Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

Có Một Thời Như Thế - Trần Yên Hòa

Vận chuyển

Buổi tối Sài Gòn xuống thật nhẹ nhàng. Sài Gòn vẫn là Sài Gòn hoa lệ của bao nhiêu năm nay. Dù chế độ chính trị có thay đổi, con người có thay đổi, nhưng Sài Gòn ban đêm vẫn nõn nường, xa hoa và đài các. Đường phố vẫn rập rờn ánh đèn xanh đỏ, người xe qua lại vẫn tấp nập ồn ào, áo quần son phấn xênh xang.

Nhưng nhìn sâu hơn một chút, bên góc ghế công viên, bên lề đường vẫn còn bao con người lầm lủi, sống vất vưởng vì không tìm ra được miếng ăn, không có một mái nhà. Họ sống lê lếch trong các lều chợ, dưới hàng hiên, trên bãi cỏ, họ đi ăn xin, đi bán vé số, đánh giày, lượm bọc nilông, trong lúc trên đường xe cộ vẫn rộn ràng. Xe hơi nhà của các cán bộ, quan chức nhà nước, xe gắn máy với phân khối lớn của các cậu ấm cô chiêu. Đủ loại. Đủ cở. Chạy rập ràng luồng lách trên phố đông nghịt người.

<!>

Phục ít chạy xe buổi tối, chỉ có khi nào Chức nghỉ, anh thấy để xe không uổng phí đi, nên anh chạy thêm. Chạy ban ngày rồi mà chạy thêm buổi tối nữa thật là “bở hơi tai”. Nhưng anh phải cố gắng.

Đã hai tháng trôi qua, hồ sơ vẫn nằm yên trong tủ. Hai tháng, mỗi tháng anh để dành một trăm rưởi, như vậy là anh vừa dư ba trăm. Còn một tháng nữa anh cố gắng để dành thêm hai trăm, để đủ năm trăm, anh sẽ ra phường nộp đơn, cái cửa ngõ đầu tiên phải mở, phải hanh thông, thì những cửa sau mới tiếp tục được.

Cho nên Phục cố ráng sức mà chạy xe thêm. Như hôm nay, buổi sáng, Chức nói:

- Buổi chiều tau có công chuyện, nghỉ chạy xe, mày muốn lấy xe chạy thêm thì chạy.”

Phục đồng ý ngay và mừng thầm trong bụng, ít ra buổi tối anh chạy thêm kiếm mấy chục ngàn nữa.

Xe chạy trên đường lên Hòa Hưng, đến đường Tô Hiến Thành. Phục phân vân không biết nên chạy thẳng hay quẹo đây. Anh chợt nghĩ, đường Cách Mạng Tháng Tám lên ngõ ông Tạ đông đúc người lắm, nên anh quẹo theo hướng đường Tô Hiến Thành để lên Chợ Lớn. Anh chạy lơn tơn, lơ ngơ ngó hai bên đường mà không có khách nào gọi xe.

Trong mấy lùm cây rậm ven đường, gần trường Đại Học Bách Khoa, mấy “chị em ta” đứng trong bóng đêm trông thật ủ rủ, buồn thảm, kiếp gái ăn sương thời đại nào, chế độ nào cũng buồn tẻ như vậy.

Phục đạp xe lên một chút nữa, quán Bụi Hồng nằm bên kia đường, lấp vào trong một góc khuất. Anh chợt nhớ đến Tiên Phước, người đàn bà cùng quê mà anh đã chở đi trên xe cách đây hai tháng. Anh nhớ cái dáng dấp thiếu phụ đầy lửa tình, dáng dấp mà ngày xưa, hồi còn đi học anh đã ngẩn ngơ. Cuộc đời biển dâu quá đổi, mới ngày nào người đàn bà đó là vợ một sĩ quan cấp tá, lên xe xuống ngựa, quần là áo lược. Qua cơn biến động đổi đời, nàng đã trở thành một con người khác, là chủ quán bia ôm, dưới tay nàng có hàng tá em út.

Nhưng dù thế nào, anh cũng nghĩ đến Tiên Phước bằng một hình ảnh đẹp của những ngày tháng cũ, anh mơ hồ thấy bên trong người đàn bà này có những u tình. Tự dưng, anh dừng xe lại và có ý muốn vào thăm.

Anh đưa xe lên lề. Quán Bụi Hồng buổi tối bắt đầu tấp nập, các em áo quần xênh xang, hở rốn, hở ngực, son phấn diêm dúa, đứng ra ngoài tay ngoắc miệng mời những khách đi qua đường.

Phục bước vào bên trong, căn phòng tối âm u, một số bàn đã có khách, họ đang uống rượu, cười nói nhã nhớt với các em. Những cảnh này, Phục chưa thấy bao giờ. Với một người chân chất như anh, anh chỉ biết làm ra đồng tiền bằng mồ hôi hoặc trí óc, nhưng anh cũng biết đây là nơi ăn chơi của những tay đàn ông có tiền.

