Mấy ngày qua, mạng xã hội như “lên đồng” trước hiện tượng có thật mà tựa giai thoại: một tổ chức ở Quảng Ninh đã tôn vinh một quý bà có bút danh Mimosa Tím là “Nhà thơ thế giới – Chủ tịch Hội đồng cấp cao liên minh các nhà thơ thế giới U.M.P – Phó chủ tịch liên minh những người bảo vệ các nhà thơ thế giới U.M.P – Chủ nhiệm nhiều CLB thơ trên thế giới và Việt Nam – Đại sứ trọn đời của Liên minh các nhà thơ thế giới U.M.P – Chủ tịch hội đồng kỉ luật cấp cao của Liên minh các nhà thơ thế giới”.
<!>
Nhiều tiếng nói đã kịp thời phân tích và đánh giá có lý có tình về hiện tượng trên. Và từ những ý kiến xác đáng này, tôi chợt nhận ra một điều khá nhức nhối, và đấy chính là cơ sở, là cái nền để từ đó xuất hiện cái hiện tượng văn hóa phải nói thẳng là kệch cỡm, lố bịch đang làm nóng dư luận: Sự lệch chuẩn và Loạn giá trị trong văn hóa thời mạt này thì ra đã tới hồi phải “SOS đỏ”, mà sự báo động về nó xuất hiện đã từ rất lâu rồi!
Thơ, hoặc Thẩn, nếu nó được làm ra để “tự sướng”, chỉ để làm nhiệm vụ giải trí cho cá nhân hoặc nịnh riêng một ai đó, thì ai dám/ nỡ/ thèm nói tới làm gì! Nhưng khi nó được một tổ chức đứng ra tô vẽ, quảng cáo, được Chính quyền cấp phép – ở đây là Sở Văn hóa (lại có logo của VOV, VTV) –, trưng ra hoành tráng cho bàn dân thiên hạ thấy rõ đó là chiêu trò “làm tiền” thô bỉ đối với người được “vinh danh” và đối với người được mời (hoặc mua vé vào xem), thì sự việc đã “hoàn nguyên” hết cái thực chất đáng buồn và đáng phẫn nộ của nó…
Sự việc này, về tầm cỡ mauvais goût – thị hiếu kém cỏi –, có thể so sánh với Biểu tượng “Trái tim lông” ở Bờ Hồ dạo nào, với hình ảnh chiếc búa liềm tựa một ngọn đao chực rơi xuống trái tim là hình con chim hạc tử thương trên một bức tượng đài ở Thanh Hóa mấy năm trước, với việc người ta mời một ông đạo diễn Mỹ chuyên làm phim thương mại thành công (theo nghĩa phim chỉ chăm chăm "móc túi tiền" người xem) làm “Đại sứ văn hóa”, rồi còn định dựng một con Kông khổng lồ – nhân vật chính của phim Kong: Skull Island (Kong: Đảo Đầu lâu) – bên Hồ Gươm, giữa Trái tim Thủ đô; còn về mức độ tàn phá các giá trị văn hóa đích thực và thiêng liêng của Dân tộc thì chẳng kém sự kiện người ta mở hội thảo quy mô tâng bốc một “nhà thơ Thiền” tự xưng là đã viết theo sự giáng bút của tiền nhân trên đỉnh mây Yên Tử, hoặc cả ngành văn hóa – điện ảnh một thời đã từng vô tình “chắp cánh” thực lộng lẫy cho ý đồ quảng bá tư tưởng Đại Hán của đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu bằng cách tôn vinh rầm rộ tác phẩm điện ảnh Anh Hùng và chương trình Olympic Bắc Kinh tại Hà Nội mà ông ta là đạo diễn chính! V.v.
Mấy thí dụ trên đều là những biểu hiện của Sự lệch chuẩn và Loạn giá trị, và thảm trạng đó, “hữu môi phi nhất nhật” – nuôi mầm không chỉ một ngày, sự xuất hiện câu chuyện bi hài “Nhà thơ Thế giới” kia chỉ là giọt nước làm đầy tràn cốc nước. Và “công trạng” to lớn nhất góp phần tạo ra thảm trạng này chính là thuộc về các nhà quản lý văn hóa & tư tưởng từ Trung ương tới địa phương!
