*
I
Khởi đầu truyện Kiều, Nguyễn Du có hai từ Trăm năm // trăm năm trong cõi người ta.
Đây là thời gian vòng rào. Đời người ít ai ra khỏi. Mẹ sinh đỏ hỏn. Nằm
xuống, đất ăn hết trọi máu thịt. Chừa lại xương. Nhờ vậy, con cháu sau
này muốn cải táng mồ mả ông cố nội, may mà còn cái Để-Mà-Hốt. Hốt cốt.
Vì sao Đất chừa lại xương. Đất chê cứng? Như ta ăn xí quách chỉ
gặm phần thịt? Không phải. Đây là Đạo của Trời [thiên đạo] muốn lưu lại
cái dấu vết, mà đánh dấu phế hưng, thành hoại – do chính là cái mùi vị,
cái màu sắc trần gian trong tháng ngày lưu ngụ ấy – kể cả dấu vết con
khủng long hay một bạo chúa.
<!>
Kinh Thi cùng có hai từ Bách tuế. Bách tuế quy vu kỳ thất //Trăm năm rồi cũng về nhà. Đi đi về về. Có khác, là mình ra đi kiếp này, kiếp sau cũng là mình, nhưng Một Dạng khác trở về. /Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Kiếp sau? tôi cây thông đứng – tôi người lá reo.
Nguyễn Thụy Long qua đời đúng tuổi 71. Vậy là 71 năm trong cõi người ta, lưu lạc trong cái đời vừa cà chớn mà lắm bầm dập, bây giờ Long may mắn Trở Về. Hãy bình yên đi con, Mẹ đây.
° °
Chết? chuyện cũng bình thường. Ai cũng lận sẵn trong
đời mình một cái chết như cái ví đựng tiền. Như sau một cơn say, trong
lơ mơ ta nằm ngủ, rồi ngủ luôn. Nhưng sao mỗi lần nghe tin một người
thân quen vội bỏ đi ta ngậm ngùi.
Căn nhà Nguyễn Thụy Long, nơi đang quàn cái “va li gỗ có người
ngủ ở trỏng”, mấy mươi năm ủ dột. Mưa có rơi thì rơi…thẳng xuống nền
nhà. Mấy tháng nay vợ con có chút tiền sửa sang lại khang trang, tường
màu xanh nhạt, trần nhà thoáng rộng, cửa ngõ đẹp ra. Thì Long bỏ đi.
Anh này chừng như kỵ cái nhà cao cửa rộng, không ưa cái sự thảnh
thơi giàu có, ghét cái bàn viết có trải cái khăn bàn tươm tất. Thằng
chả cực khổ long đong suốt một đời. Sống qua hai chế độ, đều đi tù. Quốc
gia bắt khơi khơi, giam gần một năm rồi thả. Xã hội chủ nghĩa bắt giam
kỹ lưỡng. Khi bước vào cổng tù với 60 ký lô tay chơn mặt mũi. Ra tù còn
39 ký xương.
II
Tôi quen Nguyễn Thụy Long từ văn phòng báo Sống của Nhà văn Chu
Tử, một nhật báo rất nhiều độc giả, quy tụ nhiều nhà văn nhà báo tầm cỡ,
khuynh hướng chống Cộng, thời Đệ Nhị Cộng Hòa [Đệ Nhất là thời Tổng
thống Ngô Đình Diệm 1955-1963]. Thời gian sau, báo Sống bị… chết, do thủ
tướng Trần văn Hương đóng cửa. Chu Tử tiếp tục chủ trương tuần báo Đời,
rồi nhật báo Sóng Thần, do nhà văn Trùng Dương đứng tên Chủ nhiệm.
Tuần báo Đời do Họa sĩ Đằng Giao trình bày bìa lẫn ruột. Phụ
trách tòa soạn là Nhà thơ Đỗ Quý Toàn. Ông này đặc biệt thông minh, dí
dỏm; quen nhau từ bao đời tôi chỉ thấy Đỗ Quý Toàn cười thân thiện, chưa
một sự cau có giận dỗi ai.