Anh hỏi một cô tiếp viên:

- Cho tôi gặp cô Tiên Phước.”

Cô tiếp viên bận cái đầm ngắn đến háng, áo sát nách để một mảng ngực nhễ nhại, nhìn anh khắp lược, rồi hỏi lại anh:

- Cô Phước kêu chú lại chở cô đi công chuyện phải hông?”

Phục nhận đại cho qua chuyện:

- Ừ.”

- Chú đứng đó đợi đi, để tôi gọi cô.”

Phục nhìn quanh quất trong quán, cảnh trí gợi tình hết biết, bàn nhậu nào cũng có em út ngồi rót bia rượu, phục dịch cho khách, khách đã say, quờ quạng sờ mó, các em cười nói đã đớt. Phục nghĩ, mình chỉ cần một bàn nhậu như thế này là có thể đủ để làm giấy tờ.

Tiên Phước từ trong đi ra, nàng bận áo quần chỉnh tề như sắp đi đâu, nhìn thấy Phục, suy nghĩ một lúc lâu, nàng mới nói:

- Anh Phục, anh mà em cứ tưởng ai, anh tìm em có chuyện gì không?”

- Tìm thăm thôi.”

- Thế anh đi xe gì đến đây vậy?”

- Thì đang chạy xích lô, đi ngang qua đây, nhớ đến em, vào xem thử.”

Tiên Phước nói ngay:

- Thế thì sẳn anh chở em đi xuống chỗ hôm trước chút, em có chút việc.”

- Đi thì đi.”

Hai người ra xe, Phục dắt xích lô ra đường, đợi cho Tiên Phước leo lên ngồi yên chỗ, anh đạp đi, rồi hỏi:

- Xuống chỗ hôm trước là chỗ dưới cầu Điện Biên Phủ, phải không?”

- Đúng rồi, xuống nhà con Bắc.”

Phục chỉ chở Tiên Phước có một lần cách đây cũng hai tháng, xuống chỗ ấy, nơi mà Phước gọi là nhờ làm cái giấy Chứng Minh Nhân Dân. Phục cứ nghĩ đây là một mối làm ăn của đám công an, đường dây có thể làm mọi thứ giấy tờ, trong lòng anh vẫn đinh ninh thế. Nhưng nay Phước lại nói một cái tên khác.

Phục ngạc nhiên hỏi lại:

- Bắc là ai vậy?”

- Thì nó là người chuyên môn làm giấy tờ giả, làm cò mối lái con lai, HO.”

Rồi Tiên Phước nói thêm:

- Em vừa về quê vô tuần này, em mua được cái Giấy Ra Trại của một ông cải tạo, ổng không đi nên bán, con Bắc dặn có đem xuống cho nó mua”

- Mua làm gì?”

- Anh này khờ, nó mua làm cho người khác đi, hốt bạc chớ làm chi.”

Phục thẩn thờ suy nghĩ, anh cũng ở vào dạng trên, không có tiền làm giấy tờ là một lao đao, khổ ải. Ở thành phố đã thế, huống hồ gì ở nhà quê, cơm hàng bữa ăn chưa no, lấy đâu ra mấy triệu đồng để làm giấy tờ, lại còn qua biết bao nhiêu cửa ải. Nhưng dầu sao, Phục vẫn tâm niệm với mình, phải đi, phải thoát khỏi ở đây. Ở đây, thì cái ách trên vai anh sẽ gánh suốt đời, dù chậm bao lâu anh cũng phải đi.

Phục hỏi lại Tiên Phước:

- Một cái Giấy Ra Trại giá bao nhiêu?”

- Con Bắc dặn em một cây rưởi.”

- Em mua bao nhiêu?”

- Em phải lặn lội lên vùng núi cao, đi mất hai ngày trời, em mua một cây.”

- Thế cũng được.”

Hai người im lặng. Phục nghĩ đến những người bạn của mình, đã bị mấy năm tập trung, nay ra tù có dịp đi Mỹ mà không đi được, bán cái Giấy Ra Trại chỉ có cây vàng. Sao cuộc đời đánh đổi rẻ thế kia.

Còn Tiên Phước, nàng nghĩ đến những ngày vất vã đã qua, những ngày về sống với ông Tiến, làm người vợ hờ trên danh nghĩa, để tìm đường đi. Cuộc sống bon chen quá làm nàng mệt mõi, mệt mõi cũng phải gắng sức để đi đến chặng cuối. Chặng cuối là chặng nào nàng cũng chưa hiểu được, chưa biết được, có thể là đến Mỹ, hay sẽ là ngày nàng nằm xuống, nhắm mắt lìa đời.

Quanh đi quẫn lại, cuộc đời là gì, như bây giờ, nàng là chủ quán bia ôm, Phục là phu xích lô, cuộc đời đã đổi thay quá mức, trong giấc mơ của thuở thiếu thời, chắc chẳng bao giờ có cảnh này. Nhưng thôi, cuộc sống, đã sống, là cam chịu.

Phục hỏi:

- Tiên Phước mới ở quê vô?”

- Dạ, em về ngoài đó hai tuần.”

- Vui hông?”

- Vui gì anh, quê mình xơ rơ xác rác, ai cũng nghèo, thấy mà thương.”

- Em có qua ngôi trường cũ không?”

- Có chứ anh, nhưng trường đã đổi tên rồi.”

Phục nhớ đến ngôi trường ấy, ngôi trường tuổi thơ anh đã học, Tiên Phước đã học. Con đường ấy, “con đường tình sử” của học trò tỉnh nhỏ, mỗi buổi chiều mùa đông có đàn sáo rừng đậu trên cây đa cổ thụ trước sân trường. Bây giờ trường đã đổi tên.

Nói đến ngôi trường, tự nhiên Tiên Phước thấy lòng mình dạt dào nhớ về những ngày tháng nữ sinh. Nàng yêu ai ngày đó, có phải là Phục không? Phục là xa vời, Phục là mộng tưởng. Người nam sinh đệ nhất ấy đã làm lòng nàng xao xuyến và nhiều cô nữ sinh xao xuyến. Bây giờ anh chỉ còn lại là một thân xác còm cõi, đạp xích lô kiếm ăn từng bữa. Nàng thấy lòng mình gợn lên những xót thương.

- Hồ sơ anh đến đâu rồi?”

Phục giật mình. Anh quay lại hiện tại, anh để dành hai tháng được ba trăm ngàn, hiện Nguyệt đang giữ, anh đang “cày” cố sức để kiếm thêm hai trăm nữa, cho đủ sở hụi năm trăm, để ra công an chứng giấy, con đường đi đến Nguyễn Du, Nguyễn Trãi vẫn còn xa hun hút, nói chi đến Mỹ

Anh kể lể:

- Chưa đến đâu hết em à, chưa qua được cửa ải công an phường, cái giá cho công an phường là năm trăm ngàn, mà anh mới chạy xe để dành được đâu hơn ba trăm.”

Tiên Phước thấy Phục thật lòng kể ra với mình như vậy là một bày tỏ nỗi lòng của những người thân thiết với nhau. Nàng biết Phục có lòng tự trọng nên phải chịu mọi thua thiệt. Nàng vỗ về và an ủi:

- Thôi ráng chịu đựng đi anh. Em nghĩ mọi chuyện cũng êm xuôi thôi, đoạn đường còn dài. Phường chứng xong, anh phải lên phòng xuất nhập cảnh của quận nộp, một thời gian sau mới chuyển lên Nguyễn Du, còn nhiều chặng nữa, anh phải kiên trì chờ đợi.”

Phục vẫn biết thế, đường “ra đi” của anh còn dài ngút mắt.

Bỗng Tiên Phước nói:

- Anh Phục nè, em thấy anh có nhiều bạn bè là sĩ quan đi cải tạo về, mà vì một hoàn cảnh nào đó, họ không đi được hay họ không muốn đi, anh giới thiệu cho em, em đến mua lại Giấy Ra Trại. Em sẽ chia hoa hồng cho anh, như vậy anh lại khoẻ, vừa có tiền để làm giấy tờ, đở đạp xe mệt xác mà kiếm không được bao nhiêu.”

Câu gợi ý của Tiên Phươc khiến Phục nghĩ đến Hoan, đến Nghĩa, đến Mân, những thằng bạn trở về từ trại cải tạo, bây giờ ở đâu trên Phước Long, Xuyên Mộc, Dầu Tiếng. Một lần gặp thằng Nghĩa ở Thị Nghè, nó không muốn ra đi, nó nói, “tau sẽ sống ở đây và chết ở đây, tau không yêu gì chế độ này, nhưng tau còn cha mẹ già và đám con nhỏ nhít quá”. Hay là mình giới thiệu nó cho Phước, ít ra nó cũng kiếm được một chút tiền khi bán cái Giấy Ra Trại của nó.

Phục trả lời:

- Để anh tính thử coi, cũng có mấy người bạn, đã học tập về mà không có tiền để làm hồ sơ.”

Tiên Phước chợp ngay cơ hội:

- Anh cố đi hỏi thử coi, khi nào được cho em biết ngay nhe. Bây giờ Giấy Ra Trại có giá lắm. Em nói luôn với anh, anh giới thiệu được cho em, cứ mỗi Giấy Ra Trại em mua được, phần hoa hồng của anh là 2 chỉ. Tánh em vốn sòng phẳng, dù bạn bè, anh em, em cũng sòng phẳng, mất lòng trước được lòng sau.”

- Được rồi, anh sẽ tìm và nếu được, anh báo cho em liền.”

Xe chạy vào hẽm nhà Bắc. Phục dừng xe. Tiên Phước vừa bước xuống xe vừa nói:

- Anh đợi em ở đây đi, em vào khoảng nửa tiếng là em ra, anh neo xe lại chỗ kia nghỉ đi, chờ em chút nhé. Coi như đêm nay em bao xe anh mà.”

Phục trả lời:

- Được, em đi đi, anh đợi.”


Trần Yên Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...