũng thua. Nhiều ông bà thấy tự do bị vi phạm quá quắt nên không thèm tắm nữa, trả lại dù và ghế, mất toi tiền thuê. Anh chàng nhân viên vội tới nói với tôi: “Xin các ông bà thông cảm. Đây là một nước Ả Rập!”.

 

 

 

Sân Lusail Iconic, 86.250 chỗ, là nơi sẽ diễn ra trận chung kết.


World Cup năm nay lần đầu tiên được tổ chức tại một nước Ả Rập. Du khách tứ xứ tới có chịu nổi “văn hóa” vướng víu này không, đó là một câu hỏi đang chờ thời gian trả lời. Thường trong  những cuộc tranh tài thể thao hay các sự kiện văn hóa lớn, các du khách, nhất là du khách nam, thường có nhu cầu tìm hiểu địa phương bằng cách mà người ta thường gọi là “tình một đêm”. Ban tổ chức World Cup ở Doha đã nói rõ là chuyện “tình một đêm” sẽ hoàn toàn bị cấm. Nếu vận động viên hay khách mộ điệu vi phạm sẽ đối diện với án tù. Tờ Daily Star cảnh báo: “Quan hệ “tình một đêm” thường xảy ra tại các cuộc tụ hội lớn nhưng sẽ không được phép tại World Cup 2022, trừ khi là vợ chồng. Chắc chắn sẽ không có quan hệ “tình một đêm” tại giải đấu này, không có bữa tiệc nào cả. Mọi người cần phải nghiêm túc với nó, trừ phi bạn không ngại bị mắc kẹt trong nhà tù. Đây là lần đầu tiên có lệnh cấm quan hệ tại World Cup, người hâm mộ cần chuần bị tinh thần”. Giá cho vi phạm này là 7 năm tù. Thường chuyện “tình một đêm” là điều bình thường tại các cuộc thi đấu thể thao cỡ lớn. Có những nơi còn tổ chức các “phòng tình yêu” hoặc phát miễn phí bao cao su nữa. 


Ở Doha sẽ khác. Ngay việc uống rượu ngoài đường cũng bị cấm. Đồng tính luyến ái không có chỗ đứng tại Doha, bị coi là bất hợp pháp. Việc biểu tỏ tình cảm trai gái nơi công cộng như chúng ta đã quen thuộc tại các nước khác cũng không được phép. Vì chúng “không phải là một phần của văn hóa và truyền thống của chúng tôi” như một nhà tổ chức địa phương đã phát biểu. Một cầu thủ Úc, anh Josh Cavallo, người đã công khai xác nhận mình là đồng tính cho biết anh rất sợ tới Doha. Nhưng ông Nasser Al Khater, Trưởng Ban Tổ Chức World Cup năm nay đã trấn an là Cavallo sẽ được đá tại Doha mà không có vấn đề chi. Cũng như ông  cho biết là các ủng hộ viên có thể mang cờ cầu vồng của giới đồng tính luyến ái tới các sân thi đấu. Chẳng lẽ họ đã có những thay đổi cho thích hợp với môi trường quốc tế của giải. Dám lắm nhưng chúng ta phải chờ cho tới khi cuộc thi đấu thực sự diễn ra. Các nhà tổ chức muốn World Cup được theo đúng truyền thống như các kỳ tổ chức trước nhưng người dân Doha liệu có mở lòng với các cổ động viên và cầu thủ đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau không. Tôi đã tận mắt nhìn thấy một thế giới Hồi giáo khắt khe và giáo điều trong gần một tuần lễ la cà khắp chốn tại Doha. Thôi thì que sera sera!


Dù sao, tới ngày 20 tháng 11 này, trái bóng sẽ lăn trên các sân cỏ tại Doha. Qatar là quốc gia có diện tích nhỏ nhất được chọn để tổ chức World Cup, cướp kỷ lục…hạt tiêu của Thụy Sĩ là quốc gia tý hon nhất đã tổ chức giải vào năm 1954. Cần nhắc thêm là diện tích của Thụy Sĩ rộng gấp ba Qatar. Hai kỳ World Cup đầu tiên do Uruguay tổ chức vào năm 1930 và kỳ thứ hai do Ý đăng cai vào năm 1934. Cả hai quốc gia này chưa hề bao giờ được vào chung kết vì trước đó chưa có tổ chức giải. Gần đây hơn, Nhật Bản cũng chưa bao giờ được tham dự vòng chung kết cũng đã được tổ chức cùng Đại Hàn vào năm 2002. Qatar là quốc gia thứ tư chưa bao giờ nếm mùi thi đấu tại vòng chung kết World Cup nhưng được vinh dự đóng vai chủ nhà. Trường hợp Nhật hơi khác một chút. Khi được trao trọng trách cùng Đại Hàn tổ chức vào năm 1996 thì Nhật vẫn chỉ ở vòng ngoài. Nhưng vào năm 1998 thì Nhật đã lọt được vào vòng chung kết.


Kỳ này có tất cả 32 đội tuyển quốc gia thi đấu trong đó có 24 đội đã từng tham dự kỳ World Cup trước vào năm 2018. Bốn đội Hòa Lan, Ecuador, Ghana, Cameroon và Hoa Kỳ được vô trở lại sau khi vắng mặt vào kỳ 2018. Canada chúng tôi trở lại sau 36 năm vắng bóng kể từ khi góp mặt lần cuối vào năm 1986. Vắng mặt 36 năm kể đã là dài nhưng không ăn nhằm chi với Wales, trở lại sau 64 năm vắng mặt! Ngược lại, một số quốc gia mà bóng đá là hơi thở, có đội đã từng ôm chiếc cúp vàng cao 35 phân, nặng 3 kí 800, bằng bạc mạ vàng trên chiếc đế bằng đá hoa cương của World Cup, nay bất ngờ không có mặt trong lần tranh tài này. Đó là Ý, Thụy Điển, Iceland, Peru, Colombia, Panama, Ai Cập và Nigeria. Riêng Nga, nước tổ chức World Cup kỳ trước vào năm 2018, bị cấm thi đấu vì vụ dùng thuốc tăng lực và cuộc xâm lăng Ukraine.