Suốt trong thời gian tuần báo Đời hiện hữu, từ số đầu tới số tắt
thở, đều có truyện của tôi và Nguyễn Thụy Long đi song song. Tôi có
những truyện dài Luống Cải Vàng, Bến Dòng Nước Biếc, Bến Mưa Ngâu, thì
Long có Ruồi Xanh v..v..Văn phòng hai chúng tôi hoàn toàn khác nhau. Có
lẽ, do chính chỗ này mà ông Chu Tử muốn duy trì hai đặc trưng trên báo
của mình.
° °
Người Bắc, tôi nói bà con di cư 54 [xin lỗi, ví von
hơi cờ bạc một chút là Bắc chín nút] hầu hết là những con người của văn
hóa, của lịch sự, tế nhị, biết giữ niềm riêng tự trong đáy lòng. Nguyễn
Thụy Long thì ruột ngựa, có chi nói huỵch toẹt ra, như chị hàng xóm nam
bộ.
Sáng, đến cà phê trước tòa báo, có tiền trong túi là Long khoe
ngay, rồi bao ăn uống. Viết xong bài trả nợ cho báo, thì lái xe cùng
nhau đi gặp công chúa Tây Vực [hai mẹ con nhà này đẹp hết sẩy, mẹ gần
bốn mươi, con gái mười chín, đều là Nàng Kiều. Con ôm một chàng, mẹ nựng
một lão].
Khi Long rỗng túi thì biết ngay: “Mẹ, con mụ vợ lột ráo rồi, Biền đãi tôi nghe, cho mượn thêm mấy chục.”
Có lẽ, từ cái tính tình này mà đời Nguyễn Thụy Long trải qua gai
góc gì thì anh viết ngay, kể ra như nhật ký đời mình. Cách kể chuyện
của Long thật tình, bộc trực, không văn hoa rào đón. Anh như sống qua,
viết vội. Không nuôi chất liệu cho nó chín, biến dạng, đến huyền, hư, để
có một loại ngôn ngữ ngoài-xác-chữ, đa nghĩa, cấu trúc truyện nhiều
tầng.
Nhưng chính từ cái dễ tính trong cách viết, tận dụng nguyên liệu
thô này, truyện của Nguyễn Thụy Long có một độ hấp dẫn khác, trực tiếp,
ngay cái Bây giờ.
Văn của Long nóng, thực, keo đặc chất oan trái đời thường. Mà
đời thường, giữa cái xứ Rồng cũng biết mần tình. Mụ Tiên quỷ quái mang
tính trăn rắn chỉ đẻ ra toàn là trứng. Cái hoang mơ hoang đàng hoang mị
hoang mang đã bàng bạc rắc gieo từ đầu nguồn Sử Việt. Cái xứ này, xã hội
này, trải qua bất cứ một thứ chủ nghĩa huyênh hoang cứt đái nào, dân
đen của đời thường cũng chỉ là phận con lừa, kiếp tì nô.
III
Một chút đời tư. Vợ đầu của Nguyễn Thụy Long là người con gái
nuôi của nhà văn Chu Tử. Ông có hai cô gái nuôi, đều dễ nhìn. Người thứ
hai là vợ Nhà thơ Phan Nhự Thức, chủ tịch Hội đồng tỉnh Quảng Ngãi.
Sau 1975 hai người này đều mất vợ. Cả hai đều khổ cực và chết
thảm. Phan Nhự Thức 8 năm học tập về được bảo lãnh đi Mỹ, nhưng cái giấy
ra trại cán bộ ác nhơn để ngày 30-2, trong khi tháng Hai dù năm nhuận
cũng chỉ có 29 ngày. Bọn Mỹ nó cũng ngu, cứng nhắc chỗ không đáng, thiếu
cảm thông. Bọn Mỹ khùng, có thể đào một con đường để cứu một con chó,
mà bỏ lại môt con người trên bãi cháy, không lối thoát.