Ở địa phương, từng có ông Giám đốc Sở Văn hóa Quảng Ninh dưới bút danh Thi Sảnh đã “múa bút” (và chịu trách nhiệm xuất bản) trong cuốn sách guide du lịch “Cõi thiêng Yên Tử” để cố tình đánh lừa độc giả – khách hành hương bằng cách bịa đặt ra một am Ngoạ Vân ngay tại Yên Tử, rồi đã được đàn em dốt nát bênh vực chí chết bằng cách phỉ báng các nhà văn, nhà sử học có uy tín đã vạch ra sự thật ( Ai đã bênh vực cho ông giám đốc Sở Văn Hóa dốt nát nói liều?
https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=23494).
Ở Trung ương thì tại chương trình long trọng của Đài Truyền hình quốc gia, cờ năm sao Tàu cộng và quốc ca của “nước lạ” đã từng xuất hiện, và mới đây nhất, ngay ở một trường Đại học danh tiếng giữa Thủ đô, người ta đã dung túng ra sao đó mà lá cờ “quen thuộc” với lũ tôn thờ kim tiền Đại Hán cũng đã tung bay trong tấm pano lớn kỷ niệm Đại lễ quốc gia, và “đường lưỡi bò 9 đoạn” đểu cáng đã từng nằm chình ình nhiều năm giữa Giáo trình chính thống của trường này (và trong cả sách giáo khoa cải cách dành cho trẻ nhỏ!)!…
Và nóng nhất của biểu hiện văn hóa giai đoạn mạt này là không biết sự quản lý ở Viện Hán Nôm thế nào mà nhiều cổ bản viết tay quý giá có hàng trăm năm tuổi tự dưng không cánh mà bay – chỉ có thể rơi vào tay bọn “cá mập” buôn cổ vật; như thế sự kiện “Nhà thơ Thế giới” kia xét ra chỉ là chuyện “con muỗi”, song cũng là sự nối dài của hiện trạng văn hóa Việt bị lũng đoạn thời mạt vận…
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Mới rồi, nghe người ta bàn tán xôn xao về những bài thơ của chị Tống Thu Ngân, không ít người chê thơ bốc mùi mắm nêm, ý nói mùi phản lại chất thơ. Tìm đọc, và đọc những bài bị dè bỉu nhất, lạ cái là, tôi gặp trong đó những tứ thơ khiến mình cảm động…
Tự đặt mình vào vị trí một người ăn giỗ dưới quê. Chủ nhà là thầy cô giáo dạy Văn, sống vui vẻ, giản dị, hiền lành. Đám giỗ tàn, trong lúc trà dư tửu hậu, tình cờ thấy trên kệ sách có quyển tập chép những bài thơ của cô giáo. Xin phép mở ra và đọc được bài thơ MỜI ANH THỊT LUỘC MẮM NÊM.
"Mời anh thịt luộc mắm nêm
Mời anh một bữa cho thêm đậm đà
Mắm nêm, mắm cá xay ra
Anh ăn không được sao mà thương em"
<!>
Những câu thơ mộc mạc, như câu nói dân dã quê nhà, vậy mà thành thơ, lại là thơ lục bát. Lục bát dân dã nhưng không hề vè, ba câu trên như một mâm đầy thức ăn quê hương, được bưng ra mời khách, được chuẩn bị sẵn để hạ xuống câu thứ tư
"Anh ăn không được sao mà thương em"
Người con trai thương cô gái quê. Cô gái đem món ngon nhất quê mình đãi anh. Dù không hợp khẩu vị, người con trai vì thương cô cũng chấp nhận. “Anh ăn không được sao mà thương em” phải chăng là lời cô gái kín đáo cám ơn tấm lòng chàng trai?
"Ngày mai em đi lấy chồng
Mời anh thịt luộc mà lòng quặn đau"
Không biết chuyện gì đã xảy ra tách lìa đôi lứa!