Điều khiển các trận đấu là các trọng tài mà chúng ta thường gọi là “vua sân cỏ”. Kỳ tổ chức này có tất cả 36 trọng tài chính, 69 trọng tài biên và 24 trọng tài video. Điểm đặc biệt là có 3 trọng tài chính và 3 trọng tài biên là nữ giới. Đây là lần đầu tiên có trọng tài nữ trong World Cup của nam giới. Ba “hoàng hậu sân cỏ” là Stephanie Frappart của Pháp, Salima Mukangsanga của Rwanda và Yoshimi Yamashida của Nhật Bổn. Ba trọng tài biên nữ là Neuza Back của Brazil, Karen Diaz Medina của Mexico và Kathryn Nesbitt của Mỹ. Theo trưởng ban trọng tài của Liên Đoàn Túc Cầu Thế Giới FIFA, ông Pierluigi Collina, việc lựa chọn trọng tài dựa trên các tiêu chuẩn chuyên môn chứ không phân biệt giới tính: “Điều này kết thúc một quá trình dài khởi đầu từ vài năm trước để tiến hành giao nhiệm vụ cho các trọng tài nữ ở những giải đấu cấp cao của FIFA. Bằng cách này, chúng tôi chú ý tới chất lượng và giá trị mang lại chứ không phải giới tính. Tôi hy vọng rằng trong tương lai, việc lựa chọn các nữ trọng tài cho các giải đấu quan trọng của nam giới sẽ được coi là điều bình thường, không còn là bất ngờ nữa”.


Trong những ngày lưu lại Doha trước Wold Cup 3 năm, đi tới đâu tôi cũng chạm mặt với biểu trưng của World Cup 2022. Biểu trưng này được công bố vào ngày 3/9/2019, ba tháng trước khi tôi tới Doha. Đó là một hình vẽ gợi lên hình ảnh của chiếc cúp chính thức của World Cup, đan xoắn hình tượng “kết nối với nhau”. Nhìn vào biểu trưng người ta cũng hình dung được chiếc khăn choàng nhắc nhở lần đầu tiên World Cup được tổ chức vào mùa đông. Hình tượng của biểu trưng cũng gợi ra kiểu chữ viết của hệ thống chữ Ả Rập.


Còn điều chi có thể nói về World Cup có lẽ là chuyện tiền! Phí tổn tổ chức đã được nói tới ở trên, tiền thưởng cho các đội tham dự là điều nhiều người muốn biết. Cơm nắm muối vừng tới tranh banh đổ mồ hôi hột phải có chút gì đút túi mang về chi trả cho các phí tổn bỏ ra. 16 đội bị loại ngay vòng đầu, mỗi đội sẽ ẵm 9 triệu đô Mỹ, 8 đội bị loại ở vòng 2 ẵm 13 triệu, 4 đội bị loại ở vòng tứ kết được 17 triệu. Đội đứng hạng 4 lãnh 25 triệu, hạng ba 27 triệu, á quân 30 triệu và đội vô địch lãnh 42 triệu.


Từ World Cup đầu tại Uruguay vào năm 1930 với vỏn vẹn 13 đội tham dự, World Cup 2022 đã có tới 32 đội. Nhưng đây là World Cup cuối cùng với sự tham dự của 32 đội. World Cup kỳ tới, được tổ chức tại Mỹ, Mexico và Canada sẽ có tới 48 đội tham dự. Đây là quy định mới của World Cup về số đội tham dự. Đây cũng là lần đầu tiên có tới ba quốc gia đồng tổ chức. Có hai thành phố tại Canada chúng tôi sẽ tiếp khách quốc tế: Toronto và Vancouver. Montreal chúng tôi lúc đầu cũng muốn ti toe nhập cuộc nhưng cuối cùng phải rút lui vì kinh phí gia tăng quá lớn, thành phố không chịu nổi. Trong chỉ ba năm ước tính kinh phí từ 50 triệu đã tăng lên 103 triệu. Với số tiền khá lớn này, thành phố không muốn dân chúng phải gánh chịu sau khi mới trả xong nợ cho kỳ tổ chức Thế Vận Hội Olympic vào năm 1976. Dự trù phí tổn tổ chức Thế Vận Hội hồi đó là 250 triệu đã gia tăng tới mức kỷ lục 1 tỷ 400 triệu. Phải mất 30 năm, vào tháng 11 năm 2006, dân Montreal mới trả hết nợ!


Dân Montreal tiếc ngẩn ngơ khi hụt coi trực tiếp chân cẳng các cầu thủ. Tôi cũng ngẩn ngơ chẳng kém. Ba năm trước chỉ ngửi thấy mùi World Cup sớm tại Doha, tưởng 4 năm nữa sẽ mãn nhãn tại Montreal, ai ngờ lại trớt quớt. Thiệt rầu rĩ cho cái thân cả đời chỉ...vọng World Cup!


Song Thao

08/2022    

(Tác giả gởi)                                                                            

Website: www.songthao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...