Thức bị bỏ lại. Thức chết vì ung thư cần cổ. Chết mau như quả chín, có mấy ngày đã đầy sâu trong ruột mềm. Sống giữa thành phố đẹp-nhất-tên-người, mà anh chết trong một căn nhà lá, nhà không điện, con trai duy nhất mới bảy tuổi ngu ngơ, bè bạn hùn nhau mua quan tài.
Theo Nguyễn Thụy Long thì người vợ đầu bỏ anh, anh bị lấy nhà,
và “Nàng đuổi tớ đi.” Long có người vợ thứ hai, thêm hai cô con gái. Hai
đời vợ, chỉ bốn cô con gái. Các cháu này rất ngoan. Long nói:
“Thế nào ông cũng kiếm một thằng cu. Lấy vài chục mụ vợ để lại một Cái Cu ông cũng tìm.”
Tôi bảo Long:
“Bốn cô con gái là hạnh phúc rồi. Thời buổi này con gái giúp đỡ
nuôi nấng cha mẹ, hiếu đạo hơn con trai rất nhiều. Bọn con trai đa phần
là tòng …âm hộ, mà bỏ quên cha mẹ.”
Người vợ thứ ba của Nguyễn Thụy Long chính là người kham khổ
nuôi nấng anh trong những ngày bệnh hoạn cuối đời, là người góa phụ khăn
tang đứng rũ bên quan tài Long, lúc chúng tôi mang vòng hoa phúng điếu
đến. Cháu gái út, và cậu con trai duy nhất, khăn tang đứng hai bên quan
tài cha.
Hình như các cháu chưa hiểu rõ thế nào về cha của mình.
IV
Long với tôi có cái số viết cùng một tờ báo, rất lâu dài. Các
tờ, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Sống, Sống Chủ Nhật, Đời, Sóng Thần, Độc Lập,
Đông Phương…
Sàigòn xưa [trước 1975 nay là …xưa rồi], có một cái vui là có
những con đường nhiều nhà in, các tòa soạn báo nằm gần nhau. Có tòa soạn
báo là có quán rượu, quán cà phê. Anh em tạt qua tạt về cũng tiện, rất
gần gũi. Thời này tôi thấy rất hiếm anh em làm văn nghệ mà viết báo chửi
bới nhau, trừ những trường hợp trái cựa về chính kiến Quốc-Cộng.
Chỉ một quãng đường Phạm Ngũ Lão [nay là khu Tây Ba lô] trước
sau có tòa soạn Văn [Nguyễn Đình Vượng – Trần Phong Giao], tuần báo Nghệ
Thuật, Khởi Hành [hai tờ này do nhà văn Mai Thảo và nhà thơ Viên Linh
đứng đầu], nhật báo Hòa Bình [Linh mục Trần Du]. Nhà báo Đinh Từ Thức
cực kỳ nổi tiếng ở báo này qua bút hiệu Sức Mấy, với mục “phim” hằng
ngày, ngay trang nhất.
Trên đường Võ Tánh [nay là Nguyễn Trãi] có nhiều nhà in [có Quế
Sơn Võ Tánh chuyên in tác phẩm Bùi Giáng], nhiều tòa soạn báo kế cận
nhau. Trước kia có nhật báo Tự Do [Phạm Việt Tuyền, Nguyễn Hoạt, Hà
Thượng Nhân…báo này ngưng hoạt động sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ
1963], tòa soạn Độc Lập [chủ nhiệm Đinh văn Phát, Hoàng Châu thư ký tòa
soạn, báo này được thủ tướng Trần Thiện Khiêm ngầm tài trợ] nhật báo
Điện Tín [chủ nhiệm Hồng Sơn Đông cùng nhóm C.S nằm vùng, núp bóng Lực
lượng thứ ba Lý Chánh Trung, Huỳnh Bá Thành…] Nhật Báo Đông Phương [Chủ
nhiệm Bà Vân Sơn Phan Mỹ Trúc, Duy Thái thư ký tòa soạn – báo này có sự
giúp đỡ hữu hảo về tài chánh của tỷ phú Nguyễn Tấn Đời] nhật báo Sóng
Thần [Chu Tử, Trùng Dương - nhưng đóng phần quyết định mang tính chủ đạo
là Nhà báo Uyên Thao] nhật báo này chống Cộng triệt để.
° °
Làm báo thuở này hàng chóp bu ở trên [chủ nhiệm, thư
ký tòa soạn] thì cực nhọc lắm vì nhiều mặt trực diện phải đối phó [chiến
sự, lập trường chính trị, chính quyền, cộng sản, áp lực của thị trường
báo chí…] Hàng ký giả cũng phải chạy đó đây nhặt quơ tin tức, nhiều hiểm
nguy khi phải lấy tin chiến trận [Tết Mậu thân chẳng hạn, chết ngay
trong lòng phố]. Nhưng làm anh sáng tác văn, phóng sự, bút ký thì nhàn
nhã hơn. Có khi tưởng tượng ra chiến trường. Vẽ ra ma quái để thêm hấp
lực với độc giả.
Sáng ngồi cà phê viết bài. Chừng 11 giờ sáng là hết hạn giao bài
[nhật báo Sài gòn thuở ấy phát hành vào lúc 4 tới 5 giờ chiều, tùy báo;
giờ tan sở cuối ngày là có thể đọc biết tin chính sự, chiến sự 24 giờ
qua] Bài vở xong là lai rai thư thả. Cánh văn nghệ không lo xa. Rảnh
rỗi, nhưng không hề ngồi viết tiếp bài dự phòng cho ngày mai. Mai hẵn
hay. Báo Đông Phương có ngay bóng bàn tại lầu 1. Hòa Bình, Độc Lập thì
anh em tụ trên lầu với canh xì phé.
Nguyễn Thụy Long không ham bài bạc. Thỉnh thoảng vớ nửa tháng
lương, ngồi sòng một lúc, là “đ.m cho mượn ít tiền, ông cháy túi rồi.”
Long không sành âm nhạc. Không biết nhảy đầm. Anh lù đù cục mịch. Ăn mặc
đại khái. Nói dùi đục. Lại hay nổi cộc.
Một lần có người bạn cũ viết bài chửi anh. Anh chửi lại tàn
khốc. Chửi không chừa lại một con hẻm để hối hận. Tôi bảo Long nhịn đi.
“Thời buổi nhiễu nhương, lắm bóng tối, sự hiểu lầm là rất thường
xảy ra. Con người phải đường đầu với bao khó khăn tủi hờn, nên nhạy
chuyện chửi bới, một cách xả xú bắp, cũng là lẽ thường Long ạ.”
Long nói:
“Tôi khác, không có Lão Trang như ông. Nó đục mình mình đục
lại.” Tôi nói thật với Long, là trong vụ này Long cũng có cái sai, cái
lỗi.
V
Long có nhiều cái cũng làm tôi bất bình. Thậm chí có lúc Long đã thiếu cẩn trọng trong hành xử 1 Nhưng tự đầu chí cuối tôi vẫn xem những điểm “tạm chơi được”, cái tận tụy với nghề nghiệp ở Long, mà duy trì tình thân lâu dài.
Sống trong một Cõi người mà mỗi bao tử bị xé rách theo từng
miếng ăn, mỗi não thùy thường trực bị bắn phá nghìn tên độc tư tưởng;
một lịch sử trong dặm dài chinh chiến, phân ly, thảm đát; một xã hội mà
hoàn cảnh luôn đóng kín bóng tối của nghi kỵ, hiểu lầm, hờn oan; những
chân chính, sự lương thiện bị bôi bùn; những danh vị hào nhoáng, rỗng và
thối hoắc, trên cái bóng đổ của áp đặt, thời cơ, lạm quyền; nơi cửa ngõ
dễ dãi, lại vừa méo mó, của một lịch sử bị bách hại muôn chiều, liệu
con người có còn là “duy nhân ư tối linh.”
Hay chỉ là một hình nhân với nhiếu mặt nạ để thay nhau như y phục?
Tương truyền có một đại thi sĩ, một thời, ông có rất nhiều cái
lưỡi ướp trong tủ lạnh. Mỗi cái lưỡi dùng cho mỗi hoàn cảnh. Ở quán nước
với bè bạn, trong hội nghị ban chấp hành, lúc thân mật cũng vợ con, ông
dùng mỗi nơi mỗi loại lưỡi khác nhau. Trước 1975 và sau 1975, trong
chiến tranh và khi hòa bình, lúc trẻ rồi vế già, lúc hăng say trung
thành với lý tưởng và lúc nhìn lại sai lầm, trong hối tiếc cuối đời
những mảnh di cảo, là tùy vào mỗi cái lưỡi đã được nhuộm màu khác nhau.
Ông này là một thiên tài dùng lưỡi. Ông dùng cái lưỡi nào cũng đặng bổng
lộc, quyến rũ được người.
Sống trong một thời đại mà một con người tài năng phải triệt để
hạn chế, và tùy cơ ứng biến cách phát ngôn của mình. Chỉ vận dụng nó từ
đầu môi chót chót lưỡi đi ra. Không từ não thùy xuống. Chẳng thể từ trái
tim, cõi lòng vọng tới. Một cõi người bị bách hại bởi cái áp lực từ bên
ngoài và cái hèn yếu từ bên trong, ta có nên hờn oán họ? Ta khinh miệt
là ta phạm một sai lầm không hiểu lòng người?
Và ta cũng nên xem lại. Ta hèn tới mức nào. Đã xài bao nhiêu cái lưỡi, đã trở bộ bao nhiêu thế đứng trong đời. Đã cong lưng bao lần để lượm từng hạt-cát-cái-sống, khi thần chết, khi hoạn nạn to lớn bao trùm.
Chỉ còn một xử thế khá tiêu cực. Sống, không cần thương yêu ai
nhưng chẳng nên thù oán ai. Không giúp đỡ được ai, thì chẳng nỡ hãm hại
ai.Vậy tạm đủ.
VI
Nhàn rỗi, kể thêm câu chuyện này để hiểu thêm tính cách Nguyễn Thụy Long:
Khoảng 1970, trước khi tòa soạn Độc Lập chuyển về đường Võ Tánh,
nó nằm ở 54 Thủ Khoa Huân. Đối diện tòa soạn có quán cà phê Hoàng Hoa.
Nói là cà phê nhưng có đủ loại rượu xịn, món ăn tây tàu, ca ri ấn độ.
Quán chuyên bán ghi nợ. Cuối tháng lĩnh lương thì trả.
Một hôm tôi và Long ngồi trong quán Hoàng Hoa, trời mưa to. Long
nhìn ra trước tòa soạn thấy một xế bốn bánh màu đen, nằm đưới mưa trông
bóng loáng. Long cảm khái nói:
“Mẹ, trời mưa thế này đi honda chán quá. Tớ mà có được cái xế
đen bóng như thế, trèo vô, đóng cửa cái phụp, lái đi. Quý tộc cùng mình.
Tôi nhìn cái xế, rồi nhìn Long tôi nói:
“Xe của tao. Mua bán cho.”
Long ngạc nhiên:
“ Hôm trước thấy nó mốc thếch như con chuột chết kia mà.”