Trước khi lấy chồng, xin được mời anh bữa thịt luộc lần sau cuối để ngó anh ăn mà nước mắt em ướt đầm dạ!
Rồi ngày mai cũng tới
"Ngoài sông cá lội xôn xao
Trong nhà mâm quả, trầu cau chất đầy
Em đây còn rất thơ ngây
Trách anh sao trễ hẹn ngày cùng em"
Nhớ hồi trước, em đã trao anh tất cả mặn nồng của món ăn chân quê
"… Thịt luộc, mắm nêm
Đậm đà trao hết tình em với chàng"
Có phải hai câu trên ẩn ý rằng cô gái đã trao sự trinh trắng cho người thương? Dù phải, dù không, người đọc vẫn xúc động trước tình yêu hồn nhiên trong sáng của cô! Không một chút nghi ngờ người con trai, cô vẫn mong ước
"Anh về đã lỗi đường tơ
Cái duyên phu phụ xin chờ kiếp sau"
Bởi vì anh với em đã ăn thịt luộc chấm mắm nêm rồi, nên
"Chân quê tình nghĩa trước sau đong đầy"
Nhà văn Sơn Nam có truyện ngắn CON BẢY ĐƯA ĐÒ trong tập truyện Hương rừng Cà Mau.
Khi về già, con Bảy đưa đò được kêu là dì Bảy. Dì Bảy nói:
“Cái việc hò hát cũng như cái việc luộc thịt heo vậy. Ai làm cũng được. Cách thức dễ ợt. Nhưng mà công phu lắm.”
Công phu là làm sao? Là cần “một tấm lòng”!
Khi đọc bài thơ MỜI ANH THỊT LUỘC MẮM NÊM, bài viết nhớ tới truyện ngắn CON BẢY ĐƯA ĐÒ. Nhớ tới chớ không so sánh, vì trong truyện ngắn của mình Sơn Nam đã lồng trong cuộc đời cô gái đưa đò không khí mênh mang thời kháng chiến chống Pháp, và câu kết “cần một tấm lòng” gói cả tâm sự u hoài của kiếp người riêng, cũng của núi sông chung. Tống Thu Ngân thì chỉ viết về mối tình trai gái, thực thà như món ăn thịt luộc mắm nêm.
Bài thơ này có những câu khiến tôi rung động. Phải chăng bởi vì tôi nhìn bài thơ như một tiếng lòng chân quê trong hoàn cảnh ruộng vườn Lục Tỉnh? Bài thơ có thể khiến, trong một khoảnh khắc tâm tình nào đó hay giữa một khung cảnh nào đó, người ta cảm động. Với tôi vậy là đủ rồi! Vì thơ là để cảm…
Khi đọc và cảm bài thơ MỜI ANH THỊT LUỘC MẮM NÊM, tôi không quan tâm tới các danh xưng của tác giả tại sự kiện “Lễ hội doanh nhân – Thương hiệu vàng đất Việt – Lãnh đạo tiêu biểu Việt Nam”. Đó là một đề tài khác, được tôi tách biệt với đề tài cảm thơ, bình thơ!
Tác giả Tống Thu Ngân có khá nhiều bài khiến nhàm chán vì cùng chủ đề và tứ thơ thì lặp đi lặp lại. Không ít bài dễ dãi. Có hề chi, bài nào không cảm thì lướt qua. Chịu khó đọc, tôi gặp những câu khiến mình bâng khuâng nhớ một thời xóm làng, cá sông, rau vườn, nắng đọt cây… Và những tình yêu bắt đầu từ lát xoài xanh chấm nước mắm đường dưới tàn cây rợp nắng, từ thịt ba chỉ luộc cuộn rau sống chấm mắm cá trèn với cơm gạo Nàng Hương…
Thiệt lòng, tôi hơi tiếc cho tác giả. Nếu thay vì mặc chiếc áo sặc sỡ của các danh xưng kia, chị mặc chiếc áo bà ba hay áo dài…
Lê Học Lãnh Vân
Ngày 29 tháng 12 năm 2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét