Chớp lại lóe lên, chân trời phía tây thêm một lần rách. Dưới chùm chớp hằn học, Tây nghĩ, thêm mưa nữa là mình đủ bộ thê lương.
Nó đang ngồi bó gối trên một
cái gờ che cửa sổ ở tầng bốn một chung cư cũ, nơi gần trời hơn đất. Ít
nhất ngó trời không chóng mặt, như nhìn xuống một khoảng sân sau chằng
chịt dây phơi. Đỡ lấy Tây là tấm bê tông đâm ra khỏi vách rộng chừng ba
tấc, chiều dài hơn nửa thước, người thiết kế ra chi tiết này chắc không
ngờ, ngoài tác dụng che nắng xiên mưa tạt vào cửa, còn có thể giấu nhân
tình.
Chị Hằng đã tống Tây lên đây
qua đường cửa sổ, lúc nó vẫn chưa kịp mặc gì, “Ở yên trên đó”. chị hốt
gọn mớ quần áo vãi trên sàn nhà ấn vào tay nó, rồi đóng sập đôi cánh
cửa. Tiếng xe anh Hùm đã tắt, cầu thang vang tiếng huýt sáo. Nghĩa là
chỉ còn không đầy một phút nữa, chị Hằng phải xong việc vuốt phẳng vải
trải giường, chỉnh trang phục, buộc tóc, rửa mặt bằng nước lạnh cho má
bớt hồng, mắt dịu lửa. Âm thanh chùm chìa khóa quay trên ngón tay anh
Hùm mỗi lúc một khoa trương. Lẫn trong những chiếc chìa khóa đủ hình
dạng, là con dao bấm. “Lạnh lắm, toàn sát khí”, một lần chị Hằng kể, và
cười. Đôi hàng răng ngắn làm nụ cười hơi ma mãnh.
Có vẻ như chẳng ai dọa được
chị, chẳng gì khiến chị bớt ung dung, kể cả anh chồng giang hồ khét
tiếng, người vẫn thường phì phèo điếu thuốc trong lúc chém thiên hạ và
(đôi khi) bị thiên hạ chém, cai quản khu vực cảng cá và bến tàu. Dân thị
xã vẫn dạt vào lề đường mỗi khi nghe tiếng xe phân khối lớn rùng rùng,
điều khiển bởi một anh sọc rằn từ đầu tới đuôi, cổ đeo nanh hổ, trên
người khảm khắc đầy sẹo vết. “Ờ, coi bậm trợn vậy, nhưng giữa hai ngón
cái không bằng trái ớt”, chị Hằng nói, hơi thở gây mê gáy thằng nhỏ xe
ôm.
Lúc đó Tây chưa thân với cái
bớt son trên sườn trái người đàn bà sống nhiều hơn nó mười bảy năm, chưa
biết da chị có thể hắt sáng cả khi đèn trong phòng tắt ngóm. Nhưng Tây
cảm nhận được một cơ thể mát rượi từ mảng mỡ bụng chị luôn sà xuống,
chòng chành cuối lưng nó. Gợi trong đầu thằng con trai thứ chất lỏng
trong suốt, hơi sóng sánh, có thể khỏa ngập lên nó, giấu lấp nó, nếu
chìm vào. Nên Tây thích chị khách quen, không hoàn toàn vì chị hay cho
thêm tiền xe.
Chẳng phải lúc nào chị Hằng
cũng kêu Tây chở một vòng thu tiền góp, dù ưng nó nhất, khen nó ra dáng
đàn ông nhất, “phát thèm”. Chị đi với nhiều xe ôm khác, anh Hùm khỏi ngờ
vực lôi thôi. Nhưng chỉ Tây là được chị rủ lên nhà uống nước, xem thử
cái giường có kêu không.
Rùng mình trên người chị Hằng
một lần, Tây không cách nào từ chối lên nhà chị thử giường vài bận nữa,
để thả lỏng mình vào thân thể bao dung. Thời khắc quên trời đất, rất
đáng giá. “Cùng lắm là chết chớ gì”, nó bảo vậy, khi chị lấy ngón trỏ
ngoáy cái cúc cu khá ngầu, hỏi có sợ anh Hùm không. Nhưng đến khi tiếng
xe anh rung cả chung cư, Tây đứng đờ ra, nghĩ về cái cửa sau không bao
giờ có. Chị Hằng, thuần thục như mọi khi, túm Tây nhét qua cửa sổ, bảo
tránh ra ngoài ấy.
Khi những mạch đập đã dịu cơn
sôi, nhớ lại diễn biến vụ kẹt ở lưng chừng, trong Tây có chút tức giận,
với thằng Tây hèn nhát. Bị đâm vài dao thì có sao, mình đáng vậy. Có
thế nào thì cũng giống những chuyện Tây đã từng gặp phải như đụng xe, té
giàn giáo, gãy ngón tay, và nó chưa từng nghĩ ông trời bất công với
mình.
Nhưng chị Hằng, người đàn bà
vừa mới đây đã kịp rúc rích với chồng, giọng không chút gượng, cũng làm
Tây tổn thương chút đỉnh. Nó thấy mình như mảnh rác, bị dọn dẹp bởi một
tay chuyên nghiệp, chớp mắt đã bị đổ đi. Cái gờ che cửa sổ này, rốt cuộc
có bao nhiêu người lấy làm chỗ trốn? Tây săm soi, thấy mảng vách chỗ nó
tựa lưng vào không chút rêu.
Đổi thế ngồi, hòng cứu vãn
đôi chân tê rần sắp mất cảm giác, Tây hơi thất vọng, thân hình dài thượt
của nó xếp kiểu gì cũng thừa ra. Nghĩ, bối cảnh này chắc không diễn
viên nào ưa, nhân vật bó mình chết trân giữa trời, không thoại, không
trai gái. Thứ chuyển động duy nhất là nước đái nó thải ra, vừa chảy vừa
bốc khói trên tường. Dĩ nhiên thòng chân đòng đưa thì quá sướng, nhưng
sao biết được chồng chị Hằng có bất thần tung cửa sổ và tóm lấy nó
không. Vách mỏng, cửa gỗ không ngăn được những tiếng động sỗ sàng, đôi
lúc Tây hết hồn tưởng đâu mình bị phát hiện.
Đường ống nước ở ngoài tay
với, anh Hùm chẳng tỏ vẻ gì sắp ra khỏi nhà, gờ che cửa sổ của tầng bốn
lại xa và quá nhỏ để đỡ lấy nó nếu nhảy xuống. Tình cảnh không thể tệ
hơn, cái quần ka ki rách lai của Tây, trong lúc quýnh lên nó đã làm rơi,
vắt lên sợi cáp truyền hình.
Nghĩa là hết phương về.
Mọi thứ đang chống lại Tây,
kể cả con nhỏ thừa nhiễm sắc thể đang chơi ở sân chung một dãy nhà cho
mướn trọ, ngay bên dưới. Cái chổi lông gà trong tay, con nhỏ đang múa
kiếm, đâm kẻ thù tưởng tượng hết sức dứt khoát, vẻ mặt nghiêm túc hứa
hẹn nó sẽ hét ra trò nếu tình cờ ngó thấy Tây ngồi trên gờ cửa sổ, không
mặc quần.
Rồi con nhỏ bỗng dưng biến
mất, sự vắng vẻ của mảnh sân bên dưới cứ đầy lên, dâng ngợp chỗ Tây
ngồi. Giữa hai đùi gió lùa rười rượi, có chút xấu hổ khi nhìn thấy nửa
dưới cơ thể mình phơi sáng. Không hiểu bởi cái quần đang phơ phất dưới
kia, hay do những tiếng động ấm cúng lẫn vào tiếng cười chị Hằng lùa qua
vách, mà Tây cảm giác, nó bị bỏ rơi.
Cảm giác giống hệt như khi
Tây nhìn người ta khép chặt mẹ trong bốn tấm ván, đem vùi xuống đất. Lúc
đó Tây mười bốn tuổi, cảm thấy không ổn chút nào, những lần vô thức hỏi
mẹ ơi đồng phục con đâu, mà không tiếng ai vọng lại. Không ổn khi cúng
mở cửa mả, mặt mũi cha Tây tươi rói, ôm ghì điện thoại. Giỗ đầu mẹ Tây
xong, cha nó treo bảng bán nhà, dọn về sống chung với một người đàn bà
xưng “má” với anh em Tây, mà tướng mạo không chút gì giống người mẹ bắt
đầu bị mối mọt liếm láp.
Em gái Tây, rất nhanh, sà vào
lòng má, hòa nhập ngay với đám trẻ khu Gò Mây, bình thản nói “mẹ con té
lầu chết queo rồi” mỗi khi có người hỏi thăm. Chỉ Tây không thể bỏ rơi
mẹ thêm lần nữa. Nó đã bỏ rơi mẹ khi chìm lún trong một chiếc ghế ở tiệm
trò chơi điện tử, kệ bà mẹ trèo lên nóc nhà quét dọn lá mục ứ trên máng
xối, mấy trận mưa rồi nước ngấm sàn, nhỏ giọt lên giấc ngủ nửa đêm. Cú
rơi sau đó, mọi người đoán mẹ Tây chắc vì bất cẩn trật chân, lại rủi té
nhằm cái xác lu vỡ, mới chấn thương chí mạng. Giả thuyết ấy mạnh đến nỗi
có thể thổi bay vạt rừng, nhưng không yên ủi được Tây. “Biết đâu mẹ tự
nhảy xuống”, ý nghĩ đó gặm nhấm nó.
Có lần ý nghĩ vụt thành lời,
lúc Tây gom quần áo bỏ nhà đi. Nó có thể thấy cha mình giãy giụa thế nào
để phủi bỏ cái câu vừa nghe được, “ai dám chắc mẹ té là vì sơ sẩy ?”.
Chẳng ích gì, ý nghĩ ấy đã bám riết lấy ông như một ký sinh đói khát,
lây lan nhanh sang người đàn bà rùng mình bên máy giặt, và còn làm phiền
họ dài dài.