Tôi cười bảo:
“ Đúng. Nhưng hôm nay nhờ trời dội nước mưa, nó bóng bẩy, đẹp ra. Như con gái ở truồng tắm, có khác chi.”
Long vội vã:
“ Bán bao nhiêu?”
“ Tao mua của trung tá Vũ Đình Dậu 250 nghìn. Chán rồi. Bây giờ bán hai trăm. Thêm tiền mua xế khác.”
Tưởng đùa. Hóa ra Long vọt ngay lên tòa soạn năn nỉ thư ký tòa
soạn Hoàng Châu vay một mớ tiền để ứng trước cho tôi, rồi lấy xe cho
bằng được. Không có bằng lái xe cũng lái cho bằng được. Tôi chỉ dẫn cách
lái chỉ đúng vài tiếng đồng hồ. Chiều hôm Long bắt vợ con ngồi vào xe.
Vợ con run en. Long vi vút ra xa lộ suýt bị xe nhà binh Mỹ ủi chết cả
nhà.
VII
Tính cách của Long cũng dễ gần gũi. Không kiêu kỳ. Những năm đói
khổ, mỗi lẫn Long ghé nhà, vợ tôi thường nấu mấy củ khoai. Long ăn một
củ, nhai cả vỏ khoai. Tôi bảo nhai tiếp vài củ lót dạ để mà còn uống
rượu. Long nói để cho tụi nhỏ nó ăn với.
Tôi không hiểu vì sao vào cái thời khốn nạn, uống toàn cái thứ
rượu dỏm, quốc lủi, rượu cây lý, ông già chống gậy, rượu pha thuốc trừ
sâu, bia lên cơn, cái thứ bia bây giờ nghĩ lại thấy rùng mình [cha Hồ
Thành Đức, họa sĩ có biệt tài kể chuyện tiếu lâm đệ nhất nước, một dạo
mê cái thứ bia lên cơn này lắm] vậy mà bọn tôi không ung thư gan, không
toi cái mạng khi bao tử lúc nào cũng rỗng.
Bây giờ nhiều rượu bổ, đủ loại bia ngon, lại có thể lót dạ dăm
bông xúc xích, vậy mà nhiều anh em lăn đùng quy tiên, phần lớn là đột
quỵ, ung thư cần cổ, gan củ trướng, tiểu đường chuyển qua phá phách tim
mạch. Cha chả là buồn…Phan Nhự Thức, Đinh Hoàng Sa,Vương Thanh, Trần Hữu
Nghiễm, Nghiêu Đề, Chóe, Tôn Thất Văn, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Phan
Thịnh, A Khuê, Nguyễn Thụy Long…dọc dài những con người tài hoa, thân
ái.
Mà còn nữa. Danh sách bọn lũng nát gan phổi cần cổ vì thời thế.
Thời thế nó xúi dại cái thằng người hãy nốc bia – hay cả đời không một
giọt rượu bia cũng ung thư như ai – còn dài dài. Hôm qua Nhà báo Đặng
Ngọc Khoa từ Đà nẳng nhắn tin cho tôi : “ Báo cho anh Biền biết em có
một tin không vui. Em bị K. gan.”
Khoa ơi, làm sao biết lát nữa, hay khuya này, chính anh Biền đây
có thể đột quỵ ngã ra cái rầm. Thăng luôn không kịp cái ngáp sau cùng.
Đem chuyện chết sống ra giỡn chơi là thất lễ với đấng sinh
thành, vô đạo giữa trời đất. Nhưng nghiêm chỉnh cũng rứa thôi. Cũng
chết.
Quen rồi há?
Mỗi ngày, ngồi trước cái máy gõ gõ ba cái chuyện tầm phào gió
chìm mây tan trong trời đất, cứ nghĩ viết chưa xong, có khi mình chết.
Bỏ lại một bầy chữ tội nghiệp, nửa cái truyện dở dang.
Lại có khi nhớ cái lúc mê man, đau đớn sau cuộc giải phẫu khối
u, bác sĩ cắt bỏ đi non thước ruột. Thận Nhiên đến thăm. Nhiên lấy máy
hình nói em chụp anh tấm hình, hình này lạ. Cái người tôi bấy giờ như
một phi hành “da.” Cườm tay tôi mấy sợi dây, nào nối vào máy theo dõi
nhịp tim, cái đo bão hòa oxy, sợi lủng lẳng truyền nước biển; hai cái
ống nhựa thọc vào mũi, ống thọc vào miệng xuống bao tử, ống xoi ngay vô
bụng ngay chỗ mổ để lấy máu thừa sau ca mổ, một cái ống thọc con cu để
lấy nước tiểu, cái nối với trên, cái chảy quàng ra những cái bịch nhựa
trong suốt bên dưới. Màu nhợt của máu thừa sau khi mổ. Màu trắng đục của
mủ ung hôi, Màu vàng nước tiểu. Trên người tôi dây nhợ như nối từ đó
qua đây, từ kiếp nào sang kiếp này. Nghĩ lại, rùng mình. Mà vui cái vui
hoang dại. Mà rơi lưu lạc trong ngỡ ngàng. Chừng như mình đang ngồi viết
đây là Cái Hoang Liêu bước về từ Cõi chết.
Long cũng có tâm cảm như tôi một thời. Cũng đồng bệnh tiểu đường, cùng khối u, cùng cầm bút đứng ngay mép bờ tử sinh.
VIII
Nguyễn Thụy Long không phải loại nhà văn đọc nhiều. Kiến văn của
anh có giới hạn. Mấy mươi năm bạn lữ, ngồi trò chuyện với Long, không
cần thiết phải đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, không màng tới Tô Đông
Pha, Lý Hạ, Mạnh Hạo Nhiên, chẳng luận bàn về triết học, âm nhạc, không
phải nhắc tới Marc Chagall, Salvador Dali, Gauguin, hay Van Gogh,
Picasso. Nhưng ngồi bên cốc rượu, ly cà phê với Long cũng thú vị, vì
Long nhiều kinh nghiệm sống.
Anh từng lăn lóc với du côn du kề. Từng uống kinh nước đen thay
nước đun sôi để nguội. Từng bị nhọc nhằn tù tội. Cả gia đình [sau 1975]
đã từng sống trong chòi tranh vách lá, giữa một bãi ve chai hôi thối rác
rưởi…Ngay bản thân tôi đã cùng Nguyễn Thụy Long những ngày đói khó mang
cái bị lê lếch lề đường với đủ thứ nghề tạm bợ mong bầy con có chén
cháo qua ngày. Chúng tôi cũng đã từng xuống tận Cà mau làm công nhân xây
trại nuôi heo. “Công nhân” dành cho các nhà văn ngụy quân ngụy quyền
đích thị là anh thân-ái-cu-li.
Ngần ấy thực tế trong đời người nhà văn, đã cưu mang, đã thường
trực chịu đựng, tôi nghĩ đã hơn nghìn trang chữ chúng ta đọc trong sách
vở. Nghìn lần thiết thực hơn những khổ-đau-trừu-tượng chúng ta từng dán
mặt qua trang chữ lý luận triết học, tuy thâm sâu hoằng viễn, hay những
khung tiểu thuyết rực mà.
IX
Ba năm trước Nhà văn Nguyên Vũ về thăm. Chúng tôi ngồi ở quán
Phú Chiêm, đường Trần Bình Trọng Bình Thạnh, một quán rất đông khách vì
các món đặc sản Quảng Nam. Hôm ấy có Nhà thơ Vương Tân [Hồ Nam]. Chúng
tôi uống cũng quá nhiều. Nhưng lúc chia tay, Long bảo mình muốn về nhà
Biền. Tôi bảo về nhà, sẵn rượu, nốc thêm nữa có mà toi.
Nào ngờ lần ấy là lần cuối cùng Long đến thăm nhà tôi.
Uống dữ. Chiều tối, thay vì chở Long về nhà Long, tôi tưng tưng,
phổi phèo nó dữ dội, không cho phép ngưng đưa rượu chảy vào cần cổ. Thế
là tôi tức tốc chở Long ngược lại quán Phú Chiêm. Mần tiếp đợt ba.
Hai cái thân bệnh hoạn chứa máu liều. Hai thằng uống miên man,
tới hơn mười giờ khuya Long bỗng nhiên ngã một cái rầm xuống đất, nằm
bất tĩnh. Cái mặt vừa gầy ốm, vừa đen queo như da con ếch chiên dòn. Anh
Trần Hữu Phú chủ quán nói: “Các thầy ông nào cũng già cũng bệnh hoạn mà
uống kiểu này thì chôn không kịp. Đất nghĩa địa buổi này giá trên mây.”
Phú rất tốt bụng, anh chở Nguyễn Thụy Long về tận nhà. Tôi ngã xiêu ngã
tất hộ tống. Nào ngờ đây là lần cuối hai đứa tôi cụng ly, từ 10 giờ
sáng tới hơn 10 giờ đêm.
Uổng quá, không còn rượu là kể như toi đời.
Sau bửa đó, Long bỏ rượu. Vậy cái điều “Không có rượu thì toi đời” quả ứng nghiệm chăm phần chăm.
X
Hôm trước Tết này, tôi ghé thăm. Long đã gầy quá đỗi. Nhà nuôi
năm con chó. Chúng đồng ca đón khách vang trời đất. Nhà lại chật chội,
mấy con chó dễ thương cứ quanh quẩn dưới chân, quất quít Long. Chừng như
chúng linh cảm, đánh được mùi của cuộc từ biệt. Đời thu lại
những tiếng sủa. Âm vang đời là những chào đón đầy than phiền của những
con vật nuôi tình nghĩa. Con người nơi đâu? Con người đã vắng bóng người
sau mỗi khung cửa hẹp phận người.
Long yếu hẳn, nói trong cổ họng. Cứ chờ chó bớt sủa một chút thì
nói. Mà Long lại ham nói. Chừng như mong tâm sự với Biền cho xong. Rồi:
“Tớ đi đây.”
Một chặp, Long đứng dậy khập khiễng bước đi. Đi tiểu. Nhưng bước
không nổi, đành đứng ngay chỗ bậc cửa. Hai cái chân ống sậy, hai cành
tay như que khô run run vịn vào thành cửa. Phịt nước vàng.
Trông như một nhánh trúc gầy biết đái.
XI
Rồi bè bạn cũng đã tới lưa thưa. Những vòng hoa có hàng chữ Chia
Buồn, Kính Viếng. Quan tài Long mở nắp. Một cây gậy chống nghiêng nắp
với thành áo quan. Chắc là Long nằm chờ những cháu gái thân yêu từ nước
ngoài trở về nhìn mặt cha lần cuối.
Quan tài màu đỏ. Những hoa văn rực màu vàng. Hai màu đỏ-vàng đã
đẩy những phận người lênh đênh trên những bờ vực của hiểm nghèo, khổ
đau, tủi nhục, chết chóc trong bao năm.
Thôi, thế là ta thắp nhang. Nói lắp đôi điều tiễn đưa.
Có khóc cũng không cùng.
Cung Tích Biền
Lời ngoại chú
1 | Sau
khi Nguyễn Thụy Long qua đời, các ngành truyền thông, báo chí trong
nước giới hạn việc loan tin. Tuy nhiên trên báo Công an TPHCM số 1838 đề
ngày Thứ Ba 8-9-2009 nơi trang 13 có một bài viết nhan đề “Vĩnh biệt
Loan mắt nhung.” Bài này ký tên Lê Anh.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét