Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2022

Kinh Tế Mới - Trần Yên Hòa

 Đạp xích lô - Hưng Việt - VIET Héritage Renaissance

Phục lên xe đò từ bến xe Thủ Dầu Một. Anh phải đạp xe qua một chặng đường dài từ khu kinh tế mới đến bến xe để về Sài gòn. Anh đã quyết tâm dứt bỏ cuộc sống ấy, cuộc sống chỉ lấy cái xẻng, cái cuốc, cái dao, cái rựa, làm vật dụng làm rẫy hằng ngày. Sáng chui vô rẫy, tối mịt mới mò từ rẫy về, anh chẳng biết trời trăng mây nước, tình hình cuộc sống, bạn bè ở thành phố gì cả. Nhưng bây giờ thì anh quyết định, phải thay đổi cuộc sống, phải về Sài Gòn, chứ không thể chui rúc trong xó rừng mãi như thế được. Và anh đã bàn cùng Nguyệt, vợ anh, anh sẽ về một mình trước, như chân rết, anh sẽ kiếm một chuyện gì đó để làm, nhờ bạn bè giới thiệu như đi làm thuê, làm mướn, đạp xích lô, ba gát, gì cũng được, miễn là xa được những đám rẫy um tùm cây lá, mà anh đã lặn ngụp cuộc đời ở đó suốt sáu năm. Nếu ổn định một tí, có công ăn việc làm, anh sẽ nhắn Nguyệt và hai con cùng về. 

<!>

Bến xe buổi trưa đông nghịt người, hành khách chen chúc vào mua vé, chen lấn ồn ào quá cở. Một thanh niên mặc áo bộ đội màu xanh lá cây, quần bò rách gối, đội nón cối, la cà đến bên Phục:

“- Anh về Sài Gòn hả, có vé đây, xe rộng, chỗ ngồi tốt, anh trả đúng giá vé, chỉ bồi dưỡng cho đàn em chút đỉnh.”

Phục nghĩ, bây giờ để xe đạp ở đây, chen vào mua vé, được tấm vé cũng bở hơi tai, mà ở đây ăn cắp như rươi, để xe đạp không khóa dễ mất như chơi, cái xe đạp là cái chân làm ăn của anh, mất nó là anh chết. Nghĩ thế nên anh hỏi lại người thanh niên:

“- Về Sài Gòn giá bao nhiêu?”

- “Vé năm ngàn, anh bồi dưỡng cho em năm trăm, công em dành chỗ.”

- “Thôi được, cho tôi một vé.”

Phục nhận chiếc vé co rúm nhăn nheo trên tay người cò, rồi bước lại chỗ hàng xe khách Thủ Dầu Một - Thành Phố... …đang nằm tại khu vực bến xe. Chiếc xe đạp được đưa lên nóc.

Phục bước lên xe, theo sau là một đám bán hàng rong lẽo đẽo mời chào. Nào bánh mì, trà đá, kẹo dừa, sách báo…. Khi ngồi yên vị, anh mới nhìn ra xa, bên ngoài cửa xe, nắng đã lên trên tận đỉnh đầu, đám người lố nhố phía bên dưới, cười nói, chửi thề, văng tục, đủ mọi thứ ngôn ngữ được phô diễn ở đây.

Thằng nhóc bán báo dạo ôm tập báo đến mời:

- “Anh mua báo đọc anh, mua giúp cho em, có nhiều tin mới nóng hổi…”

“- Cho tôi tờ Tuổi Trẻ”

“- Anh cho 2 đồng.”

Phục lấy tiền đưa cho thằng bé, anh dở tờ báo ra đọc những tít lớn: Nhà Máy Ximăng Hà Tiên đẩy mạnh công tác sản xuất. Đoàn thanh niên cộng sản tổ chức Đại Hội, Cướp giật ở Gò Vấp, cướp Tiệm vàng ở ngay thủ đô Hà Nội…. Anh lật qua trang trong, một tít nhỏ làm anh chú ý: Đại tướng Mỹ đến Hà Nội...…

Phục ngẫn ngơ. Sẽ có chuyện gì xãy ra cho số phận anh, số phận được sắp xếp bởi các thế lực. Ngày anh đi cải tạo, đường lối của chính quyền đương thời là lập nhiều khu kinh tế mới ở các vùng biên giới. Ở đó, các anh sẽ đến với gia đình để sống, tách rời với đám dân chúng, chính quyền sẽ dễ kiểm soát hơn. Những người đi cải tạo mấy chục năm ngoài bắc đã nói thế. Nhưng tình hình nay đã khác, chính sách cải tạo những sĩ quan, viên chức chế độ cũ bị nhiều áp lực của quốc tế, bắt buộc nhà cầm quyền phải thay đổi thái độ, thay đổi chính sách, đã cho về từng đợt,… chứ không thì số phận của anh cũng "mút chỉ cà tha".

Phục bỏ tờ báo xuống đùi. Anh buồn ngủ, đôi mắt nhắm lại. Ngủ một chút cho khoẻ người. Buổi sáng nay thức dậy sớm, khoảng năm giờ, Nguyệt cũng thức dậy sớm nấu cơm cho anh ăn. Trời còn tối mịt mùng ngoài kia.

Anh thấy Nguyệt lui cui dưới bếp, anh bước xuống ngồi bên vợ.

Nguyệt nói:

“- Anh sao không ngủ chút nữa. Còn sớm mà, khoảng bảy giờ anh đi thì vừa.”

Anh cầm cành củi chụm vào bếp:

- “Khoảng sáu giờ anh đi, đi sớm cho mát, đây đạp xe ra bến xe cũng một buổi.”

- “Đường sá xấu quá.”

Câu nói của Nguyệt làm hai người như trở về lại ngày tháng cũ, ngày tháng Phục xách gói đi trình diện. Nguyệt ở nhà trông chờ khoảng nửa năm. Buổi tối họp tổ dân phố có công an khu vực điều hành buổi họp.

Người công an khu vực tên Thụy chỉ mặt mấy người đàn bà:

- “Mấy chị hiện là vợ sĩ quan ngụy đang tập trung cải tạo, các chị muốn cho chồng mình về sớm thì hãy đăng ký đi kinh tế mới đi. Chúng tôi cam đoan với mấy chị là mấy chị ký vào đơn, ngày trước ngày sau là mấy ảnh sẽ về. Còn mấy chị ù lì không đi thì tôi trục xuất, thành phần mấy chị không được cư trú ở thành phố đâu.”

Gương mặt đó hầm hầm. Đám đàn bà lố nhố. Chị Kim Anh, vợ của đại uý trinh sát, chị Xuân, vợ của trung úy quân cảnh, chị Tân, vợ của trung úy truyền tin, chị Nguyệt, vợ của trung úy bộ binh. Mặt người đàn bà nào cũng căng ra. Đã nhiều lần họp tổ, chuyện xung phong đi kinh tế mới đã đươc nói đến, nhưng không gắt gao như lần này, lần này thì công an khu vực chịu trách nhiệm, phải đã thông tư tưởng của những gia đình trong diện ưu tiên đi kinh tế mới. Lệnh trên đã quyết.

Đó là những ngày đầu Nguyệt và hai đứa con, cùng đám vợ con sĩ quan lê thê lếch thếch đến vùng này, trên một chuyến xe vận tải. Nhà nào cũng chỉ còn lại đàn bà và trẻ con, đứa nào lớn nhất cũng khoảng mười tuổi là cùng.

Nguyệt mang hai đứa con đến đây, trước mắt là một đám rừng xanh ngút ngàn cây lá. Chiếc xe đổ đoàn người xuống, thất thơ thất thểu. Nguyệt dẫn hai con vào một cái nhà làm sẳn, cái chòi thì đúng hơn, do một toán thanh niên xung phong đã cất trước khi đoàn người đến.

Người trưởng đoàn vào nhà, nhìn Nguyệt đang ngơ ngác. Ông nói:

“- Đây là nơi chị sẽ làm ăn sinh sống, chị sẽ được nhận 6 tháng ăn, trong thời gian đó chị phải vào khu rừng phía trong kia, phát rẫy trồng tỉa hoa màu, sau sáu tháng, gia đình chị sẽ tự túc. Nhớ đó.”

Thế là Nguyệt gắn chặt đời sống vào mảnh đất nầy đã hơn mười năm. Từ ngày rời thành phố lên đây, Nguyệt vẫn mơ trở về Sài Gòn, Sài Gòn xa quá, chỉ còn trong trí tưởng.

Bốn năm sau Phục mới trở về, không như lời hứa của người công an khu vực là sẽ về ngay, khi các chị xung phong đi kinh tế mới. Từ ngày ra đi, Nguyệt chưa bao giờ gặp lại người công an đó để nhắc nhở về lời hứa trên. Bốn năm, đã biến Nguyệt thành một người đàn bà lam lũ. Nàng bắt đầu làm quen với cây rựa phát rẩy, cái cuốc đào hố trồng đậu xanh, đậu đen. Bốn năm, đã biến người đàn bà hai mươi lăm tuổi thành người đàn bà khoảng gần bốn mươi. Già, đen đúa, tay chân sần sùi. Nhưng nàng vẫn giữ lòng chờ đợi đến ngày Phục về.

Tháng thứ sáu là hết tiền cấp dưỡng, hết bo bo, hết khoai mì, hết gạo.

Nương rẫy thì bạt ngàn, nhưng ở đó chỉ có mọc hai loại cỏ là cỏ tranh và cỏ Mỹ. Với những cánh tay yếu ớt của người đàn bà thành phố như Nguyệt, đã vô cùng tuyệt vọng trước hoàn cảnh khốn cùng này.

Nhưng dù bò lếch, đói khổ, nàng cũng cắn răng được bốn năm.

Bốn năm.

Một buổi tối Phục gõ cửa bước vào với cái giỏ lác trên tay:

- “Anh đã về đây.”

- “Ba đã về đây.”

Hai vợ chồng cùng hai đứa con ôm nhau khóc mờ cả mắt.

Hôm đó Phục không uống rượu nhưng anh đã say khướt vì anh ăn quá nhiều những đọt măng non mà con Bích và thằng Hà vì đói quá, những ngày trước, đã mò vô rẫy tre bẻ về. Nguyệt bóc ra và luộc, chấm muối ăn dần. Cái say của đọt măng cũng làm anh ngây ngất choáng váng. Anh hôn lên mắt Nguyệt, ràn rụa những giọt nước mắt nóng hổi của đau khổ, thương yêu và hạnh phúc.

Phục ở trên kinh tế mới sáu năm. Ngày ngày, anh đi vào rẫy cùng Nguyệt. Sáu năm, bao nhiêu bước chân của anh đã đến, đã dãi nắng dầm mưa, nhưng cuối cùng nhà anh vẫn thiếu ăn, các con vẫn đói dài. Anh thất chí quá, nên bàn cùng Nguyệt:

“- Mình ở mãi đây không khá đâu em ơi, mình phải về Sài Gòn thôi. Những người đi kinh tế mới như mình bỏ đất bỏ đai đi hết, em không thấy sao?”

“- Thì anh tính sao tốt cho mình thì tính.”

- “Anh định là sẽ về trước dưới đó, anh có thằng bạn cùng tù, ở dưới đạp xích lô, nghề đó mà kiếm ăn khá hơn làm rẫy.”

“- Rồi sao nữa?”

- “Thì anh sẽ nhờ nó thuê cho anh chiếc xích lô, anh cố gắng chạy xe mấy tháng thử coi sao, ổn định rồi đưa em về.”

“- Cũng được, nhưng xa em, anh đừng léng phéng với ai nghe.”

“- Léng phéng với ai nữa đây. Em là nhất của anh mà.”

Nguyệt nghĩ mình cũng phải thoát ra. Khu kinh tế mới này người ta đã lục tục bỏ đi. Những lô đất chỉ còn trơ nhưng mái nhà xiêu vẹo, rách nát. Nguyệt sẽ dọn dẹp để chuẩn bị cho một cuộc sống khác.

Nguyệt gói mấy ký đậu xanh cho Phục đem xuống làm quà người bạn. Nấu cho anh nồi xôi gạo nếp mà mùa gặt năm trước Nguyệt còn để dành. Tất cả được bọc trong lá chuối.

Nguyệt nói:

- “Thôi anh chuẩn bị đi đi, kẻo mặt trời lên, nóng lắm.”

Phục nhìn quanh quất trong gian nhà, trời hãy còn sớm, không khí còn lạnh âm âm, hai đứa con còn ngủ say trong buồng. Anh thấy háo hức trong lòng, Phục kéo Nguyệt vào sát mình:

- “Em cho anh yêu em cái đi, cũng ba bốn tháng mới về. Xa em nhớ lắm”

Nguyệt cười lỏn lẽn:

- “Cái anh này, già đầu rồi mà còn ham.”

Hai người dìu nhau vào phòng trong, bước đi rón rén vì sợ hai đứa con thức giấc...

Và bây giờ thì Phục đang ngồi trên chuyến xe khách Thủ Dầu Một về Sài Gòn để kiếm đất sống.

Bên ngoài trời đang nắng gắt. Xe chạy theo Quốc lộ 13. Đoạn đường lồi lõm với những ổ gà và hục hang. Chiếc xe hàng chở những bao đựng mủ cao su xông lên mùi ngai ngái khó chịu. Hành khách là những bạn hàng đi buôn chuyến, thuốc lá, đậu xanh, gạo, rượu…, những mặt hàng thường nhật của cuộc sống. Ai cũng đi tìm miếng ăn.…

Khoảng một giờ sau thì chiếc xe đò cũ kỹ cũng hì hà hì hục tiến vô bến xe miền Đông. Bến xe này mới thành lập, di chuyển từ bến xe An Đông ra đây. Xe cộ toàn là những xe cũ trước bảy lăm còn lại được nhà nước thu mua và được đặt một cái tên chung là Công Ty Quốc Doanh Xe Khách. Những chiếc xe đậu hàng dài theo địa phương nơi đến được ghi như Hà Nội, Thanh Hoá, Vinh, Nghệ An, Đà Nẵng… hay gần hơn như Buôn Ma Thuột, Đắc lắc, Pleku, Đà Lạt, Dầu Tiếng, Lộc Ninh.

Phục xuống xe, anh nhìn dáo dát chung quanh, vẻ mặt ngây ngô. Thật ra, anh hơi choáng với khung cảnh này. Nó xô bồ lộn xộn. Vừa xuống xe, hàng chục chiếc xe ôm, xe đạp, xe honda bu quanh chào mời, hàng chục người buôn bán hàng rong chào mời. Có thể, anh đã bốn năm ở trong trại tập trung, hàng ngày tập họp đi lao động ngoài hiện trường, chiều về “vô chuồng” như một gia súc, không hơn không kém, rồi anh trở về với gia đình, đi kinh tế mới theo vợ con, anh trở thành một người nông dân thứ thiệt. Cái kim đồng hồ ấy chạy đã sáu năm, đều đều, tít tắc, tíc tắc, …đến bây giờ, khi anh mở mắt ra, con cái đã lớn, đã bắt đầu đi học thì không có trường trại, rồi đời sống bấp bênh, cây trái thất mùa… nên anh quýnh quáng, anh phải bỏ đất mà đi.

“- Không, tôi có xe đạp.”

Phục nói để trả lời hàng rào xe ôm chào mời. Anh đứng đợi. Người lơ đang mở dây thả xe đạp từ trên mui xuống cho anh. Phục nhận xe, anh leo lên yên rồi đạp thẳng ra cổng.

Phục đi thẳng đến nhà Chức, thằng bạn cùng ở tù chung nay đang hành nghề xích lô tại thành phố.

 

Trần Yên Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...