Chỗ Tây kẹt lại bây giờ, cao
hơn một chút so với mái nhà nó ngày xưa. Nhìn quanh không thấy khói,
không thấy người, chỉ có những tiếng động. Ngay bên vách, nghe tiếng rau
cháy xèo trong chảo mỡ, Tây không biết ai là người đứng bếp, mà giọng
chị Hằng vẫn giòn chuyện một con nợ dây dưa, “mai anh xách mã tấu dằn
mặt vợ chồng nó cho em”. Dưới kia một ông say lè nhè hát bậy gì mà mưa
thấm ướt cây dù mưa giá buốt con cu, hai đứa nhỏ ẩu đả giành võng, bà
già nào đó ho như bứng cổ họng đi, tiếng rít thuốc lào, bình luận viên
bóng đá hét lạc giọng vào không không vào.
Chắc là có nhiều âm thanh
cuộc đời vẳng lại lúc mẹ đứng trên máng xối, nhưng dưới mái nhà của mẹ
thì im phắc như nhà hoang. Phải có Tây và em gái, chỉ cần réo lên mẹ ơi
giày thể thao đâu rồi, mẹ ơi anh Hai giật tóc con, chắc gì mẹ đã rơi.
Tây nghĩ vậy, thấy người nặng
dần. Cảm giác như gờ che cửa sổ Tây đang ngồi sắp không đỡ nổi nó. Tây
từng làm phụ hồ nên nó biết, người ta hay phẩy tay bỏ qua việc dùng vỉ
sắt khi đúc bê tông tấm che. Họ còn không thèm hồ cho láng, vô phước
ngồi lên, mông in sâu những vết hằn.
Như Tây bây giờ. Cũng may cái áo dài quá nửa mông, nên lần vải cũng đỡ đần cho da thịt nó.
Nó đổi tư thế nằm ngửa, lấy
lưng làm điểm tựa cho đầu và chân, người oặt ngược, cúc cu bệ rạc ngỏng
lên trời. Ở thế nhìn ngược, nó ngó những mái nhà lô xô chẳng có chút
trật tự nào, giấu che những cuộc đời tầm thường, những vui buồn nhỏ mọn,
những bi hài kịch. Như chị Hằng vừa ngồi trong lòng Tây vừa cắt đậu bắp
nấu súp lươn cho chồng. Như mẹ Tây lần đầu lôi thằng con từ tiệm chơi
điện tử về, bà khóc rống lên sau mỗi nhát roi quất vào mông nó. Lúc đó
cha Tây ở đâu, nó không nhớ nổi. Có thể cha nó đi làm, ngồi nhà hàng
tiếp khách, hoặc công tác xa, hoặc có ở nhà cũng sẽ dắt xe đi, răng
nghiến sít cái câu quen thuộc, “tôi ớn cái thứ người hở tí là nước mắt,
thiệt, chán hết muốn về”.
Thường thì mỗi khi hồi tưởng
có nguy cơ thành lũ lụt trong đầu. Tây thường đánh lạc hướng chúng bằng
cách kiếm bạn xe ôm rủ nhậu, gọi cho vài cô gái quen qua sóng phát thanh
những chương trình kiểu như Nối vòng tay lớn, cũng có khi nó cứ tạt bừa
vào quán nước, coi nghệ sỹ tấu hài trên màn hình được phóng chiếu cực
lớn. Nhưng kẹt ở một độ cao gần ba mươi mét so với mặt đất, không biết
chừng nào có thể thoát được, Tây không cách nào chống đỡ được những ý
nghĩ sôi trào.
Mẹ bất cẩn rơi, hay đã vươn vai sảng khoái trước khi thả mình, đôi chân như cuống lá vừa khô?
Dưới sân, con nhỏ thừa nhiễm
sắc thể xuất hiện một lần nữa, nó cứ quay tròn cho chóng mặt rồi xỉu
dần. Một lúc thì thấm mệt, nó dạng tay dạng chân nằm phơi ra. Khoảng
cách giữa Tây và đứa nhỏ quá xa, nhưng Tây đoán nền trời nhiều mây đang
in vào cặp mắt hơi xếch, mí lộn lên.
Tiếng động trong nhà chị Hằng
nhỏ dần, mùi thức ăn cũng tan mất. Sau tiếng cười ré, người đàn bà thổn
thức đầy nhạc tính, dường như vợ chồng họ đã trườn lên giường. Giây
phút ấy nó cảm giác chị Hằng, những nóc nhà bên dưới, tiếng người, tổ
chim treo tòn teng trên cây gòn chết khô đằng ngã tư, mọi thứ đang ở rất
xa mình. Giờ phút này, Tây thuộc về một đám mây sũng nước lừ lừ di
chuyển tới, và sự tò mò ngộp thở, không biết cảm giác mẹ sao suốt dọc
đường rơi?
Chới với trong nỗi sợ, hay nhắm hờ mắt nghe gió mỏng dần?
Nguyễn Ngọc Tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét